Sáng tác

Sau những chênh vênh - Truyện ngắn dự thi của Tạ Thị Thanh Hải

Tạ Thị Thanh Hải
Truyện
08:21 | 10/11/2024
Baovannghe.vn - Những lời tâm sự của cô gái khiến anh chợt thấy mình như bừng tỉnh. Anh thấy những hoang mang chênh vênh bức bối của mình bỗng tan loãng, nhạt thếch, vô nghĩa. Anh cứ tưởng xung quanh mình chỉ đầy rẫy những vô tâm, tính toan, thực dụng, bon chen. Vậy mà giữa cuộc sống hối hả xô bồ vẫn có một tâm hồn đầy ắp ưu tư mà lại trong trẻo thánh thiện đến lạ kỳ...
aa

Từ ngày mẹ mất, mỗi lần thấy bức bối ngột ngạt, anh không dám đi ra khỏi nhà bằng xe máy nữa. Vì có lần như thế, anh đi trong vô thức và lại rẽ vào con đường dẫn ra đê sông Hồng để về nhà cũ. Nỗi niềm này chưa vơi đi thì nỗi niềm khác lại ngằm ngặp ứ đầy. Nhà đã đổi chủ.

Mỗi lần cảm thấy căng thẳng bức bối vì chuyện ở cơ quan hay vục vặc ngột ngạt bởi mâu thuẫn gia đình, anh thường xách ba lô đi đâu đó một ngày. Như một thói quen đã ăn sâu trong tiềm thức, đi đến ngã rẽ đầu tiên bao giờ anh cũng ngoặt xe vào con đường dẫn ra đê sông Hồng để về quê. Về với mẹ, bữa đêm là tiếng càm ràm giáo huấn khàn đục mà thê thiết vọng ra từ sau cánh màn vá lỗ chỗ, bữa sớm là mấy bắp ngô luộc hoặc bát bánh đúc lạc ngậy bùi. Mẹ anh có sạp hàng xén nhỏ xíu bán kim chỉ bấc đèn và những đồ lặt vặt ở chợ Cội. Người đàn bà góa chồng từ năm ba mươi tuổi chỉ biết tìm niềm vui sống cho mình ở những buổi chợ quê, căn cơ chắt chiu dụm dành từng đồng bạc lẻ như một lẽ sống, một đức tính cố hữu, chỉ có niềm tự hào về đứa con trai duy nhất lập nghiệp nơi thành phố là hào phóng ăm ắp.

Sau những chênh vênh - Truyện ngắn dự thi của Tạ Thị Thanh Hải
Minh họa Đặng Tiến

Buổi sáng mẹ đi chợ, anh thường sang nhà ông chú bên hàng xóm ngồi uống nước vối và nghe những mẩu chuyện chiến tranh được chắp vá từ người thương binh già trí nhớ đã nhiều phần mai một. Cũng có khi anh lang thang cầm máy ảnh đi ra phía bãi bồi, thâu lượm những mươn mướt ngô non, bạt ngàn dong riềng và cả những đụn khói xám ngăn ngắt của chiếc phà hút cát. Buổi trưa mẹ về, bữa cơm có canh cua hoa lý, đậu phụ rán giòn và cà pháo muối riềng cay nồng. Mẹ vẫn nhớ khẩu vị của anh với từng sở thích nhỏ nhất như thế. Một giấc trưa miên mải trong không gian yên ả, thi thoảng có tiếng con yểng cất lên lảnh lót. Buổi chiều ngà ngà nắng, anh xách xe đi, lỉnh kỉnh sau xe là bó rau tươi, mấy nải chuối xanh và đùm trứng gà trứng vịt. Anh lẳng lặng mang theo sự chăm chút ấy của mẹ như một cách dễ nhất làm vui lòng bà. Bóng mẹ nhỏ dần trong gương chiếu hậu nhòe nhoẹt nắng. Chỉ cần như vậy là sự bức bối ngột ngạt trong anh vợi đi đáng kể.

Từ ngày mẹ mất, mỗi lần thấy bức bối ngột ngạt, anh không dám đi ra khỏi nhà bằng xe máy nữa. Vì có lần như thế, anh đi trong vô thức và lại rẽ vào con đường dẫn ra đê sông Hồng để về nhà cũ. Nỗi niềm này chưa vơi đi thì nỗi niềm khác lại ngằm ngặp ứ đầy. Nhà đã đổi chủ. Một căn nhà mái Thái lợp ngói đỏ sậm nổi bật giữa vườn cây xanh um. Nếp nhà ngói nâu sẫm của mẹ nằm nép mình phía cuối vườn sau. Người chủ mới nhiều lần bảo anh nhượng nốt phần đất có ngôi nhà cũ ấy để họ quy hoạch khu vườn cho vuông vắn hơn nhưng anh không đồng ý. Ngôi nhà cũ không có hơi người trở nên rệu rã, xộc xệch nhanh chóng nhưng anh vẫn muốn giữ lại để khi thấy lòng mình bầm dập xác xơ sẽ vẫn còn chốn để đi về, để nương tựa vào những cũ càng cho bớt chênh vênh. Anh bần thần đứng trước cánh cổng sơn màu giả gỗ có giàn hoa giấy ngũ sắc sặc sỡ, lòng chống chếnh hoang hoải như chiều chạng vạng. Giờ muốn đi vào nhà cũ, anh sẽ phải đi qua đoạn ngõ rợp hoa sử quân tử, đi qua khoảnh sân vườn được bài trí gọn gàng bởi những chậu bonsai, những cây sung cảnh trĩu trịt quả, những cây xanh cắt xén tỉa tót kỹ càng tròn ăm ắp như mâm xôi. Anh định đưa tay bấm chuông nhưng tần ngần lại thôi.

Anh lên xe đi về phía nhà ông chú thương binh. Ông chú đang ngồi gà gật hút thuốc lào dưới gốc cây hồng xiêm, trông thấy anh, sau một phút ngơ ngác, bất chợt đứng bật dậy, nghiêm trang chào điều lệnh, đôi chân nứt nẻ run rẩy. Những câu chuyện chiến tranh chắp vá rời rạc giờ càng trở nên khó hiểu bởi ông đã lẫn cẫn lắm rồi. Anh lặng lẽ dắt xe đi một quãng xa mới dám nổ máy, bởi nhớ có lần vô ý nổ máy từ trong sân, ông chú chợt hét lên: “Bom nổ rồi!” Làng mạc đang nhuốm dần màu phố thị, sặc sỡ và lao xao. Chỉ còn những chuyến phà qua lại hai bên bờ sông vẫn còn xình xịch vọng về từ xa xăm ký ức.

Sau ngày giỗ đầu mẹ, vợ anh gọi người đến làm hợp đồng chuyển nhượng khu vườn phía trước, một phần để lo cho anh sang một vị trí mới theo lời hứa về sự quy hoạch cán bộ, một phần dành cho việc thực hiện thụ tinh nhân tạo để sinh quý tử. Cô ấy bảo sẽ phải có con trai bằng mọi giá. Nhà vợ anh có ba chị em gái, bà chị cả định cư bên Nga, thi thoảng chỉ biết gửi tiền về nhờ em phụng dưỡng bố mẹ; cô em út lấy chồng tận Sơn La, cả năm mới về thăm bố mẹ được một vài lần. Ông bố vợ mắc chứng hen suyễn và viêm xoang nặng, bà mẹ thì bị viêm khớp mãn tính, hai ông bà có chế độ bảo hiểm, ăn cơm bệnh viện nhiều hơn cơm nhà, mọi công việc lớn nhỏ đều một tay cô ấy cáng đáng. Có lẽ vì thế mà cô ấy hay cáu kỉnh bẳn gắt vô cớ với chồng con.

Nhưng theo vợ anh, điều cô ấy quan ngại nhất là thế đất ấy của nhà anh rất xấu, khuyết cung Quan lộc còn cung Tử tức thì bị án ngữ bởi một cây sấu cổ thụ của hàng xóm. Vì thế đường công danh của anh cứ lận đận tậm tịt mãi và chuyện con cái của hai vợ chồng cũng chật vật, lấy nhau năm sáu năm mới có được mụn con gái. Nhưng rồi lời hứa về cái “vị trí mới” cứ lơ lửng xa dần. Hai lần vợ anh vào viện làm kỹ thuật IVF đều thất bại. Nỗi niềm mồ côi mỗi ngày lại thêm kết tủa trong anh, xa xót, quặn thắt. Để rồi rất lâu sau đó, mỗi lần có chuyện, anh cố dằn lòng giam mình trong căn phòng chật hẹp. Và nếu thực sự muốn đi, anh gọi taxi đi về phía bến xe, bắt đại một chiếc xe khách ngược lên mạn Tây Bắc, lắc lư chập chờn một đêm, sáng hôm sau tỉnh dậy ở một vùng đất xa lạ, lang thang trên những con đường đèo dốc khúc khuỷu ngoằn ngoèo, mặc điện thoại cứ réo liên hồi như một con dê bị bỏ đói. Chiếc máy ảnh Canon cũ rích chênh chếch theo bóng nắng, thi thoảng ống kính lại nhòe đi…

Và lần này, anh lại xách ba lô đi. Ở cơ quan, mấy người đùn đẩy nhau không ai muốn nhận chuyến công tác này. Còn ở nhà, một cuộc chiến tranh nổ ra gay gắt chỉ với một tin nhắn ỡm ờ không đầu không cuối, nhưng anh hiểu đó chỉ là cái cớ để vợ ép anh chuyển vào miền Nam cùng cô ấy. Trong đó, mấy anh chị con bà bác ruột vừa mới hùn vốn thành lập công ty riêng. Đó là miền đất hứa, là nơi để con người tự phải bứt mình ra khỏi lối tư duy mòn nhẵn bảo thủ. Khí hậu trong đó cũng có thể giúp bố mẹ già cải thiện sức khỏe. Tờ đơn ly hôn nằm ướt nhẹp ở bàn nước như một bức tối hậu thư. Lại là chiêu trò cũ mèm của vợ. Anh cố nghĩ vậy. Và anh lại ra đi như bao lần căng thẳng khác. Anh chẳng cần thời gian để suy nghĩ cho mình nhưng cần thời gian để bé Bống quen dần với sự vắng mặt của bố nếu như vợ anh đã quyết dứt áo ra đi. Lướt qua khung cửa sổ nhỏ, anh khựng lại bởi đôi mắt to tròn buồn thẳm của cô con gái nhỏ ngồi lọt thỏm bên mấy con gấu bông xanh lét. Tiếng vợ anh vẫn xoe xóe đuổi theo lẫn trong tiếng xe cộ ồn ã. Anh thấy mình rệu rã bải hoải như đang cố gom chút tàn lực cuối cùng để tàn nhẫn với cả chính mình.

Một chiếc xe khách lạng vào sát lề đường, anh chàng phụ xe bé quắt thò đầu ra nói leo lẻo: “Lên đi anh trai. Đảm bảo xe sẽ đưa anh đến bất kỳ xó xỉnh nào anh muốn.” Anh nhìn thấy trên xe đã chật ních người, có lẽ đây là chuyến xe liên tỉnh cuối cùng trong ngày. Anh giơ tay ra vẫy, như chỉ chờ có thế, anh chàng phụ xe nhảy thót xuống nhấc chiếc va ly của anh nhét vào cốp rồi ẩy anh lên xe. Chiếc xe nhấn còi inh ỏi, len lỏi vào dòng người tấp nập giờ tan tầm. Anh bị ấn xuống hàng ghế dài cuối xe đã có năm người ngồi. Một người đàn ông trạc tuổi anh khẽ nhích người cho anh có chỗ ngồi. Họ là một nhóm “du lịch bụi”, ngồi góc xe bên trái là một cặp trai gái có vẻ như đang yêu nhau. Kế đến là một thiếu phụ có vóc người đậm đà, miệng tóp tép nhai sing-gum, đeo tai nghe, mắt mơ màng, đầu lắc lư theo điệu nhạc nào đó. Người đàn ông trạc tuổi anh, ra dáng “trưởng nhóm”, cười cởi mở: “Chúng tớ thích đi thế này cho vui vẻ, đoàn kết. Chứ đi xe máy vừa nguy hiểm vừa xa cách. Xuống tới nơi, nhóm sẽ thuê xe điện đi thăm thú các nơi.” Góc xe bên phải là một cô gái cắt tóc tém, giọng trong vắt: “Tu trăm năm mới chung thuyền. Chắc chúng ta cũng tu cỡ trăm linh mười năm mới chung chuyến xe chật cứng người thế này các anh nhỉ?” Mấy anh em cười ồ, anh thấy mình như cởi bớt được sự gượng gạo nặng nề, buột miệng: “Mấy anh em đi đâu thì cho tôi đi chung với nhé. Tôi muốn thăm thú vài nơi trước khi vào công tác miền Trung.”

Nơi họ đến là vùng đất có những rặng núi lô nhô bốn mùa xanh ngắt, những hang động trầm tích ẩn giấu nhiều câu chuyện huyền bí của lịch sử. Cách đây hai năm, cơ quan anh cũng đi vào Huế rồi ngược ra trong một tua thăm các vùng đất cố đô. Lần đó gặp áp thấp nhiệt đới, suốt hai ngày liền, từ khung cửa sổ trên tầng tám khách sạn nhìn ra ngoài thấy mưa trắng trời, mấy người đàn ông tụ lại một phòng để chơi bài lá giết thời gian. Còn lần này, trong tâm trạng căng thẳng bải hoải rã rời, anh cũng chẳng hy vọng có một chuyến đi vui tươi, chỉ coi đây là trạm dừng chân để có thể bình ổn lại tâm trạng trước khi đi tiếp vào vùng đất nắng gió trong chuyến công tác hai tháng sắp tới.

Họ bắt taxi về một khách sạn ở ngoại vi thành phố, là một khu đô thị mới, đường sá được quy hoạch gọn ghẽ và trong lành. Sau bữa tối, họ thuê chung một chuyến xe điện đi quanh khu phố cổ. Gọi là phố cổ chỉ bởi kiến trúc và sự trang trí những vật dụng theo lối cổ xưa còn không khí cũng tấp nập chẳng khác gì những con phố hiện đại, đặc biệt là vào cuối tuần. Những chiếc đèn lồng đủ màu sắc treo lắc lư trước mỗi gian hàng. Những bản nhạc thiền xen lẫn những bản không lời cổ điển. Cả nhóm đi bộ về phía cuối đường tìm một quán vắng nhất. Ngồi chung chuyện trò được một lát, đôi bạn trẻ đứng dậy chụp ảnh cho nhau, người thiếu phụ đi ra một góc gọi điện thoại về cho con gái, anh trưởng nhóm mở iPad để hoàn thành gấp một báo cáo. Chỉ còn anh với Miên, cô bé tóc tém ngồi trầm ngâm bên hai ly hồng trà. Giờ anh mới có dịp ngắm kỹ cô gái. Hình như mái tóc ngắn không hề phù hợp với đường nét dịu dàng hiền lành trên khuôn mặt Miên. Anh thầm đoán cô ấy đang cố che giấu một điều gì đó sau cái vẻ ngoài có phần ngạo mạn bất cần ấy. Chẳng hiểu sao anh có cảm giác thật gần gũi với Miên, như thể họ có chung tần số sinh học. Gương mặt thanh tú của Miên phảng phất buồn, những lời rỉ rả tâm sự như tan vào đêm.

Anh ấy là mối tình đầu của em. Chúng em từng hẹn thề với nhau dưới chân không biết bao nhiêu bức tượng Phật, đợi anh ấy hoàn thành khóa tu nghiệp bên Đức về là chúng em sẽ làm đám cưới. Nhưng một tai nạn bất ngờ đã cướp mất anh ấy. Mà anh có tin vào linh cảm không? Còn em thì có đấy. Lúc tiễn anh ấy đi, chẳng hiểu sao em cứ nhìn hút vào cái gáy trắng trẻo của anh ấy và có cảm giác lấn bấn bất an. Khi đi, anh ấy là chàng trai cao to vạm vỡ tràn đầy năng lượng, vậy mà chưa đầy ba tháng sau, anh ấy trở về chỉ còn là một hũ tro cốt. Mãi sau, gia đình anh ấy mới cho em xem những bức ảnh mà các nhà chức trách bên kia cung cấp. Anh ấy bị trượt ngã trong một chuyến đi thực địa, gáy bị đập vào một hộc đá. Em đã xuống tóc suốt ba năm qua. Đoạn tang anh ấy, em mới để tóc dài ra được mấy tháng nay anh ạ. Mấy anh chị cùng phòng rủ em đi xuống đây chơi vài ngày cho khuây khỏa. Vì có thể sang tháng em sẽ về quê…

Những lời tâm sự của cô gái khiến anh chợt thấy mình như bừng tỉnh. Anh thấy những hoang mang chênh vênh bức bối của mình bỗng tan loãng, nhạt thếch, vô nghĩa. Anh cứ tưởng xung quanh mình chỉ đầy rẫy những vô tâm, tính toan, thực dụng, bon chen. Vậy mà giữa cuộc sống hối hả xô bồ vẫn có một tâm hồn đầy ắp ưu tư mà lại trong trẻo thánh thiện đến lạ kỳ như Miên. Bỗng nhiên anh thấy lòng mình chợt gợn lên một cảm xúc thật lạ, nửa như cảm thương, nửa lại thấy xốn xang ấm áp khó lý giải. Đêm bình thản thôi trong tiếng nhạc dìu dịu êm đềm.

Chiều hôm sau, cả nhóm đi thăm đầm Vân Long. Như vô tình mà hữu ý, anh và Miên ngồi chung thuyền. Miên rỉ rả kể cho anh nghe về tuổi thơ của mình ở một làng chài yên ả. Cô là con út của gia đình sáu chị em con gái, là đứa duy nhất học đại học và bám trụ lại thành phố như niềm tự hào lớn lao của bố mẹ. Nhưng sau biến cố đầu đời ấy, bố mẹ ngậm ngùi bảo cô có thể về quê nếu muốn. Ông bà cũng chẳng vì sĩ diện mà bắt con gái mình cứ sống lay lắt ủ ê mãi trong nỗi niềm hoài niệm buồn thương.

Thuyền lướt qua đám lau sậy um tùm. Vài cánh chim bói cá vụt bay lên tao tác. Trời bất chợt đổ mưa. Chị lái đò đưa cho anh tấm áo mưa duy nhất. Anh nhanh tay choàng tấm nilon qua vai Miên, một chút đụng chạm vô tình, bắt gặp ánh mắt thăm thẳm sau hàng mi rợp buồn của cô ấy, không hiểu sao tim anh đập thình thịch. Mưa rơi lộp độp như vãi đá xuống lòng thuyền rồi bất chợt ngưng hẳn. Chị lái đò bảo: Là mưa bóng mây thôi. Anh đưa tay vuốt những hạt nước trên tóc, trên mặt, quay đi cười bối rối.

Đêm phố núi mênh mang. Nhóm zalo chung nhấp nháy thông báo, “trưởng nhóm” giục anh gửi ảnh cho mọi người cùng xem. Anh ngồi trước màn hình máy tính ngắm nhìn những khoảnh khắc của Miên nhỏ nhắn trong veo giữa mênh mang xanh núi, đôi mắt vẫn phảng phất nét ưu tư nhưng nụ cười đã có nét tự nhiên, trong trẻo. Anh gói tất cả file ảnh rồi gửi lên nhóm. File ảnh vừa tải lên hoàn tất, anh thấy Miên thả tim. Bất giác anh thấy lòng nhẹ thênh, ấm áp.

Anh và Miên đã có zalo của nhau. Sau hôm nay, có thể là những tin nhắn qua lại, rồi khi anh trở lại thành phố, nếu Miên chưa về quê, biết đâu họ sẽ có những cuộc hẹn hò cà phê, những lời tâm sự trải lòng. Và biết đâu có những điều sẽ đi xa hơn khi một trong hai thấy lòng hoang hoải chênh vênh. Khi ấy, những ấn tượng tốt đẹp về nhau sẽ lớn dần thành sự đồng cảm, thấu hiểu, nương tựa. Nhưng nghĩ về những lời tâm sự của cô gái có trái tim thánh thiện ấy, anh biết những rung động thoảng qua của mình sẽ chỉ là cơn mưa bóng mây nhanh chóng tan loãng vào bạt ngàn thẳm xanh.

Ngày mai nhóm Miên sẽ trở lại thành phố. Còn anh sẽ đi vào miền Trung với chuyến công tác hai tháng. Anh cũng chẳng hi vọng sau chuyến đi này mình sẽ được cất nhắc như lời hứa của sếp phó, thậm chí có thể bị điều chuyển sang một phòng ban khác. Với anh, chuyến đi này là những ngày tạm xa để anh và vợ cảm nhận rõ vị trí của người kia trong lòng mình. Có thể hàn gắn nếu ánh mắt ngơ ngác của cô con gái nhỏ còn đủ sức níu lòng. Nhưng cũng có thể chia ly nếu một trong hai vẫn cố chấp hoặc trót lạc vào những ảo mộng, những toan tính thực dụng bon chen.

Anh đang miên man suy nghĩ thì điện thoại báo có tin nhắn. Là của vợ: “Em nghĩ kỹ rồi, em không vào miền Nam nữa. Dạo này em thấy bà ngoại Bống có vẻ yếu đi nhiều. Em vừa vào viện với bà, bà lại giục em chuyện sinh con... Sau đợt công tác này, anh về, mình đến bệnh viện kiểm tra rồi tiến hành làm IVF một lần nữa nhé!”

Sau tin nhắn ấy là mấy tấm ảnh chụp cô con gái nhỏ ôm con gấu bông cười lí lắc. Anh chợt thấy lòng mình chùng xuống. Thì ra trong những lúc chênh vênh nhất, người ta mới có thể cảm nhận và thấu hiểu được nỗi niềm của người khác. Vợ anh hay cáu kỉnh bẳn gắt vô cớ vì những lo toan thường nhật, vì những dự định chính đáng mà anh từng nghĩ đó là những mộng ảo xa vời. Anh từng có cảm giác bất lực khi chỉ có thể cùng gánh vác trách nhiệm với cô ấy bằng những đồng lương hạn hẹp đều đều hằng tháng. Nỗi bất lực lớn dần thành niềm tự ái, mặc cảm xót xa. Khi phải đành lòng hi sinh những dấu ấn kỷ niệm thân thương về mẹ và căn nhà cũ để vợ thực hiện những dự định lớn lao và thiết thực hơn, anh đã trách cứ cô ấy thực dụng, vô tâm. Để rồi cứ trăn trở, day dứt miên man...

Anh nhắn tin lại cho vợ bằng một icon biểu tượng cho sự đồng ý rồi đứng dậy mở cửa sổ, châm thuốc hút. Khói thuốc tan vào đêm mênh mang. Dưới đường lác đác đèn xe, lấp lánh như sao sa...

Người thật thà ở phố của rơi. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Văn Học Người lạ có mùi buồn. Truyện ngắn dự thi của Quế Hương Về lại vườn đào - Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Ngọc Lợi Săn mây. Truyện ngắn dự thi của Phan Ngọc Chính Thư viện người. Truyện ngắn dự thi của Lê Văn Thân
VN13/2024
Mời quý vị đón đọc báo Văn nghệ số 49/2024

Mời quý vị đón đọc báo Văn nghệ số 49/2024

Baovannghe.vn - Báo Văn nghệ số 49/2024 ra ngày 7/12/2024 có các nội dung sau đây:
"Sốt" vé xem các anh trai biểu diễn: Thị trường ca nhạc đang bùng nổ?

"Sốt" vé xem các anh trai biểu diễn: Thị trường ca nhạc đang bùng nổ?

Baovannghe.vn - Hàng chục nghìn vé xem hòa nhạc được đặt mua chỉ trong vài giờ chính thức mở bán không chỉ cho thấy sức ảnh hưởng của các chương trình Anh Trai Say Hi, Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai mà còn cho thấy triển vọng của thị trường biểu diễn âm nhạc trong nước hiện nay.
Liên hoan phim châu Âu 2024: Âu châu là một vòng tròn

Liên hoan phim châu Âu 2024: Âu châu là một vòng tròn

Baovannghe.vn - Liên hoan phim châu Âu (EUFF) lần thứ 23 tại Việt Nam vừa trở lại tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Trong khuôn khổ liên hoan phim, khán giả yêu điện ảnh có cơ hội thưởng thức 18 bộ phim đến từ 18 quốc gia khác nhau, ghi dấu những lần gặp gỡ với những câu chuyện, mảnh đời khác lạ.
Tổng tập Nhà văn Quân đội 80 năm vang mãi khúc quân hành người lính Cụ Hồ

Tổng tập Nhà văn Quân đội 80 năm vang mãi khúc quân hành người lính Cụ Hồ

Baovannghe.vn - Tiến tới kỉ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và ngày truyền thống Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã tiến hành biên soạn, cho ra mắt bạn đọc bộ Tổng tập Nhà văn Quân đội.
Đoàn nhà văn dâng hương Văn Thánh miếu Vĩnh Long

Đoàn nhà văn dâng hương Văn Thánh miếu Vĩnh Long

Baovannghe.vn - Chiều 1/12, tại thành phố Vĩnh Long, đoàn nhà văn Việt Nam do nhà thơ Nguyễn Quang Thiều dẫn đầu đã đến dâng hương Văn Thánh miếu. Đây là đoàn nhà văn về tham dự Đại hội khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên được tổ chức tại Trường Đại học Cửu Long, tỉnh Vĩnh Long ngày 2/12.