Gần chục bô lão còn lại trong làng, bạn đánh cờ tướng, tổ tôm hát sắc bùa mấy chục năm nay của lão Hợi mỏm mẻm nhai trầu, hút thuốc lào vặt. Các lão đi lại còn nhanh nhẹn nên có mặt đám tang nhà lão Hợi từ cuối giờ chiều, sau khi cơm nước xong.
Ông Khanh Bưởi, vua bưởi của vùng húng hắng ho:
- Ất Hợi thế mà số hưởng, Covid bùng phát mạn Bắc Giang, Bắc Ninh ông ấy mệt làng nhàng mấy bữa rồi lại khỏe ra. Bữa ni, nhà đài đưa tin, dịch được kiểm soát nhưng ở Sài Gòn có nguy cơ cao bùng phát dịch, ông ấy ra đi con cháu còn kịp về, dăm ba bữa nữa dịch bùng to có khi gay go, ai ở đâu ở yên đó.
Khanh Bưởi làm thêm ly trà, thúc thắc nhắc lại:
- Sáng nay ông ấy gọi tui, thêm ông Huyện và ông Nhọ, gọi cả hội nhưng không hẹn trước, ai kẹt việc nhà xin kiếu. Bốn anh em làm chầu cháo gà mái tơ, đủ lượt cà phê, chè tươi, xế trưa vãn chuyện, chào nhau vui vẻ rồi giải tán.
Khanh Bưởi lại húng hắng ho, tiếp tục:
- Ông Hợi giữ anh em chúng tôi ngồi lại uống rượu trưa, nhưng chúng tôi xin rút. Đầu giờ chiều cơm nước xong, bà Thọ điện thoại vừa mếu máo khóc, vừa thông báo tin dữ: “Nhà em ngủ rồi ngủ luôn, đi rồi các bác ạ”. Phúc phận, bước qua tuổi 85 mà ra đi nhẹ nhàng vậy lại khỏe. Người ta vẫn thường cầu mong chúc nhau “sống khỏe chết mau”. Về già mà tai biến nằm liệt một chỗ, không tự phục vụ được cho mình chỉ làm khổ vợ, khổ con cháu, khổ cả thân xác mình.
- Trưa nay mà chúng tôi ở lại uống rượu, có khi lại sinh chuyện. Khanh Bưởi bình thêm.
Ông Văn Thơ có thời kỳ làm chức to trên huyện, đám bạn cờ tướng, tổ tôm gọi là Văn Huyện, nhỏ nhẹ bàn thêm:
- Người ta có số, mệnh sao số vậy đố mà cựa quậy. Lão Hợi có 6 đứa con dòng chính và 2 đứa cơi nới thêm 5 trai 3 gái, đứa nào cũng thịnh, hầu hết ở Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng, chức tước to, nhà cao cửa rộng. Vậy là mừng lắm.
Ông Đức Nhọ, tên khai sinh là Đức Lộc, đánh cờ tướng, tổ tôm toàn bị thua, luật lệ cũng y chang đám trẻ bị trừng phạt bôi nhọ nồi lên mặt nên gọi là Đức Nhọ, góp chuyện:
- Tui bái phục lão Hợi, bà bé có một, nửa nọ nửa kia cả chục, con cơi nới không nhận về vài chục mà sao nhà lão vẫn êm ấm, bà Thọ gần lục tuần cứ tươi rói núng na núng niếng, lúc nào cũng cười nụ, đố nghe bà ấy lời to, tiếng nhỏ.
Ngừng lời làm thêm điếu thuốc lào, Đức Nhọ rành rọt:
- Tui nhẩm tính rồi, con cháu ông Hợi, dòng chính, dòng phụ đứa nào cũng phương trưởng, tết nhất, giỗ chạp chúng nó kéo về nườm nượp, gọi là bái phục. Tôi đố ông nào cai quản chuyện nhà mình bằng lão Hợi.
Mỗi ông già một chuyện góp vào, ai cũng khen ông Ất Hợi giỏi. Họ là bạn thân với nhau thuở còn để chỏm nên xưng hộ bỗ bã thoải mái. Có ông nói, tuổi Hợi ngồi đợi mà ăn thật chí lý. Chiều muộn, chuyện râm ran, mỗi người một việc lo hậu sự chu toàn cho ông Hợi. Thủ tục vùng nông thôn mới ai qua đời, tuyệt đối không để lâu, dài nhất chỉ để 2 ngày chờ con cháu cho đông đủ. Chuyện phúng điếu rất hãn hữu, ăn uống chỉ là việc nội bộ họ tộc, gia đình phục vụ người ở xa về.
Hình ảnh minh họa. Nguồn pinterest |
Nghĩa trang gia tộc đã có sẵn, bề thế cạnh đường cái quan, không xa sông Ngàn là mấy, gần đập thủy lợi lớn, sát bìa rừng cây cối sum xuê, mát mẻ. Mỗi nhân khẩu xã quy chuẩn gói gọn chục mét vuông, người đi trước còn dành quỹ đất cho người đi sau. Nghe nói ở đâu đó có vị chết rồi khoanh cả ngàn, vài ngàn mét vuông chôn cất, vùng này là cấm kỵ, dù họ có quyền cao chức trọng, lắm tiền nhiều của. Con đường lớn vào nghĩa trang đầu tư làm mới hơn 1 tỷ đồng bằng kinh phí quyên góp, con cháu nhà ông Ất Hợi đi xa hay ở gần góp vào 600 triệu, thế là tươm tất.
*
Bà Thọ vợ ông Hợi người vùng hạ lưu sông Ngàn, đẹp người đẹp nết, con út của địa chủ Hậu bị đấu tố trong cải cách ruộng đất. Đất phù sa ven sông Ngàn, hai phần ba dân làng gốc gác từ mấy xã vùng ven La Giang lên đây lập nghiệp vài đời nay đã thành dân bản địa. Họ trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa, các bà các chị, các em gái cứ gọi là phơi phới, hoa khôi hoa hậu của huyện của tỉnh, có cả á hậu cấp quốc gia.
Người làng tự hào, gần chục con gái làng đi làm dâu vùng xa, nhờ hương sắc và sự hiền thục. Cô Hạnh bạn thân của út Thọ học lớp 10 trường huyện, xinh đẹp nhất vùng tóc dài chấm gót đã làm cho anh chàng Công chết mê chết mệt, nhưng chỉ là tình yêu một phía. Tình cảm của Công không được chấp thuận phát điên lên, dân vùng này gọi là điên tình. Hai năm sau thầy giáo Khang dạy toán của Hạnh làm đám cưới cô nàng. Công điều trị khỏi bệnh đi bộ đội “đánh Mỹ chết bỏ” lên chức sư đoàn trưởng rồi nghỉ hưu. Thầy giáo Khang thăng tiến lên đến chủ tịch tỉnh, vợ làm giám đốc sở.
Thời kỳ 1965-1970, làng ven sông Ngàn là căn cứ địa của một binh đoàn vận tải quân sự. Ông tư lệnh to con đẹp trai đơn thân phải lòng con gái ông Tư Mít, ít hơn tư lệnh 1 giáp tuổi. Vườn nhà Tư Mít có cả trăm cây mít cổ thụ, bộ đội đóng quân trong vườn mít, vừa ngụy trang kín đáo an toàn phòng không, vừa được chủ nhà thả giàn cho ăn mít khi trái chín, treo kín cành thấp cành cao. Chẳng hiểu vì lý do gì, do em xinh đẹp hay vì mít nhà em thơm ngon, họ say nhau như điếu đổ. Và thế là Tư Mít có cháu ngoại. Về sau, rể quý của Tư Mít đi sâu vào chiến trường, sau năm 1975 đất nước thống nhất, tư lệnh binh đoàn còn lên chức to hơn đã ra tay hỗ trợ vùng đất bãi sông Ngàn xây cầu, làm đường, dựng nhà văn hóa, làm sân đá bóng - to đẹp, khang trang nhất huyện nhà.
Chuyện của một thời, địa chủ Hậu bị đấu tố oan, đến thời kỳ sửa sai thì được khôi phục danh dự, còn được tặng thưởng Huy chương Kháng chiến, do góp công, góp của, góp người cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, hai người con trai đi bộ đội đánh Pháp làm đến chức Trung đoàn trưởng.
Cô con gái út Thọ chăm ngoan, người đẹp làng bãi bồi hạ lưu sông Ngàn, năm nào làng tổ chức thi bơi thuyền, út Thọ cũng về nhất. Út Thọ có chú ruột, em trai ông Hậu lưu lạc đi dạy học tận huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Lúc còn bé, út Thọ xa sông Ngàn theo chú vào thành Quy Nhơn gần 5 năm học chữ, được bà thím chỉ dạy mấy đường quyền, ở quê gọi là có mấy miếng võ phòng thân. Út Thọ sáng dạ, học chữ giỏi mà học võ cũng nhanh, nhưng vốn tính khiêm nhường, chú thím dặn trong cuộc đời, võ là để thủ thế, đạo võ là khi thật cần mới được dùng để tự vệ, tuyệt đối không lấy võ dọa người.
Thọ là con út, các anh đi chiến đấu xa, cô rời Bình Định trở lại sông Ngàn, trồng dâu dệt vải, lúc rảnh rỗi chèo đò ngang giúp dân làng qua sông, khi chưa có điều kiện bắc cầu. Làm vợ ông Ất Hợi, đẹp người, mắn đẻ, 9 năm út Thọ đẻ cho lão Hợi 6 đứa con, 4 trai 2 gái đứa nào cũng khôi ngô tuấn tú. Thi thoảng trai làng trên xã dưới liếc mắt út Thọ, nhất là những đêm gần tết, Thọ tham gia tập đội sắc bùa. Nhưng út Thọ vẫn là của lão Hợi trọn vẹn, anh nào léng phéng út Thọ cười đáp trả không để mất lòng, khi cần tự vệ Thọ bấm nhẹ tay là đối phương đau điếng người, liệu thân. Út Thọ thầm cảm ơn cha mẹ đã cho theo chú thím vào Tây Sơn học hành và cảm ơn chú thím đã truyền lại cho đứa cháu quý xinh đẹp mấy đường quyền tự vệ.
Cải cách ruộng đất, Thọ chưa đến 30 tuổi mà cứ như con gái đôi mươi, nước da con gái sông Ngàn bên bãi dâu trắng như trứng gà bóc, má hồng môi thắm, đội trưởng đội cải cách cứ liếc năm liếc mười. Một lần, đội trưởng dùng quyền uy gọi Thọ lên nhà đội, hạch sách chuyện địa chủ Hậu đã bóc lột bần cố nông ra sao? Hai anh đi bộ đội đóng quân ở đâu, có hay về nhà không? Đội hỏi cô út là để cho có cớ, mắt đội cứ nhìn chằm chằm vào ngực Thọ. Ông đội vừa truy hỏi vừa đi vòng ra phía sau, thò bàn tay sần sùi lên đôi vai tròn lẳn của Thọ, tay lần lần vùng ngực căng tròn đang thời cai sữa con trai.
- Cháu xin ông bỏ tay ra, cháu xin ạ! Thọ cúi đầu lễ phép năn nỉ ông đội.
- Tui sẽ tha tội cho địa chủ Hậu, vào trong này với tui. Ông đội đánh bài ngửa thô bạo.
Đường mật giọng vùng sông Ngàn, bàn tay đội cứ sấn vô:
- Chiều tui, o được đơn được kép, chứ có mất mát cái chi mô hè?
Đặng chẳng đừng, biết là sẽ rước hậu họa, Thọ không thể chấp nhận, đứng dậy đi ra. Ông đội chụp hai bàn tay hộ pháp lên đôi vai gầy người thiếu phụ. Cô hất nhẹ tay ông đội ra khỏi mình, không may lão ngã lăn quay ra nền nhà. Ông đội không hay biết con gái nhà địa chủ Hậu có mấy năm tu luyện võ Tây Sơn, nơi cụ Nguyễn Huệ Quang Trung khởi nghiệp lớn.
Hai tay du kích cầm gậy gác cổng nhà ông đội. Thọ ra về thút thít khóc, du kích hỏi chuyện gì, Thọ làm thinh đi thẳng. Thọ chợt nhớ chồng, hôm nay đang lên huyện cũng là do du kích xã gọi đi, theo lệnh của ông đội, cũng là mưu sâu kế hiểm của đội. Nhớ lại chuyện chàng thanh niên Ất Hợi đi đò ngang qua xóm Giang, thấy cô lái đò đẹp, khi cười nụ môi hé mở khuôn mặt càng thêm xinh, Hợi về năn nỉ cha mẹ qua nhà ông Hậu xin dạm hỏi Thọ.
Lúc đó đang có 5-7 chàng trai quanh vùng, số đông là khách đò ngang ve vãn cô em. Trong số này có Thanh Ú, con nhà giàu, chục mẫu ruộng phát canh thu tô, có cửa hàng vải trên phố Chu Lễ cợt nhả chọc ghẹo, búng tay lên má. Thọ bị xúc phạm giả vờ nghiêng đò. Ẻo lả, hắn rơi tõm xuống sông Ngàn, không biết bơi ướt như chuột lột. Út Thọ bụng bảo dạ, chờ khi hắn uống nước sông căng tròn cái bụng bự mới nhảy xuống đưa lên cho chừa thói máu dê. May mắn cho hắn, lúc đó trên đò đang có ông lái trâu tên Cường Mẹp nhảy xuống vớt lên. Sau đận đó, có lẽ vì xấu hổ Thanh Ú bỏ của chạy lấy người, vù luôn. Nghe nói là đi qua Lào coi sóc xưởng cưa gỗ cho cha rồi cưới cô vợ người Việt định cư bên đó luôn.
Sau này có người nhắc lại chuyện cô lái đò làm nghiêng đò, cho chàng uống nước thay cơm, út Thọ cười trừ:
- Mần chi có chuyện đó, tại Thanh Ú đi đò không cẩn thận nên trượt chân ngã xuống đó thôi.
Cha mẹ Ất Hợi mang trầu cau, cút rượu sang nhà ông Hậu ngỏ lời xin cô gái út về làm dâu. Chuyện người lớn, con trẻ không cãi lời. Một tháng sau, Thọ về làm vợ Ất Hợi, thủ tục tuy có rườm rà nhưng cũng là nhanh gọn. Số hưởng lão Hợi có cô vợ nết na, hiền thục, xinh đẹp nhất vùng.
*
Lại kể chuyện út Thọ về làm vợ, làm dâu nhà ông Hợi. Lão Hợi là con trai trưởng nhà ông Quang Dật, được đội cải cách quy là trung nông, không bóc lột, có của ăn của để. Ông Dật nghiêm khắc, giáo dục nuôi dạy 4 đứa con yêu lao động, không lêu lỏng. Thương thì cho roi cho vọt, đứa nào không chịu thương chịu khó, lười nhác, đàn đúm, đánh lộn nhau ngoài đường ngoài chợ, cứ roi mây mà quất vào mông. Ất Hợi là chàng trai gan lì chịu đòn giỏi nhưng hay lam hay làm, ruộng xa ruộng gần, đồng sâu đồng cạn không nề hà trốn tránh, biết làm gương cho em út. Thương vợ trẻ, nên Ất Hợi không cho vợ làm ruộng chân lấm tay bùn, mà mở cửa hàng tạp hóa để út Thọ buôn bán, cũng hợp sở trường thích buôn bán, chạy chợ của vợ.
Vợ đẹp, con ngoan, chồng hay lam hay làm nên cả lão Hợi và út Thọ cũng an phận. Điều mà nhà ông Quang Dật vẫn hay mắng mỏ thằng con trai trưởng là tính trăng hoa, thấy gái là mắt cứ hoa lên. Lúc bị mắng, lão Hợi không vừa, ranh mãnh cãi cha: “Thì con cha cháu ông, không giống lông cũng giống cánh”. Thế là cười xòa, hòa cả làng, bởi ông Quang Dật cũng có máu đào hoa, việc đe nẹt thằng con trai của ông không còn uy lực. Vợ biết tính chồng - ông Hợi tính lăng nhăng tức điên ruột nhưng cũng chẳng nói nhiều, càng không muốn tố với cha chồng, thêm rách việc. Đi đâu thì đi miễn là đêm hôm ông Hợi nhớ về nhà, thuế má đóng nộp đầy đủ, vậy là xong. Hạnh phúc đong đầy chính là nơi các con.
Ngoài 35 tuổi, lão Hợi cưa đổ một hoa khôi tên Kim Xoan quê xứ Huế, giọng nói của cô nàng nhẹ nhàng, quyến rũ. Đêm về, tẩm ngẩm tầm ngầm Ất Hợi nói với vợ, xin út Thọ cho Kim Xoan làm vợ lẽ và ghé nhà chơi cho biết chị biết em. Kim Xoan hiểu tính chồng và thực lòng cũng đã biết chuyện này nên chấp nhận, với một điều kiện tiên quyết:
- Tui đồng ý, nhưng không làm cả, làm lẽ gì sất, đây xin kiếu. Nhớ là chỉ cho ghé nhà một ngày, nhà có chủ không được ở lâu. Sau này khi nào muốn đến phải xin phép tui, cho đến mới đến, không tùy tiện như nhà vô chủ.
Út Thọ gằn từng tiếng, như là mệnh lệnh. Cưới vợ đã hơn chục năm, hôm nay lão Hợi gia trưởng có tiếng là vậy, thế mới biết bản lĩnh… đàn bà, lạt mềm buộc chặt.
Lão Hợi biết ý, thỏ thẻ vào tai vợ:
- Nhất định chỉ một ngày, nửa ngày cũng được.
Út Thọ rành rọt từng lời:
- Cơ sự đã ra nông nỗi này, ông đặt tui vào việc đã rồi, làm căng với o Xoan thì đổ vỡ mọi thứ, người ta chê cười, xấu chàng hổ ai.
Trước đó, một lần bồ bịch, lão Hợi về nhà trói tay út Thọ, ép người vợ tay kề má ấp phải chỉ nơi vợ cất giấu vàng và tiền nhờ tích lũy do buôn bán được. Lão Hợi nói tỉnh queo:
- Đưa vàng đây cho tui, tiền thì cô giữ lại!
- Anh lấy vàng làm chi?
- Nuôi con Xoan đẻ đứa thứ hai.
- Chà, táo tợn hỉ!
Đôi mắt lão Hợi trắng dã như mắt heo, đúng là tuổi lợn:
- Mụ có đưa không thì nói.
Bị ép buộc, cái gậy hèo lão Hợi lăm lăm trong tay, út Thọ không còn cách nào khác là phải đưa số vàng gom góp lại cho chồng đi nuôi bồ. Mấy đứa con thương mẹ lên tiếng bênh vực, chất vấn:
- Tại sao mẹ lại dung túng cha làm như vậy.
Bà Thọ nhẹ nhàng:
- Thôi các con, đành vậy, sau này mẹ sẽ làm ra bù đắp lại.
Suy nghĩ giây lát, út Thọ nói thêm với các con:
- Mẹ sẽ nói với cha, cô Xoan không có điều kiện nuôi hai em thì đưa về đây cho có anh có em, mẹ nuôi, chăm sóc cho các em khôn lớn.
Nghe vậy, mấy đứa con càng phản đối mẹ:
- Chúng con không đồng ý, mẹ không được làm như vậy!
Út Thọ biết vậy, hiểu chuyện sẽ từ từ sẽ thuyết phục các con, sống có nhân văn, nhất định các con nghe ra và đến lúc nào đó sẽ chấp nhận.
*
Cuộc sống vô cùng gian nan. Lão Hợi tuy bồ bịch, bù lại lão chăm chỉ làm lụng, đi đâu xa dăm ba bữa rồi cũng về, biết thương con. Thuyết phục các con gần 2 năm trời, bà Thọ nhận hai cô con gái của cô Xoan về nhà mình chăm sóc, nuôi dạy khôn lớn, đồng ý cho cô Xoan đi lại thăm con, khi cần thì ngủ lại nhà. Chuyện đã hơn 30 năm, làng bãi bồi Ngàn Sâu ai cũng cảm phục tấm lòng nhân hậu của bà Thọ.
Với mấy người bạn thân thiết, bà giãi bày:
- Chuyện đã vậy, ông ấy lỡ rồi nay đẩy ra cho ai. Mình lo cho mẹ con cô ấy, cũng là tấm lòng, không nỡ nào để họ cơ cực, lại còn giữ được chồng, kéo ông ấy về với vợ con, không đẩy chồng đi quá xa, nhà cửa êm ấm!
Hơn mười năm sau, bà bạn thân tên Mỹ Lệ giỏi giang, quyết đoán nghe bà Thọ lý giải như vậy đã đứng dậy cúi gập mình xuống, trước cả nhóm bạn nối khố:
- Tui là người chống bà, cả hội ai cũng biết. Nay nghĩ lại biết là bà đúng còn tui rõ ràng là sai. Xin cúi đầu gọi bà là đại sư phụ!
Hai con gái cô Xoan được mẹ Thọ chăm sóc, thương yêu, đứa lớn trở thành nữ Tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa giỏi, giám đốc một bệnh viện ở thành phố. Đứa thứ hai đang học đại học sư phạm năm cuối. Dù không phải con đẻ mẹ Thọ, nhưng chịu nhiều ảnh hưởng của người chăm sóc, tính tình hai đứa y chang bà. Chính bà Thọ đề xuất ông Hợi mua cho cô Xoan và các on căn hộ cao cấp ở Hà Nội khi con gái lớn là sinh viên y khoa năm nhất, để mẹ con có cuộc sống độc lập, thoải mái, chăm sóc được cho nhau, không bao giờ tranh mua, tranh bán. Có khách hỏi mua hàng, bà biết hàng nhà mình bữa nay không chất lượng, bà chỉ khách qua hàng bên chọn mua. Khách bỏ quên cái túi, chiếc đồng hồ, khách trả tiền nhầm thừa lại bà chủ cất nép để riêng ra nhắn gửi khách hàng đến nhận lại. Bố mẹ chồng bệnh nặng, con dâu Thọ chăm sóc các cụ chu toàn, nhắc các cháu phải năng thăm hỏi, động viên ông bà. Việc họ, việc hàng, tết nhất giỗ chạp nhà lão Hợi, út Thọ một tay lo liệu chu đáo, tươm tất. Cửa nhà êm ấm, ắp đầy tiếng cười, không bao giờ có tiếng chì tiếng bấc.
Bà Thọ chăm dạy các con, đứa nào đứa nấy cứ ăn mà lớn, cứ học là giỏi, chăm làm đỡ đần cho ông bà, cha mẹ. Điều đặc biệt, không bao giờ bà Thọ nặng lời với ông Hợi trước mặt con, trước người ngoài. Các con khôn lớn, học hành tiến tới. Đứa nào cũng thành đạt, sỹ quan cao cấp trong quân đội, công an; trở thành trí thức, nhà khoa học, bác sĩ; đứa lớn là doanh nhân, chủ tịch và Tổng giám đốc một tập đoàn năng lượng tầm cỡ.
Bà Thọ chăm đến các chùa chiền, ăn chay niệm phật; đi đây đi đó với các bạn yêu thơ, thi thoảng đi du lịch xa với con dâu, con gái, với các cháu nội ngoại. Làm được đồng nào, bà Thọ sẵn sàng cho, ai có hoàn cảnh khó khăn bà tận tình chia sớt, hỗ trợ. Lũ lụt, thiên tai làng trên xã dưới, vùng trong vùng ngoài bà Thọ đi đầu sẻ chia hỗ trợ. Cả làng, cả xã và cả huyện này không ai phàn nàn, giận dỗi bà Thọ lấy nửa câu. Một người phụ nữ nhân đức vốn có, tự trong trái tim mình.
*
Ông Ất Hợi qua đời, bà Thọ và các con lo hậu sự chu đáo, miễn phúng điếu, đám tang đông vào loại nhất nhì vùng. Hội tổ tôm, cờ tướng, hội sắc bùa - bạn bè chí cốt thân thiết với ông Hợi đều đã ngoài bát thập ngồi nhà ông Hợi suốt cả chiều tối, thay nhau về ăn cơm rồi lại tới. Sau nửa đêm họ mới về nghỉ, để sáng sớm lại sang cùng tang quyến.
Ông Khanh Bưởi nói với cả hội:
- Hội ta từ nay thiếu vắng ông bạn Hợi, buồn lắm, ta nghỉ tổ tôm, cờ tướng hết tháng này.
Tư Nhọ góp thêm:
- Ta nghỉ mấy bữa là chí phải rồi.
Ông Văn Huyện đề nghị:
- Giờ này, mọi ngày là ta cà phê, ăn sáng bù khú với nhau. Đang giờ đẹp, tui đề nghị ta mang bộ cờ và tổ tôm mới, cầm sáo nhị đứng trước linh cữu ông Hợi thắp nhang và ai điếu bài sắc bùa “Người ơi, ngày chia ly”, ta mang bộ tổ tôm, cờ tướng đi theo ông Hợi, bỏ vào huyệt mộ cho ông, để khi chơi ta cùng chơi.
Nghe ông Văn Huyện nói vậy, ai cũng gật đầu rơm rớm nước mắt nhớ bạn, cùng nhau xếp hàng dài trước linh cữu ông Ất Hợi, tiếng nhị réo rắt, có thêm bà Thọ và trưởng nam của ông bà đứng bên cạnh cùng làn điệu sắc bùa “Người ơi, ngày chia ly”.
Nguồn Văn nghệ số 15/2023