Sáng 21/3/2017, sau đúng 150 ngày mất (21 – 10 – 2016) của nhà văn Lê Văn Thảo, để cùng ôn lại những kỷ niệm, cũng như ghi nhận những đóng góp của ông cho nền văn học nước nhà, Hội nhà văn TPHCM đã tổ chức ra mắt tập sách “Nhà văn Lê Văn Thảo trong lòng đồng nghiệp”.
Ngoài những người thân, thì còn có rất đông bạn bè, đồng nghiệp và bạn đọc của cố nhà văn Lê Văn Thảo tới dự buổi ra mắt sách.
Nhà thơ Lê Tú Lệ, Phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật – Ban Tuyên giáo Thành Ủy thành phố HCM và họa sĩ, tiến sĩ Trang Phượng, nhà báo Lê Tiền Tuyến, Phó tổng biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng…cũng tới tham dự.
Nhà thơ Phan Hoàng, Phó chủ tịch Hội Nhà văn TP HCM cho biết, đây là lần đầu tiên hội nhà văn TP HCM tổ chức bản thảo cho một nhà văn quá cố, với các bài viết của đồng nghiệp và các nhà nghiên cứu…về nhà văn ấy. “Đúng 150 ngày sau khi nhà văn Lê Văn Thảo mất thì cuốn sách ra đời, như là một nén hương sâu lắng để tưởng nhớ một người anh, một nhà văn với rất nhiều kỷ niệm”.
Người em gái ruột của nhà văn Lê Văn Thảo là bà Dương Cẩm Thúy (chủ tịch Hội điện ảnh TP HCM) khi được mời phát biểu đã có những chia sẻ hết sức xúc động. “Tôi là em út trong gia đình. Khi cầm quyển sách trên tay, tôi vừa đọc vừa chảy nước mắt, đọc đến đâu khóc đến đó. Tôi xúc động bởi tình cảm của đồng nghiệp, độc giả dành cho anh mình. Hi vọng mọi người sẽ giữ được tình cảm này mãi như thế”.
Nhà báo Lê Tiền Tuyến, người từng có khoảng thời gian gắn bó với nhà văn Lê Văn Thảo cũng có những chia sẻ hết sức chân tình. Với nhà báo Lê Tiền Tuyến, nhà văn Lê Văn Thảo là một người bình dị, chân phương dù ông có ở cương vị nào đi chăng nữa. “Anh cũng không bao giờ tranh cãi vấn đề gì quá gay gắt. Tôi cũng như những người trẻ nhận ra được bài học ở anh là mình cứ làm việc của mình cho tốt, đừng có đòi hỏi, yêu cầu nhiều quá”.
Nhà Văn Trần Nhã Thụy, Trưởng Ban nhà văn trẻ TP HCM là một người thân thiết, gắn bó với nhà văn Lê Văn Thảo cũng có những giây phút xúc động khi nhớ lại những kỷ niệm đã từng có với ông. Với nhà văn Trần Nhã Thụy, ông là người luôn hết lòng vì những người viết trẻ: “Tôi vốn là một người từ nông thôn ra thành phố học tập, sinh sống. Giống như một cái duyên trong cuộc đời, những năm đầu tiên của đại học và thời tuổi trẻ bơ vơ thì gặp được những người tốt. Trong đó có nhà văn Lê Văn Thảo, nhà thơ Hoài Ân…Trong ký ức của tôi luôn luôn nhớ về những người anh, người chú thân thương đó. Và tính cách Nam Bộ của những người đàn anh, đàn chú trong giới văn nghệ ảnh hưởng đến cuộc sống của tôi. Không biết nói gì hơn, trong tận sâu thẳm của trái tim tôi nhớ lại những khoảnh khắc rất là đẹp của đời sống văn nghệ lúc chập chững mới vào, biết ơn những đàn anh đàn chú đã giúp đỡ, nhiều khi chỉ là một ánh mắt, một nụ cười, một cử chỉ để tôn trọng một con người còn rất là bơ vơ với tuổi trẻ”.
Nói về con người văn chương của nhà văn Lê Văn Thảo, Phó giáo sư tiến sĩ Võ Văn Nhơn, là người chuyên nghiên cứu về văn học Nam Bộ, cho biết: Nhà văn Lê Văn Thảo có một sở thích rất là thú vị, đó là ông rất thích dậy sớm để đi chợ. Ông cho rằng đi chợ để quan sát chợ thì mình sẽ rút ra được những điều rất là thú vị. “Và tôi nghĩ từ những quan sát đó mà anh đưa vào tác phẩm của mình. Về nghệ thuật viết văn của nhà văn Lê Văn Thảo thì tôi thấy anh cũng như những nhà văn Nam bộ khác, cũng tiếp thu ngôn ngữ của văn chương Nam bộ, nhiều khi ông kể chuyện hết sức là tĩnh, viết như là chơi”.
Về cuốn sách “Lê Văn Thảo trong lòng đồng nghiệp”, nhà thơ Lê Tú Lệ mong muốn cuốn sách này sẽ đầy đặn hơn, phong phú hơn, không chỉ nhà văn Lê Văn Thảo trong lòng đồng nghiệp, mà còn trong lòng đồng chí, trong lòng bạn bè và độc giả.