Văn hóa nghệ thuật

Nữ sĩ Quỳnh Dao năm 18 tuổi và mối tình đau khổ với thầy giáo dạy cấp ba

Quỳnh Dao - Cẩm Lan dịch
Sách
09:57 | 05/12/2024
Ngày 4 tháng 12 năm 2024, nữ văn sĩ, biên kịch, nhạc sĩ, và nhà sản xuất phim nổi tiếng Quỳnh Dao được phát hiện đã qua đời tại nhà riêng ở Đạm Thủy, Đài Bắc - Đài Loan, hưởng thọ 86 tuổi. Giờ đây, khi huyền thoại khép lại, nhìn lại cuộc đời bà, quả đúng như lời bà từng nói: "Lúc sống, nguyện như tia lửa, cháy rực cho đến giây phút cuối cùng của cuộc đời. Lúc chết, nguyện như bông tuyết, nhẹ nhàng rơi xuống, hòa vào cát bụi." Dưới đây xin giới thiệu trích đoạn từ cuốn sách "Câu Chuyện Của Tôi" của nữ sĩ Quỳnh Dao.
aa

Bạn đọc có thể đọc Kỳ 1 - Cuốn sách "Câu Chuyện Của Tôi" của nữ sĩ Quỳnh Dao ở đây: Lúc sống nguyện như tia lửa cháy rực rỡ, lúc chết nguyện như bông tuyết nhẹ nhàng rơi

002

Năm tôi mười tám đến mười chín tuổi, tôi học lớp 12 tại trường nữ trung học số hai ở Đài Bắc.

Gia đình tôi lúc này đã có một số thay đổi.

Nữ sĩ Quỳnh Dao năm 18 tuổi và mối tình đau khổ với thầy giáo dạy cấp ba
Quỳnh Dao thời trẻ.

Cha tôi, người đã dành cả đời để dạy học, cuối cùng cũng nhìn thấy bầu trời sáng trong. Các học trò kính trọng và yêu mến ông. Ông thường xuyên tổ chức diễn thuyết trong hội trường lớn, mỗi lần như vậy người nghe chen lấn đến mức làm vỡ cả cửa kính của hội trường, và không khi nào còn chỗ trống. Hơn nữa, ông bắt đầu xuất bản sách, viết loạt truyện “Lịch Sử Trung Hoa.”

Mẹ tôi từ bỏ công việc tại trường Kiến Quốc để toàn tâm toàn ý hỗ trợ sự nghiệp của cha. Cha viết sách, mẹ chịu trách nhiệm xuất bản, từ hiệu đính cho đến chạy qua xưởng in, tất cả đều là công việc của mẹ. Ngày ngày bận rộn không ngừng, vừa lo việc nhà, vừa gánh vác công việc, mẹ tôi quả là một người phụ nữ mạnh mẽ, quyết đoán, và vô cùng tháo vát.

Em gái tôi vẫn luôn là em gái xuất sắc. Em trai tôi vẫn luôn là em trai xuất sắc. Kỳ Lân em trai kế tôi vẫn ở ký túc xá, hiếm khi về nhà.

Tôi vẫn tiếp tục cô đơn, trống trải, với một cuộc sống nghèo nàn về tinh thần.

Những chuyện xảy ra năm tôi mười sáu tuổi giờ đã thành quá khứ, dần bị cha mẹ lãng quên. Họ chỉ tập trung vào một điều: năm cuối cấp của tôi phải thi đại học, và điều mẹ lo lắng nhất là tôi sẽ thi trượt! Cha là một giáo sư danh tiếng, nếu con gái ông trượt đại học, thì thật mất mặt biết bao! Hơn nữa, nếu không đỗ đại học, tôi sẽ ra sao? Một học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông, ngay cả cơ hội tìm việc cũng không có!

Mẹ tôi, trong những giờ phút bận rộn hiếm hoi, gần như mỗi ngày đều nhắc nhở tôi: “Con nhất định phải cố gắng hết sức! Với trí thông minh và tài năng của con, không có lý do gì để thi trượt đại học! Nếu trượt, đó không chỉ là thất bại của riêng con, mà còn là thất bại của cả gia đình! Con hãy tự biết mình, đừng khiến cha mẹ thất vọng!”

Tôi rất lo lắng, thật sự rất lo lắng. Tôi không muốn cha mẹ thất vọng, không muốn khiến mẹ khóc. Nhưng kỳ thi đại học đang đến gần, và tôi sợ hãi đến mức mỗi đêm đều mơ thấy ác mộng. Tôi mơ thấy cả thế giới cười nhạo tôi: “Con gái của Trần Chí Bình mà lại không đỗ đại học!”

Lúc này, cuộc sống của tôi không chỉ là cô đơn, lẻ loi và bất lực nữa. Tôi còn mang một nỗi sợ hãi sâu thẳm, dai dẳng. Niềm yêu thích viết lách của tôi đã hoàn toàn dừng lại, vì mẹ cho rằng nó ảnh hưởng đến việc học của tôi. Tôi cũng không dám chạm đến sách của Turgenev hay Shakespeare nữa. Mỗi ngày, tôi cầm trên tay những cuốn sách giáo khoa mà mình không hiểu nổi, để rồi sự tự ti và sợ hãi cứ quấn lấy tim tôi, không rời.

Mười tám tuổi! Đó lẽ ra phải là tuổi thanh xuân rực rỡ. Nhưng tuổi mười tám của tôi lại ảm đạm đến thế.

Tôi gầy gò, xanh xao, chán ăn, tinh thần bấn loạn. Khi nhìn vào gương, tôi luôn cảm thấy mình giống như một hình nhân bằng giấy, chỉ cần một cơn gió cũng có thể tan vỡ. Ở trường, các bạn cùng lớp đặt cho tôi biệt danh “Lâm Đại Ngọc” – chỉ cần nghe cái tên cũng biết tôi tiều tụy đến mức nào.

Vào lúc đó, thầy giáo dạy Văn của tôi đã bước vào trái tim tôi với sự quan tâm và khích lệ của ông.

Thầy lớn hơn tôi hai mươi lăm tuổi, đã từng kết hôn, nhưng vợ ông đã qua đời. Thầy sống cô đơn một mình ở Đài Loan, làm giáo viên trung học đã được bảy năm. Thầy là một người học thức uyên bác, mang phong thái nho nhã của một nhà nho Trung Hoa. Thầy giỏi mọi thứ từ thơ ca, đối chữ, đến thư pháp và khắc triện.

Thành thật mà nói, tôi ngưỡng mộ thầy vô cùng. Nhưng sự ngưỡng mộ ấy rất dễ biến chất. Còn thầy, thầy dành cho tôi sự thương cảm, nhưng cảm xúc ấy cũng rất dễ đổi thay. Hơn nữa, thầy cô đơn, tôi cũng cô đơn. Thầy trống trải, tôi cũng trống trải.

Tình yêu, một khi đã xảy ra, sẽ không bị ràng buộc bởi tuổi tác, địa vị, thân phận hay đạo đức.

Trong một niềm vui sướng mới lạ, tôi chợt nhận ra rằng: trên đời này, hóa ra tôi không hề cô độc!

Thầy đã trải qua một đoạn đời dài, hiểu rằng tình cảm này không thể có kết quả, nhưng vẫn bị cuốn vào sự hấp dẫn giữa chúng tôi. Thầy càng cố gắng chống lại, lại càng không thể cưỡng lại. Thầy càng muốn giữ lý trí, lại càng đánh mất lý trí. Mối tình này, mang theo nỗi đau và sự giằng xé, bỗng chốc như những con sóng dữ, cuốn cả hai chúng tôi chìm sâu vào biển khổ.

Tôi biết rằng điều này là sai, nhất định là sai! Tôi hiểu rằng nếu cha mẹ biết được chuyện này, chúng tôi chắc chắn sẽ không còn đường lui! Tôi cũng nghĩ đến những điều tiếng từ xã hội, cách nhìn nhận của mọi người, và cả lập trường của nhà trường… Càng nghĩ, tôi càng sợ hãi. Nhưng điều tôi lo nhất vẫn là chuyện tình cảm này sẽ làm tổn thương thầy. Vì vậy, tôi đã vài lần quyết tâm nói với thầy: “Chúng ta chia tay thôi! Hãy coi như chúng ta chưa từng gặp nhau!”

Nhưng thật ngốc nghếch! Đã gặp rồi, làm sao coi như chưa từng gặp? Đã hiểu nhau rồi, làm sao coi như chưa từng quen biết? Đã yêu nhau rồi, làm sao coi như chưa từng yêu? Nỗ lực chia tay thất bại, cả hai chúng tôi lại trôi dạt trong biển khổ, lúc chìm lúc nổi.

Thầy hơn bốn mươi tuổi, còn tôi mới mười tám, nhưng chính thầy lại hoang mang và bất an hơn tôi. Mối tình tuyệt vọng này giống như những cơn sóng thần dữ dội, cuốn phăng mọi thứ, xâm chiếm cuộc đời tôi. Tôi không thể chống lại, cũng không thể vùng vẫy thoát khỏi. Niềm vui mà tình yêu mang lại tan biến nhanh chóng, chỉ còn lại sự dằn vặt và đau đớn.

Chúng tôi cố gắng giữ bí mật mối quan hệ này. Nhưng dư luận trong trường học đã bắt đầu râm ran.

“Thầy giáo dụ dỗ nữ sinh, đáng xấu hổ!”

“Nữ sinh mê đắm thầy giáo, không biết liêm sỉ!”

Những lời trách móc, đàm tiếu chồng chất khiến chúng tôi không thể ngẩng đầu lên. Tình yêu, tình yêu lẽ ra phải ngọt ngào, sao tình yêu của tôi lại đầy khổ đau đến vậy?

Cuối cùng, chúng tôi quyết tâm lần nữa, lại bàn chuyện chia tay. Nhiều năm sau, tôi viết một bài hát, lời ca như thế này: “Gặp gỡ chẳng dễ dàng, chia tay cũng chẳng dễ dàng. Đối mặt mà chẳng nói nên lời, nước mắt rơi đầy nơi chốn hẹn hò. Hội ngộ thật khó, ly biệt cũng thật khó. Hội tụ hay chia xa đều chẳng thể dự đoán, tâm hồn mãi mãi vương vấn trong giấc mơ.”

Lời bài hát này chính là tấm gương phản chiếu cảm xúc của chúng tôi khi đó.

Chúng tôi lại thử chia tay, nhưng lần nào cũng thất bại. Thầy thường uống rượu để trốn tránh. Mỗi lần say, thầy nhìn tôi với ánh mắt đầy lệ và nói: “Tại sao giữa chúng ta lại cách nhau hai mươi năm?”

Nếu uống say hơn chút nữa, thầy lại thốt lên: “Hai mươi năm thì có là gì? Khi tôi tám mươi tuổi, chẳng ai sẽ nói tôi không nên yêu một người sáu mươi tuổi!”

Còn nếu uống say đến mức không thể kiềm chế, thầy lại cười tự chế nhạo: “Tôi đâu phải gã bốn mươi tuổi? Tôi chẳng qua là một gã ngốc, vì một cô bé như em mà hóa điên hóa dại. Tôi, tâm trí vẫn dừng lại ở mười tám, còn trí tuệ thì chỉ tám tuổi mà thôi!”

Nhưng rượu không thể giải quyết được vấn đề. Có những ngày thầy giữ mình hoàn toàn tỉnh táo, không chạm đến một giọt rượu. Một ngày nọ, thầy nắm chặt tay tôi, lay mạnh, nói bằng giọng đầy khẩn thiết:

“Hãy vì thầy mà đỗ đại học! Đó là mong muốn của cha mẹ em, em không thể khiến họ thất vọng. Khi em vào đại học, em sẽ gặp gỡ nhiều bạn cùng tuổi, cùng thế hệ. Hãy làm quen, hãy tìm hiểu từng người một. Sau bốn năm, nếu em vẫn không thay đổi tình cảm, thầy sẽ đợi em!”

“Nếu em thay đổi, điều đó chứng tỏ rằng tình cảm của chúng ta vốn không thể vượt qua thử thách. Thầy nghĩ rằng, tương lai duy nhất của chúng ta chính là sự lựa chọn của em sau khi tốt nghiệp đại học. Nếu đến lúc đó, em vẫn chọn thầy, thì không ai có thể phản đối được!”

Vì vậy, thầy mạnh mẽ khẩn cầu: “Hãy vì thầy mà thi đỗ đại học! Vì thầy mà giữ vững lòng mình! Giúp thầy giành được một chỗ đứng trong lòng cha mẹ em!”

Đây là một tình yêu đầy vô vọng và đau khổ. Thầy là một người đầy mâu thuẫn, và tôi, một cô gái đáng thương. Chúng tôi đặt ra kế hoạch năm năm, đợi đến khi tôi tốt nghiệp đại học. Khi đó, chúng tôi tin rằng mình sẽ tạo nên một bầu trời riêng. Nhưng năm năm, dài dằng dặc biết bao!

Thi đại học, thi đại học, thi đại học. Mục tiêu này trở thành trung tâm cuộc đời tôi. Tôi không dám tưởng tượng nếu thi trượt, số phận tôi sẽ ra sao, cha mẹ sẽ phản ứng thế nào, và tương lai của tôi cùng thầy sẽ đi về đâu.

Tôi ôm chặt sách vở, học ngày học đêm. Có những lúc, tôi cảm thấy cả cuộc đời mình đã đặt cược vào những trang sách này. Những công thức toán học mà tôi không hiểu, những ký hiệu và ngôn ngữ xa lạ của thế giới phương Tây mà tôi chẳng liên quan.

Có khi, tôi ngồi thẫn thờ nhìn những cuốn sách trong tay: “Thật không thể tin được những ‘X + Y’ này lại có quyền quyết định tình yêu, tương lai, và cuộc đời tôi!”

Tại sao? Tôi không hiểu.

Cuộc sống có quá nhiều câu hỏi “tại sao” mà tôi chẳng thể trả lời. Nhưng tôi lại buộc phải cố gắng giải đáp câu hỏi: “Tại sao X + Y lại bằng Z?” Tôi nhìn những con số, những phương trình, cảm giác như từng ký hiệu đang chế giễu mình.

Kết quả không thể tránh khỏi cuối cùng cũng đến.

Nữ sĩ Quỳnh Dao năm 18 tuổi và mối tình đau khổ với thầy giáo dạy cấp ba
Ảnh minh họa. Freepik.

---

Tên bài viết do Văn Nghệ điện tử đặt lại.

Tiếng Xuân - Thơ Thy Nguyên

Tiếng Xuân - Thơ Thy Nguyên

Baovannghe.vn- Đêm ắng lặng/ Tiếng chuông băng mình lên một ngả trời
Bâng khuâng giao thừa. Tản văn của Nguyễn Thu Hà SG

Bâng khuâng giao thừa. Tản văn của Nguyễn Thu Hà SG

Baovannghe.vn - Phút giây này tôi dành trọn hướng về nguồn cội. Cầu mong cho trời đất ôn hoà, lòng người nhân ái để thái bình an lành cho vạn vật. Cầu mong cho gia đình, người thân, bạn bè tôi luôn an yên, hạnh phúc.
Bài thơ "Đầu năm mua muối" của Phạm Đình Ân

Bài thơ "Đầu năm mua muối" của Phạm Đình Ân

Baovannghe.vn - Mua muối đầu năm là một mỹ tục, hình như chỉ thấy ở vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Mua muối, dẫu chỉ là mua một ít tượng trưng thôi, nhưng là để mua lấy cái mặn nồng, cái may mắn cho cả một năm và của cả nhiều năm sau nữa.
Bộ VHTT&DL: Nỗ lực trong quản lý Di sản văn hóa

Bộ VHTT&DL: Nỗ lực trong quản lý Di sản văn hóa

Baovannghe.vn - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang dự thảo Thông tư quy định về quản lý, sử dụng di sản văn hoá, cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hoá...
Triển lãm “Đảng Cộng sản Việt Nam - 95 năm đồng hành cùng dân tộc”

Triển lãm “Đảng Cộng sản Việt Nam - 95 năm đồng hành cùng dân tộc”

Baovannghe.vn - Ngày 21/1, triển lãm “Đảng Cộng sản Việt Nam - 95 năm đồng hành cùng dân tộc” đã khai mạc tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Triển lãm do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chỉ đạo, Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức.