Sáng tác

Tiếng chim đêm

Lê Na
Tản văn
14:15 | 23/07/2024
Ngày nhỏ, tôi rất sợ tiếng chim đêm. Mẹ tôi dọa, có con thủ thỉ thù thì ba đuôi, thường kêu về đêm. Đấy là lúc nó đi ăn, nghe tiếng trẻ khóc là nó đến...
aa

Ngày nhỏ, tôi rất sợ tiếng chim đêm. Mẹ tôi dọa, có con thủ thỉ thù thì ba đuôi, thường kêu về đêm. Đấy là lúc nó đi ăn, nghe tiếng trẻ khóc là nó đến. Có tiếng rì rầm “thủ thỉ, thù thì” đó thật. Đó là tiếng kêu của loài chim ăn thịt. Cứ vào độ đầu hè chim thủ thỉ, thù thì thầm thĩ kêu gọi bạn. Con trống gọi “thủ thỉ”, con mái đáp “thù thì” Cho tới khi hai tiếng kêu chập vào một. Tiếng kêu trầm, đục mà vang vọng làm trẻ con sợ vãi đái. Tiếng kêu như từ sâu thẳm nõi khá vọng dội lên. Rồi chim lợn, chim cú mèo, cứ nghe tiếng kêu của chúng là người ta quan niệm đâu đó trong làng có chuyện chẳng lành. Tiếng chim độc địa, báo trước một tai họa? Những tiếng chim đêm rình rập làng quê nghèo khó, lạc hậu.Tiếng kêu ấy trở thành huyền thoại và đã xa dần giống như tuổi thơ mỗi người.

Bố tôi thì không hay dọa chị em chúng tôi về tiếng chim đêm. Bố tôi kể chuyện Cò với Vạc. Chuyện Anh nông dân và con cò trong sách giáo khoa hồi ấy. Kết thúc chuyện, bao giờ bố tôi cũng ngân nga câu thơ lục bát:

“Công anh bắt tép nuôi cò/Cò ăn, cò béo, cò dò lên cây”.

Tiếng chim đêm

Một hôm, bố tôi bắn súng cao su được một con cò. Ông vạch dưới bụng cò, chỉ vào đám lông màu vàng. Toàn bộ lông màu trắng muốt của con cò, chỉ duy nhất có đám lông màu vàng phía đuôi. Bố tôi bảo, đám lông này chính là “văn tự” bán đất của vạc cho cò. Câu chuyện làm cho tôi xúc động. Cò và vạc cùng sống chung trên cánh đồng làng. Họ là láng giềng tốt của nhau. Nhưng rồi, một tai họa ập tới nhà vạc, vạc phải bán tất cả tài sản, ruộng đất cho cò. Không có giấy trắng, mực đen, vạc đành trao chút lông màu vàng cho cò giữ làm bằng chứng. Từ khi mất ruộng, vạc phải chui lủi trong đêm hôm khuya khoắt kiếm ăn, nuôi mình,nuôi con…Chuyện cò, vạc luôn còn mãi trong đời sống nông thôn mọi thời đại.

Mấy chục năm trước, đồng làng tôi có rất nhiều chim sinh sống. Đây là cánh đồng rộng nhất tỉnh. Cuối cánh đồng, có con suối ngòi Chả chảy men chân đồi, đổ ra sông Lô. Mỗi mùa mưa lũ, nguồn nước từ sông Lô dâng lên đồng. Rồi nước từ các đồi gò dãy núi phía bắc, phía tây dồn về. Cá tôm, cua ốc thỏa sức sinh sôi. Đó cũng là môi trường lý tưởng cho chim chóc, cầy cáo. Mùa gặt, sáo sậu sà xuống lưng trâu, đậu bên người. Vụ cày bừa, ngả rạ, cò về từng đàn, phơi trắng mặt ruộng. Vịt trời, có đàn tới cả ngàn con, bay về vào vụ cấy. Chúng thả mình từ trên cao rơi tự do xuống ruộng lúa, đùa rỡn. Rồi ngỗng trời, có con nặng tới bảy tám ký, sải cánh rộng cả mét. Tiếng ngỗng kiu…kiu… vang cả không trung. Dân làng phải khua sô, thùng, gõ mõ để đuổi vịt, ngỗng trời quấy phá. Mùa lúa chín, chim ri bay về như những hạt vừng đen rắc kín những bụi cây trên các gò đồi. Tôi rất thích làm lồng bẫy chim ri. Những chú chim ri nhỏ xiu, hiền từ mà tham ăn. Thế là chúng sa bẫy. Hồi hộp nhất là khi bắt chim ra khỏi lồng. Vào các buổi chiều mùa hè, trẻ trâu thường tổ chức nhau đi đuổi bắt chim cuốc. Vài ba chục đứa, cứ thấy bóng chim cuốc là đuổi bằng được. Cuốc không bay được xa, bị dồn đuổi gấp, chúng lẩn trốn trong các bụi bói, cỏ lăn, cỏ lác. Có chiều, lũ trẻ chúng tôi bắt được vài ba con. Những con cuốc lưng đen, bụng trắng, chân dài nghều ngào. Chúng bị vặt lông, mổ thịt, nướng ngay bằng củi, rơm rạ rồi chia nhau ăn.

Mùa hè, mùa sinh sản của muôn loại chim chóc. Chim cuốc cũng không ngoại lệ. Tiếng cuốc gọi bạn tình dài thâu đêm, suốt sáng. “Tù oắc…tù oắc…tù oắc…”. Con bay trên trời, con đi mò dưới đất. Giọng vang, dồn và dứt khoát. Có khi hối hả từng chập. Tiếng cuốc như nhịp tim của kẻ đang khao khát được yêu. Đợi đêm về tìm gửi một thông điệp yêu thương. Như cánh sóng và ra-đa đang dò tín hiệu. Chỉ có một giai điệu xa xót vọng vào đêm khuya thanh vắng. Tiếng cuốc vang như tiếng mõ, gõ vào màn đêm như là vô vọng. Có khi tiếng vang xa đến vài cây số. Tiếng dòng dã cả tuần, cả tháng trời, dọc mùa hè oi nồng. Tôi không sao lý giải nổi, tiếng kêu dai dẳng từ cái cổ dài ngoằng kia, được nạp nhiên liệu từ đâu. Người ta bảo, chỉ khi nào chim cuốc gặp được bạn tình, nó mới thôi kêu. Có con, bay mỏi sã cánh, rạc mòn tấm thân rồi chết rũ mà không tìm được bạn. Tình yêu cũng vậy thôi, không tìm được nửa kia của mình thì ở vậy mà tự hát ru đời.

“Lại về ngồi ngóng trăng lên/Nghe con chim cuốc kêu mềm bờ tre…” Tôi đã thuộc câu thơ này của một người làm thơ vốn từ nông dân. Anh làm tôi nhớ làng, nhớ bao kỷ niệm ấu thơ. Bờ tre, tiếng cuốc kêu dưới đêm trăng, hình ảnh rất đỗi thân thương của làng. Nó như bức phù điêu thôn quê được dệt bằng cảm xúc mờ ảo, tiếng vọng não nề dưới đêm trăng.

Đêm nay, tôi về ngủ ở làng. Quê tôi đã được công nhận đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới. Từ chập tối, không, đúng hơn là từ chiều đã vang vọng tiếng cuốc. Đâu chỉ tiếng cuốc, mà rất nhiều tiếng chim khác như tu hú, tu rúc… Chúng được kêu bằng một loại thẻ nhớ rồi phóng ra loa. Tiếng chim đêm đã bị đánh cắp, làm giả một cách trặng trợn. Tiếng kêu gắt gỏng, chát chúa, đanh thép, giống như những mảnh thủy tinh đang vỡ ra xiên, cắt, cứa vào từng lá cây, ngọn cỏ, hạt sương mai. Tiếng chim điện tử ấy đã chia đêm ra thành từng mảnh vụn, rã rời.

Không sao có thể ngủ được giữa đêm làng quê vốn được cho là yên bình trong lành. Tôi cầm đèn pin bước ra cổng. Gió từ đồng thổi về từng cơn mang về hương lúa mới, cả mùi cỏ, mùi bùn non tươi. Không còn ánh sáng lập lòe của đom đóm. Tiếng kêu gắt gỏng vẫn phía trước, càng to dần thách thức. Và đây, chân dung tiếng chim đêm. Hai cái loa chĩa về hai phía. Nó được nối với một chiếc đài nhỏ, có ác quy để duy trì nguồn điện. Một mảng lưới dài, rộng màu đen, giăng lên bầu trời trắng đục. Những chú chim dại khờ đã bị mắc lưới. Tôi quăng mấy thứ đó xuống nước. Tiếng kêu im bặt. Nhưng lắng nghe, phía xa hơn, xa hơn nữa vẫn những tiếng kêu điện tử. Nó thuộc làng khác, xã khác giữa mênh mông đêm tối…Những tiếng kêu đêm đang truy đuổi, dồn bắt đến tận diệt các loại chim thú vốn luôn thân thiện với nhà nông. Nó đã và đang làm suy giảm môi trường sống của chúng ta. Hãy chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ các loài chim, khi còn chưa quá muộn.

Đêm nay, trong tôi, những tiếng chim đêm từ xa xưa lại vọng về. Những tiếng hát của tình yêu và tự do. Những tiếng vang cua khát khao, hoan lạc và sinh sôi đang thức dậy dười trời đêm./.

Lê Na |Báo Văn Nghệ

Tháng ba có gì để nhớ - Tản văn của Lâm Trần Dì tôi - Tản văn của Đào Mạnh Long Nghệ thuật chữa lành những tổn thương - Tản văn của Ý Dĩ Trần "Cho một ngày bình thường" tản văn của Trần Quỳnh Nga Má tôi - Tản văn của nhà văn Thanh Thảo | Báo Văn Nghệ
Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Baovannghe.vn - Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc ngày 22/11 với phiên thảo luận tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Baovannghe.vn - Mây đen tan. Nắng nhẹ. Hương sen còn sót hòa cùng hương bùn đánh dạt mùi khói xe, đưa nụ cười của hai người đàn ông lấp đầy mi mắt đang nhìn về phía mặt trời.
Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Baovannghe.vn - Bài thơ Thề non nước không chỉ là lời tự tình đằm thắm của một tâm hồn thủy chung, tin cậy mà còn cất giấu trong mình một bức tranh thiên nhiên tráng lệ và quyến rũ mê hồn vì một vẻ đẹp như sinh ra bởi con người và cũng chỉ dành để cho con người.
Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Baovannghe.vn - Nhà văn Nguyễn Chí Trung trưởng thành từ thiếu sinh quân. Đi lính từ bé và làm cán bộ đại đội từ trẻ - ngày nền nông nghiệp của ta xứng danh với cái tên “nghèo nàn và lạc hậu” thì ông hòa nhập vào lớp thanh niên “vượt lên hàng đầu, vượt là vượt như tên bay”...
Đại biểu Quốc hội: Làm rõ "Tiêu chuẩn Việt Nam" trong áp thuế tiêu thụ đặc biệt

Đại biểu Quốc hội: Làm rõ "Tiêu chuẩn Việt Nam" trong áp thuế tiêu thụ đặc biệt

Baovannghe.vn - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tám, sáng nay, 22.11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).