Phép lạ mỗi ngày - truyện ngắn của Nguyễn Thị Miền |
Nhiều người cứ cho rằng, ngày nay không còn những chuyện thần kì nữa, rằng chuyện cổ tích chỉ có thể bắt đầu bằng "ngày xửa ngày xưa"...
Thực ra, chẳng phải như thế, những phép màu luôn xảy ra trên thế gian này, có điều ai là người nhìn thấy nó mà thôi. Tất nhiên, không phải ai cũng nhìn thấy. Như thế thì còn ra quái gì nữa.
Với một số người, những điều lạ lùng hấp dẫn với họ bây giờ là mèo máy, người máy, và tóm lại chỉ toàn những "máy" là máy. Những tâm hồn mèo máy thì... dĩ nhiên là không nhìn thấy chuyện cổ tích rồi, cho dù nó có xảy ra ngay trước mắt đi nữa. Những người như thế cho rằng, sự tiến bộ của cuộc sống này là ở chỗ làm sao để nhấn những cái nút, thế là tất cả có sẵn.
Trong cơn giông chiều qua ngay trên mái hiên của một phố phường đông đúc và hiện đại bậc nhất của Hà Nội chẳng hạn cũng đã xảy ra một chuyện thần kì: Lúc ấy, giông cực kì to, mưa cực kì lớn, và tất cả đều bất ngờ đổ ập xuống. Những người đi đường đều ướt hết cho dù đã vội vàng nấp vào một mái hiên gần đó. Lúc giông to nhất, mọi người nhắm tịt cả mắt lại... (đã nhắm tịt mắt thì tất nhiên còn nhìn thấy cái gì nữa). Chỉ có mỗi một anh chàng sinh viên áo xống phong phanh là mở to mắt nhìn ánh chớp xanh lè vừa xoẹt qua. Nhờ ánh chớp ấy, anh nhận ra đang lúp xúp chạy giữa đường là một cô bé ôm chồng báo ướt sũng. Anh ta vội lao ra kéo con bé vào hiên nhà. Đứng đây vẫn bị ướt đấy nhưng mà đỡ sợ, nhưng mà không bị gió tạt. Con bé độ mười hai tuổi, tóc bết vào khuôn mặt gầy gò. Nó lập cập kể (tất nhiên là khi đã tan giông) rằng nhà nó ở vùng biển. Bão bất ngờ, con giận dữ của biển đã đem cha và hai anh nó đi vĩnh viễn, để lại mẹ con nó bơ vơ. Và nó đã ra đây, đi làm đỡ tiền cho mẹ nuôi em.
Trong căn gác trọ của mình, người sinh viên ấy đã giúp nó hong khô đống báo ướt, và cậu ta mang chồng báo bị cong queo, cứng lại do hơ bếp điện, bán cho các bạn trong lớp sau khi đã nói rõ nguồn gốc của nó. Ngày hôm đó, con bé không phải trả lại tờ nào cho người chủ. Hàng ngày, nó vừa đi bán báo vừa đến chỗ quán trọ học thêm và mượn sách để đọc. Chẳng phải cơn giông ấy là một sự may mắn của số phận dành cho con bé hay sao? Và chuyện ấy chẳng phải là một phép màu biến nó từ chỗ không hi vọng gì về tương lai, nay lại được mơ ước, mơ ước từ những trang sách của người học trò nghèo cho mượn. Sau này, biết đâu rằng, đó chính là câu chuyện hồi ức tuổi thơ của một nhà văn hay một cô giáo, một phó tiến sĩ nào đó.
Chuyện cổ tích luôn xảy ra trong cuộc sống của bạn, cho dù bạn đang sống trong thời đại có rất nhiều loại máy, và có cả tim nhân tạo, nên nhớ cho tôi điều đó. Nói đến tim, tôi không thể không kể chuyện này. Có người đàn ông một hôm vì vội vã để trú mưa mà đâm sầm xe máy của mình vào đuôi một chiếc taxi tải có thùng bịt kín. Tay lái xe anh đập vào ngực anh. Trái tim nứt ra một kẽ nhỏ. Người ta vội vã đưa anh vào bệnh viện. Lẽ ra, tim vỡ thì phải chết ngay. Tim nứt cũng thế thôi. Nhưng mà anh thì mới chỉ ngất đi. Lúc ấy, anh thấy mình bay lơ lửng đến một thế giới nào lạ lắm. Có rất nhiều cây xanh, có tiếng chim hót vui vẻ và một gương mặt phụ nữ dịu dàng xinh đẹp đang mỉm cười với anh qua những kẽ lá. Anh cố mấp máy môi mà không nói được, chỉ thấy gương mặt càng gần lại, ấm áp mềm mại. Anh nhắm mắt, những giọt nước mắt nho nhỏ ứa ra (thế mà bình thường, trong đời dường như anh đã quên đi cái việc gọi là "khóc nhè" này từ khi bắt đầu lớn). Thế giới nơi anh chưa bay lên, nơi anh - vẫn sống mấy chục năm qua, anh không thấy được hình ảnh nào tương tự như thế này, êm dịu và dễ chịu như thế này. Có bàn tay nhẹ đặt lên trán anh, rụt rè. Có hương thơm như mùi sen quanh quất đâu đây. Mùi thơm của loại hoa anh yêu thích nhưng đã quá lâu không còn được ngửi thấy. Nơi anh sống, đó là những bản hợp đồng kinh tế hàng ngày anh phải kí duyệt, là những máy móc thiết bị nhập về, bán đi, ngày một hiện đại hơn là những bộ mặt đề phòng trong các cuộc đàm phán liên quan đến tiền bạc.
Rồi, anh cũng rời thế giới ấy trở về với giường bệnh, nơi thể xác đau ê ẩm của anh đang nằm bất động. Anh mở mắt và mỉm cười hạnh phúc. Những người xung quanh reo lên, ngạc nhiên không hiểu vì sao anh lại cười rạng rỡ sung sướng như thế.
Anh ra viện, trở về với nhịp sống hàng ngày, sáng đi học ngoại ngữ, chiều đến cơ quan 5h chiều lao vào cuộc đấu bóng bàn, tối lại học ngoại ngữ và mười giờ ba mươi đêm nghe đọc truyện đêm khuya của Đài Tiếng nói Việt Nam. Thỉnh thoảng anh lại mỉm cười một mình, mắt mơ màng nhìn đi tận đâu. Có người bảo anh sau khi tai nạn hóa ra hơi hâm hâm. Còn anh thì thấy thực sự hạnh phúc. Anh lại cười khi có ai bảo mình hâm và thầm nghĩ: được hâm như tớ đã may quá. Nếu cứ nứt tim như thế thì, chẳng những không thấy sợ, mà còn...
Lại nói tiếp chuyện cơn giông. Trong ánh chớp sáng lòa trời đất, khi mọi người nhắm tịt cả mắt lại, thì anh sửng sốt nhận ra cô gái đứng cạnh mình mang gương mặt đã gặp trong cơn mê trong chuyến du ngoạn của lần nứt tim. Chuyện tất nhiên sẽ tuần tự xảy ra, ai mà chẳng đoán được. Rằng anh cho cô mượn áo mưa, anh đưa cô về nhà, rồi lại trả áo mưa, rồi lại đưa về nhà, rồi mượn mọc nhờ vả, rồi, rồi... yêu và lấy nhau. Họ sinh được hai đứa con kháu khỉnh bụ bẫm. Chuyện gặp gỡ trong mơ anh chả nói với ai, giấu biệt. Nói ai người ta tin họ sẽ bảo: bây giờ lại hâm nặng hơn thì ảnh hưởng đến các loại hợp đồng kinh tế lắm. Ai mà muốn kí với người hâm.
Chuyện ấy chẳng đáng gọi là phép lạ hay sao? Anh nói với vợ rằng đó là anh và cô lỡ duyên kiếp trước nên kiếp này được đền bù, rằng anh đã chờ cô từ khi chưa đầu thai làm người trên cõi nhân gian này...
Nứt tim như thế, kể cũng đáng... Cuộc đời còn lắm lắm chuyện thần kì. Cứ chịu khó tin, chịu khó kiếm tìm đi, thế nào cũng thấy!
Nguyễn Thị Miền | Báo Văn Nghệ
------------
Bài viết cùng chuyên mục