Sáng tác

Vợ chồng người thợ xóm Chiêu Thương - Truyện ngắn của nhà văn Bùi Ngọc Tấn

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn
Danh tác văn học
11:00 | 10/07/2024
Sự sống đã thắng cái chết. Cuộc sống mới đủ sức xóa đi những đau khổ cũ. Cuộc sống mới tuy còn cả lo âu và những khó khăn, nhưng có rất nhiều niềm vui lớn.
aa

Nhà anh Chủy vẫn ở chỗ ấy. Anh vẫn ở một căn phòng sáng sủa và xinh xắn, căn phòng trên gác hai một khu nhà ba tầng mới xây. Trong nhà bày biện, trang hoàng so với lần trước, cách đây một năm tôi đã tới, chẳng khác là bao: cái giường nan quạt kê ở một đầu buồng, bộ bàn ghế cũ kỹ đặt sát bờ tường, bên cửa sổ, chiếc gương tròn nhỏ của Trung Quốc chế tạo treo ngang tầm mắt. Có khác là chiếc võng nâu thì không còn nữa. Và những bức tranh trẻ con, tranh công nhân thi đua sản xuất treo trên tường đã hơi cũ đi một ít. Nhưng khác nhất là những chiếc quần áo trẻ con. Không phải là những cái áo lọt lòng, những chiếc yếm dãi, những cái tã chéo giăng đầy nhà như hồi nọ. Trên dây thép, tôi thấy một cái áo cổ bẻ bằng vải hoa xinh xắn và một chiếc quần “soóc” rộng bằng hai bàn tay.

Khi tôi tới thì vợ chồng anh vừa đi chợ về. Chủy bế con. Làn xách một lẵng mây rau tươi và một ít hoa quả. Cả hai mặt đỏ bừng. Nom thấy tôi, Chủy reo lên:

- Anh.

Tôi đỡ cháu Dân trong tay Chủy. Thằng bé lật cái mũ vải trên đầu, ném xuống nền đá hoa. Hai gò má nó đỏ ửng như trái đào. Nó giãy khỏi tay tôi và tụt xuống bên cái làn của mẹ.

- Một năm rồi mới gặp lại anh.

- Chị Làn nom khỏe quá. Cả cháu Dân nữa.

Tôi hết nhìn Làn, nhìn Chủy, lại nhìn cháu bé. Họ khác trước rất nhiều. Làn béo ra. Gái một con, nom chị đẹp hẳn lên. Cháu dân là một cháu bé mập mạp. Cu cậu mặc may ô trắng có in hình con thỏ đang đánh trống, cái quần đùi bằng vải kẻ, nom đáng yêu quá đi mất. Hai vai rộng và đầy lông măng của nó núng nính thịt. Đôi chân chỉ dài hơn gang tay, trắng mịn lẫm chẫm đi từ góc nhà này sang góc nhà khác.

Tôi trút hết mối lo lắng suốt từ hôm trở về Hải Phòng tới nay. Chủy quạt lấy quạt để:

- Nóng quá! Hôm nay lại im gió. Anh chờ chúng tôi lâu chưa?

Chị Làn rót nước mời tôi:

- Nom chúng em có khác nhiều không anh?

Rõ ràng là chị chờ đợi một lời khen. Chị rất tin ở sự “khác trước” của những người trong gia đình chị. Tôi thành thực:

- Khác. Khác lắm chị ạ.

Chúng tôi chuyện trò mừng rỡ. Chủy nói như ra lệnh:

- Hôm nay nhất định anh phải ở lại ăn cơm với vợ chồng tôi đấy!

- Vâng. Tôi sẽ ở lại đến chiều. Có gì làm cơm mời khách chưa?

Chị Làn tủm tỉm cười.

- Chẳng có gì đâu. Hôm nay đến phiên mua thịt. Em xếp hàng mãi mới đến lốt.

Đông quá.

- Thật là số tôi may.

Chúng tôi cùng cười. Tôi bẻ quả chuối tiêu trên đĩa mà chị Làn vừa đặt lên bàn, vẫy cháu Dân. Nó không biết lạ, chạy tới vồ vào đầu gối tôi. Tôi quạt cho nó và vuốt vuốt những sợi tóc mềm mại dính bết trên trán nó:

- Nắng thế, anh chị cho cháu đi chợ làm gì.

Chủy vừa bóc chuối vừa đáp.

- Hôm nay nhà trẻ nghỉ. Chủ nhật mà. Nhà tôi bế cháu đi mậu dịch mua cho cháu đôi dép Thái Lan. Cháu chỉ thích dép Thái Lan thôi. Thấy con người ta đi là cứ đòi. Nhưng mậu dịch lại hết.

Tôi ở chơi với vợ chồng Chủy một ngày. Ngày chủ nhật của hai người thật bận rộn. Tôi giúp Chủy bổ củi. Chủy giặt giũ. Làn vừa trông con vừa nấu cơm. Bữa cơm “ăn tươi ngày chủ nhật” riêu cua, rau muống chẻ, thịt lợn ba chỉ quạt chả. Thật là tuyệt!

Làn từ ngày đẻ con đến giờ đã khỏe lên rất nhiều.

- Nhà tôi khỏi hẳn bệnh ngất rồi anh ạ.

Chủy sung sướng báo cho tôi tin vui ấy. Anh tiếp:

- Mà trước đây, anh cũng biết, thuốc thang như thế. Tôi có tiếc một thứ thuốc nào đâu! Công đoàn, xí nghiệp cũng tận tình giúp đỡ. Đâu vẫn hoàn đấy. Thế mà đến khi nhà tôi sinh cháu thì khỏi hẳn. Ông bác sĩ bảo: “Đấy là sự chuyển hóa trong cơ thể, người phụ nữ đẻ xong thường có những thay đổi lớn trong người. Những thay đổi ấy là một liều thuốc rất tốt để chữa bệnh”.

Tôi rất thông cảm với niềm vui ấy của anh. Chúng tôi trao đổi với nhau về tình hình công tác, sản xuất, về cái lò nung bướng bỉnh và cao tuổi trong xí nghiệp gia đình. Làn nói nhiều đến những nét đặc biệt của đứa con giai:

- Ai lại bằng cần này mà đi vườn trẻ, cắn con người ta có chết không cơ chứ. Sáu tháng đã biết bò rồi. Người ta bảo ba tháng biết lẫy, bảy tháng biết bò, chín tháng lò dò biết đi, mà cháu tám tháng đã biết đi. Một mình cháu ăn hết một bát phở đấy anh ạ.

Chị nhìn con đầy vẻ trìu mến, tự hào.

Sau bữa cơm chiều, chúng tôi đi chơi trên đường cái. Cuộc sống ở khu nhà tập thể, buổi chiều chủ nhật, thật là nhộn nhịp. Trong một khung cửa sổ gác ba, tôi nom thấy mấy khuôn mặt thiếu nữ. Gió thổi tung mái tóc họ. Gian bên, một thanh niên đang kéo phong cầm. Tiếng đàn vang xa dồn dập. Và những giọng thiếu nữ trong trẻo hát theo.

Chủy, Làn nói sang những thích thú từ khi dọn sang nhà mới.

- So với hồi còn ở Chiêu Thương, đời sống chúng tôi được cải thiện căn bản rồi đấy. Có một căn buồng rộng rãi, mát mẻ, đâu phải dễ dàng. Đúng không anh?

Chuyện lan man, chúng tôi lại nói đến những tồn tại trong cuộc sống khu tập thể. Nhà xa hơn trước, Chủy và Làn chỉ ao ước có được cái xe đạp đi làm (xí nghiệp đang tiến hành mua ô tô chở công nhân đi đi, về về, nhưng còn phải chờ dự trù ít ra là một năm nữa). Rồi quần áo phơi chung phơi lẫn hay mất mát. Cũng có nhiều người muốn có một mảnh đất tăng gia, nuôi gà nuôi vịt như hồi còn ở Chiêu Thương cũ mà ở đây thì không có điều kiện...

Cuộc sống đi lên, nhưng chưa phải là đã hết khó khăn, lo lắng và phiền phức. Điều tôi sung sướng nhất là Làn không bị ngất nữa. Những vết giày đinh không còn hiện lên trên người chị nữa. Năm ngoái, lần đầu tiên trong đời, tôi đã trông thấy vết giày đinh ma quái ấy. Nó nổi lên trên người Làn rõ từng vết đầu đinh bị vẹt và những lốt cá sắt mòn lỗ rỗ. Chiến tranh đã đi qua nhưng cái bóng dáng ghê tởm của nó chưa chịu buông tha người ta ngay đâu.

... Cách đây một năm, không... mười bốn tháng, tôi có đến gặp Chủy, một người thợ lò bình thường ở nhà máy xi măng. Hồi ấy, tôi còn làm phóng viên một tờ báo địa phương và tòa soạn giao cho tôi đi viết một bài về những người thợ xóm Chiêu Thương được dọn về nhà mới.

Tôi đến xóm Chiêu Thương trong giai đoạn nó đang bị phá trụi. Trong những mảnh vườn nhỏ, người ta nhổ tung lên những luống rau muống cạn đang nảy mầm mơn mởn. Mấy cây đu đủ xanh um vừa bị đẵn xuống, quả sai trĩu trịt. Lũ trẻ con đua nhau vặt những quả đu đủ xanh ứa nhựa vì xây xát. Mặc cho người lớn la hét, chúng vẫn ôm những quả xanh đầy nhựa ấy vào ngực.

Những hàng rào bằng nứa, bằng cây ruối, cây xương rồng bị dỡ và phát đổ ngổn ngang. Xóm Chiêu Thương nom lạ hẳn đi. Cả một khu nhà đang bị bóc hết mái, vỉ cột. Mấy tấm vách còn đứng chơ vơ, rung rinh giữa một khoảng ngổn ngang tre, nứa, rạ, mồ hóng cũ kỹ. Nhiều gia đình đã dọn đến khu nhà mới xây cách đây không xa lắm. Ở xóm Chiêu Thương nom rõ những ngôi nhà ba tầng mọc lên san sát vừa dỡ xong giàn giáo, hiện ra lồ lộ với tất cả vẻ đẹp trinh tiết. Những bức tường một màu vàng rực chắn một vùng trời lồng lộng. Và những cửa sổ sơn xanh mở đều một lượt. Người ta đang xây tiếp những ngôi nhà ba tầng nữa cho công nhân ở dài về phía bắc. Một con đường lớn vừa mở qua xóm Chiêu Thương để ô tô tải gạch, ngói, cát, sỏi, gỗ, thép đến công trường. Con đường mới như một mũi tên rạch đôi xóm thợ lầy lụa, bẩn thỉu tiến đến một khung trời khác.

Tôi đinh ninh nhà Chủy cũng tấp nập như những nhà khác đang chuẩn bị dọn đến khu nhà mới. Nhưng không. Nhà Chủy vắng vẻ lạ thường. Một người đàn ông dựa người vào cửa sổ, mắt lim dim. Thấy tôi, người ấy choàng dậy. Tôi đoán đấy là Chủy. Anh ta mời tôi ngồi. Chúng tôi tự giới thiệu. Đúng là anh Chủy, người mà tôi đang muốn gặp. Nhưng sao nhà anh lại im ả thế này? Mấy chiếc áo xanh treo trên tường, chiếc võng nâu vắt qua một gian nhà, chiếc buýp-phê mặt đầy bụi và những chiếc nồi nhôm, mấy đôi đũa cắm chếch vào một cái nồi đầy bát chưa rửa. Không có vẻ gì là anh đang chuẩn bị dọn đi cả!

- Chị đi làm ca à anh?

Chủy lúng túng một chút:

- Vâng.

Như những nhà báo khác, tôi trình bày yêu cầu của bài báo và hỏi chuyện anh. Anh cười, vừa gượng gạo vừa thành thật:

- Thật khó nói quá anh ạ. Đảng, Chính phủ bỏ tiền triệu ra xây nhà cho chúng tôi để chúng tôi chấm dứt cảnh sống ở nơi ao tù nước đọng này. Lẽ ra tôi phải vui mừng mới phải, nhưng thú thật với anh, lúc này tôi chưa nghĩ đến chuyện ấy đâu, chuyện dọn nhà đi ấy mà.

Tôi ngạc nhiên:

- Sao vậy anh?

Anh đỏ mặt:

- Nhà tôi... đang... giở dạ đẻ.

Tôi reo lên:

- Anh sắp được làm bố rồi đấy. Thế thì càng vui chứ sao?

Anh nhìn tôi rồi lại nhìn đi nơi khác không đáp.

- Chị ấy đi bệnh viện lâu chưa?

- Hôm qua. Vừa thấy khó chịu một cái, cô ấy đã gọi hàng xóm chạy đến báo tin cho tôi. Tôi đưa nhà tôi đi luôn.

- Anh đã được tin gì về chị ấy chưa?

Anh buồn rầu:

- Tôi chầu chực ở cửa bệnh viện suốt tối hôm qua mà chẳng được tin gì cả, ngoài cái tin vợ tôi chưa đẻ.

- Đẻ con so giở dạ lâu thế đấy anh ạ.

- Không. Nhà tôi khác. Tôi lo lắm.

Cặp mắt màu nâu hiền lành của anh lờ đờ nhìn ra ngoài sân. Ánh sáng đọng vào con ngươi những vệt trắng bóng như thủy tinh. Tự nhiên tôi ái ngại cho anh quá:

- Rồi đâu nó sẽ vào đấy cả thôi. Có người còn giở dạ đến bốn, năm ngày cơ mà.

Chủy lắc đầu:

- Nhà tôi hay bị ngất lắm. Mấy lượt chửa trước đều bị sảy hết cả. Không biết lần này... nhà tôi rất yếu. Tôi chỉ lo nhà tôi bị ngất ở trong ấy... Tôi đến bệnh viện sản bốn lần rồi, nhưng người gác cửa nhất định không cho vào. Những cô ý tá, y sĩ mặc áo trắng thì cứ nhìn tôi chằm chằm rồi trả lời dè dặt: “Anh là chồng chị Làn phải không? Anh cứ yên tâm. Chị Làn vẫn nằm ở phòng đợi tận gác ba cơ. Chị ấy chưa đẻ và vẫn khỏe lắm”. Tôi biết người ta nói dối. Có lẽ nhà tôi khó mà qua được!

Rồi anh kể qua về tình trạng sức khỏe của vợ anh cho tôi nghe. Tôi thấy là không biết điều chút nào nếu vẫn cứ ngồi đây hỏi chuyện anh về việc dọn nhà. Tôi rủ anh đến khoa Sản và hứa với anh sẽ hỏi được tin tức của chị Làn. Anh đi ngay, nhưng có vẻ không tin tưởng lắm.

- Cũng khó đấy. Từ hôm qua tới nay, các đồng chí công đoàn rồi ban quản đốc phân xưởng đã tới bệnh viện nhưng đều không được vào. Nguyên tắc là không ai được lên gác đâu. Anh em đều rất lo lắng cho tôi. Tôi biết có nhiều đồng chí đã chuẩn bị mừng cháu quần áo, mũ, giày, nhưng họ chưa dám đem tới. Họ sợ. Nhà tôi có lẽ yếu lắm mới không xuống được.

Nét mặt anh buồn rười rượi. Nhưng một lát anh tiếp:

- Nhưng như vậy là bệnh tình nhà tôi cũng chưa đến nỗi nguy kịch anh nhỉ? Vì nếu có sao họ phải gọi cho tôi chứ.

Tôi vừa đạp xe vừa động viên anh. Tôi bảo anh đứng ngoài chờ. Còn tôi, với cái thẻ phóng viên, tôi đi thẳng vào gặp người phụ trách bệnh viện với đề nghị được tìm hiểu tình hình trong ấy. Người nữ bác sĩ phụ trách bệnh viện có mái tóc hoa râm, rất vui vẻ được tiếp tôi. Bà khoác cho tôi một chiếc áo “lui” trắng và chỉ định một y tá đưa tôi tham quan bệnh viện. Khi đi qua cửa, lên cầu thang, tôi liếc ra ngoài: Chủy ở ngoài cổng bệnh viện nhìn tôi vừa ngạc nhiên vừa vui mừng. Đã có chủ định từ trước, tôi lên thẳng phòng chờ. Qua những hành lang lát đá hoa bóng lì, tôi gặp rất nhiều những người áo trắng như tôi đi lại nhanh nhẹn, nét mặt bình thản mặc dù tiếng trẻ con sơ sinh khóc oa oa và tiếng đàn bà rên rỉ làm tôi hồi hộp lạ thường. Một y tá đang xốc nách một phụ nữ đi từng bước chậm chạp về phía phòng đẻ; từ phía xa, hai người lặng lẽ và nhẹ nhàng khiêng một chiếc băng ca đi ngược trở lại. Tôi bước qua cửa một căn buồng đầy những trẻ sơ sinh tã trắng quấn kín người. Cạnh đấy là buồng những bà mẹ mới đẻ các cháu. Cuối cùng tôi đã tới phòng chờ. Hơn chục người trong phòng đang lo lắng, hồi hộp mong đợi từng giờ từng phút chóng đến lúc sinh đẻ đều hướng cả về một đám rất đông những y tá, bác sĩ đứng chung quanh một chiếc bàn sắt. Tôi bước tới không một tiếng động và nghển cổ nhòm vào. Một người đàn bà bụng chửa nằm thiêm thiếp trên giường, tóc rũ rượi. Anh y tá cùng đi rỉ tai tôi:

- Một chị công nhân xi măng; chị ấy bị yếu quá.

“Chị Làn đây rồi!” Tôi nhìn kỹ người phụ nữ đang nằm trên giường bệnh. Nét mặt chị xanh xao. Hai vành mi khép lại, thiêm thiếp. Chiếc cổ gầy nổi lên nhiều đường gân. Đầu chị hơi dốc, tóc xõa rối bù, nhưng ở gần mang tai vẫn có những nếp óng mịn.

Ai nấy đều đăm chiêu. Một người thầy thuốc đứng tuổi, mặt xương xương, da ngăm đen, râu cằm lủa tủa, khe khẽ:

- Có lẽ phải dùng “phuốc-xép” phá thai.

- Thưa bác sĩ, mạch rất yếu, khó bắt lắm.

- Áp huyết thấp quá, 80, 60...

- Chị ấy không đủ sức để đẻ.

Người sản phụ nằm trên một chiếc bàn bốn bánh cao su thiêm thiếp, hoàn toàn phó thác tính mạng chị, tính mạng đứa con cho những người thầy thuốc.

- Đêm qua chị ấy bị ngất nữa.

- Phải dùng “phuốc-xép!” để cứu lấy mẹ... để lâu sẽ chết cả mẹ lẫn con mất.

Mọi người vừa nói vừa nhìn cả vào một người đã có tuổi. Ông lẳng lặng nghe rồi cầm lấy tờ giấy gài trên đầu một chiếc giường bỏ không gần đấy. Tôi đọc thấy những dòng chữ: “Trịnh Thị Làn, hai mươi lăm tuổi, công nhân phân xưởng bao giấy nhà máy xi măng. Lấy chồng năm 1955. Đã sảy thai ba lần. Cả ba lần đầu sống vào lúc ba tháng...”

Ông ta đặt tờ giấy vào chỗ cũ:

- Tim thai thế nào?

- Tốt ạ.

Trán ông nhíu lại. Im lặng lúc lâu, ông giơ tay ra hiệu cho một chị y tá tiêm thuốc trợ tim. Tiêm xong (cô ý ta trẻ vừa tiêm vừa run một cách lạ thường), cô lấy dầu xoa bóp khắp thân thể chị. Tôi nhắm mắt lại: trên mình chị, những vết giày đinh tím bầm hiện lên rõ mồn một. Ở bả vai, gần mười vết giày đinh chồng chéo lên nhau. Ở thắt lưng, hai vết giày đinh to quá khổ in ngang đến mạng sườn, tím đen lại. Giày đinh ở bắp tay, ở cổ, ở ngực. Trên làn da tái đi của chị máu tụ lại thành những vết rõ những lỗ tròn nhỏ của đầu đinh, cái gót hình vành cung có cá sắt và cái mũi bè bè của đôi giày lính. Suốt đời, tôi chưa bao giờ trông những vết giày đinh ghê rợn đến thế.

Cô y tá toát mồ hôi. Khi đã xoa bóp cho chị xong, cô ngẩng lên, tôi thấy cô ta đầm đìa nước mắt:

- Chị ấy bị chúng nó tra tấn...

Cô lắp bắp và bước nhanh ra cửa. Tất cả những người có mặt lặng đi. Người bác sĩ già nói khe khẽ, rõ ràng quyết định của mình:

- Thế nào cũng phải cứu cả mẹ lẫn con. Tim thai khỏe. Không thể dùng “phuốc-xép”.

Tôi thở phào. Người phụ nữ đang nằm trước mặt tôi đầu ngoẹo về một bên, hai tay buông xuôi, có một vẻ mệt nhọc cực độ. Chị như không còn thiết gì nữa, kể cả cuộc sống của chị. Hai bàn tay to và thô, gầy guộc, hằn lên những đường gân xanh, ngón tay cum cúp những móng gà.

Bác sĩ lấy ống nghe, chăm chú. Tôi nhìn ông, cầu khẩn và hy vọng. Nhưng ông chẳng chú ý đến ai hết. Mắt ông đang tập trung vào một cái gì rất nhỏ, khó nắm bắt và chỉ cần chớp mắt cái là biến mất. Sau đó, những người thầy thuốc lại bàn luận với nhau về bệnh tình của chị, về mạch, về áp huyết, về tim, về thần kinh về những thứ thuốc kích thích, trợ tim và lại tiếp tục công việc cứu chữa.

Nửa tiếng sau, chị khẽ mở mắt, cặp mắt lờ đờ, ngơ ngác. Rồi chị dần dần tỉnh hẳn.

Tôi vội trở ra. Chủy ngồi tựa lưng vào gốc bàng, bật dậy, chạy tới:

- Sao lâu thế. Anh có gặp nhà tôi không?

Tôi gật đầu. Chủy nắm lấy bắp tay tôi:

- Nhà tôi làm sao anh?

Tôi lúng túng:

- Không... chị ấy chưa đẻ, khỏe lắm.

- Thật chứ anh!

Chủy lắc mạnh tay tôi rồi nhìn chằm chằm vào mặt tôi:

- Anh không nói dối tôi đấy chứ?

Tôi trả lời hết sức khó khăn, tuy đã cố làm ra vẻ tự nhiên:

- Không. Tôi nói thật đấy. Anh cứ yên tâm.

- Sao anh bắt tôi chờ lâu thế?

- Làm gì mà lâu. Tôi vừa vào xong đây thôi. Các “ông ấy” máy móc quá, nhất định không cho tôi lên. Nói mãi...

Tôi im bặt ngay. Chủy lắc đầu ngờ vực:

- Nhà tôi khỏe như thế nào. Khỏe mà mấy lần trước tôi đến, nhà tôi đều không xuống cầu thang để gặp tôi được.

Tôi dắt tay anh:

- Làm gì anh cứ cuống lên thế. Đạp xe về nhà, tôi sẽ nói chuyện tỉ mỉ cho anh nghe.

Hai chúng tôi trở về Chiêu Thương. Trời đã ngả chiều. Ánh nắng vàng hắt qua làn khói xi măng như phun lên trời một lớp bụi hồng, đẹp lạ thường. Suốt trên đường đi, chúng tôi không ai nói với nhau một câu. Không biết Chủy đang nghĩ gì. Còn tôi thì nghĩ đến Làn, đến những vết giày đinh bám trên người chị, đến đứa trẻ nằm trong bụng mẹ đang bị đe dọa. Thần chết sẽ có thể bắt nó đi ngay từ khi nó chưa ra đời. Rồi tôi nghĩ đến Chủy và chuẩn bị những câu để nói dối anh. Nhưng dần dần tôi biết rằng không nên làm như thế. Dọc đường, anh bị nhiều người vồ lấy, giữ lại hỏi chuyện. Đó là những người bạn trong xí nghiệp, những người hàng xóm của anh. Họ hỏi về Làn. Anh buồn rầu trả lời họ:

- Nhà tôi yếu lắm. Không biết có qua được không.

Câu nói ấy đối với tôi rõ ràng là những lời trách móc.

Về đến nhà, hai chúng tôi cũng vẫn không nói với nhau một câu. Tôi ngồi xuống ghế, rót nước uống, còn Chủy nằm vật trên võng. Một lúc sau, Chủy đứng dậy, bước lại phía tôi, nhìn thẳng vào mắt tôi:

- Anh nói dối tôi. Anh nói với tôi y như cô y tá hôm nọ. Anh sợ tôi buồn chứ gì.

Tôi không dám nhìn vào đôi mắt đau khổ, trách móc của anh và càng bối rối. Anh thở dài:

- Anh muốn an ủi tôi, làm tôi yên tâm. Nhưng tôi... Mấy hôm nay không hiểu sao, tôi lo lắng quá. Linh tính như báo trước chuyện chẳng lành của nhà tôi. Đêm qua tôi đã nằm mơ thấy nhà tôi chết. Tôi thì bế cháu mới đẻ, đỏ hỏn trên tay...

Tôi nói một cách hết sức khó khăn:

- Không, chị ấy đỡ nhiều rồi. Quả là chị ấy có bị ngất, nhưng bệnh viện đã hết lòng cứu chữa. Lúc tôi vào, chị ấy đã tỉnh.

Chủy có vẻ không để ý gì đến những lời tôi nói. Anh chống một tay lên thái dương, nhìn xa xăm:

- Nhà tôi hồi kháng chiến bị chúng nó đánh rồi sinh ra như vậy. Nhà tôi đã chịu bao nhiêu điều cay đắng...

Buổi chiều, nhà Chủy lại chật ních người, những bác thợ già, da nâu khô, những người thợ trẻ và những cô gái đầy sức sống. Họ đem đến rất nhiều quà cho Làn: sữa, đường, bánh ngọt, những quả cam trái mùa đắt tiền.

Một cô gái rất trẻ - cô con gái ông trường kíp - tự động bưng nồi rửa bát, nấu cơm hộ Chủy và đun một ấm nước chè tươi đem lên. Chúng tôi vừa uống nước vừa nói chuyện. Có thể nói cả phân xưởng lò nung rất quan tâm đến Chủy, đến Làn, người đàn bà đang nằm trong buồng đợi đẻ. Câu chuyện xoay quanh tình hình sức khỏe của Làn và cái quá khứ đau khổ của chị.

Đêm hôm ấy, tôi ngủ lại nhà Chủy. Chủy đã kể cho tôi nghe rõ hơn về cuộc đời của vợ chồng anh.

Chủy và Làn đều làm công nhân xi măng từ những ngày rất khổ. Bố Chủy dắt Chủy vào đóng thùng (hồi đó xi măng còn đóng bằng thùng gỗ). Hai bố con chỉ có một chiếc thẻ, mỗi khi sếp Tây tới, Chủy lại phải chui vào chiếc thùng mới đóng xong, lẩn trốn. Làn theo mẹ vào làm ở nhà than. Hai người cứ lớn dần lên giữa xóm thợ bẩn thỉu, lam lũ này.

Năm 1944, 1945, chủ dãn thợ. Công nhân thất nghiệp, giá gạo lên cao. Đói. Chủy rủ cha Làn đi lấy gạo trong kho của Nhật. Quần áo của họ đều bằng bao tải, hai ống quần chít “gôn” rất chặt. Họ trà trộn trong đám phu mộ vào kho gạo, lấy dao nhọn - loại dao bản cong lòng máng - thọc vào bao tải ấn lưỡi dao chếch xuống như người chọc tiết lợn. Bao thủng, gạo chảy qua máng dao. Chủy và cha Làn (cùng nhiều người khác nữa), phanh áo cho gạo chảy vào ngực. Khi áo đầy gạo thì thót bụng lại, gạo tườn qua bụng xuống bắp chân...

Rồi hai người lại trà trộn theo đám phu trở ra. Hàng chục gia đình xóm Chiêu Thương sinh sống bằng cách ấy. Lần cuối cùng, họ bị bọn Nhật phát giác, đuổi bắn. Tất cả mọi người đều thoát, trừ có cha Làn. Một băng tiểu liên trúng vào giữa sọ ông cụ.

Suốt ngày hôm sau, Chủy cứ lảng vảng ở cửa đồn Nhật để chờ xin xác cha Làn. Bọn Nhật chở một cam nhông đầy xác người đi chôn ở An Dương. Không biết đồng bào ta bị chúng giết ở đâu mà lắm thế. Chủy và Làn cứ chạy theo xe xác. May mà xe chạy chậm. Chúng xếp gần năm mươi người chết trên xe, đầu vào trong, chân thò ra ngoài. Non trăm cái chân người, khi xe chạy cứ vẫy lên vẫy xuống, vẫy lên vẫy xuống, dập dờn, dập dờn trước mặt Làn và Chủy!

Chợt Làn vừa thở vừa gọi:

- Anh Chủy ơi! Chân thầy em.

Chủy nhìn lên. Đúng là chân bác Làn rồi. Đôi gót chân của cha Làn thì không lạc vào đâu được. Da ở gót đỏ, mọng và nhẵn bóng. Đấy là những vết sẹo hồi ông cụ đội đá ở lò đứng, bị bỏng. Hai người vừa chạy vừa nhìn lên hai gót chân đỏ bóng ve vẩy trên cam nhông, thỉnh thoảng lại đập vào nhau rất mạnh mỗi khi cam nhông qua ổ gà. Xe dừng lại bên một cái hố rất lớn và sắp nghiêng đi, đổ tất cả trên bốn mươi cái xác vào đấy. Làn, Chủy nói với thằng lính Nhật:

- Lạy các ông. Các ông cho chúng tôi xin người này.

Khi kéo xác ra, Làn và Chủy đều không thể nhận được người chết là ai nữa. Mặt mũi bị vỡ từng mảnh, nát bét, máu đọng đen kịt bám vào những đống óc trắng nhờ nhầy nhụa. Chỉ có hai gót chân bóng nhẵn, hai gót chân bị bỏng hồi làm ở lò đứng là vẫn như trước. Ít lâu sau, mẹ Làn ốm chết.

Cách mạng rồi kháng chiến. Hai người cùng tham gia vào phong trào đấu tranh giành lại tự do cho hàng nghìn công nhân xi măng đang cuồn cuộn dâng lên như một dòng thác lớn.

Làn bị chúng bắt trong một đêm rải truyền đơn kêu gọi bãi công. Kể ra đây làm gì những đòn tra thời Trung cổ mà bọn Pháp vẫn dùng để hành hạ những người yêu nước. Chúng nện dùi cui vào thái dương Làn. Thằng Tây đen giẫm đôi giày to quá khổ lên ngang lưng Làn. Hai thằng Tây trắng thi nhau nhảy trên vai Làn, vừa nhảy vừa rít lên nhưng vẫn không moi được ở Làn một lời khai.

Thằng chỉ huy mật thám, một thằng “Tây coóc” mắt xanh như mắt mèo hút thuốc là nhìn ra ngoài trời, cố làm ra vẻ thản nhiên trong khi bọn tay sai đang dận lên người Làn như điên cuồng. Đột nhiên, nó đứng phắt dậy, xô ghế chạy tới, nhảy lên lưng Làn; đúng chỗ hai lá phổi, nghiến răng giậm. Nó đứng nguyên một chỗ, lấy toàn lực mà dún, mà ghì đôi chân xuống, hai hàm răng bạnh ra, kêu ken két, không chịu bước sang chỗ khác.

Sau một trận đòn thật dữ dội, chúng kéo xác Làn vất ra đường số 5 vì chúng tưởng Làn đã chết. Chị chỉ còn thoi thóp thở. Một bà già đi chợ sớm cõng Làn về nuôi nấng. Ở nhà, mọi người đinh ninh Làn chết thì Làn trở về.

Từ bấy đến nay, Làn thay đổi đi nhiều lắm, xanh xao, gầy, yếu, lúc nào cũng như mệt mỏi. Cái sức sống mơn mởn ở những cô gái hai mươi tuổi đã biến mất.

- Nhà tôi thường hay bị những cơn ngất bất ngờ. Có khi đang với chén nước trên bàn thì ngất. Có khi đang ngồi khâu. Một lần tôi về, thấy nhà tôi nằm sõng soài, một nửa người trên chõng, một nửa người dưới đất. Những lúc nhà tôi ngất đi như vậy, tôi đều thấy đầy đủ ngần nấy vết giày đinh hiện lên trên người rõ mồn một.

Chủy chấm hết câu chuyện của anh bằng câu nói ấy. Anh thở dài. Những vết giày đinh! Những vết giày đinh tím ngắt tôi vừa nom thấy ban chiều. Chiến tranh đã qua đi năm năm nay rồi, nhưng những vết giày đinh của bọn lê dương tàn ác vẫn còn in sâu vào lòng thời gian, vẫn còn ám ảnh đến cuộc sống chúng ta hiện nay. Những vết giày đinh. Những vết giày đinh ghê tởm, ma quái trên người chị Làn mà chiều nay tôi vừa trông thấy.

Đã ba lần Làn có chửa, nhưng cả ba lần đều bị sảy vì những cơn ngất bất thình lình ấy, có lẽ vì những vết giày đinh ấy bất thình lình từ một nơi chết chóc nào trở về, hiện ra trên người chị!

Xí nghiệp đã chuyển chị về bộ phận làm bao giấy, một công việc tương đối nhẹ nhàng. Các bác sĩ, y sĩ đã hết lòng chạy chữa mấy năm nay. Chị khỏe hơn trước rất nhiều, nhưng chỉ riêng chứng hay bị ngất là vẫn không khỏi.

Có một đứa con, đó là ao ước của hai vợ chồng. Nhưng lần nào cũng như lần nào, niềm ao ước ấy bị những cơn ngất bất thình lình làm cho tiêu tan. Làn bị ngã và thai sảy. Hai vợ chồng nhìn nhau rầu rầu, không dám thổ lộ với nhau điều ao ước chung của cả hai người. Làn sợ Chủy buồn. Chủy lo Làn tủi.

Cho đến lần này, cái mầm sống trong bụng mẹ đã qua cái thời kỳ gay go nhất mà anh chị nó không vượt qua được: thời gian nó được ba tháng. Tháng thứ bảy, nó bị động mạch vì lần ấy chị bị ngất trong khi đang phơi quần áo, ngã soài xuống sân. Chị được đưa ngay vào bệnh viện.

Không phải chỉ những người thầy thuốc săn sóc cho chị mà là tất cả công nhân nhà máy, người ta gửi đến đầy ắp những chuối, trứng, cam, sữa...

Rồi tới ngày hôm qua...

... Suốt đêm chúng tôi không ngủ. Bầu trời cao và dịu lạ thường.

Chúng tôi bắc chõng ra sân. Chủy vẫn không sao dứt được nỗi suy nghĩ, lo lắng về Làn:

- Tôi chỉ lo, cháu đẻ ra bị yếu, sài đẹn...

Tôi an ủi anh. Chao! Cái đêm mới dài làm sao. Tôi chỉ mong chóng sáng đến để tới ngay bệnh viện.

Sáng hôm sau, Chủy đến xưởng làm. Phân xưởng đồng ý để anh nghỉ, nhưng anh nói:

- Tôi nghỉ làm gì bây giờ? Vợ tôi còn trong bệnh viện. Nằm nhà một mình tôi phát điên lên mất.

Tôi lại tới khoa Sản.

Hai người đang lẳng lặng khiêng một chiếc băng ca về phía sau. Một sản phụ vừa chết. Tôi giật mình. Hay là Làn? Chị đã chết đêm qua, lúc chúng tôi ngồi ngắm công trường! Nhưng tôi thở phào. Chị y tá cho tôi biết đó là một phụ nữ ở Thụy Nguyên đẻ ngược, vì đưa đến bệnh viện quá muộn, cái thai đã chết trong bụng nên chị cũng không còn sống được.

Tôi càng lo cho Làn và bước lại xem quyển sổ báo tin ở phòng thường trực. Một đêm có mười hai trẻ ra đời và người hai người mẹ nhưng trong số mười hai người không có chị Làn.

- Chị công nhân xi măng hôm qua ra sao rồi hở chị?

Chị y tá, người tiêm và xoa bóp cho Làn hôm qua, nhìn tôi bằng con mắt rầu rầu.

- Chị ấy vẫn như thế. Nhưng tim thai vẫn đập. Chỉ cần chị ấy khỏe lên một chút thôi. Nhưng đêm qua chị ấy lại bị ngất. Chúng tôi suốt đêm ở cạnh chị ấy. Chúng tôi kiên quyết cứu cả mẹ lẫn con. Chỉ còn từ giờ đến tối thôi, chị ấy sẽ đẻ.

Còn từ giờ đến tối. Tôi và Chủy mong từng phút. Chỉ còn từ giờ đến tôi. Cái bóng dáng ma quái của chiến tranh liệu sẽ biến mất hay một lần nữa lại thắng thế?

Chúng tôi tới bệnh viện từ chập tối. Mấy anh thợ lò, cô con gái ông trưởng kíp cũng theo đi.

Chúng tôi càng nóng nảy, bồn chồn. Một y sĩ mặc áo trắng từ nhà sau, bước lên thang gác. Nhận ra anh ta trong buổi chiều cứu chữa Làn hôm qua, tôi gọi anh. Anh quay lại, nhưng rồi chân cứ bước lên thang gác vội vã.

Chúng tôi nhìn theo cái cầu thanh quanh co, thăm thẳm im lặng, không một tiếng kêu rên. Trên ấy, những người thầy thuốc đang cùng với Làn đem hết sức để chiến thắng thần chết. Làn đang đau đớn, một mình chống chọi với bệnh tật. Chúng tôi sẽ làm mọi việc để có thể góp một phần rất nhỏ, cùng với Làn vượt qua bước gian lao này, nhưng tất cả chúng tôi hoàn toàn bất lực, vẫn phải ngồi ở đây, đau khổ hiểu rằng mình là những người ngoài cuộc.

Chừng nửa giờ sau, một cô y tá lạ mặt bước xuống thang, nét mặt mệt mỏi nhưng sung sướng. Chị cầm lấy quyển sổ báo tin, chấm mực, viết. Chúng tôi hồi hộp nhìn theo tay chị: “Trịnh Thị Làn, công nhân bao giấy xi măng. Chỗ ở: xóm Chiêu Thương. Con giai. Nặng ba cân mốt”. Chúng tôi reo lên, ôm ấy Chủy. Chủy vui mừng đến chảy nước mắt. Cô y tá mủm mỉm cười:

- Anh nào là bố?

Cô nhìn Chủy:

- Anh phải không! Ăn mừng đi thôi.

Tôi như đã trông thấy một chú bé quấn kín trong lượt tã trắng, mắt nhắm nghiền, đang khóc, đầu ngọ nguậy đòi bú. Còn Làn, nằm nghiêng vạch vú cho con bú, cười sung sướng dịu dàng.

*

Chúng tôi vẫn thong thả đi dưới rặng phi lao. Thằng bé nặng đáo để. Ba chúng tôi thay nhau bế. Làn khoe:

- Hôm nọ nhà máy tổ chức chiếu bóng, chúng em bế cháu đi. Cháu đã biết xem rồi đấy.

- Anh chị có hay xem chiếu bóng không?

- Từ dạo đẻ cháu đến giờ chúng tôi mới đi mỗi lẫn. Bận quá anh ạ. Một tối họp, hai tối văn hóa, còn các tối khác thì giặt giũ, trông cháu.

Làn tiếp lời chồng:

- Đi xem ở rạp, các ông ấy không cho trẻ con vào. Cứ chồng đi thì vợ ở nhà, vợ đi thì chồng ở nhà.

Chủy cười:

- Mà tính tôi thế này anh ạ: đi xem một mình tôi có muốn đi đâu.

Chiều hè, trời đẹp lạ thường. Vầng trăng mồng mười sớm hiện lên bầu trời xanh cao như một vẩy vàng. Một gia đình khiêng chõng ra ngồi dưới hàng cây. Bên lề đường, mấy người ngồi ăn kem. Lòng tôi dạt dào niềm vui. Cuộc đời còn vất vả bận rộn, nhưng thật là sung sướng. Cuộc sống đang đi lên mỗi ngày mỗi khác. Đã qua rồi những ngày đau khổ ở xóm Chiêu Thương... Đã vĩnh viễn biến mất những vết giày đinh trên người Làn. Tôi giữ mãi trong lòng hình ảnh Chủy đi chợ với vợ trở về nhà. Hình ảnh cháu Dân ngồi nghịch chiếc tàu bay bằng sắt tây. Và hình ảnh chị Làn nhìn con trìu mến. Có khuôn mặt nào đẹp và đáng kính trọng bằng khuôn mặt người mẹ đang nhìn đứa con chơi.

- Anh nom nhà tôi khác trước nhiều đấy chứ? Làn khỏe ra nhiều anh ạ. Đặc biệt là từ khi nhà tôi sinh cháu tới giờ không bị ngất lần nào nữa. Những vết giày đinh biến mất hẳn. Ông bác sĩ, ông ấy bảo tôi: đấy là sự chuyển hóa trong cơ thể.

Tôi tin lời bác sĩ nào đó đã nói với Chủy, nhưng tôi nghĩ đó còn là vấn đề khác nữa. Đó chính là sự sống đã thắng cái chết. Cuộc sống mới đủ sức xóa đi những đau khổ cũ. Cuộc sống mới tuy còn cả lo âu và những khó khăn, nhưng có rất nhiều niềm vui lớn.

Ngày 28 tháng 3 năm 1963

Rẻo cao - Truyện ngắn của nhà văn Nguyên Ngọc Đôi bạn - Truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Thi Bộ quần áo mới - Truyện ngắn của Ngô Ngọc Bội Con cá song - Truyện ngắn của nhà văn Anh Đức Đêm chiến tranh - Truyện ngắn của Nguyễn Minh Ngọc
Tuyển tập 75 gương mặt Văn nghệ - Kỷ niệm 75 năm báo Văn Nghệ
Hội Nhà văn Việt Nam: Tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Văn học năm 2004

Hội Nhà văn Việt Nam: Tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Văn học năm 2004

Baovannghe.vn - Sáng 12/12, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác văn học năm 2024, thông qua phương hướng hoạt động của năm 2025. Hội nghị được tổ chức tại Hà Nội.
Viết ở Đồng Đậu - Thơ Trần Khoái

Viết ở Đồng Đậu - Thơ Trần Khoái

Baovannghe.vn- Con ngồi thiền/ Để về lại thiên thu
Ru ca - Thơ Nguyễn Ngọc Tung

Ru ca - Thơ Nguyễn Ngọc Tung

Baovannghe.vn- Em ru ca/ Em ru nỗi người
Ủy ban thường vụ Quốc hội: Sẽ tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ 9

Ủy ban thường vụ Quốc hội: Sẽ tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ 9

Baovannghe.vn - Tháng 2/2025 dự kiến sẽ diễn ra kỳ họp bất thường lần thứ 9 của Quốc hội để sửa luật, phục vụ triển khai sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy
Canh sắn - món ăn đậm tình người và đất Trung du

Canh sắn - món ăn đậm tình người và đất Trung du

Baovannghe.vn - Ai từng đến Phú Thọ, ngoài chiêm bái đền Hùng và quần thể di tích Lạc Long Quân - Âu Cơ thì đều được giới thiệu món canh rau sắn, đặc sản của người trung du.