Nói gì thì nói, Nobel vẫn là giải thưởng “đỉnh của đỉnh”. Đỉnh, bởi đó là giải thưởng văn chương được thành lập sớm nhất, tuổi đời đến nay đã 101 năm (1901 - 2022), và được bảo hiểm bằng trị giá giải thưởng lên tới khoảng 1 triệu đô la, hơn 20 tỉ đồng, ở thời điểm bây giờ. Giải Goncourt danh giá của Pháp tuổi tác chỉ kém Nobel tí chút, bắt đầu từ 1903, nhưng trị giá giải thưởng chỉ có ý nghĩa tượng trưng: 10 euro. Giải Pulitzer của Mĩ ra đời năm 1917, trị giá hiện nay là 15.000 đô la. Cuối cùng, giải Man Booker của Anh thành lập năm 1969, trị giá 50.000 bảng, tức chừng 55.000 đô la, so với Nobel vẫn là một trời một vực.
Cho dù Nobel không thể cân đo đong đếm hết mọi giá trị, không phải là thang đánh giá duy nhất, thì vẫn là một giải thưởng đáng ước ao. Tác phẩm của tác giả sau khi đoạt giải Nobel nhìn chung sẽ được in ấn xuất bản khắp thế giới, được đọc, được nghiên cứu, tìm hiểu. Tác giả đó cũng sẽ trở thành niềm tự hào của quốc gia họ. Nếu coi khía cạnh tiền bạc là trần tục, và coi phần thưởng lớn nhất của nhà văn là được đọc, thì Nobel chính là giúp nhà văn có người đọc khắp thế giới. Điều ấy chẳng đáng khao khát hay sao? Vì thế, bất chấp những phán xét rằng giải Nobel bị trao thiên lệch, tại sao trao cho tác giả này mà bỏ qua tác giả kia, rằng Viện Hàn lâm Thụy Điển đang ngày càng già cỗi, rằng họ đang bị chính trị hóa, rằng họ ngày càng ít tư cách để phán truyền chân lí..., giải Nobel vẫn sừng sững đứng đó để tôn vinh vẻ đẹp trác tuyệt của ngôn từ.
Hằng năm cứ đến cuối tháng chín đầu tháng mười là các bảng cá cược Nobel lại được hâm nóng, người ta thi nhau dự đoán, đặt cược, dù phần lớn là đoán… trượt, khiến cho không khí văn chương toàn cầu nóng lên. Ở Việt Nam cũng không ngoại lệ, cuối tháng chín vừa qua báo chí đã rôm rả đưa tin dự đoán, và trên các diễn đàn văn chương, đọc sách, trên newsfeed của tôi, mọi người cũng xôn xao bàn về Nobel 2022. Tàn Tuyết ư, Tàn Tuyết là một khả năng, nhưng mới cách đây 10 năm Mạc Ngôn cũng là nhà văn Trung Quốc đã giật giải rồi. Nhà văn nữ kì này hiện diện trong bảng cá cược nhiều thế nhỉ, nữ quyền lên ngôi à. Ồ tác giả này chưa nghe tên bao giờ, nói gì đến đọc… Vì thế, một tác giả nào đó được giải Nobel thì lượng bán tăng là điều đương nhiên. Nhưng tăng như thế nào, còn tùy vào bối cảnh mỗi nước. Bài viết này chỉ làm chút so sánh giữa Âu Mĩ và Việt Nam.
Lucien Leitess, Giám đốc Nhà xuất bản Unionsverlag tại Thụy Sĩ phát biểu: “Không có ngoại lực nào tác động đến tác giả và sách của họ mạnh như giải Nobel. Đấy là thứ chấn động nhất có thể xảy ra với một tác giả.” Công ti xuất bản Unionsverlag của ông in tác phẩm văn chương của các tác giả khắp thế giới và đã có 4 tác giả giật giải Nobel, nên có những trải nghiệm thú vị xung quanh giải thưởng. Ví dụ như trường hợp tác giả người Ai Cập Naguib Mahfouz, mà khi được xướng tên đã gây bất ngờ lớn vào năm 1988: “Không ai biết đến ông, thậm chí người ta còn không đánh vần nổi tên ông ấy. Suốt 3 năm chúng tôi chỉ bán được 300 cuốn sách của ông, và rồi, bán 30.000 bản trong 3 phút.” Leitess cũng cho biết cả J.M.Coetzee và Alice Munro đều bán hơn 300.000 bản trong những tháng ngay sau khi giành giải. Tuyển tập slee của Alice Munro được xuất bản tại Bắc Mĩ, chỉ 2 ngày trước khi công bố giải thưởng Nobel 2013, các hiệu sách ở Canada đã lập tức trữ khối lượng lớn cuốn sách này trong kho.
Suhrkamp tự hào là nhà xuất bản ở Đức có nhiều tác giả giành Nobel nhất, dĩ nhiên trải nghiệm những khoảnh khắc sáng lòa. Nobel văn chương năm 2019 gọi tên Peter Handke, là tác giả thứ 16 của nhà này nhận giải thưởng văn chương chói sáng nhất hành tinh. Trong vòng 7 tuần sau khi mang danh hiệu nhà văn Nobel, công ti Suhrkamp đã bán được 150.000 bản các cuốn sách của Peter Handke! Patrick Modiano thì có nổi tiếng ở Pháp, ở mức độ vừa vừa, còn đối với thế giới nói tiếng Anh thì ban đầu ông chỉ như một “bóng hình của gió”. Nhưng khi đã sở hữu Nobel năm 2014, sách của ông được in lại và in mới, rất dễ tìm kiếm, cuốn Sleep of Memory ra năm 2017 trở thành best seller trên Amazon. Dĩ nhiên không thể tránh được, sẽ có những tác giả dù có giải thì lượng bán cũng không khác biệt mấy tí, mà trường hợp này hay rơi vào thơ. Nhà thơ Tomas Transtr#mer, Nobel 2011, khó mà bán được nhiều hơn vì bây giờ mọi người ít đọc thơ. Ở Việt Nam cũng không có nhà xuất bản nào mua thơ của ông về in. Năm 2009 tôi có tham gia dự án xuất bản tập Thơ Thụy Điển, nhằm giới thiệu các nhà thơ Thụy Điển tới công chúng Việt Nam, trong đó Tomas Transtromer hiện diện là một trong những chân dung văn chương quan trọng nhất, nhưng một số bài thơ dịch trong tập sách đó vẫn là những bài thơ duy nhất của ông được giới thiệu ở Việt Nam đến thời điểm này. Nhà thơ Mĩ Louise Gluck, Nobel 2020, ở Anh, đất nước tương đồng ngôn ngữ, trước đó cũng rất ít người biết bà là ai. Tại Việt Nam bà từng xuất hiện khiêm tốn trong tuyển tập 15 nhà thơ Mĩ thế kỉ XX in năm 2004, một cuốn sách chẳng mấy ai để ý. Sau Nobel 2020, có cuốn Aubade - thơ Louise Gluck do dịch giả Mộc Nhân Lê Đức Thịnh giới thiệu, nhưng tất nhiên là nó chìm nghỉm trên thị trường. Khả năng cao là dịch giả tự bỏ tiền xuất bản, hoặc có nguồn tài trợ nào đó.
Nhà văn Annie Ernaux (người Pháp), giải Nobel văn học 2022Trước Nobel, khi theo dõi các bảng cá cược (Ladbrokes, Nicer Odds…), những tác giả có “nguy cơ” Nobel đã được tìm đọc, và việc bán các tác giả này có tăng nhẹ. Tuy nhiên câu chuyện chỉ khác biệt khi một tác giả được xướng tên. Năm nay là Annie Ernaux.
Cộng đồng mà tôi tham gia đa số là những người viết, những người yêu văn chương và yêu sách nói chung. Hai cuốn Một chỗ trong đời và Hồi ức thiếu nữ của Annie Ernaux, đã xuất bản trước đây, lập tức được lùng tìm. Những người đã mua được sách từ trước thì khoe lên đắc ý. Những người chưa có thì tiếc nuối, cảm giác như đã bỏ lỡ một điều quan trọng. Những người đã có sách mà chưa đọc bèn lôi ra đọc mà gật gù. Người ra hiệu sách mua được sớm hào hứng khoe nhau.
Tâm lí đọc sách bị kích động bởi Nobel là chuyện hoàn toàn có thật. Tôi nhớ chính tôi năm 2008 đến dự buổi ra mắt cuốn Mãi đừng xa tôi của Kazuo Ishiguro tại Hội đồng Anh với tư cách cộng tác viên báo chí, đã được tặng một bản sách. Nhưng tôi lật lật mấy trang rồi cất đi, cho đến khi thấy ông được giải Nobel mới lôi cuốn sách bụi mù từ một góc cao trên giá xuống, hì hụi đọc.
Nhưng những con số hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn bản của tác giả Nobel bán được mà ta thấy ở xứ Âu Mĩ là một giấc mơ đối với xuất bản nước Việt. Ở Việt Nam, với số lượng đọc sách trung bình chỉ 1,4 cuốn trên đầu người một năm, và xu hướng những năm gần đây sách phi hư cấu lên ngôi, sách văn chương xẹp lại, thì Nobel với tính chất tôn vinh văn chương đỉnh cao, đa phần khó đọc, quả là không có nhiều đất ở xứ sở nhiệt đới này.
Thông thường sách ở trong nước số bản in lần đầu tiên phổ biến là 2000. 2000 cuốn trên 97 triệu dân là một con số rất hẻo. Sách văn học Nobel thậm chí còn hẻo hơn. Mãi đừng xa tôi của Kazuo Ishiguro in lần đầu năm 2008 có mỗi 1000 bản. Trò chuyện trong quán La Catedral của Mario Vargas Llosa, Nobel năm 2010, được Nhã Nam xuất bản năm 2011 với 1000 bản in, mà đến tận năm 2022 mới tái bản giới hạn 555 bản bìa cứng. Đọc Trò chuyện trong quán La Catedral là một thách thức, nếu không vì công việc không chắc tôi đã đọc nó. Sách dày gần 700 trang, được xây dựng trên những cuộc đối thoại bất tận, chồng chéo nhau, đan xen nhau khiến ranh giới thời gian - không gian bị xóa nhòa, các điểm nhìn di chuyển chóng mặt từ nhân vật này sang nhân vật khác. Một thứ bút pháp đánh đố người đọc. Khi đó Llosa vừa giành giải Nobel, một tờ báo đặt tôi phỏng vấn dịch giả về cuốn sách. Tôi đã liên lạc với dịch giả Phạm Văn, nhưng ông không muốn một cuộc phỏng vấn hời hợt, mà phải là một bài trao đổi văn học chuyên sâu. Tôi đã phải đánh vật với cuốn sách để mà thực hiện.
Trong số những tác phẩm của tác giả Nobel và “suýt” Nobel thường được in với số lượng tối thiểu, cuốn Yêu dấu của Toni Morison, in 2018, chừng như là một điểm sáng khi trang xi nhê cuối sách mạnh dạn ghi con số bản in 2.500, có khả năng vì Yêu dấu không quá khó đọc, và câu chuyện phân biệt chủng tộc trong đó có phần nào gần gũi với người Việt chúng ta. Quả tình khi kiểm tra thì thấy hiện nay trên thị trường sách đã bán hết. Trong khi đó cuốn Chiến tranh và chiến tranh của Krasznahorkai László, cũng in 2.500 bản thì với tôi đấy là một “cái sự liều”, tác phẩm không dễ đọc tí nào, lối viết một câu kéo dài miên man thành cả chương, cả chương duy nhất chấm câu một lần (ông nhà văn này thù ghét dấu chấm chăng?), vì thế sách in từ 2017 đến nay, 5 năm đã trôi qua, vẫn chưa thấy tái bản.
Nhiều năm nay Nhã Nam là công ti xuất bản theo đuổi mảng văn chương đỉnh cao thế giới, gần như ôm hết các tác giả đã Nobel, “suýt” Nobel hoặc có khả năng cao sẽ Nobel. Vì thế việc có tác giả nào đó của Nhã Nam giành Nobel cũng chỉ là chuyện sớm muộn. Nhưng khi bạn có quá nhiều tác giả đỉnh cao và xuất hiện liên tục trong các bảng cá cược, việc chọn in thêm, tái bản tác giả nào để hứng đúng điểm rơi của Nobel là bài toán khó khăn.
Năm ngoái (2021) tác giả Annie Ernaux đạt tỉ lệ cá cược rất cao, cứ như bà sắp bỏ túi Nobel đến nơi, nhưng rồi giải lại thuộc về Abdulrazak Gurnah - một nhà văn chẳng ai biết là ai. Thành ra năm nay, khi cái tên Annie Ernaux được gọi khắp thế giới thì cuốn Một chỗ trong đời của tác giả này in từ năm 2016 đã hết sạch mà vẫn chưa được Nhã Nam in lại. May sao cuốn Hồi ức thiếu nữ vừa mới in đầu năm 2021, 2000 bản, vẫn còn để mà bán. Nhiều độc giả kêu gào lùng mua Một chỗ trong đời, việc không có cuốn này để bán ngay là điều tiếc hùi hụi với công ti xuất bản. Nhưng nếu cứ tái bản hết những tác giả “khả nghi” Nobel mà họ không trúng giải thì sách ế, tồn kho, lỗ nặng, ai chịu? Cho nên dường như việc chờ công bố Nobel xong rồi hẵng mua bản quyền tác giả trúng giải, hoặc mới tính chuyện tái bản nếu như đã in tác giả trước đó rồi, có vẻ là phương án khôn ngoan hơn.
Orhan Parmuk đoạt Nobel năm 2006, ngay lập tức Nhã Nam đã mua bản quyền 3 cuốn My Name is Red, Snow và The White Castle, để năm 2007 trình làng Tên tôi là Đỏ. Trò chuyện trong quán La Catedral của Mario Vargas Llosa, Nobel năm 2010, được Nhã Nam xuất bản ngay trong năm 2011.
Trường hợp Kazuo Ishiguro với cuốn Mãi đừng xa tôi thì đã được in lần đầu tiên năm 2008, đến năm 2017 tác giả giành giải Nobel, thì năm 2018 trên thị trường mới xuất hiện bản tái bản, 10 năm đằng đẵng đã trôi qua. Vì thế chúng ta cũng tin chắc rằng sắp tới cuốn Một chỗ trong đời sẽ trở lại tươi mới trên thị trường sách.
Dường như có một lời nguyền, nếu đã là tác giả bán chạy thì đừng mong Nobel. Điều này dường như ứng kinh khủng vào Haruki Murakami, mà văn chương cũng thuộc bậc thượng thừa, (nhưng) bán chạy, có người hâm mộ khắp nơi trên thế giới, rốt cuộc năm nào người ta cũng chứng kiến ông có mặt trong các bảng cá cược tưng bừng, có khi tỉ lệ cá cược rất cao, nhưng cuối cùng vẫn về không. Ngoài Murakami tôi không biết tác giả nào hay xuất hiện trong các bảng cá cược mà lại bán chạy khắp thế giới cả. Tóm lại ở xứ ta, các tác giả Nobel bán chạy là chuyện hoang đường. Sau khi ẵm giải lượng bán của sách các tác giả này dĩ nhiên tăng lên, nhưng với độ khó của sách Nobel, với lượng người đọc sách còn thấp ở Việt Nam, sách của các tác giả Nobel nếu đã in thì cũng chỉ có thể tái bản sau đó thêm một, hai lần, mỗi lần đôi nghìn bản, bán lai rai, là thôi.
Tuy vậy, nhìn vào những thống kê khô khan như trên, ta thấy một điều có ý nghĩa ở đây. Dù các tác giả Nobel và “suýt” Nobel hầu hết không thể thành best seller (best seller thì bét cũng phải 10.000 cuốn một năm chứ!), nhưng đấy lại là những tác giả có thể bán lâu dài, dù vòng quay tái bản chậm hoặc rất chậm. Như Tên tôi là Đỏ của Orhan Pakmuk, in lần đầu năm 2007, thong thả được tái bản vào 2013, 2016 và 2019. Giá trị những tác phẩm kinh điển có thể là mãi mãi, xứng đáng được đọc lại mãi về sau. Những cuốn sách long seller có sự ổn định vững chãi của riêng nó, đấy là một thứ tài sản về lâu dài. Chọn in những best seller để có doanh thu trong một thời gian ngắn, hay chọn theo đuổi những cuốn sách long seller giá trị, đấy là lựa chọn của mỗi nhà xuất bản. Lí tưởng nhất là một cuốn sách ban đầu best seller sau này trở thành long seller, nhưng những trường hợp ấy không nhiều. Còn đối với độc giả, đọc một tác giả Nobel, có thể thích hay không thích, nhưng chỉ việc biết không thôi đã mang lại khoái cảm rồi.
NGUYỄN HOÀNG DIỆU THỦY
* Tên bài viết do Văn nghệ đặt
Nguồn VNQĐ