Mỗi năm, khi tháng Tư trở lại, câu chuyện về ngày giải phóng miền Nam không chỉ được nhắc đến như một chiến thắng, mà còn giúp người trẻ thêm quý trọng hòa bình.
Hòa bình không chỉ là sự im tiếng của súng đạn, mà là một cuộc hành trình dài của hòa hợp và tái thiết. Những người lính trở về quê hương sau bao năm xa cách. Những người trẻ tuổi bắt đầu một giấc mơ mới về tương lai. Có những khó khăn, có những hoài nghi, nhưng cũng có những niềm tin vào ngày mai tốt đẹp hơn.
Nhà văn Trần Văn Tuấn - nguyên Chủ tịch Hội nhà văn TP.HCM, nguyên là chiến sĩ hậu cần trong chiến dịch mùa xuân 1975 - bồi hồi nhớ lại: “Đơn vị chúng tôi vừa thu mua xăng dầu, vải vóc, thuốc men, đạn dược... vừa là lực lượng chiến đấu, giữ dân, bám đất, đánh địch, chống càn… Và rồi lệnh tổng tiến công, chúng tôi biết đây là trận đánh cuối cùng. Sự chuẩn bị là cấp tốc, tất cả đều xác định: đây là nhiệm vụ giải phóng”.
![]() |
Hình ảnh trong một buổi hợp luyện chuẩn bị cho đại lễ. Ảnh Tạp chí Tri Thức |
Và khi được hỏi về cái nhìn sau 50 năm, ông cất tiếng: “Có chút duy tâm nên tôi nghĩ, dân tộc nào cũng có vận hội. Qua bao đau thương, đến một lúc vận hội được mở ra. Sức sống của người Việt thật mãnh liệt, vượt qua mọi khốn khó, và sự phát triển hôm nay là điều tất yếu. Nhìn lại lịch sử, ta cần thấy lịch sử là chuyện của hiện tại và tương lai, không chỉ là chuyện đã qua. Tôi mong người trẻ biết trân trọng thời bình, yêu thương chính mình và yêu thương người khác - bởi đó cũng là một cách gìn giữ ký ức, một cách sống có trách nhiệm”.
50 năm sau ngày 30/4/1975, Sài Gòn đã đổi thay quá nhiều. Thành phố nay mang diện mạo của một trung tâm kinh tế sôi động, với những tòa nhà chọc trời, những dòng xe tấp nập, những khu phố sáng đèn không ngủ. Nhưng nếu lắng lại giữa nhịp sống hối hả, vẫn có thể thấy những vết tích của quá khứ - những góc phố cũ, những con đường từng in dấu chân của người lính năm xưa, những bảo tàng, những ký ức còn vang vọng trong lời kể của những nhân chứng lịch sử.
Bà Nguyễn Thị Thu Lan, 72 tuổi, lặng lẽ ngồi dưới gốc me già ở Công viên Tao Đàn, nơi bà từng nghe bản tin đầu tiên về việc Dinh Độc Lập được tiếp quản: “Lúc đó tôi đang mang bầu đứa con đầu lòng. Nghe tin, tôi khóc - những giọt nước mắt của sự vui mừng. Không ai biết ngày mai sẽ ra sao. Nhưng lòng tôi tin, hòa bình là điều đáng đổi cả cuộc đời để có được”.
Ai ngang qua phố đi bộ Nguyễn Huệ sẽ thấy những tấm pano, ảnh triển lãm... gợi nhắc về một chặng đường gian khổ và kiêu hãnh. Sài Gòn vào những ngày cuối tháng Tư như khoác lên mình một tấm áo mới - rực rỡ cờ hoa, đâu đó rộn ràng tiếng loa phát thanh, và dường như thời gian chậm lại giữa dòng người ngược xuôi. Không khí chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước lan tỏa khắp nơi: những buổi diễn tập diễu binh diễn ra nghiêm túc, các lực lượng pháo binh tiến hành bắn thử đại bác tại công viên Bến Bạch Đằng - tất cả tạo nên bức tranh sôi động mà trang nghiêm, gợi nhắc đến thời khắc lịch sử thiêng liêng sắp được tái hiện.
Và thế hệ trẻ hôm nay - những người sinh ra trong thời bình - cũng đang tìm cách kết nối với lịch sử bằng chính tiếng nói của mình. Trần Quang Vinh, sinh viên Khoa Quan hệ công chúng - Truyền thông, Đại học Văn Lang, chia sẻ: “Tôi lớn lên trong hòa bình, không biết đến tiếng bom rơi, khói lửa chiến tranh - nhưng càng hiểu, tôi càng thấy biết ơn. Ngày 30/4 không chỉ là một dịp nghỉ lễ mà còn là cơ hội để hiểu vì sao đất nước vượt qua bao khó khăn để thống nhất, để thấy rõ hơn giá trị của độc lập, tự do. Tôi nghĩ rằng, trách nhiệm của người trẻ hôm nay là không được quên quá khứ, là phải hiểu được lịch sử, kể lại nó bằng cách của thế hệ mình - qua bài viết, video, câu chuyện… Lịch sử sống trong cách mà chúng tôi suy nghĩ, hành xử để xây dựng tương lai”.
Và như lời của người trẻ hôm nay, quá khứ sẽ không lùi xa nếu chúng ta còn giữ nó trong tim, như một phần máu thịt, như một động lực để sống tốt và sống trách nhiệm hơn mỗi ngày.