Sáng tác

Nơi dòng sông đi qua. Truyện ngắn của Nguyễn Hồng Dung

Nguyễn Hồng Dung
Truyện
13:00 | 17/09/2024
Baovannghe.vn - Làng tôi lọt thỏm giữa bốn bề núi dựng. Những ngọn núi miên man xanh và cao sừng sững, ngăn cản bước tiến của nền văn minh. Vì thế mà làng tôi nghèo.
aa
Nơi dòng sông đi qua. Truyện ngắn của Nguyễn Hồng Dung
Nơi dòng sông đi qua - truyện ngắn của Nguyễn Hồng Dung

Trong làng hầu như toàn nhà tranh vách đất. Dân làng sống bằng nghề đốn củi, trồng lúa và chài lưới. Trẻ con phải lao động từ khi còn bé tí teo. Ước mơ của mỗi người dân ở đây là dựng vợ, gả chồng, xây nhà ngói ba gian có sân gạch, chuồng lợn, giếng khơi, mảnh vườn nho nhỏ. Những ước mơ không mấy khi vượt khỏi lũy tre làng song không phải ai ai cũng thực hiện được. Cái nghèo đói, sự thất học đã quy định mơ ước của con người.

Bà tôi kể rằng nhà lão Thập ở cuối làng có một thằng con trai nay đã lớn và đi bộ đội không về làng nữa. Trước kia lão cháy bỏng mơ ước là sẽ xây được ngôi nhà ngói. Lão làm hùng hục quanh năm như trâu. Vợ lão, một người đàn bà mảnh như liễu, bị vắt kiệt sức. Bữa cơm gia đình là hai phần ba sắn hoặc khoai trộn cùng gạo ăn với muối, nhưng ăn cũng không được no. Thằng bé bốn tuổi xanh lét như tàu lá. Vợ lão không chịu nổi, một ngày kia ngã quỵ bên nương sắn. Đám ma sơ sài được vội vàng đưa đi trong buổi chiều chạng vạng. Khi mọi người ra về, thằng bé bốn tuổi đã lần vào mộ mẹ, bốc quả trứng và bát cơm cúng ăn ngấu nghiến. Tôi sợ sự nghèo đói. Nhưng buồn bã, vùng vẫy mãi vẫn không thoát nổi.

Gia đình tôi ba thế hệ sống chung. Từ nhỏ tôi đã thạo việc đồng áng và chài lưới. Thường thường, sớm tinh sương tôi đã đi vớt mồi ốc và nhấc đó cá rô. Ban đêm tôi theo lão Tương đi đánh đó cá rô hoặc thả lưới. Sông Vân Sàng quê tôi vốn là một dòng sông hiền hòa, luồn lách qua những hang động núi non điệp trùng. Cá trong lòng sông rất nhiều. Trong núi có những vồng nước trong vắt, vào mùa nước cạn cá thường tập trung trong vồng kín đặc, tha hồ mà bắt. Lão Tương là một tay "sát cá" nổi tiếng nên đi theo lão tôi học được khối kiểu đánh bắt rất lạ. Lão là một người khiến tôi có nhiều thắc mắc. Ngoài sáu mươi, thân hình lão vạm vỡ, to khỏe, nước da đỏ au, ngực thành từng múi rắn chắc. Lão sống độc thân trong một túp lều làm chòi ra ven sông. Trong làng, bọn trẻ tránh lão như tránh cọp. Đàn bà thường lấy lão ra để dọa trẻ con. Đàn ông thì không mấy ai nói chuyện với lão. Nghe đồn rằng trước kia lão từng bôn ba khắp nơi, nhưng là một người không gặp thời, cũng có người bảo vì xưa lão bị một người đàn bà bội tình, sinh bệnh trầm uất, đã bỏ ra rìa sông hẻo lánh mà ở. Lại có người khẳng định đó là một lão già dở điên dở tỉnh... Riêng tôi, sợ thì có sợ song lại rất "mê" lão. Đi nhấc đó đêm với lão Tương là một thú vui của tuổi thơ tôi. Những mớ tôm, mớ cá ấy sẽ đem lại cho gia đình tôi một khoản chi tiêu, đỡ đần cho các em tôi cùng tôi học hành. Với lại, đi cùng lão Tương thì được nghe hàng kho chuyện, cái giọng kể tưng tửng của lão cuốn hút lạ thường...

Dòng sông đêm luôn chứa trong mình nó bao điều kì bí. Có đêm đang thả lưới cùng lão Tương, bỗng nghe có tiếng người kêu thất thanh: "Cứu tôi vớiii!" Tiếng kêu dội vào vách đá nghe thật rùng rợn, tiếp đó là tiếng rên thảm thiết. Tôi ngã lần vào lòng thuyền. Lão Tương hỏi bằng giọng ngái ngủ: "Gì vậy?" Tôi líu lưỡi: "Ma! Ma" Lão cười khùng khục, tiếng cười đập vào vách đá dội lại, nghe buốt lạnh xương sống: "Ừ, ma đấy!" Lúc đó, tôi có cảm giác lão là ma. Lão vẫn bình thản "Cách đây mấy chục năm có người ngã núi chết ở chỗ này. Thỉnh thoảng tiếng kêu của bà ta lại vọng về. Chuyện thường, có gì mà sợ? Đời còn có nhiều cái để sợ, rồi mày sẽ thấy"... Cái đầu mu muội của tôi tự hỏi "Thật là có ma không? Nếu có thì ma là gì?"

Khi đó tôi 10 tuổi.

Tôi hỏi bà tôi, có ma không. Bà liền kể cho tôi về nhà ông Chấn. Hồi cải cách ruộng đất, ông ta phá đền bà Chúa mang về xây chuồng lợn, còn những pho tượng gỗ thì vứt xuống sông Vân Sàng. Khi con trai ông lấy vợ, đẻ ra những đứa con không chân không tay khoanh tròn như tượng. Sau vài bận sinh nở, người con dâu hóa điên, trốn biệt khỏi làng, ông Chấn cũng đâm ra quẫn trí. Bà kết luận: có trời phật, có ma quỷ. Ông Chấn làm sai nên trời phật quở phạt...

Lão Tương đối xử với tôi nhiều khi có phần nanh nọc. Lão thường nhằm những đêm thanh vắng để kể chuyện kì bí đến sản gai ốc. Có lần, lão chỉ vào hang tối và bảo: "Trong đó có mười hai cô gái, vào những buổi trưa vắng có người trong làng nhìn thấy các cô mặc váy trắng đội vò ra sông múc nước. Thỉnh thoảng có tiếng đàn nguyệt ở trong hang vọng ra." Lão ghé sát vào mặt tôi thì thào làm tôi đứng tim "Mày biết không, đó là các thần giữ của đấy! Ngày trước có một đám người lạ mặt từ xa đến đây, chúng biết cách đào bới, kiếm được không biết bao nhiêu là vàng bạc, chúng cất giấu ở ngay vùng này. Bọn chúng chọn lấy các cô gái đẹp, cho ăn chay ba tháng rồi đổ sâm vào miệng, lấy xi gắn miệng lại, sau đó đem chôn theo số của cải ấy. Các cô chết dần chết mòn, trở thành thần giữ của cho chúng. Ai vào lấy của ra khỏi hang sẽ bị chết ngay nếu không biết thần chú." Tôi háo hức nghe, vừa thích vừa sợ, lòng bán tin bán nghi. Làng tôi có một ngọn núi tên Cột Cờ, trước cách Mạng tháng Tám nó mang tên núi Hang Tiên. Núi này có một chiếc hang sâu là nơi xưa kia chôn cất rất nhiều tiền xu. Bọn trẻ chúng tôi vào hang và tìm được rất nhiều đồng xu cổ, Chúng tôi chơi đánh đáo ngay trong hang, chơi xong thì vứt lại, không đứa nào dám mang về vì người ta bảo rằng ai mang những đồng xu ấy ra khỏi hang sẽ bị chết... Tôi ao ước sẽ được thần giữ của cho một hũ vàng, vì tôi nghĩ giàu có nghĩa là hạnh phúc. Ước mơ thầm kín ấy đeo đẳng trong tôi suốt quãng đời thơ ấu.

*

Người dân làng tôi đa số trung thực, thật thà mà cũng rất thẳng tính. Người ta sợ nhất là "mang tiếng"... Đôi lúc tôi có cảm giác không phải chúng tôi sống cho mình mà sống vì người khác. Bà tôi kể rằng ông cố nội tôi ngày trước bị vu cho là ăn cắp. Không bảo vệ được mình bằng lí lẽ và bằng chứng, ông bèn lấy con dao đi rừng rạch bụng tự lôi ra cả một đống ruột lùng nhùng để chứng minh là mình trong sạch. Người ta phải lấy rổ xể úp lại và khiêng ông đi cấp cứu. Đường xa, máu ra nhiều, ông cố tôi đã không qua khỏi đận ấy. Sau này, thấy kẻ nào ăn cắp ăn trộm là ông nội tôi căm ghét lắm. Ông đe nẹt anh em tôi: "Giấy rách phải giữ lấy lề. Đứa nào làm hư hoại gia tiên, tao giết sống!"

Tôi có một cô ruột nết na xinh đẹp ngoài hai mươi tuổi mà chưa lấy được chồng. Bà tôi than thở thương con. Cũng chỉ vì cô cao quá so với con gái làng, lại phải cái tội gò má cao. Ông chú làm trên huyện bảo, giá cô học hành tử tế, ra ngoài xã hội, ít thì cũng được cái danh hiệu "hoa khôi" chứ chẳng bỡn... Mối manh mãi rồi cũng có một đám hỏi, ông tôi lập tức nhận lời ngay. Bố tôi thì im lặng, đau đớn tưởng như có thể hóa đá. Cô được gả vào một nhà làm sỏi. Lão thông gia với ông tôi là một kẻ kì dị. Mặt lão bị biến dạng, mỗi bên phải có cục tật to bằng cái chén. Chân tay lão có cả thảy 24 ngón. Lão lấy người đàn bà vừa đần vừa xấu, đẻ ra sáu đứa con, ba trai, ba gái xen kẽ. Ba cô con gái thì khôn ngoan, lành lặn và đều đã lấy chồng cả. Ba đứa con trai thì ngớ ngẩn, đần độn. Để "duy trì nòi giống" thằng con cả bằng mọi giá phải lấy được vợ. Gã tên Thà, ngoài ba mươi tuổi nhưng dại như đứa trẻ lên hai. Gã được giao việc chăn bò. Gã vốn đần dộn và hiền lành nên trở thành trò tiêu khiển của trẻ trâu. Lũ trẻ tinh ranh thường bảo gã vạch quần ra cho chúng nghịch. Lúc đầu gã cười vẻ thích thú, gã khoái. Sau đau quá gã khóc.

Qua một năm lấy gã dở hơi, một hôm cô về thăm ông bà. Tôi ở ngoài, nhìn trộm qua lỗ hổng bức vách, thấy bà và cô sụt sùi khóc. Nước mắt bà ướt nhèm cả gương mặt già nua. Bà nghẹn ngào "Ván đã đóng thuyền, biết sao được hả con? Không đẻ con cho nhà ấy thì con không sống yên với họ được đâu. Đàn bà ở cái làng này lấy chồng là để đẻ...". Bố tôi quăng cái điếu cày đánh rầm vào gầm chõng, văng tục "Mẹ kiếp! Có con giống mà không biết sử dụng thì chẳng bằng con chó đực!" Tôi nhắm mắt nhớ đến câu vè lũ trẻ thường nghêu ngao mỗi khi cô cấp rổ đi chợ về ngang đê làng: "Con vợ khôn lấy thằng chồng dại, như bông hoa nhài cắm bãi cứt trâu..." Từ hôm đó, tôi lao vào đánh bất cứ đứa nào dám hát câu ấy trước mặt cô. Là một thằng nhóc, tôi vẫn cảm nhận được nỗi đau đớn trong cái dáng còng người lại của cô khi nghe câu hát. Có hôm tôi đi học về với khuôn mặt sưng vù, thâm tím và loang lổ máu hai ống tay áo. Bố tôi lôi ra giữa sân đánh cho một trận vì tội gây gổ. Tôi cắn răng ráng chịu, không kêu một lời... Cuối năm đó cô sinh con. Một thằng bé sứt môi và có mười một ngón tay. Bà tôi vừa mừng vừa buồn. Bố tôi thì âm thầm khóc. Chỉ ông tôi là vô sự. "Con gái là con người ta" - muôn đời là như thế...

*

Làng tôi lần lượt lớn lên. Ai có chí thì học lên cao, bay nhảy khỏi làng. Một số người làm giàu bằng việc buôn bán "lên" như diều gặp gió. Tôi học dốt, ba năm không qua nổi lớp chín, đành nghỉ ở nhà. Tôi không có đầu óc kinh doanh. Tôi mê dòng sông từ nhỏ, và tôi cũng vui lòng khi nghĩ cuộc đời mình buộc chặt với lũy tre làng, với dòng sông Vân Sàng nhẫn nại chảy chở về xa những giấc mơ thời thơ ấu. Và mối tình đầu cay đắng của tôi...

Một đợt, trai làng rộ lên phong trào đi làm xa. Họ lên tận Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang.. để làm cai thầu, thợ xây, thợ đá, thợ xẻ...

Nhiều anh về làng đã thành triệu phú, xây nhà hai-ba tầng, tậu một lúc vài ba chiếc xe máy, sắm ti vi, đài, tủ lạnh, nuôi chó béc-giê, mướn người ở. Nhạc ngoại xập xình váng cả làng. Các thôn nữ diện toàn đồ Tàu. Người ta đua nhau xây nhà, tậu xe. Tôi cũng háo hức xin bố cho đi kiếm vận may. Bố tôi bảo "Không đi. Đừng tưởng hốt được của dễ dàng con ạ." Lão Tương thì cười nửa miệng: "Mày cứ đợi đó, rồi xem"...

Bố tôi than thở "Mất hết cả lề lối của làng ta rồi, có buồn không cơ chứ!"... Trong làng, những người trước kia thuộc hạng cùng đinh, nay đã trở thành "tai mắt" của làng. Tôi mơ hồ cảm thấy có sự phân chia đẳng cấp. Đồng tiền dễ làm mờ đục tâm hồn con người và có thể nhờ đó để ta gột rửa bản thân sạch sẽ như mới từ dưới lòng Vân Sàng lên.

*

Làng tôi có một ngôi đền nằm sát chân núi Hang Tiên, mới được nhà nước phong tặng di tích lịch sử. Có rất nhiều khách thập phương lui tới đây. Với địa thế sông ngòi, hang động, núi non, nghiễm nhiên làng tôi thành một thắng cảnh đẹp, một nơi tham quan lí tưởng. Hẻm núi trở nên nhộn nhịp lạ thường. Người ta bung ra ven đường nào là cơm phở, bia hơi, nước giải khát, cây cảnh, đồ lưu niệm... Trẻ con đổ xô đi bán hương, thuốc lá, chèo đò chở khách và ăn xin. Bọn trẻ vây quanh những người khách du lịch, chìa từng bó hương vào mặt họ, lâu nhâu mời chào. Với khách du lịch nước ngoài thì quả là một cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa bọn trẻ. Đứa nào cũng thuộc làu câu: "Money, OK?" Có lần tôi nhìn thấy một thằng bé tóc vàng, mắt xanh đã đẩy ngã mấy đứa trẻ lem luốc, làm những nắm hương bắn tung tóe ra mặt đường, xong, nó bước đi, ném cái nhìn đầy khinh bỉ về phía lũ trẻ. Tôi giận sôi người như vừa bị ai tát vào mặt. Cảm giác nỗi nhục nhã có thể cầm nắm được. Hình như dân làng tôi đang bị mai một dần bản chất vốn có của họ. "Đói cho sạch, rách cho thơm" - câu ca của bà nội quẫy mạnh trong lòng tôi đau nhức. Tôi quay ra sông: dòng Vân Sàng vẫn nhẫn nại chảy - sự nhẫn nại đầy vẻ vô sự. Tôi hỏi lão Tương: "Vân Sàng đi tới đâu?" "Ra biển." Tôi bảo: "Cháu sẽ có ngày tới đó." Lão mơ màng, mắt rượt theo vạt nắng chiều. Lão Tương cởi bỏ chiếc quần cụt, trần truồng ùa xuống dòng sông xanh, lặn ngụp như một con trắm. Thân hình vạm vỡ của lão trườn trên sóng, khuôn mặt lão đầy thanh thản và mãn nguyện. Tôi ngây người nhìn lão Tương dầm mình giữa thiên nhiên và tự hỏi: Phải chăng, đó là hạnh phúc của một con người? Cồn cào trong tôi ước muốn ra tới biển. Để làm gì? Để tìm hoài bão của tôi. Tôi sẽ đi dọc Vân Sàng. Hỡi sông Vân, người giấu trong mình biết bao nỗi niềm của cả làng này từ thuở khai sinh tới nay? Người giấu kín giùm tôi những giọt nước mắt ấu thơ và mối tình đầu trong trắng....

Tôi rất ít khóc. Từ khi tôi ý thức được mình là con người, tôi chỉ khóc hai lần thực sự. Đó là lần mẹ tôi mất và khi tôi đánh mất tình yêu đầu tiên...

Ngày tôi còn nhỏ, lão Tương thường bảo: "Mắt mày buồn và đa tình lắm. Sẽ khổ đấy con ạ." Hồi đó tôi không biết đa tình là gì. Lớn lớn một chút, tôi có theo đám trai làng đi tán gái "tập thể": Kéo độ chục thằng vào nhà một cô gái nào đó, ngồi uống hết độ ba siêu nước rồi phủi quần đứng dậy về. Đi cho có bạn thôi. Ở làng, tôi chẳng thích ai ngoài Liên. Với tôi, em là bông sen giữa ao làng. Liên thông minh xinh đẹp nhưng sống rất cô độc. Tôi là bạn thân duy nhất của em. Liên không có bố. Mẹ em xưa kia đẹp nổi tiếng cả vùng, chỉ tội không lanh lợi nên bị đàn ông thiên hạ lừa. Đàn bà, đừng cả tin, trong tình yêu cũng đừng nên thương người và nhân ái. Đức tốt ấy dễ bị hiểu lầm. Mẹ Liên có cả những đức tốt ấy. Cứ mỗi lần nhỡ nhàng, bà lại bỏ làng đi, ít lâu sau trở về tay không. Họ bảo bà đã bán những đứa trẻ đó. Đàn bà trong làng vừa ghét vừa sợ bà vì bà có thể làm đảo điên đàn ông trong làng. Chỉ cần vài ống gạo hoặc dăm nghìn bạc là có thể được bà cho thỏa mãn. Lần sinh nở cuối cùng là Liên. Có lẽ vì con gái, không ai nhận nuôi, bà đành giữ lại. Liên lớn lên trong sự kì thị của cả làng. Tôi thì không thế. Tôi yêu và thương Liên, âm thầm mà cháy bỏng. Ông tôi là người đầu tiên phát hiện ra chuyện này. Ông gọi tôi về nhà, tát cho mỗi bên má một cái vì tội "dám lăng nhăng với một đứa con hoang." Tôi quỳ trên đất, quay nhìn bố cầu cứu - bố vốn là người hiểu tôi nhất nhà. Bố nhìn xuống đất đầy bất lực. Tôi định sẽ cùng Liên trốn khỏi làng. Đêm đó, bố ra chòi cá của tôi "Bố không nghĩ như ông. Liên là cô gái tốt. Nhưng con không thể lấy nó." "Tại sao?"... Bố òa khóc và ra khỏi lều. Tôi ngồi chết lặng, không hiểu và không biết hiểu ra sao. Lão Tương bước vào. “Cháu không hiểu." Lão nhìn tôi buồn rầu: "Mày là đứa thông minh lắm kia mà?" Tôi hộc lên một tiếng đau đớn, nhào xuống dòng sông. Tôi muốn chết! Nhưng sông nhân từ lắm, tôi không thể chết được. Nước xoa dịu dần những cơn đau của tôi. Nước mềm như cánh tay một người mẹ, chở che, an ủi. Tôi không còn nhớ mặt mẹ. Người đã chết trong lần sinh nở cuối cùng để cố thêm một thằng con trai cho dòng họ Phạm.

Ít lâu sau Liên bỏ quê theo một đoàn văn công. Tôi từ đó trở nên u uẩn, cố chôn chặt mối tình đầu vào tận đáy lòng. Cũng từ đó, lúc nào tôi cũng nghĩ tới biển - hoài bão của đời tôi.

"Cháu muốn đi." Một hôm tôi bảo lão Tương như vậy. Lão ngó vào mặt tôi chăm chú nhưng mặt lão không biểu lộ cảm xúc gì. "Mày đi vì thất tình hay vì gia đình?" "Vì cháu."- Tôi đáp và ngạc nhiên không hiểu từ trước tới nay tôi sống vì cái gì? Không phải vì tôi mà vì ông bà, vì bố, vì các em. Các em cần có tôi để học hành. Bây giờ các em tôi đã lớn. Vâng, tôi muốn sống vì cái tôi của tôi một chút, dù cái tôi của tôi rất xoàng xĩnh mà thôi.

"Khá lắm!" - Lão Tương gật gù sau một hồi suy nghĩ - "Tuổi trẻ đừng tiêu tốn nó vô ích!" Giọng lão trầm xuống "Mày là một thằng trai tốt, có bản lĩnh. Ta tin. Nhưng bể đời rộng lắm... Phải nhớ kĩ điều này: đừng gây sự với tạo hóa, phải hành động theo lương tâm, hiểu không?" Tôi gật đầu: "Vâng." Không chắc là mình đã hiểu hết lời của lão nhưng tôi có cảm giác ngưỡng mộ và kính phục con người ấy.

Và sáng hôm sau tôi đi. Đi thật. Tôi cứ bám dọc sông mà đi, bỏ lại sau lưng làng quê thân yêu, nơi có những dãy núi cao sừng sững, bình thản xanh tự ngàn đời nay, bỏ lại sau cả tuổi thơ, quá khứ. Làng tôi khuất dần... Càng đi thì càng nhận ra đất nước mình dài rộng lắm, dòng Vân Sàng còn đi xa lắm. Làng tôi chỉ là một nơi rất nhỏ mà dòng sông đi qua trong hành trình ra biển của nó.

Làng tôi khuất dẫn. Khuất hẳn. Tôi quay lại nhìn lần cuối, lòng rung lên những hồi chuông run rẩy: "Vĩnh biệt nhé, tuổi thơ của tôi !"... Một lần nữa, tôi khóc.

Đó là những giọt nước mắt của tuổi hai mươi.

-----------

Bài viết cùng chuyên mục:

Đọc văn, đọc truyện Thông báo mở lại Chuyên mục “Đọc truyện ngắn hay trên Báo Văn nghệ” Đọc truyện: Bản gốc của trái tim - Truyện ngắn dự thi của Trịnh Minh Hiếu Đọc truyện: Chờ người trong tranh - Truyện ngắn dự thi của Đặng Ngọc Hùng Đọc truyện: Ký ức đồng vọng. Truyện ngắn dự thi của Phan Ngọc Chính
Văn nghệ Trẻ, số 21/1997
Nguyễn Đình Thi - Thơ Nguyên Hùng

Nguyễn Đình Thi - Thơ Nguyên Hùng

Baovannghe.vn- Sinh ở Lào nhưng là người Hà Nội/ Một nghệ sĩ hào hoa sắc sảo đa tài
Triển lãm nghệ thuật "Sắc màu bừng nở"

Triển lãm nghệ thuật "Sắc màu bừng nở"

Baovannghe.vn - Từ ngày 23/11 đến ngày 15/12/2024, tại Nguyen Art Gallery (Hà Nội), sẽ diễn ra triển lãm tranh màu nước Colors in Bloom - Sắc màu bừng nở của nhóm 6 họa sĩ trẻ.
Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Baovannghe.vn- Như những mũi lao cắm vào vùng ngập mặn/ Mầm sống gieo trên sóng nước hoang sơ
Nên bị gai đâm - Tản văn của Chu Văn Sơn

Nên bị gai đâm - Tản văn của Chu Văn Sơn

Baovannghe.vn - Và ta cứ yên trí đi qua thế giới này với bước chân quen xéo lên cỏ hoa. Thỉnh thoảng bàn chân nên bị gai đâm, để ta được giật mình: Tổn thương là rỉ máu.
Trịnh Hoài Đức - Nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa

Trịnh Hoài Đức - Nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa

Baovannghe.vn - Kịch Trịnh Hoài Đức ngoài chất hài ý nhị, sâu cay, cười ra nước mắt còn bao hàm cả triết lý sâu sắc về thế giới quan, nhân sinh quan... Thơ của ông như gieo vào lòng người cái tình sâu lắng, ngôn ngữ giản dị mà nhân văn đa nghĩa đầy tính bác học...