Diễn đàn lý luận

Trong một nhà văn xuôi vẫn tiềm ẩn một nhà thơ

Chân dung văn học
06:08 | 24/07/2023
Có một bài thơ tôi viết tặng một nhà văn xuôi, người được gọi một cách trân trọng thương thiết là “Người hiền Nam Bộ”. Viết tặng khi ông đang còn sống ẩn dật ở Bến Tre. Đây là bài thơ ấy:
aa

Có một bài thơ tôi viết tặng một nhà văn xuôi, người được gọi một cách trân trọng thương thiết là “Người hiền Nam Bộ”. Viết tặng khi ông đang còn sống ẩn dật ở Bến Tre. Đây là bài thơ ấy:

Nhà văn Trang Thế Hy (1924-2015)

Hầu hết những bài thơ viết trong một năm

Nhớ nhà văn Trang Thế Hy

giống chùm hoa rau muống

tim tím linh cảm

những bài thơ viết trong một năm

chảy đùng đục con kênh trước nhà

vườn dừa lão tiếng tắc kè quá khứ

đong đưa chùm quả nắng

người minh triết mặc quần xà lỏn hai chân

như hai cây sậy sẽ sàng

đong đưa thời gian

“anh chờ gì anh thương tiếc gì chăng?”

chợt câu thơ Lermontov rơi

tôi nhìn thấy

năm tháng chiến tranh chùm lưỡi câu mùa

nước nổi

thả vào im lặng

anh không chờ không đợi không giật

không bắt

những con cá gầy

những câu thơ mơ màng thút thít

như đứa trẻ ngơ ngây

những câu thơ cố tình triết lý

che giấu nỗi bơ vơ

thiệt tình, chúng ta là nỗi bơ vơ

không gọi ra được

một nhịp gãy

không hợp long

một cầu vồng

đứt đoạn

một cây dừa

đơn độc

một vị ngọt

lạc loài

một cái chai nút lá chuối khô

rỗng

buổi trưa ngồi quán gió

nhai rất kỹ miếng lá cách nước cốt dừa

om lươn

không còn răng

chỉ là nhai theo thói quen

anh nhai ký ức

hầu hết những bài thơ viết trong một năm

2/1/2011

Vậy mà đã mười mấy năm. Ngày ấy, anh Chim Trắng còn khỏe, còn lái xe chở vợ chồng tôi xuống Bến Tre thăm lão nhà văn Trang Thế Hy. Ngày ấy chúng tôi còn uống với nhau vài ly rượu, vài chai bia, ăn với nhau mấy miếng lươn om lá cách, ở một quán nào đó ven sông Hàm Luông, và tôi đã khen món nhậu này ngon. Ông lão Tư Sâm (Trang Thế Hy) cười, không còn răng vẫn có thể cười, vẫn có thể nói vài câu hóm hỉnh, đúng tính cách người Nam Bộ. Ngày ấy, chưa xa lắm mà âm dương cách biệt. Lão nhà văn Trang Thế Hy và nhà thơ Chim Trắng đều đã về cõi vĩnh hằng, nơi vợ tôi cũng vừa về tới đó. Không ai biết thế nào, nhưng ai rồi cũng về nơi đó.

Ngày ấy, ông lão nhà văn tặng tôi một tập thơ, tôi xem ngày tháng ghi dưới mỗi bài thơ thì thấy, hầu hết những bài thơ trong tập thơ ấy đều được viết ra trong một năm. Nghĩa là nhu cầu thơ ca chợt đến, và chỉ đến trong đúng một năm, với một người viết văn xuôi. Có thể cuộc đời dài hơn 90 năm của nhà văn Trang Thế Hy chỉ dồn vào đúng một năm Thơ ấy, rồi ngắt. Mấy năm trước, tôi đã được đọc một chùm thơ của văn hào Nga Ilia Erhenburg được dịch và in trên Tạp chí Thơ của Hội Nhà văn, chùm thơ rất hay, và nếu ai không biết Erhenburg là nhà văn nổi tiếng, thì cứ tưởng ông là nhà thơ. Như thế, trong một nhà văn xuôi vẫn tiềm ẩn một nhà thơ. Mỗi một khi bức bối quá mà chưa kịp viết văn xuôi, thì đột ngột, thơ hiện ra. Nếu cần phải nói thêm, thì có thể nói, thơ là phần thật thà nhất của con người. Mới đây, tôi đọc một bài viết về sự xuống cấp văn hóa Việt Nam, trong đó có câu: “Việt Nam sẽ khó trở thành quốc gia thành công, nếu ngụy giá trị vẫn tiếp tục chiếm chỗ của chân giá trị, nếu giả dối vẫn lấn át sự tử tế và chân thật” (Phạm Sỹ Quý). Tôi nghĩ, khi một nhà văn xuôi ở Việt Nam còn làm được thơ, thì sự giả dối vẫn chưa thể lấn được sự tử tế, và cuộc đấu dai dẳng ấy vẫn còn là 50/50. Tôi lạc quan quá chăng? Không hề. Tôi là người bi quan hơn tôi tưởng, và hơn nhiều người tưởng về tôi. Nhưng người bi quan vẫn có thể có đức tin. Tôi là người có đức tin. Cái này thì không dính gì tới bi quan hay lạc quan cả. Tôi vẫn tin vào những điều tốt đẹp, vì nó mà con người sống, tranh đấu, bảo vệ, thất vọng và hy vọng.

Nhà văn Trang Thế Hy chắc cũng nghĩ như thế, nên ông đã sống chết với những gì mình viết ra, những gì mình đau đớn, những gì mình mong chia sẻ. Thơ của ông, hầu hết những bài thơ chỉ viết ra trong một năm, cũng vì niềm tin ấy, mục đích ấy. Không phải vì giải thưởng hay bất cứ sự tôn vinh thực tình hoặc giả tạo nào hết.

Bây giờ thì chỉ còn ngồi nhớ lại hai người anh, hai người bạn vong niên thân thiết của tôi, nhà văn Trang Thế Hy và nhà thơ Chim Trắng. Các anh đã mất, nhưng tác phẩm các anh thì còn lại. Với người sáng tác văn học, thì chỉ như thế cũng là an ủi, đủ vui, dù đang ở cõi vĩnh hằng.

Thanh Thảo

Nguồn Văn nghệ số 29/2023


Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.