Sáng tác

Nói gì sau tiếng chuông reo… Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thế Tường

Nguyễn Thế Tường
Truyện
05:00 | 12/11/2024
Baovannghe.vn - Lão bò từ buồng lái xe sang buồng chiến đấu. Không gian chật hẹp sặc sụa mùi máu mùi thuốc đạn quyện vào nhau. Chiến còn sống, mặt đầy máu.
aa

Tưởng chừng như phải hộc lên một tiếng lão mới trấn tĩnh được. Là cái TV mới, màn hình phẳng, con gái mới mua cho. Lão đã từ chối, nhưng bỗng nhớ trên mạng có chuyên gia khuyên rằng, mình già rồi, con cái cho cái gì thì cứ…, nên lão nhận. Lão đâu có cần nhiều! Phim Tây phim Tàu đánh nhau tùm lum, lâu lâu mở xem một lần rồi thôi. Phim về chiến tranh thì ok. Là nó khắc họa cái đức “vị quốc quyên xu” mà trai nước nào cũng có. Còn thì, lão xem thời sự, vui có buồn có.

Nói gì sau tiếng chuông reo… Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thế Tường
Minh họa Công Quốc Hà

Chiều nay, thợ lắp ráp xong hướng dẫn vài điều rồi đi. Lão khoan khoái đưa võng, bấm điều khiển. Chương trình mở ra, phát thanh viên đang đọc… Trời! Lại một vụ “ăn đất”, một bọn xộ khám. Thật là, không có gì dễ bằng ăn đất. Đất đai là sở hữu toàn dân, nhà nước quản lí. Có những tên người nhà nước phối hợp với doanh nghiệp làm ảo thuật “Úm ba la, vừng ơi mở ra!” Thế là, bờ xôi ruộng mật trở thành dự án phân lô bán nền, mỗi thằng ẵm vài chục vài trăm tỷ. Có ông vua sáng trong lịch sử nước nhà từng răn con cháu: “Một tấc đất của ông cha cũng không để mất vào tay ngoại bang…” Ngoại bang nào? Toàn “nội bang” cả. Cố ngậm nuốt câu chửi tục vào cuống họng, lão chuyển kênh! Lướt qua một vài hình ảnh bỗng gặp cô gái quen, mặt hoa da phấn, quân hàm quân hiệu chỉnh tề, lão bèn dừng lại. Từ màn hình vang lên giọng nữ trung tính của nghề nghiệp, phảng phất buồn của tình người: Trong chương trình Đi tìm đồng đội hôm nay, xin gửi đến quý vị khán giả thông tin về các liệt sĩ sau đây.

Từng dòng lí lịch trích ngang ngắn gọn vang lên, rành rọt buồn thương. Bất chợt một cái tên thoảng vào tai khiến lão giật mình…

…“Năm anh em ta mang năm cái tên…” Họ và chữ lót thì không nhớ, nhưng tên, gọi nhau hàng ngày, năm mươi năm trôi qua, mà có sống năm trăm năm như ông Bành Tổ cũng không quên được. Năm cái tên được gom lại từ năm kíp xe đã bị xóa sổ qua suốt chiến dịch dài ngày. Chủ yếu là xe cháy, lính chết hoặc bị thương. Thằng còn sống lành lặn là pháo thủ hay pháo hai, trưởng xe hay xạ thủ 12,7 ly cùng với lão là lái xe, đủ một kíp cho cái K3B lội nước 18 tấn có pháo 85 ly trong đội hình đơn vị, cũng vá víu “chằm lợp”, căng ra chặn đợt “sóng thần” của xe tăng đối phương. Năm ngày, trước giờ kí hiệp định ngừng bắn. Có vẻ như bộ tham mưu liên quân bên kia biết sắp “gâu - hôm” nên có bao nhiêu bom đạn, không lực và hải quân của họ đều trút xuống mảnh đất này cho nhẹ gánh hồi hương. Năm ngày đêm, năm con người, năm quê, năm cái tên chia sẻ với nhau trong ngôi nhà thép rộng chừng năm mét vuông lủng củng sắt thép, súng, đạn và trăm thứ bà dằn của lính. Đêm cuối cùng, trận đánh diễn ra, không theo một kịch bản nào cả…

…Năm, mười năm trước, đã vài lần, những cái tên quen thuộc vang lên, lúc ấy mới biết đầy đủ danh tính, quê quán, ngày nhập ngũ và tên người thân mà họ yêu cầu “xin báo cho...” Lần thứ nhất, lão đã nhăm nhe để lên Cao Bằng thăm gia đình người trưởng xe. Lên Cao Bằng đâu có dễ, cứ muốn là đi? Cũng phải chuẩn bị kinh phí, “đàm phán với chủ nhà” về cái tình đồng đội, nghĩa sinh tử. Chuẩn bị lên đường thì… ốm một trận. Mới nhớ, mình đã ngoài sáu mươi, thương binh nặng, lưu trú bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Chưa đủ sức lên Cao Bằng thì TV, là cái TV cục vừa bỏ đi mà cha con suýt cãi nhau vì chuyện bỏ ra thùng rác hay giữ lại trong nhà chờ khi mang lên miền núi làm từ thiện, lại thông báo hồ sơ trích ngang cái thằng ở Hương Sơn. Họ và tên ấy, ảnh ấy, quân hàm ấy, quê ấy thì đích thị là nó rồi. Thằng “pháo hai” hiền như đất, trọ trẹ tiếng Hà Tĩnh gọi con chí là “con trâu”, con trâu là “con tru”, đóng quân cách làng cả gần chục cây số cũng lần mò bằng được vào nhà dân xin chè xanh về nấu. Khốn nạn, hôm đầu tiên, thấy chè sóng sánh màu mật ong lại đang cơn khát mùa hè gió lào, lão tu luôn một bát B52, cha mẹ ơi, say, mửa mật xanh mật vàng. Từ đó, cạch. Thấy hãm chè là lão tránh xa. Hắn kể, hết lớp bảy, tuổi 17 cũng hòm hòm, đã cầm giấy học trung cấp nông nghiệp ở tỉnh. Gia đình tiễn ra bến đò Choi, đang định bước chân lên đò thì ông bưu tá từ trên đò bước xuống kêu hắn quay lại. Cả đoàn rồng rắn về xã. Lúc sau ông xã đội trưởng ra gặp gia đình chìa cái giấy gọi nhập ngũ của huyện đội. Hôm sau, mẹ hắn ra thắc mắc thì ủy ban giải thích vì hết thanh niên 18 tuổi nên phải “vay lính năm sau” gọi thanh niên tuổi 17... Công việc của hắn là theo lệnh trưởng xe, chọn đạn xuyên hay đạn nổ tống vào khóa nòng cho pháo thủ nhấn cò… Nhưng, mình bắn họ thì họ bắn mình. Viên đạn thứ hai bắn tới nổ “choác”, cả xe lặng đi. Xe trưởng và xạ thủ 12,7 ly từ tháp pháo rơi xuống đè lên cả hắn cả viên đạn 85 ly. Lão đã tìm về bến đò Choi nhân một lần cơ quan cho đi tham quan cửa khẩu Cầu Treo ngủ đêm ở thị trấn huyện lỵ. Dọc đường, cậu choai xe ôm nói không có bến đò Choi, chỉ có cầu từ đường số 8 bắc qua Sơn Thịnh. Đứng giữa chiếc cầu bê tông vạm vỡ có cái tên rất mĩ miều Mỹ Thịnh, lão không biết nên bước tiếp hay quay lui. Huyện Hương Sơn, xã gì? Xóm gì? Mà thông báo trên TV thì báo tin cho ông… nhà… phố… thành phố Hà Tĩnh, số điện thoại… Lúc đó là bảy giờ rưỡi. Đoàn xuất phát đi Cầu Treo khoảng tám giờ. Lão nhịn ăn sáng để chạy về đây. Mấy giờ ủy ban làm việc để trình bày, để…? Ôi, cái tuổi không còn trẻ! Trên đường trở lại thị trấn, lão chợt giật mình, nếu gặp được người nhà của bạn, lão sẽ nói thế nào đây? Sẽ báo tin liệt sĩ nằm ở đâu, nghĩa trang nào? Nghĩ đến đó, lão bàng hoàng tự an ủi, thôi, đã về được tới bến đò Choi, tận mắt thấy cái bến mà bây giờ lau lách phủ kín, nơi ngày xưa Khanh đã bước chân lên đò rồi lại bước xuống, năm 17 tuổi…

- Con chí sao gọi là con trâu, mầy?

- Thì em biết đâu? Em có học hành nhiều như anh mô mà biết. Nhưng lứa bọn em thì không gọi thế nữa mà cũng không còn chấy trên đầu. Mỗi vùng quê có cách gọi riêng mà anh. Mà anh coi, trưởng xe mình có cái tên cũng lạ. Tên ấy ở quê em là tục lắm, là bộ phận đàn bà đấy…

- Ừ, nghe bảo anh ấy là người dân tộc Thổ. Người Thổ có tiếng nói riêng nhưng ai đi làm cán bộ nhà nước hay đi bộ đội thì cũng nói được tiếng phổ thông.

Rồi lão kể cho cái thằng Hà Tĩnh này nghe chuyện hồi kháng chiến chống Pháp có cuộc hội quân Việt - Lào, cấp trung đoàn, hoành tráng lắm. Khổ nỗi, tên ông chỉ huy bên ta là Văn Hy mà tên ông Lào là Khăm L. Khi giới thiệu tên chỉ huy ta thì bộ đội Lào cười, rồi khi tên của chỉ huy nước bạn vang lên thì bộ đội ta cười. Là cái khoản từ vựng đôi lúc oái oăm thế.

- Mà này, mai mốt hết chiến tranh mày ra Hà Nội học, nếu có “xì hơi” thì cũng đừng nói đ. nhé, tục lắm đấy. Sinh hoạt lớp, phát biểu cái gì động đến quân “địch” cũng phải nói là quân thù. Giọng khu bốn mình phát âm những từ có phụ âm cuối ch (chờ) lại ra chữ t (tờ) mới khổ. Hồi mới vào trường, mấy tháng đầu tao đã bị rồi.

- Em thì ra Hà Nội chi được anh. Nhà em nghèo, học được hết lớp bảy là mừng rồi. Em đi trung cấp nông nghiệp cũng để về xin cái chân kĩ thuật trồng trọt hay chăn nuôi chi đó của Hợp tác xã, giúp mẹ chăm mấy đứa em em…

…Rời cầu Mỹ Thịnh, xe ôm chạy nhanh, bên tai gió ù ù mà như vẫn nghe cái giọng Hương Sơn eo éo hiền lành của thằng Khanh. Ờ mà đất Hương Sơn này là ghê lắm, quê cụ Hải thượng Lãn ông Lê Hữu Trác, của nhà thơ Huy Cận với những “Tràng giang”, “Ngậm ngùi”… khiến cánh sinh viên Văn nhức răng. Thơ ra thơ, lãng mạn ra lãng mạn. Nhưng hồi ấy, những câu thơ “Dẫu một cây chông trừ giặc Mỹ…” với giai điệu của ca khúc như “Bài ca Trường Sơn” thúc giục lắm. “Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách”, cái sự ở nông thôn đã “vay” đến lính 17 tuổi, không phải bọn lão không biết. Năm bảy mốt, Mỹ ngừng ném bom miền Bắc đã gần ba năm. Hà Nội yên hàn, đột ngột liên tiếp cứ ba tháng có một đợt tuyển quân ở các trường đại học, mọi người mới đoán miền Nam sắp đánh lớn. Tháng tám, trận lụt lịch sử, đê vỡ, nông thôn Bắc Bộ nước ngập trắng làng mạc. Sinh viên đang nghỉ hè ở các tỉnh phải “bơi” về Hà Nội kịp ngày nhập ngũ…

*

“Đây Thanh Hóa anh hùng và dòng sông Mã mến yêu…!” Thằng Hòa là xạ thủ 12,7 ly, dong dỏng cao, xinh trai hết biết, cũng hiền khô, nhưng có giọng. Nó hát, cả đại đội lặng phắc. Hết lớp mười ở một miền trung du Thanh Hóa, nơi có tòa cổ thành của vương triều ngắn ngủi nhất trong lịch sử. Hồ Quý Ly chuẩn bị tiếm ngôi nhà Trần xây thành trong ba tháng. Lịch sử mới chưa đầy sáu trăm năm mà nghe ra đã hơi mập mờ. Tòa thành đá lồng lộng như này mà xây trong ba tháng có mà nằm mơ! Nó kể về tòa thành có cửa Đông Môn, Tây Giai, Phương Giai và Cẩm Bào. Phải rồi, nhà nó ở gần cửa Tây thì chắc Tây Giai. Nhưng là làng nào? Trong câu chuyện nó có nhắc đến sông Mã, sông Bưởi, bến phà Kiểu. Bến phà Kiểu bây giờ đã có cầu, sáng nay đoàn vừa đi qua. Thằng này tốt nghiệp phổ thông mà không phải thi. Ngày bọn hắn lên đường, bạn bè cùng lớp không ai đưa tiễn vì đang ngồi phòng thi. Riêng những thằng nhập ngũ như hắn thì đã có bằng tốt nghiệp “Đặc cách nghĩa vụ quân sự” trong hồ sơ. Hòa đã có người yêu. Bằng chứng là lâu lâu nhận được thư cô nàng, nó lên tháp pháo ngồi đọc một mình ra chiều nghĩ ngợi lắm. Một hôm, hắn được phân công đi cõng gạo, bọn ở nhà lục ba lô lấy ra cái khăn mùi soa có thêu hai chữ cái H. và L. lồng vào nhau và một xấp thư. Cả bọn định mở đọc trộm thì bị anh trưởng xe quát ầm. Hòa hát hay lắm, nhiều bài, cả nhạc đỏ lẫn nhạc xanh. Nhạc xanh là nhạc ngoại, chủ yếu của Nga. Bọn trong trung đội hay gọi nó là Đây Thanh Hóa anh hùng và Rau má phá đường tàu. “Đây Thanh Hóa anh hùng” là một câu trong ca khúc ca ngợi anh Nguyễn Bá Ngọc quê nó. Còn, dân Thanh Hóa đói, đào rau má làm hỏng cả đường tàu thì ai cũng biết. Những lúc ấy vẻ mặt nó buồn buồn nhưng không giận.

Đoàn đi Lam Kinh, xuyên qua thành Nhà Hồ và lão đã đứng chính giữa phương vị, nơi cắt nhau giữa hai con đường Đông Môn - Tây Giai và Cẩm Bào - Phương Giai. Lão nhìn về phía Tây, nơi đó có làng “gần cửa Tây Giai” của Hòa. Sáu trăm năm gió hú thành Nhà Hồ, có mang tiếng lòng vọng về quê hương của bao lớp thanh niên đã đi qua các cổng thành này ra chiến trường.

Đây Thanh Hóa…! Nhiều đêm, khi nhắm mắt lại, cái giai điệu ấy lại len lén kéo đến, rủ rỉ rù rì và cái dáng thanh mảnh hiền khô của Hòa dính hàng chục mảnh đạn (hay mảnh xe vỡ vụn?) đỏ lòm, bấy bớt hiện lên. Xe tăng địch cũng không phải gà mờ. Viên thứ nhất, loại đạn xuyên, trúng ngọt vào buồng máy nổ. Xe đang chạy bỗng hự một cái, tắt máy. Lão ấn nút khởi động mấy lần, máy không nổ. Chiếc xe trở thành mục tiêu cố định. Trưởng xe mở cửa tháp pháo nhô người lên tìm đối phương thì cùng với Hòa hứng trọn viên đạn thứ hai, loại đạn nổ, sát thương rất cao…

…50 năm, lão mang trong mình di vật kỉ niệm trận đánh cuối cùng trước giờ hiệp định đình chiến có hiệu lực. Hai lần lên bàn mổ khoan sọ tìm mảnh không thành, lão từ chối luôn cả việc mổ lấy những mảnh đạn phần mềm. Mỗi lần khám sức khỏe, lão thường đùa với nhân viên y tế, cân nặng nhớ trừ đi vài trăm gram gang thép trong người. Lần ở sân bay bên Trung Quốc, nhân viên an ninh cứ rà rà vùng đùi nơi có mảnh đạn khá to đang “trú ngụ”. Lão tụt quần, chỉ vào chỗ nhô lên trên đùi: America! Hình như thằng kia hiểu, bèn cho qua. Năm mươi năm, lão dặt dẹo bầu bạn với năm sáu mảnh đạn, qua những đận khó khăn đói kém thời hậu chiến, lấy vợ sinh con, lo cơm áo cho gia đình và cả kí ức buồn về bốn người bạn lính trong kíp xe.

- Buồn cười, nghe tin mình nhập ngũ, bà ngoại lặn lội từ Xuân Đỉnh lên thăm, cầm tay mình dặn, đi lính, họ bảo lấp lỗ châu mai thì đừng xung phong nghe cháu. Mẹ mình phì cười mắng yêu, bu thì cứ lẩn thẩn! Thằng này không lấp lỗ châu mai đâu. Bác Khu đội bảo lần này vào binh chủng xe tăng, vinh dự lắm… Khi bà ngoại về rồi, mẹ mình mới tâm sự, bố con cũng lo được cho con đi học nước ngoài. Nhưng mẹ tính rồi, bố mẹ có được hai anh em con. Con đi còn có cơ trở về chứ em con, hậu đậu thế… Mà đợt này đi xe tăng, mẹ thấy cũng có hi vọng. Hi vọng gì, mẹ? Thì súng đạn vô tình nhưng dù sao có cái vỏ thép che chắn… vẫn hơn.

Đó là tâm sự của Chiến, Vũ Chiến, không chữ lót. Đây là cái tên dễ nhớ đã lưu vào kí ức lão suốt năm mươi năm, nên chỉ cần vang lên đã khiến lão giật mình. Còn một nhẽ khác vì Chiến là thanh niên Hà Nội chính tông, cùng tuổi, nói chuyện hợp cạ, xưng hô mày tao. Lão thuộc được bài “Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám khi vừa biết yêu…” là từ anh chàng này, giọng không hay nhưng hát được nhạc tiền chiến, nhạc vàng và có “gại” được ghi ta.

- Thế ông cụ khuyên sao?

- Không, bố mình đang ở nước ngoài, ở đại sứ quán. Chỉ có chú ruột mình đến thăm. Chú mình là tiểu đoàn trưởng trong thời đánh Pháp. Ông vỗ vai nói đúng một câu rắn như thép:

- Đi, dù gian khổ hi sinh đến mấy cũng không được… bê quay, nghe không?

… Lão bò từ buồng lái xe sang buồng chiến đấu. Không gian chật hẹp sặc sụa mùi máu mùi thuốc đạn quyện vào nhau. Chiến còn sống, mặt đầy máu. Cả hai thằng đều hiểu phải nhanh chóng rời xe. Hai cái cửa trên tháp pháo vẫn mở. Cả hai cùng đu người thoát ra thì loạt đạn đại liên bay tới. Nửa thân người Chiến mới nhô lên bỗng gãy gập trùm lên cửa xe. Vâng, cửa xe, không phải lỗ châu mai!

Trong những năm tháng làm báo đi qua về đất thép Quảng Trị, lão cũng đã một lần cùng người em họ từng là lính bên kia chiến tuyến tìm về bãi chiến trường năm xưa. Chưa lâu lắm, tất cả đã biến mất. Dân đói, đã nhanh chóng xẻ thịt tất cả xác xe của cả hai bên, bán sắt vụn. Chuyến ca nô từ Đông Hà xuôi về có mấy bà sồn sồn vui tính.

- Hai chú đi mô mà xuống dưới ni?

- Đi tìm… con rơi.

- Quốc gia hay Việt cộng?

- Các chị nhìn hai thằng tui đoán coi quân lực bên mô.

- Chú ni có xăm trổ nơi tay, e bên Quốc gia. Còn chú ni dáng thiệt thà, e Việt cộng.

- Gần đúng, đều ngược lại…

Cả đò cùng cười. Cái sự hòa hợp dân tộc ở những người dân nó đơn giản đến thế!

*

Thực ra, khi đọc những dòng lan man này chắc mọi người đều dễ dàng phát hiện ra một kẽ hở, một điều vô lí trong logic chuyện đi tìm đồng đội: Ơ kìa cái ông già lẩn thẩn, chả phải trong tin nhắn trên TV “Ai biết… ở đâu, xin báo cho …” đã có địa chỉ, số di động? Chỉ cần nhấc máy lên, mấy giây sau chuông reo… Vâng, thưa các bạn! Chuông reo xong rồi tôi sẽ nói gì với người thân của đồng đội đây, nói gì? Tất cả, trong cái nóng hàng nghìn độ khi chiếc xe tăng phừng phừng cháy, khói đen kịt cuồn cuộn bốc cao, đạn 85 ly còn lại trong xe nổ uỳnh oàng từng viên phóng vút lên trời. Cả nghìn viên đạn AK nổ như bắp rang. Tất cả, bốn thi thể thành tro, không, làm gì còn tro, là thành khói bay lên trời. Không mộ thật, không mộ gió, các bạn tôi hi sinh đã và mãi mãi không tốn thêm vuông đất nào trong nghĩa trang, vuông đất nào giữa đời. Tất cả đã… bay lên. Có ai đủ can đảm miêu tả lại cảnh ấy cho người thân của bốn liệt sĩ trên đây giúp tôi không?

Có ai không?

Giáo viên nhận xét bộ sách giáo khoa Cánh Diều sau 4 năm học

Giáo viên nhận xét bộ sách giáo khoa Cánh Diều sau 4 năm học

Baovannghe.vn - Nội dung sát với chương trình giáo dục phổ thông 2018, hình ảnh bắt mắt, bài học sinh động... là ưu điểm của bộ sách giáo khoa Cánh Diều được giáo viên đánh giá cao.
Trên 8000 tác phẩm dự Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam”

Trên 8000 tác phẩm dự Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam”

Baovannghe.vn - Ngày 14-11, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức họp báo tổng kết Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” năm 2024.
Giao lưu và ra mắt tập thơ song ngữ Việt - Hàn "Chúng ta có thể suốt đời chờ nhau”

Giao lưu và ra mắt tập thơ song ngữ Việt - Hàn "Chúng ta có thể suốt đời chờ nhau”

Baovannghe.vn - Chiều ngày 14/11, tại Nxb Hội Nhà văn Việt Nam diễn ra giao lưu và ra mắt tập thơ song ngữ Việt - Hàn "Chúng ta có thể suốt đời chờ nhau”
Bổ sung 2 dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025

Bổ sung 2 dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025

Baovannghe.vn - Phó Thủ tướng Lê Thành Long vừa ký Quyết định số 1372/QĐ-TTg phân công cơ quan chủ trì soạn thảo,2 dự án luật, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025
Đi trong nhà - Thơ Phạm Đình Ân

Đi trong nhà - Thơ Phạm Đình Ân

Baovannghe.vn- Nhổm dậy mò mẫm đi