Sáng tác

Người lớn. Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Khánh

Nguyễn Ngọc Khánh
Truyện
10:00 | 03/09/2024
Baovannghe.vn - Mẹ em bảo "Con gái lớn rồi phải thùy mị, nết na một chút. Sau này còn đi lấy chồng..." Ối giời, em thề với anh là em đâu có còn trẻ con. Em đã mười tám tuổi để hiểu điều đó.
aa
Người lớn. Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Khánh
Người lớn - truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Khánh

Mẹ em bảo "Con gái lớn rồi phải thùy mị, nết na một chút. Sau này còn đi lấy chồng..." Ối giời, em thề với anh là em đâu có còn trẻ con. Em đã mười tám tuổi để hiểu điều đó. Em cũng ý tứ, thùy mị và nết na đấy chứ! - Ấy là em nghĩ như thế. Nếu chấm điểm, em sẽ tự cho mình "Chín phảy năm" Vâng, xin cảm ơn!

Thế nhưng cũng không hiếm khi mẹ mắng em là đồ trẻ con. Tức chết đi được! Hôm qua nhà em có khách. Lúc mọi người ăn cơm xong ngồi đông đủ bên bàn uống nước. Em vêu mặt lên nhìn. Bố em ngồi hút thuốc. Chị em đan len. Không ai có ý kiến gì. Đùng một cái mẹ em bảo "Con Nguyên lên nhà học bài! Chuyện người lớn, biết cái gì mà ngồi đây!" Em định gân cổ lên cãi lại rằng "Con cũng lớn rồi đấy chứ!" hoặc "Sao chị Mai ngồi đây được!" nhưng sợ mẹ lại mắng em không có ý tứ, không nết na thùy mị còn kinh khủng hơn nên thôi. Em lầm lì leo cầu thang lên gác. Ông khách hỏi mẹ em một câu vuốt đuôi: "Con út nhà chị đấy hả? Lớn tướng rồi nhỉ! Cháu học lớp mấy rồi?" Mẹ em cười: "Nó đấy! Học lớp mười hai rồi mà còn trẻ con lắm cơ! Chú xem...". Em lên gác chui vào trong chăn. Nghĩ ngợi. Sao tất cả mọi người chẳng ai coi em là người lớn cả. Kinh khủng thật! Có một nghìn lẻ một cách thể hiện mình là người lớn, em đã áp dụng mà nghe chừng không ăn thua. Anh xui em phải làm thế nào để chứng tỏ mình là một người lớn thực sự bây giờ?

Em chơi với một con bạn, nhà nó có hàng thịt chó ở gần ngã tư, nổi như cồn ở cái thị xã "nhỏ như lòng bàn tay" này. Bố nó cũng quí em lắm. Bố nó, ông nhà thơ rất nổi tiếng của tỉnh ấy! Chắc là anh biết, hôm nào về em dẫn ra chơi!...

Hôm nọ, em đến nhà nó mượn quyển sách, nó ấn em ngồi xuống ghế nói chuyện, không cho em về ngay. Em rất ngại từ chối, bất kể việc gì. Với lại từ chối để về ngay người ta sẽ nghĩ mình trẻ con mất.

Buổi sáng, hàng chưa có khách. Bố con bạn em đi vào đi ra. Ngắm thấy cái bàn ở gần cửa kê chưa thẳng, tiện tay chú ấy kê lại. Mặt bàn không sạch, chú ấy lấy giẻ lau luôn. Mẹ nó làm hàng ở nhà sau gọi với lên: "Anh xem rượu còn không? Bây giờ chưa có khách thì rót vợi ra chai rồi pha thêm đi!" Thế là chú ấy lôi ra nào can, nào chai lỉnh kỉnh đi rót rượu. Chú ấy rót "nghệ" thật, chẳng có cái phễu mà không sánh ra ngoài một giọt nào. Nếu là người lớn, ở khoản này em còn thua hẳn. Mà cũng chẳng ai như bố em, ông không uống rượu bao giờ để em còn tập rót. Bố em bảo uống rượu hư người. Không phải! Bố con bạn em uống rượu giỏi, vậy mà chú ấy có hư đâu? Nói nhỏ với anh nhé, em biết pha rượu thuốc đấy. Bố con bạn làm, em học lỏm được. Tưởng khó khăn thế nào chứ làm như chú ấy thì dễ như bỡn. Đầu tiên chú ấy mang ra can rượu trắng rót vào bình đã có sẵn bã thuốc được ngâm từ bao giờ (Chắc lâu rồi!) Sau đó chú ấy lấy ở ngăn kéo ra một cục nhỏ bằng ba đầu ngón tay màu nâu nâu đen đen, nhìn y như cục kẹo đắng mẹ em mua ngoài chợ (hình như ở nhà vẫn còn!) bỏ vào bình và dùng cái que sạch ngoáy đều. Khi nào cái cục màu ấy tan hết thì ruôn rượu ra các chai, thế là thành rượu thuốc. Có khách, cứ việc rót vào cốc, mang ra. Anh thấy có "siêu" không? Em khen chú ấy một câu: "Chú thợ nhỉ!" nhưng chú ấy lại nhìn em đầy nghi ngờ: "Chuyện người lớn! Cháu để ý làm gì!?" Em đứng lên xin phép ra về. Con bạn tiễn em đến cửa: "Người lớn ấy mà! Tao cũng không hiểu nổi! - Nó nhún vai. Nhưng bố tao cũng không giận mày đâu!" Ở lớp, em ngồi cạnh cái Lan "nhũn". Tại nó đi đứng cứ õng ẹo nên chúng nó mới đặt cho cái biệt danh ấy đấy mà. Cái Lan xinh hơn em một tí. Tóc nó dài hơn tóc em và điệu hơn em. Dĩ nhiên rồi! Ngồi đằng sau chúng em là thằng Dương với thằng Tú. Hai thằng lớn tồng ngồng như tính tình như con nít. Suốt ngày chúng nó giựt tóc cái Lan rồi cười ồ ồ. Con Lan ngại đỏ cả mặt lên nhưng không dám nói gì. Nó lại phải cầu cứu đến em. Em đi xuống kéo tai hai thằng: "Này, chị nói cho mà biết, liệu chừng đấy! Giở thói õm ờ ra đây hả?" Hai thằng xoa xoa tai: "Cái bà này, không dưng đi xía vào chuyện người khác." "Chị là người lớn, chúng mày ỉ thế bắt nạt nó nên chị phải xía. Nghe chưa?" Hai thằng im như thóc. Em cười đắc thắng đi lên vỗ vai cái Lan: "Mày trẻ con bỏ mẹ nên chúng nó mới bắt nạt. Người lớn như tao đây này!"

Sinh nhật em vào tháng mười. Hôm ấy em ăn trộm son phấn của chị quệt lên mặt một tí, cho nó người lớn. Nhưng trông lem nhem thế nào ấy nên lại lau đi. Thằng Tuấn mua cho em một bông hồng. Ở lớp, chúng nó ghép đôi em với thằng này nhưng em không thiết. Nó èo ợt và trẻ con. Cái em đang cần thứ gì và không cần thứ gì nó cũng không biết nữa là. Trong khi em cần một con gấu bông to cồ có bày bán ở quầy hàng lưu niệm để ôm lúc đi ngủ thì nó lại mang đến một bông hồng. Đâm ra làm em ghét cho. Là người lớn em không nói ra nhưng sao nó không biết em thích con gấu bông? Trước hôm sinh nhật ba ngày mặc dù em đã áp dụng theo cách của ông sếp ở cơ quan bố em. Ông sếp ở cơ quan bố em ấy mà, hôm sinh nhật thằng con trai, ông ấy than với mấy tay trưởng phòng là thằng con của ông ấy ao ước có bộ máy vi tính mà ông ấy thì bận họp hành suốt, chưa đi mua cho nó được. Chỉ vậy thôi là đúng hôm sinh nhật, con trai sếp có dàn máy xịn cỡ hai chục "chiêu". Nghe đâu bố em cũng phải góp "cổ phần" mấy "chiêu", em thấy bố em kể với mẹ em như thế. Và em đã bảo với chúng nó là ngoài kia có con gấu bông tuyệt vời trên cả tuyệt vời, em rất thích. Thằng Tuấn ngồi cả ở đấy và chắc chắn là nó nghe thấy em nói. Thế mà... sao nó trẻ con vậy không biết? Anh còn nhớ bà Hậu "gù" ở đầu phố không? Cái bà Hậu mà ngày trước, lúc anh còn ở nhà, bà ấy hay chống gậy đến nhà em và mẹ em xúc cơm nguội cho ăn ấy! Bà Hậu mà có con trai làm giám đốc công ty gì to to, xây cái nhà bốn tầng vĩ đại ở đầu phố đấy. Bà ấy chết rồi anh ạ! Khổ đợt rét vừa rồi, bà ấy không qua nổi. Già yếu thế. Chồng liệt sĩ. Ở vậy nuôi đứa con trai nên người là ông giám đốc bây giờ. Vậy mà ăn ở bạc, ông giám đốc ấy. Được cô con dâu thì sợ bà cụ bẩn, xúc cơm cho bà vào cái mẻ, hơn cả bát chó ăn. Có lần em đi học về qua, nhìn vào sân. Bà cụ bưng bát cơm, run run lập cập thế nào làm rơi, cái bát vỡ tan. Cơm vung xuống cống. Thế mà cứ lập cập bốc lên cho vào mồm.

Khổ thế, con cái lúc sống không quan tâm. Vậy mà đám ma làm to lắm nhé! Cơ man nào là ô tô xe máy đi đưa. Còn bà vợ ông giám đốc thì cứ gào lên: "Ối bà ơi, sao bà lại bỏ chúng con bà đi! Giường êm đệm ấm bà không ở bà lại đi ở đất có khổ không. Bây giờ chúng con thấy bà đâu, chỉ nhìn đống đất... Hờ hờ..." làm ai cũng phải chảy nước mắt. Nhưng em thì không, bởi em thừa hiểu đấy là những giọt nước mắt của "người lớn". Cho nên em chỉ âm thầm thương bà Hậu. Vắt kiệt tuổi thanh xuân của mình nuôi con nên người. Đánh đổi lấy sự thật như thế này đây!

Đám ma bà Hậu được ba ngày thì trên tivi, mục "quảng cáo và nhắn tin" có phát "Lời cảm ơn" của gia đình ông giám đốc.

“LỜI CẢM ƠN

"Mẹ chúng tôi là... sau một thời gian lâm bệnh nặng. Gia đình đã cố gắng chạy chữa khắp các bệnh viện trung ương nhưng do tuổi cao, sức yếu, bệnh tình lại quá nặng nên mẹ chúng tôi đã không qua khỏi. Gia đình chúng tôi xin chân thành cảm ơn...

Trong tang gia bối rối, có điều gì khiếm khuyết, xin được lượng thứ.

Con trai.

…”

Người ta nghe thấy và xuýt xoa khen gia đình ông giám đốc ấy sống có tình có nghĩa. Em hỏi mẹ tại sao người ta có thể làm như thế? Mẹ bảo: "Đấy là chuyện người lớn. Phức tạp! Mày trẻ con thì biết cái gì!" À, mà sao hôm cưới chị em anh không về? Anh mà về thì vui phải biết. Lúc rước dâu chị em khóc. Đấy, anh xem chị em có trẻ con không. Nếu là em, em sẽ cười thật tươi, chụp ảnh đẹp phải biết. Vậy mà mẹ em vẫn mắng em là "ranh con". Anh nghĩ, thế có tức không?

Trước hôm cưới chị em một tuần, bố mẹ em ngồi ghi danh sách khách mời ra một tờ giấy. Những ai mời chiều hôm trước, những ai mời ngày hôm sau. Em phải làm công việc viết thiếp, nghĩ là ngày hôm trước với ngày hôm sau cũng như nhau cả nên em ghi nhầm linh tinh. Được khoảng hai chục cái thì bố em xem và mắng cho em một trận. Ông bắt em viết lại một loạt. Ai chỉ định mời ngày nào thì phải viết y xì như thế. Em thắc mắc, bố em bảo: "Trẻ con! Chuyện người lớn, mày biết cái gì mà tham gia!"...

*

Anh biết không! Em định gửi cái thư này cho anh nhưng con bạn em cứ nằng nặc đòi xem. Và bảo rằng, đây đúng là một "tác phẩm". Gớm, nó cứ nói thế làm em ngại. À, mà nó cũng hay có bài đăng báo đấy nhé! Nó bảo em chép mà gửi, thế nào cũng được đăng. Lại có tiền nhuận bút. Vậy thì thích quá! Em sẽ gửi cho báo. Còn anh, em sẽ thư cho anh sau!

"Chết rồi! Vui chuyện quá, trưa còn gì!. Thôi, em dừng bút. Bài chưa học, cơm chưa nấu... Lúc khác em lại viết cho anh !"

Người lớn. Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Khánh
Tranh minh họa: Still Life Filled with Space của Le Corbusier

------------

Bài viết cùng chuyên mục

Đọc truyện: Bản gốc của trái tim - Truyện ngắn dự thi của Trịnh Minh Hiếu Đọc truyện: Chờ người trong tranh - Truyện ngắn dự thi của Đặng Ngọc Hùng Đọc truyện: Lửa trạng nguyên. Truyện ngắn dự thi của Tống Ngọc Hân Đọc truyện: Đêm định mệnh. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Việt Hòa Đọc truyện: Bên sông giặt áo - Truyện ngắn dự thi của Bảo Thương
văn nghệ trẻ, số 14/1997
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.
Bản tin Văn nghệ: Cuộc thi "Đưa Văn vào đời" - trao thiệp gửi yêu thương

Bản tin Văn nghệ: Cuộc thi "Đưa Văn vào đời" - trao thiệp gửi yêu thương

Baovannghe.vn - Cuộc thi thiết kế thiệp Văn học: Đưa Văn vào đời 2024, do Nxb Hội Nhà văn phối hợp tổ chức, Hội Nhà văn Việt Nam bảo trợ chuyên môn