Sáng tác

Thời thanh xuân - Truyện ngắn của Trần Thu Hằng

Trần Thu Hằng
Truyện
19:29 | 05/11/2024
Baovannghe.vn - Nhận được tin báo, giáo sư Phán chỉ kịp bảo với hai con "Bố đi Hà Nội" rồi lên đường ngay sáng hôm ấy. Hai đứa bé, đứa lên chín, đứa lên bảy không biết bố đi Hà Nội vì mẹ Quỳnh, người đã ly dị bố hơn hai năm, vừa mới uống thuốc độc tự vẫn.
aa

Chỉ thoáng nghe cô y tá nói “Đã qua cơn nguy kịch", ông giáo vội vã đẩy cửa vào phòng cấp cứu. Phòng chỉ có một người bệnh, một gương mặt nhợt nhạt mỏng manh như giọt nước dưới tấm vải trắng toát, đôi mắt nhắm nghiền. Phán cúi thân hình cao lớn xuống đôi môi tím chát có vết rách, lặng lẽ để rơi khỏi tay bản thảo viết sách, nào giáo án, nào từ điển tiếng Pháp...

Năm, sáu năm trời Phán mới về Hà Nội, nhưng trí nhớ thì không hẳn gợi lại năm, sáu năm mà thôi. Mà là mười một năm trước, Phán đi xe đạp từ Thái Nguyên về nhà Quỳnh, để chuẩn bị làm một đám cưới - mà cả trường Đại học Thái Nguyên xôn xao: Thầy giáo Phán cưới một cô nữ sinh viên khoa toán! Phán chạnh nhớ cái heo may buổi đầu thu hôm ấy, hai người dẫn nhau đi mua một lọ thuốc nhỏ mắt, tại Phán đi xe không đeo kính. Cô y tá bước vào ra dấu mời Phán ra khỏi phòng, người đàn ông bốn mươi tuổi nặng nề đi qua những cái giường sắt trống không ra ngoài. Bầu trời Hà Nội bỗng run mình chuyển mưa. Lá đùa nhau khe khẽ, chưa hết duyên hạnh ngộ đã rời nhau, trút rụng. Lập đông.

- Anh là gì của cô Quỳnh?

- Tôi là chồng... chồng cũ.

Phán nói thêm. Nhờ thế, trí não trở về gần với thực tại hơn.

Cô y tá bỏ đi không nói thêm câu gì nữa.

Chín giờ liền, đôi mắt Quỳnh bất động dưới vầng trán xanh như tàu lá. Phán ngồi yên cuối giường, không một mảy may chạm vào tấm thân gầy rộc nhưng tinh khiết như hoa. Vào lúc năm giờ sáng, những tín hiệu đầu tiên của cuộc hồi sinh khiến Phán đứng bật dậy. Chỉ một cái nhìn, đăm đắm trong một giây, rồi khép lại Phán chờ đợi. Quỳnh không thể cử động, tuy là một động tác nhỏ.

- Quỳnh!

- Về đi anh - Tiếng nói thì thào như gió lan trên cỏ. Đây đâu phải là chỗ dành cho anh...

Giọng nói không trách móc, và lạ lùng, vẫn trong trẻo như xưa.

- Quỳnh, tỉnh dậy đi em. Suốt một đêm ở bên em, anh cứ ngỡ như là được cưới em lần thứ hai.

Quỳnh ngóc đầu dậy, làm một cử chỉ khước từ. Mồ hôi vã ra ướt trán. Khuôn mặt chợt hồng lên, thắm lại. Đúng là Quỳnh của anh, không một món trang sức nào, chỉ có một sự đổi thay như cách phân chia phân tử Phán không bao giờ nắm bắt được. Suốt cuộc đời đi tìm ý nghĩa viên mãn của một đời sống khép kín, anh thủy chung, anh cần có Quỳnh.

- Lẽ nào... lẽ nào...

Phán trở về trường đại học, cưới một phụ nữ có học thức. Anh thấy mình như chiếc áo phủ lên đầu hai đứa con thơ và cái gia đình không còn là đất hứa.

Nhà họ Trần sáu người con, hai trai, bốn gái. Ba chị đầu theo chồng vào Nam, không hiểu có biết tin cô em út lâm nạn không. Hai ông anh đi nước ngoài làm ăn. Mẹ cũng xa, vì sống với họ ngoại trong Nam. Quỳnh nằm viện chẳng có mấy bạn bè đến thăm, cô thường ấp tay trên ngực, cong môi nhìn trời qua cửa kính, tưởng đến bát nước sâm nóng, mẹ ép uống mỗi tối. Quỳnh được nhiều người yêu, nhiều người quý. Lúc mười tuổi, một ông nhà văn bạn của ông Ký - cha Quỳnh đã bảo: "Cái tên có hương có sắc, đúng là thứ quý, nhưng chẳng nên quả". Bố Quỳnh cũng hay nhắc như thế, mỗi khi "ươn người" nằm suốt ngày trên cái giường con trông ra phía gác Khuê Văn.

Thời thanh xuân - Truyện ngắn của Trần Thu Hằng
Tranh của họa sĩ Lê Phổ.

Thế là ba mươi mấy tuổi, Quỳnh nằm liệt giường nhưng lần này chẳng có ai chăm sóc. Nhưng Quỳnh không cảm thấy lo lắng phiền muộn, vì lắng nghe trong tâm hồn mình một niềm tự hào. Lẽ ra, Quỳnh không nên tìm cách dứt bỏ cuộc sống của mình. Những người yêu nhau rồi cứ phải ra đi, như những chiếc lá dưới con mưa. Nhưng không hẳn những chiếc lá còn lại trên cây là toàn vẹn, thử hỏi nó có bị sâu đục khoét không, có bị tàn úa không?

Quỳnh có can đảm làm cuộc cách mạng trong đời. Quỳnh phải được sống xứng đáng.

Ngày Quỳnh ra viện, Túy đến đón. Anh đặt Quỳnh lên chiếc giường cá nhân èo uột; tuy vậy vẫn đỡ gọn lấy thân thể Quỳnh, một bên xếp những quyển sách của Quỳnh thành hàng, trong tầm tay. Giấy, bút, nước hoa kể cả gương. Rồi anh đi, chẳng một lời bình luận về hành động nghiệt ngã của Quỳnh cũng như về một tương lai nào đó. Quỳnh nằm ở giường, đọc sách, làm thơ. Bạn bè đến thăm chỉ đem tặng sách. Quỳnh có một giường sách, xếp gọn ghẽ như một gia tài sắp mang đi...

Chị Ngọc lại về ở chung với Quỳnh. Sau ngày bỏ nghề bán vé số, chị xin vào làm công ty vệ sinh. Ngoài nón bảo hộ, găng tay, khẩu trang... chị có một tâm hồn sạch sẽ. Chị chẳng lần nào hỏi Quỳnh vì sao lại quyết định tự tử. Hằng ngày chị nấu ăn, xoa bóp cho Quỳnh, không hề nhắc đến những ngày chị ra đi không ở với Quỳnh trước đây.

Tối tối, Quỳnh lăn vào lòng chị Ngọc, hồi tưởng có khi bằng lời, có khi bằng ánh mắt và một sự suy tưởng mông lung. Những chuyện kể: vui có, buồn có. Nhưng kèm theo vẫn là nụ cười. Quỳnh đã bỏ hết, bỏ cả dạy học lẫn con cái, bỏ người Quỳnh yêu, bỏ cả những ước ao để sống một cuộc sống bình lặng, thật bình lặng.

- Chị này, học trò mang hoa đến. Đúng vào sinh nhật của em. Thế có vui không chứ? Ba mươi hai tuổi rồi...

Chiều hôm đó, Túy đến, đem theo một cơn mưa ướt lướt thướt dưới phố lên tầng lầu thứ bảy, thở dốc vì cơn đau thắt ngực. Túy mang đến một tờ báo mỏng, không có gì đặc biệt, và một cái tin.

- Ngày mai Bình đến, Quỳnh ạ.

Quỳnh chỉ mỉm cười, gối đầu lên tay. Túy ngồi sát giường hơn, gỡ lấy bàn tay gầy gò, mềm lả Quỳnh định nói gì, nhưng lại thôi.

- Em đi dạy học nhé, đừng nằm nữa, Hà Nội của anh buồn đã lâu rồi.

Rồi Túy giũ áo mưa, đi về. Mưa đã nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm, in dấu thời gian, nặng ứ cánh cửa sổ, làm mờ đôi mắt. Nhưng Túy cứ xăm xăm bước đi. Rồi quay lại vào căn hộ ẩm ướt. Một cái bánh nướng to, cho Quỳnh.

Sáng hôm sau, Túy đến một lúc thì Bình đến, cùng với Hoa - vợ mới cưới. Cô Hoa mắt một mí, môi mỏng, người cao gầy như tiên sa. Chị Ngọc đi chợ. Cô Hoa đỡ Quỳnh dậy, chải tóc cho Quỳnh. Bình se sẽ ngồi xuống bên cạnh Quỳnh, chiếc áo khoác đầy bụi nước.

- Kìa, sao Hoa không cởi áo khoác cho anh Bình?

- Thôi, thôi... Để anh tự... - Bình đứng lên. Khi anh quay lại thì chạm ngay vào cái nhìn thật sắc của Quỳnh.

- Hai người làm đám cưới chưa, có hôn thú thật không?

- Kia Quỳnh - Bình lúng túng nói nhỏ rồi vội rút ra một tờ giấy để chứng minh. Quỳnh đọc bằng con mắt đã hơi dại đi vì thuốc độc, rồi trả cho Bình.

- Thế nhé, thế là mừng. Quỳnh nói bằng giọng trong veo hơi điệu của mình - Từ nay anh làm chồng Hoa, phải chăm sóc cô ấy thật chu đáo. Hai người, phải như con ngươi trong mắt nhau, không được vì bất cứ lý do gì xúc phạm đến nhau.

- Chị Quỳnh... - Hoa ngả người lên giường của Quỳnh, đôi mắt hờn ghen đau đớn trước vẻ mặt thanh thản của Quỳnh, rồi lại nhìn đôi vai Bình trĩu xuống, như muốn che chở cho Quỳnh một lần chót.

Năm người ngồi ăn bữa cơm thân mật. Mưa bụi tạt vào mái tóc của Quỳnh, của Túy, hai người ngồi gần cửa sổ. Bữa cơm chẳng kéo dài, nhưng cũng đủ làm mỗi người phải ứa nước mắt nếu ngồi một mình nhớ lại. Bình dắt tay Hoa, đi như trốn chạy song cứ mãi tìm đôi mắt Quỳnh. Sau hôm ấy, Quỳnh đi dạy học còn chị Ngọc lại đi mất khỏi gian hộ ẩm ướt dưới mùa đông.

Quỳnh mặc một bộ quần áo trắng tinh, mái tóc ngắn ôm gọn lấy khuôn mặt. Quỳnh vừa bỏ chồng, anh hiệu phó trường Quỳnh dạy. Túy đang đứng giữa nhóm nhà báo về dự đại hội nhà văn, vội xin lỗi để đến gần Quỳnh. Đôi môi cong của Quỳnh vẫn gợi lại vẻ trẻ trung hơn bao giờ.

- Chờ anh một lúc, Quỳnh nhé. Em vào phòng làm việc của anh.

Đưa Quỳnh vào, Túy trở ra. Quỳnh nhìn nắng và những chiếc hoa khế rơi trên bậc cửa sổ. Một nghệ sĩ râu dài, mắt sáng bước vào.

- Cháu chờ ông Túy à? - Giọng nói của ông hết sức cởi mở.

- Vâng - Quỳnh trả lời.

- Thế cháu có phải nhà thơ không? - Ông lại hỏi, để mở đầu câu chuyện thân tình.

- Thưa, không. Cháu chẳng bao giờ là nhà thơ cả.

- Ấy, bác thấy cháu đích thực là một nhà thơ vậy. Một cô gái Hà Nội. Rất đẹp!

Túy từ cuộc họp trở về, đưa Quỳnh đến một quán bia ở ngoại ô. Họ uống thật say, lúc về, Quỳnh nói:

- Em chia tay anh ở đây. Ngày mai em vào Nam.

- Hai bàn tay trắng?

- Còn khối óc và trái tim em nữa. Em sẽ lập nghiệp, sẽ đón con vào. Em sẽ bắt đầu cuộc đời cho con em.

Túy xiết hai bàn tay Quỳnh trong tay mình. Đôi mắt anh sáng rực cháy trong mắt Quỳnh trong đêm đầy gió.

- Anh muốn nói... Em như quả trứng gà, nằm trong bàn tay anh đây... Em đập vỡ cái lớp vỏ cứng bên ngoài, em bóc cho ai lớp vỏ mỏng, em tách cho ai lớp cùi trắng. Nhưng em vẫn còn cái lòng đỏ rất thắm ấy. Em phải giữ lấy, đừng cho vào tay ai sự quý giá ấy của riêng em. Bởi vì chẳng có ai xứng đáng... Kể cả...

- Thôi Túy. Em đi đây - Quỳnh nói, dịu dàng và cương quyết.

- Em đi đi, Hà Nội của anh.

Quỳnh đi một mình lên sáu, bảy tầng lầu mở cửa phòng rồi nằm vật xuống giường. Hôm ấy, Quỳnh có hành kinh. Chỉ chờ có thế, cơ thể rách toang ra.

"Cuộc đời anh là Hà Nội, hơn năm mươi năm. Từ ngày bom đạn Mỹ tàn phá tuổi thanh xuân, cho đến hôm nay chen chúc dưới đồng tiền và công việc. Anh đã mệt mỏi, Hà Nội của anh, bảy năm rồi phải không? Lần này anh đi Sài Gòn là để thăm em".

Túy đã viết cho Quỳnh như thế. Đêm Sài Gòn ngai ngái bụi đường. Và một màu đỏ đèn đường vừa gay gắt, vừa nồng nhiệt, vừa chán chường. Đứng gió đến âm thầm. Túy không thể quay lại để nhìn thấy gương mặt Quỳnh thảng thốt với tuổi bốn mươi dưới cái màu đỏ ấy. Anh chở Quỳnh đi giữa con đường đông nhưng không vui. Không dừng lại ở đâu. Không một phút để ý nghĩ chạm vào cuộc chung dụng vô tư và thản nhiên quanh họ. Anh thấy lòng trĩu nặng, chỉ muốn thở một hơi dài để quên đi tất cả.

- Nhanh thật, mới đây mà đã bảy năm trời.

Gió ùa đến, làm Túy ngợp. Suýt nữa lại rơi vào chứng thắt tim. Bên cạnh anh Quỳnh đổ bóng quấn quýt chân anh, tóc lòa xòa nơi vai anh. Đây không phải là một nụ hôn, không phải sự vuốt ve trìu mến. Phải, đã bảy năm, đâu phải là hôm qua...

- Thế mà, em cứ nghĩ mới hôm qua thôi, Túy ạ.

Giọng Quỳnh sôi nổi, hồn nhiên. Anh ngẩng lên, Quỳnh đã quay đi, nhẹ đến nghi ngờ.

- Quỳnh!

- Anh chưa bao giờ gọi em như thế.

Giọng nói Quỳnh vang lên ấm áp, làm rung nhịp cầu dưới chân anh. Chưa bao giờ em được nghe anh gọi... em đã gặp một người... Anh ấy bỏ em, vì em không chịu sinh một đứa con cho anh ấy. Mẹ em thì đã mất ba năm nay. Anh thấy đấy, em sống nghèo khổ, nhưng tim em rất giàu, rất giàu...

Túy khẽ xoay người Quỳnh lại. Anh định nói một câu gì đó, nhưng lại thôi. Đôi mắt Quỳnh đã rớm ướt:

- Lúc em đi, Hà Nội vào thu. Bây giờ, Hà Nội cũng vào độ thu, phải không anh? Em bỏ nơi ấy... đã bảy năm rồi.

- Nhưng anh lại tìm thấy Hà Nội ở đây, Quỳnh ạ. Em đi rồi, mọi thứ thay đổi rất nhiều, không còn được như xưa.

Quỳnh mỉm cười, đôi môi cong không có tuổi như dáng một tuổi thơ.

- Anh đưa em về đi. Khuya rồi. Nếu con em còn thức, em sẽ giới thiệu để nó biết anh.

Mối tình đầu. Truyện ngắn của tác giả Trần Thu Hằng Phu đàn Nam Giao. Truyện ngắn của Trần Thu Hằng Thu - Trần Thu Hằng Đoạn trường vô thanh.Truyện ngắn của Trần Thu Hằng
Văn nghệ Trẻ, số 10/1998
Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Baovannghe.vn - Chiến dịch thần tốc như một cơn lốc không ngày không đêm, đơn vị vừa đánh vừa hành quân gần như xuyên dọc theo Quốc lộ 13 hướng về Sài Gòn mỗi ngày một gần thêm.
Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Baovannghe.vn - Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc ngày 22/11 với phiên thảo luận tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Baovannghe.vn - Mây đen tan. Nắng nhẹ. Hương sen còn sót hòa cùng hương bùn đánh dạt mùi khói xe, đưa nụ cười của hai người đàn ông lấp đầy mi mắt đang nhìn về phía mặt trời.
Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Baovannghe.vn - Bài thơ Thề non nước không chỉ là lời tự tình đằm thắm của một tâm hồn thủy chung, tin cậy mà còn cất giấu trong mình một bức tranh thiên nhiên tráng lệ và quyến rũ mê hồn vì một vẻ đẹp như sinh ra bởi con người và cũng chỉ dành để cho con người.
Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Baovannghe.vn - Nhà văn Nguyễn Chí Trung trưởng thành từ thiếu sinh quân. Đi lính từ bé và làm cán bộ đại đội từ trẻ - ngày nền nông nghiệp của ta xứng danh với cái tên “nghèo nàn và lạc hậu” thì ông hòa nhập vào lớp thanh niên “vượt lên hàng đầu, vượt là vượt như tên bay”...