Thuở còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã đọc được những dòng thơ trữ tình với cảm hứng ngợi ca vẻ đẹp của đất nước và con người Việt Nam từ ô cửa con tàu Thống Nhất của nhà thơ Lê Văn Vọng:
Qua cửa sổ con tàu là đất nước là em
Dáng mẹ lưng còng
Những căn nhà mái tranh
Những cánh đồng quanh năm nước nổi
Mặt trời lên
Mặt trời chìm
Giọt mồ hôi của cha kết tinh thành muối
Giọt mồ hôi của em, vở học trò bổi hổi…
(Chiều sân ga)
Đoàn tàu Thống Nhất |
Từ những vần thơ bay bổng ấy, tôi lớn lên mang trong lòng tình yêu đất nước bao la và khát vọng về một ngày không xa được chu du đó đây, ngắm nhìn và cảm nhận vẻ đẹp của đất nước từ chuyến tàu Nam - Bắc…
Năm tháng trôi qua, giấc mơ ấy cứ lớn dần trong tôi. Cho đến một ngày, tôi quyết định đi tàu trên một trong số những cung đường đẹp nhất của hành trình Bắc - Nam: cung đường từ Ga Đà Nẵng đến Ga Huế, qua đèo Hải Vân “mây bay đỉnh núi” - nơi đã từng đi vào thơ ca, nhạc, họa.
Hình như tôi luôn dành cho sân ga và con tàu tình cảm đặc biệt. Ngày ấy, khi chưa đi tàu lần nào nhưng đọc thơ Lê Văn Vọng, đọc truyện ngắn Hai đứa trẻ của nhà văn Thạch Lam, tôi lại đem lòng say mê con tàu với những toa nối nhau băng băng trên đường ray suốt bốn mùa mưa nắng. Tôi nhớ đã có lần mình đến Huế, tôi đã thức đến khuya chỉ để đợi con tàu đi ngang qua sông Hương, tiến về Thủ đô yêu dấu. Gần nhất là đêm tôi ngồi co ro trong sương lạnh dưới mái hiên một hàng quán đã đóng cửa, đợi ánh đèn của người gác ghi, đợi đoàn tàu rầm rộ cắt ngang qua đường nhựa để ngắm nhìn cho thỏa thuê, để lòng mình mong mỏi một chuyến tàu cho chính mình, đến những nơi mà mình khao khát.
Đối với tôi, đi tàu không đơn thuần chỉ là di chuyển từ nơi này đến nơi khác để rồi cáu gắt, mệt mỏi hoặc chìm sâu vào giấc ngủ khi ngả lưng xuống giường nằm ở toa có máy điều hòa mát rượi. Tôi nhớ rằng mình đã nuôi nấng cảm xúc rất lâu, rất lâu trước khi đặt chân đến ga, mua tấm vé tàu đầu tiên trong đời, ngồi chờ ở sân ga từ sớm chỉ để ngắm “tàu về tàu đi như mang theo niềm thương nhớ” (lời bài hát Chiều sân ga, nhạc sĩ Song Trà). Khoảnh khắc chiếc loa trong sân ga văng vẳng giọng nói ngọt ngào của cô nhân viên: “Kính thưa quý khách, đoàn tàu mang số hiệu SE… sắp về đến sân ga, quý khách vui lòng chuẩn bị hành lý trước khi lên tàu…” khiến tôi hân hoan kỳ lạ, như thể đó là lần đầu mình được đi xa, như thể ai đó hứa tặng mình một món quà nào đó mà mình yêu thích. Tôi biết rằng mình sắp sửa bước lên chiếc tàu đầu tiên trong cuộc đời. Thường thì cái gì đầu tiên cũng đong đầy cảm xúc, cũng nhớ thương suốt những tháng năm dài trong đời. Tôi cứ mơn man nghĩ như thế cho đến khi ngoái lại thì đoàn tàu đã đỗ ở sân ga, khách xuống tàu lên tàu nườm nượp, trong đó có muôn vàn cảm xúc khác nhau. Người thì vui khi trở lại cố hương, kẻ thì buồn khi sắp sửa xa rời vòng tay thân thuộc…
Cảm giác đi tàu một mình thật thích. Ai bảo đi một mình là cô đơn, là buồn bã, tẻ nhạt. Đi một mình hóa ra lại hay, để ta trải cho kiệt cùng những cảm xúc trong lòng, để cảm nhận cái đẹp của đất nước qua ô cửa con tàu, vẻ đẹp của biển xanh, bãi cát, của núi non hùng vĩ điệp trùng. Hai bên đường tàu là những thước phim về cảnh và người vô cùng thú vị mà không một màn ảnh nào có thể diễn tả trọn vẹn như khi mình đứng trên tàu ngắm nghía, trầm trồ. Đất nước Việt Nam đẹp lắm! Đẹp vô cùng! Đâu đâu cũng tràn ngập sắc màu như tranh vẽ. Giây phút ngắm ngọn Hải Vân sừng sững mây bay, ngắm biển vỗ về, ngắm vịnh Lăng Cô lòa nhòa ẩn hiện khiến tim tôi thắt lại. Tôi hiểu rằng đó là giây phút thăng hoa trong cảm xúc khi bắt gặp cái đẹp duy mỹ đến từ thiên nhiên, từ đất nước mình. Tôi đứng ngắm nghía, chụp ảnh lưu niệm và lẩm nhẩm những câu hát với giai điệu mạnh mẽ mà trữ tình duyên dáng trong bài Tàu anh qua núi (nhạc sĩ Phan Lạc Hoa): “Con tàu Việt Nam đi suốt bốn mùa vui. Qua đèo Hải Vân mây bay đỉnh núi. Nhớ thương nhau em chờ anh tới. Mà tàu anh đi…”.
Đi tàu một mình có gì mà phải nhận mình là kẻ cô đơn? Gọi là một mình chứ thật chất có phải một mình tôi đâu? Đi tàu, tôi được dịp gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều người, ở những vùng miền khác nhau trên đất nước. Mỗi người một giọng nói khác nhau nhưng chúng tôi đều là những người Việt Nam máu đỏ da vàng, gặp nhau ở cái tình, cái hồn hậu, mộc mạc từ trong sâu thẳm. Tôi được nghe biết bao câu chuyện về văn hóa, về ẩm thực vùng miền, được chia sẻ trong niềm tự hào về miền quê dấu yêu của mình và không quên mời mọc “người lạ” đến quê mình để thấy rằng đất nước mình đâu đâu cũng đẹp. Đi tàu một mình là dịp để mình nhận ra cuộc sống của mình có rất nhiều điều thú vị, nhiều niềm vui, hãy mở lòng mình ra mà đón nhận, hãy cất cao xúc cảm tận hưởng. Mọi ưu phiền, buồn bã, thậm chí là mất mát chia lìa đã qua chẳng đáng để ta phải day dứt suốt những tháng năm cuộc đời. Cảnh đẹp quê hương sẽ giúp chúng ta thanh lọc lại tâm hồn để khi rời khỏi tàu, xa hơn là sau một chuyến chu du đến miền đất khác, chúng ta sẽ trở nên tươi mới và tràn đầy năng lượng hơn. Chúng ta sẽ thấy rằng đời này thật sự đáng để ta sống và tận hưởng, trải nghiệm và tích lũy những giá trị quý báu cho chính mình. Từ đó ta trưởng thành và mạnh mẽ hơn rất nhiều.
Đi tàu - đối với tôi (và có lẽ với nhiều người khác nữa), chính là hành trình đầy cảm xúc. Hành trình của yêu thương và sẻ chia…
Hoàng Khánh Duy | Báo Văn nghệ
------------
Bài viết cùng chuyên mục: