Sáng tác

Ông già RôBốt. Tuyện ngắn của Hoàng Ngọc Sơn

Hoàng Ngọc Sơn
Truyện
13:00 | 13/10/2024
Baovannghe.vn - Nhìn ông, tôi thấy quen quá, từa tựa như ông Hảo. Không lẽ đây lại là ông Hảo năm xưa? Và lạ thay, ông này cũng chăm chú nhìn tôi. Có thể ông đã nhận ra tôi và đang ngỡ ngàng
aa
Ông già RôBốt. Tuyện ngắn của Hoàng Ngọc Sơn
Ông già Rôbốt - truyện ngắn của Hoàng Ngọc Sơn

Tranh thủ giờ nghỉ trưa sau khi dự lễ động thổ công trình, tôi thong thả tản bộ dọc các đường phố hướng tới mái trường xưa. Thời tiết cuối thu, sắc trời đã êm dịu, không còn cái nắng như thiêu đốt, cái nóng đến ngột ngạt kinh người. Đất trời càng như đẹp thêm bởi nền trời xanh ngắt với những tảng mây trắng bảng lảng trôi và cây cối đã ngả màu, sắc vàng gợi cảm của lá rụng rải đầy bên những lối đi. Trong làn gió thu dịu, vừa tản bộ tôi vừa hình dung lại những kí ức về mái trường thân yêu. Không biết giờ đây trường đã bề thế, đã khang trang hơn hay vẫn như trước? Các thầy cô giáo đã từng dạy dỗ tôi, ai đã nghỉ hưu, ai còn tại chức? Và đặc biệt là ông Hảo, cái ông thường trực kiêm bảo vệ nhà trường mà bọn sinh viên chúng tôi vẫn xem là một người máy thực thụ, đã về quê với vợ con hay còn ở lại trường? Chính con người mà bao lớp sinh viên cho là lập dị đó lại trở nên rất gần gũi, rất đỗi thân thuộc đối với tôi. Và suốt những năm tháng sau khi ra trường, hình ảnh ông vẫn không sao mờ nhạt trong tâm trí tôi.

Vòng qua mấy phố, tôi rẽ vào một lối nhỏ đến thẳng trường. Lúc này, đúng vào giờ nghỉ trưa nên trường vắng lặng, giáo viên đã về hết, sinh viên nội trú có lẽ đang nghỉ. Trông vẻ bề ngoài, mái trường cũ của tôi giờ đã đổi thay nhiều, không còn lụp xụp những dãy nhà cấp bốn, không còn chiếc kẻng treo giữa sân trường mà đã được thay bằng hệ thống chuông điện, một số cây đại thụ bị đốn hạ để nhường chỗ cho những tòa nhà cao tầng. Cổng trường đã được xây lại với hai trụ đứng ốp đá, cánh cửa sắt lớn chắn ngang, tua tủa những mũi sắt nhọn như lưỡi mác chĩa lên trời, nom bề thế hẳn. Và phòng thường trực xưa vẫn ở nguyên vị trí, sáng sủa, đẹp mắt hơn nhờ những ô cửa kính khung nhôm bóng loáng. Tuy nhiên, ngồi ở chỗ đó không phải ông Hảo mà là một người khác, trước đây tôi chưa từng gặp. Có thể ông Hảo đi đâu đó hoặc nghỉ hưu rồi cũng nên?

Thẫn thờ trước cổng trường một lúc, tôi lại lững thững bước đi. Mỏi mệt, tôi rẽ vào một quán giải khát ven đường. Vừa bước vào quán, tôi bỗng sững lại và kinh ngạc khi nhìn thấy một người đàn ông luống tuổi ngồi bên bàn, đang nói chuyện với một cô gái trẻ. Nhìn ông, tôi thấy quen quá, từa tựa như ông Hảo. Không lẽ đây lại là ông Hảo năm xưa? Và lạ thay, ông này cũng chăm chú nhìn tôi. Có thể ông đã nhận ra tôi và đang ngỡ ngàng trước sự xuất hiện quá đột ngột của tôi. Thôi... đích thị là ông Hảo rồi! - Tôi khẽ reo lên và mừng ra mặt. Ông Hảo tuy có già đi nhưng phong thái không khác xưa, vẫn khuôn mặt khô khan, đôi mắt trũng sâu và thân hình cao gầy. Duy có điều là lạ, hôm nay ông ăn vận khá sang, chiếc quần là phẳng li, áo sơ mi cổ cồn trắng muốt. Tôi mạnh dạn đến bên ông và lên tiếng trước:

- Chào bác Hảo.

- Ồ... xin chào anh - Ông Hảo bắt tay tôi.

- Bác Hảo... bác có nhận ra cháu không?

Ông hơi nhíu cặp mày:

- Anh là...

- Cháu là Tuấn, lớp KT6 - Tôi nhanh nhẩu đỡ lời ông - Trước kia, cháu thường đến chơi chỗ bác và có lần... bác đã giúp bạn cháu lúc ốm đau.

- Ồ... tôi nhớ ra rồi - Ông vồn vã kéo ghế mời tôi - Nào... anh ngồi xuống đây. Thế... Anh đi đâu mà lạc đến chốn này?

Câu chuyện giữa hai chúng tôi trở nên thân mật, hồ hởi và vui vẻ, chẳng khác nào hai người bạn thân lâu ngày gặp lại. Tôi kể cho ông nghe lí do tôi đến đây. Và chúng tôi cùng nhắc lại những kỉ niệm ở trường đại học. Được một chốc, tôi hỏi:

- Vừa rồi, cháu có qua trường nhưng không gặp bác. Giờ đây, chắc bác đã nghỉ hưu?

- Ồ... không! Tôi còn mấy năm nữa mới đến tuổi anh ạ - Ông đáp lại tôi giọng vẫn khô nhưng đượm buồn.

- Vậy là... bác còn làm việc ở trường?

- Tôi chưa nghỉ nhưng... không hẳn là còn đang công tác!

Tôi băn khoăn:

- Thưa bác... bác nói vậy nghĩa là sao? Cháu nghe lạ lắm.

- Kể cũng là chuyện lạ đấy, anh ạ! - Ông khẽ thở dài.

Ông Hảo bỗng lặng đi một lúc, ánh mắt buồn bã hướng ra phía ngoài cửa. Mái tóc đốm bạc của ông xòa xuống, che lấp vầng trán thấp, nhăn nheo, dâm dấp mồ hôi. Ông hất mái tóc về phía sau, sửa lại tư thế ngồi, rồi tâm sự...

Một buổi vào giờ vào nghỉ trưa, ông Hảo đang ngồi ngoài cửa thì nghe thấy tiếng chuông điện thoại réo dồn dập trong phòng làm việc. Ông vội vàng chạy vào và được biết, ông Bất hiệu trưởng gọi ông lên phòng riêng có việc. Căn phòng ông hiệu trưởng không xa phòng thường trực là bao, nhưng chẳng mấy khi ông đặt chân vào đó. Đây cũng là lần đầu tiên vào giữa trưa, ông Bất gọi ông lên gặp. Mọi bận hễ có việc gì, ông Bất đều cho người nhắn mời ông. Ông Hảo tự nhủ: hẳn có điều cần kíp gì đây?

Vừa đi ông vừa mường tượng phán đoán, chẳng mấy chốc ông đã đứng trước cửa phòng ông hiệu trưởng. Lúc này, trong phòng còn có cả ông Trạch, trưởng phòng hành chính. Ông sững người và chợt nghĩ: lẽ nào họ gọi ông lên để trách cứ về việc giao thằng con trai ông Trạch cho công an mà không thông qua ban giám hiệu? Tháng trước, thằng con trai ông Trạch đột nhập phòng hành chính, bê trộm một đầu máy vi tính, ông đã phục bắt quả tang. Thoạt đầu, thấy có mình ông, nó định chống cự, nhưng khi biết trong tay ông có vũ khí, nó lại thôi. Sau đó, nó lại giở thói dọa nạt, rồi dúi tiền cũng không xong. Biết chẳng còn đường nào khác, nó đành khẩn khoản van xin, ông cũng chẳng tha. Ông cho rằng, dẫu nó có là con ai đi chăng nữa, nếu nhúng tay vào việc phạm pháp, đều phải bị nghiêm trị, có như thế mới giữ được kỉ cương của nhà trường và xã hội. Và hơn thế, đó sẽ là bài học tốt để cảnh cáo bất cứ kẻ nào sắp bước chân vào con đường tội lỗi. Tuy vậy ông vẫn biết sẽ có nhiều điều rắc rối đến với mình, vì ông Trạch là một con người gian ngoan, giảo quyệt, cả cơ quan ai cũng phải kiêng. Song, với bản tính ngay thẳng, ông không hề sợ. Ông nghĩ, trong trường hợp này, ông đã làm đúng phận sự, nếu ông Bất có hỏi thì chẳng việc gì ông phải giấu cả.

- Kìa... bác Hảo, sao đứng ở đó lâu vậy - Ông Bất lên tiếng - Mời bác vào đây.

Ông Hảo rón rén bước vào phòng và ngồi xuống chiếc ghế cạnh bên. Ông Bất đẩy chén nước chè vừa rót về phía ông:

- Bận quá, giờ mới có thời gian để gặp bác.

- Chắc các ông có việc gì cần đến tôi? - Ông Hảo lo lắng.

- Là thế này... bác Hảo ạ - Giọng ông Bất hơi chùng xuống - Hôm trước, phòng hành chính có đề cập chuyện của bác, tôi đã cân nhắc kĩ, nên quyết định mời bác lên đây. Quả thật, để bác phải làm cái công việc dính đến nắng mưa, đến thức khuya dậy sớm như hiện nay, đúng là bất hợp lí thật. Vì thế, tôi đã trao đổi với đồng chí Trạch chuyển bác sang làm công việc khác. Bác thấy chuyện ấy thế nào? - Dạ... ông nói sao, tôi chưa hiểu? – Ông Hảo chột dạ, cảm thấy có cái gì đó khác thường.

- Kìa... bác uống nước đi cho nóng. Bác Hảo này về phần việc bấy lâu nay của bác, tôi biết là vất vả lắm - Ông Bất cười cười - Nói chung, tôi đánh giá cao năng lực làm việc của bác. Nhưng xét cho cùng, bác đã có tuổi, không thể làm mãi công việc này, hợp hơn với sức khỏe. Để bác cần phải tìm một việc khác thích đảm nhận trách nhiệm nặng nề như hiện nay, tôi thấy không đành lòng chút nào.

Ông Hảo đáp:

- Cảm ơn ông đã quan tâm Nhưng... thưa ông... tôi đã quen việc!

- Tôi vẫn biết là vậy. Bác yên tâm, tôi đã giao cho phòng hành chính bố trí một việc khác thích hợp hơn với sức khỏe và sở trường của bác. Cứ thế... cứ thế... bác Hảo nhé...

Ông Hảo cảm thấy người chao đảo như thể mất trọng lượng. Căn phòng ông hiệu trưởng bề thế, rộng rãi là vậy bỗng trở nên ngột ngạt vô cùng. Ông Hảo lặng lẽ trở về phòng mình. Một nỗi lo trong đầu ông lại dậy lên. Ông Trạch theo sau vỗ về:

- Tôi hiểu là bác không vui, nhưng có sao đâu, chẳng làm việc này thì sẽ có việc khác cho bác, lo gì. Ông Bất quan tâm tới bác như vậy là đáng quí lắm. Lẽ ra, bác nên mừng thì mới phải.

Về tới phòng mình, ông cứ nghĩ ngợi, đắn đo mãi. Chẳng qua cũng chỉ vì ông không muốn nhường cái công việc đã thành nếp của mình. Căn phòng thường trực nhỏ bé và chiếc kẻng ấy đã gắn bó với ông suốt mấy chục năm, lẽ nào ông phải lặng lẽ rời bỏ chúng. Xa chúng, ông như thấy mất đi người bạn luôn gần gũi, thân tình, thủy chung. Nhưng rút cục, biết làm sao nổi, một khi cấp trên yêu cầu, ông chỉ còn cách là chấp hành thôi. Sáng hôm sau, ông bàn giao công việc cho một thanh niên mới ngoài hai mươi tuổi và chờ đợi nhiệm vụ mới. Nhưng rồi, ngày qua ngày, thời gian cứ tuồn tuột trôi đi, sức còn làm việc được mà cứ phải ngồi không, ông thấy bút rứt, khó chịu quá. Ông quyết định lên gặp thẳng ông Bất để biết rõ công việc sắp tới của mình, song ông ấy lại vừa đi công tác nước ngoài, nghe đâu dăm tháng nữa mới về. Ông Hảo nhớn nhác chạy sang gặp ông Trạch. Thoạt đầu, ông ta nhăn mặt, gãi tai, khủng khỉnh không muốn tiếp, đến khi ông gặng hỏi mãi, ông Trạch mới thủng thẳng đáp:

- Bữa nọ, ông Bất nói vậy là có ý đấy, thế mà ông cũng chẳng hiểu. Ông thực là… tối dạ quá.

- Đúng là tôi không hiểu gì hết - Ông Hảo thành thật - Tôi chỉ muốn làm việc thôi... ngồi mãi chịu không nổi!

Ông Trạch bỗng cười to như quất nước vào mặt ông. Có thể là ông Hảo đã thật thà và ngây ngô quá chăng? Hoặc cũng có thể ông Hảo không đáng là đối thủ để ông ta thử sức? Song nhìn cái kiểu cười nửa mỉa mai nửa diễu cợt và khóe mắt lờ lững của ông ta, ông Hảo bắt đầu cảm thấy bực mình, khó chịu. Ông Trạch vẫn giọng tỉnh khô:

- Ông phải bình tĩnh để chúng tôi liệu bề thu xếp. Ông cứ nghỉ ngơi một thời gian theo yêu cầu của lãnh đạo, nào có ai thắc mắc gì đâu. Ông vẫn hưởng nguyên lương đấy chứ?

- Thưa ông... đây không chỉ là vấn đề lương - Ông Hảo từ tốn - Cái chính là tôi cần có một công việc để làm!

Ông Trạch dài môi:

- Chà, chà... hiện giờ thì khó đấy, khó lắm đấy. Ở một trường đại học thế này, với trình độ văn hóa như ông, biết sắp xếp được việc gì nhỉ? À... để tôi bàn với bên giáo vụ xem xem có thể bố trí ông lên bục giảng…

Không để ông Trạch nói hết câu, ông Hảo giận dữ đấm mạnh tay xuống bàn, mặt đỏ bừng, mắt tròn xoe tức tối:

- Thì ra... các ông định...

- Đúng... ý định của chúng tôi là để ông nghỉ hưu đợt này rồi nâng thêm cho ông một bậc lương.

Ông Hảo giận sôi máu, hai bàn tay nắm chặt vào nhau, người cứ rung lên bần bật. May mà ông còn kìm nổi, chứ không thì cái mặt ủ mỡ đang cười hềnh hệch kia của ông Trạch đã nhận đủ những quả đấm của ông. Đây có lẽ là lần đầu tiên trong đời, ông phản ứng như vậy. Lúc này, ông như người rơi xuống vực sâu, không có ai cứu giúp. Trở về phòng, lòng ông trĩu nặng nỗi buồn và suy nghĩ rất lung. Về hưu có nghĩa là an phận tuổi già. Thực ra, ông đã già đâu, vì sức khỏe ông hãy còn, công việc ông làm tốt và hơn nữa, đó lại là niềm vui của ông. Không lẽ chỉ vì trả thù vặt mà họ lại xử sự tàn nhẫn với ông thế này sao? Hay ông đang nằm trong một mưu mô đen tối nào đó? Hơn một tháng sau, ông đã vỡ lẽ. Họ muốn đẩy ông đi vì người thay thế ông là cháu ông hiệu trưởng, nó không đỗ đại học và chưa có việc làm. Ông giận và uất trước hành động hèn hạ đó đến bầm gan tím ruột. Cuộc đời ông đã nhiều năm gắn bó với mái trường này, bỗng chốc họ đẩy đi, dùng thế lực để tước mất quyền lao động chính đáng của ông. Cuối cùng, vì danh dự, vì lòng tự ái cao, ông đã quyết định về quê. Họ phụ ông thì ông cũng chẳng cần đến họ làm gì nữa...

Ông Hảo ngừng lời với nụ cười thiểu não, cặp mắt nheo nheo buồn bã. Tôi nhìn ông với lòng thương hại, xót xa và bàng hoàng vì những chuyện không hay đã xảy ra ở trường. Một con người như ông, hiện thân của một lớp người ngay thẳng, trung thực, hết lòng với công việc, làm sao lại có thể bị đối xử nhẫn tâm đến vậy. Và kí ức của tôi lại trôi về dĩ vãng với những năm tháng dài đã từng học tập ở mái trường thân yêu này...

Thuở sinh viên, tôi phải ở nội trú trong trường, phần vì nhà xa, phần vì đường xá cách trở, đi lại khó khăn. Tuổi thanh niên có nhiều thú chơi, cần nhiều nơi vui chơi giải trí, thế mà cứ phải bó gối trong trường thì buồn đến nẫu ruột. Niềm vui của tôi trong những ngày đầu tiên tựu trường có lẽ là được cùng bè bạn, ngồi quây quần ở phòng ông Hảo, liền kề với phòng thường trực của trường. Những buổi gần ông, từ chỗ xem thường về lối sống, về cách sinh hoạt kì dị, dần dà tôi cảm thấy mến ông. Có thể vì mồ côi cả cha lẫn mẹ từ lúc mới lọt lòng, vì hoàn cảnh xuất thân là đứa ở không công cho địa chủ từ nhỏ, vì môi trường quân ngũ trong nhiều năm, nên ông đã tự rèn cho mình một lối sống khắc kỉ, đầy tính nguyên tắc. Bởi thế mà mỗi lần chúng tôi mò đến chỗ ông, bao giờ ông cũng nhìn vào chiếc đồng hồ để bàn cũ kĩ rồi hạ một câu gọn lỏn: "Bảy giờ đúng. Tám giờ các anh về, ai vào việc nấy." Và khi mọi người đã yên vị đâu đấy, với chất giọng khàn khàn và sắc mặt tự hào, ông mới chậm rãi kể nhiều chuyện, trong đó có những chuyện riêng về ông. Bọn sinh viên chúng tôi lắng nghe lúc thì chăm chú, hào hứng với những chuyện ông đã tham gia chiến đấu dũng cảm ở chiến trường; khi lại thờ ơ, hờ hững với những điều ông tâm sự về điều hay lẽ phải ở đời, về lòng trung thực, về nếp sống theo kỉ cương, khuôn phép. Đôi khi sự chân thực trong tình cảm lại trở thành trò đùa vô ý thức với thái độ thiếu tôn trọng người lớn tuổi. Nhiều buổi lên lớp, nhìn thấy ông Hảo đứng cạnh chiếc kẻng với cái búa trong tay, chốc chốc lại liếc nhìn chiếc đồng hồ để bàn mang theo, trong đám sinh viên lại bật ra những câu đùa:

- Kìa... cụ Khốt, viên chức mẫn cán!

Khánh bạn tôi còn ác khẩu hơn:

- Rô – bốt(1)... sắp vận hành!

Những câu đùa tinh nghịch làm cả bọn sinh viên được phen cười phá. Để diễn tiếp cái trò tếu táo của mình, Khánh giả bộ đúng ngây người với tư thế thẳng đứng, đầu gật gật như gà mổ thóc, mồm bật ra từng tiếng: "Tích tắc... tích tắc..." rồi đột nhiên hét toáng:

- Suýt - goắt(2)! A... đúng rồi, suýt-goắt chúng mày ơi!...

Ông Hảo lặng thinh, không thèm chấp và bỏ ngoài tai tất cả những lời đùa cợt thiếu ý thức như vậy, giận lắm thì cũng chỉ lắc đầu thở dài. Ông xem công việc là niềm vui và đánh kẻng cũng quan trọng như giáo sư giảng bài. Nếu giáo sư là chiếc dây cót thì ông là cái đinh vít nhỏ trong chiếc đồng hồ ấy, thiếu nó, đồng hồ cũng không thể chạy được. Cuộc sống của ông cứ diễn ra đều đều như thế trong những năm tôi ở trường. Tôi có thói quen dậy sớm để học bài và đã thành lệ, hễ thấy ở phòng ông bùng lên ánh lửa là đồng hồ chỉ đúng năm giờ mười lăm phút. Sau đó ông chạy ra sân tập thể dục, rồi mười lăm phút tiếp theo ông đi tắm giặt. Xong xuôi tất tật, ông ngồi bên ấm trà, cái phích nước và rít thuốc lào sòng sọc. Đúng giờ, không sai một phút, chính xác như chiếc đồng hồ trứ danh, cổng trường được mở, đồng thời tiếng kẻng của ông lại vang lên. Và cái chu trình khép kín ấy đã trở thành thông thuộc, ngày nào cũng như ngày nào, mùa hè cho chí mùa đông. Nhiều bận, vợ con ở dưới quê lên chơi, ông cũng không phá qui tắc giờ giấc đó. Ông chỉ giữ họ ở lại cùng lắm là hai ngày. Đôi lúc ngồi với vợ ông bên máy nước, bà lại tỉ tê với tôi: "Chỉ cần dây dưa thêm một ngày là ông ấy lại ca cẩm: ở nhà mà lo ruộng vườn, chỗ tôi làm việc là trường đại học, bà đừng có lưu lại lâu mà ảnh hưởng. Nom bất tiện lắm!" Còn ông, cứ đúng ngày phép mới về. Không bao giờ ông chịu rời xa nơi làm việc đã trở nên quá thân thiết như tổ ấm thứ hai của mình. Ai có việc riêng gì nhờ vả trong giờ, kể cả hiệu trưởng, giáo sư, nếu không đúng phận sự, nhất định ông khước từ. Ông không thể rời bỏ căn phòng thường trực nhỏ bé ấy mà đi, nhỡ xảy ra chuyện gì, làm sao ông có thể yên lòng được. Tôi nhớ mãi hình ảnh của ông vào một chiều chủ nhật khi Khánh bạn tôi sốt cao, lên cơn co giật. Tôi lo quýnh chạy quanh mấy dãy nhà, nhưng mọi người đã đi chơi cả, nhìn đi nhìn lại chỉ còn mỗi ông Hảo đang ngồi ở phòng thường trực, Tôi phân vân hồi lâu. Không lẽ lại nhờ vả ông Hảo? Liệu ông Rô-bốt ấy có sẵn lòng giúp không hay lại phí lời vô ích? Cực chẳng đã, tôi đành chép miệng đánh liều chạy ra và thật không ngờ, ông hốt hoảng thật sự. Ông tất tả gọi xích lô, bỏ tiền túi để thuê xe chở Khánh đi viện. Sau khi nhờ được người tin cậy thay mình, ông vội vã vào viện và mang theo cân đường hộp sữa để thăm Khánh. Nghĩa cử cao đẹp ấy của ông đã xóa đi trong tôi cái thành kiến bao lâu về một con người tôi cho là máy móc, là thiếu tình thân ái...

Mải nghĩ, điếu thuốc cháy gần hết làm bỏng rát hai ngón tay, tôi giật mình thả nó xuống sân rồi đột ngột hỏi ông:

- Bây giờ, hẳn bác đã nghỉ hưu?

- Không... chuyện xảy ra khác hẳn, làm cho tôi càng buồn hơn - Ông Hảo lại giãi bày tiếp - Cuộc đời có cái gì đó không như tôi nghĩ!

- Sao? Lại còn chuyện gì không hay nữa đến với bác?

- Chuyện quanh co là thế này. Cái thằng thế chân tôi không phải là cháu ông hiệu trưởng và có điều lươn lẹo bên trong. Nó chính là người mà ông Trạch đưa vào. Thì ra, nhà trường không có chỉ tiêu biên chế, chính lẽ ấy họ đã buộc tôi nghỉ, vừa để thay xuất đó vừa là để trả thù tôi đã bắt thằng con trai ông Trạch - Giọng ông càng thêm rầu rĩ - Cái thằng cha vơ chú váo ấy làm việc được một thời gian ngắn thì sinh ra phá phách, những qui chế trước đây bị xáo trộn hết, giờ thường xuyên trễ và hay bỏ đi chơi, dẫn đến chỗ tài sản của trường bị mất cắp liên tục. Trước kia sinh viên chán ghét tiếng kẻng cũng như cách làm việc nguyên tắc của tôi bao nhiêu thì giờ đây, họ lại ca thán quá nhiều về cái kiểu làm ăn bố láo bấy nhiêu. Thật may, nó đã bị tóm gọn trong khi cùng đồng bọn đang mang những thứ lấy trộm được đi tiêu thụ.

- Chắc sau đó họ mời bác trở lại làm việc? - Tối cắt ngang lời ông.

- Không hẳn thế - Ông Hảo nghiêm giọng - Khi biết rõ sự việc tôi đã trực tiếp lên gặp cơ quan thanh tra. Việc tôi về hưu thì có gì mà đáng nói, nhưng đằng này ông hiệu trưởng bị ông trưởng phòng hành chính dắt dây và còn nhiều chuyện mờ ám khác.

Tôi sốt ruột:

- Thế kết cục ra sao?

- Đang xác minh, nhiều chuyện rắc rối đấy. Cũng nhân cơ hội này, một số người lại gửi đơn tố giác ông Trạch về nhiều việc. Có điều, ông Bất đã thôi công tác và nghe đâu, do ông ấy không có năng lực làm việc, để cấp dưới lợi dụng làm bậy, nên đang chờ quyết định hưu. Còn ông Trạch thì bị đình chỉ công tác để làm kiểm điểm. Ông hiệu phó lên thay đã mời tôi trở lại làm việc.

- Chúc mừng bác. Vậy là bác đã trở lại công tác cũ?

- Không, tôi nghỉ. Bây giờ có lẽ tôi nghỉ. Cũng phải thôi, gần bốn mươi năm cống hiến rồi. Ở lại lâu, người không ưa lại bảo mình là cố vị - kể cũng đau!

Ông gọi bà chủ quán cho ba li nước cam. Vừa uống ông vừa chỉ tay vào cô gái ngồi cạnh bên:

- A... quên, mải chuyện chưa giới thiệu để anh hay, đây là con gái tôi mới đi du học bên Tây về. Nó học môn tâm lí và được điều về dạy ở trường ta - Ông nói hai tiếng trường ta một cách trìu mến - Vừa nhận việc sáng nay, anh ạ.

- Mừng cho bác và cô - Tôi phấn khởi chìa tay về phía cô gái - Tôi xin phép được bắt tay cô giáo mới.

Cô gái bẽn lẽn bắt tay tôi. Đôi mắt ông Hảo ánh lên niềm vui:

- Cháu khuyên tôi nên ở lại trường có bố có con cho vui, tôi cũng chưa dứt khoát...

Nhìn ông Hảo, tôi thực khó có thể ngờ nổi lại trở thành nạn nhân của một việc làm có tính toán. Và thật kinh hoàng với tôi xiết bao khi điều ấy lại xảy ra ở chính mái trường thân yêu, nơi tôi đã từng được dạy dỗ trước kia. Dù chuyện buồn là vậy, song dẫu sao, lần gặp bất ngờ này đã để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc về một con người suốt đời tận tụy với công việc và say mê cho đến tận tuổi già. Và lòng trung thực của ông đã được đền bù. Con gái ông đi du học về lại dạy chính mái trường mà hơn ba mươi năm ông đã gắn bó. Giờ đây, con đã hơn cha, nhưng chưa dễ gì con đã có lí tưởng sống bằng cha. Tôi khâm phục ông thực lòng và hối hận vì trước đây đã có lúc nghĩ không đúng về ông cũng như cách sống còn chưa định hình của mình hôm nay. Lẽ ra không nên có lời khuyên, nhưng tôi lại vô ý buột miệng:

- Theo cháu, bác nên ở lại trường cho đến tuổi hưu.

Ông tủm tỉm cười:

- Cũng được, nhưng còn tùy. Tôi vẫn thấy ngài ngại thế nào ấy. Mình thấp cổ bé họng, lại làm thân con ong cái kiến, giữ được nếp làm việc như trước đây... khó lắm. Không khéo.. người ta lại chê tôi Rô-bốt, là suýt-goắt thì cũng buồn!

Tôi nhìn ông và im lặng. Tôi biết ông đùa. Đây là lần đầu tiên kể từ ngày gặp ông, tôi mới được nghe một câu nói đùa của ông. Có thể cuộc đời vốn khắc nghiệt đã dạy cho ông phải biết cách đùa. Ông đùa chính là lúc lòng ông cảm thấy vui, cảm thấy thanh thản nhất. Mặc dù câu nói đùa của ông là vô tình, chẳng có ác ý gì, nhưng sao nó cứ như một mũi kim sắc nhọn làm nhói buốt tim tôi.

(I) Rô-bốt (Robot): người máy

(2) Suyt-goắt (Swisswatch): Đồng hồ Thụy Sĩ.

----------------

Bài viết cùng chuyên mục:

Đọc truyện: Canh chua. Truyện ngắn dự thi của Ryan Phạm Đọc truyện: Dưới đế giày sũng nước. Truyện ngắn của Thu Trân Đọc truyện: Mặt nạ. Truyện ngắn dự thi của Trần Ngọc Mỹ Đọc truyện: Hương xưa. Truyện ngắn dự thi của Hiệu Constant Đọc truyện. Ra giêng lập nghiệp. Truyện ngắn của Trần Nguyên Mỹ
văn nghệ trẻ, số 33/1997
Bộ NN&PTNT ra công điện ứng phó Bão trên Biển Đồng

Bộ NN&PTNT ra công điện ứng phó Bão trên Biển Đồng

Baovannghe.vn- Bộ trưởng NN&PTNT đã ban hành Công điện số 7930/CĐ-BNN-ĐĐ việc ứng phó với mưa lớn, áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và đi vào Biển Đông.
Năm 2025: Chưa xem xét điều chỉnh tăng tiền lương, lương hưu và trợ cấp người có công

Năm 2025: Chưa xem xét điều chỉnh tăng tiền lương, lương hưu và trợ cấp người có công

Baovannghe.vn - Cơ quan thẩm tra Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, thống nhất với phương án đề xuất của Chính phủ, trong năm 2025 chưa xem xét việc tiếp tục điều chỉnh tiền lương khu vực công
Có một cây cầu chỉ còn trong ký ức… Tản văn của Minh Nhạn

Có một cây cầu chỉ còn trong ký ức… Tản văn của Minh Nhạn

Baovannghe.vn - Cây cầu Đắk Nông cũ – một cây cầu vô cùng bình thường, chẳng có gì đặc biệt, cũng không to lớn, tưởng chừng dễ dàng bị người ta lãng quên đi.
Thời đã xa. Truyện ngắn của Lê Đức Dương

Thời đã xa. Truyện ngắn của Lê Đức Dương

Baovannghe.vn - Hôm đó cơ quan vắng ngắt, tôi bỏ đi chơi ra biển nhặt những vỏ sò dưới mép cát chơi. Biển vắng hoe chỉ có gió và màu xanh của biển.
Bản tin Văn nghệ: Ra mắt vở kịch thơ "Nữ sĩ Hồ Xuân Hương"

Bản tin Văn nghệ: Ra mắt vở kịch thơ "Nữ sĩ Hồ Xuân Hương"

Baovannghe.vn - Nhà hát Thế Giới Trẻ (thuộc Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP HCM) sẽ công diễn vở "Nữ sĩ Hồ Xuân Hương" vào ngày 24/10 do NSND Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đạo diễn.