Diễn đàn lý luận

Tiếp cận văn học từ lý thuyết văn hóa

Nguyễn Thị Kim Nhạn
Lý luận phê bình
13:27 | 07/09/2024
Baovannghe.vn - Những năm gần đây, hướng tiếp cận văn hóa học trở thành một xu thế nghiên cứu thu hút rất nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu văn học nói riêng, các nhà nghiên cứu nhân văn nói chung. Nắm bắt được tiềm năng to lớn cũng như các động hướng phát triển phong phú của nó trong thực tiễn nghiên cứu, ngày 6/9/2024, Viện Văn học tổ chức hội thảo Tiếp cận văn học từ lý thuyết văn hóa.
aa

Diễn ra trong 2 phiên với nhiều ý tưởng mới mẻ, phong phú cùng những trao đổi thú vị, hội thảo tập trung vào mười báo cáo tham luận, tiêu biểu cho những cách tiếp cận khác nhau từ các lí thuyết văn hóa, góp phần mở ra những cánh cửa mới cho việc khám phá văn học.

Tiếp cận tác phẩm văn học như một hiện tượng văn hóa

Trong tham luận mang tính giới thiệu lý thuyết, Tiếp cận tác phẩm văn học như một hiện tượng văn hóa, PGS.TS. Trịnh Bá Đĩnh cho rằng tiếp cận văn học từ các lý thuyết văn hóa là một trong những hướng tiếp cận mới mẻ nằm trong xu hướng liên ngành, tích hợp giữa các phân môn đang thịnh hành những thập kỉ gần đây, phá vỡ tính khu biệt, cô lập đặc trưng trong khoa học nhân văn thế kỉ XX. Về mặt phương pháp luận, nhà nghiên cứu cho rằng, hướng tiếp cận văn hóa hướng đến một quan niệm mới về tác phẩm văn học.

Nếu như trước đây, tác phẩm được coi như một hiện tượng thẩm mĩ hay một hiện tượng ngôn ngữ thì với cách tiếp cận văn hóa, tác phẩm có thể được coi như một hiện tượng văn hóa, dung chứa hệ thống giá trị quan văn hóa. Với quan niệm đó, khi tiếp cận, người nghiên cứu cần phân tích phương diện văn hóa của các thành phần mang tính văn học, gồm cả các yếu tố nội văn bản (như motif, cốt truyện, biểu tượng, cách thức mô tả, khắc họa nhân vật) do mỗi yếu tố ấy đều hàm chứa nội dung văn hóa truyền thống hoặc thời đại mà nó ra đời cũng như các yếu tố ngoại văn bản như: thể loại, ngôn ngữ, mối quan hệ giữa văn bản và không gian văn hóa chung.

Để cụ thể hóa cho phương pháp luận nghiên cứu trên, PGS.TS. Trịnh Bá Đĩnh đã phân tích trường hợp tác phẩm Trương Chi của Nguyễn Huy Thiệp, chỉ ra hai xung đột văn hóa trong tác phẩm: xung đột giữa văn hóa bình dân (biểu hiện qua tiếng hát Trương Chi, ngôn ngữ thông tục, ứng xử hoang dã, lối sống giữa bầy) với văn hóa phong kiến cung đình (thể hiện qua nhân vật Mỵ Nương và các nhân vật cung đình khác); thứ hai là xung đột giữa giá trị quan của tác giả (trọng tâm là quan niệm nhân sinh “Đời là thế, tàn nhẫn và phi lý”) với mĩ cảm truyền thống (chủ nghĩa cảm thương qua lối kết có hậu của truyện dân gian), từ đó thể hiện cảm thức hiện sinh về cuộc đời và yêu cầu về một nghệ thuật hiện thực chủ nghĩa “khắc nghiệt”, hay “lạnh buốt” như cách nói của nhà văn.

Tiếp cận văn học từ lý thuyết văn hóa
Viện Văn học tổ chức hội thảo Tiếp cận văn học từ lý thuyết văn hóa thu hút rất nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu văn học - nhân văn. Ảnh: VVH.

Tiếp đó, hội thảo dành nhiều thời lượng cho các báo cáo phân tích trường hợp, đi sâu vào những vấn đề cụ thể của văn học, văn hóa Việt Nam và thế giới như: Tiếp cận ngôn ngữ, văn học, văn hóa tộc người Tày - Nùng dưới góc nhìn bối cảnh của nhóm tác giả PGS.TS. Nguyễn Thị Huế và TS. Lèng Thị Lan), Lưu giữ văn hóa tộc người trong văn xuôi viết về miền núi sau đổi mới của PGS. TS. Lê Thị Dục Tú, Từ “Mẹo lừa” (Phạm Đình Hổ) đến “Cũng vì ham bằng cấp tú tài” (Thanh Nhàn) và “Bạc đẻ “(Nguyễn Công Hoan): Hành trình của cái thực trong văn học Việt Nam của ThS. Mai Thị thu Huyền, Biểu tượng Hà Nội trong phim Đặng Nhật Minh từ góc nhìn kí hiệu học văn hoá của TS. Lê Thị Dương, Viết lại truyện cổ, hình dung mới về phụ nữ và tầm nhìn bình đẳng giới trong Phật giáo (Trường hợp “Quan Âm Thị Kính” của Thiền sư Nhất Hạnh) của ThS. Nguyễn Thị Kim Nhạn, Căn tính văn hóa của tác giả di cư: Trường hợp Ocean Vương của TS. Hoàng Tố Mai, Ứng dụng tư tưởng triết học Nho - Đạo nghiên cứu sinh thái học ở Trung Quốc: xu hướng và thành tựu của TS. Nguyễn Thị Thuý Hạnh, Văn học trong văn hóa (một vài đặc trưng từ Nhật Bản) của ThS. Khương Việt Hà, Nước Nga như một thực thể văn hóa trong sáng tác của các nhà văn Nga di cư của TS. Đỗ Thị Hường.

Nằm trong xu thế quan tâm đến đời sống văn hóa của các cộng đồng dân tộc thiểu số đang sinh sống trên đất nước Việt Nam hiện nay, nhóm tác giả PGS.TS. Nguyễn Thị Huế và TS. Lèng Thị Lan cho rằng trong bối cảnh hiện nay, văn hóa các dân tộc thiểu số ở nước ta đang đứng trước những biến đổi sâu sắc, đặt ra những thách thức to lớn trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số. Tập trung vào hai điểm chính là ngôn ngữ và vốn liếng văn học dân gian người Tày, hai nhà nghiên cứu đã điểm lại lịch sử, phân tích giá trị văn hóa to lớn của ngôn ngữ và văn hóa dân gian – những yếu tố có vai trò trọng yếu trong việc duy trì bản sắc tộc người Tày.

Cùng quan tâm đến văn hóa tộc người, PGS.TS. Lê Dục Tú, trong tham luận Lưu giữ văn hóa tộc người trong văn xuôi viết về miền núi sau đổi mới lại đi sâu khảo sát các sáng tác văn xuôi đương đại viết về đề tài miền núi, nhấn mạnh ba khía cạnh văn hóa cần được bảo tồn: bảo tồn vẻ đẹp sinh thái mang đậm đặc sắc vùng cao, bảo tồn nét đẹp văn hóa, phong tục tập quán của các cộng đồng thiểu số và bảo tồn ngôn ngữ tộc người. Cả hai tham luận đều thể hiện tiếng nói bức thiết của các nhà khoa học về việc phát huy và gìn giữ văn hóa, ngôn ngữ tộc người trong bối cảnh hội nhập văn hóa hiện nay.

Chuyển sang không gian văn học trung - cận đại Việt Nam, ThS. Mai Thị Thu Huyền đưa ra những câu hỏi rất thú vị về cách thức phản ánh cái thực trong quá trình văn học Việt Nam chuyển đổi từ hệ hình văn học

Phải chăng đã có một đứt gãy thầm lặng và sâu sắc khi thơ, kịch, tiểu thuyết - bộ ba thể loại của văn học hiện đại nhanh chóng thay thế vị trí của văn, thơ, phú, lục? Nền văn học mới ra đời lẽ nào lại không có bất cứ một mối dây nào nối với truyền thống, với quá khứ?

trung đại sang hệ hình văn học hiện đại: Phải chăng đã có một đứt gãy thầm lặng và sâu sắc khi thơ, kịch, tiểu thuyết - bộ ba thể loại của văn học hiện đại nhanh chóng thay thế vị trí của văn, thơ, phú, lục? Nền văn học mới ra đời lẽ nào lại không có bất cứ một mối dây nào nối với truyền thống, với quá khứ? Chọn ba tác phẩm văn xuôi đều có yếu tố hiện thực và thuộc hai giai đoạn khác nhau là Mẹo lừa của Phạm Đình Hổ, Cũng vì ham bằng cấp tú tài của Thanh Nhàn và Bạc đẻ của Nguyễn Công Hoan để phân tích, tham luận của ThS. Mai Thị Thu Huyền đã chỉ ra rằng hành trình của cái thực trong văn học Việt Nam đi từ vị trí là yếu tố minh họa cho quan điểm đạo đức ở văn học trung đại đến việc trở thành đối tượng miêu tả trung tâm của các tác phẩm văn học hiện đại. Điều này phản ánh quá trình chuyển mình và thay đổi của nền văn học, từ chỗ lấy văn học Trung Quốc làm cơ sở kiến tạo vùng đến chỗ vận động và biến đổi theo mô hình văn học phương Tây. Quan tâm đến hiện tượng viết lại truyện cổ, ThS. Nguyễn Thị Kim Nhạn trong tham luận Viết lại truyện cổ, hình dung mới về phụ nữ và tầm nhìn bình đẳng giới trong Phật giáo đã phân tích trường hợp Thiền sư Nhất Hạnh kể lại sự tích Quan Âm Thị Kính vốn rất quen thuộc trong văn hóa Việt Nam.

Từ việc chỉ ra những sáng tạo của nhà sư trong quá trình viết lại truyện cổ, đặc biệt là sự thay đổi các chi tiết xoay quanh cuộc đời và quá trình tu hành của Thị Kính, kết nối với những quan điểm về Phật giáo được nhà sư thể hiện trong nhiều công trình khác, bài viết cho rằng sự biến đổi trong quá trình viết lại thể hiện cách hình dung mới mẻ của nhà sư về vấn đề phụ nữ. Thay cho diễn ngôn về người phụ nữ đức hạnh, hội đủ tam tòng tứ đức cùng những bổn phận, trách nhiệm mà người nữ phải gánh trong suốt cuộc đời như cách hình dung truyền thống của các nhà nho thể hiện trong phiên bản truyện thơ Nôm, nhà sư Nhất Hạnh lại thể hiện một nhãn quan mới mẻ khi hình dung Thị Kính như một người nữ độc lập, tự tin, dám lựa chọn và sống tận cùng với hạnh nguyện tu tập của mình. Tham luận cũng cho rằng, qua tác phẩm này, nhà sư đã chỉ ra sự bất bình đẳng về giới trong tôn giáo, thể hiện sự tôn trọng đối với quyền tự do tôn giáo của phụ nữ và đề cao công phu tu tập của nữ Phật tử.

Trong khi đó, từ những quan sát nhiều năm về lĩnh vực điện ảnh, TS. Lê Thị Dương đưa đến cho hội thảo cái nhìn sâu sắc hơn về hệ thống các biểu tượng Hà Nội trong năm bộ.phim của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Phân tích từ góc độ kí hiệu học (semiotics), nhà nghiên cứu cho rằng trong các bộ phim của mình, Đặng Nhật Minh một mặt sử dụng các hệ thống kí hiệu, các biểu tượng sẵn có về Hà Nội, mặt khác chủ đích tái tạo, cải biến, kiến tạo biểu tượng mới, qua đó, tạo dựng Hà Nội như một không gian lịch sử, văn hóa với những vận động theo chiều lịch đại, và Hà Nội như một không gian trong tâm tưởng gắn với văn hóa ứng xử của người Tràng An.

Tiếp cận văn hóa đối với di sản văn học nước ngoài

Phần thảo luận về các cách tiếp cận văn hóa đối với di sản văn học nước ngoài được diễn ra rất sôi nổi, đưa đến những khám phá mới mẻ về văn học của nhiều vùng đất khác nhau trên thế giới. Đề cập đến văn học như một thành tố trong sinh quyển văn hóa Nhật Bản, ThS. Khương Việt Hà đã tập trung khái lược các đặc điểm văn học Nhật Bản, làm rõ vai trò to lớn của văn học trong nền văn hóa Nhật Bản nói riêng, nền văn hóa nhân loại nói chung: “Nền văn học này đã đóng góp vào thành tựu chung của văn học nhân loại tiểu thuyết theo nghĩa hiện đại đầu tiên, các nhật ký và tùy bút ra đời sớm nhất trong lịch sử văn chương thế giới, thể thơ haiku ngắn nhất thế giới và những tiểu thuyết trường thiên monogatari dài nhất, các giải Nobel văn chương - những thành tựu kết tụ từ sâu thẳm truyền thống văn hóa bản địa xứ sở Hoa Anh Đào và cả từ những dung nạp tiếp thu có chọn lọc văn hóa ngoại lai”.

Đối trọng với Nhật Bản tại Á đông, văn học và văn hóa Trung Quốc được nhắc đến trong tham luận ng dụng tư tưởng triết học Nho - Đạo nghiên cứu sinh thái học ở Trung Quốc: xu hướng và thành tựu của TS. Nguyễn Thị Thuý Hạnh. Trong tham luận của mình, tác giả chỉ ra xu hướng kết hợp giữa ý thức sinh thái trong văn luận cổ đại Trung Quốc với sự du nhập của lí thuyết phê bình sinh thái phương Tây để tạo ra một hệ thống lý luận mang màu sắc Trung Quốc, phù hợp với thực tiễn văn học cũng như hệ thống chính trị, kinh tế, lịch sử Trung Quốc hiện đại, trong bối cảnh khủng hoảng sinh thái đang trở thành nguy cơ toàn cầu hiện nay.

Tiếp cận văn học từ lý thuyết văn hóa
Ocean Vuong như một trường hợp điển hình cho thế hệ các nhà văn di dân gốc Việt tại Mỹ.
Ảnh: Mengwen Cao.

Cùng chung mối quan tâm đến văn học phương Tây, hai nhà nghiên cứu Hoàng Tố Mai và Đỗ Thị Hường đem đến cho cử tọa những phác thảo về nền văn học di dân Nga và Mỹ. Coi Ocean Vuong như một trường hợp điển hình cho thế hệ các nhà văn di dân gốc Việt tại Mỹ, tham luận Căn tính văn hóa của tác giả di cư: Trường hợp Ocean Vương của TS. Hoàng Tố Mai lấy xuất phát điểm từ lý thuyết về quê nhà (home theory), căn tính văn hóa (cultural identity), lai ghép văn hóa (cultural hybridization), khủng hoảng căn tính,… để chỉ ra những ám ảnh về “cố hương” và sự hiện diện của “đất khách” đồng thời chỉ ra nỗ lực vượt khỏi các đường biên ngôn ngữ, quốc gia – dân tộc trong thơ Ocean Vuong. Nhà nghiên cứu cho rằng, từ tình trạng khủng hoảng căn tính văn hóa, các tác giả di dân như Ocean Vuong đã dần đạt đến trạng thái giao thoa văn hóa. Do vậy, tác phẩm của họ là những sản phẩm lai ghép văn hóa ở nhiều cấp độ, dung chứa dấu ấn của cố hương cũng như đất khách, hay cũng có khi mọi đường biên đều nhòa đi, chỉ còn là những sáng tạo nghệ thuật hòa nhập vào dòng chảy của “văn học thế giới” luôn “vượt ra ngoài điểm xuất phát ngôn ngữ và văn hóa” của người sáng tạo ra chúng.

Nước Nga không chỉ đơn thuần là định danh của một đất nước, là nơi họ sinh ra, trưởng thành và già đi; nước Nga còn là một miền ký ức văn hóa, một thực thể văn hóa có vị trí vô cùng to lớn”.

Cuối cùng, tham luận Nước Nga như một thực thể văn hóa trong sáng tác của các nhà văn Nga di cư của TS. Đỗ Thị Hường đã tái dựng khuôn mặt văn hóa phong phú, nhiều chiều kích phức tạp của nước Nga qua các sáng tác thơ của các nhà văn Nga di cư nổi tiếng như: Ivan Bunin, Marina Tsvetaeva, Valadimir Nabokov và Joseph Brodsky, từ đó, tác giả cho rằng: “nước Nga có một vị thế đặc biệt trong tâm thức của người Nga, đặc biệt là các nhà văn Nga di cư. Với họ, nước Nga không chỉ đơn thuần là định danh của một đất nước, là nơi họ sinh ra, trưởng thành và già đi; nước Nga còn là một miền ký ức văn hóa, một thực thể văn hóa có vị trí vô cùng to lớn”.

Tất cả các tham luận trình bày đều nhận được những tranh luận sôi nổi của các nhà nghiên cứu trong và ngoài viện. Nhận xét về Hội thảo, lãnh đạo Viện Văn học, TS. Nguyễn Huy Bỉnh và TS. Phạm Văn Ánh đều đánh giá cao các ý tưởng khoa học từ góc tiếp cận văn hóa cùng sự tham gia thảo luận tích cực của cử tọa. Sự kiện này một lần nữa cho thấy tiềm năng và các động hướng phát triển rất đa dạng của hướng nghiên cứu văn học từ các góc tiếp cận văn hóa, góp phần thúc đẩy những tìm tòi mới trong nghiên cứu văn học, để nghiên cứu văn học không còn đóng khung vào hệ hình cấu trúc nội tại của văn bản mà có thể cơi nới những tiềm năng tái tạo nghĩa mới của văn bản khi được trong sinh quyển văn hóa.

Hội thảo là sự tiếp nối thành quả của nhiều công trình theo hướng tiếp cận văn hóa của các nhà nghiên cứu trước đó tại Viện Văn học, chẳng hạn: bộ Thơ văn Lý – Trần do Ban Cổ - Cận – Dân thực hiện từ năm 1977, Sáng tạo trong tình thế chuyển đổi (2020) của TS. Đoàn Ánh Dương, Khai nguyên Rồng Tiên (2021) của TS. Nguyễn Mạnh Tiến, Tự chủ văn chương và sứ mệnh tự do (2023) của nhóm tác giả do PGS TS. Phùng Ngọc Kiên chủ biên…

Võng - Thơ Nguyễn Ngọc Phú

Võng - Thơ Nguyễn Ngọc Phú

Baovannghe.vn- Cầu vồng bắc võng/ Sau cơn mưa rào/ Con thuyền mắc võng/ Bồng bềnh sóng chao
Cô giáo vùng cao - Thơ Thu Sang

Cô giáo vùng cao - Thơ Thu Sang

Baovannghe.vn- Cô gùi chữ vùng cao/ Em vượt đèo tới lớp/ Con đường vui chân bước/ Suối rì rào hát ca.
Tổ chức Hội thảo khoa học cấp Quốc gia nhân Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô

Tổ chức Hội thảo khoa học cấp Quốc gia nhân Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô

Baovannghe.vn - Hội thảo tổ chức ngày 2/10/2024 với chủ đề: "Tầm nhìn mới, cơ hội mới xây dựng Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại, Thành phố kết nối toàn cầu""
Những bí mật của "Trăm năm cô đơn"

Những bí mật của "Trăm năm cô đơn"

Baovannghe.vn - Trong một ngôi nhà yên tĩnh tại Mexico City, nơi Gabriel tìm thấy nỗi cô đơn chưa từng cảm nhận và sẽ không bao giờ gặp lại một lần nữa, ông sáng tác tác phẩm kinh điển Trăm năm cô đơn.
Kí ức Ngoi. Truyện ngắn dự thi của Hà Phạm Phú

Kí ức Ngoi. Truyện ngắn dự thi của Hà Phạm Phú

Baovannghe.vn- Mùa đông năm ấy rất lạnh, sương muối trắng xoá, những vạt rau ăn đều chết rũ. Mẹ anh lên thăm, anh mượn hai chiếc ghế băng của cơ quan về kê nằm tạm.