Tuần vừa qua, người hâm mộ toàn cầu bàng hoàng trước sự ra đi đột ngột của nam ca sĩ Liam Payne, cựu thành viên của nhóm nhạc pop nổi tiếng One Direction. Giọng ca trẻ người Anh vô tình ngã xuống từ tầng 3 tại một khách sạn (Argentina) và tử vong ngay sau đó. Trong khi người hâm mộ đang bày tỏ tiếc thương, những bài báo “mổ xẻ” cái chết của Payne dồn dập trên truyền thông. Công chúng lên án về hành động này, không chỉ với những bức hình để lộ một phần cơ thể của nạn nhân sau cái chết, mà còn là những mô tả thiếu tế nhị về cố nghệ sĩ như “dùng chất kích thích, mắc chứng loạn thần, ảo giác”.
Những ngọn nến và bông hoa tưởng nhớ Liam Payne được đặt trước khách sạn nơi anh qua đời là sự tưởng nhớ và lời an ủi. Nhưng cách đó một vòng Trái đất, tại Hàn Quốc, cũng có một cuộc “để tang” cho một nam thần tượng nhạc pop khác (dù họ đang sống). Ngay cả khi không phải là một người hâm mộ Kpop, công chúng cũng đã ít nhiều biết đến những cuộc biểu tình bằng hoa tang và xe tải có biểu ngữ vẫn diễn ra.
Giữa tháng 10/2024, một cuộc biểu tình bằng hoa tang của người hâm mộ đã diễn ra, có thể nói là lớn nhất trong lịch sử Kpop. Một nghìn vòng hoa tang được đặt ngay ngắn trước cổng toà nhà của công ty giải trí SM Entertainment, để phản đối sự quay trở lại của thành viên Seunghan của nhóm nhạc RIIZE. Người gửi những vòng hoa tang là fan của nhóm nhạc; người nhận hoa tang là một nam thần tượng (Seunghan) bị lộ ảnh hẹn hò “nhạy cảm” trước đó. Người hâm mộ hùa vào trêu đùa “lễ hội hoa cúc tại Seoul, mở cửa miễn phí”; thậm chí có người còn quay các video nhảy nhót trước các vòng hoa tang để đăng tải lên mạng xã hội (TikTok).
Đây là một trong hàng trăm vụ biểu tình của người hâm mộ Kpop trong nhiều năm qua. Những cuộc biểu tình đầy tính bạo lực lạnh này thường được hoạt động rất quy củ, và đôi khi, mang tính toàn cầu. Người hâm mộ tiến hành thông báo về cuộc biểu tình, kêu gọi ủng hộ và tiến hành gửi vòng hoa tang hoặc xe tải đến trước toà nhà của các công ty giải trí theo lịch đã được lên sẵn. Trong câu chuyện “lễ hội hoa cúc miễn phí” kể trên, người hâm mộ đến từ Việt Nam cũng được cho là có tham gia. Nếu có “ẩn dụ” nào đó về vòng hoa tang, người hâm mộ Hàn Quốc đã đẩy ý nghĩa của nó từ sự tưởng nhớ sang bạo lực, khắc sâu nỗi đau thay vì sự an ủi.
Ca sĩ Seunghan rời RII2B cho thấy mặt tối của KPop. Ảnh: SM/Times now |
Nếu chuyện hâm mộ thần tượng Âu - Mỹ hay Kpop vẫn còn xa xôi, chúng ta có thể quay về với Việt Nam. Bê bối của thần tượng ca sĩ, diễn viên, hoa hậu, người ảnh hưởng trên mạng xã hội năm nào cũng có nhưng cơ chế phản ứng không phải lúc nào cũng giống nhau. Trong những năm vừa qua, các hiện tượng “bạo lực lạnh” các người nổi tiếng, có ảnh hưởng trên mạng xã hội diễn ra cục bộ và nóng bỏng hơn bao giờ hết.
Với trào lưu “đu idol” quốc nội đang tăng cao, khán giả ngày càng ủng hộ và cũng khắt khe với những thần tượng “chệch chuẩn”. Từ việc một nam ca sĩ chối bỏ trách nhiệm làm cha đến một người nổi tiếng bạo hành vợ của mình; từ một ngôi sao trẻ đang lên bỗng trở thành “tội đồ” bởi những hành động không đúng mực trên mạng xã hội. “Xin lỗi, tôi là…” trở thành “văn mẫu” của nhiều nghệ sĩ Việt Nam khi hình tượng của họ sụp đổ trong lòng công chúng.
Dù không gửi hoa tang, xe tải biểu tình nhưng không thể nói văn hoá thần tượng (cụ thể, văn hoá tẩy chay) của người hâm mộ Việt Nam yếu thế hơn. Bên cạnh những bài viết, video ngắn “bóc phốt”, người hâm mộ còn chế ảnh, hài-nhại (parody) về các bê bối của các nghệ sĩ. Những phê phán này, ở góc độ nào đó, đã tạo ra sự tích cực, giúp cho người nghệ sĩ nhận ra và điều chỉnh hành vi của mình. Người hâm mộ Việt Nam không còn dễ dãi nhưng các hành động tẩy chay cực đoan vẫn tiếp tục “leo thang”.
Trong một thời gian dài, hiện tượng tẩy chay những nghệ sĩ gặp bê bối thường được “núp” dưới những hội nhóm trên mạng xã hội. Những “Hội anti ca sĩ A”, “Hội anti người nổi tiếng B” đầy rẫy trên mạng xã hội, với số thành viên lên đến vài chục đến cả trăm nghìn người theo dõi. Nội dung được bàn luận trong các nhóm này, thường là làm tổn hại danh tiếng hay bôi nhọ (defamation) thần tượng mà họ không ưa thích. Giờ đây, văn hoá tẩy chay của fan Việt diễn ra khắp mọi nơi, với đủ mọi cấp độ, thậm chí là rất cực đoan.
Ý tưởng sân khấu - Ảnh minh họa. |
Khán giả kết nối với thần tượng (ca sĩ, diễn viên, người nổi tiếng…) thông qua các sản phẩm văn hoá, nghệ thuật. Trong một bộ máy chạy hết tốc lực của nền công nghiệp giải trí, những sản phẩm này không chỉ phải đẹp mà còn phải hấp dẫn và đa dạng. Nhưng bản chất của kết nối đó luôn đến từ sự hâm mộ, tức những tưởng tượng, vốn có tính hướng thượng - tức hướng đến sự thanh cao, những giá trị chân thiện mỹ. Người hâm mộ phóng chiếu bản thân vào những tưởng tượng cao đẹp đó, và “uỷ thác” vào các thần tượng với các giá trị cao cả, đẹp đẽ. Vậy điều gì sẽ xảy ra khi một thần tượng sụp đổ hình tượng?
Ngày nay, người hâm mộ có bao nhiêu cách để ủng hộ thần tượng, thì cũng có từng ấy cách để “bức tử” một thần tượng. Đó cũng là lý do để văn hoá tẩy chay (boycott/ cancel culture) trở nên thịnh hành và nhức nhối trong hai thập kỷ trở lại đây. Những hoạt động này được hô hào trên các nền tảng mạng xã hội, bằng những từ khoá (hashtag), thể hiện hành động yêu quý và cả bạo lực. Không chỉ dừng lại ở mạng ảo, văn hoá tẩy chay còn được đẩy lên ở mức cực đoan, bởi những hoạt động có tổ chức kín kẽ. Bất cứ một thần tượng (Kpop) nào đó sụp đổ hình tượng, dù ở mặt pháp luật hay đạo đức, thậm chí mới chỉ dừng lại ở nghi vấn, đều có khả năng cao nhận hoa tang hoặc xe tải biểu tình.
Không chỉ thần tượng mới có quyền lực, người hâm mộ ngày nay cũng vậy, dù bản chất của sự hâm mộ (giữa khán giả và thần tượng) là không hề thay đổi. Khi cán cân quyền lực giữa thần tượng và khán giả ngày càng được cân bằng, những hành động cực đoan của người hâm mộ quá khích sẽ tiếp tục bùng nổ. Điều này đang trở nên độc hại khi người hâm mộ ngày càng có những hành động cực đoan. Rất khó để nói rằng, việc gửi hoa tang, xe tải biểu tình hay công khai hạ nhục (bằng các hình thức như miệt thị cơ thể, giới tính, hạ nhục nhân phẩm…) thì đâu mới là hình thức gây tổn thương nhiều hơn.
Tiến sĩ Hoàng Thị Thu Hà - Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội - trong bài viết Hâm mộ sự băn khoăn trên tạp chí Tia sáng cho rằng: “Khi thần tượng có các quan điểm về chính trị, về giới gây tranh cãi, vi phạm pháp luật như trốn thuế, bạo hành, quấy rối tình dục, v.v, đó là lúc người hâm mộ và công chúng nói chung phải đối diện với các băn khoăn và mong tìm một câu trả lời.” Nhận định này cho thấy, người hâm mộ cũng rơi vào thế “lưỡng nan” khi đối mặt với những vấn đề gây tranh cãi của thần tượng, rằng họ cũng rơi vào một cơn khủng hoảng và hoang mang của riêng họ.
Tuy nhiên, từ sự khủng hoảng đến các hành động mang tính bạo lực lạnh cho thấy một sự đứt gãy về mặt thấu cảm, và càng khiến cho vấn đề đi vào ngõ cụt. Phê phán các hành động gây tranh cãi của thần tượng là không sai, nhưng hơn bao giờ hết, sự phê phán này cần được ứng xử văn hoá hơn. Và vấn đề này là hết sức cấp thiết, và cần suy tư nhiều hơn, không chỉ ở người hâm mộ mà còn là đại chúng.