Tại lễ trao giải âm nhạc uy tín Grammy 2025 vừa qua, nghệ sĩ Kendrick Lamar đã chiến thắng 5 giải thưởng, bao gồm Ca khúc của năm, Bản ghi âm của năm và Màn trình diễn nhạc rap xuất sắc nhất với Not Like Us. Điều đáng nói ở đây là, Not Like Us là một bản nhạc “rap diss”. Đối tượng nam nghệ sĩ tấn công chính là một đồng nghiệp khác, Drake. Lời bài hát của Not Like Us khai thác các chủ đề, đẩy mạnh các cáo buộc liên quan đến vấn đề đạo đức và luật pháp như ấu dâm, quấy rối tình dục hay chủ đề về “bản dạng văn hoá” nhắm tới Drake. Sau đó, Kendrick Lamar đã bị đâm đơn kiện phỉ báng chống lại Universal Music Group. Một số nhà phê bình âm nhạc cũng như đặt ra những câu hỏi sâu sắc về việc sử dụng các sự thật (fact), hay lập luận về các chủ đề nhạy cảm trong một bài hát “rap diss” qua trường hợp của Not Like Us. Tuy vậy, ca khúc Not Like Us vẫn được xem là ví dụ kinh điển về một bản nhạc “diss” khi nó thành công ở nhiều phương diện: tấn công được rapper khác (trong một trận đối đầu/rap chiến), thành công về mặt thương mại, bảng xếp hạng cũng như chiến thắng các giải thưởng âm nhạc uy tín. Đây không phải là lần đầu tiên một ca khúc “rap diss” chiến thắng giải Grammy hay nhận được những lời tán dương. Phát biểu khi nhận giải, Kendrick Lamar chia sẻ, “Không gì mạnh mẽ hơn nhạc rap. Đó là văn hoá. Nó sẽ luôn ở đây và sống mãi. Hãy tôn trọng hình thức nghệ thuật này vì nó sẽ đưa bạn đến nơi bạn cần đến.” |
Rap là một thể loại âm nhạc đại chúng được tạo ra bởi cộng đồng người Mỹ gốc Phi thông qua ca từ được đọc nhanh, đầy tính nhịp điệu trên nền nhạc được thu âm trước đó (theo Từ điển Oxford). Nhạc rap gắn liền với văn hoá đường phố, trong các tầng lớp lao động, cùng một hệ thống kỹ thuật và thẩm mỹ độc đáo, khác biệt. Cũng như nhiều thể loại âm nhạc khác, rap có cách thể hiện phong phú, phát triển cùng chiều dài và lịch sử văn hoá của người da màu, nay đã lan rộng ra toàn cầu.
Ngay từ khi thể loại nhạc rap phát lộ tại Việt Nam từ hơn 2 thập kỷ trước, khán giả đã nhanh chóng thấy nó xuất hiện trên truyền hình, bên cạnh những hình thức khác trong tiểu văn hoá này, với các thực hành nghệ thuật hiphop, breakdance, graffiti (vẽ tranh tường)... Những cái tên như Hà Okio, Đinh Tiến Đạt (Mr Dee) hay những tên tuổi trẻ trung hơn như Kimmese, Suboi cũng đã sớm xuất hiện trên sóng VTV. Khán giả thời điểm đó còn “dè chừng” với rap; công chúng bây giờ đã cởi mở hơn nhưng không ít người vẫn thấy chưa thuận tai. Tuy nhiên, vẫn có hàng trăm nghệ sĩ hoạt động ngầm, làm nhạc trong các tổ đội, hội nhóm trên các nền tảng, diễn đàn, kênh chia sẻ nhạc thông qua mạng Internet.
Nhạc rap Việt Nam chảy theo một dòng riêng, không chỉ ảnh hưởng từ những nghệ sĩ da màu hàng đầu mà còn là những rapper da trắng, hay K-pop (nhạc pop Hàn Quốc), K-hiphop (nhạc hiphop Hàn Quốc)... Từ những người chơi nhạc ngầm (underground) hai thập kỷ trước, nhạc rap trở thành chủ lưu trong dòng chảy nhạc đại chúng Việt Nam những năm gần đây. Cảm ơn hai chương trình Rap Việt và King of Rap đã không chỉ đưa thể loại âm nhạc này đường hoàng lên sóng truyền hình, mà còn thúc đẩy một nhánh văn hoá có gốc gác từ người gốc Phi đến đại chúng trong nước. Nhưng nhạc rap, cùng với văn hoá của nó, vẫn chưa được “giáo dục” đủ sâu và rộng tại Việt Nam, khiến nhiều người loay hoay khi tiếp cận lẫn thưởng thức.
Rap Việt, đôi khi được định danh từ những phản ứng của người làm nhạc lẫn khán giả. Những thuật ngữ như “rap love” với hàm ý có phần mỉa mai, chỉ những nghệ sĩ chuyên sáng tác về chủ đề tình yêu, vốn là một trong những nhánh nhỏ trong kho chủ đề mà các nhạc sĩ, người viết lời rap khai thác. “Battle rap” chỉ những trận đối đầu giữa các nghệ sĩ chơi rap; và “rap diss” là những bản nhạc nhằm tấn công đối thủ trong trận đối đầu đó. “Rap diss” từ lâu đã là một đặc trưng văn hoá của thể loại âm nhạc này. Flex (khoe khoang, một hiện tượng nổi tiếng trong những năm gần đây trên mạng xã hội Việt Nam) cũng là một chủ đề, biểu hiện của nó trong nhạc rap gọi là văn hoá flexing. Hay “rap fan tháng 8”, thuật ngữ để chỉ những người hâm mộ thể loại âm nhạc này kể từ khi hai chương trình Rap Việt và King of Rap lên sóng truyền hình. Đây là những người mới biết đến nhạc rap và chưa hiểu sâu sắc cũng như văn hoá ám trùm lên nó. Số đông khán giả nghe nhạc rap tại Việt Nam đều mới mẻ, và tiếp cận nó ở khía cạnh âm nhạc (như các thể loại khác như pop, r&b, rock...) thay vì hiểu sâu sắc về văn hoá hiphop. Đó là điều bình thường, và không có gì gây tranh cãi.
Sự phổ biến của nhạc rap tại Việt Nam khiến nhu cầu sáng tác, biểu diễn cũng như thưởng thức ngày càng tăng cao. Những đại nhạc hội có màu sắc nhạc rap nhiều hơn và số lượng các nghệ sĩ trẻ hàng đầu của Vpop hiện nay cũng đến từ thể loại này. Những cái tên được ngưỡng mộ như Suboi, Rhymastic, Karik, LK cho đến các thế hệ trẻ như HIEUTHUHAI, tlinh, Phúc Du... đã tạo được ảnh hướng đến người nghe nhạc pop nói chung và nhạc rap/hiphop những năm gần đây. Rap không còn xuất hiện ngấm ngầm trong văn hoá đại chúng Việt Nam, nó đã “tấn công” vào quảng cáo, thành công với những chiến dịch truyền thông của các nhãn hàng.
|
Cũng từ đây, nhạc rap với bối cảnh văn hoá Việt Nam cũng dần có những phân cực nhất định. Có thể tạm gọi là “rap ngoan” và “rap hư”, dù đây là cách gọi không chính thống nhưng mô tả đúng phần nào không khí sáng tạo và thưởng thức thể loại này ở trong nước. Rap ngoan nhằm chỉ những bài rap “đúng chuẩn”, mang đến những chủ đề và ca từ phù hợp với quan điểm, thẩm mỹ của người Việt. Những bài hát lấy chủ đề về tình yêu, tình cảm gia đình, những nỗ lực cống hiến, những ý chí vượt qua khó khăn... với cách viết lời đẹp, tế nhị cũng như các kỹ thuật trong sản xuất âm nhạc, viết lời (gieo vần, ẩn dụ, cách chuyển tải) hay flow (nhịp điệu riêng biệt của mỗi nghệ sĩ). Đen vâu được xem là một những nghệ sĩ “rap ngoan” với nhiều ca khúc rất tình cảm, có chủ đề và ngôn ngữ đẹp như Mang tiền về cho mẹ, Nhạc rừng, Đi về nhà...
“Rap hư” là thuật ngữ không chính thống, chỉ những bài hát có chủ đề cũng như ca từ trái với thuần phong mỹ tục (khái niệm để chỉ toàn bộ những phong tục, truyền thống, quan niệm đạo đức, lối sống tốt đẹp, lành mạnh của một dân tộc), hoặc các yếu tố phi đạo đức, trái với chuẩn mực thông thường. Đa số những bài “rap hư” đều chứa những yếu tố như ca từ nhạy cảm về tình dục, hoặc các chủ đề, ngôn ngữ không đúng chuẩn. Nhóm Rap Nhà Làm (cụ thể là Low G và Chí) đã sám hối tại chùa và bị xử phạt 45 triệu đồng vì nội dung dung tục trong bài nhạc Thích Ca Mô Chí trước đây. Hay như bài hát Censored của rapper Chị Cả bị chỉ trích vì chứa các yếu tố loạn luân, vật hoá phụ nữ. Ca khúc này cũng đã bị xử phạt 35 triệu đồng kèm yêu cầu gỡ bỏ các bản thu. Các bài hát khai thác chủ đề hấp dẫn tình dục như Mẩy Thật Mẩy của Bigdaddy hay Hâm Nóng của Emily chứa các nội dung phản cảm, đã bị gỡ bỏ khỏi các kênh âm nhạc.
Quả thực, sẽ thiếu hợp lý khi đặt hai bài hát Bắc Bling (Hoà Minzy, Xuân Hinh, Masew, Tuấn Cry) - một bài hát nổi tiếng được yêu thích và khen ngợi khi kết hợp yếu tố nhạc đại chúng (gồm cả rap/hiphop) và bài hát Sự nghiệp chướng (Pháo) bị gán cho là dung tục lên một “toạ độ” so sánh chung. Nhưng cũng từ hai ca khúc tạo hiệu ứng và thu hút bàn luận của công chúng từ đầu năm 2025 này, lộ ra câu chuyện “rap ngoan, rap hư” tại thị trường âm nhạc Việt Nam. Hai bài hát vốn có hai chủ đề, hai góc tiếp cận và hai mục đích khác nhau. Bài hát của Hoà Minzy trở nên thịnh hành, không chỉ với khán giả trong nước mà còn là quốc tế, tạo nên những kích thích khám phá văn hoá truyền thống Việt Nam. Dù Bắc Bling bị chê về ca từ còn thô, nhưng không thể phủ nhận đây là một bài hát thành công trong việc chuyển tải các yếu tố văn hoá truyền thống theo hướng mới mẻ, hấp dẫn. Trong khi đó, Sự nghiệp chướng là một bài “rap diss”, có mục đích tấn công một người khác - mà chủ thể sáng tạo (Pháo) cho rằng người đó có những hành vi không đúng mực, cần “bút chiến” để phê phán.
Nhạc rap vốn là một thể loại được du nhập vào Việt Nam, hàm chứa những nét văn hoá khác biệt với bản địa. Rất khó để cảm nó nếu không tìm hiểu về văn hoá, nơi mà nó xuất phát và phát triển qua chiều dài nửa thế kỷ vừa qua. Những hiện tượng nhạc rap vừa kể trên không chứng minh một điều gì khác ngoài sự đa dạng và xu hướng thịnh hành của thể loại này tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Trong quá trình phát triển của nó, tất yếu sẽ có những “sai lỗi” và sự điều chỉnh để tìm thấy một hướng đi trong một nền văn hoá đặc biệt như Việt Nam. Cũng chính vì thế, lắng nghe và quan sát sự phát triển nhạc rap cần nhiều hơn nữa sự thấu hiểu, để đánh giá chân xác giá trị của nó, để không rơi vào “hoang mang” khi tiếp nhận cũng như phê phán. Tất nhiên, những nghệ sĩ theo đuổi dòng nhạc rap cũng sẽ tự nhiên điều chỉnh, để tìm thấy một hướng đi phù hợp, trong khai thác chủ đề cũng như cách viết ca từ của mình. Khi một sản phẩm âm nhạc có tính mục đích, hướng đến các nhóm đối tượng khán giả riêng biệt cao độ như rap/hiphop, sự đa dạng và gây tranh cãi của nó còn tiếp tục và không thể thay đổi, hay đảo ngược.