Chuyên đề

“Time Shelter” giành giải Booker Quốc tế

Câu chuyện văn hoá
11:03 | 04/06/2023
Tác phẩm của Georgi Gospodinov dịch bởi Angela Rodel là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Bulgari giành được giải thưởng danh giá này.
aa

Tác phẩm của Georgi Gospodinov dịch bởi Angela Rodel là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Bulgari giành được giải thưởng danh giá này.

Tiểu thuyết gia Gospodinov nâng cúp chiến thắng.

Tác phẩm đến từ kí ức

Là cuốn tiểu thuyết có cấu trúc phức tạp, Time Shelter xoay quanh một bác sĩ tâm thần thành lập một phòng khám tư ở Thụy Sĩ để giúp những người mắc Alzheimer có thể tìm lại kí ức của mình. Phòng khám bao gồm 8 không gian lớn được tái tạo lại theo các thời đại ở trong quá khứ, từ thực phẩm, các loại thuốc lá, âm nhạc… cho đến những tờ nhật báo được ra thường ngày vào giai đoạn đó. Thử nghiệm này rất thành công, từ đó “tiếng lành đồn xa” ra khỏi bức tường bệnh viện.

Leïla Slimani, tác giả người Pháp gốc Maroc từng chiến thắng giải thưởng Goncourt, là chủ tịch hội đồng giám khảo năm nay, nhận định về tiểu thuyết này như sau: “Time Shelter là cuốn tiểu thuyết xuất sắc, đầy trớ trêu nhưng cũng u sầu”. Nó chứa những cảnh “đau lòng” khiến ban giám khảo phải tự hỏi mình “làm thế nào mà kí ức có thể trở thành nền tảng cho bản sắc chúng ta”. Cô cũng nói thêm đây là “một cuốn tiểu thuyết tuyệt vời về châu Âu, vùng đất đang cần một tương lai mới, nơi mà quá khứ được tái tạo từ những nỗi hoài nhớ đã là thuốc độc suốt các năm qua.” Slimani cũng tiết lộ rằng hội đồng giám khảo mất hơn 3 giờ tìm ra được người chiến thắng, nhưng không có những tranh luận lớn tiếng hay “đẫm máu” nào.

Ngoài là cuốn sách hư cấu ở phía bề mặt, thì các nhà phê bình cũng đã nhấn mạnh liệu có hay không Gospodinov cũng đã gửi gắm trách nhiệm chính trị trong tác phẩm này. Adrian Nathan West, trong một bài đánh giá cho tờ The New York Times Book Review, đã nói rằng khi đọc Time Shelter thì người ta “không thể không nghĩ đến những biến động đằng sau các sự kiện lớn, như Brexit, tranh chấp ở Ukraine cũng như nỗ lực để biến nước Mĩ vĩ đại thêm một lần nữa…”

Phát biểu trong lúc nhận giải, Gospodinov nói rằng: “Cuốn tiểu thuyết này được tôi viết ra vừa mang tính chất cá nhân lại vừa mang tính chính trị”. Rodel, dịch giả của cuốn tiểu thuyết, cũng cảm ơn ban giám khảo vì đã “khai thác những kho tàng quý của nền văn học và dịch thuật thế giới, để thấy chúng rất xứng đáng với việc khai quật”.

Sinh năm 1974 tại Minnesota, Hoa Kì, Rodel có niềm đam mê lớn với nhạc dân gian của Bungari, cũng như văn chương của đất nước này. Gần đây cô cũng thực hiện một bản dịch khác từ tác phẩm của Georgi Markov, một nhà bất đồng chính kiến ​​người Bulgari, từng bị ám sát ở London năm 1978.

Đây là cuốn sách đầu tiên của Bungari đã được đề cử và cũng là cuốn sách đầu giành được chiến thắng. Sự kiện lần này cũng trùng với ngày 24 tháng 5 - ngày mà Bulgari kỉ niệm bảng chữ cái và văn học Slavonic. Trên các phương tiện truyền thông địa phương, người Bulgari so sánh chiến thắng này với bước đột phá khác vào World Cup 1994, khi đất nước này đã được công nhận một cách đặc biệt.

Văn nghiệp giữa những lằn ranh

Tiểu thuyết gia Gospodinov nâng cúp chiến thắng.

Gospodinov, 55 tuổi, là người Bulgari đầu tiên đoạt giải Booker Quốc Tế. Theo đó, Time Shelter là cuốn tiểu thuyết thứ 3 được dịch sang tiếng Anh của ông, và đã đánh bại 5 cuốn sách khác. Sinh năm 1968 tại thành phố nhỏ Yambol, ông hiện là một trong những nhà văn thành công nhất của đất nước mình. Ông từng là một nhà thơ trước khi chuyển sang viết tiểu thuyết, và cuốn hư cấu đầu tiên của ông, Natural Novel (tạm dịch: Tiểu thuyết như nó vốn là) đã được xuất bản vào năm 1999.

Tác giả của cuốn Điều thuộc về em - Garth Greenwell từng viết trên tờ The New Yorker năm 2015 rằng chính tác phẩm đầu tay này đã đưa Gospodinov “lên vị trí hàng đầu trong thế hệ các nhà văn Bulgari xuất hiện sau quá trình chuyển đổi của đất nước này sang chế độ dân chủ.”

Đánh giá về văn nghiệp ông, một số nhà phê bình đã nhận định rằng các tác phẩm của Gospodinov thường lấy cảm hứng từ xã hội và chính trị Bungari hoặc những nhận thức bên ngoài về khu vực Đông Âu. Theo đó cuốn sách thứ 2 - tiểu thuyết The Physics of Sorrow (tạm dịch: Thể chất của nỗi buồn) kể về một nhân vật chính hiện đang tồn tại ở một đất nước mà được cho rằng “buồn nhất thế giới”. Nó lấy cảm hứng từ những khuôn sáo thuộc về phương Tây khi nhìn nhận về tính khí của người Đông Âu.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây về Giải Booker Quốc tế, Gospodinov cho biết Time Shelter được viết khi ông nhìn rộng ra khỏi biên giới đất nước, và được truyền cảm hứng từ xu hướng toàn cầu hóa hướng tới chủ nghĩa dân túy. Khi được xuất bản tại đất nước mình, cuốn tiểu thuyết này đứng đầu trong bảng xếp hạng tác phẩm bán chạy, cũng như giành được giải thưởng Strega European liền ngay sau đó.

Chiến thắng của Time Shelter đánh dấu năm thứ hai liên tiếp giải thưởng được trao cho một cuốn sách viết bằng ngôn ngữ chưa từng xuất hiện trước đó. Người chiến thắng năm ngoái, Tomb of Sand (tạm dịch: Mộ cát) của Geetanjali Shree, do Daisy Rockwell dịch, là cuốn tiểu thuyết đầu tiên được dịch từ tiếng Hindi lần đầu tiên giành chiến thắng.

Fiammetta Rocco, thành viên quản lý của giải Booker Quốc tế cho biết “mặc dù tiểu thuyết dịch thuật được xuất bản ở Anh luôn có cách nhìn tương đối đặc biệt về mặt văn chương, nhưng tôi không nghĩ đó là số ít. Những ngày gần đây đã có một sự chuyển biến đang được diễn ra. Chúng ngày càng phổ biến hơn trong phạm vi của các nhà xuất bản độc lập, bằng ngôn ngữ mà chúng tôi chưa từng nhìn thấy trước đây.”

Nói về chiến thắng lần này, Gospodinov cũng chia sẻ rằng: “nó sẽ khuyến khích thêm nhiều nhà văn không chỉ đến từ đất nước của tôi, mà còn từ vùng Balkan - những người vẫn thường cảm thấy là mình nằm ngoài phạm vi chú ý của những độc giả nói tiếng Anh. Người ta thường nói ‘các chủ đề lớn’ được dành cho ‘các nền văn học lớn’, hoặc các nền văn học được viết bằng ngôn ngữ lớn. Trong khi ngôn ngữ nhỏ, bằng cách nào đó lại theo mặc định là dành cho tính địa phương cũng như ngoại lai. Các giải thưởng như Giải Booker Quốc tế đang thay đổi hiện trạng đó và điều này rất, rất quan trọng. Tôi nghĩ mọi ngôn ngữ đều có khả năng kể các câu chuyện về thế giới này và cũng là của mỗi một cá nhân”.

NGÔ THUẬN PHÁT dịch theo The Guardian và Website của giải Booker.

Nguồn VNQĐ


Với Đào Tấn chuyện đời như kịch

Với Đào Tấn chuyện đời như kịch

Baovannghe.vn - Ngày trước, người viết tuồng có tài trước hết phải là một nhà thơ có tài. Đào Tấn là một nhà thơ có tài. Nhưng như thế chưa đủ. Người viết tuồng có tài còn phải là một đạo diễn có tài, một nghệ sĩ biểu diễn có tài, và một nhạc sĩ có tài nữa.
Nương ngày tháng ta về - Thơ Nguyễn Xuân Sang

Nương ngày tháng ta về - Thơ Nguyễn Xuân Sang

Baovannghe.vn- Những ngày tháng mười một gọi nhau về/ Vỡ òa đong đưa chiếc nôi kỉ niệm
Thời tiết ngày 24/11: Miền Bắc tiếp tục hanh khô, trước khi đón không khí lạnh mạnh

Thời tiết ngày 24/11: Miền Bắc tiếp tục hanh khô, trước khi đón không khí lạnh mạnh

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia thời tiết ngày 24/11 khu vực Bắc bộ duy trì trạng thái nắng hanh, Nam bộ mưa nắng đan xen
Quốc hội thông qua Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi) với 9 điểm mới mang tính đột phá

Quốc hội thông qua Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi) với 9 điểm mới mang tính đột phá

Baovannghe.vn - Chiều 23/11, tại Kỳ họp thứ Tám Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) với 9 điểm mới so với luật hiện hành.
50 năm sau ngày đất nước thống nhất - Lý luận, phê bình Văn học, nghệ thuật TP.HCM có gì?

50 năm sau ngày đất nước thống nhất - Lý luận, phê bình Văn học, nghệ thuật TP.HCM có gì?

Baovannghe.vn - Toạ đàm “Lý luận, phê bình Văn học, nghệ thuật TP.HCM 50 năm sau ngày đất nước thống nhất: Thực trạng và giải pháp” do Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM tổ chức sáng 23/11