Sáng tác

Sự tích cây xương rồng bà. Truyện ngắn của Nguyễn Minh Hoa

Nguyễn Minh Hoa
Truyện
13:00 | 20/10/2024
Baovannghe.vn - Làng ở giữa cánh đồng. Con đường dẫn vào làng xa hun hút. Hai bên con đường đất ấy là những luồng cỏ may như bất tận.
aa
Sự tích cây xương rồng bà. Truyện ngắn của Nguyễn Minh Hoa
Sự tích cây xương rồng bà - truyện ngắn của Nguyễn Minh Hoa

Rồi những người đàn ông ấy vẫn lần lượt trở về. Kẻ mang về vinh hoa phú quý, danh hiển cho mình, cho dòng họ và cho cái làng nhỏ bé này. Kẻ mang về của nả giàu sang thu hoạch được nơi xứ khác, chỉ số ít kẻ không may mắn mang về sự ốm đau, bệnh tật. Và lâu lắm rồi cũng có người mới đi không trở lại. Đó là chàng Tú Lâm con cụ đồ Kiêm thầy lang Tú. Chàng trai trẻ văn võ song toàn, lại tài hoa nghề thuốc ấy đã là niềm mơ ước của con gái làng này. Chàng lấy vợ, con gái trong làng đều tiếc, cơ mà nỗi tiếc ấy chỉ thoảng qua bàng bạc thổi bởi con gái ở làng ai dám tơ tưởng đến chàng. Họ cũng đâu xứng như cô vợ của chàng. Nàng có khuôn mặt đẹp, ánh mắt thăm thẳm, nụ cười tươi thắm, thân hình lại đầy đặn. Nàng đẹp người lại đoan trang tháo vát. Họ là khóm tre ngà, là bụi tầm xuân đẹp nhất làng.

Cưới nhau được tròn một vụ lúa, nghe tiếng gọi của triều đình cầu người tài dẹp loạn giặc giã biên thuỳ, chàng đã chia tay cha mẹ, gác tình phu thê cùng bút nghiên đèn sách thánh hiền, nghiệp thuốc của cha và ra đi. Nhằm chốn biên ải chàng tiến quân với lời căn dặn lại "Mai con trai ra đời, nối nghiệp bố mà đi giúp vua và vẻ vang cho dòng họ."

Người ở lại cảnh nhà trống không, lòng người trống hoác. Bố mẹ già tóc đã trắng như mây. Đứa con trai ngày chàng đi đang còn thai nghén, giờ nó đã lên ba. Nàng vẫn chăm chăm phụng dưỡng bố mẹ chồng, cấy trồng, canh cửi chờ tin chàng. Thằng cu đã lên ba, nó hết sài, hết đẹn và kháu khỉnh lắm. Xương cha, da mẹ nó đẹp ngời ngời.

Nàng có cái đẹp đậm đà của gái một con. Vẻ ngây thơ ngộ nghĩnh và sự giống cha như lột của nó không biết đã làm nguôi ngoai nỗi chờ đợi trông ngóng, hay càng thắp lên nỗi nhớ trong lòng ông bà và người mẹ trẻ của nó. Nhìn nó, người lớn thường cười những nụ cười ngắn ngủi, nhẹ nhàng đến nỗi không lên tiếng và phần cuối như nuốt một cái gì đấy nghẹn ứ vào trong. Thế rồi một ngày có tin vui rằng: "Chiếu chỉ vua ban về người chồng đã thắng giặc trở về." Không có niềm vui nào lớn hơn, cả nhà lao xao một không khí đầy ắp niềm vui và chẳng mấy đã lan ra khắp làng. Bao nhiêu đêm gia đình mới tiếp hết khách xóm trong, xóm ngoài đến thăm hỏi, chúc tụng và chia sẻ. Cả nhà cứ thắc thỏm ngóng trông. Chàng sẽ là một dũng tướng cứng cỏi, sương gió biên thuỳ vẫn mãi là người con hiếu thảo, người chồng tốt và người bố thật sự bằng xương bằng thịt cho thằng bé. Người ta đến chơi hồ hởi hỏi thăm mừng cho cả nhà lần một lần hai rồi người ta lại chẳng dám nhắc đến tin chàng về nữa. Người ta lại hỏi những câu như xưa từ bao giờ chẳng biết.

Với nàng, chẳng có thuốc gì làm nàng đẹp lên bằng tin chàng về. Nàng đã đi qua những tháng ngày chờ đợi, đã thất vọng, rồi mừng vui và giờ đây vẫn nhen nhóm nỗi niềm hi vọng. Chàng bặt vô âm tín. Nàng sọp đi, quỵ xuống. Thằng bé sẽ không có bố trở về. Nó chỉ biết cái bóng của mẹ là bố, thế thôi. Bố nó không về để mà hiểu nhầm như chuyện xưa. Nàng nghĩ thà được nhìn thấy chàng, được ôm riết lấy nhau như ngày xưa một lần rồi chết còn hơn cứ đằng đẵng đằng đẵng.

Ngày nào cũng như ngày nào, bốn mùa nóng lạnh như nhau và duy một cảm giác bải hoải thẫn thờ. Người ở vậy cô thân cô tịch là một nhẽ, đằng này, buồng trong đêm nào cũng tối đèn. Cái giường tre từ vàng óng đã ngả sang màu sậm, chiếu đã hỏng mấy đôi chả nhớ nữa, gối đã sòn đã rách, hết hẳn hơi đàn ông từ bao giờ. Mắt nàng đăm đắm cố hữu một nỗi lòng tự bao giờ.

Thằng cu đã lớn lắm, lúa mùa nọ gối mùa kia tốt bời bời chỉ có lòng người héo hắt. Đôi lông mày của nàng đã sắc càng tỉa càng sắc lộ đôi mắt quầng thâm thăm thẳm, chất chứa. Đường canh cửi ra rả như cào xé vào đêm. Quá ngọ lâu lắm mới đi ngủ thì lật qua lật lại trăm lần cũng không chợp được mắt. Bàn tay chai sần sờ vào da thịt phưng phức của mình ram ráp như tay đàn ông mà chẳng phải. Những đêm trăng sáng, trăng sáng lắm, ánh vàng sóng sánh lan toả rót vào đêm và tiếng côn trùng loạn xạ, có cả tiếng con gì thảng thốt gọi nhau. Trăng sáng một mình thanh lạnh và đẹp. Cả bầu trời bao la không có ai kì vĩ bằng nó. Thế mà nàng nhận thấy trong ánh vàng đẹp huyền diệu ấy ánh vàng sánh lại của sự cô đơn. Những dải trăng vàng lao xao đi lướt như những bước chân đàn bà. Phải, trăng cũng chính là người đàn bà đẹp cô đơn. Nàng nhen nhúm cho mình chút hi vọng mong manh, nhủ mình phải biết giữ mình và chờ đợi. Nàng thèm nhỏ bé như những vì sao để được nhiều bầu nhiều bạn, khi cần có thể tự ý đổi ngôi. Ôi! Hạnh phúc và những nỗi đau nguyên liệu chính xây thành một cuộc đời - thầm cầu toàn - như nàng. Một người con gái đẹp rồi thành người vợ chung thuỷ, người con dâu hiếu thảo, người mẹ tốt và một điều quan trọng nhất mà người ta chẳng thấy là: người phụ nữ bất hạnh.

Đêm mưa. Tiếng mưa rả rích. Tiếng bọn chuột bị nước ngập tổ rúc rích đuổi nhau, hoạn nạn mà vẫn chút chít - Thì ra là chúng có nhau. Đêm mùa đông thăm thẳm. Gió quần thảo cuồng nhiệt với vạn vật sinh linh. Đêm hạ, trăng và gió thoáng đạt đến mênh mông. Cây cối đưa ra chờ đợi, đu đưa hoặc khe khẽ cựa mình nao nức. Chỉ có nàng đau đáu trong đêm, không đau, không mỏi mà người cứ nhuội ra, cảm giác đằng đẵng bao trùm. Ban ngày có việc phải kìm nén, ban đêm tha hồ giãi bày với mình, cho mình. Người đàn bà vắng chồng chóng già nhưng dai sức. Chưa đầy bốn chục tuổi mà nàng đã thành người khác, cứng cáp, chững chạc. Nhưng đêm vẫn là đêm, ngày vẫn là ngày, đi mà không tiến, còn mà mất. Đành từ nay về già lất phất mà đi cho xong một kiếp người. Chung tình trọn nghĩa, hiếu thảo đặng toàn.

Thế mà thấm thoát thằng cu đã gần qua tuổi thơ dại. Nó lớn phổng phao, nhưng chưa được là người lớn. Nó còn trẻ lắm. Mặt nó trắng hồng, bung búng sữa, tóc hoe vàng óng mềm. Ông bà nội nó đã già lắm rồi.Ngày trước các cụ chăm chăm chờ con giai, trông con dâu. Giờ phần đã nản, phần hết lo, thì lại mong nhìn thấy đứa chắt nối dõi tông đường. Trước cái chết của người già, nó đành bước vào tuổi cặp kê sớm hơn người ta vẫn tưởng. Khi văn võ còn mới bắt đầu. Nghe lời khuyên của các cụ, thằng bé lấy vợ. Đôi mắt đục mờ của bà cụ sáng lên. Nụ cười và những nếp nhăn cũng khác. Nhưng rồi ông bà rủ nhau lần lượt về nơi cực lạc, trước khi nhắm mắt, bà cụ còn kịp dặn cháu "Sinh con đàn cháu đống cho bà, con nhớ."

Hai cụ đi rồi nhà thanh vắng hẳn. Nhìn con dâu, nàng nhớ lại mình ngày trẻ. Nó cũng đẹp và duyên. Cũng da trắng má hồng, nhưng mắt không đen thăm thẳm mà mắt nó nâu to, trong sáng. Bà cụ rõ khéo lại tinh tường sợ cháu mình còn trẻ mà lấy cô vợ cứng cáp thắt đáy lưng ong, mắt lá dăm lá liễu thì khổ. Loạn chinh chiến một đời giữ con dâu, lại thêm cháu dâu nữa, tuổi già đi rồi ai gánh. Thì cứ nghĩ vẩn vơ như thế.

Nghĩ mà xa xót cho mình. Thằng cu vào buồng với vợ đệm ấm rơm êm. Còn nàng vò võ trông gió bấc nhìn trăng suông nghe tiếng côn trùng xôn xao. Nàng nghe rõ tiếng đôi vợ chồng trẻ rúc rích mà sởn cả người. Vừa nóng vừa lạnh, lại lạo xạo bên trong. Đêm nào cũng tràn về âm thanh đó. Mà nàng còn thấy hai đứa còn trẻ quá nào đã biết gì đến ái ân. Nàng lại lo cho nòi giống nhà chồng sau này, nàng sợ hãi phải thấy chúng âu yếm nhau. Nàng ích kỉ, nàng sợ rằng mình sẽ chẳng thể nào sống qua được những ngày những đêm dài ấy, chẳng rõ. Rồi buồng trong rạ nát dột hết nàng không cho sửa. Nhà mèo chẳng có chuột đêm nào chẳng chạy, thế mà nàng cứ sùng sục cầm sào mà đuổi ở buồng trong.

Nàng bóng gió xa xôi, rồi nàng cấm thẳng hai đứa mỗi đêm. Dẫu sao thì hai đứa trẻ cũng biết ấm ức lâu dần rồi chúng cũng lầm lì mà chấp nhận.

Mẹ chồng và con dâu ngủ với nhau. Nó đang tuổi ăn tuổi ngủ đặt lưng là ngủ, thì con trai nàng mới khe khẽ ngáy. Vẫn chỉ một mình, đêm thì cứ tha thiết mông lung. Dãn chúng ra nàng có hơn được gì ngoài việc bớt được tiếng thì thầm của chúng mà nghĩ vẫn phải nghĩ, cứ mong chóng được về già - đời người chờ đợi nó cứ trái khoáy là thế.

Thấm thoắt hai đứa chẳng còn non nớt, chúng không còn ríu rít như ngày trước mà đã có tình hẳn hoi. Nàng lại thấy nao nao "còn trẻ người, ngày tháng còn dài, để chúng cứng cáp sinh con chưa muộn" thì ý nghĩ từ đâu lại đến và thúc giục, nàng xét nét chúng từng tí. Mẹ chồng nàng đã nhầm. Người đầy đặn mắt to, môi đỏ như con dâu nàng có khi còn ăn đứt đứa thắt đáy lưng ong, không khéo trong chuyện vợ chồng thằng cu nhà mình yếu sức...

Ánh mắt nàng lạnh băng. Con trai nàng bức bối. Đứa con dâu đăm đắm nhìn chồng như vụng trộm, như mời gọi. Nàng vẫn vậy. Con trai nàng đã chểnh mảng ôn văn luyện võ, đứa con dâu thẫn thờ. Cái gì cũng có nguyên do của nó. Nàng giữ cho nó. Cho giống họ nhà chồng chứ đâu cho mình. Tóc nàng đã pha sương, ý nàng không còn thiết, không còn lạ nhưng nó còn trẻ, đời còn dài.

Thế rồi chẳng ai ngờ lại thêm một lần giặc giã. Trống thúc quân ban sáng, đứng bóng ban trưa trai làng lại nườm nượp ra đi. Đời người phụ nữ tiễn đưa chồng chưa dứt tuổi trẻ, giờ lại tiễn đưa con. Thằng bé ôm vợ rõ chặt, chúng ghì siết lấy nhau, lục đục ở trong buồng chưa mười phút mà người ta đã thúc đã giục. Người đi chắc sẽ hun hút, nó nhìn vợ thương bao nhiêu thì ánh mắt dành cho mẹ hờn trách bấy nhiêu.

Nàng bàng hoàng trước thời thế chuyển biến. Không ai hiểu cho nàng, nàng cũng không tự hiểu nổi mình. Ý nghĩ thật - giả, tốt - không tốt cứ luân chuyển vòng quanh. Vợ nó ốm đèo đẽo luôn cả tháng, những tưởng nó có mang, ai dè...

Một mái nhà có hai người phụ nữ thiêm thiếp đợi chờ và hi vọng. Nàng chưa có cháu nhưng người ta đã gọi nàng là bà từ lâu Nàng đã có thú vui đi chùa của người già. Năm tháng đi qua dù là một nỗi niềm khủng khiếp nó không nguôi ngoai mà chết lặng chai sạn trong lòng. Một niềm tâm tưởng lê thê, nhức nhối.

Người con dâu vợ người tướng tài, hay chữ, tinh thông võ nghệ lại bắt đầu sống những ngày tháng trông chờ và hi vọng. Nàng tròn 18 tuổi. Nàng đẹp lắm, sức sống tuổi thanh tân như lan toả ra từ một cơ thể đẹp đẽ, tươi mới.

Lại bắt đầu từ 4 mùa xuân - hạ - thu - đông. Từ đêm mưa ngày nắng hay ngược lại. Từ trăng non, trăng tròn rồi trăng xế bóng. Những tiếng trống canh chát chúa đưa nàng đến với những giấc ngủ đầy mộng mị. Nàng còn trẻ lắm. Chàng cũng vậy. Rồi nàng ngủ cạnh chàng rúc rích thâu đêm. Chàng hay cấu, hay ôm, rồi nàng ngủ với mẹ chồng. Trời thu mát là thế mà có đêm nàng tỉnh dậy thấy mẹ chồng mắt thăm thẳm nhìn ra ô cửa...

Một năm có ba cái giỗ, hai mùa lúa, một vụ màu, làng một lần mở hội, bốn lần cúng vào mùa, ba ngày tết, một tháng đôi lần ngày tuần. Sáng cơm nguội, trưa và chiều cơm sốt. Mùa hạ ăn rau muống, mùa đông ăn cá kho tương. Những ngày tháng tròn trịa không hề có biến chuyển di dịch. Vẫn chờ đợi, vẫn hi vọng và có thể thất vọng cứ xen lẫn nhau cơ hồ hỗn độn, ồ ạt, có thèm một ánh mắt đàn ông mà chẳng thể. Chỉ thều thào hay trầm tiếng những ông lão trong làng. Rồi làng này vô phúc hết cả. Cây rơm ngoài vườn, ổ rơm buồng trong có khác nhau là mấy. Mấy lần trốn mẹ, hai người thường trốn ra đấy. Giờ vẫn còn những cây rơm khác đứng trơ. Ngày chồng mới đi, tay nàng đánh không nổi cây rơm, mỗi mùa đánh được cây rơm như đánh vật. Lâu rồi thành quen và còn như thể cho bõ tức cứ chèn thật lực, nó đủ đứng vững chắc và khoẻ cho đến tận lúc vào mùa mới. Mãi rạ chưa nát hai mẹ con đã cùng nhau kẻ lợp, người đưa thay lại. Vách thủng hai mẹ con kẻ đánh bùn người trát lại. Có thịt con gà cúng hai mẹ con ăn cả phần cổ phần thịt. Thiếu tiếng đàn ông, thiếu tay đàn ông hai người phụ nữ còn khờ khạo mọi việc lâu dần cũng thành thạo.

Bà mẹ thương con dâu, hối tiếc cho một quãng đời son trẻ của nó. Nghĩ cứ để cho vợ chồng nó vui vầy với nhau còn hơn. Ai lại cứ đêm lạch xạch cây sào đuổi chuột, mà đánh đâu không đánh cứ nhằm buồng vợ chồng nhà nó mà đuổi. Nhìn chúng chả biết ngại mà lòng thấy tủi. Đành li chúng ra ít lâu ai ngờ. Mình qua rồi thời tuổi trẻ đằng đẵng mà thở phào. Sao ngày ấy sợ mấy tay đàn ông lực lưỡng hay đi tắm ao thế nhỉ. Mình đi chợ là lẽo đẽo đằng sau. Có tay còn thản nhiên đưa đẩy: "Nàng ơi! Có con gà trống đang đuổi con gà mái kìa." Còn nó giờ đây mới là bắt đầu. Nạn chinh chiến còn đeo đuổi những người đàn bà đến bao giờ? Được một điều ước thì mình không ngần ngại ước ngay là đàn ông để ra đi cho nó nhẹ người. Cái bệnh phát sinh từ chờ đợi nó như thuốc độc, nó như thuốc mê mụ mị ra mà không chết, dù héo hát cho đến hết đời.

Nàng vẫn thấy bốn mùa qua, hạ đến rồi thu và tới đông. Tiếp nối bốn mùa, bao nhiêu ngày là bấy nhiêu đêm. Chỉ có trăng sao, mưa gió, côn trùng, vạn vật sinh linh và lòng người khắc khoải. Nàng buồn lắm, nét mặt đã lộ vẻ u hoài. Cái giường cưới ngày xưa đã cót két, con mọt ra rả ăn đêm đùn một đống một nâu đỏ chất đống dưới gầm. Người nàng vẫn thế, săn chắc, đỏ da thắm thịt, có lúc nào nguôi niềm canh cánh trong lòng. Người ta chú ý, người ta bàn tán, người ta tán dương mẹ con nàng chính chuyên, người ta đâu có biết rằng sóng bạc đầu mãi rồi cũng phải hồ yên bể lặng. Nó đã chết lặng, nó đã chai sạn trong tâm hồn nàng Nàng chỉ còn nhớ rõ nhất một điều là chiến tranh, giặc giã hay là niềm vinh quang lớn lao cho ai đấy, hay cho chính con người chồng nàng mà chàng đã ra đi. Nàng nguyền rủa chiến tranh. Vì nó mà nàng thành cô thân như goá bụa, vì nó mà cả tuổi trẻ của nàng qua đi bằng nỗi niềm khắc khoải đau đáu niềm đau, niềm khao khát được làm mẹ mà chẳng thể. Chiến tranh hun hút ở đâu xa lắm. Vì cái gì? Đất đai ư? Của ngon vật lạ ư? Gái đẹp ư? ... Họ tranh giành nhau những thứ vời xa vô nghĩa đó và đẩy những người đàn bà như nàng vào thảm kịch khủng khiếp này. Để đêm đêm phải tưởng tượng lại những lần ái ân, hồi tưởng lại nhầm cả những gì có trong tâm tưởng. Mong ngóng và hi vọng và chờ đợi, vinh hiển hay vực thẳm, hai điều đối lập, mà không hàng vạn điều đối lập nhau ấy đầy ắp trong lòng không bao giờ được xác định. Chẳng còn lại cái gì ngoài một thân thể, một tâm hồn chỉ mang máng mọi điều, nhớ và không nhớ đều nhoè nhoẹt. Cái bóng đen im lặng mình tạo nên nó mà cứ ngỡ nó đè lên mình nghẹt thở, âu yếm, sợ hãi... Cả con người, cả phần tâm hồn thanh khiết còn lại toả ra một thứ mùi thơm dịu dàng, lay lứt. Nó như một loài hoa càng thiếu người hái càng lan toả một mùi hương rất tự nhiên nồng nàn da diết. Ngực nàng căng lên rồi mềm xuống rất đều đặn, da mặt nàng hết hồng rồi lại sạm, rồi lại hồng lại sạm. Nàng không hiểu mình đang sống nhởn nhơ vô lo vô nghĩ hay đang se sắt. Nàng tồn tại trong mộng mị, trong một thứ âm thanh vô bổ vô cảm vô hồn. Một ngày chỗ dựa duy nhất của nàng cũng mất. Mẹ chồng nàng chết. Nàng tự thương mình đơn côi và sực nhớ tóc mình cũng pha sương. Ngày càng đằng đẵng, đêm càng hun hút. Chưa có con mà người ta đã gọi nàng bằng bà từ bao giờ. Nàng thẫn thờ rồi choáng váng chấp nhận như một điều nào đấy tác động gợi cảm giác đau đớn bình thường. Nàng không còn sống cho nàng, cho người đi xa mà sống như một thân thể sống bất kì trên cõi đời này. Khát thì uống, đói thì ăn, thấy việc thì làm. Nàng đau khổ nhận ra điều đó là điều tồn tại bao nhiêu năm nay ở nàng mà bây giờ mới được cắt nghĩa. Nàng đã khóc lăn lộn rồi nàng vô cảm với mọi suy nghĩ của mình.

Bỗng một ngày khi mà nàng như đã cạn kiệt suy nghĩ, liên tưởng, tâm hồn nàng như loạn nhịp trước trái tim thì chàng chở về. Đó là người đàn ông tóc bạc cứng cỏi sương gió và tài ba như thuở nào. Hương trên bàn thờ nghi ngút, họ hàng gia phong mãn nguyện. Nàng không màng đến áo bào, tước vị mà trước mắt nàng chỉ có một con người bằng xương bằng thịt.

Chuyện ái ân bây giờ vẫn vụng về, vẫn cuồng nhiệt như ngày xưa. Nhưng ai biết được cái đêm hôm trước cái đêm hôm nay cách nhau bằng cả mấy mươi năm, có lẽ còn bằng cả cuộc đời của kẻ bạc mệnh.

Sớm nay trở dậy họ cùng thấy ngượng ngập với nhau khi vừa trải qua một đêm chăn gối. Tĩnh lặng, xót xa.

Chàng dũng tướng cáo quan về quê với vợ, chàng bù đắp những ngày chinh chiến cho nàng bằng thú điền viên gia đình. Đàn ông nghĩ trong lòng, đàn bà xót xa trong tim. Chàng trở về với nghề thuốc, còn nàng thuỳ mị, đôn hậu của người về già phụ giúp cho chồng.

Một đêm, hai đêm, ba đêm không ngủ. Nàng chạy ra mộ mẹ chồng khóc ròng. Người chồng không hề hay biết đêm đêm người vợ thường bỏ đi.

Đêm đến, ở mộ mẹ chồng nàng chỉ có cái bóng bất động của nàng bên cạnh nấm mồ câm lặng. Chỉ có sương lạnh ướt cỏ và những giọt nước mắt nóng hổi chảy xuống. Chàng đi tìm vợ và thấy nàng bên mộ mẹ mà rằng: "Ta không tham bổng lộc, chức tước mà ta ra đi vì trách nhiệm, ôi cái trách nhiệm nghiệt ngã." Chàng quỳ xuống bên nàng khóc ròng sẻ chia. Hôm sau họ đã trở thành người khác. Họ vui thú sum vầy, nước mắt họ đã cạn họ cũng không còn biết khóc nữa. Không hiểu do đâu bên mộ mẹ mọc lên một loài cây lạ. Thân xanh, mọng ú, không có lá phơi nắng, phơi sương mà bám vào đất chắc khoẻ. Cây không lá, chỉ có những chùm gai khó nhọn tua tủa không ai đụng được vào. Cây lớn, vươn lên dáng vẻ đầy kiêu hãnh. Hai vợ chồng lấy làm lạ mơ hồ nghĩ đến một điều gì đấy khó định hình như tính cách như cuộc đời, như con người và như cả nỗi đau của người mẹ.

Đã lâu lắm rồi họ đều không khóc, thế mà nhìn cái cây lạ phảng phất hương hồn người mẹ, họ lại khóc. Nước mắt họ đọng lên những chùm gai tròn xoe tua tủa ấy lóng lánh sáng đẹp như ngọc. Đến lạ, thân thì lớn đầy sức sống như thế mà gai thì cứ chưa già đã bạc thếch, nhọn hoắt, tua tủa để bảo vệ phòng ngự.

Gai như dồn sức lực vào cho thân, thân lớn lên, xanh tốt đủ đầy thì gai càng triết đi sinh lực của mình và còn như độc ác, gai không làm cho cây mất nước.

Ít lâu sau cây trổ hoa, những bông hoa tươi rồi, dịu dàng mà quyết liệt mạnh mẽ. Hoa mọc lên từ thân, từ nốt những cụm gai tua tủa. Hoa đẹp mỡ màng, sung sức từ cánh đến nhụy. Ta nhận ra sự chất chứa dồn nên sinh lực và cả nghị lực tận trong lòng.

Nàng đã qua đời trẻ hơn mẹ chồng nhiều. Người ta khóc nàng, ca ngợi, cảm thương nàng trong đám tang. Cỏ mọc lên xanh đã đành, mà không ai trồng, trên mộ nàng cũng mọc lên loài cây đó. Cây xanh thẳm thân thuôn tròn như những bàn tay, gai sắc và nhọn nhiều vô kể, hoa cũng nhiều hoa vàng rực rỡ đến quyết liệt. Người dân trong vùng thấy sự lạ, họ không ngớt lời ca ngợi tấm lòng hai người phụ nữ và cho rằng cây lạ ấy mọc lên mồ là điềm lành và họ đặt cho loài cây này cái tên cao quý "Xương rồng bà". Cây tượng trưng cho lòng trung thành chính chuyên vượt lên khốn khổ trong cuộc đời và của chính mình để kết thành loài hoa tuyệt đẹp ấy. Nhưng mấy ai hiểu được nỗi đau của loài hoa hữu sắc vô hương, gai sắc nhọn tua tủa có một thân phận làm nên từ những nỗi đau cay đắng như nhựa loài hoa này.

Sự tích cây xương rồng bà. Truyện ngắn của Nguyễn Minh Hoa
Ảnh: Janesca/Unsplash

---------

Bài viết cùng chuyên mục:

Đọc truyện: Kỷ vật. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Anh Tuấn Đọc truyện: Hương xưa. Truyện ngắn dự thi của Hiệu Constant Đọc truyện. Ra giêng lập nghiệp. Truyện ngắn của Trần Nguyên Mỹ Đọc truyện: Trăm ngàn. Truyện ngắn dự thi của Ngô Tú Ngân Đọc truyện: Con ve sầu ngân mãi. Truyện ngắn dự thi của Phạm Quốc Toản
văn nghệ trẻ, số 35/1997
Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Baovannghe.vn - Chiến dịch thần tốc như một cơn lốc không ngày không đêm, đơn vị vừa đánh vừa hành quân gần như xuyên dọc theo Quốc lộ 13 hướng về Sài Gòn mỗi ngày một gần thêm.
Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Baovannghe.vn - Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc ngày 22/11 với phiên thảo luận tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Baovannghe.vn - Mây đen tan. Nắng nhẹ. Hương sen còn sót hòa cùng hương bùn đánh dạt mùi khói xe, đưa nụ cười của hai người đàn ông lấp đầy mi mắt đang nhìn về phía mặt trời.
Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Baovannghe.vn - Bài thơ Thề non nước không chỉ là lời tự tình đằm thắm của một tâm hồn thủy chung, tin cậy mà còn cất giấu trong mình một bức tranh thiên nhiên tráng lệ và quyến rũ mê hồn vì một vẻ đẹp như sinh ra bởi con người và cũng chỉ dành để cho con người.
Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Baovannghe.vn - Nhà văn Nguyễn Chí Trung trưởng thành từ thiếu sinh quân. Đi lính từ bé và làm cán bộ đại đội từ trẻ - ngày nền nông nghiệp của ta xứng danh với cái tên “nghèo nàn và lạc hậu” thì ông hòa nhập vào lớp thanh niên “vượt lên hàng đầu, vượt là vượt như tên bay”...