Sáng tác

Quá giang - truyện ngắn của Lê Tấn Hiển

Lê Tấn Hiển
Truyện
10:30 | 04/11/2024
Baovannghe.vn - Tiếng làm việc ở kho bạc, nhưng tôi chưa mua nổi chiếc xe máy. Xưa nay vẫn thế, cái tên nghề thường xa với nghĩa đen của nó nhiều. Chưa sắm nổi con ngựa, thì làm sao dám nghĩ chuyện cầu hôn, lập thất. Bởi thế, tự nhiên thân phận, tôi cặm cụi tháng ngày, lẳng lặng tích cóp, hạn chế giao tiếp và tránh xa mọi dịp tiếp xúc với phái đẹp. Tóm lại, nói theo cách mới, tôi không thể tính chuyện yêu đương, khi "hạ tầng cơ sở" chưa được chuẩn bị đầy đủ.
aa
Quá giang - ttruyện ngắn của Lê Tấn Hiển
Quá giang - truyện ngắn của Lê Tấn Hiển
Ấy thế mà số phận lại buộc tôi phải phá vỡ dự định của mình, kể từ ngày phòng kiểm ngân bỗng xuất hiện Kim Tinh - cô gái mới được điều về, nghe đâu do một mối quan hệ nào đó với ông chi nhánh trưởng.

Mọi việc tưởng chỉ tình cờ trong buổi chiều mưa một lần chờ xe buýt. Đã qua ba chuyến đỗ mà tôi vẫn không sao len chân nổi lên toa người chật cứng những áo mưa, ô dù. Không phải tôi chậm chân, cũng không phải ngại chen chúc dính dáp, càng không phải tôi muốn nhường mọi người, mà thú thực, chẳng hiểu sao dưới hiên nhà chờ bữa đó, chỉ thấy dặt phụ nữ. Nên tôi ngại - Vì cái mặc cảm rất riêng của chính mình, với chút sĩ diện còn lại của phận trai nghèo.

Tôi cứ đứng mãi dưới nhà chờ xe, cho đến khi chỉ còn lại mỗi mình. Thì cũng không thấy chuyến xe nào đỗ nữa. Bóng tối ập xuống từ bao giờ. Đường phố đã lên đèn. Trong ánh nhập nhoạng, cái bóng đơn độc của tôi lúc ấy giống như một thứ du thủ bất lực trước mắt người qua đường.

Bỗng "Vèo...! Kit...ét!" - tiếng ổ phanh xe máy gặp nước mưa, đồng thời với ánh đèn pha xiên chéo xuống đôi dép nhựa màu cháo lòng đẫm nước dưới chân tôi. "Xe ôm rồi! Quả là thời khách hàng thượng đế thật. Tiện đấy. Nhưng thôi, mất đứt khoản "ăn trưa" mà bụng vẫn lép. Chẳng tội gì." Tôi vừa thoáng nghĩ vậy, thì nghe một giọng kim lảnh lót

- Anh Thanh! Hết xe à? Tội nghiệp chưa. Tối rồi còn đợi đến bao giờ?

- À... Không! - Tôi lúng túng chối cãi - Xe thì còn, nhưng mưa quá. Mới lại, tôi cũng đang chờ... người bạn.

Gặp người quen vào cảnh này cũng đã nhiều, song quả thật tôi không ngờ lại là Kim Tinh, cô gái mà ngay từ khi bắt đầu cái nhìn đầu tiên tôi đã chàng vàng nhận ra một màng lưới buông bủa, không hẳn giống cái bẫy, nhưng khó lòng né thoát. Lạ thật, tan giờ lâu rồi, chiều nay thứ bảy tôi cho họp phòng và "tháo khoán" sớm cơ mà. Cô ta đi đâu mà vẫn còn ở đây?

Kim Tinh ré lên cười, vô tư nhưng đầy hàm ý:

- Em cũng chẳng cần biết cái người anh đang đợi là nam hay nữ, nhưng rõ ràng, bạn bè như thế thì...quên đi! Họ cho anh "chào cờ" rồi. Thôi, lên đây em cho "quá giang". Đã không có ô dù, áo sống lại phong phanh, đứng đây lâu có mà... phải gió.

Nói rồi, cô vù ga, chiếc xe tiến sát qua, căn đúng đệm ghế sau kế chỗ tôi đứng, dừng lại. Kim Tinh không xuống xe, cứ thế lùi tụt về yên sau:

- Anh cầm lái đi. Đi nhờ nhưng phải cầm lái! Em không quen ngồi trước đàn ông bao giờ, nhất lại là "sếp" của mình...

Tôi không giải thích nổi hành động của mình lúc ấy nữa. Kì lạ thật, điệu bộ tự nhiên và lời lẽ ít ý tứ của cô nhân viên thuộc cấp hút khiến tôi như một mệnh lệnh. Cũng may, tôi đã biết cưỡi mô tô từ những năm du học ngoại quốc. Chiếc xe bon đi dưới mưa. Kim Tinh ngồi sau với tay choàng tấm áo nhựa che đầu tôi. Cái cảm giác ấm nóng sau lưng làm tôi thật khó xử, chỉ biết ngồi cứng đờ như một rô-bốt, hạn chế tối đa mọi cử động, và lẩm nhẩm cầu cho cơn mưa mau tạnh!

Vừa lướt qua một cây xăng, bỗng nhiên cô nàng nghển lên, áp má và ngoắc cằm vào vai tôi (chắc là nhòm cái mặt đồng hồ ở đầu xe), thảng thốt:

- Thôi chết! Gần hết xăng rồi. Quay lại, quay lại anh! Đổ đã. Kẻo mai mồng một, quên rồi chết tịt giữa đường thì xui lắm... “mồng một sớm mai..." mà. Đen đủi cả tháng!

Tôi cua xe, vòng lại cây xăng. Vừa toan đạp phanh dừng trước cô nhân viên cầm cái vòi súng, thì Kim Tinh lại chí ngón tay vào mạng sườn tôi, đổi ý: "Thôi! Thôi, đi đi anh. Không đổ nữa!"

Chẳng hiểu đầu đuôi xuôi ngược ra sao, nhưng tôi đành lại tăng ga phóng đi.

Được một đoạn, tôi hỏi:

- Bảo đổ xăng, sao lại thôi?

- À, thấy mụ đàn bà đứng "bóp", em kiềng. Đợi đến ca mấy lão đàn ông thì đổ...

- Sao? Đàn ông với đàn bà thì khác gì nhau?

- Khác chứ! Anh không thường đi mô tô nên không biết thôi. Này nhé, với cái "mụ" vừa rồi, mua mười nghìn, cứ "bóp" qua số 9 là y như rằng lập bập giật cục, trăm lần như cả trăm, chỉ dừng lại ở 96, 97 hay 98 là cùng. Khách dễ tính không nhìn thì 94, 95 là tắt!... Còn mấy lão đàn ông, nhờ trời, đỡ kẹt xỉn hơn, cứ chọc vội vào là xả văng mạng. Đa số không hãm kịp. Buông tay, đã linh ba, linh bốn rồi...

- Ôi dào! - Tôi sốt ruột cắt ngang - Tưởng khác nhau thế nào, chứ như em nói, đàn ông với đàn bà chỉ hơn kém nhau vài...xu, có đáng bao.

- Có đáng bao... - Kim Tinh dài giọng nhắc lại. Tuy ngồi trước nhưng tôi đoán bờ môi dưới cô ta chắc phải trề ra nhiều lắm - Hay dở, thành bại lại ở chỗ "có đáng bao" ấy đấy! Anh là dân tài chính, mà cách nghĩ như thế, nguy hiểm thật. Có khi báo hại cả xã hội, đất nước không chừng.

Tôi gai người. Nửa tự ái vì lối nói của bậc dưới quyền, nửa giật mình thấy cánh trẻ bây giờ suy lí cặn kẽ và thẳng băng quá. Cũng có thể dăm năm ở nước ngoài đã khiến tư duy và sự khoáng đạt trong cách nhìn của tôi lạc hậu với thực tế rồi chăng? Tôi im lặng từ lúc ấy, cho đến khi chiếc xe xịch đỗ trước cánh cửa sắt nhà mình.

- Về hết số, tắt máy đi anh!

Vừa nhảy xuống Kim Tinh đã giục. Trong lúc tôi còn luýnh quýnh chưa hiểu ý, thì cô nàng dã nhanh chóng rút khoá điện, thản nhiên: "Tiết kiệm mà anh..."

Kim Tinh ngó nghiêng toà nhà và vườn cây sau cánh cổng, tặc lưỡi:

- Ra "sếp" giả nghèo làm dân vận. Ghê thật. Nhưng sai lầm. Sống không thật mình thì vận được ai. Nhà cửa "bố tướng" thế này, ít ông già cũng cỡ "cốp". Đúng không? Thôi được, bất kể anh có lí do hay âm mưu gì, không cần biết, nhưng nếu không chê và ngại, từ giờ anh có thể cứ "quá giang" xe em...

- Quá giang thật nghĩa là sao? - Tôi hỏi.

- Còn hỏi nữa, là đi nhờ ý.

- Từ nhà đến kho bạc?

- Muốn tới... kho gì nữa, tuỳ anh.

- Vậy, quá giang đến bao giờ?

- Ôi, không ngờ "sếp" cũng ngớ ngẩn đến thế. Quá giang có trăm nghìn kiểu, quá lâu thì thành thói quen, thành bệnh lí, tuỳ thuộc ở sự lười biếng, thúc thủ hay bản lĩnh vượt lên của mỗi người. Nhưng nói vui vậy thôi, còn quyết định ở cả phía... em nữa chứ. Tóm lại, anh có đồng ý không?

Tôi gật đầu. Cũng chẳng hiểu sao lại gật nhanh thế. Còn Kim Tinh, vẫn vô tư, véo von:

- OK! Biết thức thời và tuỳ nghi mới đấng đại trượng phu. Từ sáng mai đi làm, chờ em ở đây nhé. Bai bai!...

Chiếc xe và cô bé lao vụt đi như một cơn gió. Nhưng đến khi tôi đã đứng bên trong cửa, lại thấy cô ta "vèo" đến, chống một chân, ghé qua song sắt:

- Em hỏi thêm câu cuối cùng: Anh có nghi ngờ gì động cơ của em không?

Lại thế nữa. Kiểu phát vấn ngửa bài này quả là ít thấy và thường dồn đối phương kém nhạy cảm vào lúng túng. Tôi tỉnh táo, lạnh lùng:

- Chẳng hành động nào không có động cơ cả. Chỉ khó biết ngay được tốt - xấu thôi...

- Vòng vo quá, xin "sếp" một lời thẳng vào câu hỏi đi: Có hay không?

Tôi lắc đầu. Nhưng lần này tôi hiểu rõ cái lắc đầu của mình.

Ngày hôm sau, đón tôi đi làm. Kim Tinh nhìn thẳng tôi, bảo: "Không biết là anh, hay em đã gặp may, nhưng nếu hôm qua, chỉ cần anh nói nửa từ "có", là coi như "đứt phim" rồi! Có lẽ sẽ không bao giờ mình có thể gặp nhau ngoài công sở nữa. Ơn Phật!..." Nghe giọng điệu và nhìn ánh mắt, tôi biết cô không hề nói đùa.

Từ đấy, tôi và Kim Tinh thành đôi đồng hành đi về mỗi ngày, nhưng tuyệt nhiên cô không tỏ một tia gì khiến tôi có thể xem lại cái lắc đầu của mình bữa ấy.

Thời gian sau, tuy tích luỹ đã tàm tạm, nhưng hầu như tôi quên hẳn việc mình cần phải có một con ngựa. Ở kho bạc, chúng tôi không biểu hiện gì khác hơn quan hệ đồng sự đúng mực. Song quả thật, không biết có gọi là xấu bụng không, tôi vẫn thầm chờ đợi điều gì đó, đại loại như một sự đề đạt, cầu xin hay cậy nhờ ở Kim Tinh. Kinh nghiệm dạy tôi phán đoán những gì sẽ xảy ra sau mỗi nhiệt tình thái quá của bề dưới. Suốt trong thời kì di chuyển và vận động nhờ kẻ khác, dĩ nhiên không phải chỉ gói trong khúc đường đi làm, tôi còn nhận từ Kim Tinh chiếc áo mưa, đôi giày da, tấm khăn len, đôi khi cả đến gói xôi và ổ bánh mì sáng... những món quà thường cho tự nhiên và đúng lúc, bổ sung hiện trạng thiếu khuyết khó thể từ chối nơi tôi...

Chờ mãi, chẳng thấy bị nhờ vả, xin xỏ gì, tôi đâm ngượng với chính mình, một kiểu ngượng của kẻ trượng phu bị tổn thương nghĩa khí quân tử. Tôi tự như phải làm gì đó giúp cô, tỏ mình cũng là thứ biết điều như ai. Nhân cuối năm, tôi vừa đề nghị nâng lương và xếp Kim Tinh vào một vị trí khá hơn, thì cách ngày sau, đưa tôi về đến cửa, cô bảo dừng tắt máy, rồi đột ngột:

- Sáp Tết, nhà em có việc, bận lắm. Từ ngày mai, anh tự đi làm nhé...

- Bằng gì? - Chẳng hiểu sao tôi hỏi, như cái máy.

- Bằng chân của mình ý. Ha ha...! Nói vui vậy thôi, thời gian tới, em không đi với anh được nữa...

- Độ bao lâu?

- Chưa biết được. Nhưng nếu đến giờ, anh vẫn cố tình chưa muốn tậu xe, cũng chẳng sao, mỗi người có những quyền hạn và lí do bênh vực nguyên tắc sống của mình. Em chỉ xin được khuyên anh một điều. Hãy cố gắng tránh, càng xa càng tốt mọi cơ hội quá giang, dù cho dễ dàng đến đâu. Vì sao ư? Đến một lúc nào đó, rồi anh sẽ hiểu. Em tin và mong như vậy...

Bất ngờ quá. Mọi chuyện kết thúc còn nhanh hơn cả khi nó bắt đầu. Tôi không muốn tin đó lại là lần cuối cùng còn được đồng hành với cô gái nhỏ nhắn, vô tư có đôi mắt thẳm sâu bình dị - Kim Tinh. Thực lòng, em đã để lại trong tôi ấn tượng khó thể quên.

Những tan tầm sau đó, tôi lại ra bến đón xe. Và cũng đã nhiều hoàng hôn, đơn độc dưới mái chờ vắng lặng.

Cho đến một chiều muộn, trời kéo về những chuyến mưa sau cơn giông bụi. Lại có chiếc mô tô "két!" phanh, và có tiếng nữ kim đon đả "Thủ trưởng, lên em rước về..." Tôi giật mình ngước lên: Lại một cô thuộc cấp. Không thể nghe lời Kim Tinh, tình thế khó chối được, tôi leo lên xe. Nhưng tất cả đã khác. Cô ta cầm lái và chiếc xe dừng đỗ trước một nhà hàng sang trọng cùng lời đưa đẩy níu kéo: "Đằng nào cũng tới bữa, mấy khi được mời thủ trưởng dùng cơm. Không nể em, thì cũng nể mặt lão vụ phó nhà em đang chầu mâm ngóng vợ chứ..." Trong bữa tiệc thịnh soạn, tôi dò hỏi và bàng hoàng khi được biết: Kim Tinh vừa bán chiếc xe máy, để góp lo đám cưới cho cậu em trai!

...Hai người buông đũa khi trên mặt bàn hầu như vẫn đầy nguyên sơn hào hải vị, rượu tây và khăn nóng. Cô gái còn gọi thêm đồ uống và nhiều món tráng miệng cầu kì nữa. "Đừng coi thường mục này thủ trưởng ạ, tráng miệng quan trọng lắm..." - cô nói thêm câu ấy lúc cuộc ăn thực sự chấm dứt. Về tới trước nhà, cô gái cẩn thận chống xe, giương ô, dìu tôi vào tận sau song sắt. Trước lúc quay ra, còn cố dặn thêm:

- Chuyện em trình bày hồi nãy, thủ trưởng lưu ý giúp. Trăm sự vợ chồng em, nhờ...

Tôi ngớ người không hiểu. Vì thực tình, từ lúc nghe được chuyện về Kim Tinh, tôi chẳng còn biết cô gái đã nói gì bên mâm rượu nữa. Trước mắt tôi lúc ấy, chỉ còn hình ảnh một chú rể rạng rỡ, hoan hỉ cạnh vị hôn thê, mà không hay biết rằng đám cưới mình được tổ chức nhờ con ngựa sắt dành dụm bấy lâu của người chị gái.

Tôi khó nhọc bước lên bậc thềm trở về phòng, gieo mình xuống mặt đi-văng. Cái lốc lịch mới đã khui, bóc sang tờ thứ mấy. Và kia, thật ngẫu nhiên, trên tranh bìa, in hình một mĩ nhân khêu gợi cười hờ hững trên chiếc mô tô hào nhoáng và hấp dẫn. Bất giác, tôi bỗng nhớ Kim Tinh da diết. Trong tôi văng vẳng lên câu nói của em buổi chia tay, và ấn tượng của hai lần quá giang sâu đậm.

Đêm giáp xuân. Ngoài kia, người ta đang tíu tít đổ ra dường sắm tết. Những chiếc mô tô phóng vùn vụt dọc ngang như giữa một cuộc dua. Song ai mà biết được, trong đường đua ấy, có bao nhiêu cuộc quá giang lặng lẽ?

9-12-1997

Đọc truyện: Chờ người trong tranh - Truyện ngắn dự thi của Đặng Ngọc Hùng Đọc truyện: Lửa trạng nguyên. Truyện ngắn dự thi của Tống Ngọc Hân Đọc truyện: Đêm định mệnh. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Việt Hòa Đọc truyện: Bên sông giặt áo - Truyện ngắn dự thi của Bảo Thương Đọc truyện: Ngọc lan trắng. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thanh Bình
Văn nghệ Trẻ, số 6/1998
Bản tin Văn nghệ ngày 9/12/2024

Bản tin Văn nghệ ngày 9/12/2024

Baovannghe.vn - Hà Nội Concert: Hoà nhạc Mùa đông do Đài PT-TH Hà Nội tổ chức tại Nhà Hát Lớn vào tối 13/12 với sự tham gia của Dàn giao hưởng trẻ Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ: Thi đua, khen thưởng truyền cảm hứng cho toàn xã hội

Thủ tướng Chính phủ: Thi đua, khen thưởng truyền cảm hứng cho toàn xã hội

Baovannghe.vn - Sáng 9/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương nhiệm kỳ 2021-2026
Xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới

Xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới

Baovannghe.vn - Ban Nội chính TƯ, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật ra mắt sách “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đề xuất áp dụng thuế khí thải có giảm thiểu được ô nhiễm không khí?

Đề xuất áp dụng thuế khí thải có giảm thiểu được ô nhiễm không khí?

Baovannghe.vn - Xe máy được chỉ ra là phương tiện xả khí thải lớn nhất gây ô nhiễm môi trường như NO2, CO, SO2, NMVOC, CH4, nhất là bụi mịn PM2.5.
Biết viết và không biết viết

Biết viết và không biết viết

Baovannghe.vn - Tôi thường dè dặt khi đưa ra các dự đoán về công nghệ, nhưng tôi khá tự tin về dự đoán này: trong vài thập kỉ tới, sẽ không có nhiều người có thể viết.