Sáng tác

Đâu rồi lời ru của mẹ. Tản văn của Nguyễn Hoà Bình

Nguyễn Hoà Bình
Tản văn
11:00 | 01/10/2024
Baovannghe.vn - Tôi ngồi trên ban công để ngắm trời mưa vào một ngày đầu mùa hạ nơi miền Nam, phải nói rằng tôi có ít thời gian thảnh thơi như thế.
aa

Ngoài kia phố đang hối hả, những âm thanh í ới gọi nhau trú mưa làm tôi liên tưởng đến nơi miền quê của những thập niên tám mươi. Khi những cơn mưa ập đến bất ngờ, lũ trẻ con đang chơi đùa thì bố mẹ gọi về nhà thu dọn lúa trên sân. Trong không gian vội vã ấy, đứa bé trên nôi bật khóc khiến người mẹ bỏ nong lúa để hát vội lời ru cho đứa con ngon giấc ngủ.

Miền quê thân thương ấy cứ hiện về như ngày hôm qua, với tôi không hề phai nhạt. Quê hương là cánh đồng lúa chín, là dòng sông tuổi thơ. Nơi có dáng mẹ tảo tần đi trong gió, là con đường đầy bùn non trơn trợt ở mùa đông. Là tấm bánh từ tay mẹ trao khi đi chợ về, ký ức xưa vang vọng theo suốt hành trình cuộc sống của tôi.

Thế hệ chúng tôi trở về trước có lẽ ai ai cũng thấm nhuần lời ru của mẹ, hay bên chiếc võng tre đơn sơ lời ru của bà nghe man mác buồn. Tôi không biết lời ru bắt nguồn từ đâu, chỉ biết khi người mẹ cất lên lời ru luôn có một nỗi niềm chất chứa. Lời ru vang lên nhằm cho trẻ thơ ngon giấc ngủ nhưng chứa đựng ẩn ý của người hát ru, thông điệp truyền tải khiến người nghe thấu hiểu nỗi lòng người hát ru. Hầu như luôn có một nỗi lòng trong sâu thẳm mà chưa biết giải bày cùng ai để rồi khi hát ru nó cứ thế mà vang lên. Đa phần hát ru từ những câu hát đồng giao, những bài thơ văn mộc mạc. Khi cất lên người nghe sẽ hiểu ngay hoặc lời nhắc nhở khéo léo với người chồng, người cha hay những người sống trong gia đình và chòm xóm. Trong suốt quảng thời gian thơ bé nơi miền Trung câu hát ru quen thuộc nhất với tôi là: “ầu… ơ… con ơi con ngủ cho ngoan… để mẹ đi chợ kẻo mà chợ trưa…”

Đâu rồi lời ru của mẹ. Tản văn của Nguyễn Hoà Bình
Lời ru của mẹ. Tranh minh hoạ

Có thể đây không phải là bản gốc, mà tôi nhớ vì đó là lời ru của mẹ dành cho anh em chúng tôi. Với những đứa trẻ trên nôi lời hát ru êm dịu, nhẹ nhàng khiến chúng dễ dàng đi vào giấc ngủ. Chắc chắn đứa trẻ không hiểu được những gì người mẹ, người bà truyền tải. Nội dung câu hát ru truyền tải thông điệp lại dành cho những người lớn xung quanh đứa bé.

Gió vẫn thổi ngoài hiên, nắng vẫn hanh hao ngoài ô cửa nhỏ. Những bộn bề lo toan của người phụ nữ ngày xưa vẫn cứ trĩu nặng trên đôi vai gầy người mẹ, để rồi lời ru cứ thế mà buông lơi. Nỗi buồn man mác ấy cứ theo suốt hành trình người mẹ quê xưa, vốn dĩ cuộc sống nông thôn nghèo khó mà phụ nữ xưa lại phải chịu nhiều thiệt thòi hơn bây giờ.

Ở thập niêm tám mươi người phụ nữ luôn lùi về phía sau để người đàn ông cáng đáng mọi thứ. Dù trong gia đình không còn nhiều như chế độ phong kiến, sự hy sinh thầm lặng của họ vẫn là lớn lao. Vài minh chứng nhỏ, khi trong làng trong xóm có tiệc tùng người đàn ông luôn được đi ăn cỗ, khi mua bộ quần áo mới người mẹ cũng mua cho con cái trước… sự cam chịu đôi khi không phải là bắt buộc nhưng bản tính và sự hy sinh của người phụ nữ xưa cứ thế như một thói quen.

Ngày tôi còn bé, nơi miền quê lũ trẻ con không có nhiều trò chơi hay giải trí như thế hệ bây giờ. Chính vì điều này mà những đứa trẻ như tôi hay lắng nghe lời ru của mẹ, như lắng nghe một điệu nhạc du dương. Lời hát ru xưa mộc mạc không có đệm đàn hay bất kỳ nhạc cụ nào, thế nhưng lại rất êm tai đi vào lòng người. Lớn hơn một tí khi đã đi học tôi thường để ý hơn về câu từ trong lời ru của mẹ, của bà. Tuy chưa thật sự thấu hiểu nhưng tôi cũng hiểu ít nhiều về lời ru mà mỗi hoàn cảnh hay không gian mà người bà, người mẹ muốn truyền tải.

“Ầu… Ơ… ví dầu…

Ví dầu cầu ván đóng đinh,

Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi.

Khó đi mẹ dắt con đi,

Con đi trường học, mẹ đi trường đời.”

Có lẽ xuất phát lời ru từ đồng bằng Nam Bộ, thế nhưng khi giữa trưa hè miền Trung bên chiếc võng tre kẽo kẹt lời ru của mẹ nghe sao man mác. Cái trường học của con thì ắt hẳn là vui tươi nhưng cái trường đời của mẹ nghe sao nặng trĩu. Tôi chỉ thấy nao nao lòng liên tưởng đến những khó khăn trên bước trường đời của mẹ.

Xã hội phát triển, hiện nay công nghệ số lên ngôi. Con người tiếp cận với điện tử thay thế. Trẻ con và người làm cha mẹ bây giờ không còn mặn mà với lời ru, thay vào đó là những là cách dỗ dành theo công nghệ. Những chiếc Smartphone được thay thế ru ngủ trẻ thơ, con khóc người ta dùng điện thoại, con biếng ăn người ta dùng điện thoại, điện thoại còn được dùng như phần thưởng với trẻ nhỏ.

Tôi không chê trách thế hệ trẻ, vì tôi đã là lớp người cũ. Tôi yêu cái mộc mạc xa xưa kia vì ở đó có bóng dáng mẹ tôi, người mẹ trong tôi như một tượng đài không thể thay thế. Cứ thế tôi giữ cho mình một lời ru nho nhỏ mà ký ức là mẹ hát tôi nghe, nó không tàn phai dù rằng đã là qúa khứ.

Quá khứ là một cái gì đó thiêng liêng với tôi, tôi tin những con người ở cùng thế hệ với tôi cũng gìn giữ cho mình lời ru của mẹ như một bảo vật mang theo. Biết rằng không gì là vĩnh cữu nhưng hát ru vẫn là một nét văn hoá đặc sắc của người Việt, nó có thể bị mai một nhưng trong lòng những đứa trẻ xa xưa thì nó tồn tại vĩnh hằng.

Miên man dưới trời để những hạt mưa kia phả vào mặt, những hạt mưa mát lạnh đầu mùa làm không gian chùng lại. Ngoài kia phố như không còn hối hả, dòng người đi trong mưa để tìm về bến bờ hạnh phúc. Nhận cho mình một hạnh phúc nhỏ nhoi đó là khoảng không gian xưa bên chái bếp, đó là khói bếp len lõi lên bầu trời trong mưa. Nơi có mẹ, có lời ru đi cùng năm tháng. Nơi con sông quê trưa hè mát mẻ, nơi có khóm trúc bờ tre đó là năm tháng tuổi thơ. Tuổi thơ mà tôi luôn muốn quay về, về miền ký ức.

Nguyễn Hoà Bình | Báo Văn nghệ

--------

Bài viết cùng chuyên mục

"Nàng tôn nữ" bên dòng sông Hương. Tản văn của Hoàng Khánh Duy Nghệ sĩ thổ mộ. Tản văn của Nguyễn Nhã Tiên Hoài niệm trung thu xưa. Tản văn của Ngô Trọng Nghĩa Phận cây. Tản văn của Lê Hữu Tỉnh Về với cánh đồng. Tản văn của Nghiêm Huyền Vũ
Chuyện vãn ở La Thành - Thơ Lê Huy Mậu

Chuyện vãn ở La Thành - Thơ Lê Huy Mậu

Baovannghe.vn- Thi nhân ạ!/ Khó minh định rạch ròi/ Ta đang ở Giới nào trong Tam giới?/ Này thì rượu. Này thì thơ. Này thì em roi rói
Câu chuyện cửa ô xưa

Câu chuyện cửa ô xưa

Hà Nội với 36 phố phường và 5 Cửa ô trong những vần thơ, câu hát đã khắc sâu trong tâm thức biết bao thế hệ người Việt. Cửa ô - danh xưng độc đáo, riêng biệt chỉ có ở Hà Nội, được mở ra tại phần tiếp giáp với sông Hồng, có chức năng như một cửa khẩu buôn bán và được canh phòng cẩn mật. Tuy nhiên, trải qua bao biến thiên thăng trầm của lịch sử, những Cửa ô xưa của đất Kinh kỳ đã chìm dần trong ký ức. Câu chuyện về những Cửa ô của Hà Nội là một nội dung đầy tính hấp dẫn về chính bản thân nó cũng như gắn liền với lịch sử của mảnh đất nghìn năm văn hiến Thăng Long - Hà Nội.
Hoa Ưu Đàm - Thơ Nguyễn Hoa

Hoa Ưu Đàm - Thơ Nguyễn Hoa

Baovannghe.vn - Bóng nhẫy lời khen/ Bài thơ/ Thiếu dòng mồ hôi nhễ nhại mặt người/ Thiếu hoa vân tay trong hồ sơ lưu trữ
"Đổi Tư Thế" MV nhạc dung tục gây tranh cãi

"Đổi Tư Thế" MV nhạc dung tục gây tranh cãi

Ca khúc "Đổi tư thế" của Bình Gold và Andree Right Hand vừa ra mắt vào ngày 2/10/2024 đang gây sốc và tranh cãi mạnh mẽ trong cộng đồng mạng, MV nhanh chóng xuất hiện trong danh sách âm nhạc thịnh hành. Tuy nhiên, thay vì được đón nhận tích cực, sản phẩm âm nhạc này lại bị lên án vì phần ca từ mang tính tục tĩu và phản cảm, dấy lên những lo ngại về ảnh hưởng của nó đối với khán giả, đặc biệt là giới trẻ.
Viết bằng nước mắt đỏ - Thơ Vương Tùng Cương

Viết bằng nước mắt đỏ - Thơ Vương Tùng Cương

Baovannghe.vn- Vẻ trầm lặng khiêm nhường/ nhưng ánh mắt không phải thế/ ánh mắt của mưa nguồn chớp biển/ có sông Lam bến tuổi thơ sạt lở