Sáng tác

Thương con chiền chiện. Tản văn của Việt Tâm

Việt Tâm
Tản văn
08:00 | 05/10/2024
Baovannghe.vn - Cả một đồi cây sau làng là thế giới của các loài chim, nhiều lắm, chúng bay thành từng nhóm, từng bầy, có khi từng đôi, cũng có khi riêng lẻ…
aa

Khi ồn ào náo nhiệt, lúc lảnh lót ríu ran… Đó là khung cảnh của những ngày tháng xa xưa, còn bây giờ làng cứ rộng dần ra, nhà cửa xây dựng cao dần lên, và đồi cây khép kín thành nhà cửa làng mạc cả rồi.

Các loài chim thì vẫn còn, nhưng không nhiều. Buổi sáng tôi thường đứng trước sân, dưới vòm các cây: Sấu, roi, bưởi, mít đan dày màu xanh biếc mà nghe tiếng chim ríu ran. Chủ yếu là bầy chim sẻ, chim sâu, đôi khi có mấy chú chim dẻ quạt với chiếc đuôi xoè rộng duyên dáng… Một ngày của loài chim chắc cũng giống như của con người, khi trời rạng sáng, chúng như vừa thức giấc, ùa ra lao xao, tựa như chúng gọi nhau hội họp, dăm ba câu chuyện dặn dò động viên gì đó, rồi tản mát mỗi con một hướng, bắt đầu một ngày bắt sâu, nhặt hạt kiếm mồi… Cũng có lúc gần trưa, chúng tụ lại chuyện trò một chút như thế….

Có thể mỗi loài đều có địa bàn của riêng mình, với những món ăn riêng của mình, tôi không biết rõ lắm. Nhưng tôi biết nhiều loài ăn quả chín, như quả cây đa, quả ổi, quả khế, xoài và thị, chuối và na, vân vân… Còn như chim chiền chiện thì hay trở về vào mùa lúa chín. Khi cánh đồng lúa chuyển sang một màu vàng no ấm, đàn chiền chiền chao liệng trên sóng lúa rập rờn, chúng bắt muỗm, châu chấu hay cào cào… chẳng rõ. Còn mùa xuân, mùa thu, khi lúa đang thì con gái xanh non mượt mà thì cò vạc bay về tạo nên bức tranh quê thanh bình, êm ả…

Thương con chiền chiện. Tản văn của Việt Tâm
Chiền chiện mẹ mớm mồi cho con

Trong những câu chuyện kể của bà, của mẹ trong những trưa hè oi ả, hay những đêm đông giá lạnh, con cò, con vạc, con chim sâu, chim sẻ… thấp thoáng mà gần gũi. Ngày mùa đi gặt, mẹ bảo bớt lại mấy khóm thưa thớt ven bờ, mấy khóm lúa đổ lúa gẫy… dành cho người đi mót và cho đàn chim chóc còn nhặt nhạnh, kiếm tìm. Mùa hồng, mùa ổi cũng không nên tận thu để còn dụ chim chóc trở về, chúng ăn trái rồi chúng còn bắt sâu, bắt muội… giúp cây cối xanh tươi.

Thành phố trẻ nơi tôi cư trú quy hoạch nhiều công viên to đẹp. Mỗi buổi sáng sớm, hay chiều hôm đi bộ trong công viên tôi thường ngước mắt lên những vòm lá xanh mát mà ngóng theo cánh chim bay lượn. Theo năm tháng, tán cây mỗi ngày mỗi dày lên, thì chim chóc cũng nhiều hơn, nhưng chủ yếu là chim sẻ, chim sâu nhỏ xíu xíu, chúng bay vù vù giữa các cành lá, chuyền từ cành này sang cành kia, xao động cả một vòm trời. Đi dưới tán cây tôi lại nhớ về chuyện những chú chim khổng tước thích ăn hồng, con chào mào ăn quả đa, quả ổi, cả chuyện con chim Thần bay về ăn khế trả vàng… và cả câu chuyện trồng cây ăn quả ở những khu du lịch sinh thái.

Trồng loài cây gì là cả một bài toán khoa học gọi chim về. Ví như mận, đào, xoài, nhãn, ổi, mít, hồng xiêm, hồng đỏ… càng phong phú thì càng nhiều loài chim quần tụ trở về. Tôi lan man ngắm và điểm tên những cái cây trong các công viên thì thấy phần lớn là cây lấy bóng mát, lấy hoa làm đẹp như hoàng lan, ngọc lan, phượng vỹ, bằng lăng, muồng, ban, osaka… thoảng hoặc có vài cây xoài. Mùa quả chín từng chùm quả đu đưa trong gió, thỉnh thoảng rụng xuống vài quả chín mà chim đã ăn quá nửa. Cũng có mùa tôi thấy mấy người vác chiếc sào dài đi hái quả, hái hết cho riêng mình…

Đi dưới vòm xanh mỗi ngày, tôi cứ ước ao người ta quy hoạch nơi công viên này thêm nhiều cây ăn quả, những loại cây thuần chủng giống cũ như ổi găng, ổi mỡ, những cây thị, cây nhãn mà càng cổ thụ, càng chót vót cao xanh, quả nhỏ mà thơm nưng nức mời gọi muôn loài chim về làm tổ.

Đang giữa xuân mà nắng chang chang kéo dài như đầu hè. Giữa vòm cây yên ả phơi dưới nắng, một tiếng chim vít vịt ngang qua trời, loang xa khắc khoải… Phải chăng là biến đổi khí hậu? Làng quê cũng đang dần dần ít cây xanh, công viên nơi đô thị quy hoạch đẹp mà ít cây ăn quả. Chợt nghe phong thanh trong thẳm sâu nỗi nhớ hương vị của mấy quả xoài còi, quả ổi, quả thị… Bé xiu xiu mà dậy hương nưng nức.

Việt Tâm | Báo Văn nghệ

----------

Bài viết cùng chuyên mục:

Phận cây. Tản văn của Lê Hữu Tỉnh Về với cánh đồng. Tản văn của Nghiêm Huyền Vũ Khúc mưa. Tản văn của Nguyễn Hiền Nhớ thương mùa gặt. Tản văn của Đan Hà Đâu rồi lời ru của mẹ. Tản văn của Nguyễn Hoà Bình
Đổi mới sáng tạo Giáo dục Đại học: Cần định hướng và xây dựng chiến lược dài hơi

Đổi mới sáng tạo Giáo dục Đại học: Cần định hướng và xây dựng chiến lược dài hơi

Baovannghe.vn - Trong khuôn khổ " Ngày hội đổi mới sáng tạo" - hội thảo “Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong giáo dục đại học Việt Nam: Năng động và hợp tác” đã đặt ra và giải đáp nhiều vấn đề về Đổi mới Giáo dục đại học hiện nay.
Nhớ làng - Thơ Trần Chấn Uy

Nhớ làng - Thơ Trần Chấn Uy

Baovannghe.vn- Chào mào hót: cởi quách cái thử nào/ Cô gái trẻ giật mình cài lại yếm.
Giải thưởng - Thơ Thanh Quế

Giải thưởng - Thơ Thanh Quế

Baovannghe.vn- "Tác phẩm có ảnh hưởng tốt đến tư tưởng và tình cảm của nhân dân”/ Trong hội trường/ Anh vận bộ veston đỉnh đạc bước lên sân khấu nhận giải thưởng
Chuyện vãn ở La Thành - Thơ Lê Huy Mậu

Chuyện vãn ở La Thành - Thơ Lê Huy Mậu

Baovannghe.vn- Thi nhân ạ!/ Khó minh định rạch ròi/ Ta đang ở Giới nào trong Tam giới?/ Này thì rượu. Này thì thơ. Này thì em roi rói
Câu chuyện cửa ô xưa

Câu chuyện cửa ô xưa

Hà Nội với 36 phố phường và 5 Cửa ô trong những vần thơ, câu hát đã khắc sâu trong tâm thức biết bao thế hệ người Việt. Cửa ô - danh xưng độc đáo, riêng biệt chỉ có ở Hà Nội, được mở ra tại phần tiếp giáp với sông Hồng, có chức năng như một cửa khẩu buôn bán và được canh phòng cẩn mật. Tuy nhiên, trải qua bao biến thiên thăng trầm của lịch sử, những Cửa ô xưa của đất Kinh kỳ đã chìm dần trong ký ức. Câu chuyện về những Cửa ô của Hà Nội là một nội dung đầy tính hấp dẫn về chính bản thân nó cũng như gắn liền với lịch sử của mảnh đất nghìn năm văn hiến Thăng Long - Hà Nội.