Sáng tác

Sông xưa - truyện ngắn của Nguyễn Một

Nguyễn Một
Truyện
11:00 | 25/07/2024
Nếu ở California giờ này anh đã tất bật ngốn vội phần ăn trưa để còn leo lên cái panô quảng cáo cao chót vót hoàn thành nốt những công việc trong ngày.
aa
Sông xưa - truyện ngắn của Nguyễn Một

Anh đặt chân đến đây đã ba hôm và cũng ba đêm liền anh không thể chợp mắt trước hai giờ sáng, phần vì giờ giấc thay đổi đột ngột, phần vì tiếng rì rầm của dòng sông cứ liên tục kéo anh trở lại với những kỉ niệm buồn...

Anh ở tại một nhà trọ ven sông. Nhà trọ có khoảng mười phòng được xây dựng khi cái thị trấn nhỏ bé hình thành ở ngã ba dòng sông. Ngày trở lại đây, anh ngỡ ngàng biết bao với sự thay đổi của quê hương. Những bụi tre được phát quang sạch sẽ chỉ còn lại dấu tích xơ xác của đám rễ chưa kịp đào đang cố bám vào đất. Xóm nhà tranh ven sông đã được thay bằng những căn nhà ngói đỏ. Tất cả đều đổi khác, chỉ có tiếng nói của dòng sông là không hề thay đổi. Anh nằm nghiêng tai để lắng nghe dòng sông chảy. Anh không thể nào quên. Nó vẫn cứ rì rầm như ngày xưa...

Anh trở mình, mở mắt nhìn lên trần nhà. Dưới ánh đèn ngủ màu vàng những hình ảnh chạm nổi trên tấm laphông bằng thạch cao chập chờn di động chợt như hiện lên những hình ảnh quen thuộc đã nhiều lần xuất hiện trong hồi ức của anh về một quá khứ xa xăm...

*

...Người đàn bà thanh mảnh trong bộ bà ba đen nghiêng vành nón lá nhẹ nhàng lướt mái chèo trên mặt nước. Mái tóc óng mượt xõa xuống bờ vai thon thả. "Mẹ." Anh kêu lên. Tiếng kêu khe khẽ hòa lẫn trong tiếng rì rầm của dòng sông. Chiếc xuồng vừa cập bến. Chú bé đen đủi rắn chắc từ bến sông nhảy phóc lên xuồng. Chiếc xuồng tròng trành. Thiếu phụ ôm chú bé vào lòng.

Anh lặng người đi, "Mình ngày xưa, thằng Đen của mẹ."

Ngày hôm sau, thiếu phụ lại chèo xuồng qua sông, dưới đáy xuồng có cái ngăn nhỏ. Đen phụ mẹ chất vào đó một bao gạo, cá khô và những viên thuốc màu vàng đắng ngắt mà nó đã có lần dại dột nếm thử. Mỗi lần làm xong nó ngước cặp mắt ngây thơ hỏi mẹ:

- Mẹ ơi! Ba con đâu?

Mẹ ôm nó vào lòng hất hàm qua bên kia sông:

- Ở bên đó.

- Mẹ cho con thăm ba với.

- Ngoan nào, đợi lớn cái đã.

Anh nhắm mắt, hai giọt lệ nóng hổi lăn dài trên má. "Mẹ ơi! Tại sao ngày xưa mẹ lại dối con?" Mãi đến sau này anh mới biết ba anh không hề có mặt bên bãi bồi. Ông đã cùng đồng đội mãi mãi nằm lại dưới đáy sông trong một trận đọ súng với kẻ thù từ ngày anh mới mở mắt chào đời...

Thằng bé ra bờ sông, lặng nhìn những đốm lửa xanh xẹt qua xẹt lại dưới làn sương mù. "Ma trơi." Nó không hề sợ những con ma ấy. Người già thường bảo: "Ma quỉ còn sợ bọn trẻ chăn trâu." Chỉ có bọn nó mới được bơi ra sông để kéo những bè chuối có cái đầu heo cúng cô hồn thả trôi trên sông.

Một chấm đen xuất hiện dưới ánh trăng rồi lớn dần ra. Mẹ đã về. Chiếc xuồng nhỏ vừa cập bến. Trung úy Sáu cùng đám lính đi tuần trên sông hất hàm hỏi:

-Ê! Cô em đi tiếp tế cho Việt Cộng về hả?

- Dạ đâu có trung úy, em ráng hái thêm ít lá dâu tằm đang ăn rỗi.

- Coi chừng về sau giờ giới nghiêm chết oan đó nghen cưng!

Mẹ vẫn cứ đi về trên chiếc xuống con vào mỗi buổi chiều khi bãi dâu bên bồi ngập nắng vàng. Thằng Đen lại ra bến sông chờ mẹ cho đến khi làng xóm lên đèn.

Mùa lũ sắp đến, dòng sông sẽ đỏ ngầu màu máu. Nó nghe rõ tiếng sôi ùng ục trong lòng sông. Đó là dòng máu của con rồng đất đang trào ra trong lòng con nước. Ông ngoại nó kể: "Ngày xưa trên thượng nguồn dòng sông có một con rồng đất, trăm năm há miệng một lần. Cứ mỗi lần như thế xứ sở này lại sản sinh ra một nhân tài. Vì lo sợ nhân tài sẽ lãnh đạo đồng bào lật đổ ách đô hộ, kẻ thù đã dùng pháp thuật để giết chết con rồng đất. Con rồng bị chém vào khoảng tháng mười. Cho nên cứ đến mùa này dòng sông lại đỏ ngầu màu máu. Nhưng kẻ thù đã tính lầm. Con rồng chết đi không những nhân tài không bị mất mà lại sinh ra nhiều hơn. Bởi những nơi có máu rồng chảy qua là địa linh, mà địa linh sinh nhân kiệt.” Ông ngoại nó kết luận như vậy. Tiếng ùng ục trong lòng sông đã khẳng định với nó về điều ông ngoại nó kể.

Những câu chuyện của ông đã trở thành hành trang cho anh suốt quãng đời lưu lạc. Cứ mỗi lần nhớ quê anh lại nhớ dòng sông. Nhiều đêm ở xứ người anh mơ thấy dòng nước gầm thét tung bọt đỏ ngầu đè rạp ngàn dâu bên bãi bồi. Anh đã sống cùng ông từ nhỏ. Ngày ấy, cứ mỗi chiều ông lại cõng anh ra sông để kể cho anh nghe những câu chuyện về dòng sông. Ông thương anh nhất trong số ba đứa cháu. Hai đứa em con cậu anh cũng ở với ông. Từ cái ngày người ta vớt anh dưới sông lên ông đã dành hết cả tình thương yêu của ông cho anh.

-Tội nghiệp! Nó mồ côi cả cha lẫn mẹ...

Ông thường than thở với những người hàng xóm như vậy. Có lẽ vì quá thương anh nên mỗi lần bị bệnh ông thường gọi tên anh ngay cả trong giấc mơ.

- Đen ơi! Rót cho ông li nước.

- Đen ơi! Dắt ông đi một tí.

- Đen ơi! Thắp cho bà cây hương.

- Đen ơi!...

Nhằm lúc đang đánh đáo với lũ trẻ bị ông ngoại gọi anh đâm bực mình ganh tị với mấy đứa em con cậu. Anh đã gắt với ông:

- Sao ông không gọi tụi nó? Gọi tui hoài.

Anh vùng vằng đi rót nước và khi li nước đến tay ông thì còn được một nửa, ông chỉ im lặng nhìn anh.

Dạo ấy, chiến tranh ác liệt diễn ra ở miền Đức Dục. Cậu anh bay từ Sài Gòn về dẫn gia đình anh đi. Không thuyết phục được ông, cậu anh đã dắt anh đi cùng với mấy đứa em con cậu.

Đưa con cháu ra bến đò, đứng trên bờ ông gạt nước mắt nhìn theo. Bóng ông xiêu xiêu trong nắng chiều vàng vọt. Niềm vui được đi xa đã làm cho anh vô tình với những giọt nước mắt già nua của ông.

Đến khi lên tàu, giữa cái ồn ào của hành khách, cảm thấy mình lạc lõng. Lúc đó anh mới òa khóc vì nhớ ông.

Sau ngày giải phóng được năm năm, lúc định cư ở Mỹ anh mới biết tin ông mất. Hình dung cảnh ông mất đi trong sự cô độc giữa túp lều nhỏ xiêu vẹo bên sông, anh đã khóc suốt mấy ngày đêm. Những lỗi lầm của anh ngày xưa lại liên tục ám ảnh anh một cách nặng nề. Anh ước gì được sống lại những tháng năm thơ ấu để chuộc lại lỗi lầm của mình. Mấy đứa em con cậu cứ cười nhạo cái tình cảm yếu đuối của anh. Họ thường bảo cái tình cảm ấy không phù hợp với lối sống phương Tây. Có khi họ nói cũng đúng. Suốt bao năm trời anh lận đận cái việc kiếm sống. Thật vậy, dù sau này đã có mảnh bằng họa sĩ trong tay, anh cũng chẳng có được một chỗ làm đàng hoàng, đành phải nhận chân thợ vẽ quảng cáo ngoài trời.

Cố gắng dành dụm gần mười năm anh mới có đủ tiền để về lại Việt Nam một chuyến. Quê anh giờ đã khác xưa. Nhưng dòng sông và hình ảnh của những người thân vẫn vậy. Tất cả những hình ảnh ấy không hề thay đổi trong anh. Anh còn nhớ rõ từng lời ông đã nói với cậu anh ngày tiễn con cháu ra đi: "Tôi sinh ra và lớn lên nhờ mảnh đất này. Nếu có chết tôi sẽ gởi nắm xương tàn lại cho quê cha đất tổ. Với lại tôi muốn ở lại với con gái tôi. Dòng sông này là ngôi mộ lạnh lẽo của nó. Nó không thể thiếu những nén nhang của tôi. Anh và các cháu đi mạnh giỏi đừng lo cho tôi". Anh nhắm mắt, hình ảnh về cái chết của mẹ anh. Đứa con gái yêu quí của ông hiện về rõ mồn một trong tâm trí anh.

*

... Chiều đã nhạt nắng, bãi đậu bên bồi chuyển sang màu xanh thẫm. Thằng Đen ra bên bờ sông chờ mẹ cho đến khi mặt trăng dần nhô lên sau lũy tre làng rọi những tia sáng vụn vỡ xuống mặt sông. Theo thói quen nó nằm úp trên bãi cỏ để lắng nghe tiếng nói của dòng sông.

Tạch...tạch... đùng, một loạt đạn bắn ra từ đồng Bốn lăm. Thằng Đen bật dậy. Trên dòng sông dưới ánh trăng vằng vặc chiếc xuồng quay vài vòng rồi trôi theo dòng nước. Trước lúc ngã xuống sông, thiếu phụ đưa tay về phía bờ, trên ngực một dòng máu vọt thành vòi.

- Mẹ!

Thằng Đen hét lên rồi lao xuống dòng sông.

Ông lão chèo đò đã vớt lên một cái xác trắng bệch nhưng nó vẫn còn sống. Người ta không hiểu tại sao nó có thể sống được? Ông lão kể cho mọi người nghe rằng: "Ông thấy rõ có một người đàn bà đưa thằng bé vào cạnh xuồng ông rồi từ từ chìm xuống để lại một dòng máu đỏ nhờ nhờ trên mặt sông."

*

Anh trở mình lẩm bẩm: "Gần hai mươi năm lưu lạc xứ người." Anh nghiêng tai lắng nghe dòng sông rì rầm nói chuyện, nhưng lần này anh nghe rõ dòng sông bảo anh, màu đỏ của nó không phải là màu máu của con rồng đất huyền thoại.

Nguyễn Một | Baovannghe.vn

------

Bài viết cùng chuyên mục:

"Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín" của Nguyễn Một đoạt giải Hội Nhà văn Việt Nam Vợ chồng người thợ xóm Chiêu Thương - Truyện ngắn của nhà văn Bùi Ngọc Tấn Người bào chế thuốc giảm đau - Truyện ngắn của nhà văn Trang Thế Hy Đò ơi - Truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Quang Lập Lỡ đò - Đọc lại truyện ngắn "Đò ơi" của Nguyễn Quang Lập
Văn nghệ Trẻ, số 12/1995
Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ đêm 19/9 - 20/9, mưa lớn xảy ra tại khu vực từ Thanh Hóa - Quảng Trị
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.