Văn hóa nghệ thuật

Nói đi, di sản

Sỹ Hiếu
Văn hóa nghệ thuật
06:00 | 29/10/2024
Baovannghe.vn- Toạ đàm “Hà Nội thời bao cấp: Kí ức qua di sản kiến trúc” diễn ra vào ngày 11/10 vừa qua góp thêm một tiếng nói đúng mực vào công cuộc nhìn nhận những di sản của một giai đoạn.
aa

Hà Nội vẫn luôn là một trong những thành phố dành được sự ưu ái từ công chúng. Nhất là những độ thu về, Hà Nội lại được dịp “man mác”, “se se dịu dàng” qua những bài viết, tấm hình. Chiếm một diện không gian khá lớn, ngày ngày ở đó nhìn dòng người lướt qua, các công trình - hay di sản - kiến trúc thời bao cấp lại chẳng nhận được chút đoái hoài là bao từ công chúng. Thậm chí, theo KTS Vũ Hiệp, trong địa hạt nghiên cứu, những công trình viết về kiến trúc các thời kì khác, nhất là thời Pháp thuộc thì rất nhiều, còn về thời bao cấp thì còn manh mún và chưa có tính khái quát.

Nói đi, di sản
(Từ phải sang) PGS.TS Nguyễn Văn Huy, KTS, TS Trần Thanh Bình, KTS Vũ Hiệp. Ảnh: nguoihanoi

Di sản kiến trúc gắn với thực tại (đời sống) công cộng

Với mong muốn bước đầu nhìn nhận những di sản kiến trúc kể trên một cách hệ thống, KTS Vũ Hiệp tiếp tục với những chia sẻ tổng quan về kiến trúc thời kì này. Theo đó, có thể phân kì sự phát triển của kiến trúc thời này là ba chặng: 1954 - 1965 với phong cách xã hội chủ nghĩa tiền kì sau khi tiếp quản Thủ đô tiến hành xây dựng các công trình thể hiện những giá trị của xã hội mới; 1965 - 1972 là giai đoạn Mĩ ném bom phá hoại, rất ít công trình được xây dựng; 1973 - 1986 sau hiệp định Paris với công cuộc tái thiết đất nước, kiến trúc xã hội chủ nghĩa phát triển đỉnh cao. Về thể loại, có ba kiểu dạng chính là Công trình công cộng, Công trình công nghiệp, Khu tập thể. Mỗi giai đoạn, thể loại gắn bó chặt chẽ với tình thế xã hội, phản ánh sự phát triển, ý chí thời đại lúc bấy giờ.

Xoáy sâu vào khối kiến trúc thời kì bao cấp (1975 - 1986), KTS, TS Trần Thanh Bình, dưới góc nhìn của người tự tay thiết kế các công trình kiến trúc bao cấp tiêu biểu, đã có những phân tích về bối cảnh đất nước, những ảnh hưởng chính, điều kiện và phương châm thiết kế lúc bấy giờ. Theo đó, nền tảng tinh thần giúp cho kiểu kiến trúc đó thịnh hành là bởi đất nước đã hoàn toàn giải phóng, toàn quốc mang tâm thế người chiến thắng; đồng thời, kinh tế thời đó còn khó khăn, lại thêm bao vây cấm vận. Các công trình kiến trúc thời đó chịu ảnh hưởng chủ yếu từ kiến trúc Liên Xô và Đông Âu, kiến trúc miền Nam trước 1975, và từ những bước đầu hội nhập. Cũng bởi eo hẹp kinh tế, điều kiện thiết kế với kinh phí và tiêu chuẩn thiết kế thấp, phương châm thiết kế được quy định là Thích dụng, bền vững, kinh tế, đẹp (mĩ quan) trong điều kiện có thể.

Dẫu nhiều khó khăn là vậy, kiểu kiến trúc thời kì này vẫn đạt được nhiều thành tựu đáng kể (và đáng nể) nhờ vào bước tiến quy hoạch và đô thị hoá. Về kiến trúc nhà ở, kiểu kiến trúc này đánh dấu sự đoạn tuyệt với nhà ở “kí túc xá” và “công xã”, chuyển hẳn sang mô hình căn hộ khép kín. Đây cũng là lúc các mẫu nhà lắp ghép với các cấu trúc căn hộ mới đạt tới đỉnh cao. Đặc biệt là về kiến trúc công cộng, thời kì này đã xuất hiện nhiều công trình quy mô, đa dạng và phong phú về phong cách, thể loại, tích cực tìm kiếm ngôn ngữ mới, nhờ sự gia tăng của lực lượng thiết kế. Những công trình ấy cũng đóng góp vào tiến trình vận động của kiến trúc bao cấp với sự hướng tới phong cách hiện đại bản địa, cùng với đó là những giải pháp, kĩ thuật xây dựng, vật liệu được nâng cao, cải biến.

Những dấu ấn đó đọng lại qua các (cụm) công trình do KTS, TS Trần Thanh Bình đảm nhiệm như: Trụ sở Bộ Giáo dục và Đào tạo, Viện Công nghệ xạ hiếm, Viện Công nghiệp thực phẩm, Nhà học Trường Đại học Giao thông sắt bộ (đường sắt và đường bộ), Nhà ở Viện Nghiên cứu hạt nhân, Xưởng Thực nghiệm Trường Đại học Dược Hà Nội… Sau cùng, ông nhấn mạnh rằng, những công trình thời bao cấp còn sót lại hiện nay chính là di sản của một giai đoạn đất nước vô cùng khó khăn nhưng cũng hết sức đáng nhớ.

Di sản kiến trúc gắn với ký ức (cuộc sống) tập thể

Hướng điểm nhìn sang kiểu kiến trúc nhà ở, PGS.TS Nguyễn Văn Huy đã đưa ra những đánh giá, câu chuyện buồn vui lẫn lộn về các khu tập thể lúc bấy giờ. Theo ông, cuộc sống thời đó chủ yếu được mô tả thông qua những gia đình sống trong các khu tập thể - niềm tự hào một thời của người Hà Nội. Bởi lẽ, trong bối cảnh khắc nghiệt thời bao cấp, việc có được một căn hộ ở kí túc xá là ước vọng, mong đợi của người thủ đô, nhất là đối với cán bộ, công nhân viên chức.

Các khu tập thể được dựng xây với mục đích trở thành không gian sống cho cộng đồng. Thường thường, những khu nhà tập thể được thiết kế với sân, lối đi và không gian sinh hoạt chung nhằm tạo điều kiện cho sự kết nối giữa các cư dân. Có điều, khác với những suy nghĩ về ý nghĩa cao đẹp của khu tập thể, rằng đó là minh chứng cho tinh thần đoàn kết vì cộng đồng, trong thực tiễn, việc chung đụng lại là cái khó, nhiều khi trở thành nỗi ám ảnh. Thời đó, chỉ cán bộ cấp trung (cục trưởng) mới được phân 1 căn hộ 2 phòng, cán bộ cấp cao (thứ trưởng) thì 2 căn hộ. Còn đối với đa số cán bộ công nhân viên, chủ nghĩa bình quân được áp dụng - hai, ba gia đình ở chung 1 căn hộ, sinh hoạt chung đụng. Có thể nói, với những người một thời sống đời bếp chung, nhà vệ sinh chung, tắm chung nơi khu tập thể, đó là khoảng thời gian khó khăn, bất tiện vô cùng.

Vấn đề trên được giải quyết với cuộc cách mạng không gian riêng, bếp, xí, tắm khởi phát từ KTS Trương Tùng. Rút kinh nghiệm từ việc thiết kế các khu tập thể trước đó, cũng như sau khi du học, sưu tầm và tham khảo 21 bản thiết kế nhà ở bên Đông Âu, KTS Trương Tùng chủ trương thiết kế căn hộ 2 phòng nhỏ để tiện phân chia. Ngoài ra, căn hộ được thiết kế có bếp và phòng tắm riêng. Theo tiêu chuẩn lúc đó, bếp chung chỉ có 6m2 nên ông thiết kế cho các hộ có bếp, nhà vệ sinh, nhà tắm riêng; diện tích bếp riêng chỉ 1m2. Dẫu không gian chật hẹp nhưng điều đó đã phần nào giúp các cư dân nhẹ gánh ám ảnh sinh hoạt chung. Mãi tới năm 1987, Nhà nước mới chính thức đưa ra tiêu chuẩn độc lập, khép kín với thiết kế căn hộ. Nhớ lại câu chuyện cách mạng vì một cuộc sống tập thể tốt hơn thời bao cấp đó, PGS.TS Nguyễn Văn Huy cho rằng, kí ức cuộc sống thời bao cấp là thứ gắn với di sản kiến trúc (nhà ở).

Có thể nói, đó là những công trình ghi dấu giấc mơ một thời. Tiếc rằng, giờ đây, nhiều cấu phần của khu tập thể đã biến đổi so với mục đích sử dụng ban đầu. Thậm chí, đôi lúc, khi nhìn vào những công trình kiến trúc thời bao cấp đang ngày càng xuống cấp, nhiều người còn thấy chúng thật “xấu xí”, “nhớ làm gì cái thời khổ sở đó”. Theo thời gian, mĩ học xã hội chủ nghĩa đã trở nên xa lạ với chính những con người thuộc đất nước từng trải qua giai đoạn này. Những câu chuyện gắn với chúng chỉ còn là kí ức, có nghĩa với thế hệ gắn bó với nó.

Kí ức di sản ấy sẽ về đâu?

Câu hỏi đặt ra ở đây là, thực trạng kí ức kiến trúc bao cấp trong suy nghĩ của thế hệ ngày nay đang như thế nào? KTS Vũ Hiệp đã chia sẻ về một khảo sát nhỏ mà mình thực hiện. Với câu hỏi “Kiến trúc nào đại diện cho bản sắc Hà Nội”, kết quả thu về là: 56% cho rằng là kiến trúc truyền thống, 18% là kiến trúc Pháp, 17% là kiến trúc đương đại, chỉ 9% là kiến trúc thời bao cấp. Từ góc nhìn của các chuyên gia, thực trạng trên đến từ việc kiến trúc thời đó xây dựng trong bối cảnh đất nước khó khăn, nghèo nàn nên thiếu phong phú, quy mô; kiểu kiến trúc giai đoạn này cũng ít được quảng bá tới công chúng, vốn hiểu biết về chúng vì thế mà chưa được đánh giá đúng.

Đó cũng là những vấn đề liên quan tới công cuộc bảo tồn di sản kiến trúc thời bao cấp sẽ được các diễn giả đề cập rõ hơn trong toạ đàm diễn ra ngày 15/11/2024 sắp tới, trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo 2024. Tuy vậy, ngay trong phiên hỏi đáp với khán giả, đã có nhiều bạn trẻ đứng lên nêu ý kiến, đặt câu hỏi. Có thể xem đó là một tín hiệu đáng mừng khi vẫn còn những người trẻ quan tâm, tò mò tới những di sản kiến trúc xã hội chủ nghĩa và câu chuyện bảo tồn chúng. Bởi lẽ, khi ta còn để tâm tới điều gì, ở một nét nghĩa nào đó, điều ấy (ít nhất) vẫn đang “sống” trong tâm trí ta.

-----------

Bài viết cùng chuyên mục:

“Sóng độc”, những góc khuất của đời sống quan trường Văn chương phải “cất cánh” từ đời sống Những “văn bản tâm hồn” cất lên từ đời sống Sự lựa chọn của đời sống sân khấu Đọc truyện: Doi biển. Truyện ngắn dự thi của Bùi Tuấn Minh
Thông cáo báo chí số 23, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Thông cáo báo chí số 23, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Baovannghe.vn - Thứ Sáu, ngày 22/11/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 23 (Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV) tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Baovannghe.vn - Chiến dịch thần tốc như một cơn lốc không ngày không đêm, đơn vị vừa đánh vừa hành quân gần như xuyên dọc theo Quốc lộ 13 hướng về Sài Gòn mỗi ngày một gần thêm.
Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Baovannghe.vn - Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc ngày 22/11 với phiên thảo luận tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Baovannghe.vn - Mây đen tan. Nắng nhẹ. Hương sen còn sót hòa cùng hương bùn đánh dạt mùi khói xe, đưa nụ cười của hai người đàn ông lấp đầy mi mắt đang nhìn về phía mặt trời.
Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Baovannghe.vn - Bài thơ Thề non nước không chỉ là lời tự tình đằm thắm của một tâm hồn thủy chung, tin cậy mà còn cất giấu trong mình một bức tranh thiên nhiên tráng lệ và quyến rũ mê hồn vì một vẻ đẹp như sinh ra bởi con người và cũng chỉ dành để cho con người.