Sự kiện & Bình luận

Phải truy đến tận cùng lãng phí!

Nhà thơ Nguyễn Thành Phong
Tiếng nói nhà văn
11:24 | 08/12/2024
Baovannghe.vn- Báo chí phản ánh nhiều lắm rồi. Có tờ báo đã đăng nhiều kỳ những phóng sự về các dự án và công trình kiểu này, được gọi với cái tên: “Những công trình làm nghèo đất nước”.
aa
Phải truy đến tận cùng lãng phí!
Nhà thơ Nguyễn Thành Phong

Có lẽ, trong chúng ta, chả ai xa lạ gì, đều đã từng tận mắt chứng kiến những hình ảnh cực kỳ phản cảm và đau xót về các công trình, dự án kiểu “làm mãi không xong” hoặc “xong rồi không sử dụng được”, rồi những dự án “vô bổ”, không có hiệu quả, không có giá trị sử dụng cao... Những dạng công trình ấy có ở khắp mọi nơi trên đất nước ta, từ thành phố tới nông thôn, từ đồng bằng lên miền núi, từ nơi đông dân cư tới chốn thôn ổ vắng vẻ... Có những cây cầu hoành tráng bắc qua sông xong rồi, nhưng đường dẫn tới cầu chưa có, hay ngược lại, đường đã xong mà cầu chưa bắc. Có nhà máy nước sạch đầu tư lớn, làm xong rồi thì để đấy, không cấp được nước, dân vẫn phải tiếp tục đi khơi giếng hay vục nước sông mà dùng. Có những khu đô thị bỏ hoang không người đến ở, chỉ trâu bò và chó, chuột vào ra. Hàng loạt khu chợ lớn xây xong không kẻ mua người bán. Có cụm trung tâm văn hoá thể thao với cả sân bóng và nhà thi đấu để cỏ mọc lút ngực, ít người lai vãng. Có những hệ thống thủy lợi và kênh máng không nước chảy, cứ phơi ra rong róc dưới nắng nung. Thậm chí, có cả nhà tang lễ, xây xong và khánh thành cách đây sáu, bảy năm mà chưa làm lễ đưa tiễn về nơi an nghỉ cuối cùng một ca khuất núi nào cả...

Báo chí phản ánh nhiều lắm rồi. Có tờ báo đã đăng nhiều kỳ những phóng sự về các dự án và công trình kiểu này, được gọi với cái tên: “Những công trình làm nghèo đất nước”. Những công trình ấy, chủ yếu nguồn tiền đầu tư là từ ngân sách nhà nước hoặc các dạng vốn nhà nước khác, như vốn tín dụng do Chính phủ bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, vốn đầu tư phát triển của các doanh nghiệp nhà nước. Các công trình, dự án này có đủ các quy mô, từ số tiền đầu tư vài tỉ, tới chục tỉ, trăm tỉ, có khi đến 4000, 5000 tỉ cho một dự án. Nếu thống kê, tổng hợp lại, thì chắc chắn nguồn vốn đầu tư bị lãng phí này sẽ hiện ra những con số phải đến cỡ “rùng mình”.

Rùng mình là bởi nước ta vẫn đang rất nghèo, đang trên chặng đầu phát triển, rất cần phải căn cơ, cân nhắc từng đồng vốn chi cho đầu tư phát triển, thế mà lại tồn tại một sự lãng phí đến mức khủng khiếp như vậy? Chỗ nào cũng thấy thiếu vốn, cần vốn, muốn gọi vốn để làm ăn, mà tiền nhà nước thì lại bỏ đi, quăng quật không tiếc, không xót đến như vậy được sao?

Thực trạng về tình trạng lãng phí không phải đến hiện nay mới bộc lộ rõ ràng như kiểu mấy cơ sở bệnh viện lớn và hiện đại xây rồi bỏ không như ở Hà Nam, Phủ Lý, mà đã dai dẳng diễn ra từ rất lâu rồi. Theo một báo cáo được đưa ra tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cách đây mấy năm để xin ý kiến bước đầu về giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 thì, chỉ trong 4 năm, 2016 - 2020, đã có tới 8.580 dự án sử dụng ngân sách nhà nước bị chậm tiến độ, tức là dạng dự án “làm mãi mà chưa xong”. Trong đó có tới hơn 200 dự án nhóm A, hơn 2300 dự án nhóm B và hơn 6100 dự án nhóm C. Chậm tiến độ cũng là một dạng lãng phí tai hại, với đủ các loại nguyên nhân, như vướng mắc trong giải phóng mặt bằng và thủ tục đầu tư, bố trí vốn không kịp thời, năng lực của chủ đầu tư và các ban quản lý dự án, nhà thầu yếu kém… cùng nhiều nguyên nhân khác nữa. Có dự án đã kéo dài tới gần 20 năm rồi mà vẫn chưa hoàn thành… Theo báo cáo của Bộ Tài chính thì trong giai đoạn 2016 - 2021, số dự án sử dụng các dạng vốn nhà nước khác, bị chậm tiến độ lên tới 313.444 dự án. Số dự án đã hoàn thành nhưng không sử dụng được hoặc có vi phạm pháp luật bị đình chỉ, hủy bỏ, theo số liệu năm 2020, đã là 78.285 dự án.

Từ đó đến nay, đã gần một nhiệm kỳ sắp trôi qua rồi, mà tình hình vẫn không được cải thiện đáng kể bao nhiêu. Có thể nói, nó dường như càng trầm trọng hơn, càng bộc lộ ra ở mức độ kinh khủng hơn. Lãng phí tiền bạc là một chuyện, lãng phí cơ hội còn lớn hơn nữa. Cùng với đó là câu chuyện về lòng tin của người dân. Trong nhiều nguyên nhân phân tích lãng phí đến mức thành “phá hoại” nói trên, còn phải truy đến những nguyên nhân khác nữa, không chỉ là quản lý và thực địa, mà còn có cả những móc ngoặc, tiêu cực để vẽ ra dự án, để chiếm đoạt, phết phẩy, chia chác giữa các cấp và nhân sự có thẩm quyền trong đề xuất và phê duyệt, bố trí dự án…

Trong bối cảnh cần phải tăng tốc phát triển, bù lại những gì đã mất do hậu quả của nhiều biến động lớn trong thời gian qua, trước yêu cầu phát triển lành mạnh, yêu cầu sử dụng nguồn vốn đầu tư có hiệu quả và thiết thực trong thời kỳ tới, thì đây là một lĩnh vực cần làm rốt ráo, làm thật sự đến nơi đến chốn nhất. Vì thế, rất cần có một “cuộc đại phẫu thuật” về tình trạng lãng phí và tiêu cực hiện nay, phải truy đến tận cùng nguyên nhân và trách nhiệm của các chủ thể chịu trách nhiệm với những công trình, dự án lãng phí để xử lý làm gương và đề ra những kế sách mới trong tập trung nguồn lực đầu tư cho phát triển trong thời kỳ tới.

Bài viết mang tính chất chỉ đạo về chống lãng phí của Tổng Bí thư Tô Lâm mới đây phải được coi là hiệu lệnh mở đầu cho cuộc “đại chấn chỉnh” này. Tiếp theo đó phải có kế hoạch kỹ càng với những mục tiêu cụ thể thì mới rút ra được những bài học tạo nên nền tảng tư duy mới trong sử dụng nguồn lực quốc gia và tận dụng thời cơ trong công cuộc phát triển, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc ta.

Những giấc mơ rừng - Chùm truyện mini của Hữu Vi

Những giấc mơ rừng - Chùm truyện mini của Hữu Vi

Baovannghe.vn - Tôi tin rằng giấc mơ thường chứa đựng một niềm ước nào đó. Với tôi thì từ nhỏ cho đến giờ vẫn luôn mong những cánh rừng mãi xanh tươi và không còn bị phá hoại bởi bất kì lí do nào khác.
Đình Kính - như tôi biết

Đình Kính - như tôi biết

Baovannghe.vn - Tôi biết Đình Kính đã lâu nhưng buổi tâm sự đầu tiên là lần tôi và Kính đi dự trại sáng tác kịch bản điện ảnh ở Nha Trang do Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức năm 2006…
Đêm gầy bóng sen - Thơ Nguyển Thị Liên Tâm

Đêm gầy bóng sen - Thơ Nguyển Thị Liên Tâm

Baovannghe.vn- Bóng sen gầy. Chạm bước chân/ Bùn nâu thương nhớ, lần khân tang tình
Xin đừng chốt cửa - Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh

Xin đừng chốt cửa - Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh

Baovannghe.vn- Em đừng chốt cửa trời đêm/ Sao khuya lịm tắt bên thềm giếng xưa
Tiểu thuyết Nhật Bản trở thành cuốn sách của năm tại Anh

Tiểu thuyết Nhật Bản trở thành cuốn sách của năm tại Anh

Baovannghe.vn - Nhà văn đoat giải Nobel Văn chương 2023 - Jon Fosse - đã được lấy tên để đặt cho một giải thưởng vinh danh dịch giả với sứ mệnh mang văn học Na Uy ra với thế giới. Trong khi đó một tiểu thuyết Nhật Bản đã được các nhà bán sách ở Anh bình chọn là “tiểu thuyết của năm”, còn nhà văn Úc Alexis Wright tiếp tục nhận giải thưởng mới, nối dài thành tích riêng trong năm nay của bản thân bà.