Nhà sư chậm rãi chọn cuộn màng lưới màu vàng. Cửa hàng vật liệu nông nghiệp lúc này đã thưa người hơn. Cô gái đội cái mũ bành to hơn cả chiếc lá sen che gần kín cả mặt đứng phía xa dịch đến gần, rồi đưa tay kéo giúp nhà sư cuộn màng lưới màu vàng đó ra khỏi đống lưới. Sư thấy cuộn lưới bỗng nhẹ hơn, cảm nhận có người đang đỡ tay, nhưng vẫn không nhìn mặt cô gái, mà tập trung rê nó nhích dần lên phía rờ moóc của chiếc xe công nông để mang về giăng che vườn phong lan mà mình vừa cất dựng được khung nhà giàn. Khi nhà sư đã ngồi trên đống lưới phía sau xe công nông, và bảo anh chở thuê “Đi anh à!”, thì cô gái chạy tới phía thùng xe:
“Thầy ơi, thầy tu ở chùa nào?”
“Heo hút lắm! Có ai đến đó đâu. Trong rừng Dà S’Pung.”
*
Ba tuần sau, một người con gái vận chiếc váy trắng dài bước từng bước rời lên cái dốc chính của ngọn đồi, khi nắng trời vừa hụp xuống đỉnh núi cao nhất phía trước. Ngoài chiếc ba lô du lịch màu đỏ sau lưng, cô ấy còn xách hai bên tay hai giỏ nhựa to chứa nhiều rong biển, nấm, đậu phụng, mè, chao, muối mỏ... Thấy sư ngỡ ngàng, cô gái bảo: “Con không phải “lạ” đâu, thầy ơi. Là người hôm nọ gặp thầy ở cửa hàng bán màng lưới che vườn trên thị xã đó!” Sư vẫn ngơ ngác, thoáng chút ái ngại, trạng thái mà chưa bao giờ xuất hiện đời mình đến bây giờ. Sư lặng im đi vào. Lát sau mang ấm nước đã đun sôi đi ra chỗ bàn ngoài trời đó. Từng bước nhẹ, sư đi ra vườn, ngắt mấy đọt trà xanh, mang vào bỏ vào bình nhưng trong lòng sư không biết phải ứng xử ra sao đây, khi màn trời đêm đang về.
Sư cứ thế ngồi yên nhìn vào ly trà phía mình, tay vê lần chuỗi hạt. Còn cô gái tay vừa cầm ly trà thi thoảng đưa lên môi nhưng ánh mắt cứ hắt qua phía sư. Hình như cô hi vọng sẽ được yên giấc đêm ở ngôi chùa lẻ bóng cô tịch này. Họ cứ ngồi như thế rất lâu. Cô bảo cô “đi phượt” lỡ đường, một mình. Sư rằng, đã đến thời kinh cuối của ngày rồi, phải vào nhập định. Ngồi được ít lâu giữa chánh điện rực ánh đạo vàng, sư bỗng nhiên đứng lên đi ra. Đi về phía gian bếp, chốc sau sư mang ra một tô mì gói chay. Cô gái vẫn ngồi đó với những giọt trà cuối cùng trong bình. “Có gì ăn đó, nhé, cô ơi. Chắc đói bụng lắm rồi!” Đưa tay ông chỉ cái cốc hình chóp bé con phía bên trái chùa: “Nghỉ ngơi chỗ ấy, chắc ổn, an thôi!” Ông quay lại với chánh điện, tiếp thời kinh.
Cô gái sau khi ăn tô mì chay chẳng hiểu lúc nào đã ra tay lau sạch sẽ nhà vệ sinh, cũng như toàn bộ gian bếp, nồi, chén, lọ chai... được sắp xếp lại với một trật tự mới, lớp lang, mượt mà mĩ thuật hơn mà sáng ra chủ chùa nhận thấy. Sư nghĩ, rằng người chân tu phải biết thương xót thế nhân lạc loài.
Cái cốc tách biệt, lạc loài mang công năng cái thất đó trở thành cõi riêng của cô gái.
*
Thế đó. Có độ sư đi đâu đấy nhiều ngày. Lúc trở về, thấy cô gái đã sinh hoạt an nhiên trong thiền tự, hẳn đã đến nhiều ngày lắm rồi. Thoát mà đã thêm hai năm nữa đã quét qua ngọn đồi, và cô gái bung khỏi thế giới ta bà nhiễu nhương bằng những chuyến “phượt”, hành hương về với ngọn đồi phủ màu liễu độ phong trần này.
Có một chuyến rời ngọn đồi, cô gái chẳng hiểu sao để lại chiếc điện thoại di động mình đang dùng trên chiếc bàn đá chỗ sư hay tập võ, với sim sóng của hãng Viettel, cùng mười lăm cục pin rời dự trữ cô đã sạc sẵn bỏ trong một hũ nhựa, kèm theo một mảnh giấy be bé cùng tờ giấy ghi chi tiết cách thức, thao tác sử dụng điện thoại, tháo ráp pin, rồi đặt nó trên cuốn kinh Dhammapada ở chỗ cái bàn mà chiều lại sư hay uống ly nước lọc sau khi luyện tập quyền đạo tự chế. Sóng Viettel thì phủ từ thành thị đến núi rừng xa khuất thế này.
*
Rồi một ngày, cô gái đã gọi cho sư vào chính cái điện thoại cô để lại, gọi từ biển lên rừng, khi cô trở lại thành phố, nó vẫn nguyên trên cái bàn con ngoài trời đó giữa mùa khô. Lại gọi vào đúng khắc sư đi quyền lâm đạo xong và đang ngồi uống nước lọc. Dáng mạo hồng hào, thanh thoát, sáng ấm của sư hẳn cũng một phần nhờ thói quen tinh tấn bằng lâm quyền rồi. Sư có cầm máy nghe tự nhiên, một động tác, hơi thở phản xạ.
Không chỉ mỗi lần kia, từ đó, thi thoảng cô gái cứ gọi vậy đó. Sư nghe cho đến một ngày hết cục pin sẵn trong máy thì không tháo ráp pin khác vào nữa. Vì tự thấy mình đâu có nhu cầu giao tiếp với người thế gian, chẳng làm ai hân hoan hay phiền não, không va vướng hệ lụy thế tục. Đối diện với hư không là để nhận ra những giá trị màu nhiệm của cõi đời.
![]() |
Minh họa Lê Trí Dũng |
*
Bữa nay, sư làm cái việc tưới nước cho chảy mát đều thân tượng Phật. Chiếc khăn đẫm ướt trắng tinh miết vào từng thớ đá ở tượng. Từng cử chỉ làm việc tĩnh tại kia như thể người lau tượng cũng đang hành trì giữa mọi hành động, gợi cảm giác không sự gì của thế gian có thể làm rung lắc được ở con người này. Sư cố lau cho bằng sạch hết những mảng rêu bám vào tượng, bởi cũng lâu quá rồi tượng phong sương ngoài trời thế này. Còn bao nhiêu là tượng tương tự như thế này nữa, chỗ lối đi kia, bóng cây nọ, trảng cỏ, vách đồi xa xa, cứ như cả một “rừng Phật”. Bên trong chùa thì chỉ đặt duy nhất một tượng ở chánh điện thôi, cũng hình thành từ đá, khối granite to nhất. Sư tự tay tạc lấy tượng để thờ, cứ mỗi năm vài tượng. Khối tượng lau nãy giờ bóng sáng dần, dung diện đức Phật tổ hiện ra. Sư bỏ cái khăn ướt xuống lùm cỏ, đưa hai bàn tay chắp lại, hai ngón cái chạm vào mũi, nhắm mắt hồi lâu, rồi từ từ lạy.
Rồi ngôi chùa lại tắm đêm rừng. Cũng như mọi kì trăng non và trăng khuyết, ngọn đồi lại vang vang tiếng guitar của sư này. Nhà sư hát những bản nhạc tự mình phóng tác phổ từ tinh thần của kinh Dhammapada. Tiếng đàn thuận theo tự nhiên, trời đất dạy dỗ, từ năng lượng kẻ cô lẻ, nên nó liêu trai thượng thừa đến mức cơ hồ nối được vào với ánh trăng mềm yếu kia, rã tan dàn hợp xướng của đám côn trùng, xé toạc màn đêm. Cứ xong một bài, lại chắp tay lên trán và cúi đầu, nhắm mắt lại.
Sư đi lại chỗ cái cây treo cái chuông, gõ lên mấy tiếng. Tiếng chuông va vào cây và núi.
*
Mùa mưa về. Cô gái lại xuất hiện. Trời mới vừa ban mai. Chắc chắn cô đi chuyến xe đò đêm rồi. Người ướt sũng sương mai. Cô ấy đang tâm thế “trở về” ngọn đồi chăng.
Sư sau thời kinh sáng bước ra thì thấy có người đang quét lá bên ngoài. Cô gái tập trung vào những chiếc lá rụng nơi mặt cỏ, không nhìn ngược vào chỗ cửa Đông của chùa. Những đường cong cơ thể của cô gờn lên le lói qua vải bởi sương mai làm ướt bộ quần áo thời trang mỏng và bó sát hiện đại nhưng vẫn không khiến sư chú tâm gì. Chủ chùa quay bước vào trong, ngược ra cửa Tây và đi thẳng ra khung viên ở hướng đấy.
*
Chín mùa nắng mưa nối tiếp cô gái vẫn thượng sơn - hạ sơn, và là “chủ nhân” của cái cốc lạc loài bên ngôi chùa này lúc nào chẳng hay nữa.
Mùa mưa nào cũng là mùa mưa thôi, và mùa khô nào cũng vẫn là mùa khô vậy. Có gì mà quan trọng. Sinh động đến mấy nhưng khi quá quen thuộc thì cũng thành đơn điệu. Chiều mùa khô này phải tắm cho ra tắm thôi. Hẳn cô gái nghĩ trước thế. Nên khi tắm cô gái đã cởi toang váy, nội y, không cần khép cửa nhà tắm, và cứ thế xối nước tưng bừng lên người. Chẳng lẽ tắm mà cũng không được tự do, không là chính mình. Chùa cũng thuộc trần gian này chứ đâu. Chùa độc tu nên duy nhất một nhà tắm kia. Nó nằm bên hông chùa, nhưng cửa sổ phòng ngủ của sư cũng trông ra hướng đó. Sinh hoạt độc thân có bao giờ tính đến ngoại lệ, bất trắc. Sư bước vào phòng ngủ của mình để nghỉ mệt chút, với thói quen hay nhìn thẳng ra ngoài ô cửa. Sư thầy tá hỏa. Đóng ngay cửa lại. Cửa đã đóng, nhưng không ngăn được tiếng nước xối. Nghe tiếng nước xòa òa, sư thấy có gì đó không an ở trí. Là âm thanh của nước thôi, nhưng sao nước nhà tắm hôm nay hóa “nước lạ”, cứ như nhiễm một thứ gì mà ta không lý giải được. Sư chợt nhớ ngay những lúc khép nép nhất cô gái đi phượt này không biết học từ đâu đó mà cũng bày đặt nói phong long rằng: “Phụ nữ cùng ái dục lại là thứ nguyên liệu của khổ đau trên đời.”
Sáng hôm sau, sư ra hái trà đọt pha nước, ngồi chờ cô gái từ cái thất phía kia bước lên để mời. Lần này quyết tâm là mời trà tiễn biệt. Sư nhẹ nhàng khuyên cô tập trung với công việc ở chốn thị thành và phát triển sự nghiệp, an cư, rồi còn phải lập gia đình nữa. “Yên tâm nhé, sư thì làm gì biết cô đơn, sợ bệnh tật hay cái chết. Để cho bổn tự thực hiện được ước nguyện đi tới nẻo giác!” Cô gái thoáng chút mủi lòng, bần thần.
Cô ngồi lặng mãi mà ly trà phía mình cũng không nhấc lên lần nào nữa. Gần đến đứng trưa, cô ngước lên nhìn sư: “Dạ! Con nghe lời, thầy!”
*
Những tiếng chuông chùa buổi ban mai vẫn được đánh vang đều cho tự mình nghe.
Cứ thế mùa mưa và mùa khô ngày càng quấn quyện đan cài liên tục, trộn hòa, rồi cứ như khiến lẫn lộn cả vùng rừng này. Năm này qua năm kia.
Bỗng dáng quen thuộc của cô gái in từng bước mượt mà trên lối mòn lên chùa nữa kìa. Chắc bao ngày qua cô đã gọi vào chiếc điện thoại kia nhiều mà không được. Ánh mắt sư đang du ngoạn trên tầng thảo mộc phải đáp xuống mặt đường mòn. Lắc đầu: “Thế nhân hay dối. Thất hứa!”
Cô gái ngồi ôm một tượng Phật ngoài trời từ sớm đến giờ. Nước mắt chảy ròng, lăn xuống cả thân tượng đá. Cô biết sư không hài lòng, không chấp nhận sự tái xuất của mình, nên không dám bước vào cốc. Chùa này từ đầu đã là chùa tự sống, tự lo, tự tu, không nhận Phật tử, không nhận cúng dường mà. Lòng từ ái đang thách thức ngài. Sư thắp nến nơi thờ Phật tổ, thêm ít mùi khói nhang mới, rồi tọa tụng những trang kinh gì gì đó, mà nghe thanh thoát lắm, nhẹ lỏng cả đất trời.
Sư thầy bước tới chỗ vườn phong lan thả và nói với những con chim trong lồng bay đi: “Mọi sinh vật đều phải được tự do yêu đời!” Sư nghĩ, mình nào có nợ nữ thí chủ kia đâu, mà họ như đòi nợ ta thế. Vạn pháp duy tâm tạo. Không thay đổi được ngoại cảnh thì quay vào tâm mà thay đổi tâm thôi. Ngài bước lại chỗ cô gái: “Cái cốc kia vẫn còn nguyên!”
*
Nơi rừng này, sư chưa từng nhờ cô gái việc nào cả. Nhưng động tác nào của cô cũng đều khẽ khàng, tinh tế, thiết tha, thảo lành, cứ như đang là “nhà mình”. Tâm hồn cô xanh ngời. Thì cũng như có những tối sư ngồi tụng kinh bên trong Chánh điện, cô gái lặng lẽ hồn nhiên xếp chân quỳ bên lớp vách gỗ ngoài kia, nơi hành lang, cũng học tụng theo. Từ ngày cô lui tới, ngài không bao giờ bước vào cái cốc kia nữa.
Tinh mơ sáng đó, cô gái đã ra đi, từ cái cốc này. Bộ đồ cô giặt tối qua phơi bên góc của cái cốc đẫm sương đêm nhưng cũng lắc lư như tiễn chủ nhân của nó.
Thiền tự vẫn lành lặn.
*
Đấy là đêm như nhiều đêm bình thường của cái đô thị đầy sức sống này. Cô gái xiêm y rực rỡ giữa những doanh nhân, kí giả, nghệ sĩ danh tiếng ở tiệc đêm chói rực trong gian phòng VIP ở khách sạn đẳng cấp nhất quận I này. Nhưng ngồi bên cô đêm nay là một doanh nhân ngành buôn gỗ, chứ không phải như các tối thứ Bảy trước đó lần lượt là kí giả, đạo diễn, giáo sư đại học... Cầm ly rượu Tây lên, cô ngậm những ngụm rượu như thế, và mớm vào miệng cho lão doanh nhân già ngồi bên. Các lão kia ngồi trong bàn chép lưỡi vì khả năng “gây tê” đàn ông mà chỉ cô mới nghĩ ra.
Thế giới dung dăng dung dẻ của cô gái. Một cánh chim mái kiêu hùng. Thời phổ thông cô học giỏi môn Sinh học, nhưng vào đại học thì chọn Học viện Ngân hàng, vì đơn giản cứ học về tiền bạc cho nó chắc đời. Đang thời sinh viên nhưng cô nàng thấy thú vị vì đã làm ra tiền, mà nhiều tiền nữa. Cô thích gọi là “Ngồi với khách” hơn là “Bia ôm” hay “Gái gọi”. Mười năm nay cô đã thỏa thuận với các nhà hàng từ ba sao đổ lên là chỉ khách kí giả, doanh nhân, nghệ sĩ tài danh cô mới ngồi, nghĩa rằng không giàu thì phải nổi tiếng. Buổi tối là thời gian cô đi làm “thêm”, đều nhất là cuối tuần. Cô cũng không lấy tiền bo của khách bao giờ. Chỉ cần ngồi ăn với họ, chắc chắn họ xin số điện thoại của mình, từ đó hoàn hảo một thiết lập. Cái vỏ “trí thức” nhưng “có tâm hồn” còn ấn tượng, hấp lực, thơm tho hơn đám showbiz hẳn. Khi đã đi ăn, dự tiệc, hay du lịch xa với ai đó, cô thường tâm sự là ra trường lâu rồi nhưng chưa có chỗ ở. Chỉ cần thế là tiền vô, lúc thì vài trăm triệu cho mỗi lần ca cẩm, “than khó”, lúc thì bằng một nửa căn hộ ở chung cư nào đó. Những lúc say nhừ, cô hay tự nghĩ ra và nhẩn nha như người am rành Phật pháp: Biết ngày mai ta không thành chánh quả/ Thì chơi hoang như dã thú xa ngàn. Ở đây, người con gái kia mang khuôn mặt khác mà sư đang ở rừng xa bên dãy S’Pung không biết.
*
Đêm nay, sóng biển ở cửa sông Sài Gòn ầm ào, âm thanh dội va vào những dãy phố trên bờ, và va cả vào căn hộ trên cao ngất này của cô gái. Ban nãy cô say rã người khi rời phòng làm việc của một tay chủ tịch tập đoàn địa ốc. Lãng đãng hơi men, cô với điện thoại và gọi lên ngọn núi xa ngái kia, dù biết vô vọng bởi chắc chắn cái điện thoại đang ở cái bàn ngoài kia, “người ta” không rước vào phòng, và giờ này “người ta” đang thiền định. Hễ có mong cầu là có bất an, và mong cầu nhiều là bất an nhiều. Trái tim và góc tâm hồn cô tìm thấy sự thanh lành kí gửi ở nơi đó, và “người đó”, dù chưa một lần đụng đến được thân thể sư. Cô muốn dậy tắm rửa rồi nhảy xe lên cao nguyên quá. Nhưng tối mai là sinh nhật mình rồi, và tay chủ tịch bảy mươi tuổi kia đã hứa sẽ tổ chức cho cô cùng với quà mừng sẽ là chuyển tên căn hộ gã bố trí cho cô ở lâu nay sang hẳn tên cô. Biết sao giờ, đời ta có người để “sống” và người để “yêu”, cô khuyên mình cứ nằm xuống, ngoan, và thiếp đi.
Vậy mà rồi cô biệt tăm luôn với rừng - chùa - người. Phải đến ba mùa khô đã vắng cái dáng người thanh mảnh thường xuất hiện bằng chiếc váy thướt tha màu vàng mỡ gà trong vắt kia.
*
Vào một ngày rất lạ, với sư. Sư hơi chộn rộn tí lòng. Sao giờ nó lại thế này nè, quá vắng bóng dáng kia thì thấy thiêu thiếu một cái gì đó. Sư vẫn tháo ráp pin vào điện thoại đều mỗi khi nó hết mà, và khi các miếng pin cạn hết còn mang cả ra sạc nhờ ở cửa hàng bán màng lưới kia. Khi nhà tu dùng điện thoại thì chỉ một cần một chiều, để nghe, là đã đủ. Sư chợt nhớ những chiều trong rừng lá rộng với nắng rưới xuống lá vàng nơi mặt đất cô gái e ấp lẽo đẽo theo mình để tập “bước đi trong chánh niệm”. Và, nhớ những giọt mồ hôi nhễ nhại trên mặt nữ thí chủ khi cô cùng vun gốc bắp non trong vườn bên mép đồi. Lại nữa, cái cơ thể hồng phau của cô gái nhìn thấy nơi nhà tắm dạo kia, nó bỗng nhắc sư về “một thế giới lạ” mà ngài không hiểu, thoáng gợi tò mò. Quá nhiều kí ức không cần mà có. Ngài lập tức cố đánh sập ngay ý cảm đó, lại nhắc mình rằng đã tu đến độ này thì phải thắng trước những cái tầm thường, cả nữ giới lẫn ái dục. Đã chiến thắng được mình. Cho đến hôm nay, chưa một ngày sư ngồi nghĩ về cô gái kia, cũng như lí do cô lui tới đây. Ý chí nhà sư cứ như vạn vật cứ ngang trời, chẳng thấm ướt, va chạm, nhiễm ô.
Sư đang trong những ngày cố tạc cho được thêm ba chục tượng Phật thật đẹp, để đặt rải lững thững trên lối ba cây số rưỡi đường đất bazan luôn đầy cỏ hồng đi vào ngọn đồi thân thương. Chiều nay lại ngồi chỗ cái bàn có ly nước lọc, chợt chiếc điện thoại kia trên bàn sáng và reo lên. Sư thầy cầm lên. Bên đầu kia, tiếng khóc nức nở của cô gái vọng lên thay lời chào. Mãi cô mới nói thành lời: “...Con đau khổ quá thầy ơi. Chắc con chọn cái chết; sống thế đủ rồi!” Tiếng khóc tiếp, như muốn ướt cả chiếc điện thoại trên tai sư. “Đời con vô vị, vô nghĩa, vô vọng quá!” Sư sững người. Chẳng biết phải làm sao đây. Thoáng sư nhớ lại là nhiều lần lên đây cô gái cứ hay than vu vơ: “Phận gái trôi sông lạc chợ thế này mà “người ta” cũng không thương yêu. Tìm đâu tâm người tốt, Bồ tát giữa đời này cho đời mình?” Chao ôi, nước mắt nữ nhân! Sư chợt thấy tim mình lao nhao. Tự dưng sư hóa “lạ” mà ngài không hay về mình.
Khuya nay ngài có một quyết định lạ. Bây giờ là độ đầu con trăng. Cầm theo mảnh giấy con con cô gái bỏ trong hũ nhựa dạo xa đó, sư cưỡi chiếc xe máy cà tàng lên thị xã. Sư gõ cửa, gửi nó ở cái tiệm bán màng lưới dạo nào, rồi đón xe đò xuống phố biển. Lần đầu tiên rời rừng để thẳng xuống miền hạ nguồn bên biển.
Ở Sài Gòn, sư ngây người vì nắng gió lạ, cùng sự lố nhố của người độn người trên phố xá. Cô gái đưa “hòa thượng” về một trong những căn hộ của mình. Tràn đầy tình cảm dành cho vị sư trung niên từ rừng. Chỉ vì cô khá lu bù với “chạy việc” và giao du nên đành để sư ru rú một mình trong không gian lạ. Ngày nối ngày. Cứ thế. Chẳng sao cả, vì mọi sinh vật đều phải kiếm ăn để tồn tại, sư thấu biết điều đó. Dĩ nhiên, các bữa ăn của nữ gia chủ mấy ngày rồi phải từ mặn chuyển sang chay. Xúc động nhất là hôm qua cô tháo cái tượng của người đàn ông thành đạt về tiền bạc nhất hành tinh đương thời, Elon Musk, vốn để trên kệ của vách tường giữa phòng khách kia xuống, và đi mua một tượng Phật bằng thạch cao về đặt lên đó. Cứ đêm về, cô ép sư thầy nằm ngủ trên chiếc giường độc nhất kia cho trang trọng, còn mình ngủ nơi chiếc sofa. Sư muốn ngược lại nhưng cô không cho. Rồi, có đêm khuya, cô gái trở về say khướt với một người đàn ông đã bạc trắng đầu. Cô gái loạng choạng nhưng vẫn chỉ thẳng vị trí chiếc sofa. Rồi thì tiếng rên hự hự của cô và người đàn ông kia vang lên, rất phấn khích và rất nhiệt tình. Sư nghe xen trong âm thanh ấy có những lời “Mô Phật!” và “Xin lỗi!” đi cùng liên tu từ giọng cô gái. Lão già ở lại cùng cô đêm nay. Đây đang là vinh quang, nhục lạc, niềm vui hay nỗi sầu của một nữ nhân ai mà biết được. Sư ngồi kiết già trên chiếc giường họ nhường cho thượng khách, cứ thế nhắm mắt cố tìm cách để đi vào thiền định. Không muốn nghe, nhưng ngài vẫn cứ phải nghe âm sắc họ lăn lộn nhau dưới kia và tiếng rên như nhạc của người con gái lí tưởng. Lúc này Giới - Định - Tuệ (***) mờ đi và mấy chục năm chánh định bỗng như bị phế truất. “Tâm bất động giữa dòng đời xao động” mà Phật dạy đi đâu mất rồi. Sư thấy có cái gì đó đau đau ở trong lòng. Lần đầu tiên trong con người sinh học của sư xuất hiện tình yêu, ái dục nam nữ, và muốn lấy vợ. Tức là hoàn tục, làm người bình thường, rời xa kinh kệ và y casa.
Hai giờ sáng đêm đó sư cầm y, bát rời bước. Để lại hai người kia mê man trong cơn ngủ với hiện trạng thân thể không chăn màn vải vóc trên người và miệng lão già gân vẫn đương ngậm nhũ hoa cô gái tuổi con mình. Hình như vì động trí mà ngài để quên lại cái tràng hạt. Người con gái thì chắc không cần những hạt này. Bỗng sư có cảm giác những gì Phật chỉ dạy chỉ là mơ ước của thế gian, của sinh vật người, có gì đó rất lý thuyết, lý tưởng, dù nó hữu ích và đúng tuyệt đối, minh triết vô biên cho người đời.
Sư lang thang ra bến xe miền Đông. Chọn chỗ mấy cái thùng đựng rác màu xanh ở góc kia mà ngủ chờ bình minh lên để hành khất đúng một cuốc xe về miền Thượng. Đúng nghĩa người đi tu thì không cần giữ tiền trong túi nói chi chuẩn bị, dự trữ nó. Lần đầu tiên xa rừng dài ngày, lần đầu tiên biết phố Sài Gòn, lần đầu tiên ngủ đúng giữa lòng đô thị, lần đầu tiên rung động, và lần đầu tiên đau khổ vì đàn bà dù mùi vị cụ thể thì chưa cần đụng đến. Còn rất nhiều điều lần đầu tiên nữa, kể chi hết với sư trong vắt này, lúc này. Ngài ngủ thiếp đi ngon lành như thế, trong mọi thứ trôi lặng lờ.
...“Giữa một vùng rừng toàn cây lá rộng với vách núi lở loét, lều trại loi nhoi ẩn lấp khắp nơi, hỗn độn với những đoạn suối chảy nhằng nhịt bị đục ngầu màu đất có một lực lượng đa ngành hùng hậu quyết liệt đang rượt đuổi vô số những kẻ khai thác khoáng sản phi pháp cùng lúc kết hợp truy lùng những tên tội phạm hình sự truy nã bởi tội giết người đang lẩn trốn vào tận nơi đây. Cả cứ địa vàng sa khoáng nháo nhác. Tiếng những mâm đãi vàng vang cộng với tiếng súng nổ, tiếng người tháo chạy và truy đuổi la ó. Từ trên đỉnh cao nhất của dải núi, nhìn xuống thấy cảnh trạng bên dưới đang diễn ra thật giữa núi rừng mà kịch tính như “phim” vậy. Nọ kia là những nhóm người bị tóm, khóa tay, còng đi. Một cậu bé độ chín tuổi vẫn đang tiếp tục trèo cùng với bò ngược lên chỗ mảng rừng dựng đứng bên mép trái của ngọn núi to nhất trong dãy núi. Chẳng hiểu bằng cách gì mà cậu thoát được đến lúc này, leo lọt được đến chỗ đây. Cậu trèo lên cái cây to và um tùm, chui vào chỗ có cái bọng trong cây. Nằm im. Thi thoảng cậu nhoi đầu lên, vén mấy cái lá mà nhìn xuống. Toàn bộ những núi, những khe, những trũng sình, những cái cây lớn... sao thân quen thế này!”
Lúc này, sư giật mình giữa cơn ngủ, đưa tay xoa mắt. Ta đang mơ hay đang hồi ức nào đó? “Sao nó giống với mình quá!” Ngài nghĩ. Không phải mơ, tự dưng cái ngày tháng xa xưa, “nguồn gốc” của mình trỗi dậy, lại hiện ra trong tâm trí thế này - đã biến mất chắc cũng hơn ba thập kỉ rồi mà. Sư đến giờ cũng không rõ rốt cuộc mình là con của ai, rằng của những tay anh chị tội phạm bị truy nã mang vào rừng sâu ẩn thân dung mạng hay của một trong vô số những cô gái điếm lọt vào đây cắm chốt để hành nghề đáp ứng nhu cầu của đội quân vàng tặc toàn là trai tráng kia? Sư chỉ nhớ mình sống cùng với nhiều “bà mẹ” trong vô số các cô gái giang hồ kia giữa lô nhô những cái lều làm bằng lồ ô, cây tạp cùng lá như thế và ai cũng yêu thương cậu như con. Lớn chút nghe kể lại là ấu thơ chỉ bú sữa bình, cô nào cũng cho ngậm vú và ôm vào lòng ru cậu ngủ - thì ai là mẹ đây? Hay mẹ cậu đã chết, vì lí do nào đó giữa rừng hoặc nghiệp nghề? Sư chỉ nhớ mang máng công việc hàng ngày của cậu lúc còn trẻ thơ là những người lớn ở đó hay sai mình mang cái sọt tre nứa đựng condom đi đổ ở cái vực xa xa phía trước cứ sau vài ngày một lần. Và món quà duy nhất cậu nhận được của thế giới những người đàn ông là hai cuốn sách có cái bìa màu gỗ mà cậu hay thấy cái bác để tóc dài có tay, chân, lưng, ngực, trán đều xăm hình bầy cọp ấy luôn đọc đi đọc lại vào mỗi đứng trưa rảnh việc. Bác đó bị tóm đi khỏi rừng nhưng hai cuốn sách thì còn dạt lại trên sàn ở cái lán trại lớn nhất bờ bãi vàng sa khoáng này. Đứa trẻ không biết chữ, không có trường học, là cậu đây bỗng ôm giữ hai cuốn sách lạc chủ đó cho đến khi cậu gặp cái anh thanh niên thất nghiệp người Chăm dạt lên đây, đi đốt rừng để kiếm đất canh tác mưu sinh, và bất đắc dĩ làm thầy dạy chữ, tiếng phổ thông Việt, cho cậu. Coi như cậu nhặt mót chữ của anh thanh niên cũng không nhiều chữ ấy, đủ để đọc, viết, hiểu trôi chảy, vì thời gian chỉ được ba năm hơn thì anh ấy chết vì bị sập ở một trong vô số những đoạn hầm trong lòng núi lâu ngày mà giới bờ bãi kia để lại. Hai cuốn sách quý nhất đời một cậu bé mù chữ đơn chiếc giữa rừng và sống kì diệu, phi phàm, nó nói về Phật giáo, một là Phật Học Phổ Thông và cuốn kia là Từ Chánh Niệm Đến Giác Ngộ, về tu thiền Vipassana, với hai người viết ra có tên là Thích Thiện Hoa, còn người kia là thiền sư Ajahn Brahm. Sư dùng sự biết chữ của mình cho hai cuốn sách đầu đời và với mỗi một mục đích từ bi, trí tuệ, và giải thoát. Giải thoát đời mình. Mà hình như, đâu đó là giải nghiệp cho cả một bờ bãi khổng lồ chứa đầy “nghiệp” này, cái bờ bãi ba mươi năm tồn tại.
Dải rừng bỗng là “quê hương” của sư vẫn cố tự chữa lành mình. Tất cả đều sạch nhẵn, tan biến hết, từ các đại ca bờ bãi, phu vàng, dao kiếm, dân cửu vạn sống bằng nghề khuân vác cung ứng thực phẩm, bia bọt lẫn ma túy, đến gái giang hồ… Chỉ sót lại tiếng chuông chùa, cho về sau. Và rồi nó tròng trành, rung lắc bởi một mĩ nhân. Chốn thanh lành nào cũng có hơi thở, khí khái của hoang vu, của cái cao hơn phàm phu hay vật chất. Vì ở nơi đó đến giờ không có gì quý hơn ngoài những tượng Phật và những trang kinh. Sinh ra và lớn lên ở chốn tận đáy, tận cùng nên mọi thứ đã thành cái như “lò luyện hạt nhân” luyện nên sư này và dạy cho ngài cách tồn tại. Lần đầu tiên sau mấy chục năm, chợt sư thoáng nhớ nguồn gốc mình.
Năm đó, sư là chú tiểu mười hai tuổi, một chú tiểu “Một mình”. Mười hai tuổi, trở thành “Sư trụ trì” một ngôi chùa, kẻ thừa tự bất đắc dĩ. Cậu bé sót lại này ai khiến mà đã đặt vào cái lán trại to nhất đang rệu rã ở bờ bãi hoang quen thuộc này một tượng Phật, và quyết chí tu theo lời Phật chỉ. Từ đó dần dà nó tượng hình thành ngôi chùa, và vì xung quanh đầy cỏ nên cậu đặt luôn tên là Chùa Cỏ. Nó được mọc lên trên tội lỗi và lầm lỡ của những người khác, mà họ giờ đã chết, còn ra sao thì sư sao biết được. Nó phải thành chùa, như một định mệnh, cho người “ở lại”. Phật dạy mọi thứ trong dương gian vô thường, nên chú tiểu biết mình không cần thắc mắc gì về những gì xung quanh trước đó. Tượng Phật tổ cậu tự tạc, vì khi ngắm nhìn mãi hình minh họa về đức Sakyamuni trong cuốn sách kia mà sinh thuộc, thấm cảm. Nhiệm vụ của chú từ đó là duy trì ngôi chùa, và chuyên tâm tu tập, giữ giới và làm theo pháp từ kinh kệ của đức Thế tôn, thiền quán Vipassana; tự nuôi trồng mọi vật để nuôi giữ thân mạng sinh tồn để tự giải thoát cho mình khỏi luân hồi sinh tử. Nên Chùa Cỏ cứ ẩn thanh lành giữa bao la rừng núi, le lói chỏm nâu nơi chóp mái trồi lên giữa muôn trùng xanh. Trong, ngoài chùa luôn sạch tinh tươm. Ba thời kinh hàng ngày đều đặn êm ả vang nhẹ trôi lững thững qua những tàng xanh kia từ giọng miệng một đàn ông. Chim chóc, côn trùng ngày càng về nhiều, có hôm át mất tiếng kinh kệ đó. Rất ngạc nhiên, là mãi vẫn cứ chỉ mỗi một vị sư trung niên với ngôi chùa toàn đá và cỏ ấy. Chú tiểu ngày nào đã đi được một chặng đường dài của niềm tin say ánh sáng của diệu đế Phật pháp và một hành trình đáng kể về cảnh giới Một Mình của đời người. Đêm đến những ngọn đèn vẫn vàng hanh giữa thời buổi dây điện đã giăng không còn sót chốn nào trên mặt đất. Bóng sư trung niên cứ tĩnh tại chánh niệm giữa au vàng đó. Đôi bàn chân ngồi kiết già, kẻ đang tham thiền Vipassana(*) dáng như một dấu than, người như đang hóa tượng.
Từ nơi chỉ sót lại tiếng chuông chùa. Và rồi nó chợt tròng trành, rung lắc bởi một mĩ nhân. Cô gái “phượt” qua đời một kẻ tinh khôi sinh trưởng trên bờ bãi, à không “phượt” trên hành trình sư. Lần đầu tiên với lần cuối cùng là một, hay rồi nó lại rung lắc bởi sắc hương thì bản lĩnh và thành tựu tu quyết định điều vô thường đó, vì thế nhân nào cũng đang là Con người!?
*
Bỗng cô gái tóc dài cực xinh ngồi kế bên sư bảo ông “Tới nơi rồi, Thầy ơi!” Là đến cao nguyên. Suốt chín tiếng đồng hồ qua, ngẫu nhiên ngồi bên cô này sư cũng chẳng để ý đến cô, mấy lần cô bắt chuyện ngài “xin cho được… lặng yên”. Không biết ngài khiếp sợ gái, hay nhờ cú đủ chấn động, khủng khiếp từ cô gái đi phượt kia mà đã bắt đầu chạm vào... giải thoát... thật rồi. Bao nhiêu năm tu hành cùng vạn tầng kinh quán không viên thành đốn ngộ mà chỉ nhờ vào tiếng rên của cô gái đi phượt với người tình của cô ta thì giải thoát được. Bỗng đâu đây cố trào lên hỉ lạc vì nghe trong đó có phảng phất với mùi của tròng trành sầu thương. Trở lại núi non, ngài biết ơn chi phí cho cái cuốc xe “hồi hương” mà người cúng dường cho mình là một người phụ nữ to khỏe làm nghề mổ heo hơi mà vào tinh mơ khi ngài loay hoay ở bến xe miền Đông thì người đàn bà tất tả đẩy chiếc xe ba gác chở mớ thịt của con heo duy nhất mỗi ngày ấy đi bán va vào ngài và ngước lên nhìn thấy người đầu trọc với y ca- sa và nghe thấy được điều ngài đang cần.
*
Sư lại gõ vang những tiếng chuông, cho thanh âm ấy len vào rừng hoang.
Được hai mươi sáu ngày trở lại rừng quê có trú xứ là ngôi chùa bé nhỏ tha thiết của mình thì ngài bỗng bỏ chùa đi, mà chẳng cây, con, mây, gió ở đây biết ngài đi đâu. Ai mới là người khổ đau, trong số những người từng góp mặt ở chốn rừng quái gở này? Hay chẳng có gì là khổ đau cả! Mọi sự diễn ra tự nhiên, thản nhiên thế thôi, như là, như sự thật phô bày, như đến và đi, như nước chảy hoa trôi.
*
Mười hai năm sau nữa, đứng trưa, mùa khô lộng gió, có một bóng người đàn ông trạc tuổi ngoài năm mươi cứ như khách lữ hành mười phương trời lạ bỗng tự nhiên đứng trước lối mòn độc đạo dài uốn qua mấy vành núi mà từ đó đi mãi sẽ gặp ngọn đồi chắn ngang có ngôi Chùa Cỏ ẩn mình dạo nào. Chẳng biết đang có ai đó ở trên chùa ấy không, hay nó đang bỏ hoang. Người đàn ông kia là một Thí chủ, Sư thầy, Sa môn, Sư, Đại đức, Thượng tọa lạ hay quen với ngọn đồi kia mà cũng thấy có chiếc y quấn trên người kìa. Tha nhân sống theo “nhân” và “quả”. Cứ lựa chọn và mặc cho đưa đẩy. Không ai mang nghiệp giùm ai cả.
Nhưng sao người đàn ông trung niên cứ tĩnh tại, đứng im đó mà nhìn lối đi, cứ mãi thế kia không biết. Chẳng ai biết ông ấy sẽ bước sâu vào đó hay quay lui rời khỏi cánh rừng kia cùng những tầng xanh biếc bao quanh.
(*): Một phương pháp thiền của Phật giáo nguyên thủy, với nghĩa: “Thấy sự thật đúng như Thật”, qua việc hành trì thân tâm đạt đến tinh anh, và từ đó mang đến tâm tinh phẳng với tràn đầy tình thương và lòng từ bi. (**): Dòng Phật giáo nguyên thủy, tức Tiểu thừa. (***): Giữ giới luật; quán chiếu hành trì chánh định; và (bằng ánh sáng) trí tuệ thì mọi thứ mới chói ngời, an lạc, thoát khỏi tham cầu, phiền não, thì tu mới thành.
![]() |
Tranh minh họa. Nguồn pinterest.com |