Tuy phim xem đã lâu, mà hình ảnh còn như lấp lánh, đọng lại bền chặt trong kí ức người xem về Sài Gòn nổi dậy, Sài Gòn quật khởi hàng bao năm để có một Sài Gòn giải phóng hôm nay, để có những lá cờ cách mạng tung bay trên khắp Nam Bắc, non sông gấm vóc một dải.
Để có được những thước phim lịch sử như vậy, phải nói từng hình ảnh phim đã phải trả bằng máu và mồ hôi. Ống kính máy quay của các anh điện ảnh giải phóng thực sự đã trở thành nòng súng, luôn theo các mũi tiến công, lao vào sào huyệt quân thù.
ĐIều mong mỏi của chúng ta, khi xem phim của điện ảnh giải phóng là gì? Là được thấy tận mắt hình ảnh của các anh giải phóng, của những bà con trong đó đã sống và chiến đấu ra sao? Thật sảng khoái, khi trong phim này đã đáp trúng nỗi mong mỏi đó, đã thấy các anh tiến thẳng vào Sài Gòn, đánh chiếm từng ngôi nhà, hạ cờ Mỹ, ngụy, phất cao lá cờ cách mạng.
Ngực tôi mở toang, nghẹn ngào tiếng nói
Xin chào em, chào các đồng chí anh hùng
Chào những người toàn vẹn hiếu trung
Đã góp sức cho Sài Gòn giải phóng.
![]() |
Hình ảnh minh họa. Nguồn pinterest |
Những câu thơ đầy hào khí của Lê Anh Xuân, làm nền cho những hình ảnh phim, gây cho người xem xúc động tự hào. Người xem không thể quên đi một hình nào, dù chỉ là hình ảnh một góc phố nọ có tấm biển quảng cáo Cocacola, một thứ nước ngọt tràn ngập thị trường tư bản. Vì lẽ ở dưới tấm biển đó là một góc phố, là một mảnh đất của Sài Gòn, có một cô tự vệ cầm súng đứng gác. Người con gái mảnh dẻ đó góp phần cho Sài Gòn giải phóng ngày nay.
Mũ tai bèo là đẹp, nó tượng trưng cho người chiến sĩ giải phóng. Ở trong phim này, trong chiến trận tiến về Sài Gòn, cái mũ đó càng trở nên đẹp lạ lùng. Cái mũ tai bèo đi giữa khói súng, khi ẩn khi hiện, cái mũ tai bèo lao qua những quầng lửa, bay cả lên các mái nhà, khi trên đó các chiến sĩ ta phục kích chêng vênh, nổ từng tràng súng dài kiêu hãnh.
Và lại nữa, lá cờ giải phóng trong phim cũng thật đẹp lạ lùng, khi lá cờ đỏ tung bay giữa phố phường Sài Gòn, lao mãi, lao mãi lên theo chiếc cầu thang xoáy ốc của một thác nước. Hình ảnh hun hút theo chân các anh bay lên cho tới khi lá cờ giải phóng xòa rộng, trên đỉnh tháp, chiếm ngự giữa một bầu trời lồng lộng của Sài Gòn, đầy nắng. Còn biết bao hình ảnh xúc động mà phim đã ghi lại được rất chân thực: bà con ào ra đường, ôm lấy anh chiến sĩ giải phóng, đưa nước cho các anh uống, và cả các chị tóc cắt ngắn, tiểu liên cầm tay, các chị cũng không thua các anh lấy một bước chân. Giữa một trận đánh trên hình phim, tôi như thấy một chị tự vệ nọ, đứng trên đà cao, súng cầm tay giữa một trận đánh, miệng chị như hé một nụ cười trong sáng, khi chị thấy Sài Gòn trải rộng trước mắt, phấp phới ảnh cờ sao.
Có hình ảnh này rất là quý. Xen vào bước chân anh giải phóng trên đường phố Sài Gòn, có một đôi chân nhỏ của một chú bé chừng lên sáu tuổi, người hàng phố, náo nức đi theo.Mắt nhìn thẳng, chú đi rất hiên ngang trong đoàn quân, miệng tủm tỉm cười giữa bà con cô bác vây quanh, miệng tủm tỉm cười giữa các bà các chị tự vệ đều xuống đường, cùng với anh chiến sĩ tiến lên giải phóng quê hương. Hình ảnh trên vừa thật ấm áp, vừa tạo thành một sức mạnh lạ thường khiến cho Mỹ, ngụy khiếp sợ. Từ một em nhỏ lên sáu cũng trở thành một đối thủ của Mỹ vậy.
Súng đã nổ rồi Sài Gòn ơi
Chân bước theo triệu người đang bước.
Đúng như lời thơ bốc lên từ trong phim, chân bước đi của một đơn vị võ trang nhân dân đó, cùng với bước chân nhỏ của em bé nọ trong hình ảnh phim, tất cả đang bước theo hàng triệu triệu bước chân khác, trong hàng bao nhiêu năm nay, không phải chỉ là ở Sài Gòn mà cả ở miền Nam ta đó, rầm rập tiến lên để có ngày nay giải phóng Miền Nam thân yêu, tiến tới thống nhất đất nước, non sông liền một dải.