Sự kiện & Bình luận

Nước là của dân

Hải Đường
Tiếng nói nhà văn
08:00 | 24/08/2024
Baovannghe.vn - 80 năm qua, quan điểm Nhà nước của dân, do dân, vì dân trở thành vấn đề cốt lõi, nguyên tắc bất di bất dịch, khẳng định vai trò vị trí người dân
aa

Cha ông ta từng nói, nước là nước của dân, chứ không phải của vua. Sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Nhà nước Việt Nam mới ra đời, tư tưởng này đã được khẳng định ngay trong Điều 1 bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam mới, năm 1946: “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái, trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”.

Nước là của dân
Ảnh minh họa

Gần 80 năm qua, quan điểm Nhà nước của dân, do dân, vì dân trở thành vấn đề cốt lõi, một nguyên tắc bất di bất dịch, khẳng định vai trò, vị trí của người dân một nước độc lập - một xã hội mà dân làm chủ, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân.

Sáng thu nay, vào dịp kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, trong lấp lánh cờ sao trên đường phố thủ đô Hà Nội, giai điệu bài hát Mười chín tháng Tám của Xuân Oanh lại ngân vang giục giã lòng người: Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày. Có những lời ca giản dị mà sức sống bền lâu cùng năm tháng. Nhất là khi lời ca ấy vừa như lời hiệu triệu vừa là tiếng nói của con tim người dân khi quyết đứng lên giành lại và làm chủ cuộc đời.

Mùa thu 1945, dân ta chặt đứt xiềng gông thực dân, phong kiến. Mùa thu của thập niên thứ ba thế kỷ XXI, người Việt Nam trong thế đứng và thế đi lên thời khoa học công nghệ có bước phát triển thần kỳ. Đâu đâu cũng nói tới kinh tế số, xã hội số. Chính quyền của dân được gọi là “chính quyền số”. Người ta có thể đi khắp chân trời góc biển vẫn có thể giải quyết công việc mang tính thủ tục hành chính ở trụ sở phường, quận, thành phố… Lần đầu tiên có “Ngày chuyển đổi số quốc gia ” là ngày 10 tháng 10 hằng năm - đúng vào ngày giải phóng Thủ đô. Trong doanh nghiệp, khái niệm “chuyển đổi số” thường được hiểu theo nghĩa là quá trình thay đổi từ mô hình doanh nghiệp truyền thống sang doanh nghiệp số. Thay đổi bằng cách mà một người ngoại đạo khó có thể hình dung, đó là việc áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet cho vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)… nhằm thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty.

Đã có “Ngày chuyển đổi số quốc gia” thì công dân trong quốc gia ấy không thể chỉ quen với công việc của một thời con trâu đi trước cái cày đi sau. Cái ý này nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã trăn trở trong bài thơ Đất nước, viết từ hơn 70 năm trước: “mùa thu nay khác rồi” và “trán cháy rực nghĩ trời đất mới”. Khi vầng trán “cháy rực” thì không thể để đôi chân của công dân đứng mãi trên mảnh đất quen thuộc của mình.

Những người công dân yêu nước và giàu khát vọng ấy, theo tiếng gọi của Đất nước, của Đảng mà đứng dậy, đi tới, giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước phồn vinh. Dân tộc nào, thời đại nào cũng chỉ có một con đường lớn - con đường đại đoàn kết toàn dân, tạo dựng nên “thế đi đứng của toàn dân tộc”. Tư tưởng nước là của dân, nhà nước cách mạng là của dân, do dân và vì dân, sáng lên trong Tuyên ngôn Độc lập Bác Hồ trịnh trọng đọc trước quốc dân đồng bào ngày 2/9/1945. Tư tưởng ấy kế thừa những tinh túy của nhân loại và đã hình thành, phát triển qua nhiều giai đoạn lịch sử của dân tộc. Cha ông ta từng căn dặn: “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” (Dân là trọng hơn cả, xã tắc đứng đằng sau, vua còn nhẹ hơn). Nguyễn Trãi cũng vận dụng tư tưởng đó khi viết “Phúc chu thủy tín dân do thủy” (Làm lật thuyền mới biết sức dân như nước). Hàng nghìn năm phong kiến phương Bắc đô hộ, vương triều nào được lòng dân, cố kết được nhân tâm thì làm nên nghiệp lớn.

Lại nhớ về phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời vào chiều 3/9/1945, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã bàn đến sáu nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước non trẻ: chống giặc đói; chống giặc dốt; tổ chức tổng tuyển cử; giáo dục lại tinh thần của nhân dân bằng cách thực hiện cần, kiệm, liêm, chính; bỏ thuế thân, thuế chợ, thuế đò và cấm thuốc phiện; thực hiện tự do tín ngưỡng. Lúc bấy giờ ngân khố quốc gia gần như trống rỗng. Làm thế nào để có tiền chi tiêu phục vụ nhiệm vụ chống “giặc” và kiến quốc? Chính phủ đã quyết định huy động sức mạnh trong dân. Hưởng ứng lời kêu gọi của Cụ Hồ, đồng bào cả nước đã ủng hộ cho “Quỹ độc lập” khá nhiều vàng, bạc, tiền Đông Dương. Chỉ trong một thời gian ngắn, nhân dân cả nước đã quyên góp được 20 triệu tiền đồng và 370 kilôgam vàng. Theo tính toán của các nhà nghiên cứu, giá vàng khi đó là 400 đồng/lạng thì số tiền 20 triệu đồng tương đương 50.000 lạng (khoảng 1.923 kg), tổng cộng được 2.293 kg hoặc 59.618 lạng; theo thời giá hiện nay là tương đương trên 3.000 tỉ đồng.

Lại nhớ những ngày trứng nước, trong muôn vàn khó khăn, thử thách, Bác Hồ đã suy nghĩ tới việc ban hành bộ luật gốc - Hiến pháp của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Người trực tiếp làm Trưởng ban soạn thảo. Điều 32, Hiến pháp năm 1946 đã khẳng định: “Những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra nhân dân phán quyết”.

Vì sao nói Nhà nước của dân? Bác Hồ giải thích cặn kẽ: Vì trong nhà nước ấy, dân là chủ, người dân được hưởng mọi quyền dân chủ, nghĩa là có quyền làm bất cứ việc gì mà pháp luật không cấm và có nghĩa vụ tuân theo pháp luật. Người đại diện của dân, do dân cử ra, chỉ là thừa ủy quyền của dân, chỉ là “công bộc” của dân. Tiếc rằng, sau này có những “vị đại diện” do lầm lẫn sự ủy quyền đó với quyền lực cá nhân mà sinh ra lộng quyền, cửa quyền. Cơn khát quyền lực đã đẻ ra bao chuyện nhiễu nhương, như Bác từng phê phán: Có những vị “quên rằng dân bầu mình ra để làm việc cho dân, chứ không phải để cậy thế với dân”.

*

Ngày nay chúng ta phấn đấu để dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh… thì tiêu chí đầu tiên vẫn là làm sao để dân giàu. Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định những mục tiêu cụ thể: Đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp (GDP bình quân đầu người ước đạt 4.700-5.000 USD/năm). Đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao (GDP bình quân đầu người ước đạt khoảng 7.500 USD/năm). Đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao (GDP bình quân đầu người phải đạt trên 12.535 USD/năm). Xác định mục tiêu cụ thể theo các tiêu chí mới thể hiện bước tiến về nhận thức của Đảng ta, trong đó, một điều rất quan trọng là phải bắt đầu từ đời sống của nhân dân. Các mục tiêu ấy không phải là trạng thái lý tưởng mà là trạng thái khả dĩ nhất có thể thực hiện được trong từng giai đoạn, trên cơ sở tính toán kỹ lưỡng các điều kiện cho phép. Cùng với quan điểm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, “dân thụ hưởng” là một trong những điểm mới trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Quyền lợi của người dân phải đặt ở trung tâm các quyết sách, đường lối lãnh đạo, và mục đích cuối cùng là người dân được thụ hưởng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Rất gần gũi với cách nói mộc mạc của cha ông ta: “Quốc dĩ dân vi bản, dân dĩ thực vi thiên”, nghĩa là: Nước lấy dân làm gốc, dân lấy ăn làm trời.

Cụ thể thêm một bước về xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh, thật sự là của dân, Hội nghị Trung ương Sáu (Khóa XIII), ngày 9/11/2022, đã ra Nghị quyết “Về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”. Đảng ta khẳng định: “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị”.

Làm sao để người dân thừa nhận Nhà nước thật sự là của nhân dân, trong mỗi chủ trương, trong mỗi việc làm, trong con người cán bộ, công chức bằng da bằng thịt? Bởi khoảng cách giữa nói và làm trong nhiều việc còn xa. Những điều viển vông, vu khoát còn nhiều. Tham nhũng, tiêu cực đã bị đẩy lùi từng bước nhờ ở quyết tâm và nỗ lực của Đảng và Nhà nước, nhưng còn nhức nhối.

Thế giới gần đây thường nói tới sự “thức tỉnh chính trị”, nhưng gọi là thức tỉnh hay “đổi mới”, “sáng tạo”… cũng không xa rời nguyên lý cơ bản: chính trị là lợi ích, là quan hệ lợi ích, là đấu tranh giai cấp, trước hết vì lợi ích giai cấp. Thức tỉnh không phải để cho “lạ tai” mà cốt để phục vụ người dân tốt hơn. Trong một thế giới toàn cầu hóa, chúng ta hội nhập ngày càng sâu rộng, vươn tới cái lớn lao của loài người bắt đầu từ việc tham khảo, học hỏi bạn bè để ít tốn kém và mau đến đích.

Hạnh phúc, đơn giản là hài lòng với cuộc sống mà mình đang có. Những ngày u ám, những tiêu cực trong xã hội là một phần tất yếu của cuộc sống, hãy chấp nhận và đấu tranh để loại trừ. Tôn trọng quy luật, chấp nhận tính hai mặt của cuộc sống phải chăng là một trong những bí quyết để có cuộc sống hạnh phúc? Và khi ấy, yêu đất nước, yêu nhân dân tuy hai mà một, như ý thơ của nhà thơ Nga M.Lermontov: Tôi yêu Tổ quốc tôi - không phải vì lý trí/ Nó tự nhiên, kỳ lạ đến vô cùng. Còn đối với người Việt Nam, tình yêu nước lạ kỳ có từ ngày xửa ngày xưa, khi Lạc Long Quân và Âu Cơ nên vợ nên chồng đẻ ra bọc trứng. Và rồi, con Rồng cháu Tiên lên rừng xuống bể, sinh cơ lập nghiệp, làm nên cơ đồ đất nước hôm nay.

Hải Đường | Báo Văn nghệ

----------

Bài viết cũng chuyên mục:

Công bố đường dây nóng tiếp nhận tin phản ánh về tiêu cực, tham nhũng Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu phản ánh về công tác phòng, chống COVID-19 Giáo viên phản ánh, cùng bộ SGK mỗi cuốn viết một kiểu gây khó cho học sinh Hà Nội: Đẩy mạnh giải quyết phản ánh, kiến nghị trên ứng dụng iHanoi Đọc truyện: Huyết lệ chi. Truyện ngắn dự thi của Phạm Hữu Hoàng
Ra mắt “Tổ quốc bên bờ sóng” và “Bác Hồ với Ba Đình”

Ra mắt “Tổ quốc bên bờ sóng” và “Bác Hồ với Ba Đình”

Baovannghe.vn - Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô, Nxb Thông tấn thuộc Thông tấn xã Việt Nam, ra mắt hai cuốn sách ảnh “Tổ quốc bên bờ sóng” và “Bác Hồ với Ba Đình.”
Bản tin Văn nghệ: Tự hào về Thủ đô anh hùng qua “Hà Nội – Bản hùng ca phố”

Bản tin Văn nghệ: Tự hào về Thủ đô anh hùng qua “Hà Nội – Bản hùng ca phố”

Baovannghe.vn - “Hà Nội – Bản hùng ca phố”, cho chúng ta thấy một Hà Nội xứng với danh hiệu Thành phố Vì hòa bình, Thành phố đang phát triển trong thời đại mới.
Chuyển đổi số tại BSR: Thay đổi tư duy, ứng dụng công nghệ, thúc đẩy công việc

Chuyển đổi số tại BSR: Thay đổi tư duy, ứng dụng công nghệ, thúc đẩy công việc

Baovannghe.vn - Đổi mới tư duy, thay đổi cách làm việc và ứng dụng công nghệ được Công ty cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn đã có những kết quả vượt trội, góp phần vào kết quả sản xuất kinh doanh của Công ty
Nhà không có đàn ông. Truyện ngắn của Đào Phong Lan

Nhà không có đàn ông. Truyện ngắn của Đào Phong Lan

Baovannghe.vn - Tôi sinh ra trong một ngôi nhà to lớn với những cột kèo nâu bóng cũ kỹ, nham nhở những vết khắc vụng dại. Mảnh sân rộng đầy rêu và khu vườn tối tăm đầy bí mật. Sau này mẹ tôi kể lại, ngày tôi ra đời, hàng trăm con bướm bay về đậu rợp cả sân. Bà nội tôi bỏ vào buồng, không ra nữa. Bà ốm ba tuần lễ. Bà chỉ ốm ba tuần lễ khi quá tuyệt vọng vì một điều gì đó. Bà đã hy vọng quá nhiều về một đứa cháu trai.
Hoa Anh Đào trong tâm thức người Nhật

Hoa Anh Đào trong tâm thức người Nhật

Baovannghe.vn- Người Nhật luôn dành cho thiên nhiên một tình cảm đặc biệt. Với những đổi thay đa dạng phong phú và bốn mùa khác biệt được gọi là “siêu thị thời tiết”, người Nhật luôn ý thức đang sống ở một trong những nơi đẹp nhất hoàn vũ.