Sáng tác

Lối về. Truyện ngắn của Trần Quỳnh Nga

Trần Quỳnh Nga
Truyện 09:00 | 23/04/2025
Baovannghe.vn- Dưới sức ép của cha, tôi dẹp bỏ ước mơ ra thủ đô nhập học. Ở lại tỉnh, cha nói, thể nào tôi cũng có được một vị trí xứng đáng. Chỉ cần bằng cấp của tôi cộng với mối quan hệ thân tình của cha với ông chủ tịch tỉnh là đủ. Ông ấy là người được cha tôi lấy lưng đỡ đạn hồi ở chiến trường.
aa

Năm 18 tuổi, tôi đậu 3 trường đại học. Cả làng Phù rộn lên như ngày được mùa. Tôi gánh phân đi giữa hai vồng lạc. Lòng mơ về những chuyến đi xa.

Tối đó, trong bữa ăn, cha tôi đặt chén cơm xuống cái mâm sơ sài có đĩa bắp cải luộc chấm nước mắm dầm trứng vịt, nói: Thôi! Mày được thế là cha cũng mở mặt rồi. Không chọn trường xa. Chọn trường tỉnh mà học. Gần nhà, đỡ tốn kém”.

Lối về. Truyện ngắn của Trần Quỳnh Nga
Minh họa. Nguồn: Internet

*

Dưới sức ép của cha, tôi dẹp bỏ ước mơ ra thủ đô nhập học. Ở lại tỉnh, cha nói, thể nào tôi cũng có được một vị trí xứng đáng. Chỉ cần bằng cấp của tôi cộng với mối quan hệ thân tình của cha với ông chủ tịch tỉnh là đủ. Ông ấy là người được cha tôi lấy lưng đỡ đạn hồi ở chiến trường. Người đã từng rưng rưng nắm lấy tay cha tôi trên truyền hình và dõng dạc nói ông được như ngày hôm nay chính là nhờ cha tôi dành lại cho ông sự sống. Vết sẹo trổ một đường dài dọc sống lưng sâu hoắm hành hạ cha tôi mỗi khi trái gió.

*

Tôi lặng lẽ rời làng lên tỉnh nhập học. Trên chiếc xe đạp cà tàng đèo thêm vài yến gạo và đủ thứ lỉnh kỉnh nhảy lóc xóc giữa con đường đầy ổ gà, khi mặt trời chưa lên.

Năm 22 tuổi, tôi trở về làng với tấm bằng đỏ. Cả làng Phù lại rộn lên như ngày được mùa. Tôi phơi phới chuẩn bị hồ sơ xin việc. Thầm mong mọi sự như mơ.

Nhưng vỡ vụn. Không một ai, không một cơ quan nào trả lời. Cha tôi hết chạy từ tỉnh, đến huyện, rồi về xã. Cán bộ xã cầm hồ sơ mà bảo: làm nhân viên ở xã thì không cần phải học cao đến thế, nó phí đi. Thôi, anh cố gắng chạy cho cháu lên tuyến trên. Làng này có mỗi nó học hành giỏi giang, lên tuyến trên biết đâu làng xã được nhờ!

Mấy tuần long xòng xọc lo việc cho con, cha gầy đi trông thấy. Tôi lặng lẽ ngồi xuống bên bục cửa chêm lại cái cuốc cho thằng Tũn, cạp lại cái rổ sứt cho con Cải. Tội, bọn nhóc đang tuổi ăn tuổi chơi nhưng đã biết có trách nhiệm việc nhà giúp cha mẹ, tối đến lại cặm cụi đèn sách mong sao cho được giỏi giang và đỗ đạt như anh chúng làm tôi thoáng thẹn thùng. Chúng đâu biết rằng rồi cũng như anh chúng thôi, cứ gieo mãi cái ước mơ được bay ra khỏi cánh đồng làng mà đâu biết được rằng nếu không có tiền bạc, không có chạy chọt thì mãi mãi đời chúng cũng sẽ không ra nổi vuông sân chật hẹp nhà mình.

*

Làng tôi xưa nghèo lắm. Nghèo đến mức sạch sẽ vì đến cả lá khô cũng được hốt về đun bếp. Mỗi chiều nghỉ học, bọn trẻ con trong làng rủ nhau lên đồi kiếm củi, hốt lá thông. Đói thì đi bẻ ngô, mót khoai và bắt châu chấu voi to bằng ngón tay cái để nướng. Nhựa thông cháy, ngô cháy, khoai cháy, châu chấu cháy thơm lừng cả một góc đồi...

Chúng tôi ăn ở đồi, ngủ ở đồi, uống nước khe mà lớn.

Ấy vậy mà thay đổi cả. Bắt đầu từ khi làng tôi có dịch châu chấu hoành hành. Cả cánh đồng hoa màu tươi tốt sau một đêm đã dày đặc châu chấu. Chúng đậu khắp nơi, trong sân nhà, dưới mặt đất, bờ cây còn trơ cành, chúng lẫn trong cả đám lá rụng, trên bờ khe và cả trên giường ngủ. Cha tôi sau buổi đi họp liên xã về không nói không rằng, cùng những người đàn ông trong làng xách xe đạp lên phố chở về những thùng thuốc bảo vệ thực vật. Đó là những thùng thuốc đầu tiên đánh dấu sự có mặt của thuốc trừ sâu bệnh trong làng tôi.

Sau những cơn mưa tầm tã của thuốc trừ sâu bọ, châu chấu chết trắng đồng. Làng tôi vùi xác chúng bằng những đường cày bắt đầu vụ mới. Năm đó làng được mùa to. Từ đó trở đi, người ta quen dần với việc dùng hóa chất. Ban đầu chỉ có đôi nhà ngần ngại rỉ tai nhau nhưng sau thấy lợi nhuận nhiều, họ mặc nhiên ào ạt phun thuốc. Đủ loại thuốc đã có mặt ở làng tôi như vậy. Gieo mầm có thuốc kích mầm, phát triển có thuốc kích thích sinh trưởng, ủ chín có thuốc kích chín, bảo quản có thuốc bảo quản.... Nghĩa là so với vụ mùa ngày trước, làng tôi bây giờ hoa màu trồng được quanh năm. Chỉ trong vòng một năm làng tôi được thương lái biết đến thu mua các loại nông sản rất sôi động. Từng đoàn xe tải chở hàng nối đuôi nhau dài dằng dặc, giữa con đường mù mịt bụi, mùi thuốc, và cả mùi thối rữa của rau củ, quả, bốc hơi được chất đống bên đường.

Ban đầu cha tôi cũng dè chừng trong việc dùng thuốc kích thích, thuốc trừ sâu. Ông nhìn sang hàng xóm, thấy nhà người ta xây lại cái hàng rào, đổ thêm cái mái bằng là lòng thấp thỏm không yên. Rồi ông cũng hăng hái với việc dùng những thứ hóa chất ấy cho cây trồng.

Ban đầu, cha còn dè dặt thu hoạch hoa màu về đem để vào kho phía sau hồi nhà rồi một mình dấm thuốc kích thích. Có đôi lần tôi nhìn qua khe cửa hở, chỉ thấy cha đang ngồi giữa đống đu đủ vừa mới cắt, quay lưng lại với tôi. Rất đơn giản, cha lấy con dao nhỏ nhanh chóng cầm quả đu đủ phía góc trái, cắt một ít cuống rồi chấm nó vào bát nước màu nâu bên cạnh, khi đống đu đủ bên trái vừa hết thì cũng là lúc đống đu đu phía bên phải đang dần được chuyển vàng. Y như một phép màu vậy. Từ những quả đu đủ còn xanh non ấy, chỉ trong vòng vài chục phút thôi đã có một sự khác biệt mà mắt thường có thể nhìn thấy được với lớp vỏ óng mượt, vàng ươm, ngon mắt.

Sau này, trừ tôi đi học xa nhà, cha mẹ suốt ngày ở ngoài đồng làm không kịp việc, đến lượt thằng Tũn, con Cải sau mỗi buổi học, thay cha ngồi vào cái chỗ trống trong phía nhà kho đó, dấm thuốc cho từng loại quả. Cha tôi hăng say với bình bơm thuốc trên lưng ngoài ruộng và chỉ về nhà mỗi khi làm giá với thương lái thu mua. Lúc đầu ông còn tự bảo hộ mình bằng cách mặc áo mưa, đeo khẩu trang, sau thì kệ. Có nhắc, ông cũng gạt ngang mà rằng: “Ôi dào! Bom rơi đạn lạc mà tao còn trở về, thấm tháp gì mấy loại thuốc kích cây này mà bảo với chả hiểm”.

Cha đã cho tôi những năm tháng đủ đầy khi đỗ đại học. Đó là phần thưởng ngoài mong đợi của những đứa trẻ trong làng tôi. Cha nói, tôi chính là người mở đầu cho dòng họ muôn đời là nông dân, được đậu đạt khoa cử, được ngửa mặt đi ra khỏi cổng làng với những lời trầm trồ không dứt.

*

Thường thì cha tôi ít có thời gian để ngồi nói chuyện nhiều với tôi. Giữa tôi và ông luôn có một khoảng cách. Cha cũng cấm mẹ tôi tỏ ra quan tâm mỗi khi tôi về nhà. Với ông, những thứ ủy mị chỉ làm thằng đàn ông thêm đớn hèn hơn thôi.

Đêm đó, cha tôi uống say. Ông bóp chặt cái chén trong tay, nói một cách hồ hởi động viên nhưng vừa mới nghe thôi, tôi đã thấy đầy vẻ bất lực:

- Hây dà! chỉ có người mới phụ người thôi. Cha cũng đã vì mày mà chạy đôn chạy đáo rồi, nhưng lẽ đời nó thế. Lương tâm không bằng lương tiền. Thôi thì nam nhi đại trượng phu, mày cứ đi nơi đâu mày thích. Hay mày vào Nam liên hệ xem, trong đó nghe đâu dễ hơn và không ăn tiền như ngoài này.

- Cha nói đã dễ, xin ở địa phương còn không xong nói gì ở những thành phố lớn. Cha tôi bị bất ngờ trước câu đáp trả có phần gay gắt của tôi. Từ xưa, trong nhà này, mỗi lời ông nói giống như mệnh lệnh, chẳng ai dám cãi. Ông như sôi lên, giằn mạnh chén rượu xuống bàn. Rượu tung tóe đổ. Ông hét lên:

- Thế mày muốn gì?

Tôi không trả lời, đứng dậy bỏ đi. Thật ra, lúc đó tôi chẳng biết mình muốn gì nữa, khi mọi hi vọng và ước mơ đã hoàn toàn sụp đổ. Tất cả là tại cha tôi. Ông cứ nghĩ với năng lực của con trai mình, cộng thêm việc quen biết với ông quan to thì xin việc đâu khó khăn gì. Đấy! Giờ thì rõ! Niềm tin của cha đã khiến tôi đi sai đường và khiến giữa tôi và cha càng thêm khoảng cách.

Vỡ mộng. Tôi muốn biến khỏi làng quê. Ngôi nhà là nơi tôi muốn về giờ trở nên trổng troảng. Không hiểu sao tôi lại cứ thấy nó ngày một xa lạ. Ngôi nhà này nơi tôi đã sinh ra. Bậc thềm này nơi tôi đã ngã chúi khi bước những bước đầu tiên trong đời và cả cái làng này đã bao bọc tuổi thơ tôi, hình thành nên tính cách của tôi, đã đem đến cho tôi một tình yêu đầu đời với Thắm. Sự vỡ mộng khiến tôi cảm thấy xấu hổ cả với Thắm, tôi tránh gặp em mà trong lòng giằng xé. Giờ đây tôi chỉ muốn trốn chạy, muốn rời xa tất cả. Giống như một con thú bị mắc bẫy nằm lịm dần với vết thương lênh láng máu, tôi nằm im trong đống lá khô mong chờ người thợ săn sẽ đến. Hắn sẽ rút bên sườn ra cái dao găm sắc nhọn và nhanh chóng xẻo ngay vào cái chân bị gãy. Lúc đó, con thú sẽ chết ngất, sẽ lịm vào giấc ngủ, sẽ quên đi rằng gã thợ săn kia chính là kẻ thù.

*

Trời chiều chập choạng. Tôi trở về. Nhà vắng hoe. Mẹ mừng quýnh, vội vã nắm tay tôi chỉ vào ruộng đậu trước nhà: “Mày giúp mẹ hái đậu ở luống này, luống này thôi con nhé. Những luống kia cha mới phun thuốc để mai lái họ lấy. Mẹ phải đưa thuốc ra đồng cho cha mày phun cho kịp kẻo ngày kia trời báo mưa lại khổ”. Nói rồi mẹ quay quả đi.

Tự nhiên, tôi không dám vào nhà, ngần ngại đứng giữa hai hàng đậu. Mẹ nói dãy này mẹ trồng để nhà ăn nên không phun. Tôi nhìn những quả đậu nõn nà lắc đầu, biết rằng có nói bao nhiêu lần nữa thì mẹ cũng không hiểu rằng mỗi lần phun thuốc, nó sẽ phát tán trong không khí, sẽ theo mưa ngấm xuống đất và rồi dãy không phun cũng chẳng khác gì dãy đã phun thuốc. Cả cái làng này đang sống trong bầu không khí đậm đặc mùi thuốc kích thích từ trong vườn, ngoài ruộng lan tỏa.

Trong bữa ăn, tôi nói với cha tôi về chuyện mà tôi trăn trở. Cha tôi im lặng nghe, đoạn ông đặt bát xuống. Ánh mắt ông nhìn thẳng khiến tôi cúi sầm mặt:

- Thế mày nghĩ trong làng chỉ đứa có học như mày mới thấy hết được tác hại của thuốc kích thích à?

- Cha biết sao vẫn làm?

- Chết đói hay chết bệnh mày chọn cái nào?

Câu hỏi của cha làm tôi chới với. Tôi đã không lường trước được câu hỏi này nên im lặng thở dài. Còn cha tôi, dường như những lời của tôi giống giọt nước tràn li, ông nói như không kịp thở nữa:

- Mày không chọn được đúng không? Nhưng tao chọn được. Mày biết tao chọn gì không? Tao chọn mày. Tao chọn cách này để nuôi mày với những ước mơ hoài bão của một người cha không bao giờ muốn con mình thua thiệt. Giá như có thể làm điều này sớm hơn để có nhiều tiền cho mày chạy việc, tao đã làm từ lâu rồi. Thế nên mày không làm thì im lặng đi, đừng ngồi không lải nhải như một thằng hèn.

Tôi nãy giờ ngồi im ấm ức mà nghẹn cứng cả cổ. Bao giờ cũng thế, trước uy lực của cha, tôi trở thành kẻ yếu thế. Tôi gào lên.

Tôi không phải thằng hèn, càng không bao giờ muốn mình là kẻ ngồi không ăn bám vào những người hằng ngày đối mặt với tử thần như cha mẹ tôi. Tôi không muốn đôi co với cha tôi, nhưng không hiểu sao lúc đấy, máu như dồn ứ lên các cơ mặt. Tôi nhìn cha tôi như nhìn một kẻ tội đồ. Tôi phán xét cha tôi như quan tòa phán xét đánh vào lương tâm của bị cáo. Lúc đó, tôi chỉ muốn cha im lặng, muốn cha có chút hối hận mà nói rằng cha đã không suy nghĩ thấu đáo, đã vì cái lợi trước mắt mà hủy hoại đi chính đời sống của mình, quê hương của mình. Và tôi, chính tôi lúc đó đã làm một chuyện động trời là vỗ ngực nói ra những lời đúng đắn nhưng không đúng lúc, nó giống như một sự rao giảng, một sự giáo dục, một sự coi thường với những hi sinh thầm lặng của cha tôi.

- Con sẽ đi

Tôi nói rồi đứng dậy khoác ba lô chạy ra ngõ. Cha tôi vẫn ngồi im không nhúc nhích. Thằng Tũn, cái Cải lúc nãy đến giờ lấm lét đứng sau hốc cửa không kịp hiểu ra chuyện gì, thấy tôi xách ba lô ra đi cũng òa lên khóc nức nở. Chỉ mẹ tôi là bình tĩnh, hình như bà đã tiên lượng được mọi điều, tấp tểnh chạy theo ôm chặt lấy tôi đoạn rút trên tay cái nhẫn vàng nói trong nước mắt: “Thì đi, mỏi gối chồn chân rồi về”.

Người duy nhất tiễn tôi đi hôm đó chỉ có Thắm.

Thắm ngồi lặng lẽ trên triền dốc đầy cây khô và trảng bụi. Đã lâu rồi không mưa, con đường cứ có người qua lại tung mù bụi đỏ. Bụi nhuốm cả đám cây ngải bên đường sắt lại.

Tôi nhận ra dáng ngồi của Thắm khi đang cách một quãng khá dài. Mái tóc Thắm phủ dày cả bờ vai gầy. Đuôi tóc mỏng chạm đến tận đất. Hình như Thắm đang khóc, bờ vai như rung lên từng hồi cho đến khi tôi chạm tay vào cái cổ trần của Thắm.

Đêm đó trăng sáng. Đêm đó, tôi nằm trên ngực Thắm khóc như mưa. Đêm đó, đám là ngải gãy rục. Đêm đó, lần đầu tiên trong đời tôi biết đến mùi đàn bà.

*

Tôi xách ba lô lên phố. Năm phân vàng của mẹ để tận dưới đáy ba lô thề không bao giờ đụng đến nó.

Tôi xuống cảng biển làm chân cửu vạn bốc hàng và mua lại những đồ điện cũ về sửa đem bán lại cho khách buôn lẻ. Tôi vốn dĩ là đứa ham học, sau một thời gian khá dài lang thang cùng thằng bạn thân học ở khoa máy tàu biển nên ít nhiều có hiểu sơ qua về máy móc về hệ thống động lực của tàu thủy. Giờ tôi đem những kiến thức chắp vá đó đi sửa hàng điện lạnh điện tử cho chủ và cho khách. Việc gì cũng được, tôi chỉ mong kiếm được nhiều tiền. Có tiền, tôi sẽ mở công ty, sẽ tuyển người …đến lúc đó tôi sẽ về quê đón cha mẹ, thằng Tũn, con Cải và Thắm. Cha mẹ không cần phải làm việc nặng nữa, ngày ngày túc tắc việc nhà và trông hộ con cho Thắm để nàng còn quản lí công ty. Bọn thằng Tũn, con Cải sẽ vào đại học một cách đường hoàng. Chính tôi, tôi sẽ nâng cánh cho nó bay đến những vùng trời nào nó thích.

Đó là tôi đang mơ. Sự thật là khi tôi nằm co nhớ nhà thì được tin của mẹ. Mẹ báo một cách vội vàng: “ Con Thắm chết rồi!”. Mẹ nói về cái chết của Thắm một cách hờ hững mà đâu biết đó là con dâu tương lai của bà. Nhưng dù gì thì mẹ cũng không nên có thái độ như thế. Mỗi lời của mẹ khiến tôi chết lặng. Mẹ lại tiếp: «Mày có biết khi người ta khâm liệm nó mới phát hiện ra con bé có mang mấy tháng rồi, bụng quấn chặt những vải ép cái bụng bầu không. Cơ khổ”.

Chiếc nhẫn vàng mẹ cho rơi xuống nhà những âm thanh leng keng khiến tôi rụng rời. Tôi hoảng loạn. Tôi đau giống như có ai đó cầm từng đoạn ruột của mình mà vắt như vắt quần áo để căng lên giây phơi. Mới tháng trước, Thắm viết cho tôi một bức thư nói rằng Thắm muốn tôi trở về càng sớm càng tốt. Như trách móc. Như hờn giận. Như nhẫn nhịn. Bây giờ thì hết, Thắm chết rồi. Bị ung thư gan mà chết.

“Cơ khổ!” Âm thanh đó cứ vang lên trong đầu khiến tôi như phát điên. Tôi muốn hét lên để hỏi tại sao lại là Thắm. Tại sao lại là cái bào thai đó. Tại sao Thắm không nói là em đang mang thai. Trong tôi lại hiện lên hình ảnh cái đêm tôi nằm trên ngực Thắm. Hình ảnh những đứa em đang ngồi sau sân thay vào chỗ cha mình. Hình ảnh cha mẹ tôi và những người nông dân vốn lành hiền chất phác với bình thuốc sâu. Hình ảnh làng Phù với từng đoàn xe tải chở nông sản nối đuôi nhau trong mịt mù mùi thuốc bảo vệ thực vật… Tôi lảo đảo đập đầu vào tường mà không cảm thấy đau. Chiếc gương treo tường rơi xuống vỡ nát. Máu rịn từ trán chảy xuống khóe mắt rồi xuống má một đường thẳng như nước mắt màu đỏ. Trong đống vụn gương vỡ, tôi nhìn thấy hằng trăm khuôn mặt mình mờ ảo trên mặt đất. Tôi chộp lấy mảnh gương cứa mạnh vào tay mình để tìm kiếm lại nỗi đau thể xác. Nhưng không thể. Tôi trơ ra, vết thương trong tim tôi quá lớn, nó như một cái giếng sâu hút và tối tăm mà vùng sáng phía trên đang hẹp dần như một chấm nhỏ.

Vừa lúc đó, tiếng đập cửa, tiếng chạy thình thịch, tiếng đám cửu vạn la ó giục nhau ùa ra phía cầu cảng để lên tàu bốc hàng cuốn tôi như con sóng khiến tôi choàng tỉnh. Tôi vội vã nhặt chiếc nhẫn dưới đất, nhét vào túi quần jean đang mặc rồi lảo đảo chạy ra phía biển.

*

Đêm hôm đó lạnh hơn ngày thường. Biển lặng như tờ. Trời không một cơn gió. Sự tĩnh lặng của biển khiến tôi có một linh cảm bất an đến lạ nhưng không thể nào thấu hiểu nổi, nhưng rồi ý nghĩ đó cũng qua một cách mau chóng khi số hàng bốc giỡ đã gần hoàn chỉnh. Tôi không cần gì ở biển, không mong ngóng gì sự gắn kết với tầng nước thẳm đen kinh sợ hun hút phía dưới. Thứ tôi cần là ngước nhìn lên. Tôi giờ như hạt mầm nằm lâu trong tầng đất ẩm muốn vươn mình để nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Cuộc đời tôi, quê hương tôi và cả cha tôi cũng đã quay lưng lại với tôi như một kẻ dị biệt vì tôi không giống họ, suy nghĩ của tôi không giống họ. Và tôi là một thằng hèn, một thằng phù phiếm và ảo tưởng sống được nhờ những đồng tiền mà tôi cho là tàn nhẫn và ngu dốt.

Tôi bốc hàng không biết mệt. Khi đẩy thùng hàng cuối cùng lên thanh trượt tôi hoảng hốt tìm kiếm xem còn thùng hàng nào nữa không, bỗng có tiếng tài công ở thuyền lớn vừa văng tục khi đám người túa ra từ hầm tàu. Từng nhóm người líu ríu đứng sát nhau vẻ mặt lo lắng sợ sệt khi thấy tàu tự nhiên chết máy khi đêm đang dần sập xuống. Tôi nhận ra ngay đây là đám người vượt biên sang Thái hoặc Nhật Bản. Phía trên ngay sát khoang máy, tiếng gã tài công át lên giữa sóng biển: “Chúng mày, đứa nào biết kĩ thuật lên đây phụ giúp thử coi”

- Để tôi.

Không hiểu như ai xui lúc đó mà tôi thét lên như thế. Rồi không cần biết gã đồng ý hay không, tôi nhún người đu theo cái thang đẩy hàng lên thẳng buồng lái mà không hề hay biết rằng con thuyền nhỏ bốc hàng lậu đã nhanh chóng rời tàu trước khi cơn giông ập đến. Đám thợ phụ dạt ra khi thấy tôi nằm lọt dưới trục máy nổ, mồ hôi vã ra như tắm. Hơn một tiếng đồng hồ sau đó, máy khởi động lại được. Tiếng máy bắt đầu nổ giòn. Trời bắt đầu lất phất mưa. Cùng lúc đó, có tiếng báo động có cảnh sát biển dần sát đến, đám dân vượt biên sợ hãi kéo nhau nằm rạt sát boong tàu nhanh chóng phủ lên người đầy đống lưới đánh cá.

Giờ nằm im trong đống lưới đẫm mùi tanh, tôi mới dần tỉnh người. Trong cơn hoảng loạn vừa rồi tôi đã đưa mình đến một bước ngoặt mà tôi không hề ngờ tới. Có nằm mơ tôi cũng không nghĩ ra cuộc đời mình lại có lúc lênh đênh trên biển vô định như thế này. Tôi sẽ đi đâu, đến đâu? Chịu. Mùi nước biển và cơn giông mỗi lúc một nặng hạt quất vào mạn tàu những cột sóng dựng đứng đổ ập lên đầu tôi liên hồi. Tôi căng mắt ra nhìn vào đêm tối như mực muốn nhìn lại phía bến bờ xa xôi kia nơi tôi đã vùi những năm tháng xót xa của mình ở đó. Nơi đó, nơi mỗi ngày tôi dõi mắt lên ti vi đắng lòng khi nghe tên làng Phù của mình nằm trong danh sách những làng “ung thư” báo động đỏ trên cả nước. Nơi tôi muốn trở về mà không thể trở về, muốn quên nó mà không thể quên nó. Sự bất lực đến đê hèn đè nặng tôi trong cảm giác trốn chạy mà thấy xót xa đến cùng cực. Trước mắt tôi hiện lên hình ảnh cha tôi, mẹ tôi, cái Cải, thằng Tũn, Thắm và cả những người dân làng tôi đang lặng lẽ đi thành một hàng dài sau cái xe tang phủ đầy trướng, vòng hoa và cả đám đòn trai mệt mỏi vác cờ nheo đi về phía nghĩa địa của làng đang ngày một mọc dày lên như nấm.

Trong đám người ấy không có tôi. Tôi đã bị đánh bật ra khỏi làng tôi bằng sự ngụy biện rằng tôi không chấp nhận được việc làm của những người ở lại. Đáng ra phải đấu tranh thì tôi lại trốn chạy khỏi nó. Tôi trốn chạy nơi chính tôi được sinh ra, nơi chính tôi được yêu thương và che chở. Giờ tôi nhận ra thì đã hết rồi. Tôi đã không còn con đường nào để đi. Ở biển chỉ có nước và nước và dưới tầng sâu thẳm kia là một vực thẳm hun hút khôn cùng. Tôi nhìn trong ánh sáng chớp rạch bầu trời những bóng dừa lay rủ, những bụi đước ngập mặt nhô ra từ phía cửa sông mà cố hết sức bung mình khỏi tấm lưới phủ kín trên đầu lao lại phía mạn tàu nhưng bất lực. Dưới mạn tàu, chân vịt xẻ dòng nước làm đôi mạnh hơn thác lũ.

Tôi bất lực thiếp đi. Trong giấc ngủ chập chờn tôi thấy mình đang gối đầu trên chân Thắm. Thắm cúi xuống, ngón tay gầy và xương di di lên vết máu đã khô trên môi tôi rồi cười. Tôi dụi đầu sâu hơn vào người em, cảm giác được đằng sau lần áo mỏng đó, một sự chuyển động rất nhẹ nhưng rộn ràng như một khúc nhạc dài không dứt. Lúc đó, trời như tan mây, giông bão như chưa từng tồn tại một cơn cuồng nộ nào từ biển. Trăng dấp dính dưới nước, từng đợt sóng vàng như sao sa êm ả thả đầy trên đầu tôi khi tôi kéo Thắm chạy dài từ đồi thông xuống triền dốc như những ngày ở quê xa xưa ...

VN31/2016

Ra mắt vở kịch rối “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” phiên bản mới

Ra mắt vở kịch rối “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” phiên bản mới

Baovannghe.vn - Mới đây, Nhà hát Múa rối Thăng Long đã đưa vào khai sàn vở diễn rối cạn Hồn Trương Ba, da hàng thịt phiên bản 2025 với sự kết hợp rối người, con rối và rối bóng.
Kỷ niệm 71 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Kỷ niệm 71 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Baovannghe.vn - Kỷ niệm 71 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2025) - chiến thắng lịch sử đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược tỉnh Điện Biên tổ chức Lễ dâng hương và thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ A1
GV đánh giá SGK Cánh Diều có nhiều điểm mới sáng tạo, tài nguyên học phong phú

GV đánh giá SGK Cánh Diều có nhiều điểm mới sáng tạo, tài nguyên học phong phú

Baovannghe.vn - SGK Cánh Diều vừa giữ bản sắc văn học dân tộc, vừa mở rộng tầm nhìn văn hóa, giúp học sinh tiếp cận giá trị truyền thống và phong cách ngôn ngữ đa dạng.
Chiêm bao - Thơ Nguyễn Hữu Quý

Chiêm bao - Thơ Nguyễn Hữu Quý

Baovannghe.vn- Chiêm bao em đã lấy chồng/ Tôi đi xuống bến thành sông lẻ bờ
Sân chơi cho các nhà làm phim "nhí" chính thức được khởi động

Sân chơi cho các nhà làm phim "nhí" chính thức được khởi động

Baovannghe.vn - Qua ống kính trẻ thơ, sân chơi làm phim miễn phí dành cho học sinh toàn quốc vừa chính thức được khởi động.