Đoàn nhà văn và các nhà nghiên cứu thuộc Hội VHNT Thanh Hóa chúng tôi đến Quan Hóa vào một ngày nắng đẹp. Chương trình đi thực tế tìm hiểu sáng tác với mục đích tìm “Khát vọng xứ Thanh”. Thật thú vị, Quan Hóa hiện lên vô cùng kì diệu. Những dãy núi cao vút mây bay bồng bềnh. Những bản làng xinh đẹp và những thửa ruộng bậc thang nhuộm sắc vàng hiện ra, làm chúng tôi nao nức. Trong cái không khí rạo rực ấy, tôi đã nghĩ đến công việc của một chuyến đi. Ý nghĩ đầu tiên là phải ghi lại được dấu ấn của một vùng đất có nhiều thắng cảnh và di tích lịch sử văn hóa mang nét riêng Quan Hóa, để rồi góp một chút gì đó cho du khách khi đến tìm hiểu, nhớ mãi không quên, mong ngày trở lại.
Là một huyện miền núi có diện tích lớn nhất, Quan Hóa trước đây có cả huyện Quan Sơn và huyện Mường Lát gộp lại. Sau khi chia tách thành ba huyện riêng, thì nó vẫn là huyện trung tâm của khu vực miền núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa với diện tích 72,81km vuông. Quan Hóa hiện có 15 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm thị trấn Hồi Xuân (huyện lỵ) và 14 xã. Hiền Kiệt, Hiền Chung, Nam Động, Nam Tiến, Nam Xuân, Phú Lệ, Phú Nghiêm, Phú Sơn, Phú Thanh, Phú Xuân, Thành Sơn, Thiên Phủ, Trung Sơn, Trung Thành.
Từ thành phố Thanh Hóa đi chừng hơn hai tiếng đồng hồ, đến trung tâm thị trấn Hồi Xuân huyện Quan Hóa khoảng 140km.
Với tôi, Quan Hóa là bức tranh làm say đắm lòng người. Ngay từ phút đầu đặt chân tới, tôi đã ngỡ ngàng về một miền đất bao la hùng vĩ. Rừng xanh trải dài ngút tận. Quan Hóa hiện lên như một cô gái đẹp dễ thương. Lúc này, tôi lại nhớ đến nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, Cao Duy Sơn và xa hơn là nhà văn Tô Hoài có những trang văn miêu tả về miền núi Tây Bắc yêu lắm. Còn với xứ Thanh, miền đất Quan Hóa có những con người miền núi mộc mạc, thật thà chất phác, với cảnh rừng sơn cước tỏa sắc lung linh, tôi nghĩ địa bàn chúng tôi đến quả là một cơ duyên rất tuyệt.
Một góc thị trấn Hồi Xuân huyện Quan Hóa. Ảnh internet |
Điểm chúng tôi dừng chân đầu tiên là Bản Bút xã Nam Xuân, một xã vẫn giữ được nét vẻ đẹp hoang sơ của một miền rừng xanh ngút. Bản Bút, xã Nam Xuân nằm trong thung lũng hạ lưu sông Luồng, là xã vùng cao Quan Hóa với tổng diện tích tự nhiên là 3.868,63ha. Trước đây, Bản Bút còn có tên gọi Bản Yên. Sau này đổi thành “Bản Bút”. Tôi quyết định tìm hiểu qua mấy người dân có học vấn trong bản, thì tên “Bản Bút” là ý muốn đề cao đến sự học. Đây cũng là một cách hiểu được số đông chấp nhận. Điều ấy thật đáng quý.
Chị Hà Thị Tuôn, một người phụ nữ xinh xắn rất duyên giới thiệu về Bản Bút. Chị là chủ của khu du lịch sinh thái Homestay Minh Huy hưng thịnh, pha lẫn chút men của thời đại công nghệ số. Những phòng nghỉ cho khách với chín bậc cầu thang trong những nếp nhà sàn vắt vẻo lưng chừng núi, mới thấy đây thực sự là chốn nghỉ dưỡng đáng đến. Ngoài những sản phẩm được trưng bày như hàng dệt may thổ cẩm, rượu men lá, nơi đây còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người Thái, người Mường được phô diễn tài năng nghệ thuật bằng những lời ca điệu múa trong những đêm âm vang cồng chiêng quyến rũ. Qua nghe chuyện của một người bạn kể về Homestay Minh Huy: “Ông mà đến đây chỉ có say mê không muốn về. Nói không ngoa, nếu khách Tây đến, họ sẽ bị hút hồn là cái chắc.” Chà. Quả đúng như vậy. Tiếp nối câu chuyện, pha chút tự hào về quê hương đang trên đà đổi mới, câu chuyện giữa chị và tôi càng thêm lôi cuốn. Dẫu vậy, đôi lúc giọng chị như lắng lại khi miêu tả những năm tháng của thế kỉ trước. Đường vào bản khó khăn, từ bản nọ sang bản kia, từ xã này sang xã khác, số hộ dân nghèo còn nhiều. Người dân phải còng lưng lao động vất vả muôn phần vẫn không đủ ăn. Rừng rộng bao la là thế, nhưng chưa có chính sách đổi mới giống cây trồng, nên nguồn thu nhập gia đình rất eo hẹp. Từ ngày đưa cây luồng vào trồng, và làm kinh doanh du lịch cộng đồng, người dân nơi đây đã dần thay đổi. Đến năm 2018, Bản Bút như một cô gái đẹp ngủ trong rừng đã bừng thức, khi xã Nam Xuân xây dựng bản trở thành điểm chuẩn nông thôn mới. Và thế rồi, các chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới được đặt ra khá hiệu quả. Du lịch cộng đồng, sinh thái đã nắm bắt lợi thế của vùng để phát huy. Chỉ tính hơn 1000ha rừng nguyên sinh, khí hậu mát mẻ, phảng phất hơi sương trong mỗi sáng mai, hay những buổi chiều tà như trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long, cũng đủ thấy nơi đây xây dựng khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, được nhiều du khách tìm đến là điều hợp với xu thế phát triển. Đặc biệt khi muốn dã ngoại để được thấm cái vẻ đẹp lặn vào da thịt, sẽ là thiếu nếu không đến hồ Pha Đay, một hồ nước trong xanh nằm trên đỉnh núi, có độ cao 1.200m với diện tích 2,2ha. Hồ Pha Đay được hòa mình trong sự hùng vĩ của núi rừng. Tôi có cảm giác khi được ẩn mình trong làn nước trong xanh như ngọc tại hồ, chắc du khách mãn nguyện lắm. Bởi tại đây, mỗi khi hoàng hôn buông xuống, mặt hồ lại được khúc xạ bằng những tia nắng vàng hắt lên nền trời xanh thẳm. Thế rồi những ngọn núi cao lại vọng tiếng thì thào của cây rừng bên vách núi, như dẫn ta vào thế giới cổ tích. Thực sự, đây là một trong những điểm thú vị nhất khi tìm đến Quan Hóa.
Được nghe dân bản tâm sự, tôi mới hiểu lòng người dân Quan Hóa. Bản Bút đa số là người Thái sinh sống. Họ là những người hiền lành, dễ thương, nói chuyện có duyên, thật thà, luôn giúp du khách trong mỗi chuyến hành trình vượt khó đến với bản làng xinh đẹp. Thú thật, chúng tôi có được cú vượt dốc, vượt đèo đến với hồ Pha Đay bằng cảm giác mạnh dễ dàng, là phải nhờ những “tay lái lụa” của những chàng trai cô gái nơi đây như vận động viên thể thao chuyên nghiệp mới có được. Hơn ba cây số đường rừng quanh co khúc khuỷu, con dốc dựng đứng vòng quanh ôm trọn vách núi cao sừng sững và nhiều khúc cua tay áo chở chúng tôi lên hồ Pha Đay sẽ là kỉ niệm không bao giờ quên được.
Cùng với cảm xúc ấn tượng về thiên nhiên hoang dã trên vùng đất Quan Hóa, chúng tôi đã có mặt tại Pù Hu, để được tận hưởng cảnh tượng của khu bảo tồn thiên nhiên nổi tiếng được trải dài ở 10 xã huyện Quan Hóa. Cả cánh rừng đại ngàn vời vợi trên những dãy núi cao chót vót, với chúng tôi là một thắng cảnh thiên nhiên kì thú. Và cũng tại đây, có nhiều người đã gắn bó tuổi xuân với rừng cả đời, người thấp nhất cũng đã trên 20 năm. Chúng tôi được Ban Giám đốc giới thiệu bằng màn hình led, và tạo điều kiện cho chuyến điền dã trải nghiệm tại rừng. Phù Hu có 24.200,87ha rừng đặc dụng. Với hệ sinh thái khá đặc biệt, đưa tới sự đa dạng về sinh vật cảnh với 1.725 loài thuộc 696 giống. Trong đó, hệ thực vật có 52 loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam. Đặc biệt có 6 cây chò xanh có độ tuổi từ 360 đến 510 năm, là cây di sản Việt Nam. Động vật có 915 loài, 57 loài có tên trong sách đỏ thế giới. Với lợi thế của Phù Hu trên vùng đất Quan Hóa, nơi đây sẽ là địa chỉ xanh để hình thành khu du lịch sinh thái, trải nghiệm mang tầm Quốc gia hấp dẫn nhất. Tuy nhiên số hộ dân nghèo ngày đêm sống với rừng vẫn còn cao, chiếm 51,4%. Vì vậy, rất cần hỗ trợ của nhà nước tạo thêm công ăn việc làm, và cách phát triển kinh tế mới đến hộ gia đình. Đây cũng là những băn khoăn trăn trở mà các nhà quản lí tại Pù Hu nói riêng, Quan Hóa và tỉnh Thanh Hóa nói chung đang từng bước giải quyết. Thiết nghĩ việc phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái… tại đây, nếu người dân quyết tâm cao, được sự hỗ trợ của Nhà nước và các doanh nghiệp, chắc chắn sẽ đem lại nguồn lợi cho dân bản, cho Pù Hu và huyện Quan Hóa phát triển nhanh hơn.
Xã Phú Lệ cách trung tâm thị trấn Hồi Xuân 24km nằm phía tây huyện Quan Hóa là nơi chúng tôi đến trên một cung đường xôn xao kí ức về một thời đạn lửa. Nơi đây Phà Phú Lệ và Na Sài là trọng điểm ném bom của máy bay Mỹ. Phú Lệ theo nghĩa nôm là giàu, đẹp. Nơi đây, là niềm tự hào của huyện Quan Hóa. Vì Phú Lệ là nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của huyện, có vị trí chiến lược quan trọng nằm trên quốc lộ 15A và đường 521 “Phú Lệ - Cành Nàng”, là nơi trú quân của nhiều đoàn quân dân công hỏa tuyến hành quân lên Điện Biên Phủ và chiến dịch Thượng Lào trong kháng chiến chống Pháp. Bên cạnh các con suối nhỏ dọc theo sông Mã, phía Bắc giáp huyện Mai Châu tỉnh Hòa Bình, Phú Lệ còn hằn lên dấu vết những trận đánh bom ác liệt của giặc qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Di tích lịch sử nổi bật nhất là hang Co Phương. Hang còn có tên gọi “Cây khế”, là nơi ngày 2/4/1953, máy bay Pháp thả bom tàn sát khu vực Bản Sại. Nhiều dân công hỏa tuyến đang độ tuổi thanh xuân đã hi sinh anh dũng, khi bị bom đánh sập cửa hang khiến 11 người mắc kẹt vĩnh viễn không trở về. Trước hương hồn các liệt sĩ tại khu di tích tưởng niệm, chúng tôi nghiêng mình xúc động trước anh linh của những chiến sĩ thanh niên xung phong đã hi sinh tuổi xuân vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc. Có một điều chúng tôi ngạc nhiên đến ngỡ ngàng, hình như những chân nhang vừa thắp như cảm được ý chúng tôi, để rồi kéo những vệt mây trắng trên cao bỗng nhiên tụ về che bóng mát như có gì thần bí. Hiện tượng ấy, làm chúng tôi nhắc nhớ, mong sao khu di tích lịch sử vẻ vang này, sẽ được nhà nước đầu tư hơn nữa để xứng tầm tên tuổi hang Co Phương được UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận là di tích lịch sử cách mạng năm 2012 và năm 2019 được công nhận là di tích lịch sử Quốc gia.
Ảnh minh hoạ |
Điểm cuối cùng chúng tôi dừng chân là vùng đất thị trấn Hồi Xuân, nơi đóng đô của huyện lỵ Quan Hóa với nhiều di tích lịch sử văn hóa hiện hữu. Đến đây, mọi người thường nói vui, chắc chúng mình đến “hồi xuân” sẽ có thêm năng lượng để chinh phục con người và cảnh đẹp thuận hơn đến nơi khác. Trong không khí vui cười ấy, tôi lại nhớ có một nhà nghiên cứu văn hóa đã từng nói: “Người Quan Hóa không chỉ có đặc sản núi rừng, sông suối, tiềm năng thủy điện, kể cả các món ăn ẩm thực hấp dẫn mà còn có một nền văn hóa vật thể và phi vật thể đáng nhớ.” Trong quá khứ đến bây giờ, Hồi Xuân thực sự là bức tranh ngọc bích. Trên non dưới nước. Nhiều hang đá ẩn mình nép bên dòng sông Mã đã bao đời giấu đi sự kì bí. Mùa mưa nước chảy xiết, những ngọn thác oằn mình xối xả “gầm lên khúc độc hành” như thơ Quang Dũng đã từng viết. Đặc biệt “Hồi xuân” - Quan Hóa có thể xem như vùng đất “cổng trời”, với độ cao khoảng 1450m so với mặt nước biển. Ấy thế mà, cách đây trên một vạn năm đã có mặt của người tiền sử. Nhiều dấu tích trên hang động, vách đá, đã mách bảo các nhà nghiên cứu đến tìm hiểu cách sống sinh hoạt của người xưa. Theo chỉ dẫn của người địa phương, chúng tôi đến hang Lũng Mu, hang Ko Phày, hang Pa Ké. Đây chính là một cuộc hành trình leo núi mạo hiểm, không dành cho người yếu tim. Có một điều thú vị, du ngoạn trên sông bằng thuyền độc mộc (khoét từ thân gỗ) tới hang Ma, như một cuộc hành trình thám hiểm trong rừng Amazon vậy. Được biết các hang ở Hồi Xuân Quan Hóa, các nhà khảo cổ đã phát hiện một số di vật thuộc văn hóa Hòa Bình - Bắc Sơn. Ngoài ra có một dao sắt và một đồng tiền có chữ “Khai nguyên thông bảo” và một số vật khác. Đa số các hang ở đây đều chứa các quan tài của người xưa như một hiện vật còn nhiều bí ẩn. Tại đây, các nhà khảo cổ cho rằng, tục treo quan tài đốt quan tài trên các hang đá có thể bắt đầu từ văn hóa Đông Sơn đến thế kỉ XV sau Công nguyên. Vì thế, Hang Ma Hồi Xuân là địa chỉ tham quan du lịch rất yêu thích với khách du lịch say mê mạo hiểm, và cả những nhà nghiên cứu thám hiểm muốn tìm dấu vết xưa.
Ngoài việc khám phá hang động, chúng tôi đến với khu di tích Chùa Ông và Động Bà được tọa lạc dưới chân núi tại thị trấn Hồi Xuân. Bên này là Chùa Ông, bên kia là Động Bà thờ Chúa Thượng Ngàn. Hai di tích như điểm tô nét son đặc sắc, kéo du khách trở về với Hồi Xuân. Và họ sẽ không quên ghi lại những câu chuyện thuyết dân gian tình yêu hóa đá của đôi vợ chồng Cả Cò, Sao La. Theo người địa phương kể, hòn đá hình người trong Chùa Ông, Động Bà được tích tụ bởi linh khí trời đất, có thể mang lại sức khỏe và bình yên cho con người. Vì thế gắn với lễ hội Mường Ca Da tại đây, du khách bao giờ cũng đến thắp hương cho Chùa Ông, Động Bà cầu xin bình yên và phát triển. Nhất là mùa xuân lễ hội, tập trung đông khách thập phương nhiều nơi tìm đến.
Hồi Xuân là một điểm đến du lịch tâm linh nhiều tiềm năng. Đi qua phố huyện và cầu “Suối Khó” ít cây số, chúng tôi đến thăm đền thờ Thượng tướng quân Lò Khằm Ban, người có công giúp vua Lê Lợi bảo vệ đất nước trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn từ thế kỉ XV và tìm hiểu lễ hội Mường Ca Da. Lễ hội tại đây thường rước kiệu từ Chùa Ông đến đền thờ Thượng tướng lĩnh thống quân Khằm Ban. Hiện nay lễ hội đã được công nhận lễ hội văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Hơn nữa đã được sân khấu hóa mang tên: “Huyền sử Mường Ca Da” tái hiện các tích xưa về sự hình thành nên mảnh đất Mường Ca Da, đề cao công lao thân thế sự nghiệp của tướng Khằm Ban cũng như những phong tục tập quán, tín ngưỡng tốt đẹp của người Thái trên đất Mường Ca Da, từ đó thể hiện sự tri ân công đức của các thế hệ đối với người có công bảo vệ lãnh thổ xây dựng Mường Ca Da trở nên hưng thịnh. Ngoài ra còn có các trò diễn dân gian như kéo co, đẩy gậy, trình diễn các điệu khặp, mang đậm bản sắc văn hóa Việt - Lào, góp phần làm sâu sắc tình bạn thủy chung giữa hai tỉnh Thanh Hóa, Hủa Păn. Chia tay bản Chiềng Khăm - Hồi Xuân, chúng tôi không quên ghi nhớ tại nơi thờ tướng Khằm Ban, còn lưu giữ 40 sắc phong vua ban, gồm 2 đạo sắc phong thời Lê, 38 sắc phong thời Nguyễn.
Rất tiếc thời gian đến với Quan Hóa không dài, song chúng tôi đã thu nhận được nhiều điều bổ ích về những thế mạnh còn tiềm ẩn, hoặc đang được hồi sinh, kể cả nhiều điểm Quan Hóa đã làm được. Gần đây, huyện đã tập trung xây dựng, phát triển du lịch cộng đồng tại bản Hang (Phú Lệ), bản Bút (Nam Xuân), bản Vinh Quang (Phú Nghiêm). Các hoạt động du lịch trải nghiệm khám phá Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông; liên kết tổ chức các sự kiện thể thao, du lịch gắn với hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, hỗ trợ kết nối các điểm du lịch lân cận như Bá Thước, Mai Châu (Hòa Bình) để thu hút khách. Đồng thời hướng dẫn khách khám phá ruộng bậc thang; dệt thổ cẩm; làm rượu cần men lá, thưởng thức ẩm thực bản địa; lưu trú homestay vô cùng hấp dẫn. Chỉ nhìn qua hàng loạt các giải pháp của huyện và tỉnh kêu gọi vốn đầu tư của các doanh nghiệp, nhất là của Nhà nước thời gian qua cho những chương trình phát triển trọng điểm, xây dựng kinh tế hạ tầng và các khu di tích văn hóa lịch sử, đủ thấy bước đi đúng hướng. Tuy nhiên, để Quan Hóa phát triển kinh tế xã hội, có dự án như khu du lịch Bến En hoặc tiếp cận Sa Pa trong tương lai, các nhà quản lí cần phải kêu gọi nhiều doanh nghiệp lớn vào đầu tư, mở rộng hơn nữa. Không hiểu sao, nghĩ về con đường tìm ra giải pháp phát triển Quan Hóa từ vùng đất có nhiều lợi thế này, cứ suy nghĩ miên man trong tôi. Và giờ đây, tôi đã nghe tiếng rừng xanh vọng lại, tiếng sông Mã chuyển động bên những cánh rừng đại ngàn vi vút. Tiếng suối bên kia sông, vẫn chảy rì rào như những bản nhạc ballad cất lên du dương trong trẻo. Tôi nhận ra lòng mình như trẻ lại, vì đã được đến một vùng đất có nhiều khát vọng đã và đang thắp sáng tình yêu mỗi người.
Chia tay Quan Hóa, hẹn ngày gặp lại, chúng tôi hi vọng, Quan Hóa trong tương lai sẽ là điểm thu hút hàng chục nghìn lượt khách du lịch trong nước và quốc tế tìm đến. Với niềm tin và “khát vọng xứ Thanh”, chắc chắn Quan Hóa sẽ trở thành điểm sáng không phụ lòng người. Nó sẽ là địa chỉ gần gũi thân thương, đến rồi nhớ mãi không quên, là niềm yêu với đông đảo mọi người khắp các vùng miền trên cả nước.