Những khối vuông vức theo hình chữ nhật, bên trên khắc ngôi sao năm cánh, bên dưới là dòng chữ ghi họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; ngày, tháng, năm nhập ngũ và ngày, tháng, năm hi sinh. Cũng có những dãy vuông vức ấy, cũng có những ngôi sao năm cánh, nhưng rất nhiều trong số đó có cùng cái tên: Liệt sĩ chưa biết tên!
Ở góc bên trái, ở mép bên phải, lác đác vài bà cụ, vài ông lão lụi cụi đốt nhang, vái ba vái, rồi nhìn tấm bia thẫn thờ. Vài tiếng sụt sịt thầm thì từ một tấm lưng còng đang thách đấu với trời xanh. Người ta gọi đó là nỗi nhớ!
Ảnh minh họa |
Tôi nhẹ nhàng đặt bó hoa cúc và gói bánh quy lên nấm mồ như hằng năm hai ba lần đều đặn vẫn làm. Dặn lũ trẻ ngoan ngoãn, không chạy lung tung, tôi đốt chín que nhang, bước lên đài tưởng niệm. Một ngôi sao lớn, vàng óng được gắn lên trên cùng của một tấm bia sơn đỏ tươi, ở chính giữa gắn bốn chữ nổi, cũng màu vàng óng: Tổ Quốc Ghi Công! Cắm nhang lên lư hương đại, tôi kính cẩn cúi mình, trước các hoàng thiên hậu thổ, chư vị tôn thần, các anh linh từ thời Hùng Vương, đã vì mảnh đất này mà kiến thiết, mà hi sinh; sau là hương hồn các liệt sĩ đã ngã xuống cho đất nước được độc lập, tự do và thống nhất.
Trở lại với nấm mồ, nơi bọn trẻ còn loay hoay rút từng que nhang, tôi bảo đây là mộ ông nội chúng. Là mộ của ba tôi! Thằng cu lớn đọc rành rõi họ, tên và thông tin trên bia cho em nó nghe. Khói nhang nghi ngút. Khói nhang màu trắng đục phủ đầy mặt mộ, rồi lững lờ theo gió tản ra. Tôi lặng lẽ đứng nhìn, hướng mắt dần theo mỏng manh của khói đang hòa lẫn vào không trung.
Và tôi thấy, người lính trẻ mới hai mươi tư đang hành quân dưới những rặng cọ dầu, bước chân băng qua những đồi cây lá thấp. Không biết người lính ấy có rõ, rằng ở quê nhà, tôi đang tượng hình chăng? Và tôi thấy, những đêm mưa lạnh, muỗi, vắt, người lính trẻ lại ngồi canh phiên cho giấc ngủ đồng đội được bình an. Liệu có bao giờ chợt nghĩ, ở quê nhà, anh đã có một đứa con trai?
Hai mươi tuổi, anh là sĩ quan pháo binh. Hai mươi mốt tuổi, non sông cất tiếng anh hào, gọi người trai trẻ bước vào gian nan. Vội vã gác bút, vội vã huấn luyện, vội vã trở về, vội vã cưới vợ, vội vã lên đường. “Bảo vệ nước bạn chính là bảo vệ nước mình, hi sinh cho nước bạn là hi sinh cho chính quê hương mình”, anh lính trẻ bảo vợ mới cưới như vậy, rồi quay gót bước vào giữa hàng dài những đoàn quân.
*
Ngày thôi nôi tôi, ba có mơ trong giấc ngủ chăng? Ba có cảm giác dịu êm của bàn tay bé bỏng? Hay ba còn chưa biết, giọt máu của ba đã biết cười, biết nói, thở chung bầu khí quyển với ba ở trên dương gian? Vì cớ làm sao, tuần sau đó, ba lại ra đi? Hay sinh nhật một tuổi của tôi đã bị đánh đổi bằng một trận chiến khiến ba bị thương và mười ngày sau, ba hi sinh?
Chiến tranh! Chiến tranh là tàn khốc! Chiến tranh không giống như những trò chơi, lỡ sai rồi, liền gọi nhau nghỉ và đôi khi còn lập lại luật chơi. Có người mới nắm tay người thương, sớm mai đã ngã xuống, máu còn vương trên chiếc vòng cầu hôn. Có người vừa kịp đọc lá thư báo tin mừng vợ sinh con, đã gục chết bên chiến hào.
Ba đã chọn dấn thân vào chinh chiến, phải đánh đổi bằng máu xương, để người ở lại được sống bình yên. Ba đã chọn cất tiếng cười con mình vào tim, để quê nhà, những tiếng cười hạnh phúc vang lên.
Ba hi sinh, tôi mồ côi! Tôi phải sống đời tự lập. Tháng ngày theo chân mẹ, lẽo đẽo sau lưng cậu, chập chững mà lớn, cố gắng trưởng thành. Tôi chẳng biết gọi tiếng ba, vì nó không nằm trong vốn từ vựng lúc bập bẹ. Tấm hình người lính trên bàn thờ, mẹ bảo ba tôi, tôi biết vậy, rồi thôi.
Ba hi sinh, tôi mồ côi! Người đời mắng tôi, dọa đánh chết cha mi! Tôi thầm nghĩ, không đánh, ba cũng chết rồi.
Ba hi sinh, tôi mồ côi! Người đời thương tôi, bảo tôi tội nghiệp. Tôi chỉ cảm thấy lạnh, lạnh vì cô đơn. Có những đêm nằm nghiêng ngủ, cảm nhận một hơi ấm nhẹ nhàng quàng lên tôi từ phía sau, tôi không cựa mình, mặc vậy để tận hưởng hơi ấm của ba. Tôi biết ba về ôm tôi! Sáng hôm sau, luôn là một trận sốt tơi bời. Tôi chấp nhận nó, miễn biết được rằng, ba luôn bên tôi.
Ngày Thương binh liệt sĩ, đoàn phim lưu động được thuê chiếu tư liệu “Dấu chân người lính”. Bọn trẻ con ngồi bệt đằng trước, người lớn trong ngồi, ngoài đứng, bao kín cả hội trường. Có người chỉ, ba mi kìa, tôi gào lên… “Ba, ba”…
*
“Chắc cháu chưa thấy mặt ba lần nào hè?” Tôi giật mình quay lại. Ông Nam đã đứng bên mộ ba tôi tự bao giờ. Ông là bạn chiến đấu với ba, hôm nay cũng đi thắp nhang cho đồng đội. Tuổi gần bảy mươi và sức trẻ để lại nơi chiến trường, còn lại gì ngoài làn da khô dần và mái tóc bạc hẳn đi? Tôi cười chỉ vào lũ trẻ, trả lời ông: “Đôi mắt ấy là của ba cháu, đôi lông mày ấy là của ba cháu, đôi môi, đôi chân ấy cũng là của ba cháu. Ba cháu về trong hình hài khác, để đền bù những mất mát tình cảm mà bốn mươi năm qua cháu phải chịu.”
Nhìn lũ trẻ ngây thơ bắt những tàn khói của nhang, tôi thầm mong rằng, đất nước mãi bình yên, để những người bố được nắm tay con, để những đứa con lại sà vào lòng bố. Và tôi cũng biết rằng, chỉ cần đất nước lâm nguy, chỉ cần non sông vang vọng, chỉ cần máu đào Rồng Tiên nhỏ xuống, tôi và những đứa con lại nối nhau bước tiếp dấu chân xưa! Còn giờ đây, những dòng huyết quản này nguyện như mạch nước ngầm trong vắt, mùa hè mát rượi, mùa đông ấm áp, làm cho cây cối nảy mầm, hoa nở, lá xanh, hiền hòa nuôi nấng thiên nhiên.
Nhật Lượng | Báo Văn nghệ
----------
Bài viết cùng chuyên mục
Sấu rụng mà thương Tản mản trà ở phố và ở núi "Những cơn bão qua..." Mùa hoa dã quỳ nơi đầu nguồn sông Mã Dọc theo mùa đói |