Chuyện đời thường - truyện ngắn của Bùi Thanh Minh |
Chị Liên đi dạy học về, bé Hiền chạy ra đón mẹ. Vẻ bí mật bé kéo mẹ vào nhà chỉ vào góc tường.
- Mẹ ơi, mẹ trông kìa.
Một con chó vện choai choai nằm thu lu ở góc nhà. Đôi mắt nó nhìn chị.
Chị Liên hỏi con:
- Ở đâu vậy, con?
Bé Hiền chạy lại ôm lấy cổ con vật, vuốt ve. Vện ta được thể lăn ngửa, hai chân trước quặp lấy cánh tay bé Hiền, miệng liếm láp, chiếc đuôi ngoe nguẩy, phe phẩy như chiếc chổi lông quét trên mặt đất.
- Không biết nó ở đâu chạy vào nhà mình, nằm gí ở gầm giường. Con đuổi mãi nó cũng không đi. Cu cậu hiền lắm mẹ ạ - Nói rồi bé Hiền buông con vện, chạy lại ôm lấy mẹ, dụi đầu vào sườn mẹ, tung đôi chân đẩy làm chị Liên siêu người.
- Mèo vào nhà thì khó. Chó vào nhà thì sang... Con cho nó miếng cơm. Rồi ai người ta xin con cũng phải trả.
Trẻ và chó rất chóng làm thân với nhau. Chiều ấy, khách vào nhà, vện ta đã ra dáng là chủ nhân, đứng choãi chân, ngẩng cao đầu gâu gâu sủa.
Tin nhà cô giáo Liên có con chó vện choai choai lạc vào nhà lan nhanh khắp xã thông qua hàng trăm chiếc "loa kim" học sinh trong trường. Cô Liên thông báo trong lớp để các em học sinh về xem ai người ta mất, thì nói họ đến nhận. Cô nghĩ, chẳng qua là để bé Hiền và các học trò của cô tiếp nhận ý thức "được của rơi, trả lại người mất" mà thôi. Ai ngờ, từ hôm thông báo lại xảy ra bao nhiêu là phiền phức.
*
Thoạt đầu là ông Phó chủ tịch xã phóng chiếc cúp 81 màu ốc biêu đến.
Ngồi xuống ghế, ông vừa uống nước, xởi lởi:
- Đi sang huyện có chút việc, ghé vào thăm cô và gia đình, tiện có chuyện trao đổi với cô.
Chị Liên rót thêm nước cho khách, rồi thu gối ngồi tiếp chuyện. Chị nói:
- Có chuyện gì, bác cứ nói... Trường em...
- Nghe, có con chó vện nhơ nhỡ lạc vào nhà cô. Gớm, từ hôm mất tôi cho an ninh tìm hết cả hơi. Nghe bọn học sinh kháo tôi mới biết. May nó lạc vào nhà cô, chứ vào nhà khác thì nó bóp giềng mẻ từ lâu. Tôi nuôi dễ đến bốn, năm tháng đấy.
Chị Liên hỏi nhẹ:
- Vâng ạ. Em chỉ sợ vô phúc nó cắn ai thì khổ. Bác thấy đấy, nhà em có nuôi chó bao giờ... Bác uống nước nữa đi, lát nữa bác bắt nó về cho em.
Chị Liên dẫn khách xuống bếp. Bé Hiền khoanh tay chào khách. Phó chủ tịch cười, xoa đầu bé:
- Cháu ngoan. Con vện của bác đâu?
Chị Liên đẩy cửa. Chú vện ngước đôi mắt xanh lè, phát hiện người lạ nó bỗng hộc lên một tiếng, định chồm lên nhưng không được, đành rút vào góc bếp, cong lại, xù lông, ép sát vào tường, bốn cái răng nanh nhọn hoát trắng ởn nhe ra, mép chun lại, gừ gừ phòng thủ.
Ông lấy lại phong độ, bình tĩnh tiến lên một bước, giơ tay phải vẫy gọi:
- Vển vền vện... về nhà đi!
Lập tức vện ta táp hai táp vào không khí, phát ra âm thanh hiếu chiến như tiếng chửi: "ẩu, ẩu". Vện định chồm lên, nhưng không được, đành co lại góc tường, nhe răng phòng thủ. Đôi mắt vện như muốn hỏi: "Ông là ai? Nếu ông động vào tôi, hãy coi chừng!"
Ông giật mình lùi lại. Một thóang lo sợ làm da mặt ông hơi tái. Rồi ông lấy lại tư thế:
- Cha mày, thấy chủ cũ không mừng, lại cắn.
Rồi ông toan hùng dũng dấn thêm một bước.
Vện bí đường rút, phải chồm lên. Ông sợ quá, né người sang một bên suýt va vào cô giáo. Lợi dụng sơ hở, vện ta lao đánh vút ra khỏi cửa, biến mất.
Phó chủ tịch hoàn hồn, quay lại chị Liên:
- Thôi! Để lúc khác tôi cho an ninh ra bắt. Giống chó là thế đấy.
Bé Hiền dụi đầu vào sườn mẹ, đôi chân tung lên như hai cái chân vịt. Chị Liên chào khách rồi quay lại thở nhẹ, giấu một nụ cười mỉm.
*
Hai hôm sau, vào một buổi chiều chị Liên đạp xe đi chợ. Một người đàn ông bảnh bao, đeo chiếc kính cận, đi chiếc xe máy DREAM II, lịch sự gỡ kính đến chào:
- Xin chào cô giáo.
Chị Liên nở nụ cười và đáp:
- Vâng... chào anh... xin lỗi... anh là...?
Người đàn ông dáng tri thức giới thiệu:
- Tôi là Lân, kĩ sư hải sản, làm bên xí nghiệp đông lạnh gần nhà cô đấy thôi.
Chị Liên cười:
- Chào anh Lân. Tôi đi vắng suốt, thành ra hàng xóm láng giềng nhiều khi cũng vô tâm... anh bỏ quá.
Kỹ sư Lân hạ giọng:
- Cô ạ, xí nghiệp đông lạnh chúng tôi muốn có một cửa hàng giới thiệu sản phẩm ở khu vực phía nam huyện. Anh em ngắm mãi, thấy cửa nhà cô thuận lợi hơn cả, vừa mặt đường lại trung tâm thị tứ... Không phải bàn và quyết định bây giờ đâu. Nhưng nếu chị cho phép, hẹn hôm nào đó chúng tôi sẽ bàn bạc cụ thể.
- Vâng ạ, hôm nào mời các anh đến nhà rồi ta bàn được kỹ... giờ em cũng đang bận, anh ạ.
- Tôi cũng thế... Từ hôm mất con chó đến nay, ngày nào hết giờ làm việc, nhà tôi cũng bắt tôi phải phóng xe đi tìm.
Buông lời xong, Lân lắng nghe chờ đợi. Đôi mày thanh tú của chị Liên giãn ra, chị nói vô tư:
- Con chó vện phải không anh?
- Đúng đó.
Chị Liên thành thật:
- Vậy thì nó lạc vào nhà em gần 2 tuần rồi.
Lân bình tĩnh giải thích:
- Tôi nuôi nó cũng được bốn, năm tháng rồi còn gì. Con chó đực, tên nó là Nu Nu.
- Đực, cái thì em không để ý. Nhưng nó ngoan đáo để. Thằng bé nhà em quý nó lắm. Thôi nhé, em cũng đang bận. Lúc nào mời anh qua nhà.
- Cảm ơn cô giáo. Đúng là hôm nay tôi gặp may. Thôi, hẹn cô thế này nhé: Tối nay, nếu cô ở nhà, tôi sẽ đến bàn việc và xin cô con Nu Nu về.
Tối đó, vừa hết "Bông hoa nhỏ" thì Lân cưỡi DREAM đến. Anh dựng xe, lấy gói bích quy Trung Quốc và một miếng thịt đã rán chín gói trong giấy, vui vẻ bước vào nhà.
Bé Hiền được mẹ báo trước, nên cu cậu đã cho vện ăn no, đang ngồi vuốt ve "nói chuyện" để chuẩn bị "chia tay".
Lân bước vào cửa, con vện hực lên một tiếng rồi toan chồm lên tấn công. Chị Liên vội quát đe chó. Bé Hiền thì ghì chặt con vện ghìm xuống, không cho nó xông lên. Lân khựng lại ở cửa, vội vàng lên tiếng hòa hoãn:
- Nu Nu.
- Đâu đâu!
- Nu Nu.
- Đâu đâu!
Mỗi lần tiếng "nu, nu" êm ái ở miệng Lân phát ra là đôi mắt vện hằn học, mõm nó đáp lại bằng điệp khúc "đâu đâu". Lân trao cho bé Hiền gói bánh rồi bảo:
- Đấy cô xem. Giống súc vật là thế. Mới chưa đầy hai tuần mà đã quên tên ngay.
Con vện nằm trong gầm giường ấm ức điều gì oan uổng. Nó không thanh minh được, nên cứ gừ gừ, nghiến ngoắng trong cổ họng như bị câm. Thỉnh thoảng lại sủa lên một tiếng "đậu".
- Tôi có mang theo sợi dây xích cô ạ - Lân rút trong túi ra sợi xích nhỏ, rồi nói tiếp - Xin lỗi cô, tôi là tôi nhát chó lắm.
Lân dỡ cục thịt thơm trong gói, cúi xuống gầm giường ném cho con vện và miệng gọi: "Nu, Nu".
Con vện không đoái hoài gì đến miếng thịt ngon to tướng mà nó sừng sổ lao ra, suýt tợp vào mặt Lân. Sợ quá, Lân bật người trở lại, tái mặt:
- Thôi cô Liên ạ. Mai tôi bảo cháu nó sang vậy. Chào cô nhé!
Lân cũng chẳng nhắc đến chuyện cửa hàng giới thiệu sản phẩm, vội cưỡi lên xe, nổ máy, vù thẳng.
Con vện đuổi theo chiếc DREAM sủa cho đến khi khuất.
Ngồi nhìn con vện nô đùa với bé Hiền, lòng chị Liên bỗng thấy thương thương con vật. Nó hiền lành, ngoan thế kia, chỉ vì, "sa cơ, lỡ bước", gặp cảnh ngang trái nên mới phải dữ dằn, hung tợn. Mất chủ, nên ai cũng muốn chiếm đoạt nó. Chị muốn bảo vệ con vật, nhưng biết làm thế nào - một khi nó không phải của nhà mình.
Một hôm, vào sáng sớm chị Liên chuẩn bị lên lớp thì có bác nông dân khỏe mạnh, lực điền, da đen bóng, tuổi chừng ngoại 60, vác chiếc đòn càn nhọn hoắt xồng xộc bước vào sân. Sau khi chào cô giáo, bác tự giới thiệu:
- Tôi là Phao, người thôn trong ta. Chị về làm dâu nên không biết. Chứ chồng chị với nhà tôi còn có họ đấy – Dừng một chút, bác nói tiếp - Nghe các cháu học sinh bảo con chó Mich nhà tôi lạc vào nhà cô. Cô cho tôi xin, công nuôi nấng hết bao nhiêu xin hoàn lại cô giáo.
Chị lễ phép chào, rồi mời bác vào nhà nghỉ và bảo bé Hiền đi gọi con vện về.
Nghe tiếng gọi của bé Hiền, con vện thong dong treo chiếc lưỡi đỏ lòm ở cửa mõm về. Vừa trông thấy vện, bác Phao đã reo:
- Ô đúng rồi. Chính nó! Chó cái loại đốm lưỡi khôn đáo để. Nhất mực, nhị vàng, tam khoang, tứ đốm mà lại.
Chị Liên suýt phì cười vì câu ví von lung tung của bác Phao. Nhưng khuôn mặt thật thà của bác khiến chị lặng thinh.
Con vện ứ hừ vài tiếng rồi cụp đuôi chui tọt vào trong nhà. Bác Phao bảo bé Hiền lấy cơm cho con vện ăn, rồi lấy dây xích, xích cổ nó vào chân giường. Cầm chiếc đòn càn, bác xông vào nhà.
Con vện chồm lên, nhưng bị dây xích giằng lại Bác Phao dùng đòn cần gìm giữ dây xích, rồi lân dần đến cổ con vện. Lập tức vện ta vít chặt cổ xuống đất, đít nó chồi lên văng bên này, vật bên nọ, miệng ú ú căm tức. Nháy mắt, người nông dân lực điền đã trói xong con chó, xọc vào đầu đòn càn cất lên vai, nói tỉnh bơ:
- Chi cho mày ba lít - Nói rồi bác quay ra - Thôi, chào cô giáo nhé.
Bé Hiền đứng ngây nhìn con vện bị trói lặt hai chân trước ra sau lưng treo lủng lẳng dưới chiếc đòn càn đang quằn quại sau lưng bác Phao, mắt bé rơm rớm nước vẻ hối hận, rồi bé dụi đầu vào lưng mẹ.
Chỉ trưa hôm đó, chị Liên ở trường về đã lại thấy bé Hiền ôm con vện bông bông như ru em ngủ. Thì ra, đang chuẩn bị cắt tiết thì bác Phao để xổng. Đôi môi chị Liên nở ra như vừa trút được bận lòng.
*
Sự việc tưởng giản đơn, nhưng bây giờ lại rắc rối, phiền phức. Được cái, chị Liên cũng hiền lành, dịu dàng, chứ phải người khác không khéo lại to tiếng rồi. Đến mức này, chị muốn gọi ai cho quách con chó đi cho rồi. Nhưng thực ra từ hôm có con vện, bé Hiền như được bạn chơi, cứ quấn quýt suốt ngày. Hiền đi đâu về là vện ta mừng tíu tít, ngúng nguẩy, dồ, đạp, miệng ư ử đến cuống quýt. Hơn nữa, cho ai là người ta sẽ làm thịt, cũng tội. Lại lỡ ra, có người đến xin lại thì cũng phiền. Thôi đành... chờ vậy.
Bẵng đi vài hôm, vào một buổi trưa, bé Hiền dắt con vện ra bờ sông săn chuột. Chị Liên ở nhà giặt giũ thì có người đàn ông chạc 35 tuổi tự xưng là chủ chiếc tàu buôn, đến xin chuộc lại con vện. Anh ta bảo:
- Tàu tôi đỗ dưới cảng này đã hơn 2 tuần nay. Con Mít Su lên bờ rồi bị lạc. Giống chó nuôi dưới thuyền, khi lên bờ thường hay bị lạc chị ạ.
Chị Liên cười nụ trả lời:
- Vâng, của bác thì bác cứ mang về giúp em.
Khi bé Hiền dắt con vện về, chị Liên cố ý ra đón tận ngõ, đe nẹt con chó không được cắn. Nghe lời chủ nhà, con vện ngoan ngoãn theo bé Hiền vào góc nhà, chịu xích vào chân giường.
Người chủ tàu lên giọng sang quý:
- Mit Su, Mit Su - Quay sang chị Liên, anh ta nói - Giống chó cái lại huyền đề bốn chân là quý lắm chị ạ. "Dù ai buôn bán trăm nghề. Không bằng nuôi chó huyền đề bốn chân". Tàu tôi ăn nên làm ra cũng là vì nuôi nó đấy cô ạ.
Lúc này chị Liên mới để ý. Quả thật, bốn chiếc chân có bốn cái móng mọc như thừa ra. Nó là con chó cái, vậy mà cái anh kĩ sư hôm nọ lại bảo chó đực.
Con vện ngóp đôi mắt nhìn trộm, rồi cụp đuôi thu lại. Người thương gia nói với chị Liên:
- Công mẹ con chị chăm sóc hơn ba tuần nay, hết bao nhiêu tôi trả - Để phụ họa với lời nói, người thương gia đưa bàn tay phải, chĩa hai ngón xỉa vào ngực trái của mình. Nhưng trơn tuột, vì không có túi, nên bàn tay lại lặng lẽ trở về chỗ cũ.
Chị Liên nhỏ nhẹ:
- Đáng bao nhiêu anh. Nó lạc vào nhà ai mà chẳng cho ăn. Hơn nữa nó cũng coi nhà cho tôi anh ạ.
- Cám ơn chị.
Chị Liên gỡ chiếc dây xích dắt con vện ra cửa trao cho khách. Khi anh ta kéo con vện lại gần chiếc xe máy, thì vện ta gồm hai chân trước, rồi nó ngúng ngoắng, vừa rú rít sủa ông ổng.
- Mít Su, Mít Su - Người chủ tàu vừa quát vừa ghì kéo.
Con vện bị lôi xềnh xệch, không còn đường thoát, nó bỗng chồm lên tợp một nhát xé rách cánh tay trần của người chủ tàu, máu tóa ra.
Bị chó cắn bất ngờ, người chủ tàu vội buông dây xích. Con vện thừa cơ kéo chiếc dây xích chạy biến.
Người chủ tàu mặt tái xám, vừa ôm cánh tay máu me vừa kêu la:
- Tôi bắt đền nhà chị. Chó nhà chị cắn người ta. Tôi có làm sao, chị hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Chị Liên hốt hoảng, song vẫn không thể giấu được nụ cười nhẹ:
- Ơ hay, anh bảo con Mít Su huyền đề là của anh cơ mà.
Sáng chủ nhật tuần ấy, có một chú bé trạc tuổi bé Hiền đang chăm chú bắt chuồn chuồn ở của nhà. Chú chợt ngẩng lên gặp cô Liên, liền lấy tư thế lễ phép chào:
- Em, em... chà- chào cô (chú bé nói lắp).
Khuôn mặt trái xoan của chị Liên dịu lại. Chị chào cậu bé, và chưa kịp hỏi cậu bé muốn gì, thì con vện từ trong nhà lao vụt ra. Chiếc đuôi của nó ngoáy tít, mắt nó sáng ra như cười, nó ư ử và quấn lấy cậu bé. Lúc đầu nó đặt chân lên bụng cậu bé cào cào, sau rồi nó đưa cả hai chân lên ngực, liếm cả mặt và tay; nó cuống quýt buông ra, lại vồ lấy cậu bé như tìm kiếm hơi người quen thuộc. Cuối cùng cậu bé đành phải quát:
- Cộc, nà... nằm xuống!
Tức thì, con chó nằm sấp xuống theo lệnh.
- Đứng lên... chà chào - Cậu bé ra lệnh tiếp.
Con Cộc lập tức đứng bằng hai chân sau, toàn thân dướn lên, hai chân trước chụm lại chào.
Chú bé "bắt tay" con Cộc, rồi ra lệnh cho nó nằm xuống. Quay sang cô giáo, chú bé lễ độ:
- Thưa cô cô, co - con Cộc này từ - từ khi co - còn bé tí -tý teo no -Nó đã khô - khôn lắm cơ. E- em -dạy nó biết cha- chào và biết cả nha nhảy ta- tăng gô nữa ạ.
Chị Liên cười, tiến lại xoa đầu cậu bé:
- Em hãy mang nó về...
Bé Hiền thì bịn rịn, đôi mắt rơm rớm:
- Cậu nhớ cho nó ăn no và đừng đánh nó nhé.
Cậu bé cảm ơn và chào cô giáo rồi gọi con Cộc đi. Con Cộc chạy trở lại dúi mõm vào chân chị Liên, rồi chạy sang bé Hiền liếm láp cánh tay, rồi thong thả đi lại đứng cạnh cậu bé và ngẩng lên hết nhìn bé Hiền, lại nhìn cậu bé, chiếc đuôi nó phe phẩy. Chị Liên nhìn vào đôi mắt cậu bé, đôi mắt bé Hiền và cả đôi mắt con Cộc, chị phát hiện thấy chúng đều trong veo, vô tư đến lạ.
-----------
Bài viết cùng chuyên mục: