Trực tiếp kế thừa tư tưởng của Lão Tử, ngoài học thuyết của Trang Tử gần gũi nhất, còn có học phái Hoàng Lão (Hoàng chỉ một ông vua trong truyền thuyết, thuỷ tổ của dân tộc Trung hoa, Lão là Lão Tử). Hình thành vào thế kỷ IV TCN, học phái Hoàng Lão kế thừa thuyết "vô vi nhi trị” của Đạo gia là chủ yếu, nhưng có hấp thu thêm tư tưởng nhân nghĩa của Nho gia, lý thuyết pháp trị của Pháp gia.
Cho nên tuy cũng rất chú ý thuận theo tự nhiên, nhưng chủ trương vô vi của học phái Hoàng Lão có phần khác, chỉ không làm những điều gian trá xảo quyệt, nhưng phải có chí tiến thủ, chứ không tiêu cực, phản ảnh được tư tưởng của giai cấp địa chủ mới hưng thịnh. Đến đời Hán thì học thuyết Hoàng Lão kết hợp với những tín ngưỡng ma thuật cổ xưa như đoán mộng, xem sao, bói mai rùa, cúng quỷ thần, lên đồng cốt v.v... mới dần hình thành nên đạo giáo (Taoism) là tôn giáo thuần gốc Trung Quốc, phân biệt với đạo gia (Taoist school) của Lão Trang thiên về triết học. Đến đời Ngụy Tấn với Cát Hồng (283-363), đạo giáo mới được hệ thống hoá thành lý thuyết qua tác phẩm Bão phác tử, mà phạm trù cơ bản của nó là Huyền, cho nên người ta còn gọi triết lý của Cát Hồng là Huyền học. Ông đã định nghĩa Huyền như sau: "Cái gọi là Huyền là thuỷ tổ của tự nhiên, là đại tông của muôn loài khác nhau. Thăm thẳm thay sự sâu sắc, cho nên nó còn gọi là Vi. Vời vợi thay sự xa xăm, cho nên nó còn gọi là Diệu. Độ cao của nó có thể đội lên chín tầng mây. Khoảng rộng của nó có thể bao trùm lên tám hướng. Nó sáng như nhật nguyệt, nhanh như ánh chớp. Vàng đá không thể sánh cứng rắn, sương móc không thể sánh mềm mại... Nó đến không thấy, nó đi không thể đuổi theo” (Đạo gia và văn hoá, Nxb Văn hoá thông tin, H. 2000, tr.20). Cát Hồng khẳng định Huyền chính là đạo, là đạo Huyền mà con người không thể với tới được. Muốn cầu đạo, tu tiên, con người phải trầm tư suy tưởng mà thôi.
Ảnh minh họa Freepik. |
Cát Hồng đồng thời là nhà thi học, ông kịch liệt phản đối nguyên tắc “trọng đạo khinh văn” trong thi học Nho gia: “Hành hữu dư lực, tắc dĩ học văn” (Làm việc mà còn dư sức thì sẽ học văn - Luận ngữ: Học nhi). Nói thế chẳng khác nào làm văn là việc thừa! Nhưng Cát Hồng cho rằng: “Văn chương so với đức hạnh, cũng như mười thước so một trượng, cho nó là việc thừa thì chưa từng nghe bao giờ... Văn chương cho dù là em của đức hạnh, thì vẫn không thể nói là việc thừa” (Thượng bác). Có người nói: “Đức hạnh là gốc, văn chương là ngọn”, ông liền phản bác: “Gốc chưa chắc đã quý, ngọn chưa chắc không ra gì”. Theo Cát Hồng, bàn luận đức hạnh tốt xấu thì dễ, đánh giá văn chương hay dở rất khó, cho nên kết luận về đức hạnh là việc “thô thiển”, thẩm định văn chương là việc “tinh tế”. Bởi thế, “tôi rời bỏ việc thô thiển dễ thấy, mà đi bàn luận việc tinh tế khó thấy là không nên chăng?” (Thượng bác). Cát Hồng cũng chống lại quan niệm sùng cổ trong thi học Nho gia. Khổng Tử nói “Thuật nhi bất tác, tín nhi hiếu cổ” (Chỉ nên thuật lại, chớ sáng tác gì thêm, phải tin yêu cái cổ - Luận ngữ: Thuật nhi). Cát Hồng rất bất bình với chủ trương này: “Cái gì người xưa làm ra đều thần diệu cả, còn người đời nay làm ra cái gì cũng thô thiển cả. Quý xa khinh gần, vốn có từ lâu... Sách xưa dù chất phác, bọn hủ nho vẫn cho là trùm cả thiên hạ, còn văn đời nay dẫu là vàng ngọc lại bị những kẻ tầm thường cho là gạch ngói” (Câu thế). Ông khẳng định dứt khoát Hán phú hơn hẳn Kinh Thi, tuy có phần phiến diện, nhưng rất chính xác về phương diện hình thức nghệ thuật. Đổi mới làm phong phú hình thức nghệ thuật vẫn thể hiện sự phát triển văn học. Đối với người đương thời, ông hết lời ca ngợi Lục Cơ với tác phẩm Văn phú nổi tiếng. Quan niệm của Cát Hồng đã góp phần làm cho văn thơ từ chỗ coi trọng những giáo lý đạo đức chung của nhà văn và tác phẩm đến chỗ quan tâm đến tài năng và tình cảm riêng tư của nhà văn cũng như nội dung của tác phẩm, coi trọng hơn đặc trưng riêng của văn thơ cũng như về hình thức nghệ thuật của nó.
Huyền học cho rằng bản thể là Vô (không có gì hết), nhưng sẽ được tượng trưng bằng Hữu dụng (có tác dụng), cho nên một khi có thể qua việc có tác dụng để lĩnh hội được cái bản thể không có gì hết này, hay nói gọn lại qua cái có để hiểu cái không rồi, thì có thể quên đi không cần bám víu lấy cái có ấy nữa. Vương Bật, một nhà thi học khác của Huyền học vận dụng phương pháp nhận thức này để giải thích cái kết cấu ba tầng ngôn (ngôn ngữ), tượng (hình tượng), ý (ý nghĩa) trong tác phẩm văn học: “Ngôn ngữ sinh ra hình tượng, cho nên phải dựa vào ngôn ngữ để thấy hình tượng. Hình tượng sinh ra ý nghĩa, cho nên phải dựa vào hình tượng để tìm ý nghĩa... Nhưng ngôn ngữ chỉ là cái để tìm hình tượng, cho nên thấy được hình tượng rồi thì có thể quên ngôn ngữ. Hình tượng là cái tồn chứa ý nghĩa, cho nên hiểu được ý nghĩa rồi thì có thể quên hình tượng đi. Cũng như lưới để bắt thỏ, bắt được thỏ rồi thì quên lưới. Nơm là để bắt cá, bắt được cá rồi thì quên nơm (Chu Dịch lược liệt: Minh tượng). Có thể xem đây là nguyên tắc nhận thức luận, đồng thời là nguyên lý cơ bản của mỹ học và nghệ thuật của Huyền học. Việc nêu ra kết cấu ba tầng Ngôn, Tượng, Ý trong tác phẩm thì hầu như cũng là chân lý chung không những Trung Quốc mà cả ở thế giới ngay thời hiện đại. Năm 1896, trong công trình Mỹ cảm, Santayana, nhà phê bình tài hoa của Hoa Kỳ, cũng đã nêu ra kết cấu ba tầng: chất liệu, hình thức, biểu hiện. Riêng về văn học, thì chất liệu chính là ngôn ngữ, còn hình thức hiểu theo nghĩa chung nhất thì chính là việc hình tượng hoá, và biểu hiện chính là ý nghĩa muốn bày tỏ. Tuy nhiên chỗ khác biệt là Huyền học rất nhấn mạnh rằng ngôn ngữ không phải là hình tượng, hình tượng càng không phải là ý nghĩa, cho nên “Chỉ cố giữ ngôn ngữ thì không thấy hết được hình tượng, chỉ giữ hình tượng, thì không rõ hết được ý nghĩa” (Cố tồn ngôn giả, phi đắc tượng giả giã, tồn tượng giả, phi đắc ý giả giã). Cho nên “Được ý nghĩa ở chỗ quen hình tượng, được hình tượng ở chỗ quên ngôn ngữ” (Đắc ý tại vong tượng, đắc tượng tại vong ngôn). Tất nhiên quan niệm này là có kế thừa trực tiếp chủ trương “đắc ý vong ngôn” của Đạo gia vốn rất mâu thuẫn với Nho gia về vai trò của ngôn ngữ. Mâu thuẫn này càng gay gắt khi đến đời Hán, Nho giáo chính thức bước vào cung đình, học phái Kinh học xuất hiện chuyên nghiên cứu ngũ kinh, năm bộ sách kinh điển của Nho gia. Thành tựu hiển nhiên không nhỏ, nhưng dần dần nhiễm phải thói kinh viện, tầm chương trích cú, khảo chứng chữ nghĩa, chú ý tiểu tiết tỉ mỉ vụn vặt, gây phản cảm trong học giới. Đến đời Nguỵ Tấn này, một trong những nguyên nhân xuất hiện Huyền học là nhằm chống lại cái học phong kinh viện đó. Nhưng tất nhiên quan trọng nhất ở đây là do Huyền học cho bản thể của thế giới là Vô (không), nhưng không phải tuyệt đối hư vô, mà nó được tượng trưng bằng những sự vật trong thế giới thực tại. Điều này có phần giống với chủ nghĩa hiện sinh hữu thần của K. Jaspers, người cho rằng ngoài sự tồn tại của con người, còn có sự tồn tại siêu nhiên (Transzendenz) tuy không thể trực tiếp tự hiện diện, nhưng nó có những “mật mã" (chiffren) từ thế giới con người, cho nên có khả năng cảm nhận được. Nhưng Huyền học khẳng định rằng những điều tượng trưng trong thế giới thực tại chỉ gợi ra chứ bản thân không phải là bản thể "Vô" của thế giới được. Thế giới thực tại được gọi tên ra, nghĩa là phải thông qua ngôn ngữ để nhận biết, nhưng ngôn ngữ cũng chỉ gợi ra chứ không thể biểu đạt bản thể của thế giới mà con người còn phải suy tưởng mới với tới được. Đó là nguyên nhân sâu xa làm cho văn học đã đành phải có ngôn ngữ và hình ảnh để gợi ra ý nghĩa, nhưng muốn thật sự hiểu được ý nghĩa không phải cứ bám vào ngôn ngữ và hình ảnh mà trái lại phải quên chúng đi.
Một tác giả khác của Huyền học là Kê Khang viết Thanh vô ai lạc luận (Luận về không có vui buồn trong âm thanh) để triển khai mối quan hệ giữa thanh với tâm hay nói rộng ra là giữa âm nhạc với tình cảm. Ông cho rằng thanh âm và lòng người là hai chuyện khác nhau “khác đường khác lối, không cùng kinh vĩ... Thanh âm lấy chuyện hài hoà hay không làm chủ, vô can với chuyện vui buồn, vui buồn là chuyện tình cảm, chứ vô can với thanh âm". Nghe hơi cực đoan, nhưng không phải là phi lý, mà trái lại có ảnh hưởng sâu rộng. Đến đời Đường, khi nghe quan Ngự sử Đỗ Yêm tâu rằng: “Các triều trước hưng vong, thực chất đều do âm nhạc cả”, Đường Thái Tông liền bác rằng: “Không phải vậy, làm sao mà thanh âm lại cảm động được lòng người. Người vui nghe nó thì vui, người buồn nghe nó thì buồn, vui buồn là ở lòng người, chứ không phải ở âm nhạc. Chính trị suy vong, lòng người đau khổ, rồi lòng đau khổ cảm thông với nhau, mà cảm thấy buồn. Chứ người đang vui thì dù âm nhạc ai oán cũng không buồn theo được” (Trinh quán chính yếu). Thực chất quan niệm Kê Khang là chống lại việc đề cao vai trò của âm nhạc trong việc trị nước an dân qua công thức “âm nhạc - nhân tâm - trị đạo" được biện giải trong Nhạc ký. Tất nhiên Kê Khang không cực đoan cho rằng âm thanh hoàn toàn trung tính, mà có loại loạn âm nghe chối tai, có loại hoà âm đầy nhạc điệu, nghĩa là cũng có cái đẹp, cái hay do bản tính tự nhiên của nó, nhưng không có chuyện vui buồn từ trong bản chất. Nó cũng có tác động đến con người hoặc làm cho họ rạo rực, hoặc thanh thản, chăm chú hoặc yên lặng, chứ không thể làm cho con người vui vẻ hay giận dữ. Nếu có những âm thanh làm được như thế thì cũng là sự tương ứng, cộng hưởng, làm cho tình cảm gia giảm, chứ không thể làm nảy sinh hoặc triệt tiêu được những tình cảm vốn có của con người. Hơn nữa, người ta có thể tổ chức âm thanh như thế nào đó để có thể biểu hiện đến mức tối đa tình cảm của mình. Dù sao âm thanh tự nó chỉ là chất liệu, là phương tiện chứ không thể là nguồn gốc của tình cảm. Tâm với thanh vẫn là hai chuyện khác nhau. Nếu giản đơn cho rằng âm nhạc bắt nguồn từ lòng người như Nho gia, thì chỉ cần lòng tốt là âm nhạc hay. Âm nhạc là nghệ thuật của âm thanh, cái nghệ thuật này vẫn có những quy luật riêng của nó. Và nhạc sĩ là người biết sáng tạo theo quy luật này, chứ không phải chỉ tốt bụng mà được. Cách nhìn của Kê Khang vô hình trung đẩy lý luận về âm nhạc thời cổ đại tiến bước. Nó nằm chung trong thời Ngụy Tấn dưới ảnh hưởng của Huyền học có xu thế giải phóng nghệ thuật khỏi những tín điều Nho giáo, trở thành thời đại “vị nghệ thuật" như Lỗ Tấn đã nói.
Chúng ta quen nói nghệ thuật là do tình cảm dồi dào mãnh liệt, nhưng nữ học giả Hoa kỳ S.Langer lại cho rằng so với một nhạc sĩ đang sáng tác, thì một cậu bé đang gào khóc bộc lộ tình cảm mãnh liệt hơn nhiều, nhưng đó không phải là nghệ thuật. Đúng vậy, còn nhạc sĩ sáng tác không phải đang sáng tạo ra tình cảm, mà là sáng tạo ra một hình thức độc đáo mới mẻ rất mực tương hợp với tình cảm vốn sẵn đã tự dâng trào. Hoàng Hiệp viết Nhớ về Hà Nội, không phải là sáng tạo ra nỗi nhớ, mà như lời ca có kể là “... Anh vẫn tìm âm thanh mới”, những âm thanh có thể biểu hiện đến tối đa nỗi thương nhớ đó. Như thế, qua hạt nhân hợp lý của Huyền học, của Kê Khang, thì có thể thấy bản thể của nghệ thuật không đơn giản là tình cảm mà là sự sáng tạo ra những hình thức độc đáo mà tương hợp với tình cảm. Và khẩu hiệu “Vị nghệ thuật” cũng không hẳn là hình thức chủ nghĩa, mà lắm khi chỉ là muốn nhấn mạnh thiên chức của nghệ thuật là làm sao sáng tạo ra tối đa những hình thức tương hợp nhất với nội dung!