Tính ra chỉ ngót nghét một tháng. Đặng Dung là một con phố kỳ lạ mang chút vẻ hẻo lánh thôn dã vì chẳng mấy khi thực sự đông đúc xe cộ. Tối đến bọn trẻ trong các ngõ có thể thoải mái chơi cầu lông giữa lòng đường. Về đêm thì vắng lặng, thâm u ma mị. Trước đây tôi chẳng mấy khi để tâm điều này bởi thường chỉ vội vã đạp xe đến con phố khi cần bán hoặc mua điện thoại cũ.
Ven phố lác đác vài quán cóc bán trà đá vỉa hè. Các quán cóc bán tối ngày. Bốn giờ sáng đã có bà lão ngấp nghé tuổi thất tuần ra. Bà nói có tuổi rồi, ngủ không được nữa, gần sáng xách ghế nhựa, phích nước, chục chiếc cốc, vài hộp kẹo lạc, dăm gói thuốc lá, thuốc lào ngồi bán, vậy là thành quán cóc. Sáng tỏ mặt người thì xuất hiện thêm một chị trung niên quê gốc tận Đà Nẵng xách theo phích nước, ghế bàn đến. Nghe bảo chị chuyên nghề bán trà đá ở phố Đặng Dung, Hà Nội này đã hơn hai mươi năm.
Mấy quán cóc nép mình dưới hàng sấu, xà cừ, lọt thỏm giữa những cửa hiệu điện thoại cũ mới, tiệm vàng, hiệu cầm đồ…. Hai món chính trà đá và trà nóng. Thêm kẹo lạc, thuốc lào, vài chai nước ngọt cho những ai thích thứ đính kèm. Chỉ thế thôi mà mấy cái quán cóc ở phố Đặng Dung chẳng bao giờ vắng khách. Người bán trẻ nhất cũng đã ngót năm mươi. Già thì có bà lão tuổi thất tuần nọ. Chẳng rõ thu nhập thế nào, nhưng nhìn những bà chủ quán cóc thật sự thảnh thơi giữa thành phố chật chội nhất và đông dân thứ nhì cả nước này.
Ngồi lê la các quán nước lại nhớ về ông anh họ ở chốn quê nhà, trong cái bản có những ngôi nhà sàn quen thuộc. Cũng như các bà trà đá vỉa hè phố Đặng Dung, anh họ thường thức dậy khá sớm, khoảng năm giờ sáng. Xong vệ sinh cá nhân anh cầm dao xuống cầu thang ra vườn chè ngay cạnh nhà cắt một nắm lớn đem về chuẩn bị đón hàng xóm đến uống nước vào buổi sáng. Uống miễn phí, chuyện trò xả láng. Những cành chè tươi còn đọng sương sớm đôi khi có lẫn vài chiếc hoa chiếc nụ. Chủ nhà rửa sạch vò kỹ và cho vào ấm siêu tốc đã hỏng sợi đốt. Không đun nước được nữa thì dùng làm ấm hãm chè. Anh tôi chế thêm cái nút bằng vải để bịt kín chỗ hở vốn là khe rót nước trên chiếc ấm. Anh đun nước trên chiếc ấm siêu tốc khác đổ vào chỗ chè tươi đã vò sẵn. Dăm phút sau là có nước chè tươi chờ khách.
Cách uống nước chè của người vùng cao có những sự gần gũi nhất định với các huyện trung du xứ Nghệ |
Hơn sáu giờ, cả nhà ăn sáng xong cũng là lúc khách uống chè đến. Khách là những người hàng xóm, gần chỉ cách nhau một khoảng vườn, xa thì chừng dăm bảy nhà tìm đến xơi nước, tán chuyện. Cả nhóm ngồi vòng tròn trên bộ ghế đá đặt dưới gầm nhà sàn nhâm nhi nước chè rót ra cốc thủy tinh, cốc nhựa còn bốc khói. Cả gian nhà thoang thoảng hương chè tươi.
Không chỉ anh họ tôi, nhiều người ở làng Hoa Tiến, xã Châu Tiến (Quỳ Châu – Nghệ An) trồng chè trong vườn nhà. Vườn chè nhà anh rộng chừng trăm mét vuông. Có người trồng vài ba hàng cạnh nhà, trồng dọc hàng rào. Những nhà có vườn chè thường nấu nước đãi hàng xóm mỗi sáng. Thói quen uống nước chè buổi sáng mai gắn liền với nếp sống thuần nông của ngôi làng Hoa Tiến. Bà con chủ yếu làm ruộng nước, chăn nuôi trâu bò, trồng dâu, rau màu trên bãi, đánh cá ngoài sông. Dân làng tranh thủ uống chè còn ra đồng làm lụng, chăn dắt gia súc, ra sông đánh cá. Cứ thế rồi thành thói quen. Sau bữa sáng phải có một vài cốc nước chè vào bụng mới đi làm.
Tôi ở làng Hoa Tiến suốt năm năm, đã quen với những buổi sáng ngồi bên ấm chè xanh của ông anh họ. Nó gợi nhớ về cuộc sống ở những làng quê miền trung du Nghệ An, các huyện Thanh Chương, Đô Lương tôi thấy nhiều nơi vẫn duy trì thòi quen uống trà mỗi sáng. Thói quen này cũng có trong các nhóm người miền xuôi lên miền núi lập làng ở huyện Con Cuông quê tôi. Con Cuông là nơi người Thái cư trú lâu đời, nhiều nhà cũng trồng chè cạnh nhà. Thói quen uống nước chè xanh vào sáng sớm hoặc vào buổi trưa cũng khá phổ biến.
Tôi có thể uống trà vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày mà không mất ngủ. Điều này có lẽ ảnh hưởng từ việc tập uống nước chè từ bé. Cuối những năm 1980 gia đình tôi sinh sống trong căn nhà lá trên một ngọn đồi cao. Từ đây nhìn được bao quát một vùng rộng lớn. Vào mỗi trưa, cha tôi nấu chè xanh trong chiếc ấm nhôm. Nhiệm vụ của tôi là đứng đầu nhà bắc loa tay gọi hàng xóm đến uống nước. Sáu, bảy tuổi tôi đã tập uống nước chè. Thói quen uống chè xanh, uống trà theo tôi từ thuở ấu thơ đến giờ.
Về sau tôi đến các làng bản của người Khơ Mú thấy bà con thường đặt những bát thức ăn lên bàn thờ và gọi tổ tiên về ăn trước mỗi bữa cơm. Thường là hai lần sáng và tối. Cha tôi thì mỗi lần nấu xong một ấm nước chè lại múc ra bát để lên bàn thờ gọi “đằm pang” là những người được thờ trong nhà cùng uống chè. Trong nhà thời ấy thờ cụ là ông thân sinh của ông nội tôi nên chỉ đặt một bát nước. Về sau ông bà nội tôi mất, cụ được tiễn về trời. Trong nhà lúc ấy thờ ông và bà nên bàn thờ đặt hai bát nước chè. Hầu hết các nhà trong bản đều mời tổ tiên uống nước chè nhưng không phải hàng ngày như người Khơ Mú mời cơm. Nấu chè thì mời, không nấu thì để hôm khác. Ơ bản Hoa Tiến không có thói quen mời tổ tiên uống nước chè. Thay vào đó người ta mời tổ tiên khi mở rượu cần, lúc mổ gà đãi khách.
Những đồi chè ở bản đang dần tạo nên một nét mới trên vùng rẻo cao Nghệ An – Ảnh Nguyễn Đạo |
Người Thái ở Con Cuông vẫn duy trì các nghi lễ tâm linh. Cúng gọi vía, cúng tổ tiên trong lễ cưới, mừng nhà mới, khi tết đến. Trong mâm cúng của người Thái ở bản tôi vẫn có 2 chén rượu, 2 chén nước chè. Vào dịp lễ, trong gian nhà sàn thoang thoảng hương nước chè, lời khấn gọi hồn, gọi vía ấm cúng và huyền bí. Bài cúng nhắc nhở linh hồn về ăn xôi, thịt, uống rượu, uống nước chè cho miệng thơm tho.
Từ những gì đã chứng kiến suốt nhiều năm qua tôi nhận thấy với người Thái ở Nghệ An, nước chè là thức uống quen thuộc. Đại đa số những người trưởng thành đều thích uống chè xanh. Ở một số nơi, nước chè đã xuất hiện trong một số nghi lễ tâm linh nhưng chưa thực sự phổ biến. Cách uống cũng khá đơn giả. Chè tươi đem rửa, vò nát, hãm với nước sôi nóng hoặc đem om như nhiều làng người Kinh ở các huyện trung du: Thanh Chương, Đô Lương, v.v… Người Thái cũng ít khi kết hợp thức uống chè xanh với lá hương nhu, gừng như ở Bắc Bộ.
Cách uống nước chè của người Thái ở huyện Quỳ Hợp có phần đáng chú ý. Ở vùng Thái Học xã Châu Thái có những đồi chè lá to, vị chát, khác biệt so với chè ở các tỉnh phía Bắc. Người Thái ở làng Thái Học và các vùng lân cận giã nát lá chè tươi trong cối gỗ rồi đổ vào cốc, lọ có màng lọc để tạo ra thứ nước lá chè màu xanh lục đặc trưng, uống lúc đói không gây xót ruột. Nhưng thứ đồ uống này thường nhanh chóng chuyển sang màu nâu. Muốn để xanh lâu phải bảo quản trong tủ lạnh.
Hiện tại tôi không tìm thấy tài liệu nào cho thấy người Thái bắt đầu uống trà từ bao giờ. Tư liệu và cả thực tiễn cho thấy việc chế biến chè, sao trà thì càng hiếm. Chỉ có một vài người đem phơi lá chè cho khô rồi hãm, om mỗi lần cần uống. Nước thường có màu nâu hoặc đỏ. Uống thơm mùi lá khô nhưng vị gắt. Chè phơi khôcất giữ được lâu. Nhưng đại bộ phận dân bản đều có vườn chè nên dùng tươi vẫn được ưa thích hơn cả.
Gần đây, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam ấn hành cuốn Văn mình trà Việt, công trình nghiên cứu dày hơn 800 trang in khổ lớn của tác giả Trịnh Quang Dũng có nhắc đến cách dùng trà cũng như chế biến trà của các dân tộc thiểu số như Mông, Sán Dìu và Thái. Theo sách Văn minh trà Việt thì người Thái ở huyện Mai Châu (Hòa Bình) thu hoạch trà vụ xuân vào tháng 3, 4 và vụ cuối vào tháng 9. Người Thái ở Mai Châu dùng dụng cụ đan bằng tre nứa hình vuông mỗi bề khoảng 1,5m, xung quanh đan vành cao chừng 30cm gọi là “xá chè”. Người ta cho lá trà vào xá chè và treo cao trên bếp, phía dưới đốt lửa vừa đung đưa xá chè như đưa nôi trẻ. Khi trà đã mềm thì dùng chân vò nát cho trà chảy nhựa. Sau đó bà con phơi trà thêm 2, 3 nắng nữa thì đem cất trong sọt dùng dần hoặc đem bán. Người ta đem lá chuối tươi hơ lửa gói thành những đòn trà hình trụ, bên trong chứa khoảng nửa cân trà khô đem ra chợ bán. Trà của người Thái ở Mai Châu có nước nâu sẫm. Vì được gói trong lá chuối tươi nên hương vị cũng khác lạ.
Sách của Trịnh Quang Dũng còn nhắc đến nỗi sợ con “càng cói” – một sinh vật huyền thoại trong rừng già. Khi đi rừng, người Thái ở Mai Châu cúng nước chè xin với thần linh xua đuổi càng cói không về gây hại cho người. Người Thái ở Nghệ An cũng có nỗi sợ càng cói. Khi nấu nước chè trong rừng, bà con chỉ gọi chủ đất, chủ cỏ (thần linh cai quản rừng núi) uống nước chè, ăn cơm và khấn các thần linh phù hộ cho người đi rừng trước ma quỷ thú dữ nói chung chứ không riêng gì con càng cói.
Người Thái ở Nghệ An rất ít khi tự chế biến trà, mặc dù nhiều người cũng có thói quen uống trà. Bà con chủ yếu mua trà khô, trà móc câu trên thị trường, đại đa số thích uống chè xanh. Không ít người chỉ xem trà là sự thay thế khi không có chè xanh. Có nơi người ta thường cho trà vào ấm lớn rồi đổ thật nhiều nước sôi vào như khi hãm chè và rót uống bằng cốc hoặc bát sứ.
Nhìn chung, trong đời sống của cộng đồng người Thái ở Nghệ An, việc phát triển đồ uống mang nét đặc trưng riêng của cộng đồng vẫn chưa đậm nét. Có lẽ vì thế mà việc thưởng thức trà như là một nghệ thuật chưa phổ biến. Rượu cần, đồ uống có cồn của người Thái cũng được chế biến khá giản đơn và màu sắc tâm linh được chú trọng hơn. Nhưng với những người ở xa đến mà nói, một không gian chè xanh dưới mái nhà sàn vào mỗi buổi sớm mai cũng là thứ có thể đáng để lưu tâm.
Trở lại với không gian các phố trà đá ở Hà Nội. Không chỉ phố Đặng Dung mà Quán Thánh, Cửa Bắc rồi ven hồ Trúc Bạch cũng đầy rẫy hàng trà đá vỉa hè. Nhanh, tiện và cũng rẻ. Ới một tiếng là cốc nước đã đặt trước mặt. Thêm thanh kẹo lạc nữa là có chút vị quê. Còn ở miền quê tôi, đôi khi trong vị nước chè còn có ít nhiều không khí cộng đồng và cả chút tâm linh huyền bí.
Tản mạn phở Hà Nội Tản mạn Tam Giang Tản mạn về hai chữ ĐỒNG TIỀN Tản mạn mùa lễ hội Tản mạn phong tục TẾT… |