Sáng tác

Sông. Truyện ngắn của Đặng Vương Hạnh

Đặng Vương Hạnh
Truyện
15:00 | 11/09/2024
Baovannghe.vn - Nàng kể nhà nàng nằm ven thị xã. Cái thị xã miền núi nhỏ xinh hiền hòa nằm dưới thung lũng có con sông xanh tựa niềm mơ ước
aa
Bóng đè - truyện ngắn của Tiêu Dao
Sông - truyện ngắn của Đặng Vương Hạnh

Nàng kể nhà nàng nằm ven thị xã. Cái thị xã miền núi nhỏ xinh hiền hòa nằm dưới thung lũng có con sông xanh tựa niềm mơ ước chỉ tạt qua đây rồi lại bỏ đi rì rầm khuất sau những triền đồi phủ đầy những khóm thông bồng bềnh tựa mái tóc màu lục, như đem theo niềm tiếc nuối. Dòng sông vẫn bình thản và êm ả chảy qua năm tháng. Bờ bên kia lụ khụ một cây gạo già đến nỗi có một cái hốc người lớn chui lọt, cố vươn mình ra mặt sông như nóng lòng muốn theo những chuyến đi dài đặc về biển. Mùa hoa nở, cây gạo dồn sức thắp lên những đốm lửa đỏ rực, rớt lả tả xuống mặt sông, hắt lên sáng cả một khoảng trời ấm áp đẩy lùi sự cô tịch lạnh lẽo. Và khi mặt trời đã lặn hồi lâu, bọn mục đồng đã giục trâu về mà cây vẫn cháy sáng cả một khoảng không gian đang chuyển sang màu tím nhạt báo trước bước chân của đêm đã gần kề.

Tôi quen nàng trong một hoàn cảnh không thơ mộng lắm nhưng đáng nhớ. Tôi đến nhà một người bạn và gặp nàng ở đó. Tình cờ trong khi nói chuyện, chúng tôi có nhắc tới một người mà cả hai đều quen và người ấy đã ... không may qua đời do một căn bệnh quái ác cách đó ít lâu. Dường như điều này khiến câu chuyện giữa hai chúng tôi trở nên mặn mà hơn và tôi cảm thấy khoảng cách như rút bớt khi cùng nhau ôn lại những kỉ niệm dẫu buồn song đẹp đẽ có chung với một người thứ ba. Ít ra chiều hướng này cũng làm tôi dễ chịu hơn là chẳng biết nói gì và đốt thuốc lá lia lịa cho khỏi lộ sự vụng về của mình. "Này, Ngọc quen Phùng thật ư? Ôi, hay quá! Hay thật đấy. Trước đây Phùng thường chơi ghi ta và hát cho tôi nghe bài Aver Maria. Giọng Phùng thật đẹp." Nàng mơ màng thả hồn về xa xăm như cố lắng gạn lại chút thanh âm thuở nào. Thế rồi nàng ngạc nhiên vì tôi quen biết Phùng cứ như thể phát hiện ra điều gì mới mẻ trọng đại lắm. Còn tôi, tôi ngạc nhiên về chính những nét sửng sốt trên gương mặt nàng thanh tú. Rồi sau là những cử chỉ và lối biểu đạt hơi vồ vập cứ như chúng tôi là hai kẻ bạn cũ, vì một duyên do nào đó phải chia tay rất lâu ngày nay hốt nhiên gặp lại. Tôi cũng lấy làm lạ trước vẻ tự nhiên và lối xưng hô coi tôi như một đứa em của nàng dù nàng trông rất trẻ. Mãi sau tôi mới hay chính chị bạn kia cho nàng hay tuổi và đôi nét về tôi. Nàng cứ líu ríu, nhảy từ chuyện nọ sang chuyện kia, gần như mừng rỡ trong khi tôi hơi khó chịu do những gì mà nàng tự cho phép mình. Tôi không ưa những người nói nhiều hoặc những kẻ vừa tiếp xúc đã xổ hết những điều gan ruột. Khi về, tôi nhớ hình như nàng có nói sẽ đến thăm tôi. Và tôi theo phép lịch sự, ừ hữ cho qua chuyện. Sau đó khi xuống cầu thang, chúng vuột rơi đâu mất.

Một chiều đông lạnh lẽo, nàng tới thăm tôi. Những ngôi nhà lẩy bẩy nhích lại nhau dưới hơi lạnh. Thoạt đầu, nàng gõ cửa, tiếng gõ khe khẽ rụt rè. Lũ bạn tôi thì không thế. Chúng không coi cánh cửa là biên giới ngăn cách giữa kín đáo và lộ liễu, cứ bước ào vào như nhà mình vậy. Tiếng gõ lại vang lên, lần này xem ra mạnh bạo quả quyết hơn. Tôi co mình trong chăn với dòng tư tưởng lười nhác đôi khi vẫn lồng lên như một chú ngựa bất kham. Phát cáu lên, tôi gắt gỏng: "Vào đi, cửa mở đấy." Cánh cửa hé ra không khách khí, bẽn lẽn vào nhà theo giá rét là những gì làm bằng tươi tắn thanh mảnh và ấm áp. Tôi thực sự phát hoảng lên vì tất cả mọi thứ trong căn hộ ba chục mét vuông này đều chống lại tôi bằng sự dơ dáy, lộn xộn và chẳng có chút hiếu khách nào.

Nàng không để tâm đến nỗi ngượng ngùng xen lẫn luống cuống của tôi. Nàng liếc mắt lướt qua trật tự bừa bãi ấy, ánh mắt không lộ vẻ gì chê trách hay kinh tởm. Vẫn như lần gặp trước, nàng duy trì câu chuyện giữa hai chúng tôi bằng thái độ thân mật vắng mặt màu mè giả tạo. Nàng hỏi nhà có lọ hoa không? Tôi chỉ cho nàng chiếc bình cao thân lăn lóc trong đống bụi nơi góc nhà với một lô đồ vật cổ quái như tôi vậy. Tìm thấy vật này, nàng bỗng cất tiếng cười thích thú trong như những viên ngọc lưu li và lập tức bắt tay ngay vào việc cọ rửa chiếc bình. Loáng cái, nàng đã trở lại, trên tay trắng muốt một khóm hoa mà nàng đem theo khi tới đây. Nàng thầm thì, giọng thoảng chút gì xao xuyến: "Hoa Thảo Đường đấy." Tôi chưa từng thấy loài hoa này. Những cánh hoa nhỏ mỏng manh, trắng nõn nường như cơ thể thiếu nữ vẫn còn ngậm vô số những giọt nước trắng bạc long lanh theo ánh sáng chảy vào từ cửa sổ. Căn phòng thoang thoảng một dải mây thơm dìu dịu ngọt say. Trong lúc nàng loay hoay tìm nơi đặt lọ hoa trên chiếc bàn cũ kĩ ngổn ngang sách báo, tôi chợt xấu hổ nhận thấy mình đang ngắm trộm nàng. Tấm thân nàng tựa một cái cây thon thả khỏe mạnh. Phía trên chiếc cổ mảnh mai tròn trịa lòa xòa buông xuống mớ tóc mai mỏng mảnh như một làn mây huyền từ khoảng gáy trắng mịn. Nàng có vẻ gì thật đàn bà. Mũi tôi chạm phải một làn hương lạ ngây ngất đến dễ chịu. Không hiểu sao tôi như thấy mình trước dòng sông xanh óng ả, còn nàng hệt như một chú cá măng, mình lẳn tròn khoan khoái xé nước lao đi, nhẹ nhàng không mệt nhọc.

Tôi chưa bao giờ mất đi cảm giác tự ti của một gã trai thiếu kinh nghiệm, lại đã từng vấp phải một vài đổ vỡ không nghiêm trọng lắm đối với một người đàn ông dày dạn nhưng với tôi, những vết thương còn sâu lắm. Tôi tự hỏi không biết lần này mình có sa vào một chuyện ngu ngốc với một kết thúc buồn thảm chờ sẵn hay không. Tuy vậy, tôi đang trải qua những cảm xúc lạ lùng mà hiển nhiên là do sự hiện diện của nàng mà ra. Bối rối, tôi nhìn nàng vẻ mãn nguyện với công việc của mình. Nàng có cảm thấy gì không nhỉ? Một người đàn ông với một người đàn bà trong một căn phòng nhỏ nhờ nhờ tối, hôi hám.

Sau đó nàng đến ngồi cạnh tôi. Tôi nhớ hình như nàng kể về quê nàng với những mỏm núi mùa đông ngái ngủ trong mây. Khi leo lên cao mây biến thành những hơi thở lạnh cóng vờn qua mặt. Rét lắm, đôi khi có tuyết rơi. Sườn núi lấp lánh trắng những bông hoa Thảo Đường.

Hoa sáng lên như nỗi nhớ lay lắt về kí ức.

Hôm sau, tôi gặp người bạn mà tôi đã gặp nàng tại nhà chị.

Không hiểu bằng cách nào, chị đã biết chuyện nàng đến nhà tôi, tủm tỉm cười "Nó có chồng rồi đấy." Tôi vặn lại ngay "Có chồng thì sao? Đã ai làm gì?" Lại một nụ cười tinh quái nhưng không ác ý: "Chẳng sao hết, đã bỏ chồng lại còn xinh tệ."

Tôi đạp xe về nhà, bàng hoàng hậm hực như thể vừa đánh mất một thứ gì đó quí giá không hẳn của mình. Thành phố co ro trong tiết đông lạnh lẽo, giá buốt tựa lòng tôi lúc này. Gió bấc không còn là gió mà biến thành vạn triệu mũi kim sắc nhọn táp vào da thịt. Bầu trời ảm đạm xám xịt trùm lên khung cảnh ủ rũ. Người xe nháo nhác chạy trốn cái rét. Hàng cây bên đường tím tái, rên rỉ, buông nốt những chiếc lá hấp hối. Chúng phải rụng thôi, như nỗi buồn tan đi để niềm vui được hồi sinh.

Linh cảm không phản bội tôi. Kìa, nàng đang đứng trước cửa đợi tôi về chắc đã lâu lắm. Nàng cũng lạnh cóng và như bé nhỏ hơn trong chiếc áo khoác to xụ màu thổ hoàng. Tôi phủ lên nàng một cái nhìn giá ngắt, không nói gì, mở cửa. Nàng lẳng lặng theo vào như một cô bé mắc lỗi và đến đứng cạnh tôi bên cạnh khung cửa sổ, nơi gió khoái trá chơi trò huýt sáo. Tôi và nàng cứ đứng như thế rất lâu trong im lặng. Bên ngoài, ngày đã bị gió đuổi bật khỏi thành phố, chạy trốn về nương náu ở miền xa thẳm. Những cột điện, những mái nhà lô xô góc cạnh như vừa có cây bút vẽ lướt nhẹ qua trở nên nhạt nhòa mông lung. Đêm xuống.

Dòng sông đen êm ả và kiên quyết chiếm lĩnh lãnh địa của nó. Xa xa, một vài cánh câu chấp chới lượn vòng trước khi lần vào bóng tối. Tôi bất giác choàng tay lên bờ vai nàng. Cánh tay tôi cảm nhận một cơn rùng mình nhè nhẹ chạy suốt cơ thể nàng. Nàng để yên, khẽ nói: "Em có chồng rồi mà. Ngọc không biết ư?" Tôi dõi sâu vào mắt nàng lấp lánh trong khoảng tối. Tuyệt nhiên không có gì là giận dữ oán trách, trong đó cháy lên một nỗi khát khao, thậm chí đồng lõa. Tôi kéo nàng lại, thầm thì như không phải với nàng và với chính mình: “Tội lỗi không khi một người đàn ông với một người đàn bà." Và ngoan ngoãn, nàng gục đầu vào ngực tôi, ướt nóng những giọt nước mắt sung sướng

Đêm ấy, nàng đã ở lại.

Nếu cho rằng tôi yêu nàng ngay thì thật sai lầm. Phải, tất cả những gì xảy đến đều có thật. Thật như vầng dương tươi vui mỗi ngày ban ánh sáng cho muôn loài. Bản chất đàn ông là chiếm đoạt. Trong tôi cũng có một gã đàn ông đôi khi bất tuân mệnh lệnh thuộc về lí trí. Tôi, tôi chẳng tính toán, song tôi buông bỏ theo một rung cảm mãnh liệt hầu tìm nguồn giải thoát cho tất cả những nguồn lạch bị áp bức. Tôi cần một sự vỡ ảo nào đó, chẳng cần lường hậu quả để đạt tới một sự yên tĩnh, không nghi ngờ là một sự yên tĩnh bên trong. Cuộc sống mênh mông và kì bí như một dòng sông. Nó cứ trôi chảy mãi, mang trong lòng cơ man sinh linh. Mỗi người đều có con đường của mình, chỗ của mình. Tuy nhiên ai cũng phải bơi với tất cả nỗ lực nhằm tìm kiếm một sự đổi khác. Điều này vô cùng quan trọng vì đây chính là thước đo con người, thể hiện bởi ý chí, tài năng, lòng dũng cảm, sự liều lĩnh, mù quáng và cả may mắn nữa. Để rồi ai nấy dạt vào số mệnh mình. Trên bước đường ấy, khốn thay cho những kẻ thiếu niềm tin vì ai có đức tin, người đó sẽ vững bước.

Nàng đã bị trừng phạt bởi lòng tính toán. Nàng đã tự trói mình vào một hôn ước vắng tình yêu với một gã lái xe tải vào cái thời buổi khó khăn khi đang còn là sinh viên. Tội nghiệp cho nàng. Tội nghiệp hoa Thảo Đường trinh khiết thế. Ngay đêm tân hôn hắn đã đánh vào mặt nàng và hạnh phúc đã lẻn đi không trở lại sau khi thói vũ phu cởi bỏ áo khoác. Hắn thắp đèn săm soi cào bới mấy giọt huyết mà không thấy. Hắn lồng lộn, chửi rủa điên khùng, khóc lóc và sau đó rơi vào trầm uất. Hắn cho rằng nàng lừa mình. Cuộc sống của nàng, trái với nỗi ganh tị của bạn bè, đã phủ nhận niềm kiêu hãnh của gia đình, trở thành địa ngục.

Nhẫn nhục, nàng tự răn mình như thế để cố gắng giữ lấy cái nàng không thể giữ, một thứ kết hợp qui ước mà người ta quen gọi là gia đình. Nàng không muốn người thân thất vọng, nàng mong muốn hàn gắn hơn là phá bỏ, nàng hi vọng chồng mình sẽ là chồng. Rủi thay, bất chấp những yêu cầu thề thốt, hắn không tin nàng. Hắn gào lên nàng là đồ bỏ đi vì đã đánh mất điều quí giá nhất của người con gái. Không một ai, ngoài bản thân nàng, hiểu được nỗi oan của mình. Hắn không dừng lại ở đó, tự biến mình thành một kẻ chán đời, đem rượu và những canh bạc rửa nỗi nhục của kẻ đổ vỏ như hắn tự nhận và đêm đêm về lại hành hạ nàng bằng những trò quái đản mà óc thù hận của hắn tưởng tượng ra được. Nàng im lặng chịu đựng hết thảy.

Hắn càng tức tối hơn trước thái độ mà hắn coi là lì lợm, chống đối của nàng. Và rốt cuộc điều tồi tệ nhất đã xảy ra. Một hôm, nàng bắt gặp hắn đang ve vuốt một người đàn bà khác trên chiếc giường của hai vợ chồng. Hắn nhăn nhở, trâng tráo như muốn bảo "Xem còn chịu được nữa hay không?" Nàng thu xếp quần áo ra đi. Đi đâu? Chính nàng cũng không biết. Về nhà bố mẹ thì không thể được. Khi nàng xách túi lặng lờ như kẻ vô hồn men theo đường phố ràn rụa người thì một cô bạn trông thấy nàng. Có lẽ mọi tê tái nơi cõi lòng nàng đã tỏa ra cả một bầu không khí buồn thảm. Cặp mắt to đen nhuốm màu tang tóc của một cuộc hôn nhân đã chết. Thoáng trông, cô bạn hiểu ngay. Cô cũng đã chồng con, không có gì phải phàn nàn về một cuộc sống chẳng giàu có song nhẹ nhõm, dệt bằng tiếng cười và niềm vui tri túc. Cô giằng lấy túi đồ của nàng, gắt yêu: "Thôi, về nhà tao." Thế là nàng đi theo, như mơ ngủ, đầu óc trống rỗng, những ý nghĩ trốn biệt vì nàng đã quá mỏi mệt rồi.

Không hiểu bằng cách nào mà ngay ngày hôm sau, hắn đã lần ra nơi nàng ở, ủ rũ, thảm hại và cam chịu giống như một kẻ say rượu hối lỗi sau khi dứt hơi men. Hắn khóc lóc cầu xin nàng hãy tha thứ và trở về với mình. Nàng nghĩ hắn thực sự ăn năn, hơn nữa nàng không chịu được nước mắt, nhất là nước mắt đàn ông. Như mọi người đàn bà, nàng không chống cự được với những lời van vỉ nức nở. Trái tim phụ nữ trở nên mềm yếu và bao dung hơn khi ở tư thế người chiến thắng. Nàng mủi lòng, thương hắn và cám cảnh cho mình. Nàng quyết định quay lại với hi vọng vào một sự khởi đầu mới.

Như bất cứ ai, nàng có thể nhầm và thực tế cho thấy nàng đã nhầm. Hắn chẳng hề thay đổi và dường như không muốn điều đó. Hán tiếp tục lún vào sự bê tha khó dung thứ, tận hưởng một khoái cảm độc ác khi hành hạ nàng và hành hạ chính mình về mặt tinh thần.

Người đàn bà trước kia lại đến, hai người ngang nhiên như không thèm biết đến sự có mặt của nàng.

Khi thấy nàng thu xếp quần áo, hắn lại quì xuống xin nàng tha thứ, lại cóm róm, nhẫn nhục hèn mọn với một vẻ thành thật khó ngờ đến mức nàng tự hỏi không lẽ người ta lại có thể vờ vĩnh khéo vậy ư? Phải, hắn bỉ ổi thật, nhưng hỏi làm sao nàng không xúc động khi nhìn thấy khuôn mặt thảm thiết của người đàn ông từng là chồng mình. Kinh tởm, thương xót lẫn lộn, nàng biết nếu cứ nấn ná thêm, mãi mãi nàng sẽ chẳng bao giờ thoát khỏi hắn. Gom hết sức, nàng vùng ra cửa.

Sự tự do của nàng mang một ý nghĩa tiêu cực. Thật ra không phải lúc này nàng mới tưởng đến cái chết nhẹ nhàng. Có điều giờ đây trong màn tối tăm của tâm trí nàng chỉ duy nhất lóe lên ý nghĩ ấy. Trước đây, khi đọc báo đưa tin về các vụ tự tử, bao giờ nàng cũng chép miệng chê trách sự bồng bột thiếu suy nghĩ của nạn nhân. Cuộc đời đẹp và lung linh thế sao nỡ rũ bỏ hết thảy. Nay nàng mới thực sự hiểu vì sao những con người kia lại làm như vậy, vỡ lẽ được niềm vui của những kẻ không tha thiết việc sống được giải thoát khỏi gánh nặng khủng khiếp. Chưa chắc họ cần tới sự thương cảm. Nàng rẽ vào một hiệu thuốc mua mấy vỉ thuốc ngủ. Bà y sĩ đã có tuổi, nhanh nhẹn, hiền, đẹp theo kiểu người già bỗng nhìn nàng mà bảo: "Tội nghiệp con, mắt thâm quầng thế kia. Phụ nữ có thai mất ngủ không tốt đâu."

Nàng chợt rụng rời. Chưa lâu lắm song nàng đã quên khuấy điều đó. Đột nhiên nàng cảm thấy hoảng sợ với ý nghĩ mình trở thành kẻ sát nhân. Buồn nôn, rã rời, phải cố gắng lắm, gần như kiệt sức, nàng mới trở về được nhà người bạn.

Dường như đứa bé trong bụng nàng biết nó không được chào đón. Nó không cần cuộc sống nàng đã giữ lại cho nó một cách miễn cưỡng. Một cuộc đời chẳng thiếu niềm vui mà cũng không ít nỗi buồn. Mặc dù nàng hết sức giữ gìn nhưng cái thai vẫn sẩy. Sau đó, nàng ốm liệt giường mấy tháng trời và chỉ bình phục vào một sáng mùa thu trong veo, những làn gió vui vẻ chạy ào vào mảnh sân nhỏ đem theo mấy chiếc lá vàng ửng như những mảnh thu, xoay tít một cách nghịch ngợm và cuối cùng liệng tới ô cửa sổ nơi nàng đang ngồi. Tít trên kia, cao lắm, một con chim gì không rõ đánh rơi vào khoảng không một thanh âm hiu hắt cả đáy lòng. Tôi luôn thầm tạ ơn Đấng Tối Linh của mình. Ấy là Đấng luôn luôn dõi mắt theo mỗi bước đi của tôi. Tôn nhan Người chỉ mình tôi thấy, hiền từ tỏa sáng trong tâm tưởng tôi. Đêm đêm, trước khi đi ngủ, bao giờ tôi cũng kêu cầu Người. Người bao dung, nhân từ chưa hề từ chối điều đứa bé mọn khẩn nguyện. Tôi tạ ơn Người đã ban tặng nàng cho tôi. Còn hơn cả những gì một người đàn bà có thể cho một người đàn ông. Sự chăm sóc kia, sự dịu dàng kia và cả một tình yêu thuần khiết như những cánh hoa Thảo Đường chẳng phải món quà vô giá sao? Người mẹ nựng nịu lo lắng cho con, người chị quan tâm đến em, một người tình hết mực. Nàng đấy ư? Tôi biết ơn nàng về tất cả. Nàng biết chăng?

Những chuỗi ngày nhẹ lâng, ngây ngất và nở hoa. Những buổi chiều hào phóng gió, quay mặt đợi hoàng hôn từ từ nhẹ nhàng như một tấm voan mỏng ôm trùm lên cảnh vật. Những buổi tối lặng im ca hát. Ngày chủ nhật, nàng và tôi thường trốn khỏi thành phố đầy lo phiền, tìm về một vùng quê ngoại thành yên ả. Thật lạ khi cả một không gian rộng lớn bỗng mở ra trước ta một thế giới khác. Gió nô đùa tự do, những bầy chim xoải nắng, hoa cỏ bình thản nhả hương, bọn mục đồng nhảy nhót la hét và lất phất liếm vào mặt hơi thở thân thuộc của đồng phả lên từ những đám ruộng, những búi cỏ thơm mát và những đám phân bò nồng nồng. Tháng ba, những cây vải trở nên nặng nề, khệ nệ mang trên mình các mâm hoa trắng ngà. Ong bướm và lũ bọ nhỏ rầm rì, bận rộn trong những cành mệt mỏi thơm ngát.

Chiều về, đàn trẻ trâu thấm mệt gọi nhau í éo giục giã chạy tối. Bầu trời chuyển màu lam tím mát mẻ. Vang vang trong mênh mang một bài ca trong trẻo ngọt lành xa lạ với những kẻ không hiểu gì về đồng quê song lại vô cùng thiết tha rạo rực cho kẻ nặng tình với nó. Từ sau thân đê to lớn xám đen, vầng trăng khuyết như cặp môi hé nở khao khát từ từ dâng lên hôn vào trời biêng biếc, và co ro, và sung sướng, chúng tôi ra về.

Nàng và tôi. Tôi và nàng. Lũ bạn tôi đều biết cả. Từ ngày có nàng, tôi trở nên chểnh mảng bạn bè, không còn những cuộc đàn đúm thâu đêm suốt sáng như trước. "Trông kìa, nó đang hạnh phúc đấy" chúng bảo nhau. Tôi không kịp nhận ra nụ cười đầy ẩn ý. Một hôm, Sâm, thằng bạn thân nhất của tôi, lôi tôi ra một chỗ, hỏi: "Mày biết em đã có chồng rồi chứ?" "Biết." "Và bọn mày định cưới?" Tôi ề à cho qua chuyện: "Cũng chưa biết chừng." Thằng Sâm ngớ ra nhìn tôi như một kẻ tâm thần: "Mày điên rồi, mày là trai tân!" "Thì sao?" Thằng Sâm vứt toẹt điếu thuốc mới châm: "Tiếc rằng em chưa có con để mày khỏi phải đẻ con luôn!" Tôi vung nắm đấm quai thẳng vào mặt Sâm và gào lên: "Mặc xác tao!" Tôi biết nó không ác ý, những gì nó làm cũng chỉ vì tôi mà thôi, nhưng nó đâu hiểu lòng tôi.

Thằng Sâm cũng không dễ chịu thua. Mấy hôm sau, nó lại tìm gặp tôi, vui vẻ như không có chuyện gì xảy ra. Nhưng đến lúc sắp về, nó chỉ nhẹ nhàng bảo: "Thôi thì mày muốn sao thì thì tùy, nhưng mày đã hỏi ý kiến gia đình chưa?" Tôi chết lặng, không nghĩ ra được điều gì trả lời nó. Phải, biết ăn nói thế nào với mẹ đây, không phải tôi không nghĩ tới điều này. Nhà chỉ mình tôi là trai. Mẹ sương gió nuôi mấy chị em chúng tôi thành người. Bà thương chúng tôi nhưng cũng hết sức nghiêm khắc, khuôn con cái theo nền nếp truyền thống.

Ngay trong tuần, tôi thu xếp về nhà. Mẹ già đi vì mong mỏi, ánh mắt ngày càng trầm và ấp áp. Tôi đã khéo léo bày vẽ một câu chuyện có hoàn cảnh tương tự như mình, định bụng sẽ kể cho mẹ nghe để thăm dò thái độ. Nhưng những chuyện làng xóm mẹ vui vẻ kể kèm theo lời phẩm bình đã khiến tôi không bao giờ dám mở miệng. Sớm hôm sau, lòng trĩu nặng, tôi từ biệt mẹ.

Điều tệ hại nhất là khi người đàn bà đặt hết niềm tin vào người đàn ông, còn anh ta ngỡ rằng mình xứng đáng và không bao giờ phụ niềm tin ấy cho đến khi cảm thấy bất lực trước một trở ngại chừng như không tài nào vượt qua nổi. Tôi không thể và không đủ sức nói với nàng về điều này. Tôi rơi vào nanh vuốt của nỗi buồn và cảm thấy ngạt thở dưới sức nặng của sự hỗ thẹn. Cầu mong nàng đừng nghĩ như thế, rằng tôi dưới ánh hào quang do tình yêu đã được lí tưởng hóa của nàng gán cho, cũng chỉ là một kẻ bạc bẽo quen thói lạm dụng mà thôi.

Oái oăm thay, nàng lại thông minh và không thiếu nhạy cảm. Nàng hỏi tôi, cái nhìn chất chứa lo âu: "Chuyện gì vậy anh?"

"Không." - Tôi trả lời qua hơi thở dài ảo não. Nhưng tôi tin bằng vào nỗi thất vọng đọng nơi đáy mắt tôi, bằng vào bóng dáng cơn trầm uất lởn vởn trên gương mặt tôi rầu rĩ, nàng đã đoán hiểu tất cả. Nàng là vậy mà, không khi nào xa lạ với những ý nghĩ thầm kín của tôi. Tôi biết ăn nói thế nào với nàng? Nàng, không ngây thơ và khờ dại, đau khổ và sung sướng dâng hiến bởi tình yêu. Khi hành động vì tình yêu, chắc có lẽ nàng cảm thấy kiêu hãnh và hạnh phúc. Vậy mà tôi nỡ xử tệ với nàng

Tôi tránh mặt nàng. Chưa khi nào tôi sợ phải gặp nàng như lúc này. Tôi mặc cho bạn bè cuốn đi, chẳng nói chẳng rằng như kẻ cấm khẩu. Những chiếc vỏ chai hút rỗng đêm. Khi nào, ở bất cứ đâu, tôi cũng cảm thấy cặp mắt trách móc của nàng từ một góc nào đó dõi theo nhất cử nhất động của tôi. Tôi muốn chôn vùi mình vào một trò gì đó tẻ nhạt, vô nghĩa nhưng cần nhất là phải xóa được dòng suy nghĩ u uất. Tận sâu trong, tôi cảm thấy một khoảng trắng lạnh đang lớn dần lên. Xét cho cùng, trước nay nàng cứ ban tặng với sự tự nguyện, chưa hề đòi hỏi tôi điều gì. Tôi chẳng giúp nàng được gì nếu không muốn nói là thỉnh thoảng còn gây ít nhiều lo phiền. Thật lạ, nàng không bao giờ phàn nàn hay bực tức, ngược lại còn tỏ ra thích thú khi có cơ hội thỏa mãn tính khí thất thường của tôi. Phải chăng đó là sự khác biệt giữa người phụ nữ đã có chồng và lũ con gái hợm mình giàu ảo tưởng, thích hành hạ kẻ khác bằng thói đỏng đảnh, vòi vĩnh, nàng biết không những điều tưởng như vụn vặt mỏng manh lại hàm chứa sự bền vững khó phá bỏ.

Một chiều tôi lê lết về đến nhà, đầu nhức như có kẻ nào xoáy vào đó một vật nhọn sắc. Khe cửa gài một mảnh giấy nhỏ. Chữ nàng đấy, những nét uốn và rất mơ mộng không lẫn vào đâu được. Nàng viết: "Em đi chuyến tàu 7 giờ tối. Dù thế nào, chúng mình vẫn là bạn của nhau phải không anh, vĩnh biệt." Tôi cuống cuồng lao ra ga và chạy xộc vào nơi con tàu tôi thường đón đưa nàng vẫn đậu. Muộn rồi. Tàu đã khởi hành được năm phút. Từ khúc quanh lởm chởm những mái nhà đen ngòm vàng lại một hồi còi tiễn biệt ai oán. Mặt đất rung nhè nhẹ, nấc lên trong con nức nở. Tôi cảm thấy mà mình đẫm rát.

Tôi mãi mãi không bao giờ gặp lại nàng nữa. Về sau có tin nàng đã tái giá với một Việt kiều giàu có ở Mỹ. Ông ta đã bảo lãnh cho nàng tới một miền đất lạ. Cũng có người nói nàng đã qua đời do một chứng bệnh hiểm nghèo ở quê. Về phần mình, tôi cũng đã có gia đình. Vợ tôi xinh xắn, tháo vát, biết chuộng chiều chồng. Cuộc sống bận rộn đã xóa đi phần nào mặc cảm tội lỗi trong tôi. Thảng có đêm, trong mơ, tôi bắt gặp những cánh hoa Thảo Đường trinh khiết lay lắt sáng về kí ức.

Đặng Vương Hạnh | Báo Văn Nghệ

----------

Bài viết cùng chuyên mục:

Đọc truyện: Chờ người trong tranh - Truyện ngắn dự thi của Đặng Ngọc Hùng Đọc truyện: Lửa trạng nguyên. Truyện ngắn dự thi của Tống Ngọc Hân Đọc truyện: Bên sông giặt áo - Truyện ngắn dự thi của Bảo Thương Đọc truyện: Búa nước. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thị Phương Lan Đọc truyện: Huyết lệ chi. Truyện ngắn dự thi của Phạm Hữu Hoàng
Văn nghệ Trẻ, số 17/1997
Từ Đền Hùng còn vang vọng mãi lời Bác dạy

Từ Đền Hùng còn vang vọng mãi lời Bác dạy

Baovannghe.vn - Trong chín lần về Phú Thọ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hai lần tới thăm Đền Hùng.
Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về "Chống lãng phí"

Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về "Chống lãng phí"

Baovannghe.vn - Trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm công tác phòng, chống lãng phí, đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận về vấn đề này và lãnh đạo cả hệ thống chính trị, toàn dân tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả. Văn nghệ điện tử trân trọng giới thiệu nội dung bài viết “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm.
Khéo dư nước mắt. Tạp bút của Đông Trình

Khéo dư nước mắt. Tạp bút của Đông Trình

Baovannghe.vn - Con đường ấy mang tên "Đông - Tây". Đơn giản là nó nối hai phương của một thành phố. Con đường lớn, đẹp, lối đi hai chiều.
Kiến trúc Hà Nội - 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954-2024)

Kiến trúc Hà Nội - 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954-2024)

Baovannghe.vn - Kiến trúc Hà Nội - 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954-2024) là cuốn sách có giá trị tổng quan và sâu sắc về các chặng đường phát triển của kiến trúc, đô thị Hà Nội.
Trầm ngâm quê nhà- Thơ Nguyễn Văn Hòa

Trầm ngâm quê nhà- Thơ Nguyễn Văn Hòa

Baovannghe.vn- Tôi từ thương nhớ mà đi/ Vọng trong ngày cũ xanh rì chiêm bao/ Nam non ướt ngọn mưa rào/ Nồm già nứt vách chênh chao nếp nhà