“Tôi muốn xã hội hãy đọc tác phẩm của các nhà văn nữ như một sự lắng nghe, một sự thấu hiểu. Vì đó chính là tiếng lòng của họ, là những khát khao tự giải phóng bản thân mình”
(Y Ban)
Bền bỉ sáng tác hơn bốn mươi năm, tập trung chủ yếu vào các câu chuyện của đàn bà, Y Ban có lẽ là nhà văn có đủ thẩm quyền để thay mặt các cây bút nữ khẳng định sự hiện diện của tiếng nói nhà văn, tiếng nói nữ giới trong văn chương Việt nửa thế kỉ từ sau giải phóng đến nay. “Khát khao tự giải phóng bản thân”, các nhà văn nữ đã đưa ý thức giới vào văn chương, vào tiểu thuyết, và từ những câu chuyện cá nhân để thấu hiểu hơn số phận của giới nữ trong số phận chung của dân tộc, của lịch sử.
Cuối thế kỉ XX, đặc biệt trong hơn 20 năm đầu thế kỉ XXI, với sự vận động, phát triển thể loại, tiểu thuyết của nữ giới cũng bội thu, nở rộ nhiều phong cách. Sự xuất hiện nhiều thế hệ nhà văn nữ, với lối viết mang đặc trưng giới tính, đã làm nên một dòng văn học nữ, đóng góp đáng kể cho thành tựu chung của tiểu thuyết đương đại. Có thể điểm qua hàng loạt tên tuổi đã làm nên diện mạo của tiểu thuyết nữ đầu thế kỉ XXI. Đó là các nhà văn đã thành danh từ cuối thế kỉ XX và tiếp tục có thành tựu những năm đầu thế kỉ XXI; những nhà văn mà cái không khí chiến tranh và những năm tháng thời bao cấp ít nhiều vẫn in dấu trong các tác phẩm của họ như Dạ Ngân, Lý Lan, Đoàn Lê, Võ Thị Hảo, Y Ban, Bích Ngân, Trần Thùy Mai, Võ Thị Xuân Hà... Đó là các nhà văn ở hải ngoại mà kí ức về một Việt Nam thời hậu chiến vẫn chưa bao giờ bị xóa nhòa, trong những va chạm với các vùng văn hóa mới như Đoàn Minh Phượng, Lê Minh Hà, Thuận… Đó còn là những nhà văn lớp sau, thuộc thế hệ 7x, 8x, mà quan niệm và lối viết đã thể hiện rõ một tư duy nghệ thuật mới, không chỉ bắt kịp mà còn hội nhập với văn chương đương đại của thế giới như Phan Hồn Nhiên, Phan Việt, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy, Dương Thụy, Nguyễn Quỳnh Trang, Di Li, Nguyễn Khắc Ngân Vi, Trường An… Mỗi thế hệ, mỗi nhà văn có một lựa chọn, một lối viết, một hướng đi riêng; song, tất cả họ, một cách có ý thức và cả vô thức, đều thể hiện tiếng nói của giới, qua những câu chuyện cá nhân được nhìn từ điểm nhìn nữ giới.
Từ trái qua: Các nhà văn Thùy Dương, Y Ban, Võ Thị Xuân Hà . Ảnh minh họa bài viết. Nguồn Internet |
1. Từ đàn bà đến “đàn bà hư ảo” và sự trỗi dậy của ý thức giới
Nhiều ý kiến cho rằng, phân biệt nhà văn nam và nhà văn nữ là một biểu hiện của bất bình đẳng giới. Nhiều nhà văn nữ cũng chỉ muốn xác lập vị thế trong tư cách một nhà văn, không cần thêm thành phần xác định giới tính ấy vào danh xưng. Quan niệm này không phải không có lý khi cái làm nên giá trị của tác phẩm và thành công của người viết vốn không phải là giới tính. Tuy vậy, một thực tế không thể phủ nhận rằng, luôn có một bản chất giới, cái bản chất thiên phú tạo hoá đã mặc định ở người nữ, ẩn hiện ở những trang văn nữ giới, ngay cả khi những câu chuyện được đề cập ấy không chỉ dành riêng cho giới nữ. Nhân danh tiếng nói đàn bà, ngay cả khi chạm đến mọi phương diện của cuộc sống đương đại, tiểu thuyết của các nhà văn nữ, dường như, vẫn không đi ra khỏi những thân phận nữ giới, trung tâm của những phóng chiếu về đời sống.
Năm 2004, Y Ban cho ra mắt cuốn tiểu thuyết Đàn bà xấu thì không có quà, sau rất nhiều tập truyện ngắn về đàn bà đã xuất bản từ trước như Người đàn bà có ma lực (1993), Người đàn bà sinh ra trong bóng đêm (1995). Ngay từ nhan đề, nhà văn chuyên tâm về đàn bà này đã đưa ra một lời khẳng định về những thiệt thòi tất yếu của đàn bà, nhất là đàn bà xấu. Đàn bà xấu mà lại thông minh thì còn thiệt thòi và cô đơn gấp bội: vì sự đối xử thông thường của xã hội vốn dựa trên những tiêu chí do đàn ông thiết lập, và vì tuy trí tuệ có thể giúp họ vượt qua những lối nghĩ tầm thường, song lại khiến họ đủ tỉnh táo để chọn nỗi cô đơn, thay vì chấp nhận những gá ghép lệch lạc cho cân xứng với ngoại hình bất hạnh ấy. Lên tiếng về một thực tế, đàn bà xấu thì không có quà, thì chỉ có tình yêu ảo với những hứa hẹn có cánh nhưng không bao giờ thành hiện thực, nhà văn Y Ban đã công khai phủ định quan niệm “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” vốn ra vẻ “chiếu trên”, đầy tính an ủi của các thiết chế xã hội nam quyền, của những người đàn ông vốn mang bản chất “hiếu sắc”, của cả những người phụ nữ tự ý thức về quyền lực của sắc đẹp, trong khi ai ai cũng ngầm hiểu, “gỗ” chỉ được nhớ đến khi lớp “sơn” bên ngoài không đạt chuẩn. Từ góc nhìn giới, qua nhiều truyện ngắn, nhất là tiểu thuyết Đàn bà xấu thì không có quà, Y Ban đã đòi hỏi xã hội phải thấu hiểu và yêu thương phụ nữ, cùng những bất hạnh vì nhiều nỗi của đàn bà.
Tiếp sau Y Ban, Lý Lan cũng đã dùng văn chương để gọi tên trực diện và đề cập đến thân phận đàn bà qua tác phẩm xuất bản năm 2008, Tiểu thuyết đàn bà. Ở tác phẩm này, nhà văn Lý Lan đã có một phần mở đầu thú vị khi mượn cái nhìn của một người đàn ông để miêu tả, nhận diện đàn bà từ cái nhìn của giới khác: “Đàn bà! Rõ ràng không phải một con báo. Không phải một con cọp. Cũng không phải một con vượn, mà là một con đàn bà”. Con đàn bà là ấn tượng ban đầu của một người đàn ông, ấn tượng về một con vật đặc biệt hơn, nhưng vẫn là một con vật như những con vật khác. Phải chăng cái người đàn ông thấy trước tiên ở đàn bà là phần con, là thân xác. Và phản ứng tức thì của người đàn ông trong đoạn mở đầu cuốn tiểu thuyết này là “giật mình, co lại trong thế thủ”; “tim ông đập loạn lên, vừa sợ vừa xấu hổ” trước cái sự bình thản “hất tóc ra sau lưng, hơi ưỡn ngực lên, hai vú căng và đứng” của con đàn bà. Cái nhìn của người đàn ông là cái nhìn lộ ra ở cấu trúc trần thuật. Song, ẩn dưới cái nhìn nam tính này lại là một cái nhìn khác mang đậm sắc thái nữ tính - cái nhìn thiên vị của người kể chuyện khi nhấn mạnh sức mạnh và sự tự tin nữ giới. Con đàn bà trần trụi, bình thản, đối lập với sự lúng túng, mất chủ động của người đàn ông. Phải chăng cái phần “người” của đàn ông đã bị phần “con” của đàn bà đánh gục. Phản ứng lại với cái nhìn nam quyền về thân xác nữ giới, Lý Lan, ngay từ phần mở đầu của cuốn tiểu thuyết, đã có một câu trả lời khá thú vị khi tôn vinh giá trị và vẻ đẹp nguyên sơ, bản thể của giới nữ, dù hầu hết những nhân vật đàn bà trong tác phẩm này đều bất hạnh.
Là những nhà văn thuộc hệ đầu sau đổi mới, Y Ban, Lý Lan cũng như nhiều nhà văn nữ cùng thời, có lúc đã mô tả vị thế và số phận của đàn bà từ cái nhìn nam quyền, để rồi từ đó lật lại vấn đề, thể hiện ý thức giới của họ trong tư cách của những nhà văn, những người kể chuyện nữ giới. Bằng các câu chuyện riêng tư của phụ nữ như mất trinh tiết, nạo phá thai, đổ vỡ trong hôn nhân, ngoại tình, cồn cào dục vọng…, các nhà văn nữ thế hệ này đã cất lên tiếng nói phản kháng, kêu gọi xã hội phải nhìn lại đàn bà, nhìn họ và hiểu họ từ những đặc trưng riêng của giới. Với Gia đình bé mọn, Dạ Ngân đã cho phép nhân vật Mỹ Tiệp vượt qua dư luận, định kiến để từ bỏ hôn nhân, quên đi những tủi nhục khi nhiều lần phải nạo phá thai một mình để có được tình yêu, một tình yêu gắn liền với những thèm khát da thịt, những vụng trộm ngoại tình… miễn là thật sự được sống, được yêu như một người đàn bà đúng nghĩa. Với Trong nước giá lạnh, Võ Thị Xuân Hà đã thể hiện một niềm kiêu hãnh nữ giới, thách thức những định kiến chính trị và quan niệm đạo đức nam quyền khi để “tôi” nằm trên cỏ, khỏa thân dưới cơn mưa, thách thức sự chuyên chính của một người đàn ông thuộc về một thế giới “khác”… Có thể nói, với những mức độ khác nhau, các nhà văn nữ thế hệ đầu tiên sau đổi mới đã đưa ý thức giới vào văn chương, trình hiện những mẫu hình phụ nữ mới, ý thức hơn về quyền năng giới tính của mình, bất chấp những thiệt thòi, mất mát mà xã hội nam quyền vẫn trút lên số phận và cả thân thể họ.
Xuất hiện muộn hơn, với một tâm thế khác hơn, các nhà văn thế hệ 7x, 8x không còn quá chú trọng đến việc kêu gọi xã hội phải chú ý đến phụ nữ, thấu hiểu phụ nữ như một giới, một tập hợp đàn bà có chung gương mặt. Một cách bình thản, những người đàn bà chỉ là chính mình, cả tác giả lẫn nhân vật, không ồn ã song vẫn cất lên tiếng nói của giới thông qua những câu chuyện cá biệt, ít điển hình. Với ba cuốn tiểu thuyết Đàn bà hư ảo, Phúc âm cho một người, Vạn sắc hư vô, Nguyễn Khắc Ngân Vi tiêu biểu cho một thế hệ đàn bà viết mới, ưa chuộng kiểu nhân vật vị kỷ hơn là vị tha, nổi loạn hơn là an phận, thách thức để được là chính mình hơn là hòa hợp để chỉ là một cái bóng. Một kiểu đàn bà phù phiếm, đàn bà hư ảo đã xuất hiện trong văn chương của Nguyễn Khắc Ngân Vi cũng như nhiều nhà văn nữ khác, khẳng định một kiểu ý thức giới mạnh mẽ hơn, bạo liệt hơn, riêng tư hơn, nhưng cũng không kém phần “đáng thương” so với những người đàn bà trong văn chương của các nhà văn nữ thế hệ trước.
Như vậy, cùng với sự vận động của văn học 50 năm sau đổi mới, ý thức giới trong văn học nữ cũng vận động theo hướng ngày càng rõ rệt và mang nhiều sắc thái hơn. Đặc biệt, không bằng lòng với việc khắc họa một chân dung đàn bà nói chung, các cây bút tiểu thuyết nữ những thập niên đầu thế kỉ XXI đã khơi sâu vào những gương mặt đàn bà cụ thể, cá biệt; những người đàn bà không chỉ ý thức “tôi là đàn bà”, mà còn hiểu rõ tôi là một người đàn bà phù phiếm, hư ảo, như cái cách mà Y Ban, Nguyễn Khắc Ngân Vy cùng nhiều nhà văn nữ khác đã khẳng định, qua các trang văn của họ.
2. Điểm nhìn nữ giới và những diễn ngôn cá nhân
Tiểu thuyết nữ có mặt ở tất cả các dòng tiểu thuyết tân lịch sử, tiểu thuyết hiện sinh, tiểu thuyết tính dục... Dẫu ở khuynh hướng nào, điểm chung của tiểu thuyết nữ giới là đều “nhân danh giới”, làm thành một dòng tiểu thuyết mang đậm sắc thái giới, thể hiện một lối viết nữ qua những diễn ngôn cá nhân.
Ở khuynh hướng tiểu thuyết lịch sử, Võ Thị Hảo là nhà văn xác lập sớm nhất một cái nhìn của nữ giới về những câu chuyện gắn với những người đàn bà làm nên lịch sử. So với tác phẩm của các nhà văn nam, Giàn thiêu gây tiếng vang và tạo nên một hiệu ứng tiếp nhận “khác” về tiểu thuyết lịch sử, bởi thế giới đàn bà và vai trò của họ đậm đặc trong đó. Sự kiện 76 cung nữ bị thái hậu Ỷ Lan thiêu sống, những số phận đàn bà trong và ngoài cung cấm…, không chỉ là ngọn lửa thiêu đốt cuộc đời nhiều kiếp của Từ Lộ mà còn là một thứ ánh sáng rọi chiếu vào những góc tối tăm, để tiếng thét của những nữ nhân bị cột chặt vào lịch sử được biết đến, cho dù họ là nạn nhân hay là biểu tượng cứu rỗi. Có thể nói, tuy phụ nữ chưa phải là nhân vật trung tâm của tiểu thuyết Giàn thiêu, song, với số lượng nhân vật nữ khá nhiều và đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển cốt truyện, dựng lại diện mạo lịch sử, Võ Thị Hảo đã mở đầu cho một khuynh hướng tiểu thuyết lịch sử “khác” của các nhà văn nữ, nơi phụ nữ không còn mờ nhạt khuất sau các tấm màn sự kiện, mà chủ động vén màn, can dự trực tiếp vào sự vận động của lịch sử.
Với hai tiểu thuyết mà nhân vật trung tâm đều là phụ nữ, Trần Thùy Mai đã góp phần cũng xác lập một xu hướng tiểu thuyết lịch sử mang cái nhìn của nữ giới. Tiểu thuyết của Trần Thùy Mai xoay quanh những bi phận đàn bà như tên gọi của từng tác phẩm (Từ Dụ thái hậu, Công chúa Đồng Xuân). Từ một sự kiện được ghi chép trong sử sách, Trần Thùy Mai đã thương cảm cho một số phận hồng nhan trước những ba đào lịch sử mà viết nên tiểu thuyết Công chúa Đồng Xuân, lật lại một trong những vụ án tai tiếng bậc nhất triều Nguyễn. Những điểm mờ của lịch sử, những mưu đồ chính trị mà xưa nay không ít nữ giới bị biến thành công cụ, trở thành điểm tựa để Trần Thùy Mai viết lại một lịch sử “khác” - lịch sử của một người đàn bà hoàng tộc nhiều khao khát và trở thành tội đồ của lễ giáo, của gia quy; lịch sử của một giai đoạn triều Nguyễn gắn với những thân phận và bi kịch nữ giới. Cũng từ điểm nhìn nữ giới, thay vì tập trung vào những tranh giành quyền lực và các lũng đoạn của đại thần, tiểu thuyết Từ Dụ thái hậu của Trần Thùy Mai đã tô đậm vẻ đẹp nết na, hiền hậu của Phạm Thị Hằng, từ khi chỉ là một cô thiếu nữ con nhà gia thế, đến khi ở tột bực ngôi cao, qua một mối tình đơn phương “có thể có” của người bạn thanh mai trúc mã Trương Đăng Quế, bằng những hình dung của một nhà tiểu thuyết. Lịch sử qua trang văn của các nhà văn nữ vì thế là một lịch sử của cảm xúc hơn là lịch sử của những sự kiện chỉ được chép lại bởi những trang sử vô cảm, lạnh lùng. Đặc biệt, nhìn lịch sử từ những khía cạnh “ngôn tình”, nhà văn trẻ Trường An đã khôi phục lại một giai đoạn lịch sử phức tạp từ Tây Sơn đến Nguyễn Ánh qua số phận của những người phụ nữ, nhất là ở hai tiểu thuyết Vũ tịch và Hồ Dương. Đó là một Ngọc Bình với sự thê lương u uất in cả vào dáng hình, với cái tên Bình song chữ bình theo nghĩa bèo trôi chứ nào có bình an. Nhân vật Ngọc Bình trong tác phẩm Vũ tịch được soi chiếu từ nhiều điểm nhìn. Và ngược lại cái nhìn của nàng cũng là căn cứ để lý giải những câu chuyện lịch sử: từ sự bất lực của Quang Toản và cái ngai vàng không đủ sức mang vác; từ những tham vọng và ưu tư của Gia Long cho một đất nước Việt Nam thống nhất… đến những sự kiện, biến cố của lịch sử, chiến tranh hằn lên số phận của mỗi người. Đó còn là những cái giá mà phụ nữ Nguyễn tộc đã phải trả cho một ngày về Phú Xuân của Nguyễn Ánh qua những oán thán của công chúa Ngọc Du trong tiểu thuyết Hồ Dương. Có thể nói, đã có một lịch sử được tưởng tượng và lý giải qua lăng kính của tình yêu và những xúc cảm nữ giới.
Xu hướng tính dục cũng làm nên nét đặc sắc của tiểu thuyết nữ, đặc biệt là ở tiểu thuyết nữ đầu thế kỉ XXI. Với nữ giới, tính dục là tự do bản thể, là niềm kiêu hãnh giới tính, là nữ quyền. Từ ý thức bình đẳng giới, văn học nữ trở thành những diễn ngôn mới về tính dục nữ. Lấy nữ giới làm chủ thể trải nghiệm, chủ thể trần thuật… nhiều tiểu thuyết nữ đã công phá vào những “vùng cấm kị” để khẳng định tiếng nói, khẳng định “quyền” của phụ nữ (trong đó có những “quyền năng” từ giới tính). Tiểu thuyết Y Ban, Thuận, Dạ Ngân, Lý Lan, Võ Thị Xuân Hà... thường xây dựng những nhân vật nữ với niềm kiêu hãnh giới, ngôn ngữ thân thể được khai thác tối đa. Y Ban (Xuân Từ Chiều, Trò chơi hủy diệt cảm xúc, ABCD), Thuận (Vân Vi, Thang máy Sài Gòn, Thư gửi Mina, Sậy), Nguyễn Khắc Ngân Vi (Đàn bà hư ảo, Phúc âm cho một người, Vạn sắc hư vô) khai thác đến tận cùng những ẩn ức, khát vọng tính dục. Tính dục lệch pha/đồng tính cũng xuất hiện đậm nhạt trong những trang văn của nữ giới. Với cuốn tiểu thuyết đầu tay, Vũ Phương Nghi đi sâu vào thế giới “hủ nữ” với những câu hỏi day dứt: “Những người đồng tính luyến ái thật sự nhìn nhận thế nào về hủ nữ? Và cuộc sống thật sự của những cô gái này ra sao?” (Chuyện lan man đầu thế kỷ). Võ Thị Xuân Hà dựa vào ý thức bình đẳng tính dục giới, khẳng định tiếng nói, khẳng định “quyền” của phụ nữ (Trong nước giá lạnh, Tường thành). Đã có nhiều phát ngôn của các nhà văn nữ về sex trong văn chương, đa phần họ đều “nhân danh tính đàn bà” để khẳng định quyền bình đẳng tính dục.
Đề cao nhân vị, về cơ bản, tiểu thuyết đầu thế kỉ XXI vẫn đau đáu truy tìm ý nghĩa của tồn tại trong mỗi một khoảnh khắc hiện hữu. Nhạy bén, mẫn cảm với những điều thuộc về “cái tôi ẩn mật”, nữ giới tập trung vào các trạng huống hiện hữu cá biệt của con người trong đời sống để thấu triệt bản ngã. Góp một cái nhìn của nữ giới vào xu hướng tiểu thuyết hiện sinh, tiểu thuyết của Phan Việt là hành trình tìm lại chính mình của con người trong trạng thái lo âu, bất ổn, luôn đuổi theo, truy tìm “khao khát và ham muốn như một tầng dưới của hạnh phúc, bất chấp hạnh phúc chứ không phải vì không có hạnh phúc” (Tiếng người). Từ những ẩn ngôn của tâm linh, trên bề mặt của vật vã đời sống, thấp thoáng ẩn hiện những số phận, những khuôn mặt nữ đầy cá tính nhưng cũng lắm chông gai, với bốn cuốn tiểu thuyết Ngụ cư, Thức giấc, Nhân gian và Chân trần, Thùy Dương đã dồn nén nhiều vấn đề triết lí, nhiều suy tư trăn trở của nhà văn về một cõi nhân gian bé tí hiện tồn ngay từ nhan đề của tác phẩm. Có thể nói, với cảm thức hiện sinh, các nhà văn nữ gặp gỡ nhau ở ý thức mô tả một kiểu nhân vật lạc lõng, xa lạ giữa một thế giới phẳng, thế giới phi lí, chông chênh trong trạng thái vừa muốn kết nối vừa tách rời cuộc sống. Nhân vật của Phan Hồn Nhiên “sống với khoảng không mênh mông, hoang mang hơn tất cả những gì tôi đã cố hình dung trước đấy. Tôi không khóc, cũng cũng buồn thảm kiệt quệ. Chỉ đơn giản là tôi vắng vẻ đến cùng cực” (Dạt vòm). Nhân vật của Phong Điệp, sau những nỗi đau phải sống, những áp lực cuộc đời cũng tìm đến cái chết như một sự trút bỏ gánh nặng cuộc đời (Blogger). Từ nhiều góc nhìn, kết hợp các loại diễn ngôn, nhà văn nữ hải ngoại Đoàn Minh Phượng cũng biểu đạt thành công nỗi cô đơn phận người qua ba tiểu thuyết Và khi tro bụi, Hạt mưa rơi bao lâu, Tiếng kiều đồng vọng. Thuận, với tiểu thuyết Sậy, tiếp tục nhận diện cảm thức tha hương cùng những loay hoay tồn tại của những thân phận nữ giới trong những giằng co giữa các nền văn hóa. Có thể nói, từ điểm nhìn giới, các nhà văn nữ đã đối thoại với quá khứ, không ngần ngại phơi bày xung đột giữa những định kiến truyền thống và quan niệm hiện đại, giữa những ràng buộc của nữ giới và những đấu tranh cho chính họ (Y Ban, Dạ Ngân, Nguyễn Khắc Ngân Vi). Quan niệm và cái nhìn nữ giới trong tiểu thuyết nữ đầu thế kỉ XXI có thể còn gây nhiều tranh cãi. Tuy vậy, không thể phủ nhận rằng, bằng các tác phẩm của mình họ đã trình bày một tiếng nói riêng, tiếng nói của các cá nhân, của những thân phận nữ giới và làm nên sự khởi sắc của tiểu thuyết đầu thế kỉ.
3. Kết luận
50 năm sau chiến tranh, gần 40 năm sau đổi mới, và cũng gần hết một phần tư thế kỉ của thế kỉ XXI, từng chút một, các nhà văn nữ đã khẳng định vị trí quan trọng của họ trên văn đàn và đóng góp đáng kể vào thành tựu đa dạng chung của văn học Việt Nam đương đại. Văn học nữ, đặc biệt là tiểu thuyết nữ đầu thế kỉ XXI, không chỉ là những câu chuyện dành riêng cho nữ giới. Nhân danh diễn ngôn đàn bà, tiểu thuyết nữ chạm đến mọi phương diện của cuộc sống đương đại thông qua các trò chơi ngôn ngữ, trò chơi cấu trúc, đem lại những ánh xạ về đời sống qua những khả thể của những câu chuyện văn chương. Phải chăng, từ góc độ của cái riêng, cái khác về giới, các nhà văn nữ đã “Luôn ước muốn sáng tạo một nền văn học cho chính mình (a literature of your own). Cho chính mình? Tức là cho thời đại mình”, như nhà văn Võ Thị Xuân Hà từng chia sẻ. Và vì thế mà đã có một ý thức giới đặc biệt hiện diện rõ rệt trong tiểu thuyết và trong văn học nữ những năm đầu thế kỉ XXI.
----------------
* Tham luận tại Hội nghị Lý luận phê bình lần thứ V