Bỗng, một người phụ nữ đẩy cổng đi xăm xăm vào nhà. Chị ta bước như chạy, sải chân rất ngắn, gấp gáp. Thấy mặt chị, bà già cất tiếng hỏi:
“Đi đâu đấy!”
“Má, con về thăm má!” Người đàn bà giật mình đáp rồi vòng ngược ra sân, chừng như giờ mới thấy mẹ ngồi. Khi chị lấy nón xuống, mái tóc đen xõa tung ra, rối bù. Lá tre rơi lặng thinh. Cái nón bị thả nghiêng trên sân đất rụng đầy lá tre như trải thảm. Chính nó cũng hứng lấy lá. Đầu bà già và chị con gái mới đến cũng đầy lá.
Chị con gái ngồi xuống cạnh bà già khẽ khàng im tiếng. Bà già thoáng nhìn chị. Người phụ nữ ngồi thu lu một bên, hai tay ôm lấy đầu gối. Vóc dáng chị cao lớn hơn bà, áo khoác nâu bó lấy thân mình èo uột quanh năm không thấy thịt. Đứa con co người ngồi một bên như một cục nấm. Không nói không rằng chỉ thở hổn hển. Ngồi một lúc, chừng như mệt chịu không nổi nữa, người đàn bà mới dựa vào má. Bà để chị dựa, một tay vòng ra sau lưng con, để hờ. Chắc do đầu bà hơi cúi, ánh mắt vẫn ghim đâu đâu dưới đất hoặc do lưng bà hơi còng nên cái chỗ dựa của chị nhìn sao cũng thấy cong veo.
Ngửi mùi áo vải má, chị như sực tỉnh khỏi cơn mộng dài. Chỉ mới ngồi đây mà chị tưởng đã hết kiếp người. Đầu óc mơ màng chẳng biết hôm nay là hôm nào. Phải đâu chị còn bé bỏng trong ấu thơ hồn nhiên? Phải đâu những ngày tháng qua là những ngày mộng mị trong giấc mơ quá tuổi? Đúng không? Đúng không? Chị ngẩng lên tìm má, muốn nhìn xem má trẻ hay già. Nhìn một cái thôi là biết thật hay giả, một cái thôi là tỉnh hẳn. Thế mà ngẩng lên, chị đụng mắt má. Ánh mắt bà neo lại đâu đó phía trên mắt chị, đằm đằm như thể lo lắng thương yêu. Chắc bà đang nhìn cái lá trên đầu chị. Một cặp mắt đen đục nheo lại chỉ còn một khe mảnh, như nhắm. Chắc vậy. Má có bao giờ nhìn chị chăm chú như nhìn mấy cái lá đâu. Nghĩ vậy, vành mắt lại sưng phồng lên, ứ nước. Chị thì thào.
“Má ơi… con mệt quá má ơi!”
Tiếng chị nhẹ như lửa ngọn trên đầu nhang, mới vừa phừng lên đã bị phẩy đi tức khắc. Ngọn gió thổi tắt chị là gió lặng. Im lặng như tờ. Chiều vắng toe, mặt trời không chạm đến bên này bức tường tre, chờ đợi mãi chỉ có tiếng lá tre rơi thẳng.
Bà già không điếc. Nghe không đáp mà thôi. Dù cho khi chị nói xong bà còn đưa mắt trở lại nhìn con gái. Nhìn một cái, bà cũng giật mình. Sao mặt nó đen quá? Sao mắt nó buồn quá? Sao mới đây mà con gái bà đã già, đã xấu như bà hồi bốn mươi? Nó mới ba mươi. Ừm. Hay ba lăm? Bà ậm ừ ngẫm nghĩ. Chị vẫn ngồi thút thít bên tai.
Một lúc lâu sau, nghĩ mãi không xong bà mới hỏi:
“Về bằng gì đấy?”
“Máy bay ạ.”
“Ừm, vậy khóc xong thì về với chồng.”
Nói rồi bà lại ngồi lặng im. Bà vẫn còn đang tính tuổi chị. Nó mới ba mươi hay ba lăm. Sao nó già quá!
Bà nhớ bà sinh chị hồi bà còn trẻ lắm. Không nhớ tuổi. Đàn bà trẻ thì làm gì có tuổi. Xấu đẹp như nhau.
Bà sinh chị xong đầu tóc đen hết dày, chái nhà sau bị đem dỡ lấy củi. Nằm lửa hai tháng, bà đã dậy xách nước rửa chén. Thôi nôi xong, chị được thả đi lẫm chẫm ngoài sân, chơi với bầy gà con, còn bà rúc trong nhà chằm nón. Bầy gà con nhỏ xíu, chị cũng nhỏ xíu. Gót chân be bé mốc trắng đất cát. Chị bắt con gà con rồi chạy bịch bịch lại chỗ bà, bỏ vào hộp thiếc. Cái gì cũng bỏ vào hộp thiếc. Hộp thiếc anh Hai bà tặng, sơn màu đỏ vàng đựng bánh bích quy. Hồi thôi nôi con Diệu, người anh mấy năm không thấy bóng từ nước ngoài đem về mừng cháu. Lớp sơn ngoài hộp đã tróc gần hết, để lộ những mảnh xanh xám u buồn. Tới tận lúc này, với vẻ ngoài bong tróc trầy trụa, cái hộp mới trông ăn nhập với ngôi nhà, bà bèn giữ lại để đựng đồ lặt vặt cho con.
Con đầu lòng của bà là con gái, tên Diệu. Hôm cúng đầy tháng chị, xin keo ông bà cho phát một, may mắn được cái tên đẹp, nghe kêu. Thế là Diệu lớn lên, cùng với bầy gà, hết lứa này đến lứa khác. Diệu đi vững rồi bà để nó chạy chơi nhắng nhít với lũ trẻ trong xóm. Con nhà quê sung sướng chỗ đó, không bao giờ cần phải có bảo mẫu trong nhà để làm gì. Con nít tự khắc biết chơi với nhau, đánh nhau vài bữa là hoà.
Diệu nó có cái tính hay nhặt nhạnh. Hồi nhỏ đã thấy đem về nhà đủ thứ rác rưởi. Nào đá sỏi, cào cào châu chấu, nào hoa dại, cỏ gà bỏ đầy hộp thiếc. Có bữa, bà già mở hộp ra thấy toàn là lá tre. Có bữa, cào cào nhảy tanh tách trong hộp cả ngày. Lớn, Diệu nhặt kim băng, cước chỉ, nhặt vải vụn, rồi những đồ bỏ đi của má làm của riêng. Hỏi tới thì chị bảo, ở trường học thêu nên nhặt để đấy khi cần. Thấy vậy, bà cho hẳn Diệu cái hộp ấy để Diệu cất đồ linh tinh. Cho mà vẫn để trong nhà. Diệu gọi điện về nói má muốn tìm kim chỉ, nút áo thì cứ tìm trong ấy ắt có, đừng mua chi mắc công, đi xa nắng nóng phát khổ. Bà ậm ừ, hiếm khi mở ra.
Từ hồi Diệu lấy chồng, bà già đã ít khi phải vá áo nữa rồi. Chồng Diệu giàu lắm, chỉ hơi già chút thôi. Nhà chồng ở bên kia địa cầu. Lúc đầu có người chỉ cho Diệu đi kết hôn giả với người ta để được miễn visa qua bển. Ai ngờ số Diệu hên, kiếm được của lạ, người ta đồng ý cưới Diệu thiệt. Là cưới thiệt về làm vợ luôn đó nghen. Diệu mừng húm. Vậy là má không phải bán mảnh vườn còm nhom để con gái qua xứ người rửa chân cắt móng tay cho người ta nữa. Vậy là con gái má có chồng.
“Xấu nghèo cỡ nào mà con cũng có chồng rồi nghe má!” Diệu đùa trước ngày tân hôn, xúng xính váy áo lên máy bay qua xứ người.
Diệu xấu thiệt. Nhỏ đến lớn ai cũng chê xấu. Không bao giờ Diệu được khen một câu xinh xắn dễ thương từ miệng họ hàng, dù là khen lơi. Diệu giống má y một khuôn đúc ra, chỉ riêng cái đầu tóc xoăn tít là giống cha. Hồi xưa, má Diệu, tức bà già, cũng do xấu mà ế chồng. Ừ, xấu và nghèo xưa giờ ai mà ham.
Hồi đó bà ngoại Diệu lo sốt vó lên chứ đùa. Hai mươi ba tuổi má Diệu chưa có một mối nào đến hỏi. Trời ơi, hai mươi ba tuổi, con gái lớn trong nhà như trái bom nổ chậm. Bà ngoại của Diệu phải chạy ngược chạy xuôi sửa sang cho con. Bà sắm cho má Diệu tới ba bộ quần áo mới. Những quần ống loe sành điệu và sơ mi vải trắng như mây làm đám chị em thèm thuồng đỏ mắt. Rồi bà bán hai cây vàng mua cho má Diệu chiếc xe Dream Thái Lan. Thời đó, trong cả dòng họ nhà Diệu chỉ có nhà ngoại Diệu có chiếc xe Dream. Xe của má Diệu, cái xe mà nhờ nó ba Diệu mới gật đầu cưới má. Dù nhà nội Diệu còn nghèo hơn cả nhà ngoại, cả nhà ba Diệu năm người con mà chỉ có hai chiếc xe đạp đầm nặng trình trịch để chở trấu. Dù cho ba Diệu khi ấy chẳng có nghề ngỗng gì, chỉ lông bông bán ít tro trấu kiếm ăn.
“Bởi đàn bà vừa xấu vừa nghèo thì có quyền gì hở con?” - Bà già chua chát nói với đứa con gái trẻ người non dạ.
Đấy là do đời má khổ quá má mới nói vậy - Diệu chỉ dám nghĩ trong lòng. Lúc đó Diệu đã nhận được lời cầu hôn rồi, cũng đính hôn rồi, Diệu đang hạnh phúc. Chồng Diệu biết nói bập bẹ tiếng Việt nên Diệu chẳng cần phải học tiếng mà cũng biết là “Anh yêu em… Anh thương em… Em đẹp lắm!”. Diệu biết Diệu được yêu.
Thử nghĩ mà xem, suốt từ nhỏ đến lớn, từ khi lọt lòng đến khi cao hơn cả má, khi đã biết giành má vác bó lồ ồ để chuốt vành nón lá, Diệu chưa từng được khen một lời nào về cái tóc tai, cái mắt, cái mày, cái miệng. Đến cái dáng đi của Diệu cũng xấu thì còn khen được gì. Chân to như cột đình, đi đứng đùng đùng, rung nhà rung cửa. Tay ngắn, lưng dài, ngón tay nhăn nheo chai cứng. Nói cho cùng, trong khốn khó, người ta lo cái ăn còn chưa đủ thì chăm chút mình sao đặng. Dù rằng Diệu cũng chú ý bản thân mình lắm. Tóc tai quần áo lúc nào cũng sạch sẽ, ăn nói nhỏ nhẹ có trước có sau. Nhưng mà người ta chẳng bao giờ coi câu “Con bé trông cũng sạch sẽ đấy chứ!” là lời khen cả. Diệu nghe vậy càng tự ái. Chẳng lẽ mình cũng giống món đồ. Một món đồ sạch bong, tầm thường, không bắt mắt, cần phải được má tân trang lại như ngoại đã từng sắm sửa cho má mới được người qua đường liếc mắt tới. Phải nhà Diệu có tiền thì làm vậy cũng không có gì là quá. Đằng này nhà Diệu còn không có nổi một cây vàng làm vốn thì đua đòi làm sao.
“Tao có một đứa con gái mà nuôi không được thất bại quá mầy…”
“Thì má còn tận hai đứa con trai phải lo còn gì!”
Bà già ngồi thở ra mỗi chiều muộn, khi Diệu bỏ đũa đảo cơm xuống lên nhà trước mở đèn. Ánh đèn dây tóc vàng như ráng chiều phủ xuống cái lưng nhỏ thó của người mẹ làm mắt chị nhập nhèm nhức nhối.
Rồi khi người đàn ông cao lớn có bộ râu quai nón muối tiêu ngỏ lời, chị chỉ bối rối đúng một giây. Chỉ một giây thôi là gật đầu liền. Người thông dịch trố mắt nhìn chị. Chắc anh ta ngạc nhiên sao cái cô này đồng ý lẹ quá hoặc anh ta thấy mắt thẩm mỹ của người nước ngoài đúng là kỳ lạ so với nước ta dữ dằn. Dù sao, qua lời anh ta, chị đi làm vợ ông Tây này sẽ được qua bển, về để chồng nuôi, không cần phải kiếm việc làm gì.
Chị không hiểu người ta móc nối ra sao. Chỉ mới gặp một lần người ta sao nói yêu đương dễ vậy. Nhưng chị vẫn về nói với má rằng ông này nhìn có hậu, theo cũng được. Má chị lo, đi hỏi tới tận cháu họ đang học ở thành phố nhờ cháu nói chuyện tiếng Tây với người ta hộ.
“Chồng mày là người đàng hoàng, có học thức. Có gì thì bảo ban nhau, dăm bữa nửa tháng lại bay về đây khóc với mẹ là thế nào?” - Bà giả vờ gắt lên như thế.
Bà nói quá, đâu mà được dăm bữa nửa tháng. Mỗi năm chị về nhiều lắm một hai lần. Tính ra đến nay năm bảy năm mà về mới về có bốn lần. Mà năm đầu chị về là do ở cữ thằng con lớn chứ có khóc lóc gì. Ở bên đó khóc cũng không ai hiểu, chị nào có biết khóc với ai. Giá mà bảo ban được nhau như lời má nói. Người ta chỉ cần một người vợ, chứ đâu cần một người để sẻ san… Giờ chạy về để khóc ra lệ dồn mà má cũng không cho…
Lần này, Diệu cũng chỉ ngồi khóc với má độ một đêm, ngày mai phải trở lại thành phố. Chồng con đang chờ Diệu ở khách sạn. Mỗi lần về ông chồng Diệu đều đi du lịch rồi đợi Diệu ở khách sạn chứ không theo Diệu về nhà. Ông ta không quen đi xe đường dài, mà quê Diệu chưa có sân bay. Thế là má Diệu chẳng bao giờ nhớ được mặt con rể giờ đã già, râu tóc bạc trắng. Đến hai đứa cháu ngoại cũng không biết tiếng Việt, không nhận mặt bà.
Sáng hôm sau, trước khi lên xe đi, Diệu lục lọi trong buồng rồi hỏi má:
“Má ơi, má có lấy cái hộp thiếc của con không má?”
“Mầy để đâu thì tao để y nguyên đấy chứ có đụng vô đâu mà.”
“Rồi đấy má đừng vứt nhá, kim chỉ con để trong đó, mới mua thêm. Má có lấy ra may vá gì cứ lấy.”
“Mầy đi rồi ai may vá gì mà mua. Nhanh lên ra bắt xe cho kịp!”
Diệu dạ một tiếng nhỏ rồi lén bỏ vào dưới vạt giường bà già một cọc tiền mặt. Xong xuôi chị mới tất tả mang nón, kéo túi xách đi ra ngõ. Hai má con không ôm nhau cũng chẳng chào nhau. Lúc chị đi, má còn dưới bếp nấu nước. Chị không nhìn thấy bà, chỉ chào vọng vào. Bà không thấy chị, chỉ đáp ngược ra. Nhắm chừng chị đi ra ngõ rồi bà mới ra đứng ngoài cửa, nhìn lên bàn thờ chồng, vén vạt áo chấm chấm dòng nước mắt cạn khô.
Mấy hôm rồi mưa dầm, nước đồng lên trắng xóa. Nghe đâu có người chết đuối trong mấy cái lỗ nước sâu hoắm người ta đào ra quanh suối.
Miệng đời hay nói cái chết đến bất ngờ lắm. Sống khó, chết dễ. Kiếp người con sâu cái kiến biết ông trời gọi tên mình lúc nào. Nhưng mà có bà già làm chứng, chết khó lắm. Bà thử rồi. Hai lần. Có chết được đâu.
Đấy là hồi sau khi bà lấy chồng. Chồng bà điên lắm, đã nát rượu lại còn vũ phu. Bà nhịn nhục nuôi con, chờ chồng thay đổi. Tính ra lúc tỉnh chồng cũng đâu đến nỗi. Sẽ có ngày nó tỉnh. Sẽ có. Song bà chờ không tới. Ngày nó đùng đùng đem cái xe của bà bán đi để trả nợ đá gà, bà ở nhà uống thuốc sâu. Thuốc sâu lúc nào mà chả có. Khổ cũng vậy, không ngày nào không có. Nhưng cái xe là cả gia tài nhà bà, không có xe chồng bà chạy xe ôm bằng gì, rồi nuôi đứa ba đứa con nhỏ một gái hai trai bằng gì? Ba miệng ăn, cái đòn gánh nón của bà gánh không nổi. Nghĩ tới cơm áo, bà chỉ muốn đi khỏi trần đời. Thế là uống thuốc, chẳng nghĩ nữa.
Vậy mà không chết. Con Diệu khóc to quá. Nó cũng khôn, thấy mẹ ngã xuống thì đi réo hàng xóm. Người ta cứu bà sớm. Chỉ phải súc ruột dăm lần, rồi nằm nhà một tháng bà lại ngồi dậy chằm nón như chưa có chuyện gì. Lúc đó mê man bà còn nắm chặt chuỗi hạt phật đeo từ thời trẻ làm nó đứt rời. Chỉ còn vài hạt gỗ con Diệu nhặt nhạnh đem đi chơi đồ hàng.
Một lần nữa là bây giờ, sau khi con Diệu chết. Nó chết đuối. Người ta thấy nó khi nó đã trôi cả năm sáu cây số xuống tận miền đồng Nhơn Ngãi xa xôi. Giữa cỏ dại, nó nằm một mình, thân xác tả tơi chẳng còn nhân dạng. Bà nhận tin từ một người hàng xóm về quê bên đấy hóng chuyện. Từ quần áo và giấy tờ còn lại trong ví người ta xác nhận được đó con gái bà. Lúc đầu, bà còn tưởng con bị cướp. Tiền bạc mất cả, tay trắng trôi sông dạt suối. Nghe sao cũng giống như gặp giặc cướp giữa đường. Ai ngờ đem con về ma chay, lật lấy tấm chiếu lót ván giường mới thấy tiền bạc nhét dưới vạt nan chỗ gối đầu. Hồi nhỏ nó cũng hay nhét bài thi điểm kém ở chỗ ấy. Nó học dốt lắm, lớp năm đã nghỉ học ở nhà phụ mẹ nuôi em.
Bà già ôm cọc tiền nghẹn lời, chẳng còn thiết tha gì nữa. Bỗng dưng bà muốn chết. Gần bảy mươi tuổi đầu mà muốn chết nghe mất nết quá chừng. Trời ơi, gần bảy mươi tuổi đầu còn mất con, còn sống để làm gì! Bà muốn đâm đầu vào tường ngay bây giờ, để đi với con. Song con trai lớn ôm ghì bà lại. Bà mẹ trong lòng nó đã già đến mức chỉ còn một nắm xương cộm. Nó khóc lóc nài nỉ. Rồi thằng con Út cũng khóc. Hai đứa nó mà mất mẹ thì đâu còn ai trên đời.
Bỗng, thằng Út đem cái hộp thiếc ra, hỏi má mở ra chưa. Bà thẫn thờ lắc đầu.
Đổ ra, cả cuộc đời bà lăn lóc dưới đất. Không có kim chỉ. Mấy hột nút áo hình bông hoa hồng bà mua năm dắt con Diệu đi mẫu giáo. Nơ cài áo đã lâu không thấy. Hai cái phù hiệu tiểu học của hai đứa em trai. Một hàng lõi cước bằng nhựa những năm chưa có cước cuộn để bà làm nón. Vài gốc nan có khắc ngôi sao xưa kia nón bán đắt, bà vẫn còn hay làm đồ chơi cho con. Một nhúm năm sáu chuỗi hạt gỗ trong cái dây chuỗi phật. Mấy cái kẹp con bướm cũ Diệu mua cho bà mỗi năm nó về thăm nhà. Một cái hộp đựng nhẫn vàng bằng nhựa đỏ trống rỗng từ dạo đám cưới. Còn lại, năm bảy mảnh giấy gấp tư đủ loại cũ mới - Những lá thư con gái gửi bà.
Thằng Út đưa cho bà một lá mới cứng, giấy nhấp nhổm như nhúng trong nước mắt. Bà bảo Út đọc. Nó chảy nước mắt một hồi mới nghẹn ra được mười chữ. Mười chữ cào xé tâm can.
“má ơi con buồn quá, không sống nổi má ơi”
Mười chữ chẳng kể lể khóc than, không nhắn nhủ, hứa hẹn. Mười chữ chỉ như một trong hàng chục tiếng thều thào con nhỏ vẫn nói bên tai mẹ. Mẹ ơi con buồn quá! Vậy thôi.
Đời con bao nhiêu tủi cực đất khách chỉ gói trong một chữ “buồn” cụt ngủn. Lần nào nó cũng nói thế mà bà có hỏi lại đâu. Tại chữ “buồn” nó thường quá hay ngắn quá? Vì sao con buồn? Lấy chồng có khổ không con? Khổ quá thì về đây với má!
Đáng ra phải thế! Mẹ thương con thì phải hỏi thế mới phải đạo! Nhưng bà thì sao? Bà đâu phải không nghe, bà nghe rồi mà chỉ để trong lòng! Bởi bà không hỏi được. Má đâu còn sức để nuôi con được nữa…Các em con chưa có gia đình, mà má đã không còn làm nón nổi nữa. Má đã quá già, mắt má mờ, nhà chỉ còn một mảnh đất con với cái nhà dột. Má có gì để cho con đâu... Má tưởng má phải có gì cho con mới được… Má tưởng con về bằng máy bay, có tiền giắt túi là được. Ít ra con không bị đói, ít ra con không phải uống thuốc trừ sâu chết dưới nhà tranh vì nghèo. Má đâu biết con ở xa, buồn đến thế này… Con ơi!
“Phận đàn bà khổ quá! Con gìn giữ kỷ niệm cho má. Còn đời con, con đi rồi đời của con ai biết, ai nhớ mà giữ cho con…”
Câu hỏi lẫn trong tiếng khóc của một dây thanh quản đã già đứt phựt như đứt dây đàn để tiếp sau là la hét và hô hoán nối nhau. Sau bốn bức tường người ta nháo nhào trong vũng đau thương. Ngoài cổng bay vào tiếng loa xóm mở về chiều buồn thê thiết:
“Má ơi đừng gả con xa
Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu?”
Tranh minh họa. Nguồn pinterest.com |