"Đất rừng phương Nam" - Bản in năm 1975 |
Ra đời năm 1957, tiểu thuyết Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi nhanh chóng trở thành một trong những tác phẩm kinh điển viết cho thiếu nhi. Tác phẩm được chuyển thể thành phim (1997)1, một đoạn trích được đưa vào giảng dạy trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 10 hiện hành [7, tr.62], tác phẩm cũng liên tục được tái bản, được dịch và xuất bản ở Nga, Hungary, Ba Lan, Trung Quốc, Đức, Cuba... Thành công của cuốn sách không chỉ nằm ở chỗ tái hiện sự trưởng thành của một thiếu niên qua chiến tranh, tiểu thuyết còn đặc biệt thành công khi khắc họa mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Tác giả cũng cho thấy những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của rừng, làm biến đổi môi trường sinh thái Nam bộ trong bối cảnh chiến tranh và trong sự sinh tồn của con người giữa xã hội văn minh.
Bài viết tập trung khảo sát các tình huống mà ở đó nhân vật buộc phải thừa nhận sức mạnh của tự nhiên trong tiểu thuyết Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi. Có thể gọi đó là những tình huống sinh thái. Mối liên hệ giữa tự nhiên và chiến tranh qua các tình huống sinh thái này cho thấy bi kịch của con người trong quá trình nhận thức về sức mạnh tự nhiên. Đó là bi kịch khi vấn đề phá hủy và khai thác tự nhiên là vấn đề mang tính lịch sử. Thông qua sự giao tranh trong tư tưởng và tình cảm của con người, nhà văn cho thấy những gắn kết giữa con người và thiên nhiên mà ở đó quá trình biến đổi tự nhiên cũng chính là quá trình biến đổi nhận thức của con người về sự tồn tại của chính mình với tư cách là một thực thể thuộc về tự nhiên.
Văn học Việt Nam có nhiều tác phẩm thể hiện rõ quan điểm nhân loại trung tâm. Ý thức về sức mạnh khai phá, chinh phục, lấn át tự nhiên, Bàn tay ta làm nên tất cả/ Có sức người sỏi đá cũng thành cơm (Hoàng Trung Thông) xuất hiện trong nhiều tác phẩm văn học Việt Nam đương đại như Mùa lạc (Nguyễn Khải), Bài ca vỡ đất (Hoàng Trung Thông), Bài ca xuân 1961 (Tố Hữu), Đoàn thuyền đánh cá (Huy Cận), Tiếng hát con tàu (Chế Lan Viên)... Việc lấy con người làm trung tâm như thế là một tư tưởng phổ quát của con người hiện đại. “Với quan điểm triết học cho rằng con người là thực thể trung tâm và quan trọng nhất trên thế giới, Chủ nghĩa nhân loại trung tâm (Anthropocentrism) được xem là một thành tựu vĩ đại trong nhận thức của nhân loại” [8, tr.52]. Tôn vinh sức mạnh của con người, cho rằng con người có quyền quyết định số phận của tự nhiên, đánh đổi tự nhiên cho sự phát triển kinh tế là ý thức chi phối cách hành xử của con người với tự nhiên trong thế kỷ XX. Tuy nhiên, đọc tác phẩm Đất rừng phương Nam, từ góc độ phê bình sinh thái, chúng ta nhận ra một quan niệm đi ngược lại, đó là con người nhận ra vai trò trung tâm của tự nhiên.
Không gian sinh thái rừng là nơi duy nhất con người bảo tồn sự sống, bảo tồn phẩm giá và chữa lành những vết thương tinh thần của mình. Vai trò là nơi trú ẩn của rừng được làm nổi bật thông qua cách xây dựng tình huống truyện đẩy con người phải tiến gần đến rừng, dựa dẫm vào nó, từ đó nhận ra và tôn trọng sức mạnh và sức sống của tự nhiên. |
Đất rừng phương Nam viết về những con người sống trong rừng, mưu sinh nhờ rừng, gắn bó chặt chẽ với rừng. Nhưng đặc điểm nổi bật của nhóm người này lại là những con người bị xã hội văn minh áp chế, dồn đuổi, truy bức tới không còn đường sống. Họ tìm tới rừng, đi sâu vào rừng, rời bỏ những làng mạc, thôn xóm đã bao đời tổ tiên, cha ông sinh sống. Ở đây, không gian sinh thái rừng là nơi duy nhất con người bảo tồn sự sống, bảo tồn phẩm giá và chữa lành những vết thương tinh thần của mình. Vai trò là nơi trú ẩn của rừng được làm nổi bật thông qua cách xây dựng tình huống truyện đẩy con người phải tiến gần đến rừng, dựa dẫm vào nó, từ đó nhận ra và tôn trọng sức mạnh, sức sống của tự nhiên. Những “người rừng” được khắc họa nổi bật trong tiểu thuyết là tía nuôi của An và chú Võ Tòng. Cả hai vốn là những người nông dân hiền lành, chất phác, chịu thương chịu khó, hết lòng với công việc, với vợ con. Tía nuôi của An, mồ côi cha mẹ năm mười tuổi, đi ở cố công cho tên địa chủ Khá vùng Phong Mỹ (Tiền Giang). Năm tía gần ba mươi tuổi thì bị tên địa chủ lừa cướp vợ chưa cưới của tía, hại tía bị kết án hai mươi năm tù vì tội “cướp đoạt và cố ý sát thương nhà chủ” [2, tr.132]. Tía vượt ngục, cùng người yêu thay tên đổi họ và lang bạt khắp nơi. Nhưng cuối cùng các nhân vật này vẫn bị đẩy vào tình huống phải lựa chọn rừng như là nơi trú ẩn an toàn nhất: nhan sắc của má nuôi khiến tía một lần nữa suýt bị hại vào tù. Đường cùng, má nuôi gạt nước mắt quả quyết bảo chồng: “Vào rừng ở thôi!” [2, tr.133]. Vậy là với “một chiếc thuyền nát, một con dao rựa, một con chó gầy gò (...), người nông dân cùng đường chèo đưa vợ con và mấy giạ lúa ăn, lúa giống cuối cùng, mỗi ngày một đi sâu vào rừng rậm” [2, tr.133]. Đi sâu vào rừng rậm, xa dần cuộc sống của xã hội loài người là lựa chọn duy nhất để được sống, được yên ổn với cả gia đình tía nuôi lúc đó. Rừng - không gian hoang vu, hẻo lánh, chất chứa những hiểm nguy lại là chốn trú ẩn an toàn, chốn nương thân duy nhất của hai vợ chồng nghèo.
Hình ảnh trong phim "Đất rừng phương Nam" (2023) của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng. |
Tình huống xảy ra với người thợ săn Võ Tòng cũng giống như vậy. Ông bị địa chủ vu oan, đẩy vào cảnh tù đày, khi ra tù thì đứa con duy nhất đã chết, người vợ làm lẽ tên địa chủ đã hại chồng mình. Không gia đình, không mái nhà, Võ Tòng đi vào rừng, làm bạn với một con vượn bạc má, sống với rừng từ đó. Rừng U Minh, nơi “mịt mùng sương lam chướng khí, chung quanh chỉ nghe tiếng vượn hú, tiếng beo gầm” [2, tr.134], biểu tượng của thiên nhiên hoang dã, bí mật, đầy đe dọa hóa ra lại là chốn nương náu an toàn, nuôi dưỡng, chở che những con người chạy trốn khỏi xã hội vốn được coi là văn minh. Rừng không chỉ dang rộng vòng tay đón nhận, ban tặng nguồn sống dồi dào từ thịt thú, thịt rắn, mật ong rừng... mà còn chữa lành những vết thương tinh thần của tía má nuôi, của chú Võ Tòng. Ở rừng, họ có gia đình, người thân, có bè bạn là những người cùng cảnh ngộ của những mảnh đời “hạ bạc”. Sống giữa rừng thẳm, với thú dữ hóa ra lại an ổn, thảnh thơi, không đáng sợ bằng sống với con người lòng dạ nham hiểm hơn ác thú, sẵn sàng giết người không dao. Với gia đình tía nuôi của An, với chú Võ Tòng, rừng đóng vai trò của một bà Mẹ thiên nhiên giàu có, bao dung và phúc hậu.
Như vậy, không chỉ là nơi nuôi dưỡng, chở che; rừng còn môi trường gìn giữ, nguồn cội đẹp đẽ, trong trẻo trong con người - những thứ thường bị tước đi hoặc bị che lấp đi khi con người sống trong xã hội văn minh. |
Tình huống con người bị đẩy vào hoàn cảnh phải nương nhờ tự nhiên còn khiến con người trong Đất rừng phương Nam nhận ra sức mạnh kỳ diệu của thiên nhiên. Nhờ sống trong rừng mà con người nhận ra nguồn cội tự nhiên của mình với sự thức dậy mạnh mẽ của trực giác và những bản năng sinh tồn - vốn bị khuất lấp do những va chạm trong đời sống xã hội văn minh. Cụ thể, trong Đất rừng phương Nam, cuộc sống ở rừng, đối mặt với hiểm nguy mỗi ngày, lại giúp con người mài sắc tài năng và trực giác bén nhạy của mình. Rừng đã ban tặng con người một môi trường thử thách hiếm có để rèn luyện và phát triển những năng lực đặc biệt. Ở rừng mười năm, Võ Tòng càng ngày càng “trở nên kỳ hình dị tướng”, nhưng ai cũng quý mến vì “tính tình chất phác thật thà, lúc nào cũng sẵn sàng giúp đỡ mọi người mà không hề nghĩ đến chuyện người ta có đền đáp lại mình hay không” [2, tr.169]. Sống với hoang dã nhưng Võ Tòng vẫn giữ được những điều đẹp đẽ, quý giá trong tâm hồn, tính cách của mình. Sẵn sàng giúp đỡ mọi người, căm thù giặc, xả thân vì nghĩa lớn. Như vậy, không chỉ là nơi nuôi dưỡng, chở che; rừng còn môi trường gìn giữ, nguồn cội đẹp đẽ, trong trẻo trong con người - những thứ thường bị tước đi hoặc bị che lấp đi khi con người sống trong xã hội văn minh. Rừng cũng là nơi Võ Tòng bị trúng đạn của giặc, trở về với đất để an giấc ngàn thu. Hình ảnh con vượn bạc má, người bạn rừng thân thiết của Võ Tòng, chết rũ bên mộ chủ vì thương nhớ cho thấy mối quan hệ gắn bó sâu sắc giữa con người và tự nhiên. Võ Tòng sống nhờ rừng, chết trong rừng, trở về đất rừng với người bạn thú của rừng, hòa thân xác mình vào không gian và tiếp tục làm nảy mầm, sinh sôi những sự sống khác của Rừng.
Nhân vật An cũng vào rừng mà tìm được gia đình thứ hai của mình, chấm dứt những tháng ngày lang bạt, đói rét, ốm đau, buồn tủi đầy nguy hiểm. Cuộc sống trong rừng giúp An mở rộng tầm mắt, tâm hồn, có thêm những kiến thức mới mẻ và những trải nghiệm quý giá. Từ một cậu học trò thành phố vốn chỉ quen với sách vở, An nhanh chóng trưởng thành so với tuổi mười bốn của mình, được gia nhập đội du kích địa phương và trở thành niềm tự hào của cả gia đình tía má nuôi. Rừng dang rộng vòng tay với An, vừa chở che, nâng đỡ, vừa thúc đẩy những trải nghiệm để trưởng thành.
Con người tìm đến rừng, nương tựa vào rừng và được bà mẹ thiên nhiên hào phóng, chở che, nâng đỡ, nuôi dưỡng sự sống và nhân tính. Mặt khác, thái độ của con người với rừng cũng là một thái độ biết ơn và trân trọng những tặng phẩm của rừng. |
Như vậy, từ cuộc đời, số phận nhân vật chính: chú bé An tới những nhân vật quan trọng trong tác phẩm: ông lão bán rắn, Võ Tòng, có thể thấy mối quan hệ giữa con người và không gian sinh thái trong tác phẩm là mối quan hệ giàu gắn kết. Con người tìm đến rừng, nương tựa vào rừng và được bà mẹ thiên nhiên hào phóng, chở che, nâng đỡ, nuôi dưỡng sự sống và nhân tính. Mặt khác, thái độ của con người với rừng cũng là một thái độ biết ơn và trân trọng những tặng phẩm của rừng. Khi An nhờ tía giết con ong sắt đốt thằng Cò (con tía), tía đã nói: “Không nên giết ong, con à. Để tía đuổi nó cách khác...” [2, tr.158]. Trân trọng sự sống của một con ong nhỏ trong rừng, dù chỉ là một chú ong giữa bạt ngàn ong mật trong rừng cho thấy ý thức trân quý tự nhiên, biết ơn và tôn trọng tự nhiên, cũng là trân quý, biết ơn và giữ gìn nguồn sống của chính mình. Ngoài ra có thể thấy thêm một biểu hiện khác ở nhân vật tía nuôi, trong đêm hai cha con ngủ lại rừng, tía đã không dùng tên độc bắn chết con hổ chờn vờn dưới gốc cây đợi hai cha con ngã xuống để ăn thịt. Tía nói muốn để dành tên giết giặc nhưng mặt khác cách ứng xử này cũng tương đồng với cách tía ứng xử với bầy ong. Ngoài việc mưu sinh là bất khả kháng, tía luôn đặt việc giữ lại sự sống cho rừng làm ưu tiên trong những ứng xử hằng ngày.
Hóa ra, chốn hoang dã với những con người bị xã hội xem là hoang dã lại có cách ứng xử hết sức văn minh và từ ái với tự nhiên. Qua cách ứng xử của tía nuôi với những sinh vật của rừng, cách Võ Tòng coi con vượn bạc má như người bạn tâm tình có thể thấy mối quan hệ giữa con người và không gian sống là mối quan hệ hai chiều, hài hòa, mật thiết. Thiên nhiên ưu ái, chở che, trao ban nguồn sống cho con người và ngược lại, con người dựa vào tự nhiên để sống, trân quý, tôn trọng tự nhiên, vun đắp cho sự sống của tự nhiên tiếp tục nảy mầm. Quan sát mối quan hệ giữa con người và không gian, cụ thể là con người và không gian rừng (U Minh Thượng, U Minh Hạ, Năm Căn) trong tiểu thuyết Đất rừng phương Nam, sẽ thấy đây là mối quan hệ hài hòa, đẹp đẽ. Đặc biệt, cách ứng xử với rừng của các nhân vật, dù không hoàn toàn tuyệt đối nhưng phần nào thể hiện ý thức tôn trọng sinh mệnh của con người với tự nhiên. Dù đó là ý thức nổi trội tác động tới cách ứng xử của con người với tự nhiên thì ở Đất rừng phương Nam, tác giả lại khắc họa mối quan hệ nổi bật ở tính chất nương tựa, hài hòa giữa con người và không gian sinh thái. Thông qua cách ứng xử của các nhân vật với rừng (U Minh Thượng, U Minh Hạ, Năm Căn), dù không hoàn toàn tuyệt đối, nhà văn đã thể hiện ý thức tôn trọng sinh mệnh của con người với tự nhiên. Ở khía cạnh này có thể xem tác phẩm đã chạm đến luân lý học tôn trọng sinh mệnh của Albert Schweitzer, tư tưởng nguồn gốc của “phong trào xanh” trên thế giới. Ông đã chỉ ra rằng, “chỉ có bảo vệ và tôn trọng sinh mệnh, nhân loại mới có thể cứu vớt chính mình. Đó là nguyên tắc tất nhiên, phổ biến, tuyệt đối” [8, tr.30].
Nhà phê bình Cheryll, trong một bài giới thiệu về thế hệ độc giả đầu tiên của phê bình sinh thái cho rằng: “Nếu như nhận thức của bạn về thế giới bên ngoài chỉ hạn chế trong chừng mực những gì được đúc rút từ những ấn phẩm nghiên cứu văn học chuyên ngành, bạn sẽ nhanh chóng nhận ra rằng: chủng tộc, giai cấp và giới tính đang là những đề tài nóng bỏng trong những năm cuối thế kỷ XX. Nhưng nếu chỉ dừng ở đó, bạn sẽ không bao giờ đặt ra được một nghi vấn nào về việc sự sống của trái đất - điều có ý nghĩa sinh tồn và nâng đỡ cho tất cả những hệ thống đó - đang bị đặt dưới một áp lực khủng khiếp. Thật vậy, có thể bạn sẽ không bao giờ biết được rằng, trước khi có tất cả, đã luôn có một Trái đất” [1, tr.79]. Nhận định của Cheryll cho thấy ý thức về Trái đất như là ngôi nhà chung của nhân loại, quyết định sự tồn vong của muôn loài là vấn đề quan trọng, cấp thiết không kém những vấn đề chủng tộc, giai cấp và giới tính, thậm chí là vấn đề cấp thiết hơn tất cả. Nhận thức và có trách nhiệm với không gian sống là điều mà mỗi cá nhân cần hướng tới. Từ góc nhìn này, có thể thấy Đất rừng phương Nam đã khắc họa chiến tranh với sức mạnh tàn phá và hủy diệt là nguy cơ nổi bật đối với môi trường sinh thái tự nhiên cũng như với sự tồn vong của con người. Tác phẩm tái hiện không gian Nam bộ trong bối cảnh thực dân Pháp quay trở lại chiếm đóng (năm 1946). Chiến tranh đã tàn phá không gian đô thị ở các thành phố lớn cũng như tác động sâu xa tới những khu rừng quanh năm âm u, mịt mù lam sơn chướng khí. Thành phố nhỏ bên bờ sông Tiền, nơi gia đình An sinh sống lửa cháy khắp nơi, súng nổ, tiếng đạn bay viu vít trên trời. Gia đình An nhập vào dòng người tản cư rời khỏi thành phố, phía sau dòng người, cây cối bị chặt đổ rầm rầm để chặn đường tiến của giặc Pháp. Từ Mỹ Tho, cả gia đình An chạy tới Cai Lậy, rồi Cái Bè, Đồng Tháp Mười... Tới đâu An cũng thấy: “Những làng mạc êm đềm, bóng dừa bóng chuối che rợp các khu vườn mát rượi đất phù sa, con đường đất nhỏ lượn trên bờ rạch nước đầy ăm ắp soi bóng những cây sầu riêng, măng cụt... Những ngôi nhà mái đỏ thấp thoáng trong các khu vườn xoài... Tất cả những nơi mắt tôi nhìn thấy, chân tôi bước qua đều đã mất đi sự bình yên phẳng lặng của nó, không khí chiến tranh đã tràn về các thôn ổ xa xôi nhất...” [2, tr.101]. Đâu đâu cũng thấy tiếng bom rơi, đạn nổ, lửa cháy đỏ khắp làng. Sức mạnh của bom rơi, đạn nổ, của bạo lực làm biến dạng, vỡ nát không gian từ thành phố tới làng quê, từ đô thị sầm uất tới những vùng xa xôi, hẻo lánh. Chiến tranh cũng phá hủy không thương tiếc đời sống vật chất và tinh thần của con người.
Hình ảnh trong phim "Đất rừng phương Nam" (2023) của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng |
Sức mạnh của hỏa lực, của chất độc hóa học cũng không buông tha không gian hoang dã. Chiến tranh chính là một biểu tượng của sức mạnh, biểu tượng của bạo lực tàn phá, đánh gục, triệt hạ không thương tiếc tự nhiên để phục vụ nhu cầu tối thượng của con người. Rừng U Minh yên tĩnh, vắng lặng, hoang sơ bỗng nhiên xáo động bởi “Ba chiếc tàu bay của giặc Pháp bay vút qua bên trên khu rừng chúng tôi đang lấy mật (...). Lửa chớp chớp. Súng liên thanh nã đạn xuống rừng nghe inh tai, chát óc. Rồi hàng loạt bom nổ ầm ầm, chuyển động cả một vùng rừng ban nãy còn lặng phắc như tờ” [2, tr.177]. Sau làn khói đen bốc lên cuồn cuộn là mùi dầu bay khét lẹt, là lửa đỏ bốc lên vượt ra khỏi những cây tràm cao nhất phía bờ sông, lan ra bốn phía và gió quạt hơi nóng rừng rực. Heo, nai, hươu, chồn bông lau, cáo, mèo... “tất cả những con thú bốn chân trong rừng đều nhắm mắt nhắm mũi tranh nhau chạy (...). Trăn gió, rắn to... cũng thi nhau chạy. Khỉ, vượn, nhọ nồi cuống quýt trên cây. Một con vượn bạc má bồng con nhảy xuống đất, cố chạy theo vết chúng tôi” [2, tr.179]. Đó là một cảnh cháy rừng được miêu tả trong tác phẩm. Cách miêu tả của Đoàn Giỏi khá trung tính, khách quan, như một thước phim quay chậm thì người đọc vẫn hình dung ra sự tan tác, hỗn loạn và tang thương của rừng trước sức mạnh hủy diệt của chiến tranh. Bom đạn không tha con người và cũng lạnh lùng khai tử những góc rừng hoang sơ, vô tội. Rừng đã cháy suốt ba hôm, rừng rực lửa. Sau đám cháy, hiện ra khung cảnh tang thương: “Chung quanh tôi, đen hắc một màu cây cối đã cháy thành than. Những con rùa, con cần đước bò qua trảng cỏ trốn chạy vào nước không kịp, bị lửa đốt cháy còn trơ lại những cái mai như nồi úp đất lổm ngổm trên tro tàn. Một khối than khổng lồ còn giữ nguyên hình gốc cây, đang âm ỉ bốc khói bên cạnh chỗ chúng tôi giấu xuồng. Lục bình, rau mác dưới lung bị lửa táp cháy rụi lớp lá bên trên, phần chìm dưới nước thì bị nước nóng luộc chín cả. Xác cá, tôm, xác rắn trương phình trên mặt nước phủ đầy tàn tro, bốc lên một mùi thối khẳm nhức cả óc” [2, tr.191]. Hình ảnh những cánh rừng chìm trong biển lửa hay mang đầy thương tích bởi bom đạn giặc cũng có thể thấy trong tác phẩm Giấc mơ ông lão vườn chim của Anh Đức, Rừng xà nu của Nguyên Ngọc và một số tác phẩm khác trong văn học Cách mạng giai đoạn 1945-1975. Trong một nghiên cứu về hình ảnh “rừng” và “sông”, Trần Ngọc Hiếu và Đặng Thị Thái Hà cho rằng “những trang viết nói về sự tàn phá môi trường thiên nhiên trong chiến tranh, trước hết như là bằng chứng về tội ác của giặc” [4, tr.235]. Diệt rừng để diệt người, tàn phá rừng tự nhiên không thương tiếc để tận diệt những người sống trong rừng, trong đó không chỉ có bộ đội, du kích mà còn có bao nhiêu kiếp người nhỏ bé, sống dựa vào rừng. Không chỉ đốt rừng, phía gần đồn giặc “cây cối bị san bằng mặt đất, một con mèo chạy cũng thấy rõ” [2, tr.211] rồi “Những ngôi lều của thợ đốn củi ở tít mãi trong rừng sâu cũng bị chúng (giặc Pháp) mò tới đốt trụi” [2, tr.218]. Đốt rừng, đốt lều của những người sống trong rừng, phát quang cây cối... để tận diệt những kẻ chống đối, giặc Pháp đã tàn phá, hủy hoại không thương tiếc hệ sinh thái rừng. Bất chấp hệ lụy của việc hủy diệt rừng sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng, khó có thể phục hồi, thậm chí sau cả trăm năm.
Như vậy, có thể thấy nguy cơ sinh thái chính mà Đất rừng phương Nam đề cập tới là sự tận diệt phá hủy môi trường sinh thái của đô thị, làng quê và nhất là tàn phá, hủy diệt hệ sinh thái rừng. Nếu ở trên, có thể thấy rừng là bảo tàng sinh thái, là Mẹ thiên nhiên thì việc hủy diệt rừng chính là hủy diệt hệ sinh thái của con người không phải của một mà của rất nhiều thế hệ. Chiến tranh đã gây ra những tổn thương không gì bù đắp và hủy diệt không thương tiếc hệ sinh thái rừng. Phản ánh tất cả những điều đó dưới góc nhìn của cậu bé An, một thiếu niên, tác phẩm cho thấy cái nhìn trung thực, khách quan và chân thành của tâm hồn trẻ thơ.
Chiến tranh đã gây ra những tổn thương không gì bù đắp và hủy diệt không thương tiếc hệ sinh thái rừng. Phản ảnh tất cả những điều đó dưới góc nhìn của cậu bé An, một thiếu niên, tác phẩm cho thấy cái nhìn trung thực, khách quan và chân thành của tâm hồn trẻ thơ. |
Từ góc nhìn này, có thể thấy cái nhìn sinh thái trong một số tác phẩm văn học thiếu nhi khác có nhiều điểm gặp gỡ. Không gian sinh thái bị ảnh hưởng nặng nề bởi vũ khí hóa học thấp thoáng xuất hiện trong Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng: “Đoàn tập hợp lại trong một đám dừa bị chất độc hóa học, tàu lá lơ thơ, trống trải” [5, tr.48]. Đây là không gian của Đồng Tháp Mười trong mùa nước nổi, khu rừng tràm thưa đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi chất độc hóa học vào năm 1966. Để hủy diệt những kẻ chống đối, giặc Pháp đã không ngần ngại giết chết những rừng tràm, để lại hậu quả nặng nề cho đất, cho cây, cho con người tới hàng trăm năm sau. Khi người kể chuyện chia tay Thu, cô bé con hôm nào giờ đã trở thành cô giao liên dũng cảm, ông nhận ra: “Sau lưng cháu là đám dừa bị chất độc hóa học mà tàu lá chỉ còn những cọng khô như những chiếc xương cá khổng lồ treo lủng lẳng, đọt non vừa mới đâm lên, xa trông như một rừng gươm” [5, tr.46]. Chất độc hóa học đã tàn phá thiên nhiên thì tất yếu cũng ảnh hưởng nặng nề tới con người. Hình ảnh quê hương bình yên dưới bóng mát lá dừa không còn nữa, thay vào đó là những đọt dừa mới nhú vươn cao như biểu tượng của nỗi đau không dứt bởi gươm đao. Hay trong tác phẩm Người mẹ cầm súng [6] của Nguyễn Thi, có thể thấy, chiến tranh đã xáo trộn tất cả những gì bình thường nhất trong cuộc sống của con người. Bầu trời “đục màu khói thuốc”, “Lớp áo cát phủ quanh mình củ khoai lang bị bom hất vung vãi trên vồng bây giờ đã khô trắng và óng ánh dưới nắng” [6, tr.172], cây dừa trước nhà thân “sần sùi những vết đạn ngang dọc của thằng Tây” [6, tr.176], đến gió thổi từ Sông Hậu vào Tam Ngãi cũng có một mùi đặc biệt, “mùi cá muối lẫn với mùi bom na-pan” [6, tr.186]. Cô giáo trở thành du kích, “cô kể chuyện đánh giặc thật là mê”, trên bàn cô có cây súng chiến lợi phẩm mới, mỗi lần máy bay tới bắn phá xóm, cô dẫn lũ trẻ ra núp hầm, “bàn tay đầy phấn trắng của cô chong súng theo máy bay” [6, tr.190]. Cô giáo cầm phấn và cầm súng, cũng như mẹ bọn trẻ trở thành “Người mẹ cầm súng” thật giản dị, bình thường. Bọn trẻ quen với việc đó, quen với việc ở nhà không có mẹ, quen với việc “theo dõi” tiếng súng nổ ở mặt trận để đoán xem mẹ “đánh” chỗ nào. Không gian sống bất thường, nhịp sống bất thường đã trở nên quen thuộc, bình thường cho thấy sức hủy hoại lớn của chiến tranh tới môi sinh, tới con người, nhất là tới trẻ thơ. Chúng không đòi hỏi gì, thậm chí bằng lòng với việc thiếu vắng hơi ấm, bàn tay của mẹ, chúng cũng quen với bom rơi, đạn nổ, quen cả việc chơi với những viên đạn thay cho đồ chơi trẻ nhỏ. Rõ ràng, chiến tranh là một trong những nguy cơ sinh thái lớn đối với không gian và nhất là đối với con người. Không phải chỉ tàn phá, làm đổi thay không gian sống; “Bom đạn giặc đã xóa đi tất cả. Bây giờ, trong tàn rụi đó, chỉ còn thấy nóc gác chuông nhà thờ Bà Mi nhọn hoắt như một lưỡi dao lấp lóa trong nắng bên cạnh cái bóng chuồng cu đen đúa của đồn dân vệ. Xa hơn nữa là lằn sông cái, mây như từng tảng núi đá vỡ ra đang sà mình xuống đó” [6, tr.174], chiến tranh còn làm những đứa trẻ sớm cứng cỏi, trưởng thành và mất đi quãng thời gian niên thiếu đẹp nhất. Thay cho những câu hát về tình yêu, về niềm vui, con bé và đàn em say sưa đọc khẩu hiệu “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”. Đó chẳng phải là nguy cơ sinh thái, tưởng như vô hình nhưng có thật mà chúng ta phải đối mặt, đó là nguy cơ sinh thái đối với sự phát triển đẹp đẽ của tâm hồn trẻ thơ mà ngày nay không thể không suy ngẫm và trả lời.
Tác phẩm Đất rừng phương Nam đã đặt vấn đề về ý thức sinh thái thể hiện qua việc: đánh thức tình yêu đối với rừng, mở mang những hiểu biết và rung động về rừng từ đó thúc đẩy ý thức bảo vệ, giữ gìn màu xanh của rừng, giữ gìn tài nguyên rừng. |
Đất rừng phương Nam cho thấy mối quan hệ giữa con người Nam bộ và không gian sinh thái nói riêng, giữa con người và không gian rừng nói chung: Nếu con người tìm đến rừng như một chốn nương tựa, chở che thì rừng sẽ đáp lại như một Mẹ thiên nhiên vĩ đại. Con người sống nhờ rừng và khi chết, nằm lại đất rừng như một sự trở về đẹp đẽ. Mặt khác, tác phẩm cũng cho thấy, chiến tranh đã tàn phá rừng Nam bộ với tốc độ khủng khiếp, đã hủy diệt không thương tiếc sự sống của rừng. Hủy diệt rừng chính là tội ác, là nguy cơ lớn nhất con người gây ra đối với môi trường sinh thái nói chung. Không chỉ Đất rừng phương Nam mà Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng, Mẹ vắng nhà của Nguyễn Thi, những tác phẩm cùng thời cũng cho thấy rõ điều đó. Nguy cơ sinh thái mà con người phải đối mặt chính là khi hủy diệt rừng dù bằng bất cứ thế lực nào, nhân danh bất cứ điều gì (vì mục đích kinh tế hay chính trị), con người cũng trực tiếp hủy hoại môi sinh của mình và các thế hệ tương lai.
Có thể khi viết tác phẩm này, Đoàn Giỏi không ý thức về khái niệm sinh thái môi trường nhưng “đứa con tinh thần” vượt ra khỏi ý đồ của nhà văn đã đặt vấn đề về ý thức sinh thái thể hiện qua việc: đánh thức tình yêu đối với rừng, mở mang những hiểu biết và rung động về rừng từ đó thúc đẩy ý thức bảo vệ, giữ gìn màu xanh của rừng, giữ gìn tài nguyên rừng. Khi rừng còn ngã xuống bởi con người vì lợi ích chính trị hay kinh tế, con người sẽ phải trả những giá đắt cho môi trường sinh thái, cho không gian sống, cái giá phải trả sẽ xuất hiện ngay lập tức và đó là món nợ còn phải trả tới hàng trăm năm sau cho nhiều thế hệ tương lai. Vì vậy, vấn đề giữ gìn, bảo vệ, yêu thương rừng vẫn luôn là vấn đề có ý nghĩa thời sự và thiết thực hiện nay. Mặt khác, “sự bảo vệ tự nhiên có mối quan hệ sâu sắc với việc theo đuổi lý tưởng công bằng xã hội” [3, tr.60], hướng tới việc điều chỉnh mối quan hệ ngày càng mất cân bằng nghiêm trọng giữa con người và môi sinh.
1. Phim Đất phương Nam, dựa trên tiểu thuyết Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi, đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn, Hãng phim Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh, công chiếu năm 1997, 11 tập.
Tài liệu tham khảo
[1] Cheryll Glotfeltly (2019), “Introduction: Literary Studies in an Age of Environmental Crisis”, dẫn theo Đặng Thị Thái Hà, Căn tính, thân thể và sinh thái, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.
[2] Đoàn Giỏi (2020), Đất rừng phương Nam, Nxb Kim Đồng, Hà Nội.
[3] Hoàng Tố Mai (chủ biên, 2017), Phê bình sinh thái là gì?, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.
[4] Nhiều tác giả (2017), Văn chương nghệ thuật và các thiết chế văn hóa - những tiếp cận liên ngành, Nxb Thế giới, Hà Nội.
[5] Nguyễn Quang Sáng (1982), Chiếc lược ngà (tập truyện ngắn), Nxb Văn học, Hà Nội.
[6] Nguyễn Thi (1984), Truyện và ký, Nxb Văn học, Hà Nội.
[7] Nguyễn Thành Thi (chủ biên, 2021), Sách giáo khoa Ngữ văn 10, Tập 2, bộ Chân trời sáng tạo, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[8] Nguyễn Thị Tịnh Thy (2017), Rừng khô, suối cạn, biển độc... và văn chương, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
Bài công bố lần đầu tiên trên tạp chí Nghiên cứu văn học, số 9/2022, tr.61-67. |