Sáng tác

Sông phù sa. Truyện ngắn của Đào Phong Lan

Đào Phong Lan
Truyện
06:00 | 21/10/2024
Baovannghe.vn - Tôi nhận lời yêu Giang vào một buổi chiều mưa lũ lớn. Nước sông Hồng dâng cao, đỏ sậm... Màu của phù sa
aa
Sông phù sa. Truyện ngắn của Đào Phong Lan
Sông phù sa - truyện ngắn của Đào Phong Lan

Hai đứa ngồi trong quán cà phê đến tận sẩm tối, Giang mới đưa tôi về nhà. Đêm đó, tôi ngồi rất lâu bên bàn, viết đi viết lại tên anh. Giang, có nghĩa là sông. Chợt nhớ bà thầy bói gần nhà có lần bảo, số tôi là số chết đuối.

Xưa Giang nổi tiếng ở trường đại học vì thơ và tranh. Giờ anh đang làm việc ở một nhà Văn hóa quận. Công việc nhì nhằng và lương cũng vậy. Nhưng anh rất tự hào về khả năng viết và vẽ của mình. Tôi thì thấy dửng dưng, tôi không phải là một người đam mê nghệ thuật.

Nhà Giang cạnh nhà tôi. Điều đó có lợi khi hai đứa muốn hẹn hò đi chơi đâu đó. Giang hơn tôi mười hai tuổi. Mẹ tôi rất quý Giang, bà khen anh là người có tâm hồn. Cha tôi cười: Đàn bà thường nông nổi!

Một chiều, Giang đưa tôi dạo quanh phố, ngang qua một cửa hàng cho thuê đồ cưới, Giang bảo: Em có thấy chiếc áo màu trắng tuyệt vời kia không? Anh muốn em mặc nó trong ngày cưới của hai đứa mình!

Hồi đó tôi chưa nghĩ đến chuyện hôn nhân, tôi chỉ vừa hai mốt tuổi, tôi chỉ biết yêu và yêu, thích thì đi chơi, xong lại về nhà, nằm khểnh trên giường, đọc một vài loại tạp chí mẹ mang từ cơ quan về, rồi ngủ tít. Tôi chưa có ý niệm trở thành một người vợ, một người đàn bà có những thiên chức và thiên tư cao quý là cả đời hầu hạ chồng, sinh con rồi hầu hạ con. Nhưng tôi cũng thấy trong lòng có đôi chút vui vui khi tưởng tượng lúc mình mặc chiếc áo trắng bồng bềnh kia, hẳn tôi sẽ vô cùng xinh đẹp.

"Mày thì đẹp gì"?!! Mẹ tôi vẫn chửi tôi như thế - tao không hiểu sao thằng Giang lại có thể đi yêu một đứa con gái rỗng tuếch như mày?" Tôi và mẹ luôn đối lập nhau. Mẹ là người phụ nữ tốt, nhưng không tốt đến mức có thể chấp nhận những tật xấu của người khác, dù đó là tật xấu của đứa con gái duy nhất. "Con không xấu!" Cha tôi khẳng định, rồi nghiêm khắc nhìn mẹ: "Bà có thôi ngay đi không? Bà còn nông nổi đến bao giờ nữa?"

Tôi ôm đống gối, ngủ vùi giữa trận cãi vã mỗi lúc một to.

Giang vẫn đưa tôi xuống đường dạo phố. Con búp bê to tướng vẫn mặc chiếc áo cưới tương lai của tôi đứng kiêu hãnh ở trong tủ kính. Ngày hai lượt đi về, tôi ngắm nó. Tóc nó không đen bằng tóc tôi, môi nó không hồng bằng môi tôi và nó không thở, không có sinh khí như tôi, nhưng nó là chân dung của tôi trong ngày cưới.

Giang vẫn đi làm đều đặn. Anh đang dàn dựng một vở kịch về sinh đẻ có kế hoạch. Tôi tót sang nhà anh, định dành cho anh một sự ngạc nhiên lớn khi anh trở về.

Ý định tập làm người vợ với cuộc dọn dẹp nhà cửa không thành. Tủ sách của anh đầy ắp thư từ. Đó là một người đàn bà tôi không quen biết. Bà ta có chồng và hai đứa con. Một người đàn bà đầy đủ thiên tư và thiên chức. Tôi xổ tung những lá thư, chúng được xếp thứ tự theo ngày tháng. Có một lá mới nhất đến trong ngày hôm qua.

Có gì như con lũ ập vào mặt tôi. Sự đam mê của người đàn bà ấy bộc lộ rõ trong bức thư. Lời lẽ trong thư vẽ ra trước mắt tôi một thiếu phụ gầy guộc xanh xao và tuyệt vọng, nuối tiếc và dằn vặt về một mối tình đã mất.

Đã hơn một lần tôi ước giá mình đừng động đến những bức thư kia.

Đó là câu chuyện tình đẹp và xót xa, lời của Giang. Đó là một câu chuyện tình vớ vẩn và ngu ngốc, lời của tôi. Giang và Sa - tên người đàn bà ấy, đã yêu nhau thời đại học năm cuối, thi tốt nghiệp xong, Giang được tin báo của gia đình bảo phải về gấp. Anh cuống cuồng viết lại vài chữ cho Sa, rồi nhảy lên xe về nhà.

Quê Giang cách Hà Nội gần tám trăm cây số về phía Nam. Anh trở về nhà sau hơn một ngày một đêm ngồi bó gối trên xe, người mỏi nhừ vì những đoạn đường xấu. Chưa kịp bỏ túi xách xuống, mẹ anh đã mếu máo: mày đi tìm con Thủy về ngay, nó bỏ theo thằng Trung vô Ban Mê Thuột rồi!

Chiều đó, anh lên xe vào Ban Mê. Sau nửa tháng trời lặn lội dò hỏi khắp nơi, anh xông vào căn nhà chòi lá nằm ở một góc rẫy trồng lèo tèo vài cây đậu, cây bắp. Anh rút con dao găm sáng loáng đặt đánh cộp trên bàn trước hai khuôn mặt tái ngắt, đang run lẩy bẩy:

- Tụi bay muốn về hay muốn tao đâm cho mỗi đứa một nhát?

Thằng con trai mồ hôi nhỏ giọt, đứa con gái níu tay anh òa lên khóc:

- Nhưng... tụi em thương nhau, em không muốn xa ảnh.

- Có gì về nhà rồi tính. Về với mẹ Cái loại con gái hư thân mất nết, đồ bất hiếu! Nhà có hai mẹ con mà bay còn dắt díu nhau đi trốn được. Thằng kia! Sửa soạn đồ đạc, theo tao!

Đưa cặp tình nhân dại dột trở về anh nhận được thư Sa, Sa bảo cô không còn yêu anh nữa. Giang nổi cơn tự ái, anh không thèm quay ra Hà Nội mà ở lại quê xin việc làm. Chưa có cơ quan nào nhận. Sa lại gửi một lá thư nữa, cô bảo cô chỉ nói đùa, cô vẫn yêu anh. Giang nổi cáu đốt lá thư: Cô ta cứ như là làm trò hề trong tình yêu. Giang đến nhà Sa sau hơn một tuần từ khi ra Hà Nội. Cửa nhà cô mở toang, tấm ri đô che kín chiếc giường nhưng dưới gầm giường là một đôi giày đàn ông nằm tình tự với một đôi dép đàn bà. Giang ngồi bên chiếc bàn cạnh cửa sổ, ngắm bình hoa huệ mãn khai, hút hết gói thuốc rồi đi về. Ra ngoài sân anh mới thấy cái cổng chào bằng lá dừa và hai chữ Vu Quy. Anh nghĩ Sa là một người đàn bà biết cách đùa giỡn.

Hơn ba tháng sau anh lại nhận được thư Sa, Sa van lạy anh hãy đến cứu cô, đưa cô ra khỏi cuộc sống địa ngục mà cô đang mắc phải. Lòng hào hiệp của một gã đàn ông nổi dậy, Giang thu xếp tiền bạc, đón Sa ở đầu ngõ nhỏ xưa vẫn thường hẹn nhau.

Nhưng lòng hào hiệp của Giang không thắng được sự ích kỉ trong anh khi Sa bảo cô đã có thai gần hai tháng. Giang bắt Sa đi phá, cô không nghe, Giang tát vào mặt cô và dắt cô đưa trả về nhà.

Người đàn bà ấy tiếp tục sống với chồng nhưng không để anh yên. Mười năm qua, cứ mười ngày, Sa lại gởi cho anh một lá thư.

*

Anh cứ yêu, cứ lấy người con gái nào anh thích. Khi nào anh buồn chán, đau khổ hay thất vọng thì hãy trở về với em! Tôi lồng lên vì ghen tuông. Người đàn bà này đã thao túng Giang, bắt anh luôn phải nghĩ đến. Quanh căn phòng Giang đầy ắp sự hiện diện của người đàn bà đáng ghét: thư từ, nhật kí của Giang. Anh viết muôn đời anh thương Sa, muôn đời anh hối hận vì tính độc đoán, hay tự ái của mình. Thỉnh thoảng anh lại đến nhà Sa theo lời nhắn khi chồng cô đi vắng, dù đường có xa, dù trời có nắng, dù dốc có dài, như thể chỉ có điều đó mới cứu rỗi được nỗi dằn vặt trong anh.

Đã hơn một lần tôi ước mình đừng hỏi Giang về cuộc tình vớ vẫn và ngốc nghếch ấy. Đã hơn một lần tôi ước Giang hãy biết nói dối, biết trí trá đi một chút. Nhưng anh lại là một kẻ quá đỗi thật thà.

*

"Anh thương Sa như thương một kiếp người!" Tôi gào lên: Thôi, xin anh! Anh đừng nhắc đến bà ta, đừng xả rác vào tình yêu của tôi nữa! Giang trầm ngâm: Sa khôn ngoan quá! Sa tưởng mình đã đi một nước cờ thông minh khi lấy người đàn ông đó. Sự thực hắn không giàu như Sa tưởng, hắn chỉ là một tay bảo vệ kiêm lái xe mà thôi! Tôi độc địa: Đó là một con rắn độc! Bà ta đã có chồng, hai đứa con, có nhà cửa êm ấm, nhưng bà ta muốn dày vò, dằn vặt anh cả cuộc đời, muốn anh không bao giờ có gia đình, không bao giờ có hạnh phúc, không bao giờ được chăm sóc bởi một bàn tay phụ nữ. Đó là cách trả thù tàn khốc của đàn bà! Giang buồn bã: Đừng nói thế em! Sa mới là người đau khổ và không bao giờ có hạnh phúc. Có lần anh hỏi: Em có thương chồng em không? Sa hỏi lại anh: Ai là chồng của em? Giờ em không biết hai người đàn ông trong cuộc đời em ai mới là chồng. Giang bảo: Bi kịch! Tôi nói: Bi kịch cái cục cứt! Giang kinh hãi nhìn tôi, bảo Thượng đế đã làm một trò lường gạt vĩ đại, nhìn khuôn mặt em ai cũng tưởng thánh thiện. Tôi cười nhạt: Cái bà kia mới làm một trò lường gạt vĩ đại hơn cả Thượng đế!

Tôi bỏ về giữa lúc trời mưa lớn.

*

Tôi cũng chỉ là một người đàn bà bình thường. Tôi cũng biết yêu và biết ghen tuông. Tôi đau khổ khi nhận ra Giang là một kẻ hèn nhát. Anh không dám chấp nhận đứa con của người anh yêu, sợ mất tôi nhưng cũng sợ người đàn bà kia buồn, anh muốn mãi có một người và muốn sống với một người khác. Cha tôi vẫn bảo: Chức năng của người đàn ông là không bao giờ hèn nhát! Người đàn ông tôi yêu đã khiếm khuyết chức năng quan trọng nhất của mình.

Tôi tên là Thanh Diệp, tôi chỉ là chiếc lá xanh trên cành cây mọc ven bờ sông. Chiếc lá có thể theo dòng nước trôi đi nhưng tôi không phải là chiếc lá vàng.

Đã rất lâu tôi mới lại xuống phố một mình. Ngang qua tiệm cho thuê đồ cưới, tôi thấy con búp bê to tướng vẫn mặc chiếc áo cô dâu không bao giờ còn là của tôi đứng cứng quèo và cười vô vị trong tủ kính. Chiếc áo không còn trắng muốt mà đã ngả sang màu ngà. Có lẽ do bụi, có lẽ vì ẩm mốc, có lẽ vì nhiều thứ nữa. Tôi ra bờ sông. Nước sông Hồng vẫn dâng cao, đỏ sậm...Màu của phù sa.

Chợt nhớ bà thầy bói gần nhà có lần bảo, số tôi là số chết đuối. Nhưng số tôi không chết ở sông, có lẽ tôi sẽ chết ở nơi biển lớn.

-------

Bài viết cùng chuyên mục:

Đọc truyện: Búa nước. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thị Phương Lan Đọc truyện: Cây gạo ở chợ chiều - Truyện ngắn dự thi của Cầm Thị Đào Đọc truyện: Huyết lệ chi. Truyện ngắn dự thi của Phạm Hữu Hoàng Đọc Truyện: Gió Cùa se sắt. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Hiệp Đọc truyện: Trăng mắc cạn. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thị Thanh Thúy
văn nghệ trẻ, số 18/1997
Bản tin Văn nghệ: Ra mắt vở kịch thơ "Nữ sĩ Hồ Xuân Hương"

Bản tin Văn nghệ: Ra mắt vở kịch thơ "Nữ sĩ Hồ Xuân Hương"

Baovannghe.vn - Nhà hát Thế Giới Trẻ (thuộc Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP HCM) sẽ công diễn vở "Nữ sĩ Hồ Xuân Hương" vào ngày 24/10 do NSND Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đạo diễn.
"Cu li không bao giờ khóc" giành giải  FIPRESCI  - Liên hoan điện ảnh mới tại Canada

"Cu li không bao giờ khóc" giành giải FIPRESCI - Liên hoan điện ảnh mới tại Canada

Baovannghe.vn - Sau chiến thắng tại Liên hoan, Phim Cu li không bao giờ khóc cũng đã được ấn định lịch phát hành tại Việt Nam vào ngày 15/11 tới.
Đọc truyện: Thương. Truyện ngắn dự thi của Mai Linh

Đọc truyện: Thương. Truyện ngắn dự thi của Mai Linh

Baovannghe.vn - Giọng đọc: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Bộ GD&ĐT: 5 đối tượng được đề xuất tuyển thẳng vào lớp 10 THPT

Bộ GD&ĐT: 5 đối tượng được đề xuất tuyển thẳng vào lớp 10 THPT

Baovannghe.vn - Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư ban hành Quy chế tuyển sinh, trong đó có quy định rõ về các đối tượng được tuyển thẳng, được hưởng ưu tiên cộng điểm trong tuyển sinh vào lớp 10
Quốc hội bước sang ngày làm việc thứ 2 Kỳ họp thứ Tám

Quốc hội bước sang ngày làm việc thứ 2 Kỳ họp thứ Tám

Baovannghe.vn- Ngày 22.10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Báo cáo , dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025, Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm 2025 – 2027.