1.
Trưa 19.12.1972, tôi và Trần Xuân Quảng từ Mai Sưu về tới Gia Lâm. Không khí chiến tranh đã hừng hực khắp nơi, nhưng dân tình vẫn tỏ ra rất bình thản. Trên vỉa hè, vẫn thấy đàn ông ngồi uống chè ấm, hút thuốc lá hoặc thuốc lào. Một vài nơi vẫn bày bán hoa tươi, mặc dù người mua rất ít. Cái làm nên không khí chiến tranh là những tấm pa nô, những dải băng rôn, những hố trú ẩn trên vỉa hè, những ngôi nhà sụp đổ, những đàn ông đàn bà đeo súng sau lưng chạy xe đạp. Và đặc biệt là mùi khen khét của vật liệu bị cháy bốc lên khắp nơi.
Cầu Long Biên đã bị đánh sập một hai nhịp gì đấy, chỉ còn một lối duy nhất qua Hà Nội là cầu phao Chương Dương, nhưng phải bảy giờ tối mới qua được. Tình thế buộc tôi phải theo Quảng đến nhà ông cậu của anh ấy. Đó là một kĩ sư toa xe còn trẻ, nên khi gặp chúng tôi, cậu của Quảng đã đạp xe đi mua được bốn lít bia hơi đem về. Chiến tranh là một lẽ, còn bia hơi cho ngày gặp mặt là một lẽ. Chỉ có bốn lít cho ba người, thế nhưng uống xong tôi vẫn lăn ra ngủ say mê mệt. Có thể do chúng tôi đã phải vừa đi bộ, vừa nhảy xe tải, suốt một chặng đường dài, từ lúc mới bốn giờ sáng.
![]() |
Hình ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Khi tôi tỉnh dậy thì trời đã nhá nhem tối. Ăn vội ăn vàng cho xong vài bát cơm, tôi lập tức chia tay hai cậu cháu Quảng để lên đường. Vậy mà cũng mãi tới gần chín giờ tối, tôi mới chen được xuống cầu, cùng lúc với cơn mưa chướng tuôn xối xả. Sông Hồng đen ngòm, cuồn cuộn gào rú. Cảnh chen chúc trên cầu rất nhộn nhạo, vì hai đầu cầu phao chỉ vươn ra tới một phần sông, khúc giữa sông phải tăng bo bằng phà. Tôi không muốn kể lại chuyện người ta chen lấn và văng tục với nhau trên cầu làm gì, bởi đó là chuyện thường tình thời chiến, ai cũng muốn qua sông thật nhanh, để tránh máy bay có thể đến ném bom bất cứ lúc nào.
Từ bến Chương Dương, tôi xuôi xuống bến Phà Đen, đi cắt ngang phố Lò Đúc đến đền thờ Hai Bà Trưng để về nhà. May cho tôi là ba tôi cũng mới vừa từ chiến trường Tây Nguyên ra tới. Bộ đồ đại cán và cái ba lô con cóc của ông cụ vẫn còn ướt đẫm. Hai cha con xúm nhau mỗi người một tay, vừa nấu nước pha chè, vừa nấu mì sợi để ăn. Đang ăn hì hụp thì còi báo động nổi lên hù hụ. Thành phố cúp điện. Cả Hà Nội chìm trong bóng tối. Đến khi còi báo động cấp ba nổi lên, lập tức đã nghe tiếng bom và tiếng súng dội rền trời. Mặc dù vậy, hai cha con tôi vẫn ngồi ăn điềm nhiên. Chỉ có mì với nước sôi chứ có gì đâu, ngoài tiếng đạn bom ầm ầm như bão.
Những tưởng Mĩ ném bom Hà Nội như mọi lần, nhưng lần này thì khác. Bốn phía, phía nào cũng nghe dội lên tiếng bom rợn người, và nhìn rất rõ đạn phòng không bay lên đỏ rực, nổ sáng loá cả bầu trời. Biết là không bình thường, hai cha con tôi chạy ngay lên sân thượng, hy vọng góp được chút gì đấy với lực lượng tự vệ phòng không, đang dùng 14ly8 đánh trả quyết liệt. Thế nhưng khi hai cha con tôi lên đến nơi, trên sân thượng đã có rất nhiều người, kể cả vài đứa trẻ không chịu đi sơ tán. Một anh tự vệ cầm loa tay, kêu gọi mọi người rời khỏi sân thượng xuống hầm trú ẩn, nhưng dường như không ai thèm nghe lời anh ta. Tất cả cứ đứng quây vòng xung quanh mấy khẩu 14ly8 mà hò hét cổ vũ, rồi nhảy cẩng lên khi máy bay bị bắn cháy trên trời, nhất là khi thấy B52 bốc cháy phừng phừng, phát ra quầng lửa trắng chói loá.
Sáng hôm sau, tôi xách xe đạp chạy dọc phố Huế, vòng trở về Bạch Mai, rồi ngược lên Khâm Thiên, Đội Cấn. Ở đâu cũng thấy quang cảnh đổ nát, cùng mùi đạn bom, mùi lửa khói, mùi da thịt cháy khét, với tiếng khóc rưng rức của những người đàn bà. Và không biết từ lúc nào, đến đâu tôi cũng thấy người ta dựng lên những tấm bia căm hờn, với một dòng chữ đập vào mắt rất mạnh: Nixon phải đền nợ máu.
Qua sáng hôm sau và sáng hôm sau nữa, tức sáng ngày 22.12.1972, tôi lấy xe đạp lên đường lúc hai giờ khuya.
Khoảng tám giờ tối tôi đến Hoàng Mai. Thấm mệt, lại ngại phải một mình băng qua khu vực Hoàng Mai hoang vắng, nên tôi rời khỏi đường quốc lộ một, lần mò tìm vào một ngôi nhà có hàng rào tre bao bọc kín bưng bốn phía. Đó là một ngôi nhà tường cất bằng đá ong, mái lợp rơm, trước cửa nhà có che tấm rèm bằng mành tre để chắn gió, cất hơi lùi về phía sau một khu đất khá rộng, với một khoảnh sân gạch, hai bên là hai mảnh vườn đánh vồng trồng khoai lang.
Nghe tiếng chó sủa, rồi nghe có tiếng chân người từ trong nhà bước ra vén tấm rèm, tôi vội vàng lên tiếng.
- Chủ nhà ơi! Tôi là bộ đội đi phép để chuẩn bị vào Nam. Cho tôi ngủ nhờ một đêm.
Chủ nhà là một người đàn bà. Không, đúng hơn, chủ nhà là một người phụ nữ còn rất trẻ, vóc người đậm đạp, tóc cắt kiểu bum bê như con gái. Nhìn thấy tôi, chị ta nói.
- Anh bộ đội, anh dắt xe vào nhà đi. Đêm hôm thế này, lại gió bấc nữa.
Biết tôi vừa chạy một mạch từ Hà Nội vào, chị ta cứ nhất định đi nấu cơm, và bắt tôi phải ngồi ăn cho bằng được. Vừa lạnh, vừa mệt, vừa đói, chỉ cần ngửi thấy mùi cơm chín, tôi đã cồn cào cả bụng, nên nói ngay, “chị mời cơm với em”, rồi đỡ ngay lấy chén cơm từ tay chị. Thấy chị đưa bàn tay phải lên làm dấu thánh, tôi vội nhìn lên bàn thờ, giật mình nhận ra Mẹ Maria đang nhìn xuống tôi, như muốn nói điều gì đó. Hơi lúng túng vì bất ngờ, nên tự nhiên tôi vuột miệng hỏi, chị theo đạo Thiên Chúa à. Chị nhìn thẳng vào mắt tôi, trả lời, cả xóm này ai cũng theo đạo, anh bộ đội cứ ăn cơm tự nhiên.
Đây là lần đầu tiên trong đời, tôi ngồi ăn cơm với một người phụ nữ, lại được người phụ nữ ấy, hết bới cơm lại gắp thức ăn, nên tự nhiên cứ xốn xang xao xuyến thế nào. Thế hệ chúng tôi thời bấy giờ, cứ hễ ai đi bộ đội, là thế nào gia đình cũng bắt cưới vợ cho bằng được, dù rằng nhiều người chưa hề biết yêu đương là gì. Cứ đi bộ đội là phải cưới vợ. Vợ xấu vợ đẹp, vợ hay vợ dở không cần biết, cần nhất là phải cưới vợ, phải sanh cho các cụ một đứa cháu; để ngộ nhỡ có không trở về, các cụ cũng còn có người nối dõi. Bởi vậy, suốt thời kì đóng quân ở Tây Bắc, tiểu đội tôi hầu như ngày nào cũng có phụ nữ đến thăm chồng. Và hầu như đêm nào, ai tham gia canh gác doanh trại, cũng len lén rình áp tai vào vách cót nhà khách, hồi hộp lắng nghe tiếng người ta cọt kẹt trên giường. Đến sáng ra thao trường, cứ được nghỉ giải lao, là tất cả xúm lại, tò mò hỏi chuyện anh chàng đêm qua vừa cọt kẹt trên giường. Mấy chàng có vợ, cứ vừa nghe vừa cười ha hả, còn một vài người chưa vợ như tôi, tất nhiên phải vừa nghe vừa tưởng tượng, để rồi sau đó thường rơi vào sự hụt hẫng, lỡ mình chết mà chưa biết gì thì uổng quá. Lại thêm một chuyện rất lính tráng, ấy là cái sự bốn năm bà vợ cùng lên thăm chồng một lúc, mà nhà khách đại đội lại nhỏ túm húm, chẳng ngăn thành buồng gì cả, cho nên cái chuyện tất cả cùng tập thể dục với vợ trong đêm là không thể tránh khỏi, thành ra cái sự bàn tán tào lao anh này anh kia, bà này bà nọ, ai khoẻ ai yếu, lại càng trở nên sôi nổi.
Mâm cơm đặt trên cái chõng tre thấp lè tè, vỏn vẹn chỉ có ba con cá trích kho, với dĩa rau lang luộc, vậy mà tôi ăn rất ngon. Ngon là bởi tôi đang đói ngốn ngấu, lại được chị chủ nhà ngồi trước mặt săn sóc, và hỏi han đủ chuyện. Khi biết tôi là sinh viên, chị càng tỏ ra quý tôi hơn, thể hiện qua cách chị nhìn tôi, hỏi chuyện tôi, vẻ cá cho tôi, và lúc chị ngồi uống nước chè vối với tôi.
Xong bữa cơm, chị ra cây rơm, rút vào mấy ôm trải ở góc nhà, lấy chỗ cho tôi ngủ, còn chị ngủ chung ổ rơm với đứa con gái lên ba ở góc nhà bên kia. Vì thấm mệt bởi quãng đường hơn trăm năm mươi cây số, nên vừa đặt lưng xuống một lúc, tôi đã lăn ra ngủ.
Đó là một đêm gió bấc thổi từ biển vào theo hướng đông bắc, nên trời rất lạnh. Hai mẹ con chị chủ nhà còn có tấm chăn chiên Nam Định, tôi thì chỉ có mỗi miếng ni lông đắp lên người, nên cứ phải nằm co quắp, và kéo rơm phủ lên người cho ấm. Càng về khuya càng lạnh, nên theo quán tính, tôi kéo cái ba lô ôm chặt vào lòng. Thế rồi tôi thấy tôi ngồi với Phụng cạnh gốc cây gạo già bên bờ sông Công. Lạnh quá, chúng tôi phải ngồi sát lại với nhau, rồi ôm chặt lấy nhau lúc nào không biết. Hơi ấm từ tấm thân mềm mại của Phụng toả sang tôi rừng rực, rừng rực. Chìm trong đê mê, tôi xiết chặt Phụng vào lòng. Nghe rõ hơi thở dồn dập đứt quảng của Phụng. Nghe rõ tiếng tim Phụng đập thình thịch, lúc nhanh lúc chậm. Tôi thèm được hôn lên đôi mắt to đen của Phụng. Tôi thèm được hôn lên đôi môi mọng chín của Phụng. Tôi thèm được khám phá Phụng đến tận cùng biết bao.
Đến khi tôi cảm nhận được bàn tay của Phụng, thì bàn tay của tôi cũng đã chạm được vào da thịt của Phụng tự lúc nào. Mềm mại và nóng ấm. Mềm mại và nóng ấm. Hừng hực trong tôi như có lửa, như run bắn lên tới từng tế bào giần giật. Với tất cả sức trai tráng của mình, tôi xiết chặt Phụng vào thật chặt hơn nữa. Tôi cảm nhận từng cơn rùng mình đê mê, đê mê. Ôi Phụng ơi, chắc là anh chết mất. Anh không thể chịu được hơn nữa sự nung đốt của em. Chắc là anh chết mất.
Mở choàng mắt ra. Tôi bàng hoàng không thể tin được vào mắt mình.
Chị đấy. Chị chủ nhà đấy. Chị đang trong vòng tay tôi. Và chính chị cũng đang ôm ghì lấy tôi mà xiết. Sợ hãi đến run lên, tôi từ từ rút bàn tay ra khỏi ngực chị, nhưng chị lại nắm giữ thật chặt và đè mạnh xuống. Thảng thốt trong hơi thở dồn dập đứt quảng, là tiếng chị cất lên rất nhỏ. “Anh bộ đội. Anh sắp vào chiến trường. Anh…”.
Như chỉ chờ có thế, vội vả một cách hấp tấp, tôi tham lam gắn chặt môi mình lên môi chị. Tôi tham lam uống ừng ực tất cả mặn ngọt dâng lên lìm lịm từ trong chị. Bàn tay tôi cũng tham lam như vậy. Và tôi cảm nhận rất rõ, đôi bàn tay đôi bàn chân khoẻ mạnh của chị, cũng đang rừng rực tham lam, như đôi bàn tay đôi bàn chân rừng rực tham lam của tôi. Tôi đang bốc cháy. Tôi đang chảy ra. Tôi đang sắp tan hết vào trong thẳm sâu của chị. Ôi Phụng ơi, Phụng ơi!
Hình như đứa bé ú ớ nói mê điều gì. Không, hình như đứa bé khóc. Có lẽ nó đái dầm và bị lạnh. Tôi luống cuống rút bàn tay ra khỏi bầu ngực ấm nóng của chị. Chị vội vàng dùng cả hai bàn tay ôm chặt cổ tôi ghì xuống. Tôi nhìn thấy đôi mắt ngân ngấn của chị. Tôi nhìn thấy đôi môi ửng chín của chị. Tôi nhìn thấy… hình như Mẹ Maria cúi xuống nhìn tôi.
Như con chim bị đánh thức bởi ánh ngày sắp rạng, tôi vụt chống tay ngồi dậy, tự cảm thấy sợ hãi trước sự căng cứng sắp bùng nổ tan tành của mình. Quay mặt nhìn ra rèm cửa, tôi nói, “chị, em phải… đi cho kịp”.
Chị, người chị chủ nhà như thiên sứ dâng hiến, còn tỏ ra luống cuống hơn tôi rất nhiều. Nắm chặt tay tôi áp lên lồng ngực, chị nói trong hơi thở gấp gáp. “Anh bộ đội… anh phải đi rồi sao. Còn sớm lắm...”.
2.
Chiều hôm đó tôi về tới nhà nơi sơ tán. Thức gần trọn đêm với các em và mẹ. Rồi gần bốn giờ sáng hôm sau, tức hừng đông ngày 24 tháng 12 năm 1972, tôi vội vàng giã biệt mẹ và các em để ra đi.
Suốt dọc đường, tôi vừa đạp xe, vừa nghĩ mãi về đêm hăm hai của Thánh. Lúc dẫn xe ra khỏi ngõ nhà chị, toàn thân tôi vẫn bần thần rạo rực. Tôi vẫn cảm đến xốn xang sự ôm xiết, sự mặn ngọt, nồng ấm, sự đê mê ngần ngật. Lúc đó, tôi vừa đạp xe vừa thỉnh thoảng ngước nhìn lên bầu trời, cảm nhận rưng rức sự đen óng của màn đêm. Khi ra đến đường số một, tôi mới sực nhớ là tôi có đeo chiếc đồng hồ slava, chị ruột tôi gởi về từ Liên Xô. Ôi trời ơi, lúc đó chỉ mới gần ba giờ sáng. Sao mà tôi ngu đến vậy. Bốn giờ sáng là giờ của dâng nguyện. Giờ của thiên sứ ái tình. Sắp đến giờ ấy, thiên sứ dâng hiến đã trong vòng tay tôi. Hay là tôi quay lại. Hay là tôi quay lại. Đầu tôi ong ong lên ý nghĩ, hay là tôi quay lại, nhưng đôi chân tôi vẫn dấn lên đôi pê đan xe đạp, và chiếc xe cứ rào rạo trong đêm mà lăn về phía trước.
Còn bây giờ, tôi đã sắp đến Hoàng Mai. Nếu cứ đà này, cũng khoảng tám giờ tối tôi sẽ đến cung đường gần nhà chị. Và… tôi sẽ thế nào đây. Tôi sẽ ghé nhà chị? Hay tôi sẽ tìm một ngôi nhà khác? Hay là tôi sẽ bất chấp đêm khuya giá buốt, gò lưng đạp xe thẳng về Hà Nội. Đầu tôi muốn nổ tung lên. Nếu mọi sự lặp lại, tôi sẽ nói sao với Phụng, sẽ nói sao với người lính đang ở chiến trường. Nhưng… nếu tôi không ghé lại? Chẳng lẽ tôi là thằng hèn hay sao? Tôi đã hứa với chị. Tôi đã hứa với chị, rằng thế nào khi trở ra, tôi cũng sẽ ghé thăm hai mẹ con nhà chị. Nhưng… nếu tôi ghé thăm? Liệu tôi có bị đốt cháy, bị chảy ra, bị tan hết ra hay không? Trong tôi vẫn còn bần thần rạo rực lắm. Chỉ cần nhìn vào đôi mắt chị, chắc là tôi sẽ bị đốt cho mê lịm, cháy rục ra thành tro.
Hoảng sợ với chính những ý nghĩ của mình, khi trời sập tối, nhìn thấy một ngôi nhà bỏ hoang cách đường quốc lộ không xa, tôi liền tạt vào, quyết định ngủ lại qua đêm. Không có rơm, nên tôi phải dùng tay quơ lá phi lao khô đem vào lót ổ để ngủ. Biết là đêm sẽ rất lạnh, nên tôi quơ cả một đống lá khô lớn, chất lùm lên đầy ngồn ngộn một góc nhà. Ngặt nỗi, đây là ngôi nhà từng bị bom, nên mái nhà không còn một tấm tranh nào. Thành ra khi tôi vùi vào đống lá để ngủ, dù muốn hay không, tôi vẫn nhìn thấy bầu trời chi chít những vì sao. Đó là cao nguyên của Chúa, nơi chỉ có yêu thương ngự trị, nơi không hề biết đến chiến tranh là gì. Và cũng thật là kì lạ, dù đã phải đạp xe suốt cả một chặng đường dài hơn trăm cây số, không hiểu vì sao, tôi cứ trằn trọc không thể nào ngủ được. Để đánh lừa mình vào giấc ngủ, tôi kéo miếng ni lông che kín mặt. Thế rồi từ trong miếng ni lông của lính ấy, tôi nhìn thấy đôi mắt của Mẹ Maria cúi xuống nhìn tôi. Đôi mắt nhân từ và sâu thăm thẳm, cứ nhìn hút vào tâm can tôi, khiến tôi càng lúc càng bứt rứt, bồn chồn đến ngầy ngật.
Cuối cùng, bị ám ảnh bởi đôi mắt Đức Mẹ nhìn hút vào tận tâm can, tôi vùng dậy, nhảy lên xe đạp vùn vụt. Đối với tôi lúc đó, chẳng có gì ngoài sự hối thúc về tốc độ. Cúi gập người xuống ghi đông, tôi gò lưng guồng chân mà đạp. Gió bấc táp vào mặt tôi trăm ngàn ngọn roi tê buốt. Tôi không cần biết. Tôi chỉ biết mình cần phải đạp xe thật nhanh hơn nữa. Thật nhanh hơn nữa. Nhanh hơn nữa. Có điều gì đó từ cao nguyên của bầu trời đầy sao đang gọi tôi. Tôi phải đạp xe thật nhanh hơn nữa. Nhanh hơn nữa. Nhanh thật nhanh hơn nữa.
Khi về đến đoạn đường tạt vào nhà chị, tôi hoàn toàn kiệt sức, lưng áo đẫm mồ hôi, tóc trên đầu dường như đã dựng ngược cả lên. Quẳng chiếc xe lăn kềnh xuống ruộng lạc đã thu hoạch của hợp tác xã, tôi nằm vật ra vệ đường. Chắp hai tay lên đầu, nhìn bầu trời cao vòi vọi, tôi thầm tự hỏi, giờ này mình có nên vào nhà chị hay không. Nhớ tới đôi môi của chị, nhớ tới vòng tay của chị, nhớ tới đôi mắt đượm buồn của Phụng nhìn tôi, tự dưng tôi ứa nước mắt. Chỉ đến cuối tháng 12 này thôi, tôi đã vào chiến trường, đã một đi không hẹn ngày trở lại. Ba tôi từng là người lính, ba tôi sẽ hiểu những gì sẽ phải xãy ra. Còn mẹ tôi? Còn các em tôi? Tôi chỉ được có mấy tiếng về thăm để chia tay. Vậy mà cuộc chiến tranh phía trước vẫn đang hoác miệng chờ đợi? B52 đã oanh tạc tan tành nhiều dãy phố sầm uất ở Hà Nội. Tôi, tôi liệu có nên ghé vào thăm để chào người chị thiên sứ một tiếng hay không?
Đang chìm trong sự tĩnh mịch của màn đêm giá lạnh, thốt nhiên tôi nghe tiếng chuông nhà thờ rung ngân, như vọng từ chín tầng trời vọng xuống. Giờ này, giữa đêm hôm khuya khoắt này, tại một vùng đất hoang vắng tiêu điều như thế này, tại sao lại có tiếng chuông nhà thờ rung ngân thảng thốt. Ngơ ngác trước sự bất ngờ ấy, tôi dựng chiếc xe lên, đạp từ từ về phía tiếng chuông nhà thờ đang vọng lại. Tôi cảm thấy mình đang bị trôi đi. Trôi hun hút trong tiếng chuông nhà thờ. Trôi hun hút trong tiếng chuông nhà thờ ngân rung khắc khoải.
Đây rồi. Đâu còn là ngôi nhà thờ nữa. Thánh đường của Chúa đã đổ sụp. Chỉ còn lại cái tháp chuông trống rỗng, với lối lên bằng những cọng bê tông gập gãy, khô khỏng như bộ xương dập nát của khủng long.
Mờ mờ dưới ánh sáng lành lạnh của cao nguyên bầu trời đầy sao, tôi nhìn thấy một dáng người đang rướn lên kéo chuông. Vóc dáng của một người thiếu nữ, vút lên như thiên thần, khoả thân như ánh sáng Thiên Chúa. Đêm lạnh như thế này. Người ấy điên chắc. Phải đưa người ấy xuống. Phải đưa người ấy xuống. Đêm lạnh đến cắt da cắt thịt thế này. Nếu người ấy không điên, người ấy nhất định phải là thiên sứ của cao nguyên bầu trời thơm ngát cánh đồng sao thơm ngát.
Khi leo lên được tháp chuông, tôi bàng hoàng đứng sững ra, trước vầng sáng hào quang chói ngời của nhan sắc. Chị đấy. Chị khoả thân ngời ngợi như ánh sáng. Toàn bộ áo quần trên người chị đã được xé ra buộc thành dây chuông để kéo.
Nhận ra tôi, chị buông thõng sợi dây, đổ ập vào lòng tôi oà khóc.
- Nô En. Nô En mà chiều nay chúng nó ném bom giết con tôi, giết dân làng.
- Nô En. Chúa ra đời mà con tôi lại chết.
Ôm chặt chị vào lòng, tôi cảm thấy cả bầu trời sao chảy oà cả xuống rưng rức.
VN1+2/2016