Nguyệt Vũ
Xuân
Người đàn bà trong em đã ngủ yên rồi
Bất chợt thức bởi mùa non nõn lạ
Vầng trăng xanh và dòng sông êm ả
Lại bồi hồi lại rạo rực yêu
Em đã lơ ngơ lạc lõng những buổi chiều
Bất chợt chạm nụ cười anh chàng hoàng
tử ngang qua vườn cổ tích
Trái tim ngày u tịch
Chợt bừng lên tia nắng phiêu diêu
Người đàn bà trong em đã ngủ quên
bất chợt hót chú chim sâu nho nhỏ
Bên cửa sổ phím đàn piano bỏ ngỏ
nốt nhạc khẽ ngân lên
mùa xuân đang dâng hương
Trái tim tuổi hoa niên
Lại náo nức mùi thơm cỏ dại
Giọt sương trên môi
trong vắt
phấp phỏng mùa xuân.
Và trong tim có suối nhạc trong ngần
Người đàn bà xuân thì bừng lên khao khát
Như lời bài ca chưa được hát
Đêm ngập ngừng bung cúc ngực
tròn căng.
Lời bình của Mai Thanh
Xuân là bài thơ giàu tính nữ về trạng thái hồi xuân của đàn bà. Con gái - đàn bà có hai thời độ (khoảng, độ thời gian) trong đời là dậy thì và hồi xuân - những thời độ bộc lộ mãnh liệt niềm khát khao sinh thể và nỗi rạo rực tâm hồn. Song, so với thời độ dậy thì, thời độ hồi xuân mãnh liệt và rạo rực hơn nhiều! Khi mùa xuân -còn gọi là mùa tình trở lại (hồi xuân), thì sức sống yêu lại bừng lên.
Khi đầu còn rụt rè e ấp, vì một phần e ngại miệng lưỡi thế gian, một phần vì bỡ ngỡ khi trở lại cõi tình tưởng như đã đánh mất. Nhưng, đến khi đã thức và cảm được ý nghĩa của tự do trên lĩnh vực này, nhất là được con tim mách bảo và tình lực thôi thúc, thì sức sống ấy trở nên dữ dội, cháy đến hết mình, nuồng nả như quả cây chín nẫu gọi mời!
Bài thơ Xuân của Nguyệt Vũ nói đến tận cùng nỗi niềm đó của tuổi hồi xuân!
Hồi xuân, đó là:
“Vầng trăng xanh và dòng sông êm ả
Lại bồi hồi lại rạo rực yêu”,
…
Là:
“Em đã lơ ngơ lạc lõng những buổi chiều
Bất chợt chạm nụ cười anh chàng hoàng
tử ngang qua vườn cổ tích
Trái tim ngày u tịch
Chợt bừng lên tia nắng phiêu diêu”.
Và trạng thái hồi xuân được thi ca hóa, qua hình tượng:
“Người đàn bà trong em đã ngủ quên
bất chợt hót chú chim sâu nho nhỏ
Bên cửa sổ phím đàn piano bỏ ngỏ
nốt nhạc khẽ ngân lên
mùa xuân đang dâng hương…”
Dường như chưa thỏa với hình tượng thi ca hồi xuân trên đây, nữ thi sĩ hạ thêm những câu thơ cụ thể hóa và và ấn tượng hóa của tuổi hồi xuân:
“Trái tim tuổi hoa niên
Lại náo nức mùi thơm cỏ dại
Giọt sương trên môi
trong vắt
phấp phỏng mùa xuân”
Sự phấp phỏng chờ đợi khi yêu khiến cả cỏ cây hoa lá và mùa xuân cũng như hòa quyện với hồn người mà hồi hộp mà xuyến xao.
Với bốn câu thơ kết của bài thơ, tác giả đưa người đọc vào niềm rạo rực vô cùng. Không thể khác được, khi tâm hồn người đàn bà hồi xuân như con suối nhạc, bừng lên khao khát sẽ rất mãnh liệt:
Và trong tim có suối nhạc trong ngần
Người đàn bà xuân thì bừng lên khao khát
Như lời bài ca chưa được hát
Đêm ngập ngừng bung cúc ngực tròn căng
Tôi bỗng nhớ đến câu thơ của Nguyệt Vũ trong tập thơ Người tình trong mơ thể hiện trạng thái mãnh liệt của tình yêu thăng hoa với “sức mạnh của trăn rừng”… Song, ở Xuân, câu thơ kết như rụt rè mà mời gọi, như gìn giữ mà gửi trao… Vì rất yêu câu thơ kết, nên tôi nhắc lại câu thơ ấy:
“Đêm ngập ngừng bung cúc ngực tròn căng”
Bài thơ Xuân với hình tượng và ngôn từ đẹp; nữ tính tràn đầy từ ý tưởng, hình tượng đến ngôn từ. Thể thơ tự do như tinh thần tự do của người đàn bà đương thời độ hồi xuân…
Nguồn Văn nghệ số 10/2023