Sự kiện & Bình luận

Sầm Sơn trong thơ ca xưa và nay

Lan Anh
Bút ký phóng sự
21:19 | 21/11/2024
Baovannghe.vn - Sầm Sơn đang góp phần đưa tỉnh Thanh Hóa đứng top đầu các tỉnh phía Bắc trong phát triển kinh tế, văn hóa...
aa

Thành phố Sầm Sơn được thành lập vào năm 2017 trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của thị xã Sầm Sơn theo Nghị quyết số 368/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thành phố hiện là đô thị loại III và là một địa điểm du lịch biển nổi tiếng tại Việt Nam. Cách thành phố Thanh Hóa 16km về phía Đông, biển Sầm Sơn phía Bắc giáp bờ Nam sông Mã, phía Tây giáp huyện Quảng Xương, phía Đông giáp biển Đông với diện tích tự nhiên xấp xỉ 18 km2. Đất Sầm Sơn chạy dài theo 9 km bờ biển; Phía Nam có dãy núi Trường Lệ rộng khoảng 300 ha, đây là dãy núi đá hoa Cương Diệp Thạch, được hình thành cách nay trên 300 triệu năm, vách đứng về phía biển, núi được phủ xanh bởi những cánh rừng thông, bạch đàn, cây keo lá chàm và nhiều loại cây bạt ngàn bóng mát. Quá trình tạo sơn đã để lại nhiều đỉnh cao, ngọn thấp, những Hòn Cổ Giải, ngọn Đầu Voi, hòn Trống Mái, cùng những vườn đá đẹp huyền ảo, gắn với những truyền thuyết, những huyền thoại say đắm lòng người. Nối liền dãy núi Trường Lệ về phía Bắc, hơn 5 km bờ biển còn lại nơi nào cũng có thể là bãi tắm, với bờ cát mịn, bãi biển rộng, thoai thoải và sạch sẽ, làn nước biển luôn trong xanh, nồng độ muối vừa phải, chứa nhiều khoáng chất rất tốt cho tắm biển , nghỉ dưỡng, chữa bệnh và đặc biệt, Sầm Sơn còn là niềm cảm hứng, để lại tình cảm quý mến đặc biệt cho hàng ngàn tác phẩm thơ, ca, nhạc, họa ra đời.

Theo nhà nghiên cứu Văn hóa Hoàng Tuấn Phổ viết năm 2017 trên báo Văn hóa Đời sống Thanh Hoá về Sầm Sơn xưa và nay, khi những ngư dân đi khơi, họ có kinh nghiệm nhìn núi để tìm hướng đánh bắt hải sản, họ cũng đã phát hiện ra vẻ đẹp của vùng biển nơi này và đã có những bài vè tả cảnh như:

“Sầm Sơn phong cảnh hữu tình

Hòn Hèo cao nhất, hòn Gành thứ hai,

Thứ ba ngọn núi Phù Thai

Thứ tư Cổ Giải nằm ngoài Đầu Voi...”

Và “Một bài thơ họa” đáng chú ý là của một vị đại quan triều đình Huế: Phạm Liệu: Từ thuở non trên, bể dưới non/ Còn người, còn bể, núi non còn/ Mênh mông bể rộng đo gì thước/ Rải rác non xa biết mấy hòn/ Gió quét hơi nồng lòng đó mát/ Trăng lên chiếu sáng dạ đáy tròn/ Non xanh nước biếc người trong sạch/ Thu xếp đem về một nét son.

Bài họa của Vương Tứ Đại, ngoài những ý tưởng chung những hình ảnh đẹp:

Bể rộng ai đào để đắp non/ Vết chân Độc Cước tới nay còn/ Lô nhô sườn núi nhà thưa mái/ Khấp khểnh chân mây đá mấy hòn/ Mặt bể trong veo dòng nước biếc/ Đầu thềm vằng vặc bóng trăng tròn.”

Bãi biển Sầm Sơn 100 năm trước (Ảnh Tư liệu)
Bãi biển Sầm Sơn 100 năm trước (Ảnh Tư liệu)

Khi xưa, vùng đất này thuộc huyện Quảng Xương và chỉ có dãy núi Gầm án ngữ phía nam vùng đất mà ngư dân đi biển quen gọi là Mũi Gầm, sau dần dần đổi thành núi Sầm (Sầm Sơn), địa danh này cũng còn được gọi là núi Trường Lệ (làng chân núi này cũng gọi là Làng Núi hay làng Trường Lệ). Từ năm 1907, người Pháp đã nhìn thấy tiềm năng và bắt đầu khai thác giá trị du lịch của bãi biển Sầm Sơn để xây dựng thành nơi nghỉ mát phục vụ người Pháp và vua quan triều Nguyễn. Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (ngày 7 tháng 5 năm 1954), cảng Lạch Hới xã Quảng Tiến (nay là phường Quảng Tiến), Sầm Sơn được giao nhiệm vụ là điểm tập kết đón người dân, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc (ngoài ra còn tập kết ở Cửa Hội, Nghệ An). Ngày 27/10/2024, tại thành phố Sầm Sơn đã diễn ra lễ kỷ niệm 70 năm Đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tâp kết ra Bắc rất long trọng và xúc động. Với lịch sử hàng trăm năm hình thành và phát triển, vùng biển du lịch Sầm Sơn đã đi vào thơ ca, nhạc họa như lẽ tất yếu.

Các đại biểu ấn nút khánh thành Khu lưu niệm đồng bào, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc tại TP. Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.Ảnh: VGP/LS.
Các đại biểu ấn nút khánh thành Khu lưu niệm đồng bào, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc tại TP. Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.Ảnh: VGP/LS.

Trong bài thơ “Xa vắng” của nhà thơ Hữu Thỉnh sáng tác tại biển Sầm Sơn tháng 2 năm 1999, ông viết:

“Xa vắng quá bồn chồn đi hỏi cát

Đường đông người, đâu nhỉ dấu chân em

Xa vắng quá một mình đi hỏi bến

Người sang đò có dặn sóng gì thêm

Xa vắng quá tần ngần đi hỏi chợ

Người mua gương dạo ấy có hay về?

Người mua gương đã một lần trở lại

Soi tưng bừng, rồi lặng lẽ quay đi.”

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn khi đến Sầm Sơn đầu hè 2018. Ngồi bên hòn Trống Mái nhìn ra biển cả mênh mang khiến chị nhớ về một kỷ niệm đẹp trong ký ức:

“Trước tôi bao nhiêu năm

Đôi tình nhân ở đó

Sau tôi bao nhiêu năm

Họ vẫn còn tình tự.

Cô gái dỗi, quay đầu

Chàng trai tha thiết dỗ:

“Em, em nhìn đi đâu

Thôi đừng xa cách nữa!”

Rừng thông non xào xạc

Và biển xa dạt dào

Và con đường tít tắp

Và bầu trời xanh cao.

Tôi qua đây khoảng khắc

Bỗng nhớ ai vô cùng

Lời dỗ dành thương mến

Đá tạc vào mênh mông”

Ảnh: Hòn Trống Mái tại Sầm Sơn (ảnh Tư liệu)
Ảnh: Hòn Trống Mái tại Sầm Sơn (ảnh Tư liệu)

Bài Lục bát “Bên hòn trống mái” của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến viết tại Sầm Sơn không chỉ ca ngợi vẻ đẹp của mảnh đất này mà còn nói lên khát vọng tình yêu của con người Sầm Sơn.

Cõng đá lên non

Một cặp trống mái một hòn

Vọng phu

Em trèo lên

Đỉnh phù du

Hóa mây trắng giữa âm u

Cõi người

Ta Người thơ mải rong chơi

Xuống biển làm hạt cát mời

Cô đơn.

Ngoài những tác phẩm thơ của các nhà thơ nổi tiếng viết về Sầm Sơn với biết bao kỷ niệm và ký ức trìu mến, Sầm Sơn cũng đã đi vào nỗi nhớ của nhiều tác giả đến từ khắp nơi trên mọi miền đất nước khi chỉ một lần hay đã nhiều lần đến với bãi biển đẹp thơ mộng này. Tác giả Thanh Tâm viết trong bài thơ “Tình ta với biển”:

Mặt biển xa sóng xô bờ dào dạt

Vỗ liên hồi từng lớp sóng ngoài khơi

Chia tay rồi lưu luyến mãi không thôi

Bởi bao lần ghé thăm nhưng rất vội…

Ta yêu biển và bao lần gặp gỡ

Dang đôi tay ôm con sóng tràn bờ

Trong lòng ta biển hiền dịu nên thơ

Đừng buồn nhé đợi ta ngày trở lại…

Tác giả Đỗ Thế Hưng về với Sầm Sơn và thăm nhiều danh lam, thắng tích nổi tiếng xứ Thanh. Với cảm xúc chân thành, tác giả viết trong bài thơ “Anh đã tới quê em”:

Anh về với quê em Thanh Hóa

Thăm cây cầu Lịch sử Hàm Rồng

Đã góp phần tạo lập chiến công

Của một thời sục sôi đánh Mỹ…

Anh đã đến quê hương Hậu Lộc

Thăm đền Bà – Nữ tướng Triệu Thị Trinh

Một con người, khí phách kiên trung

Những chiến tích còn lưu hậu thế,

Anh về Sầm Sơn nơi hẹn hò tri kỷ

Ngắm bình minh, ở phía chân trời

Nhìn đoàn thuyền vượt sóng ra khơi

Tiếng biển reo hòa cùng nắng ấm

Biển quê em, rộng dài đẹp lắm

Đất quê em, trăm dặm cánh cò

Người quê em, nết đẹp thành thơ

Bao du khách về với Sầm Sơn, Thanh Hóa.

Sầm Sơn đẹp trong thơ, ca là vậy, nhưng để có con số cụ thể thì như ông Lê Văn Tú - Chủ tịch UBND thành phố Sầm Sơn cho biết: Trong 9 tháng đầu năm 2024, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, song dưới sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy Thanh Hóa, sự chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của Tỉnh, Thành phố, cùng với sự nỗ lực của các phòng ban, đơn vị, Sầm Sơn đón được 8,58 triệu lượt khách, doanh thu du lịch đạt 16.482 tỷ đồng. Tổng sản lượng lương thực có hạt ước đạt 7.268,76 tấn. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 23.010 tỷ đồng. Thu ngân sách vượt dự toán tỉnh giao, ước đạt 2.051 tỷ đồng. Với đa ngành nghề, Thành phố Sầm Sơn hôm nay đã và đang trở thành một thành phố du lịch lớn mạnh, với khát vọng sánh vai cùng những thành phố du lịch nổi tiếng cả nước, đã và đang không chỉ đón khách du lịch đến từ trong nước mà cả khách quốc tế với hệ thống hạ tầng ngày càng hoàn thiện, các công trình phục vụ dịch vụ đa dạng, chất lượng cho cả bốn mùa. Sầm Sơn đang góp phần đưa tỉnh Thanh Hóa đứng top đầu các tỉnh phía Bắc trong phát triển kinh tế, văn hóa, đặc biệt là ngày càng nâng cao đời sống nhân dân. Nhìn về xa xưa hàng trăm năm trước và sự đổi thay nhanh chóng về mọi mặt của một Sầm Sơn hiện đại hôm nay là chủ đề cho ra đời nhiều tác phẩm thơ, ca, nhạc, họa giá trị để Sầm Sơn mãi đi vào nỗi nhớ không chỉ của người Thanh Hóa mà còn in trong nỗi nhớ của người dân Việt Nam với bao tình cảm thiết tha, trìu mến.

Bức chân dung quý hiếm của danh họa Caravaggio lần đầu xuất hiện trước công chúng

Bức chân dung quý hiếm của danh họa Caravaggio lần đầu xuất hiện trước công chúng

Baovannghe.vn - Caravaggio, thiên tài nghệ thuật Baroque Ý, nổi tiếng với kỹ thuật chiaroscuro và những tác phẩm đầy sức sống, nay lại một lần nữa khuấy động giới nghệ thuật toàn cầu. Lần đầu tiên sau 60 năm kể từ khi được xác thực, bức chân dung "Monsignor Maffeo Barberini" của ông sẽ được trưng bày tại phòng trưng bày Palazzo Barberini, Rome, từ ngày 23 tháng 11 năm 2024 đến ngày 23 tháng 2 năm 2025. Đây là một sự kiện quan trọng, không chỉ đối với các nhà nghiên cứu nghệ thuật mà còn với công chúng yêu nghệ thuật.
Thu mơ - Thơ Cao Lê Hồng Rạng

Thu mơ - Thơ Cao Lê Hồng Rạng

Baovannghe.vn- Em về chạm ngõ chiêm bao/ Nghiêng vai trút hết chênh chao nửa đời
Bàn thêm về bài thơ "Tây tiến" của Quang Dũng

Bàn thêm về bài thơ "Tây tiến" của Quang Dũng

Baovannghe.vn - Ngày nay, đọc lại bài thơ Tây tiến của nhà thơ Quang Dũng, người đọc như được sống lại không khí hào hùng không thể nào quên của một thời kỳ lịch sử, mang theo cả tâm hồn đẹp đẽ, trong sáng của một thế hệ người lính xả thân để bảo vệ non sông.
Giọt mồ hôi trên lưng cha. Tản văn của Nhã Anh

Giọt mồ hôi trên lưng cha. Tản văn của Nhã Anh

Baovannghe.vn - Khi chúng ta còn bé, chúng ta cứ mặc nhiên nhận sự chăm sóc ân cần, cơm đủ bữa, quần áo thơm tho… Mặc nhiên nhận sự bao bọc, chở che, còn cha mẹ thì lại hạnh phúc khi được lo lắng, quan tâm, chăm chút cho chúng ta.
Trở lại với bài thơ "Đây thôn Vỹ Dạ" của thi sĩ Hàn Mặc Tử

Trở lại với bài thơ "Đây thôn Vỹ Dạ" của thi sĩ Hàn Mặc Tử

Baovannghe.vn - Bài thơ Đây thôn Vỹ Dạ dệt thành một bức tranh trong mộng, không gian đa sắc, đa chiều đan xen giữa hiện tại và ký ức. Ý, tình khúc chiết, sâu xa. Dù rằng tình thơ được rút trong tập Thơ điên, nhưng nó không những không phải là thơ điên... mà còn là một tình thơ đằm thắm chứa chan, trái tim của nhà thơ đã thấm đầy huyết lệ!