Sáng tác

Đau đáu quê hương từ hương vị hoa quả thiếu thời

Diệp Hải Âu
Văn học nước ngoài
08:00 | 11/08/2024
Baovannghe.vn- Marie - France Colonna sinh năm 1965 ở Sài Gòn. Cha là người Pháp, mẹ người Việt. Bốn năm sau, cha đưa cả gia đình về quê cha, một làng nhỏ ở đảo Corse.
aa
Đau đáu quê hương từ hương vị hoa quả thiếu thời

Marie - France Colonna, nữ tác giả chùm thơ. Ảnh: Internet

Marie - France lớn lên ở làng này.

Năm 20 tuổi, cô theo học Đại học văn khoa. Ra trường, cô làm giáo viên trung học ở Nice. Liên tục sống ở đó cho tới nay. Cha, sinh năm 1910, làm công chức ở Việt Nam, rồi về Pháp năm 1969. Suốt từ đấy, kinh doanh thành công ở quê nhà. Ông đã qua đời năm 1991. Mẹ, sinh năm 1929, sống suốt ở quê cha từ 1969 cho tới tận giờ.

Nỗi niềm của mẹ là nỗi thương nhớ quê cha đất tổ. Tuổi càng cao, nỗi nhớ càng lớn và càng khó nguôi khuây. Từ lúc Marie - France lớn lên, mẹ cho cô được khám phá tủ quần áo riêng của mẹ. Những bộ đồ Á Đông điệu nghệ, những khăn quàng độc đáo,… khiến cô gái lai vừa sững sờ vừa tò mò. Mẹ bảo cô thích cái nào thì cứ lấy diện. Tiếc là không cái nào cô mặc vừa, vì khổ người cô gần như quá cỡ. Giày dép của mẹ cũng vậy. Tủ đồ riêng của mẹ cũng được mẹ mở. Đồ trang sức đủ loại, xinh xắn tinh xảo,… mang hương sắc quê nhà, trở thành báu vật của con cháu mẹ.

Báu vật quan trọng nhất là những câu chuyện mẹ thường kể, chủ yếu trong những buổi dạo chơi trên bãi biển. Chuyện quê nhà thời mẹ còn bé và thành thiếu nữ. Ấn tượng hơn cả là hương vị xa vời nhưng gần gũi lạ kỳ của hoa quả Đất Mẹ. Quả mít, quả lựu, quả khế, quả na, quả chôm chôm, quả nhãn, quả thanh long…, trẻ thơ Việt Nam, đứa nào chẳng ăn biết bao lần,… mỗi loại một vẻ đẹp nao lòng, một kỷ niệm bất hủ. Những hượng vị đặc trưng ấy, chính Marie - France cũng từng trải nghiệm. Ám ảnh cô nhiều, bên cạnh những câu chuyện đó, là giọng khàn khàn của mẹ, giọng người già nghe nhói lòng. Và nước mắt mẹ trào ra ngay, khi ai đó thốt lên hai tiếng Sài Gòn hoặc Việt Nam…

Tình yêu nơi chôn nhau cắt rốn cứ thế từ mẹ chuyển sang con và không ngừng phát triển. Thương và cảm phục mẹ, cô quyết dành thời gian biểu hiện tình cảm sâu nặng ấy thành những vần thơ xúc động. Thơ cho mình, đã đành, nhưng chính yếu là cho mẹ. Thơ không cố ý “thơ đây” nên chân thật và không hiếm những mới mẻ về câu chữ và chiêm nghiệm. Mới mẻ hơn cả hẳn là “Kỷ niệm tuổi thơ qua hương sắc hoa quả”.

Đây là những sắc màu thơ đích thực vẫn tồn tại trong hiện thực muôn đời thân quen và lạ lẫm. Tuổi thơ một đi không trở lại được nhìn nhận nhiều hơn cả qua hương vị hoa quả riêng biệt của xứ nhiệt đới thân yêu mà mẹ xiết bao nặng lòng…

Nhìn ấu thơ, tuổi kỳ ảo nhất đời người qua cái cuốn hút của hoa quả quê hương có lẽ là một “phát minh văn chương” chưa từng có. Trong chùm thơ của Marie – France Colonna, mỗi loại hoa hoặc quả được gắn kết với một kỷ niệm của tác giả, - nói cho đúng, của thân mẫu tác giả. Kỷ niệm về chiến tranh tàn khốc, nhưng nỗi niềm đọng lại là cái nhìn hiện tại và tương lai tích cực, không chỉ cho Quê Mẹ.

Bài Quả Mít, sau việc lên án đói nghèo phi lý và chiến tranh phi nghĩa, là một ngợi ca đắc địa người nông dân chân lấm tay bùn. Bài Quả lựu tựa hai áng thơ đan xen vào nhau một cách nhuần nhị đáng khâm phục. Những nét hấp dẫn của quả lựu được kể ra song song với những tàn khốc của chiến tranh xâm lược, khơi dậy liên tục những cảm xúc và suy nghĩ đa chiều. Cái kết là một reo vui ác thua thiện: lòng nhân chiến thắng bạo tàn, nhân dân bao giờ cũng vượt qua những thủ đoạn lợi dụng họ.

Bài Diogene gây bất ngờ hơn cả. Cả bài tường thuật tình thân hạnh phúc của tác giả với một con mèo, mà bà không biết là đực hay cái. Con vật nuôi là bạn tri kỷ bất khả ly thân. Nó là một phần tất yếu của đời bà. Khác gì Vịnh Hạ Long, khác gì Quê Mẹ… Quê Mẹ là máu thịt của bà, của Mẹ, những người con xa xứ!... Kết luận này như chợt đến, tự nhiên và mỹ lệ !...

Không phải nhà thơ chuyên nghiệp, Marie – France Colonna vẫn đạt tới tầm vóc đáng nể của những sáng tạo đích thực, những sáng tạo chừng như xuất thần. Ấy là bởi sáng tạo đó bật lên từ suy tư xứng tầm cao cả và xúc cảm xứng tầm nhân bản…

1. Quả mít

Anh quả lực lưỡng nhất đời

Cha mẹ đặt tên là Mít

Áo chật ngực căng tưởng nứt

Tim anh giàu quá anh ơi

Chuyên đời anh sống làng quê

Nhân từ như người miền núi

Tim anh – kho vàng chói lọi

Gần xa an thuận đề huề

Khốn khổ thân anh Mít hề

Chết đói nếu anh ở quê

Ra trận chết vì bom đạn

Đói nghèo chiến tranh - ác ghê!

2. Quả lựu

Lính ơi, con những người mẹ đau đời

Xối quanh các anh hàng ngàn bom rơi

Mồ hôi túa ra khắp chân tay đầy mặt

Các anh bị tống vào tang thương oan nghiệt

Lựu tôi – Những hạt hạnh phúc xiết đỗi ngọt ngào!

Bao lính xưa bị thương trong các chiến hào

Giờ được thưởng ban vô vàn danh hiệu

Nhưng đời còn đâu, các anh chừng lạc điệu

Giữa xóm làng tựa ung nhọt tấy đau

Lựu đáng yêu sao, bao bí mật ẩn sâu!

Những người lính tử thương, bóng hình ẩn hiện

Khắp nơi nơi phố quê sông bãi núi rừng

Bạn bè người thân vẫn thổn thức rưng rưng

Nhấc chân bước qua thân các anh rớm máu

Lựu nhôn nhốt chua, xiết bao yêu dấu!

Những cô gái mất người yêu mất chồng

Phát điên phát điên ở xóm quê ngõ phố

Rú lên nỗi bất công đất trời khó tỏ

Nhựa xuân tràn trề, giờ tuổi trẻ rỗng không

Lựu lựu - lựu đạn hóa thạch - ngàn vạn năm!

Hỡi ôi chiến tranh

Tột cùng tàn độc!

3. Quả khế

Khế ơi, này tao chán lắm

Tao tìm nàng xinh đom đóm

Soi sáng đêm tao tối mò

Tao chưa đến cái thời âu lo

Đời bao la, ở nhà cha mẹ

Mười tám tuổi, làm gì yêu vội

Mẹ cha già đi, ngày càng tội tội

Tao muốn đỡ đần, cho cha mẹ vui

Mày xao lãng tao

Tao bị bắt cóc rồi

Họ giam tao sau rào song sắt

Bức bối đớn đau tao đà kiệt sức

Tới cứu tao mau, cứu tao mau!

Mày ơi, sao hy vọng của tao,

Chỉ lối ngay cho chàng hoàng tử

Giải cứu tao khỏi hầm chết dở

Tao chàng sẽ kết thành đôi

Hạnh phúc như mơ trọn đời

Của mày, của tao, Khế nhỉ…

4. Diogene*

Thân mượt óng, lượn êm như sóng

Miu lướt nhanh vào vòng tay ta

Cả hai luôn luôn quấn quýt vậy mà

Đực hay cái, Cưng khiến ta khoái mãi

Phòng ta - Khách sạn sang của Miu

Miu thoải mái đi đi lại lại

Rồi ngự lên dép mềm, hay thân yêu giấy loại

Đực hay cái, Cưng khiến ta khoái mãi

Cứ tầm ấy sáng sớm nào cũng vậy

Đôi mắt Miu biếc xanh lại nhìn ta chăm chăm

Thân Miu làm điệu ảo diệu trên nệm ta ấm nồng

Đực hay cái, Cưng khiến ta khoái mãi

Cùng ta trên giường, đôi mắt yêu của Miu

sáng bừng

Theo những vuốt ve của ta trên bộ lông xám

Ôi những phút giây lâng lâng lãng mạn

Đực hay cái, Cưng khiến ta khoái mãi

Đôi khi mặt Miu như mặt trẻ thơ

Cọ nhẹ vào mặt ta khiến ta đê mê

Miu là muôn vàn niềm vui của ta Miu hỡi

Đực hay cái, Cưng khiến ta khoái mãi

Tới giờ ăn Miu thung thăng chẳng vội

Cứ nhẩn nha hưởng hết phần mình

Mặt thỏa thuê trông thật là xinh

Đực hay cái, Cưng khiến ta khoái mãi

Thân cuộn tròn miệng gừ gừ Miu ngủ

Gừ thân thương ru ta quyến rũ

Nào khác chi tia nắng lắm màu thêu

Đực hay cái, Cưng khiến ta khoái mãi

Miu nằm dài ung dung sưởi nắng

Vẻ đẹp an nhiên, ý tứ thâm trầm

Kỳ quan ngàn đời, kỳ tích muôn năm

Đực hay cái, Cưng khiến ta khoái mãi

Miu thanh thản, ôi Công nương Hoàng hậu

Chim thần của ta, trái ước của ta

Tình ta yêu Miu mãi mãi mặn mà

Đực hay cái, Cưng khiến ta khoái mãi

Ôi Hạ Long - của lòng ta Vịnh quê xa vạn đại…

* Tên con mèo cưng của tác giả. Hẳn bà ám chỉ Diogene, nhà văn Hy Lạp cổ, lưu cho hậu thế nhiều giai thoại tuyệt vời (Chú thích của người dịch)

5. Sài Gòn

Sài Gòn - Nơi tôi sinh ra

Ru tuổi thơ tôi tột cùng thiết tha

Với nón trắng bập bềnh khắp nơi như bướm lượn

Với kênh rạch ghe tàu ngược xuôi như

chim trời lên xuống

Chở hoa trái tươi thơm cùng yêu thương

Tứ Xứ đổ về

Sài Gòn - trọn đời si mê

Xe kéo tay băng băng dọc ngang khắp ngả

Thoang thoảng mùi phở mùi thức ăn tới

tận cùng ngõ nhỏ

Tiếng mõ chùa lách cách như nhắc như khuyên

Như trẻ chơi chắt chuyền

Khói hương chùa vấn vương thân thương

hơn cõi thần tiên

Sài Gòn - Hòn ngọc Viễn Đông

Linh hồn tổ tông, xưởng vẽ của ông

Cháu bâng khuâng không cùng từ những gì ông vẽ

Thư pháp, tre, bon sai, Việt Nam trăm hình ngàn vẻ

Sài Gòn - Việt Nam - Đáng yêu nhất trên đời!

Sài Gòn ơi - Rường cột của hồn tôi

Xin bỏ qua cho tôi những nghi ngờ,

hoang mang, giận dỗi

Thiếu Sài Gòn, tôi làm sao sống nổi

Tôi vĩnh viễn là tôi, ấy chính bởi Sài Gòn…

Diệp Hải Âu (Giới thiệu và dịch) | Báo Văn nghệ

-----------

Bài viết cùng chuyên mục:

Konstantin Simonov - Hai diện mạo trong một cuộc đời Doanh thu ngành công nghiệp K-pop ở nước ngoài lần đầu vượt mốc 1.000 tỷ won Củ cải trên ngọn cây - Truyện ngắn của nhà văn Mark Twain Số hên* - Tác phẩm của nhà văn Mỹ Mark Twain Đọc truyện: Lửa trạng nguyên. Truyện ngắn dự thi của Tống Ngọc Hân
Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Baovannghe.vn - Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc ngày 22/11 với phiên thảo luận tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Baovannghe.vn - Mây đen tan. Nắng nhẹ. Hương sen còn sót hòa cùng hương bùn đánh dạt mùi khói xe, đưa nụ cười của hai người đàn ông lấp đầy mi mắt đang nhìn về phía mặt trời.
Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Baovannghe.vn - Bài thơ Thề non nước không chỉ là lời tự tình đằm thắm của một tâm hồn thủy chung, tin cậy mà còn cất giấu trong mình một bức tranh thiên nhiên tráng lệ và quyến rũ mê hồn vì một vẻ đẹp như sinh ra bởi con người và cũng chỉ dành để cho con người.
Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Baovannghe.vn - Nhà văn Nguyễn Chí Trung trưởng thành từ thiếu sinh quân. Đi lính từ bé và làm cán bộ đại đội từ trẻ - ngày nền nông nghiệp của ta xứng danh với cái tên “nghèo nàn và lạc hậu” thì ông hòa nhập vào lớp thanh niên “vượt lên hàng đầu, vượt là vượt như tên bay”...
Đại biểu Quốc hội: Làm rõ "Tiêu chuẩn Việt Nam" trong áp thuế tiêu thụ đặc biệt

Đại biểu Quốc hội: Làm rõ "Tiêu chuẩn Việt Nam" trong áp thuế tiêu thụ đặc biệt

Baovannghe.vn - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tám, sáng nay, 22.11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).