Sự kiện & Bình luận

Phải chăng các cây bút văn xuôi ĐBSCL đang thủ tiết?

Nhà văn Lê Đình Trường
Lăng kính văn nghệ
10:00 | 05/08/2024
Baovannghe.vn - Dọc theo chín nhánh sông của ĐBSCL trong các tác phẩm mà tôi đọc được, là đời sống sông nước thương hồ, cư dân dọc theo triền sông sống an lạc hiền hòa, tình làng nghĩa xóm dạt dào, bước vào thế giới văn chương của họ như bước vào cõi bình yên...
aa

Ở đây, tôi xin đề cập đến thể loại văn xuôi.

Các nhà văn Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thuộc thế hệ chống Mỹ cứu nước đã sống và viết trong các giai đoạn lịch sử quan trọng: cuộc chiến tranh cách mạng và trong hòa bình xây dựng - phát triển đất nước.

Tiếp cận trực diện với chiến tranh cách mạng, các nhà văn thuộc thế hệ chống Mỹ đã có mặt ở những nơi khuất nẻo nhất của những vùng nông thôn hẻo lánh, nơi giặc đổ quân xuống tàn sát dân lành, nơi gan người bị giặc xắt mỏng, nhắm với rượu; nơi giặc đã bắn vào người mẹ đang ẵm con... Chân thực, không chút cường điệu, cho thấy sự khốc liệt, tàn bạo đến rợn người của kẻ thù đối với dân tộc.

Bao giờ cũng diễn ra những trận đánh không cân sức. Địch trang bị vũ khí hiện đại, đổ quân như bão táp, uy hiếp, hủy diệt tất cả những gì gọi là chuyển động trên mặt đất. Nơi kẻ thù đi qua, phía sau chỉ còn vườn không nhà trống.

U Minh,Vàm Lũng, Rạch Gốc, Chim Đẻ, Tân Ân, Viên An, Lung Ngọc Hoàng, Mỹ Tú, Mỹ Xuyên, Xoài Ca Nả, Kiến Hòa, Kiến Tường... những cồn, những bãi vô danh... Và những dòng sông khuất nẻo trong những cánh rừng nhiệt đới thật hiền hòa lúc nào cũng oằn nặng phù sa đắp bồi cho xứ sở, mạch nguồn của sự sống. Dấu chân của con người ngập lút trong những bãi bùn, rút chân lên những vệt bùn bám trên bàn chân, mang theo những vệt bùn ấy vào giải phóng các thành phố...

Khắc phục thiên nhiên khắc nghiệt. Chiến đấu chống lại kẻ thù. Những gương mặt rám đen, se sắt vì nắng gió, da cắt bởi những dấu chân chim. Đôi mắt mất ngủ đầy ưu tư trước rừng và biển. Những con người đầy đủ bản lĩnh khắc phục thiên nhiên và chống lại những kẻ thù mạnh mẽ nhất, tàn bạo nhất... tất cả những chất liệu ấy, và hơn thế nữa, văn chương ĐBSCL được thể hiện, chắt lọc trên từng trang giấy được in typo, khắc bảng gỗ, in thô sơ trên những trang giấy nâu, nhám hoặc được đọc trên đài phát thanh giải phóng... những truyện ngắn, những bài báo hay thì được bạn đọc nhớ thuộc lòng truyền khẩu cho nhau trên những cánh võng...

1975 hòa bình, thống nhất đất nước.

Họ vẫn tiếp tục đề tài chiến tranh cách mạng, tiếp nối là đời sống thị dân, đời sống nông thôn sau chiến tranh trong thời kỳ hòa bình, rồi xảy đến chiến tranh Tây Nam, chiến tranh biên giới phía Bắc... họ lại tiếp tục viết về đề tài chiến tranh chống giặc ngoại xâm.

Họ thể hiện ra sao?

Trước hết, từ năng khiếu bẩm sinh, tự học viết từ những trang báo phía Bắc được bí mật đưa vào Nam, từ những lớp tập huấn ngắn ngày, từ lớp đàn anh đi trước... và họ viết, viết trong niềm say mê, viết trong niềm tin tất thắng, những câu văn trong tâm hồn họ như cất cánh. Họ hoàn toàn tin tưởng những hiệu ứng mạnh mẽ, lan tỏa rộng rãi trong lòng độc giả. Có thật vậy không? Quả có thật như vậy. Cùng thế hệ với họ, cho tới hôm nay, có nhiều bạn đọc còn thuộc cả một đoạn văn hay cả một truyện ngắn của họ... Quả là một thèm ước cho nhiều nhà văn...

Hôm nay, họ đi tìm nhân vật ĐIỂN HÌNH dựng lên trong tác phẩm của họ. Có thể là đảng viên, Bí thư tỉnh ủy... nhân vật thao thức trước sự đổi mới, làm cách nào cho đời sống nhân dân khá hơn, địa phương giàu mạnh hơn. Khởi đầu là sự thất bại, kết thúc truyện là sự thành công... tranh luận, đấu tranh đầy kịch tính là yếu tính trong tác phẩm của họ.

Tuy nhiên, độc giả của họ không còn khu trú trong những địa bàn hạn hẹp hoặc trong những vùng giải phóng nữa. Nay là độc giả thành thị đã tiếp cận nhiều với các tác phẩm trong và ngoài nước, kêu lên kinh ngạc, quả thật họ là những tác giả đã lăn vùi vào thực tế để sáng tạo, chất liệu sáng tạo thật phong phú, đủ để ngồi viết cả đời văn. Nhưng tại sao nhân vật chính diện bao giờ cũng chiến thắng. Đánh cả ngàn đồn bót họ không hề thua trận nào; Đấu tranh để bà con cô bác vào hợp tác xã dù kịch tính hồi hộp, gay gắt đến cỡ nào, cuối tác phẩm bà con cũng vui vẻ, hồ hởi phấn khởi vào hợp tác xã, cùng nhau thi đua sản xuất; trí thức cộng sản tranh luận với trí thức tư bản, cầm chắc sau cùng trí thức tư bản phải tâm phục khẩu phục... Vì dẫu sao anh ta đang tranh luận với kẻ đã chiến thắng...

Cho nên, phải chăng đề tài đã có, kết cục của câu chuyện đã có. Vấn đề còn lại của nhà văn là đi tìm nhân vật cùng kỹ thuật thể hiện: kỹ thuật dẫn truyện càng cao cường, thì tác phẩm càng trở nên hấp dẫn bạn đọc?

Rồi Liên Xô sụp đổ, tuyệt nhiên không nghe nhắc đến CHUYỆN THƯỜNG NGÀY Ở HUYỆN của nhà văn Valentin Ovechkin - một thời huy hoàng với đề tài nông trang tập thể.

Sau năm 1975, các thế hệ viết văn trẻ hình thành, họ thao thức về phương pháp sáng tác; về quan niệm nhìn đời của thế hệ đàn anh.

Năm 1978, một số tỉnh ĐBSCL mất mùa, đói kém... Đó là giai đoạn văn học, qua văn chương ĐBSCL, khiến người đọc kinh ngạc - vì một thời kỳ giống như người Do Thái lưu lạc mưu sinh. Còn nhớ, trong thời kỳ đói kém khó khăn, trên những chiếc thuyền cũ, người Bến Tre tỏa ra, bồng chống, mỏi mê tay chèo trên những dòng sông, len lỏi vào những con rạch nhỏ của các tỉnh miền Tây Nam bộ: Đào đất mướn, phát cỏ mướn, mua đi bán lại những can dầu chợ đen...; chạng vạng cặp ghe xuồng vào bến sông nào đó, tá túc ngủ lại trong chái nhà ven đường, mưa tạt gió lùa...

Bỏ xứ, lưu lạc mưu sinh.

Những chiếc thuyền nhỏ chèo bập bềnh trên sóng, cặp bên hông cửa sổ những chiếc tàu khách lớn để vội vã bán những bọc đá bào, xịt siro xanh đỏ, vội vã trụng - nhúng sợi hủ tíu vào nước sôi, những tô hủ tíu với vài lát thịt mỏng, rồi bánh lá dừa, bánh ú nước tro, cà phê đá... tất tả hớt hãi, nhanh tay phục vụ khách qua các cửa sổ tàu khách, kẽo chốc nữa tàu chạy không kịp bán. Đôi khi tàu chạy, khách không kịp trả tiền, khách cố vói tay nhoài ra cửa sổ, người trên xuồng nhỏ lao chao, đảo lắc rướn tay lấy tiền trong khi tàu nổ máy chạy đi, không kịp rồi, hụt tay tiền bay trôi trên sông, lại tất tả, hốt hoảng, tận lực chèo rượt theo vớt những đồng tiền lạc trôi trên sông.

Có ai lại rượt theo những giọt mồ hôi của mình lưu lạc, bập bềnh sóng nước cuồn cuộn trên dòng sông Cái? Đến đây, tôi nghe cay mắt, khi nhớ lại những phận người trong cơn khốn khó.

Trở về thôi. Hồi gia. Hồi hương. Trở về xây dựng quê hương Thắp những nén nhang thơm trên mộ phần của những bậc tiền hiền, của những anh hùng liệt sĩ; dựng lại nhà, xây lại trường học - cho con cái đến trường...

Quay lại An Hóa, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên, Cung Hầu, Bảo Thạnh, Ba Tri, Giồng Trôm, Mỏ Cày... Dù đường về có sóng cả, ngược nước, giông gió giật từng cơn... nhưng trước mặt những “thương đoàn” đào đất mướn, tạp hóa nhỏ lưu động... đang dập dìu trên sông là quê hương, là hương hỏa, là bóng dừa xanh quê hương, là khúc hoan ca tràn đầy sức sống.

Bến Tre - người mẹ nghèo khó - đang đau dáu chờ đón đàn con ly hương trở về.

Dựng lại nhà, xây dựng lại quê hương. Tạo cuộc sống mới.

Năm 1980, các nhà văn trẻ ĐBSCL theo đoàn quân Việt Nam sang Campuchia chống Khmer đỏ diệt chủng. Họ vào những cánh rừng, những hẻm núi sống cùng bộ đội Việt Nam. Qua các trang viết, bạn đọc thấy mồn một, họ đã băng qua những cánh đồng đầy xương người sau những trận thảm sát do Polpot gây ra, những dây trói, những khúc cây đập đầu người... còn ngổn ngang vương vãi, nằng nặng hăng hắc mùi những vết máu còn ướt lấp lánh trên những sợi rạ... Ruộng vườn khắp Campuchia hoang vu không người gieo hạt. Mùa hạ khốc liệt, thức ăn của quân đội tình nguyện và các nhà văn trẻ là những con tắc kè, thằn lằn núi ốm nhom..., họ đã vốc nước rửa mặt trong hố nước tù đục ngầu, và tự hỏi trong hố nước ấy còn sót lại xương người hay không? Họ bị nhiễm trùng, lở loét ngoài da khắp cơ thể do thiếu thuốc kháng sinh... Đâu đó, sát gần, còn vang tiếng mìn, tiếng súng phục kích bắn tỉa của Polpot đang nấp các khe đá, kiên nhẫn rình bắn tỉa từng phát một vào quân đội Việt Nam...

Thủ đô Phnompenh kiệt quệ, đang rụt rè nhẹ thở... Năm 1980, khi đi thực tế K, các cây bút ĐBSCL còn trẻ lắm, mới vừa đôi mươi. Họ là các nhà văn Kim Ba, Nguyên Tùng, Ngọc Điệp, Hồ Trường, Dạ Ngân, Công Trường, Lê Đình Trường, Võ Hà Đô... và khoảng 30 tác giả khác...

Tôi có dịp đọc những bút ký của Sóc Trăng, những truyện ngắn của các tác giả trẻ từ An Giang, Cần Thơ... Thăm thẳm những trầm tích, trùng trùng những màu xanh no ấm: “những rặng bần trùng trùng điệp điệp và những hàng dừa nước xanh bạt ngàn chạy dọc theo các bãi bồi, nơi đầu sóng ngọn gió” (Cù Lao Dung - Hoài Phương) một cù lao ở cuối dòng sông Hậu tưởng rất xa dòng đời, kỳ thực nó đang hội nhập và cung ứng biết bao sản vật mà người đất cù lao sản sinh ra... Những dấn thân vào những vùng đất hoang sơ, chát đắng “cá bơi nổ mắt, vịt lội teo chân”, đến bây giờ chỗ nào cũng vườn rau ao cá, người nông dân hạnh phúc no đầy. Các cây bút say mê ngợi ca đất nước con người, dù thế sự biển dâu, nhưng trong sự dâu biển ấy vẫn còn mãi lưu dấu tinh anh của những bậc tiền hiền đã khai mở và chiến đấu với giặc ngoại xâm.

Dọc theo chín nhánh sông của ĐBSCL trong các tác phẩm mà tôi đọc được, là đời sống sông nước thương hồ, cư dân dọc theo triền sông sống an lạc hiền hòa, tình làng nghĩa xóm dạt dào, bước vào thế giới văn chương của họ như bước vào cõi bình yên... Họ có nét khoan hòa của Phật giáo và Khổng giáo. Họ không bạo liệt vả dữ dội như dân Côdắc dọc bờ sông Đông của văn hào Solokhov (nước Nga).

*

Giai đoạn tiếp theo có thể nhận thấy là sự thay đổi văn chương ĐBSCL hiện nay. Đó là phản tỉnh về sự ngợi ca, vì lẽ xã hội bon chen quay cuồng theo nền kinh tế thị trường, tình người ngày càng biến đổi.

Từ thực trạng xã hội, văn xuôi ĐBSCL hôm nay đã trở mình. Các tác giả nói về chuyện đời, tình đời. Nhân vật cán bộ nhà nước không thấy trong tác phẩm của họ nữa. Thay vào đó là những nông dân, thị dân trong cuộc đời thường. Tính nhân văn tràn đầy trong những tác phẩm súc tích, cô đọng. Theo đó là nghệ thuật diễn đạt mới mẻ, giản dị và rất điêu luyện. Có thể sánh với các truyện ngắn đặc sắc nước ngoài.

Rất trẻ nhưng già dặn, hấp dẫn, đau đời là Nguyễn Ngọc Tư. Trong 10 năm đầu khởi nghiệp chị đã làm nên tên tuổi trên văn đàn nước mình. Cho đến hôm nay, những trang văn của chị vẫn đằm sâu, độc giả luôn chờ đợi tác phẩm mới của chị. Trẻ nhưng hiểu chuyện đời như một người già đó là các tác giả còn rất trẻ như Lê Minh Nhựt, Lê Quang Trạng, Nguyễn Thị Việt Hà... Đọc Võ Đăng Khoa, một truyện vừa, hay từ bố cục, tinh tế từng câu từng chữ, mỗi trang một nỗi ngậm ngùi - quả thực tuổi trẻ tài cao. Và cùng những tác giả trẻ khác của khu vực Tây nam bộ, đọc họ thật hấp dẫn, thú vị. Dư vị tác phẩm đọng trong lòng người đọc rất lâu.

Thượng đế ban cho con người một món quà kỳ diệu để sinh sôi nảy nở - đó là tình dục, thế mà những trang văn ĐBSCL tôi đọc được, điều kỳ diệu ấy chưa bao giờ được mô tả một cách thăng hoa hay một cách bản năng. Chưa có trang viết nào mô tả đời sống tình dục của nhân vật thuyết phục tôi. Sao vậy? Họ sợ vi phạm đạo đức hay ngòi bút của họ đang thủ tiết?

Theo nhà văn Nguyên Tùng trong bài Chữ và sự bất lực của nhà văn: “Một này bay bổng với nghệ thuật ngôn từ, từng con chữ như mang hồn vía của người viết. Một kia lúc nào cũng cân đo đong đếm, định tính, định lượng từng con chữ, mài dũa, vo tròn, cắt xén để “thuận người hợp ta”. Đôi lúc nhìn lại những trang viết của mình, giật mình nhận ra phần nhiều chỉ là “xác chữ” “.

Tại sao một số nhà văn, họ không viết nữa?

Họ đã viết thật hay, trong nhiều năm tác phẩm của họ được công bồ đều đặn. Bỗng nhiên, lâu rồi, không thấy họ xuất hiện nữa. Họ đến giai đoạn không thể viết được nữa? Họ bệnh tật? Họ bận rộn giúp vợ nhà chạy bàn, bưng phở, bưng cà-phê hàng ngày? Họ đã già, hết lực nên “cuồng phong cánh mỏi?” Hay họ nhận ra những điều mình viết thật bất tài, vô nghĩa...? Có cả nghìn lí do để họ im lặng. Vấn đề khá tinh tế và nhạy cảm, nên cũng không tiện hỏi rằng, sao lâu quá, không thấy tác phẩm của anh. Chỉ thấy ở họ luôn luôn là một thái độ hiền lành và an hòa dù họ viết hay là không viết nữa. Thong thả và nhẹ nhàng... Họ giống như: “Rằng xưa có gã từ quan, lên non tìm động hoa vàng ngủ say...Thôi thì thôi nhé, có ngần ấy thôi”.

Sau đây, là những câu hỏi cho ĐBSCL chưa được trả lời: Tại sao lý luận phê bình hiếm hoi? Tiểu thuyết hình sự thời đại khoa học công nghệ đang vắng bóng? Tại sao không có thể loại tiểu thuyết hay truyện ngắn khoa học viễn tưởng? Các dịch giả của ĐBSCL là ai?...

Có lẽ, những người theo nghiệp văn, đã thầm tự vấn: Tác phẩm của mình sau này sẽ lưu dấu trong cuộc đời được bao lâu? Còn để lại vệt nào khi ta bay ngang qua trong cuộc đời này không? Đáp lại câu hỏi ấy, môt nữ độc giả xinh đẹp yêu thích văn học chỉ mỉm cười, nụ cười bí ẩn của nàng Mona Lisa. Nụ cười không thể giải mã được.

Nhưng mà thôi. Luận về văn chương là tạo nghiệp, chuốc lấy thị phi.

“Thế sự thăng trầm quân mạc vấn.” (Cao bá Quát - Việc đời lên xuống, bạn đừng hỏi làm gì).

Nhà văn Lê Đình Trường | Báo Văn nghệ

Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của tác giả.
Mọi ý kiến đóng góp và bài vở cho chuyên mục LĂNG KÍNH VĂN NGHỆ xin vui lòng gửi về:
baovannghe.vn@gmail.com.

------------

Diện mạo văn xuôi Đồng bằng sông Cửu Long Về các kiểu nhân vật mới trong văn xuôi đương đại Hội thảo thơ và văn xuôi: Khi người viết trẻ còn nhiều do dự Trong một nhà văn xuôi vẫn tiềm ẩn một nhà thơ Thêm một khoảng trống trong làng Văn xuôi văn học Việt Nam hiện đại
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.