Sự kiện & Bình luận

Sáng tạo cá nhân trong thời đại của công nghiệp văn hóa

Hà Thuỷ Nguyên
Đời sống
10:00 | 26/12/2024
Baovannghe.vn - Trong thời đại công nghiệp văn hóa, việc sản xuất hàng loạt và xóa nhòa cá nhân chỉ là câu chuyện của thời kỳ khai phá, đến nay, tính sáng tạo cá nhân còn được ghi nhận rõ nét hơn bao giờ hết...
aa

Từ giữa thế kỷ 20, Mỹ và Pháp đã tiên phong thúc đẩy mạnh mẽ nền công nghiệp văn hóa và chứng minh sức ảnh hưởng sâu rộng, từ đó lan ra các quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan... Các quốc gia này không chỉ hướng đến mục tiêu lợi nhuận, mà còn xem đó như một chiến lược để lan tỏa hình ảnh đất nước. Tuy nhiên, nội tại của nền công nghiệp văn hóa ẩn chứa mâu thuẫn giữa sáng tạo cá nhân và sản xuất hàng loạt.

Sáng tạo cá nhân hay sản xuất hàng loạt?

Thuật ngữ “công nghiệp văn hóa” lần đầu xuất hiện trong bài luận The Culture Industry: Enlightenment as Mass Deception của Theodor Adorno và Max Horkheimer, hai nhà lý luận nổi tiếng thuộc Trường phái Frankfurt, vào năm 1944. Họ đưa ra những chỉ trích công nghiệp văn hóa, đặc biệt là sự thao túng tâm trí khán giả nhằm tối đa hóa lợi nhuận cho các tập đoàn và điều hướng cảm xúc cũng như nhận thức của công chúng. Ngoài ra ngành công nghiệp này hạn chế sự sáng tạo cá nhân, với danh nghĩa đáp ứng “thị hiếu” của số đông để tiêu chuẩn hóa và đồng nhất hóa, từ đó suy giảm giá trị nghệ thuật thực sự. Những quan điểm này đặt nền móng cho các cuộc tranh luận về mối quan hệ giữa văn hóa, nghệ thuật và thương mại trong thời đại hiện đại.

Song, Mỹ, Pháp, Nhật Bản và Hàn Quốc đã chứng minh một thực tế khác. Thay vì kìm hãm, công nghiệp văn hóa đã tạo tiền đề cho sự phát triển của nghệ thuật thông qua việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao và cạnh tranh chuyên môn mạnh mẽ. Hơn thế, ngành này còn đầu tư vào cơ sở vật chất như dòng vốn, thị trường, công nghệ tiên tiến, sân khấu, trường quay, phục trang, và các nền tảng phát sóng, cung cấp điều kiện lý tưởng để sản xuất những tác phẩm lớn. Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan và một số quốc gia khác hiện vẫn đang ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển nền công nghiệp văn hóa, trong đó các tiền đề cơ bản về cơ sở vật chất, chuyên môn và thị trường chưa được hoàn thiện. Trong giai đoạn này, khó tránh khỏi sự mất cân đối khi các sản phẩm thuần phục vụ thị trường có xu hướng thắng thế, do ưu tiên lợi nhuận ngắn hạn hơn là đầu tư cho giá trị văn hóa lâu dài. Đây cũng là tương lai gần mà Việt Nam buộc phải đối mặt.

Khi quan sát thực trạng công nghiệp văn hóa và sáng tạo nghệ thuật trên thế giới, có thể thấy rằng ở những quốc gia mà tầng lớp trung lưu có trình độ cao và sẵn sàng chấp nhận sự đa dạng văn hóa, thì sáng tạo nghệ thuật cá nhân vẫn giữ được vị thế quan trọng không thua kém sản phẩm đại chúng. Thậm chí, tại những nơi này, nhiều tác phẩm nghệ thuật cá nhân như các tác phẩm điện ảnh đoạt giải Oscar của Mỹ hoặc Cannes của Pháp đã thành công trong việc chinh phục cả giới hàn lâm khó tính lẫn công chúng đại trà. Viễn cảnh tăm tối về sản xuất sản phẩm văn hóa hàng loạt của trường phái Frankfurt vào những năm 40 chưa tiên đoán được sự đa dạng văn hóa trong thời đại toàn cầu có thể giúp công nghiệp văn hóa chuyển biến theo hướng tốt.

Sáng tạo cá nhân trong thời đại của công nghiệp văn hóa
Nội tại của nền công nghiệp văn hóa ẩn chứa mâu thuẫn giữa sáng tạo cá nhân và sản xuất hàng loạt. Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Mở rộng phạm trù “sáng tạo cá nhân” trong thời đại công nghiệp văn hóa

Nhiều người Việt thường quen với ý niệm rằng sáng tạo cá nhân là hành trình đơn độc của tác giả để hoàn thành một tác phẩm. Tuy nhiên, khi nhìn lại lịch sử nghệ thuật với đa dạng hình thức, sự sáng tạo cá nhân không hề đơn giản như vậy. Để hoàn thiện một vở kịch của Lưu Quang Vũ, hay một màn diễn tấu ca trù..., cần đến sự đồng sáng tạo và phối hợp của nhiều cá nhân từ các lĩnh vực khác nhau. Hay như trong trường hợp nổi tiếng của những bức tranh tường trên trần nhà nguyện Sistine của Michelangelo, dù ý tưởng sáng tạo thuộc về ông, quá trình thực hiện lại dựa vào sự phối hợp với rất nhiều người thợ thủ công tài năng. Vậy rốt cuộc, sự sáng tạo cá nhân trong những trường hợp như vậy sẽ được định nghĩa ra sao?

Ban sơ, trước khi được lưu trữ dưới dạng văn bản, các sáng tác cá nhân thường mang tính ứng tác cao. Trong công trình Thi ca luận, Aristotle đã miêu tả chi tiết về những màn diễn xướng trong kịch và sử thi thời Hy Lạp cổ đại vốn không quá coi trọng tính nguyên bản. Các diễn viên, và đôi khi cả nhà thơ, thường ứng biến, tương tác trực tiếp với hoàn cảnh và khán giả để tạo nên sự mới mẻ và sinh động cho tác phẩm. Phương thức sáng tạo linh hoạt này không chỉ giới hạn ở thời cổ đại mà còn được tiếp nối trong tác phẩm của nhiều tác giả thế kỷ 19 và 20. Trước khi Oscar Wilde sáng tác các truyện ngắn cổ tích, ông đã ứng tác chúng trong các tiệc rượu với nhiều phiên bản khác nhau cho đến khi công bố bản chính thức. Hay ta có thể bắt gặp nhiều màn ứng tác và đồng sáng tạo của các thi sĩ, văn sĩ đầu thế kỷ hai mươi tại miền Bắc Việt Nam trong tập bút ký Ta đã làm chi đời ta của Vũ Hoàng Chương.

Trong thời đại công nghiệp văn hóa, việc sản xuất hàng loạt và xóa nhòa cá nhân chỉ là câu chuyện của thời kỳ khai phá, đến nay, tính sáng tạo cá nhân còn được ghi nhận rõ nét hơn bao giờ hết. Nếu trên bức tranh tường của Michelangelo không ghi tên các thợ thủ công khác hay các vở diễn dân gian chẳng còn dấu vết của biên kịch hay ý tưởng trình diễn, thì trong mỗi tác phẩm ngày nay, các nghệ sĩ sáng tạo và các bộ phận hỗ trợ đều được ghi nhận danh tiếng. Sự ghi nhận danh tiếng này thúc đẩy sáng tạo ở mỗi cá nhân mạnh mẽ hơn. Không chỉ vậy, sự sáng tạo của mỗi cá nhân cũng được tôn trọng. Trong quá trình sáng tạo của William Joyce, tác giả nghệ thuật đại chúng có ảnh hưởng trong lĩnh vực phim hoạt hình của Hollywood với 1 giải Oscar, 6 giải Emmy và rất nhiều giải thưởng khác, tác giả của bộ phim hoạt hình kinh điển mỗi mùa giáng sinh Sự trỗi dậy của các vệ thần, ta có thể thấy mối quan hệ đồng sáng tạo này. Joyce là tác giả ý tưởng của bộ phim, đồng thời là nhà sản xuất điều hành, tuy nhiên, ông cho phép đội ngũ của mình sáng tạo ra một tuyến truyện khác, các họa sĩ được thiết kế nhiều phiên bản khác nhau theo tưởng tượng riêng của họ… Bộ phim hoạt hình vừa là của ông nhưng cũng đồng thời là bộ phim của mỗi cá nhân sáng tạo trong đó.

Cũng từ trường hợp sáng tạo của Joyce, hình tượng của nghệ sĩ giờ đây cũng khác biệt với quan niệm người nghệ sĩ “ru theo trăng và vơ vẩn cùng mây” tại Việt Nam. Xuất thân là một họa sĩ minh họa, Joyce đã phát triển kỹ năng văn chương để tự sáng tạo các tác phẩm của riêng mình. Hơn thế nữa, ông chủ động tham gia và học hỏi các kỹ năng sản xuất phim để từ đó sáng tạo đa phương tiện. Trong thế giới của ông, không có khái niệm “chuyển thể”… mà mỗi định dạng biểu hiện chứa đựng nội dung khác nhau, chỉ xâu chuỗi với nhau về mặt ý tưởng. Cụ thể, trong thế giới Những vệ thần của tuổi thơ của Joyce, bộ sách tranh kể tiền truyện dẫn tới sự hình thành các vệ thần, bộ tiểu thuyết đi sâu vào cuộc đời của mỗi vệ thần, còn phim hoạt hình kể về một cuộc chiến của họ để cứu vãn giấc mơ và nụ cười của trẻ thơ, còn trò chơi điện tử là quá trình cho phép người chơi tương tác và tự sáng tạo những trải nghiệm của riêng mình… William Joyce rất chủ động trong sáng tạo đa nền tảng và đa định dạng, mà trong đó ý tưởng gốc quan trọng hơn hình thức biểu hiện và mỗi hình thức biểu hiện tồn tại độc lập như một tác phẩm. Để thực hiện được quá trình sáng tạo như thế, nghệ sĩ không chỉ có tâm hồn sáng tạo, kỹ năng chuyên môn… mà đòi hỏi một khả năng tổ chức vừa chặt chẽ vừa linh hoạt để phối hợp với các cá nhân sáng tạo khác.

Lẽ tất nhiên, để đảm bảo doanh thu và duy trì hoạt động sáng tạo, văn nghệ sĩ thường phải đối mặt với tình thế “đi dây” giữa tính nghệ thuật và tính thị trường. Đây là một cân bằng khó khăn, khi họ vừa cần bảo vệ giá trị sáng tạo cá nhân, vừa phải đáp ứng thị hiếu của công chúng để đảm bảo nguồn thu nhập. Sự lựa chọn của mỗi nghệ sĩ trong việc nghiêng về bên nào thường phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm trình độ chuyên môn, điều kiện kinh tế, bối cảnh sống, và cả môi trường văn hóa mà họ đang hoạt động... Những yếu tố này định hình con đường sáng tạo của mỗi người, tạo nên sự đa dạng trong cách tiếp cận nghệ thuật và thị trường.

Chuyện của Tân

Chuyện của Tân

Baovannghe.vn- Phút đoàn tụ của những người lính đã từng chung chiến hào sau mấy chục năm trời mới gặp lại nhau thật ồn ào và náo nhiệt. Những lời chào, những cái ôm, những cái bắt tay siết chặt, những nụ cười và cả những giọt nước mắt đã rơi, khiến ai cũng cảm thấy rưng rưng hạnh phúc.
Giải thể Nhà xuất bản Đà Nẵng, sáp nhập báo và đài theo hướng tinh gọn

Giải thể Nhà xuất bản Đà Nẵng, sáp nhập báo và đài theo hướng tinh gọn

Ban Chấp hành Đảng bộ Đà Nẵng vừa quyết định sáp nhập các cơ quan báo chí và giải thể Nhà xuất bản Đà Nẵng. Ngày 25/12/2024, tại cuộc họp quan trọng, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Đà Nẵng đã thông qua phương án sáp nhập Báo Đà Nẵng, Đài Phát thanh – Truyền hình thành phố và Cổng Thông tin điện tử thành phố, dự kiến hoàn tất trong quý I năm 2025. Đồng thời, quyết định giải thể Nhà xuất bản Đà Nẵng do hoạt động không hiệu quả trong thời gian qua.
Những tranh cãi nổi bật trong giới nghệ thuật năm 2024

Những tranh cãi nổi bật trong giới nghệ thuật năm 2024

Năm 2024 đã chứng kiến hàng loạt những tranh cãi nảy lửa và những sự kiện đáng chú ý trong giới nghệ thuật toàn cầu. Dưới đây là các sự kiện được CNN bình chọn là nổi bật nhất trong năm qua. Từ những tác phẩm gây sốc, tranh cãi về AI, đến các hành động phá hoại và biểu tình, năm qua đã mang đến một bức tranh đầy màu sắc về sự giao thoa giữa nghệ thuật, công nghệ và xã hội.
Bản tin Văn nghệ ngày 26/12/2024

Bản tin Văn nghệ ngày 26/12/2024

Baovannghe.vn - Chủ tịch Hồ Chí Minh là người cộng sản đầu tiên ở Việt Nam đã nhận thức rõ và phát huy hiệu quả vai trò, tầm quan trọng của xuất bản.
Vài kỉ niệm về hai nữ nhà văn mặc áo lính

Vài kỉ niệm về hai nữ nhà văn mặc áo lính

Baovannghe.vn - "Nhà văn là phải thế, nếu không thâm sâu không khúc chiết thì chỉ là người máy viết văn"