Cuộc đấu tranh của các chiến sĩ yêu nước, cách mạng trong nhà tù đế quốc là một mặt trận đặc biệt, không cân sức và vô cùng gian khổ, cái sống và cái chết chỉ là gang tấc, nhưng các chiến sĩ vẫn vô cùng lạc quan, luôn trung thành với Tổ quốc. Tổ chức tốt cuộc sống trong tù, biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng là một thành công lớn.
Biến nhà tù thành trường học cách mạng |
Biến cái rủi thành cái may, các đồng chí ta đã lợi dụng những ngày tháng ở tù để hội họp và học tập lý luận. Một lần nữa, việc đó lại chứng tỏ rằng chính sách khủng bố cực kỳ dã man của kẻ thù chẳng những không ngăn được bước tiến của cách mạng, mà trái lại nó đã trở nên một thứ lửa thử vàng, nó rèn luyện cho người cách mạng càng thêm cứng rắn. Mà kết quả là cách mạng đã thắng, đế quốc đã thua (Chủ tịch Hồ Chí Minh - nói chuyện trong buổi lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, năm 1960). |
Văn học Việt Nam có một mảng viết về cuộc đấu tranh của các chiến sĩ cách mạng trong nhà tù thực dân, đế quốc. Đặc biệt là các tác phẩm, bài báo, bài thơ được sáng tác bởi các chiến sĩ cách mạng khi bị địch bắt giam giữ trong các nhà tù như: Nhật ký trong tù của Hồ Chủ tịch viết trong thời gian Người bị bắt giam tại các nhà tù của chính quyền Tưởng Giới Thạch; Chủ bút tờ Hòn Cau và Tiếng sóng bể tại Nhà tù Côn Đảo hay tờ Suối reo tại Nhà tù Sơn La là đồng chí Trần Huy Liệu...
Phần trưng bày về đồng chí Nguyễn Đức Cảnh |
Còn trong Nhà tù Hỏa Lò, các đồng chí Trường Chinh với bút danh Sóng Hồng đã viết bài thơ Tin tưởng; đồng chí Trần Huy Liệu với bài thơ Tiễn bạn ra tù; Đồng chí Xuân Thủy với bài thơ Không giam được trí óc... Trước ngày bị địch đưa đi hành quyết bằng máy chém, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh còn kịp viết bài thơ Tạ từ, như một lời tạm biệt và nhắn gửi tới người mẹ kính yêu của mình nơi quê nhà: Xin mẹ hãy yên lòng vì con đã nguyện hy sinh thân mình cho Tổ quốc.
Xin được giới thiệu bài thơ Tạ từ của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh:
Lọt cửa sổ gió đông hiu hắt,
Ván xà lim lạnh ngắt như đồng!
Não nùng cho khách anh hùng,
Mơ màng thầm mộng tới mong quê nhà
Xót tình con trẻ mẹ già.
Tấm lòng thương nhớ biết là có nguôi!
Chốc đà bảy, tám năm trời!
Huyên đường nay đã da mồi tóc sương!
Một mình trằn trọc canh trường,
Nát lòng muôn việc giữa đường chưa xong!
Ngổn ngang trăm mối bên lòng,
Xông pha giông tố chỉ mong độ về.
Hồn còn mang nặng lời thề,
Nát thân chưa dễ đền nghì trời mây!
Tạ từ vĩnh quyết từ nay,
Cúi xin từ mẫu chóng khuây nỗi buồn!
(Nguyễn Đức Cảnh, viết tại Nhà tù Hỏa Lò, 1932)