Sáng tác

Ánh sao sa bên trời đêm tăm tối. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Đình Tú

Nguyễn Đình Tú
Truyện
13:00 | 10/01/2025
Baovannghe.vn - “Nhà văn phải gắn liền với nhân vật của mình. Một đời văn không để lại nhân vật là đời văn bỏ. Một nền văn học không để lại những nhân vật của thời đại là nền văn học vứt đi”.
aa

Tuấn nói câu ấy khi hai mươi hai cây bút văn xuôi đã ngồi yên ổn trên xe để bước vào một cuộc đoạn trường kéo dài tới ba mươi ngày mang tên là… trại sáng tác. Tôi là một trong hai mươi hai người đang ngồi trên chuyến xe ấy. Đây là lần đầu tiên tôi đi dự trại viết. Và cũng là lần đầu gặp Tuấn, một cây bút truyện ngắn mới nổi trên văn đàn.

Tuấn nói câu ấy xong, có thể có người im lặng đồng tình, nhưng có đến hai phần ba những người đang ngồi trên xe muốn xé cái mồm của Tuấn ra cho bõ ghét. Trò đời, văn chương cứ lặng lẽ mà viết, tuyên ngôn này nọ, ra vẻ bố đời nào có hay ho gì, rồi viết lại chả ra cái chó gì cho mà xem. Dăm ba ánh nhìn liếc về phía Tuấn đầy vẻ soi xét. Dăm ba ánh mắt khác quẳng cho Tuấn những tia hậm hực. Và dăm ba ánh mắt nữa thì ném về phía Tuấn những cái nhìn khinh khi, giễu cợt…

Riêng tôi thì thấy thiện cảm.

“Nó tự hào vì bố nó là nhà văn công nhân số một của Việt Nam nên đi đâu cũng phát biểu vung tí mẹt lên như thế đấy” - Một nhà văn có tuổi ngồi hàng ghế trên khẽ nói nhỏ vào tai người ngồi bên cạnh.

“Thì lại chả - Người bên cạnh tiếp lời - Đời văn của bố nó để lại được nhân vật anh công nhân Kíp Lê trong tác phẩm Nơi hầm lò chim hót, từng đưa vào sách giáo khoa, thế hệ chúng ta ai chẳng biết”

“Nghe đâu tên bố nó được đặt cho một con đường ở xứ than rồi đấy”.

“Viết nhì nhằng về cái anh công nhân mỏ, giờ chả ma nào đọc, thế mà hưởng lộc cả một đời. Văn chương kể cũng có số phận thật”.

“Thì ít ra thời ấy chúng ta đều đọc. Còn ông con trời kia chả biết viết được cái gì mà thấy chỗ nào cũng có mặt. Lập ngôn, lập thuyết kinh lắm”.

“Tuổi trẻ mà. Cứ hoắng lên thế thôi”.

Ngay cả khi nghe được những lời như thế về Tuấn, tôi vẫn không mất đi thiện cảm đối với anh. Cả đoạn đường dài sau đó, tôi biết là còn nhiều những lời thì thào không mấy hay ho về Tuấn ở hàng ghế này hay ghế kia. Còn Tuấn, ngồi một mình sau tôi, vẻ mặt đầy thách thức, thỉnh thoảng lại nhìn qua cửa kính, chém một câu khét lẹt, kiểu như: “Hậu sinh nó tinh quái lắm. Nó sẽ phán xét chúng ta đâu ra đấy. Tội nặng. Xô đẩy cả một nền văn học vào cảnh trôi sông lạc chợ. Thời gian đãi hết. Chẳng còn lại gì đâu”. Đúng là cái giọng lập ngôn, lập thuyết rất khó chịu. Sự khó chịu ấy được mọi người mang theo xuống tới tận sảnh lễ tân khi chuyến xe đưa chúng tôi tới nhà khách. Không ai chịu ở chung phòng với Tuấn cả. “Sống với thằng ấy một tháng không điên thì cũng phát phiền mà chết”, có người vừa đẩy vali theo bạn vào cầu thang máy vừa cố tình nói đổng cho Tuấn nghe thấy. Hai người một phòng. Từng đôi, từng đôi một tiến lên lấy chìa khoá nhận ở cùng nhau. Chỉ còn trơ lại Tuấn. Và tôi. Có một vài người nháy mắt rủ tôi ở cùng. Nhưng tôi ý nhị từ chối. Tôi nghĩ đến Tuấn. Tôi muốn có cơ hội ở gần cậu ấy.

Tôi và Tuấn bằng tuổi nhau, cũng ngoài bốn mươi cả rồi, chả còn trẻ trung gì nữa. Nhưng trong con mắt của giới văn chương thì bọn tôi vẫn đang là thứ lìu tìu, là đám trẻ ranh. Mới ra được một tập sách với vài cái giải thưởng nho nhỏ thì đã ăn thua gì. Còn vớ vẩn lắm. Tôi cũng nghĩ là mình còn vớ vẩn lắm. Nhưng Tuấn thì khác. Cậu ấy là con trai của nhà văn nổi tiếng, sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, học hoạ ở Tây về, tranh bán đắt như tôm tươi, nhiều tiền rồi thì quay ra viết văn. Viết cái gì cũng được tung hô. Một tản văn nhỏ, một tiểu luận vừa vừa, một truyện ngắn dài, một tập truyện mỏng dính… cứ ra mắt là báo chí xúm lại ngợi ca. Các nhà văn thành danh cũng nhắc tới như thể họ đọc thiên hạ chả sót cái gì, và đương nhiên câu chữ của Tuấn có những lấp lánh không thể phủ nhận. Đám mới viết cũng thi nhau trích dẫn Tuấn, khen lấy khen để, như thể ta đây hào sảng, có bụng liên tài, rằng thì Tuấn tuy là con của một văn bá trên văn đàn đấy nhưng quả thực là có tố chất, là ngọc trong đá, càng mài càng sáng. Sức lan toả mãnh liệt nhất của Tuấn là những lần cậu ta chường mặt lên báo chí trả lời phỏng vấn. Chữ nào chữ ấy như đâm vào óc người ta, ngược ngạo kinh khủng, vô đạo kinh khủng, mỏ hỗn kinh khủng, thế nhưng có ý, có chính kiến, có suy tư trải nghiệm, có tung hứng, lí lơi, lại cũng có vẻ kín kẽ, ngọt nhạt, thế nên khó chịu cũng đọc, không thích cũng đọc. Đọc xem nó nói gì. Đọc thấy Tuấn nói đúng cũng ghét, nói sai cũng ghét. Ghét ở trong lòng thôi. Chứ đọc Tuấn trên mạng xã hội xong, đúng sai thế nào chưa biết, cứ nhấn cho một like đã.

Tôi cũng viết muộn như Tuấn. Mãi 36 tuổi mới in cái truyện ngắn đầu tiên. 40 tuổi thì ra được một tập sách mỏng. Cũng gọi là có chút dư luận. Nhưng tôi tự ti và yếm thế hơn Tuấn. Mặc dù có hơn chục năm làm phóng viên văn hoá ở một tờ báo to đùng nhưng tôi chả dám ngoi lên lập ngôn ùng oàng như Tuấn. Vì thế mà tôi thích Tuấn chăng? Tuấn đại diện cho lứa viết muộn chúng tôi, chỉ chịu nhận mình là người viết mới chứ không chịu nhận mình là người viết trẻ. Mới là vì văn đàn cần chúng tôi để tạo nên một diện mạo mới. Còn trẻ là cái thứ tập tọng, mon men tìm đến, xúm xít một lúc rồi tan loãng, biến mất. Trẻ là trẻ người non dạ. Là còn ngu dại và phải học hỏi nhiều lắm. Mới là thình lình xuất hiện, là dám xô đổ cái cũ trong một phút mốt. Tuấn đại diện cho cái niềm kiêu hãnh ấy của những người mới viết. Lại không ngại lao lên phía trước gây gổ với thiên hạ. Gạch đá quăng đến thì Tuấn nhận. Hoa thơm tung tới thì cả lứa mới viết chúng tôi bắt lấy. Thế thì bảo sao tôi không quí mến Tuấn cho được.

Tuấn thì chỉ biết tôi qua loa, cũng chưa đọc cái gì của tôi cả. Để đối đãi với một thằng đồng niên viết văn vào ở chung phòng, Tuấn chủ động bảo: “Ông viết cái gì, có mang theo đây không, cho tôi đọc với?”. Tôi móc tập truyện trong vali ra ký tặng Tuấn. Tuấn cầm, mang ra ban công ngồi cởi trần đọc một mạch, hết cả buổi trưa. “Ông thấy không, chúng ta đều giống nhau, chỉ mang cái tôi của mình ra tãi, nên không có nổi một cái bóng lưng của nhân vật thời đại. Vứt, rồi cũng vứt hết thôi. Đọc hết hai trăm trang sách của ông chỉ thấy loáng thoáng một thằng làm báo hèn hèn. Không rõ mặt mũi nó thế nào. Và nó sống chết cho cái gì. Chấm hết”. Tuấn nói xong, vứt toẹt tập truyện của tôi lên đầu giường. Rồi Tuấn ngả người xuống chiếc giường đó, gối đầu lên sách, nhắm mắt lại, như muốn ngủ bù cho giấc trưa đã tiêu tốn vào hơn hai trăm trang viết của tôi. Nhìn gáy sách nhàu nếp gấp, tôi biết là Tuấn đã đọc, và đọc rất kỹ. Nhưng chê văn của nhau một cách thẳng thừng thế thì cũng hơi nóng mặt. Tôi bảo: “Thì mỗi cái tôi nhà văn cũng là một nhân vật của thời đại chứ. Evtushenko từng nói chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời, mỗi số phận chứa một phần lịch sử kia mà?”

Ánh sao sa bên trời đêm tăm tối. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Đình Tú
Nguồn: báo Văn nghệ

“Vứt. Vứt ngay cái suy nghĩ đó đi” - Tuấn ngồi bật dậy - “Ông thử nghĩ xem. Nhà văn là ai? Là những người không làm được công việc gì cả. Đơn giản như lắp cái bóng điện cũng không biết. Không biết đi xe máy. Không biết dùng các tiện ích của điện thoại thông minh. Không biết nấu ăn. Không cắt tiết nổi một con gà. Không biết kiếm tiền. Không nhớ đường. Không biết làm nhà. Không biết sửa máy bơm. Không vặn nổi cái nắp xối nước trong bồn cầu. Không hiểu chứng khoán là thứ giấy lộn gì. Không leo lên được cái chức chủ tịch huyện. Không kinh doanh nổi một cái quán chân gà nướng… Nghe có vô tích sự không? Cái đám luôn nhận mình lơ ngơ giữa cuộc đời ấy toàn là nhà văn cả đấy. Thế thì dưới góc độ xã hội mà nói, họ là những người vô dụng. Vô dụng cho mỗi gia đình. Vô dụng cho sự phát triển của xã hội nói chung. Họ chẳng chứa đựng điều gì cao cả vĩ đại, cũng không dám ác độc cầm dao giết người, tức không đứng ở cực này hay cực kia của đời sống, cứ lờ lờ như đám thuỷ sinh ăn theo sự lên xuống của con nước. Thế thì sao gọi là nhân vật của thời đại được. Nhưng bao nhiều bố viết thì bấy nhiêu bố lấy đời mình ra để kể. Lại kể một cách rất nôm na, thật thà dưới dạng những câu chuyện đạo đức. Văn chương vì thế toàn cái nhàn nhạt, hèn hèn, tù đọng, cũ kỹ, lại cho thêm chút ánh sáng đèn dầu tù mù ở cuối đường hầm nữa, như chính cuộc đời của mấy bố nhà văn vậy. Xã hội trong văn chương của các bố bé như cái bàn tay. Bởi vì nó có các nhân vật vật trung tâm của thời đại đâu. Nhân vật trung tâm là những cây cột chống trời, nó làm nên chiều kích của thời đại. Không có nhân vật trung tâm thì làm sao nhìn ra cái xã hội bề thế, rộng lớn ngoài kia được? Cho nên, ông phải nghe tôi. Phải đi tìm nhân vật của thời đại, phải vứt cái tôi bé nhỏ, mờ nhạt, không đủ sức đại diện cho bất cứ cái gì của tôi và của ông đi. Phải tìm… Phải tìm… Mà thôi, tôi mệt lắm rồi. Để tôi ngủ một giấc nhé”.

Tuấn nói ngủ là ngủ thật. Ngủ một mạch đến chiều luôn.

Tối đến thì Tuấn đòi ra Ngã ba Vạn Hương. Tôi nghĩ Tuấn phải đi suốt đêm. Nhưng chừng mười giờ thì Tuấn đã mò về rồi. Tôi đang ôm laptop ngồi viết trên giường, Tuấn sà xuống bên cạnh hỏi:

- Ông có biết cái Ngã ba Vạn Hương có từ bao giờ không?

- Thì chắc là từ khi có bãi biển này? - Tôi đáp.

“Tôi nói cái ngã ba với những cô gái điếm đứng ở đó cơ?”, Tuấn bảo.

“Chịu, tự nhiên hỏi thế thì bố ai biết được”, tôi bảo.

“Ông bố tôi kể rằng, năm một chín bốn mươi, khi ấy bố tôi mười bảy tuổi, tổ chức hẹn đưa ông đi thoát ly để hoạt động cách mạng” - Tuấn bỗng quay sang kể cho tôi nghe câu chuyện về ông cụ đẻ ra Tuấn, tức tác giả thiên truyện Nơi hầm lò chim hót nổi tiếng - “Hẹn ở chính cái Ngã ba Vạn Hương này. Ông bố tôi phải trốn khỏi làng, đi bộ cả ngày trời mới tới được đây. Ông thuê xe kéo, giả làm phu kéo xe, đứng chờ ở chỗ ngã ba đó mấy đêm liền. Nhưng chả có ai đến bắt liên lạc để đưa đi. Có mấy hào mang theo trả hết tiền thuê xe kéo với tiền ăn đường rồi. Đang lúc túng thì may ông lại quen được với một cô gái làng chơi. Cô ấy tên là Vân. Trẻ và đẹp lắm. Đẹp đến xót ruột, nhất là mỗi khi đêm xuống, bóng cô ấy khuất sau tấm rèm che màu trắng, lẫn vào ánh đèn dầu vàng vọt, mờ ảo, leo lét cháy trong mấy gian nhà thổ, bố tôi nói thế. Cứ tối đến thì cô ấy xuất hiện, đứng nép mình dưới gốc thông ngay chỗ ngã ba. Xe tay từ các ngả lần lượt kéo khách đến. Khách xuống xe, tiến đến phía gốc cây, dắt cô bước ra khỏi bóng tối rồi cùng cô bước vào một trong những gian nhà vách nứa nằm nối nhau, chạy dài từ ngã ba ra tới bãi biển. Xong việc thì cô lại ra gốc thông đứng. Gặp ai đi qua cô cũng cười. Nụ cười trong đêm của cô như bông hoa hải đường rớt xuống phía sau bụi cây dại, lấp lánh sắc đỏ dưới ánh trăng rằm, y nguyên lời của bố tôi đấy. Có đêm cô Vân tiếp tới mấy người khách mà nụ cười của cô không hề lụi tắt, cứ toả sáng một cách quyến rũ và ấm áp ở nơi ngã ba tăm tối đó. Bố tôi kéo xe không, chạy đi chạy lại mấy lượt để tìm người tới bắt liên lạc, mỗi khi lướt qua chỗ cô ấy đứng lại thấy cô nhoẻn miệng cười. Đến đêm thứ năm, bố tôi vừa đói vừa mệt, ông ngồi gục trong lòng xe thiêm thiếp ngủ. Cô ấy đến bên cạnh, đập tay lên vai ông. Ông vừa ngẩng lên thì cô ấy dúi cho vật gì đó tròn tròn, gói trong chiếc khăn tay màu trắng. Mở ra thì là củ khoai lang nướng. Chưa kịp cảm ơn thì cô ấy đã nhón gót bước đi về phía mấy gian nhà tre đang thắp đèn dầu ở phía ngã ba rồi. Đêm sau cô ấy lại cho chiếc bánh tẻ mới luộc, còn nóng nguyên. Đêm sau nữa thì cô ấy rủ ra bãi biển ăn cháo cá và uống rượu trắng. Bố tôi tự tay kéo xe đưa cô ấy về nhà hai lần. Nhưng chỉ đưa đến đầu làng thôi. Cô ấy xuống xe, vén áo lách mình qua bụi tre, rồi nhanh chóng khuất dạng sau con đường đất…”

- Rồi chuyện của hai cụ tiếp tục ra sao? - Tôi hỏi Tuấn.

“Thì chỉ biết tên nhau thế thôi. Mà cũng chả biết có phải là tên thật không? Hôm sau nữa thì người của tổ chức đến đưa ông bố tôi đi. Đi thẳng ra mỏ than. Ở đấy ông bố tôi vừa học làm thợ lò, vừa học làm cách mạng. Bố tôi bảo, ở cái tuổi mười tám đôi mươi, lý tưởng sống của ông ấy đơn giản lắm, chỉ là đánh đổ mấy thằng chủ Tây độc ác để cứu những người như cô Vân ra khỏi cái ngã ba tăm tối đó”.

- Rồi ông cụ có gặp lại cô Vân lần nào nữa không?

“Chuẩn bị đánh Điện Biên thì đơn vị của bố tôi có nhiệm vụ đánh chìm mấy con tàu vận tải của Pháp đỗ ở ngoài khơi kia. Ông có dịp trở lại vùng biển này. Ngã ba Vạn Hương đã thay đổi. Vẫn còn những gian nhà vách liếp với đèn dầu tù mù nhưng đã xuất hiện những quán cao lâu sang trọng với ánh điện sáng lung linh. Con đường từ ngã ba ra bãi biển tràn ngập các sắc lính Pháp và các gia đình công chức thuộc địa đi nghỉ cuối tuần. Điều kiện hoạt động ngặt nghèo khiến bố tôi không dám công khai qua lại ngã ba đó để tìm cô Vân. Mà có tìm cũng chưa chắc đã gặp. Mười mấy năm rồi còn gì. Vào cái đêm ông cùng đồng đội quyết định giật bộc phá đánh chìm con tàu lớn ngoài biển, ông có đi qua ngã ba Vạn Hương. Ông vẫn thấy các cô đứng dưới gốc thông già như hơn chục năm về trước khi ông kéo xe tay qua đây. Cô nào cũng giống cô Vân cả. Và, lạ một điều là nụ cười của mấy cô gái đứng đường đều tươi roi rói, đều như ánh sao sa rớt lại bên trời đêm tăm tối, như thể chỉ có hoan lạc chứ không có giày vò, đau đớn, tủi nhục gì ở phía sau những tấm liếp che đậy tạm bợ kia, bố tôi nói thế. Và ông không hiểu nổi, tại sao trong cái vũng lầy nhơ bẩn ấy của xã hội, nụ cười trên môi những phận đời ô trọc lại không chịu héo úa, cứ phơi phới như hoa nở trong đêm, rực rỡ một cách nhức nhối trong lòng…”

- Thế ông cụ không có lần nào gặp lại cô Vân nữa à? - Tôi sốt ruột trước câu chuyện khá dài dòng của Tuấn.

“Vào đầu những năm tám mươi, ông bố tôi có lần ra đây chủ trì một hội nghị về văn hoá. Hội nghị diễn ra trong năm ngày. Cứ tối đến ông lại cùng các cán bộ về dự hội nghị đi dạo hóng gió trên những con đường ven biển. Cuộc sống xung quanh diễn ra thật chậm rãi, thanh bình và nhàn tản. Nhàn tản đến buồn tẻ. Đêm cuối cùng, chờ cho mọi người đi ngủ hết, ông bố tôi mới một mình tản bộ ra Ngã ba Vạn Hương. Ông muốn tìm lại một vài khung cảnh xưa cũ, cho cái ký ức nó được thoả nguyện, nó thôi không cựa quậy nữa. Con đường dưới chân ông vẫn y nguyên như ba chục năm về trước. Mấy cây thông già vẫn đứng xô lệch trong tư thế bơ phờ, mệt mỏi. Hàng quán quốc doanh đều đã đóng cửa. Chỉ còn vài ba quán cóc căng bạt co ro trong gió biển. Ngã ba Vạn Hương im lìm trong bóng tối. Mấy quán cao lâu có từ thời Pháp nay thuộc quyền quản lý của công ty du lịch tỉnh cũng đã khoá trái cửa từ bao giờ. Ông đứng giữa ngã ba, thơ thẩn nhìn ngắm các ngã rẽ chạy khuất về phía bóng tối bao trùm. Không ánh điện. Không biển hiệu. Không mùi son phấn. Không tiếng nhạc xập xình. Không váy áo xênh xang. Không ngào ngạt ẩm thực. Đời sống không còn những phù hoa hoan lạc, không tồn tại trên bề mặt lớp màu mỡ giả tạo, nên cũng không còn những phận đời trôi giạt bán thân nuôi miệng. Ông ngửa mặt lên nhìn trời. Vẫn đó những vì sao như lạc vào từ biển, nhấp nháy một cách buồn nản trước khi rơi rụng về phía rừng thông để đón bình minh lên. Ăn mày dĩ vãng như thế là đã đủ. Ông quay trở về khách sạn. Bỗng ông giật mình. Có một nụ cười đang lấp ló phía sau gốc thông già. Ông chưa bao giờ thôi ám ảnh bởi nụ cười đó. Tựa như bông hải đường rớt sau bụi cây dại, ánh lên sắc hồng quyến rũ giữa đêm đen. Khung cảnh này, thời khắc này ma quỉ rất dễ hiện hồn. Nhưng người duy vật như ông bố tôi thì sợ gì ma quỉ. Nụ cười đang hướng về phía ông. Ông cũng trừng mắt nhìn về phía Nụ cười. Nụ cười thỉnh thoảng dừng lại để hút thuốc. Đốm đỏ tàn thuốc hắt ánh sáng lên khuôn mặt của Nụ cười khiến ông giật thột. Vân. Liệu có phải cô Vân không nhỉ? Nụ cười rời khỏi gốc thông già tiến về phía ông? Khi Nụ cười phà hơi thuốc vào mặt ông thì ông nhận ra đúng là cô Vân rồi. Ông thốt lên: Cô Vân đó ư?”

Tôi trợn tròn mắt: “Cô Vân thật à?”

Tuấn bảo: “Nụ cười không gật, cũng không lắc, mà hỏi lại bố tôi rằng: Anh biết mẹ em à?”

Tôi bảo: “Chuyện nghe rợn tóc gáy nhỉ!”

Tuấn bảo: “Đêm ấy bố tôi ngồi lại bên gốc thông, nói chuyện với Nụ cười đến gần hết đêm. Hôm sau ông tháo chiếc đồng hồ đeo tay đưa cho cậu thư ký riêng nhờ mang ra thị xã bán hộ. Rồi ông tìm vào ngôi làng nhỏ gần Ngã ba Vạn Hương. Chắc ông đi tìm con gái cô Vân. Từ đó ông không bao giờ viết văn nữa. Cũng không bao giờ nói về tác phẩm của mình. Ông bảo, ông muốn từ chối tư cách nhà văn”.

Tôi hỏi: “Thế ông có tìm được mẹ con cô Vân không?”

Tuấn bảo: “Tôi chỉ nghe chú thư ký nói lại rằng, cô Vân đã theo một gã thầu khoán vào Nam từ đận một chín năm nhăm. Con gái cô để lại cho bà ngoại nuôi. Nhưng Nụ cười không chịu gặp bố tôi. Cô ấy ghét những lời mủi lòng và ghê tởm sự thương hại. Cô ấy muốn cười như bông hải đường rớt sau bụi cây dại. Nếu gặp bố tôi thì cô ấy sẽ không cười được như thế nữa. Với lại, nếu bố tôi cứ đòi gặp Nụ cười thì có ngày công an sẽ xích tay đưa cô ấy vào trại phục hồi nhân phẩm. Nếu có thương cô ấy thì bố tôi đừng ra bãi biển này hội họp nữa. Cứ mỗi khi có hội nghị là chính quyền lại hót sạch gái đứng đường, những nụ cười sẽ tắt ngóm sau gốc thông già, các cô ấy phải giạt đi chỗ khác kiếm ăn, cơ khổ lắm. Nụ cười nói với chú thư ký như thế. Và Nụ cười bảo bố tôi đừng tìm gặp cô ấy nữa”.

Tôi bảo: “Ông cụ cũng đa cảm nhỉ! Đúng là nhà văn lớn có khác”.

Tuấn bảo: “Văn chương của bố tôi là cái phần thuộc về bề ngoài của ông ấy thôi. Không phải cái góc khuất sâu thẳm trong lòng đâu. Ông ấy chỉ kể một cách chân thật nhất những gì ông thấy trong mỏ than thì đã ra cả loạt những nhân vật như anh thợ lò Kíp Lê rồi. Ông viết vì công cuộc tranh đấu của ông cần những trang viết như thế. Rồi những điều ông viết ra được in thành sách, được truyền bá khắp nơi, được đưa vào sách giáo khoa, được rao giảng hết năm này qua năm khác. Ông không bao giờ nghĩ mình là nhà văn lớn. Càng không bao giờ cho mình là người sáng tạo ra nhân vật thời đại ghê gớm gì cả. Có lần ông bảo với tôi rằng, anh Kíp Lê chính là bố, bố chính là hàng ngàn hàng vạn những người thợ mỏ ngày đêm bị giam hãm trong trong hầm lò chỉ mong tìm về phía ánh sáng để hít thở khí trời. Câu chuyện ấy nó thật, nó cảm động, nó dễ lôi kéo những kiếp cần lao đứng lên để cùng tìm về phía ánh sáng. Bố không phải là nhà văn. Bố mới chỉ dừng lại ở sự thật giản đơn thôi. Nhà văn phải viết thật hơn cả sự thật cơ. Chỉ có tài năng của nhà văn mới làm nổi việc ấy”

Tuấn ăn uống cũng thất thường. Không giống tôi, ngày ba bữa rất đúng giờ theo qui định của trại viết. Hai ngày sau đó Tuấn ở lỳ trong phòng để viết. Mặc cho tôi đi ăn, đi uống hay đi sang phòng các bạn văn cùng dự trại sáng tác để chuyện trò giao lưu, Tuấn cứ viết chán thì lại ngủ, bị đánh thức dậy lúc nào thì lại viết. Tôi thường mang suất ăn riêng về cho Tuấn. Nhưng đôi khi Tuấn cũng bỏ bữa, suất thức ăn để nguyên đấy cho người dọn phòng mang đi. Đêm thứ ba, Tuấn bỗng ngước đôi mắt mờ đục lên hỏi tôi: “Ông nghĩ cái truyện tôi viết có nhân vật chính là cô Vân thì có hay không? Sáu mươi năm trước, chứ sáu trăm năm trước thì cô Vân vẫn đứng ở đó. Mọi cuộc cải tạo xã hội đều không loại bỏ được kiểu người như cô Vân”. Tôi bảo: “Thì phải đọc đã chứ!”. Tuấn bảo: “Trước khi ông bố tôi mất một năm, ông có ra nghỉ ở đây vài ngày. Bữa đó tôi mới ở Đức về. Tôi tự lái xe chở ông ra bãi biển này. Đó là lần duy nhất ông nói chuyện với tôi về văn chương, về thời thơ ấu và về cô Vân. Ông chỉ kể về cô Vân thôi, còn chuyện sau này ông gặp con gái cô Vân là tôi được nghe lại từ chú thư ký riêng của bố tôi. Năm đó bãi biển này đã bừng thức dậy, trở thành một khu du lịch sầm uất với rất nhiều màu mỡ hoan lạc, chứa đựng rất nhiều những thơm tho và thối tha trong đấy. Dĩ nhiên, cái đời sống ấy hẳn là bố tôi không thể tưởng tượng nổi lại có ngày diễn ra một cách ngang nhiên và tráo trở ngay trước mắt mình. Vì khi bước chân vào đời ông mơ một đời sống khác. Nhưng thôi, ông bằng lòng với mọi thứ đang diễn ra. Hay nói cách khác là ông phải thoả hiệp và chịu khuất phục trước cuộc sống. Một hôm tôi chở ông ra Ngã ba Vạn Hương để ăn tối. Khi về, qua đoạn đường có rặng thông trải dài ra tới tận bãi biển, ông bảo tôi dừng xe lại. Ông chỉ cho tôi thấy bóng dáng một cô gái đứng lấp ló sau gốc thông xa xa. Ông bảo, nếu cô ấy tiến lại đây thì con hãy cho cô ấy một ít tiền. Đúng là lát sau cô gái ấy hiện ra bên cửa xe, nở một nụ cười rất tươi, đưa một bàn tay lên vẫy vẫy. Tôi nghe lời ông cụ, hạ cửa kính xe xuống và cho cô ấy tiền. Khi xe chạy đi rồi, bố tôi bảo, sáu mươi năm trôi qua mà những cô gái ấy vẫn không già đi chút nào. Chỉ có những người như bố già đi mà thôi. Năm ấy bố tôi bảy mươi bảy tuổi. Năm sau, bước qua tuổi bảy mươi tám thì ông cụ mất”

Tôi hỏi Tuấn: “Thế bao giờ thì ông cho tôi đọc cái truyện mới viết của ông?”

Tuấn không trả lời mà hỏi lại tôi: “Ông ra bãi biển này nhiều chưa?”. Tôi gật: “Vài lần”. Tuấn lại hỏi: “Lần gần nhất là khi nào?”. Tôi đáp: “Cũng hơn chục năm rồi, chỉ nhớ là khi ấy còn trẻ, là phóng viên văn hoá, ra đưa tin về một kỳ cuộc gì đấy về điện ảnh thì phải”. Tuấn bảo: “Trẻ thì chắc máu. Thế có ra Ngã ba Vạn Hương giải quyết tí không?”. Tôi lại gật đầu: “Hình như có”. Tuấn bảo: “Các em ấy đứng ở gốc thông vẫy à?”. Tôi bảo: “Không. Hôm ấy mấy đứa phóng viên bọn tôi ngồi ở một quán hàu nướng. Bỗng có một hàng dài, chừng ba chục chiếc xe đạp từ phía bãi biển đạp tới. Toàn xe mini hai gióng của Nhật. Mỗi em một xe. Quần bò, áo thun, khoẻ khoắn, trẻ trung và thanh tân lắm. Đạp rất chậm rãi, khoan thai. Đến quán nào cũng mỉm cười. Gặp ai cũng bắt chuyện. Rất lịch sự, nhẹ nhàng. Rất duyên dáng, thân mật. Trước khi chào đi thì để lại cho khách một mẩu giấy gấp làm tư, nhỏ như cái cúc áo. Mở ra thì thấy bên trong là một dãy số điện thoại. Lúc đầu tôi còn tưởng là đoàn người đi tiếp thị cho một nhãn hàng nào đó. Nhưng khi các em đến gần thì một cậu trong nhóm tôi mới bảo, hàng đấy, toàn ghẹ tươi mới đánh từ biển lên, các anh cứ lựa chọn thoải mái nhé, giá cả rất phải chăng. Sau này tôi cũng tự ngẫm ra rằng, ừ thời đại công nghệ thông tin có khác, chỉ cần bấm mấy con số thôi là có người đến bầu bạn với mình cả đêm. Sướng thế chứ!”.

Tuấn lại ra ban công đứng hút thuốc. Có vẻ cái truyện đang viết dở trong máy tính xách tay kia hút quá nhiều tinh lực của Tuấn. Nét mặt anh gầy hẳn đi. Hai cằm bạnh ra. Râu ria lún phún mọc như cỏ dại.

Đêm thứ tư, Tuấn rủ tôi ra Ngã ba Vạn Hương. Tuấn dẫn tôi ra một quán ốc nướng vỉa hè. Bọn tôi vừa uống rượu, vừa gảy ốc vừa nói chuyện gái gú. Tôi nhìn xung quanh, ra vẻ như không lạ lẫm gì, bảo: “Không biết đã đến giờ phi đội mini hai gióng lên đường chưa nhỉ?”. Tuấn nhìn tôi nhếch mép cười, im lặng không nói gì. Hai thằng gảy hết đĩa ốc đầu tiên thì có tiếng xe máy vọng tới. Tuấn liếc nhìn về phía bãi biển rồi bảo: “Bắt đầu đấy!”. Tôi vẫn hồn nhiên ngồi gảy ốc. Nhưng rồi tiếng xe máy làm tôi phải ngẩng đầu lên nhìn về phía bãi biển. Vẫn là con đường hơn chục năm trước có một đoàn dài xe đạp như trườn lên từ mặt biển, thì bây giờ là một đoàn dài xe máy đang rộn ràng tiến vào. Toàn xe tay ga. Hình như cùng một loại, Honda Vision hay Honda Lead gì đấy. Đoàn xe bập vào con đường có hàng thông dẫn tới Ngã ba Vạn Hương thì đội hình bắt đầu tản mát, từng chiếc, từng chiếc rẽ vào các hàng quán hai bên đường để chào hỏi và làm quen với mấy ông khách như bọn tôi. Một con tay ga màu bạc dừng lại chỗ tôi và Tuấn ngồi. Một cẳng chân dài được chống xuống. Thon gọn, trắng trẻo dưới tà váy trắng phất phơ gió biển. Tôi e ngại không dám nhìn thẳng vào người ngồi trên xe. Nhưng Tuấn thì nhoẻn miệng cười với Váy trắng. Hai người họ trao đổi với nhau mấy câu, toàn dùng tiếng lóng, kiểu như tàu nhanh, tàu chậm, dăm lít, bảy lít, đội mũ, đeo sao… Tôi nghe cũng tạm hiểu nhưng không can dự vào câu chuyện của Tuấn. Rồi họ cười với nhau như từng quen thân. Rồi Tuấn mời Váy trắng uống rượu. Còn Váy trắng thì ném cho Tuấn một mẩu giấy nhỏ. Tuấn vừa kịp đút mẩu giấy vào túi áo thì bỗng có tiếng ùng oàng của xe phân khối lớn ào đến như một cơn mưa rào bất chợt. Từ phía ngã ba một con Yamaha hai bánh màu đen trờ tới, lạng sát bên cạnh xe của Váy trắng. Trên xe là hai thanh niên không đội mũ bảo hiểm, mặt mũi xanh xao như người vừa ốm dậy. Cậu ngồi trước mặc áo xanh, cậu ngồi sau mặc áo vàng. Cậu áo xanh vừa kịp phanh khựng con xe lại thì cậu áo vàng đã nhảy xuống đường, mặt đối mặt với Váy trắng. Không nói không rằng, cậu áo vàng vung con dao sáng loáng trong tay lên, cứ thế đâm liên tục vào bụng, vào ngực Váy trắng. Sự việc diễn ra quá bất ngờ. Cả tôi, Tuấn và vài người đang ngồi đấy đều không kịp hô lên nổi một tiếng. Cho đến khi cả người Váy trắng và chiếc xe tay ga màu bạc đổ vật xuống đường, Tuấn mới bật dậy, lao ra khỏi chỗ ngồi. Tôi cùng Tuấn đỡ Váy trắng dậy thì cô ấy không nói được gì nữa. Chỉ thấy miệng cô ấy ngáp ngáp, và máu cứ sủi bọt trào ra hai bên mép. Trong khi đó, tôi nhìn thấy cậu áo vàng bình tĩnh bước tới ngồi lên sau con xe Yamaha để cậu áo xanh rồ ga phóng đi.

Sau đó là cảm giác bàng hoàng xâm chiếm lấy tôi. Một đêm rất dài và căng. Gần như quá sức chịu đựng đối với tôi. Chúng tôi giúp đưa Váy trắng đến bệnh viện. Rồi gặp công an để cho lời khai nhân chứng. Rồi Tuấn đòi quay trở lại bệnh viện dù biết chắc là Váy trắng đã chết. Ngay cả khi người ta chuyển Váy trắng xuống nhà xác rồi Tuấn vẫn không chịu về. Tôi phải uống thuốc ngủ để tránh những cơn buồn nôn liên tục kéo đến. Cứ thấy máu là tôi co thắt dạ dày và trào ngược thực quản. Chỉ có ngủ như chết thì tôi mới có thể sống tiếp vào ngày hôm sau.

Sáng hôm sau, tôi tỉnh dậy muộn. Việc đầu tiên là tôi lướt mạng xem báo chí đã mò ra được tin tức gì về cái chết của Váy trắng chưa? Có hai cái tin đưa lên. Cả hai tin đều cho biết chưa bắt được hung thủ. Báo chí đặt ra nghi vấn rằng, một là Váy trắng bị người yêu cũ xuống tay sát hại vì ghen tuông, hai là Váy trắng phải trả giá vì dám trốn khỏi tay má mì cũ khi chưa trả hết khế ước bán thân. Dù thế nào thì đây cũng là một câu chuyện buồn mà tôi không muốn nó xảy ra một tí nào. Vì thế tôi không muốn nhắc đến chuyện cái chết của Váy trắng nữa.

Cả sáng hôm đó Tuấn không về nhà khách. Buổi trưa, tôi đi ăn về thì thấy giường của Tuấn đã được dọn sạch. Tôi mở tủ, không còn vali của Tuấn nữa. Tôi mở cửa chạy ra ngoài hành lang thì gặp bác nhà văn già, người chỉ trích Tuấn mạnh mẽ nhất trên chuyến xe chở chúng tôi xuống đây. Bác ấy bảo: “Thằng điên ấy nó về rồi. Nó vừa xuống thanh toán với lễ tân. Nó nhất định đòi trả tiền ăn, tiền ở mấy ngày vừa qua. Ban tổ chức nói thế nào nó cũng không nghe. Nó bảo, nhân vật của nó chết rồi, nó không thể hoàn thành tác phẩm. Nó không muốn nợ nần với những người tổ chức trại. Nó thanh toán xong thì xách túi ra Ngã ba Vạn Hương bắt xe về Hà Nội rồi. Trần đời, tôi chưa thấy thằng nào điên khùng như thằng này”.

Tôi rút máy ra gọi cho Tuấn. Chợt nhớ là máy Tuấn không còn dùng được nữa. Tôi lao như điên xuống sảnh lễ tân. Rồi tôi chạy ra Ngã ba Vạn Hương. Tôi quay cuồng giữa ngã ba, nhìn đâu cũng thấy dáng dấp của Tuấn, nhưng khi chạy lại thì hoá ra mình nhận lầm người. Có đủ các loại xe chạy về Hà Nội, không phải chỉ có một loại xe khách như ngày xưa. Tuấn đã lên một trong những chiếc xe đó và đi rồi. Biết là không gặp được Tuấn nữa, tôi lững thững trở về căn phòng của mình. Từ hôm nay sẽ chỉ còn mình tôi trơ trọi trong căn phòng trên tầng bảy với hướng nhìn ra biển, thoáng và đẹp. Nhưng không còn Tuấn với những câu chuyện của cậu ấy. Không còn Tuấn với những nhân vật của cậu ấy. Ít ra là như thế cho đến lúc trại sáng tác kết thúc.

Tôi nhớ Tuấn. Nhớ dáng ngồi thu lu dưới ánh điện sáng trắng ở hành lang khu nhà xác bệnh viện. Nhớ ánh mắt Tuấn không ngừng nhìn về phía cánh cửa sơn xanh khoá trái ở cuối dãy. Nhớ động tác Tuấn lấy ra mẩu giấy trong túi áo ngực. Cả tôi và Tuấn cùng nhìn vào mẩu giấy ấy. Chỉ có một dãy số dài, viết bằng mực bút bi. Tuấn lần mò ngón tay, bấm từng số trên màn hình điện thoại. Chuông đổ từng tràng dài nhưng không có người nghe. Tuấn nhìn về phía cánh cửa màu xanh rồi ném chiếc điện thoại xuống đất. Mẩu giấy cũng rơi ra khỏi tay Tuấn, cuốn bay về phía cuối hành lang. Tuấn lại ngồi bệt xuống bậc tam cấp, ngay dưới ánh điện sáng trắng đang thu hút hàng vạn con thiêu thân lao đến. Trên tay áo Tuấn, những vệt máu tươi của Váy trắng mỗi lúc một khô bết lại. Tuấn cứ ngồi thu lu như thế, không biết đến bao giờ, kể từ khi tôi rời đi.

Không biết cái chết của Váy trắng đã rút cạn tinh lực của Tuấn hay chính nhân vật trong truyện ngắn viết dở kia vẫn đang hành hạ Tuấn?

Nguồn Văn nghệ số 12/2023

Văn nghệ, số 12/2023
Thêm nghĩa vào nhân

Thêm nghĩa vào nhân

Baovannghe.vn - Vì nhiều lý do (trong đó có việc phải dốc tinh lực chống ngoại xâm liên miên), “lập thuyết” không phải là thế mạnh, không phải truyền thống ở nước ta. Thật ra, nếu ngẫm kỹ thì không hẳn là ta không có “thuyết”.
Bất ngờ kí ức nần ở căn cứ lõm

Bất ngờ kí ức nần ở căn cứ lõm

Baovannghe.vn - Tôi nhớ cái vị trong lưỡi khi nhai miếng nần nấu chín hơn. Cái vị không thể quên được. Còn mùi, phải là mùi nần bốc khói lúc cơm sắp chín
Bản tin Văn nghệ ngày 12/1/2025

Bản tin Văn nghệ ngày 12/1/2025

Baovannghe,vn - Tuyển tập “50 năm rạng ngời trang sử” là một trong những ấn phẩm đặc biệt được phát hành nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam
Buổi về xum họp - Thơ Phan Duy

Buổi về xum họp - Thơ Phan Duy

Baovannghe.vn- Ai đi xa nếu một lần nhớ ruộng/ theo dấu chân về tìm lại lối xưa
Vài kỉ niệm về những nhà văn mặc áo lính

Vài kỉ niệm về những nhà văn mặc áo lính

Baovannghe.vn - Nhà thơ Lê Anh Xuân và “dáng đứng Việt Nam”, Thu Bồn và “bài ca chim chơ-rao”, Nguyễn Mỹ và “cuộc chia ly màu đỏ” là ba nhà thơ mặc áo lính