Chuyên đề

Khúc mưa. Tản văn của Nguyễn Hiền

Nguyễn Hiền
Văn học địa phương
13:00 | 28/09/2024
Baovannghe.vn - Tôi đưa bàn tay hứng những giọt mưa thu đang rơi rơi bên thềm, lòng bồi hồi với bao nhiêu kỷ niệm ùa về ngọt ngào và xao xuyến trong tim.
aa

Phố chiều nay mưa, phố chiều nay buồn và trầm tư qua từng nét rêu phong. Những giọt mưa như những nốt nhạc, giăng mắc gieo vào lòng tôi bao nỗi nhớ. Ừ thì đôi khi cũng mượn cớ cơn mưa ngồi nhâm nhi ly cà phê bên góc phố để nghe những thanh âm vọng về. Một cảm giác yên bình đến lạ.

Tôi đưa bàn tay hứng những giọt mưa thu đang rơi rơi bên thềm lòng bồi hồi với bao nhiêu kỉ niệm, những ngày xa vắng lại náo nức ùa về ngọt ngào và xao xuyến trong tim.

Giữa cuộc sống đời thường với bao bộn bề lo toan vất vả, chẳng có thời gian cho những cảm xúc đan xen. Có thể mưa chỉ là một sự bình thường. Thoắt đến, thoắt đi mang nhiều cung bậc hỉ nộ của mùa. Mưa là những châu ngọc trời ban lấp lánh trong trang thơ thi nhân. Nhưng trong tôi mưa luôn là sự ngọt ngào, là nỗi nhớ xa xôi. Mang thật nhiều tâm trạng, niềm vui nỗi buồn lãng đãng trong suy tư. Mưa làm cho nỗi nhớ dài rộng ra và cuốn trôi đi bao muộn phiền.

Tôi thèm trở về với những cơn mưa ngày xưa. Những cơn mưa đã in đậm trong tiềm thức mới ngọt ngào trong trẻo làm sao. Nơi tuổi thơ tôi thiếu thốn về vật chất nhưng lại đong đầy những yêu thương, những mộng mơ, nên thơ và đẹp đẽ với bao khát vọng xa xôi

Khúc mưa - Tản văn của Nguyễn Hiền
Tranh minh họa. Nguồn Internet

Ngày xưa tôi cứ nghĩ những đứa trẻ ở nơi thành phố thật sung sướng biết bao. Nhưng giờ đây bàn chân tôi đã đi muôn nẻo đường đời và mấy mươi năm giữa phồn hoa đô thị tôi lại thấy thương những đứa trẻ nơi này. Chúng chẳng biết đến tuổi thơ mơ mộng yên bình. Chẳng biết đến lam lũ của ruộng đồng, chẳng biết đến thả diều đá bóng, hong nắng tắm mưa hay những trưa hè gấp con thuyền bằng giấy chở theo cả ước mơ xa. Giờ đây khi đứng ở dốc đời vời vợi tôi lại thèm được trở về hít hà hương đồng gió nội. Nằm dưới gốc đa làng ngắm mây trời nhìn khói màu lam. Tôi thèm được đi giữa chiều vàng trên cánh đồng mênh mông bát ngát, thèm cái hương vị ngô đồng đến lạ.

Miền Bắc có bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, nhưng tôi thích nhất mùa Thu. Nếu thu đẹp và quyến rũ từ cái hanh hao mát nhẹ của đất trời. Thu là sự dịu dàng mà tạo hóa ban tặng cho nhân gian. Nhìn những giọt mưa thu cứ rơi rơi lăn tròn rồi bắn tung tóe, những giọt bong bóng vỡ tan, tinh nghịch làm tôi thấy thích thú vô cùng. Khúc mưa là bản hợp xướng của vạn vật reo vui. Người ta bảo mưa thu là mưa thiếu nữ bởi sự dịu dàng, ngọt ngào. Tôi thường ngồi hàng giờ bên hiên nhà ngắm những giọt mưa trên mái tranh rơi xuống vỡ long lanh. Mưa rơi lộp bộp trên những tàu lá chuối ngoài vườn. Những cây na cây ổi cây bưởi, cây bòng bố tôi trồng như reo vui trong khúc nhạc mưa.

Mẹ tôi thường ngồi khâu vá lại những tấm áo rách đã cũ mèm. Tôi bảo mẹ đang gom những mảng màu hạnh phúc. Mẹ cười che giấu đi nỗi buồn mà cả đời bố mẹ chật vật vẫn mãi không thoát khỏi cảnh nghèo. Mẹ thở dài nhìn mưa rơi mà bảo: "Con gái như hạt mưa sa. Cứ mơ mộng thế này rồi mai này lại khổ đấy con ạ". Chẳng biết câu nói của mẹ tôi có đúng không nhưng truân chuyên cứ đeo bám mãi cuộc đời chênh vênh của tôi. Chắc có lẽ còn lâu lắm mới có thể gọi là sung sướng.

Tôi vẫn đi về trong mưa nắng đan xen tất tả giữa đời thường nhật nơi xứ người. Vẫn mang bao kỉ niệm của những ngày tháng bên mái tranh nghèo có đủ đầy hạnh phúc và những giọt mưa tinh nghịch trong veo. Tôi đã đi qua bao nhiêu cơn mưa, những giọt mưa đi qua mang nhiều cảm xúc, mỗi giọt mưa gắn với mỗi phận đời.

Mỗi giọt mưa một phận đời

Kẻ dày người mỏng nổi trôi cõi phàm.

Mẹ tôi cũng như giọt mưa kém may mắn. Mỗi khi mưa tôi lại nhớ mẹ bởi mẹ đã vất vả cả một đời người. Chưa khi nào tôi thấy mẹ được mặc manh áo mới. Mỗi miếng vá là những đóa hoa đời cho anh chị em tôi khôn lớn. Tôi cứ hơn hớn, mơ mộng, bay bổng và lãng mạn trong những ngày mưa với suy nghĩ trong veo mà đâu biết mẹ tôi đã chạy vạy, vay mượn từng bò gạo đắp đổi qua những ngày mưa gió và những ngày giáp hạt cho cả gia đình. Bố tôi vẫn thường ngồi trầm ngâm hút thuốc lào đôi mắt nhìn ra ngoài trời mưa xa xăm mang nỗi buồn thăm thẳm.

Thời gian trôi cùng bao kí ức theo tôi về xứ lạ cứ ăm ắp ngọt ngào mà cũng nghèn nghẹn trong tâm thức mỗi khi chạnh lòng nhìn mưa rơi.

Giữa dòng đời bon chen, cơn mưa là niềm mong mỏi của những con người tất bật đang chạy đua với thời gian. Bất chợt giữa phố phường làm bao người ướt áo. Mưa làm nhạt nhòa trên khóe mắt người con gái lẻ loi. Nước mưa chen lẫn với nước mắt người phụ nữ gánh hàng rong trong đêm vắng thưa người. Chỉ tiếng dế nỉ non đến não nề. Mưa hòa tan vào giọt mồ hôi mặn chát của lớp người dân lao động mà công việc họ coi như hơi thở của mình. Mưa hả hê, cuốn trôi, gột rửa đi bao nhiêu bụi bặm rêu phong của phố và cây xanh trơ trơ hứng chịu qua thời gian nắng gió . Những cơn mưa nhẹ nhàng khiến người ta chạnh nhớ, chạnh buồn bởi cô đơn mà nhiều lý do mang lại.

Có khi cơn mưa như thét gào giận dữ bật tung cành cây như than oán cho những số phận. Mưa nặng trĩu suy tư. Mưa ào ạt dữ dội tuôn hàng muôn triệu giọt như sự chịu đựng của người phụ nữ bỗng vỡ òa trong tiếng nấc mà đã từ lâu đang nghẹn đắng. Có khi mưa là giọt nước mắt chia xa, hay sự ân hận sau những lỗi lầm. Cuộc đời như những giọt mưa. Có lúc êm ái nhẹ nhàng, lúc như xé toạc màn trời trong tuyệt vọng. Mưa cũng có những thăng trầm rất riêng. Cuộc đời sẽ đẹp đẽ hơn sau cơn mưa, trong trẻo, tinh khôi hơn vì bụi bặm phiền muộn sẽ cuốn trôi đi theo dòng nước tung tăng. Mưa như một phần tất yếu trong cuộc sống.

Tôi đã đi qua không biết bao nhiêu mùa mưa. Qua biết bao nhiêu cơn mưa. Để rồi chiều nay ngắm mưa trên phố tôi lại bắt gặp chính mình. Gặp lại cảm giác của ngày xa xôi. Tôi lại đi tìm ánh mắt cuối hiên mưa, nơi mối tình đầu làm tôi ướt áo, nơi tôi và anh trú hàng giờ bên mái tranh ngắm những giọt mưa thu thánh thót rơi rơi...

Anh đưa đôi bàn tay tạt nhẹ

Ướt áo em, ướt cả mối tình đầu.

Tôi ra đi mang mối tình thơ về xứ lạ. Bỏ lại sau lưng những cánh thư ướt nhòe từng nét chữ và ánh mắt đượm buồn. Mắt tôi cũng nhòe ướt, hòa trong cơn mưa chiều xa ngái. Để rồi không biết bao chiều đi làm về bất chợt gặp những cơn mưa ngang qua phố tôi lại chạnh buồn. Lại muốn đi chân trần ra phố mà khóc thật to lên trong cơn mưa mà bao lâu nay nén ghìm chịu đựng.

Lại muốn mình bé lại để được úp mặt vào lòng mẹ cho năm tháng vỗ về. Hòa mình vào cơn mưa cho cái lạnh thấm vào da thịt và nghe dư cảm ngọt ngào ngày xưa vọng về cùng ánh mắt của người xưa trên đường mưa năm ấy.

Phố chiều nay mưa. Những thanh âm lúc đục lúc trong, khi êm dịu khi dữ dội. Những thanh âm như thấm vào lòng tôi rưng rức. Kí ức cơn mưa và mẹ cứ vời vợi chân trời làm se thắt trái tim côi...

Mẹ và kí ức dưng thơm

Chan tôi với cả chén cơm xứ người.

Nguồn: Văn nghệ Đồng Nai số 78 (Tháng 8 năm 2024)

--------

Bài viết cùng chuyên mục:

Nghe thu - Tản văn của Phạm Gia Hưng Đêm đàn bầu. Tản văn của Lê Trung Lương Người giờ phương nao. Tản văn của Trần Quỳnh Nga Tàn lửa của mặt trời. Tản văn của Phạm Gia Hân Phận cây. Tản văn của Lê Hữu Tỉnh
Nguồn: Văn nghệ Đồng Nai số 78 (Tháng 8 năm 2024)
Từ Đền Hùng còn vang vọng mãi lời Bác dạy

Từ Đền Hùng còn vang vọng mãi lời Bác dạy

Baovannghe.vn - Trong chín lần về Phú Thọ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hai lần tới thăm Đền Hùng.
Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về "Chống lãng phí"

Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về "Chống lãng phí"

Baovannghe.vn - Trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm công tác phòng, chống lãng phí, đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận về vấn đề này và lãnh đạo cả hệ thống chính trị, toàn dân tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả. Văn nghệ điện tử trân trọng giới thiệu nội dung bài viết “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm.
Khéo dư nước mắt. Tạp bút của Đông Trình

Khéo dư nước mắt. Tạp bút của Đông Trình

Baovannghe.vn - Con đường ấy mang tên "Đông - Tây". Đơn giản là nó nối hai phương của một thành phố. Con đường lớn, đẹp, lối đi hai chiều.
Kiến trúc Hà Nội - 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954-2024)

Kiến trúc Hà Nội - 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954-2024)

Baovannghe.vn - Kiến trúc Hà Nội - 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954-2024) là cuốn sách có giá trị tổng quan và sâu sắc về các chặng đường phát triển của kiến trúc, đô thị Hà Nội.
Trầm ngâm quê nhà- Thơ Nguyễn Văn Hòa

Trầm ngâm quê nhà- Thơ Nguyễn Văn Hòa

Baovannghe.vn- Tôi từ thương nhớ mà đi/ Vọng trong ngày cũ xanh rì chiêm bao/ Nam non ướt ngọn mưa rào/ Nồm già nứt vách chênh chao nếp nhà